Keywords: PCF, bad debt, operational risk, legal risk.
1. Giới thiệu
Quản lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) là một trong những vấn đề được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm hàng đầu. Rủi ro là nhân tố chính ảnh hưởng đến giá trị của TCTD và hiệu quả hoạt động của các TCTD. Mặc dù các QTDND đang hoạt động trong thị trường ngân hàng bán lẻ giống như các ngân hàng thông thường, nhưng các QTDND có sự khác biệt trong cấu trúc và hoạt động. Các thủ tục nội bộ về quản lý rủi ro trong các QTDND cũng không được chặt chẽ như ở các ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi vì, các thành viên của QTDND đồng thời là chủ sở hữu của QTDND nên không tồn tại những phát sinh từ mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người quản lý. Chính vì vậy, ban lãnh đạo QTDND không quá chú trọng xây dựng các quy trình quản lý rủi ro và kiểm soát rủi ro trong hoạt động của QTDND. Trong một số trường hợp, việc quản lý rủi ro không đầy đủ có thể dẫn đến sự phá sản của các QTDND riêng lẻ hoặc gây ảnh hưởng toàn bộ hệ thống QTDND, có thể sẽ có ảnh hưởng dây chuyền đến hệ thống các TCTD. Với tầm quan trọng của vấn đề, bài viết sẽ đánh giá thực trạng rủi ro của hệ thống QTDND, đề xuất các khuyến nghị để phát triển an toàn hệ thống QTDND.
2. Thực trạng rủi ro của hệ thống QTDND
Rủi ro từ nợ xấu
Nợ xấu và nợ quá hạn quá lớn luôn là yếu tố chính đứng sau sự thất bại của các QTDND. Tỷ lệ nợ xấu hệ thống QTDND trong giai đoạn 2011 - 2017 tuy không cao nhưng có xu hướng tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ ở mức độ cao và nghiêm trọng nhất) chiếm tỷ trọng cao (trung bình là 60,4%) và có xu hướng tăng qua các năm. Thực trạng này cho thấy, hoạt động cho vay của một số QTDND bộc lộ nhiều bất cập, tiềm ẩn rủi ro. Quản trị rủi ro tín dụng của nhiều QTDND còn yếu, quy trình thẩm định xét duyệt cho vay còn lỏng lẻo. Để hạn chế sự ảnh hưởng của nợ xấu đến nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Sau 3 năm tích cực xử lý nợ xấu, đến năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống QTDND đã giảm dưới mức 1%. Cụ thể, hệ thống QTDND tại tỉnh Nam Định từ năm 2017 đến năm 2020 đã xử lý 2.590,98 tỷ đồng nợ xấu, bằng các biện pháp thu hồi nợ từ khách hàng, phát mại tài sản thế chấp… Đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu hệ thống QTDND Nam Định giảm còn 9,297 tỷ đồng, giảm 99,64%. Tại tỉnh Hòa Bình, đến hết năm 2020, hệ thống QTDND tỉnh Hòa Bình có nợ xấu 10,97 tỷ đồng, chiếm 2,59% tổng dư nợ; hệ thống QTDND tỉnh Phú Thọ tỷ lệ nợ xấu của cả hệ thống chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay; hệ thống QTDND tỉnh Sóc Trăng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1,65%; tỷ lệ nợ xấu của hệ thống QTDND tỉnh Hưng Yên khoảng 1,3%; hệ thống QTDND tỉnh Khánh Hòa có tỷ lệ nợ xấu 0,27%... Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 kéo dài trong cả năm 2021, mà đối tượng bị ảnh hưởng mạnh là các hộ buôn bán nhỏ, thuộc các lĩnh vực ngành nông nghiệp và thủy sản, xây dựng, kinh doanh, dịch vụ… đây cũng là thành viên vay vốn QTDND. Thực tế này dự báo một tỷ lệ nợ xấu gia tăng mạnh ở hệ thống QTDND trong năm 2021. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các TCTD xây dựng các kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng hoạt động của các TCTD, đồng thời, có những dự báo về xu hướng nợ xấu gia tăng trong thời gian tới. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 ở mức 7,1 - 7,7%, xấp xỉ 8%. Với dự báo có cơ sở thực tiễn, xu hướng nợ xấu sẽ gia tăng ở hệ thống QTDND trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu cao sẽ chứa đựng nhiều mối đe dọa cho sự an toàn của hệ thống QTDND nói riêng và các TCTD nói chung.
Rủi ro từ hoạt động
Từ năm 2018 đến năm 2021, số lượng QTDND rơi vào trạng thái kiểm soát đặc biệt có dấu hiệu tăng lên mỗi năm (Bảng 1). Hầu hết các QTDND bị kiểm soát đặc biệt là do yếu kém trong công tác quản trị đã dẫn đến các quyết định cho vay thiếu chính xác, nợ xấu gia tăng, hoạt động kinh doanh thua lỗ. Các QTDND rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt đều có liên quan đến sai phạm của lãnh đạo và cán bộ như sai phạm của QTDND trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hậu Giang... Lãnh đạo QTDND lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác hoặc lãnh đạo QTDND thiếu trách nhiệm, năng lực quản lý điều hành yếu kém dẫn đến bị lợi dụng làm thất thoát tài sản của quỹ. Bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại QTDND còn yếu; năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý QTDND còn hạn chế. Hoạt động của Ban Kiểm soát tại nhiều QTDND chưa đảm bảo tính độc lập trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành. Tại một số QTDND, Ban Kiểm soát đã bị vô hiệu hóa và chỉ mang tính hình thức. Những vấn đề về quản lý này đã đưa một số QTDND rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Nguồn: Tổng hợp từ NHNN
Với đặc điểm QTDND được sở hữu và quản lý bởi các thành viên, do đó, khi các QTDND rơi vào trạng thái kiểm soát đặc biệt, khiến các thành viên của QTDND mất đi nguồn tài trợ tín dụng là nguồn vốn chính tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này gia tăng khó khăn và nghèo đói cho các thành viên, gây cản trở mục tiêu phát triển kinh tế ở các vùng nghèo.
Rủi ro pháp lý
Môi trường pháp lý chưa đầy đủ cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các QTDND. Chẳng hạn, trong công tác cho vay, sự bất cập và chồng chéo của các quy định pháp luật sẽ khiến các cơ quan hữu quan lúng túng trong việc xử lý tranh chấp về tài sản bảo đảm; các quy định về kế toán, kiểm toán chưa có chế tài mạnh mẽ sẽ khiến số liệu báo cáo có mức độ chính xác không cao, phản ánh không đúng kết quả hoạt động của quỹ. Những nội dung luật quy định còn chung chung sẽ khiến các đối tượng chịu tác động chi phối của pháp luật rất khó thực hiện. Chẳng hạn, Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 của Thống đốc NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ đối với các QTDND chưa cụ thể nên QTDND rất lúng túng khi triển khai thực hiện. Hoặc sự bất cập trong quy định như Thông tư số 44/2011/TT-NHNN quy định thành viên Ban Kiểm soát nội bộ do Hội đồng Quản trị bổ nhiệm, Ban Kiểm soát nội bộ chỉ có quyền đề nghị. Trong khi đó, Hội đồng Quản trị cũng là đối tượng thuộc phạm vi giám sát của kiểm soát nội bộ. Hoặc Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Thống đốc NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, QTDND và Quỹ Bảo đảm an toàn hệ thống QTDND của NHNN vẫn còn bất cập về việc quy định công nhận tư cách thành viên. Theo quy định, QTDND hoạt động chịu sự chi phối bởi hai luật, Luật Hợp tác xã và Luật Các TCTD, để được vay vốn và gửi tiền tại QTDND thì khách hàng phải là thành viên của QTDND. Ngoài ra, để xác lập tư cách thành viên thì phải được đại hội thành viên thông qua ở mỗi kỳ thường niên sau khi kết thúc năm tài chính tối đa là 90 ngày theo quy định (ngoại trừ QTDND có lý do phải triệu tập đại hội bất thường). Như vậy, tại thời điểm cần vốn nhưng chưa được xác lập tư cách thành viên thì khách hàng không thể được vay vốn mà phải đợi đại hội thông qua, ít nhất là phải đợi 09 tháng… Những bất cập trong quy định pháp lý sẽ tạo ra rủi ro pháp lý cho QTDND, nó có thể làm gia tăng nợ xấu và giảm hiệu quả hoạt động của QTDND.
Hệ thống QTDND được xem là một kênh dẫn vốn quan trọng đến với nông dân ở khu vực nông thôn và người dân nghèo ở thành thị, đóng góp quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, hạn chế tệ nạntín dụng đen.
|
3. Một số khuyến nghị nhằm hạn chế rủi ro của hệ thống QTDND
Phát triển an toàn, hiệu quả hệ thống QTDND là một trong những mục tiêu quan trọng của Nhà nước, điều này cũng được thể hiện trong “Đề án Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/01/2019 của Thống đốc NHNN. Theo định hướng của Đề án và từ thực trạng phân tích ở trên, để hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững, tác giả đề xuất những khuyến nghị sau:
Cần kiểm soát nợ xấu
Nợ xấu cao là yếu tố đẩy các QTDND nhanh chóng đi đến sự đổ vỡ. Do đó, để kiểm soát nợ xấu, yêu cầu các QTDND cần tuân thủ đúng các quy định về an toàn trong hoạt động, các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy chế nội bộ về hoạt động cho vay, quản lý tiền vay, đảm bảo việc sử dụng tiền vay đúng mục đích; tăng cường thiết chế kiểm soát hoạt động tín dụng theo nguyên tắc phân định và bảo đảm tính độc lập giữa bộ phận thẩm định và bộ phận xét duyệt cho vay; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, chủ động quản lý và kiểm soát nợ xấu; tăng cường quản lý rủi ro để giảm chi phí dự phòng rủi ro. Trước mắt, để đối phó với tỷ lệ nợ xấu gia tăng do đại dịch Covid-19, các QTDND cần trung thực báo cáo và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của NHNN.
Nâng cao năng lực quản lý QTDND
Năng lực và trình độ quản lý của Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc QTDND là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công hay thất bại của tổ chức. Hiện nay, về cơ bản thì đội ngũ cán bộ chủ chốt của QTDND đã được đào tạo qua các lớp nghiệp vụ chuyên môn về QTDND ngắn ngày và trình độ tối thiểu là trung cấp trở lên. Hầu hết đội ngũ lãnh đạo đều đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ theo quy định. Tuy nhiên, năng lực quản trị điều hành của Hội đồng Quản trị còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa theo kịp với xu thế. Một trong những lý do đó là một số thành viên lớn tuổi vẫn còn tham gia công tác, đặc biệt lại là nhân sự chủ chốt ở các QTDND. Điều này khiến khả năng tiếp cận ngoại ngữ, tin học, công nghệ tài chính hiện đại bị hạn chế, khiến QTDND hoạt động chưa phù hợp với sự phát triển của thị trường hiện tại. Do đó, trong Đề án Củng cố và phát triển QTDND nêu rõ “cần tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và tinh gọn bộ máy quản lý, nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động của QTDND, rà soát đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc QTDND phù hợp với quy mô hoạt động của các QTDND; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán của QTDND”. Nếu nội dung này được thực hiện tốt, sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc phát triển hiệu quả hệ thống QTDND.
Cần tách riêng một hệ thống pháp luật cho QTDND
Mặc dù, hệ thống QTDND thời gian qua đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng loại hình QTDND vẫn là những tổ chức dễ bị tổn thương khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội, đó là phục vụ những đối tượng yếu thế có hoàn cảnh khó khăn đa số ở vùng nông nghiệp, nông thôn, song, so với các TCTD khác, QTDND có quy mô tài sản nhỏ, năng lực tài chính yếu hơn. Thời gian qua, đã có nhiều thay đổi về mô hình và công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống QTDND, chủ trương của Đảng và Nhà nước là kiên trì phát triển loại hình kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng, cho nên phải không ngừng hoàn thiện các nội dung quy định trong công tác quản lý Nhà nước đối với riêng hệ thống QTDND. Hiện nay, một số nội dung quy định trong quản lý của hệ thống pháp luật đối với QTDND chưa hoàn toàn phù hợp như thực trạng đã nêu. Kinh nghiệm các nước có tồn tại hệ thống QTDND (Hệ thống Liên hiệp Tín dụng - Credit Unions), đều có ban hành một hệ thống luật riêng biệt cho loại hình, đó là Luật Các liên hiệp Tín dụng (Credit Union Law). Với quy mô tổng tài sản, quy mô số lượng và các đặc thù riêng của QTDND Việt Nam, việc tách riêng một hệ thống luật cho hệ thống QTDND là cần thiết, như vậy, sẽ thuận lợi trong việc điều hành, giám sát hoạt động hệ thống QTDND, giảm thiểu rủi ro pháp lý cho QTDND.
Tăng cường giám sát hoạt động của QTDND
Cơ quan thanh tra, giám sát các TCTD cần tăng cường hơn nữa thanh tra, giám sát, phân tích và đánh giá chất lượng tài sản của các QTDND, các yếu tố liên quan đến tính thanh khoản, khả năng thanh toán, các khoản dự trữ... các chỉ số này có thể đưa ra cảnh báo sớm về tình trạng khó khăn của QTDND. Từ đó, phối hợp với QTDND đưa ra các giải pháp chấn chỉnh kịp thời, trước khi QTDND thật sự rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc phá sản. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, nếu quốc gia xây dựng đầy đủ hệ thống cảnh báo sớm để xác định các vấn đề tiêu cực sẽ phát sinh; xây dựng hệ thống can thiệp sớm để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và linh hoạt, thì hệ thống QTDND sẽ hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo Ngân hàng Hợp tác xã về tình hình hoạt động QTDND.
2. Đề án Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/01/2019 của Thống đốc NHNN.
3. Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 của Thống đốc NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
4. Thông tư số 42/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN về quy định xếp hạng QTDND.
5. Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Thống đốc NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về Ngân hàng Hợp tác xã, QTDND và Quỹ Bảo đảm an toàn hệ thống QTDND.
6. https://viettimes.vn/pho-thong-doc-nhnn-ty-le-no-xau-toan-he-thong-co-the-dat-gan-8-vao-cuoi-nam-2021-post150848.html, truy cập ngày 5/12/2021.
7. http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202009/hieu-qua-buoc-dau-thi-diem-xu-ly-no-xau-cua-cac-quy-tin-dung-nhan-dan-2539862/, truy cập ngày 6/12/2021.
8. http://www.baohoabinh.com.vn/12/151530/Hieu-qua-hoat-dong-cua-he-thong-quy-tin-dung-nhan-dan.htm, truy cập ngày 6/12/2021.
TS. Lê Hà Diễm Chi, Trịnh Thị Thu Dung