1. Thành công trong kiểm soát lạm phát năm thứ 12 liên tiếp
Năm 2023, lạm phát bình quân của Việt Nam tăng 3,25%, đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra là kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%. Đây là năm thứ 12 liên tiếp Việt Nam duy trì được mức lạm phát một con số kể từ sau khi lạm phát tăng cao năm 2011, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào đồng nội tệ và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Thành công trong kiểm soát lạm phát là kết quả của sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ (CSTT), chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, giữa các bộ, ngành quản lí kinh tế ở Trung ương và các địa phương trong công tác quản lí, điều hành giá, đảm bảo cân đối cung, cầu và lưu thông các mặt hàng trên thị trường và sự phản ứng chủ động, linh hoạt, kịp thời của các cơ quan chức năng trước những diễn biến mới từ thị trường quốc tế và nội địa.
Nếu nhìn sâu vào bức tranh về lạm phát của Việt Nam năm 2023, chúng ta sẽ bắt gặp những câu chuyện nhiều màu sắc về sự vận động của nền kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới, trong đó, có cả những câu chuyện tích cực nhưng cũng có những hạn chế, khó khăn đan xen. Một số những diễn biến nổi bật trong kết quả kiểm soát lạm phát năm 2023 có thể kể đến như sau:
(i) Giá năng lượng trong nước (xăng dầu, gas) quay đầu giảm theo giá thế giới, hỗ trợ kiểm soát lạm phát: Nếu như năm 2022, sự tăng giá của giá xăng dầu và giá gas trong nước xuất phát từ việc giá dầu và giá gas thế giới tăng cao trong bối cảnh xung đột địa chính trị và vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là nhân tố đóng góp lớn nhất vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 (giá xăng dầu và giá gas trong nước bình quân năm 2022 tăng lần lượt 28,01% và 11,49%, làm CPI chung tăng 1,01 và 0,17 điểm phần trăm) thì câu chuyện của năm 2023 lại hoàn toàn ngược lại. Năm 2023, xăng dầu và gas lại là một trong số ít những nhóm hàng có xu hướng giảm giá do giá thế giới điều chỉnh giảm, hỗ trợ kiểm soát lạm phát (chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước giảm 11,02%, giá dầu hỏa giảm 10,02% so với năm 2022, làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm và chỉ số giá nhóm gas giảm 6,94% so với năm 2022, làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm).
(ii) Giá lương thực, thực phẩm trong nước được kiểm soát tốt nhờ nguồn cung dồi dào: Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang vật lộn với tình hình giá lương thực, thực phẩm trong nước tăng cao (châu Âu tăng 7,5%, Pháp tăng 7,8%, Đức tăng 6,36%, Nhật tăng 8,6%, Hàn Quốc tăng 6,5%, Ấn Độ tăng 6,6%) do nhiều nguyên nhân, ở Việt Nam, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại có mức tăng thấp hơn nhiều, bình quân 3,44% (trong đó, thực phẩm tươi sống chỉ tăng 2,33%), hỗ trợ tích cực trong kết quả thành công kiểm soát lạm phát. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với đặc thù là trọng số của các nhóm hàng đáp ứng nhu cầu cơ bản như lương thực, thực phẩm trong rổ hàng hóa tiêu dùng sẽ ở mức cao và trong lịch sử, đã không ít thời điểm áp lực lạm phát tăng cao do những diễn biến bất lợi từ giá các mặt hàng này. Trong năm 2023, giá lương thực, thực phẩm trong nước duy trì khá ổn định do nguồn cung dồi dào dưới tác động tổng hợp của nhiều yếu tố như sức cầu trong nước không tăng đột biến, thời tiết tương đối thuận lợi, giá phân bón ít biến động, giá thức ăn chăn nuôi giảm, số lượng đàn gia súc gia cầm tăng, Việt Nam sản xuất được vắc-xin kiểm soát dịch tả lợn châu Phi…
(iii) Sự phối hợp ngày càng nhịp nhàng, hiệu quả giữa các chính sách kinh tế vĩ mô: Những tháng đầu năm 2023 là thời điểm rất khó khăn trong quản lí, điều hành kinh tế vĩ mô của đất nước khi áp lực lạm phát vẫn còn lớn (tháng 01/2023 lạm phát so với cùng kì tăng 4,89%, cao hơn so với mục tiêu cả năm) trong khi tăng trưởng kinh tế suy giảm đáng kể dưới tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường, quyết liệt giảm 04 lần lãi suất điều hành, triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song hành cùng CSTT theo hướng hỗ trợ thì CSTK cũng được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm thông qua các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm tiền thuê đất1, giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiết giảm chi phí, qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, các chính sách quản lí, điều hành giá được triển khai đồng bộ, chặt chẽ như sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước và giúp duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường, tăng cường quản lí, kiểm soát chặt chẽ công tác niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, đấu tranh chống hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lí, đặc biệt là đối với mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm, trang thiết bị y tế… Việc sử dụng đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô nói trên đã bổ khuyết cho nhau, hướng tới đạt được “mục tiêu kép” khi qua từng quý tăng trưởng kinh tế dần được cải thiện trong khi không tạo ra áp lực lớn tới lạm phát, kết thúc bằng việc cán đích thành công mục tiêu lạm phát cả năm 2023.
(iv) Kì vọng lạm phát được neo giữ vững: Theo kết quả từ Điều tra kì vọng lạm phát của các tổ chức tín dụng (TCTD) do NHNN thực hiện trong năm 2023, kì vọng lạm phát bình quân cả năm 2023 luôn được neo giữ vững chắc ở mức 3,4 - 4%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4,5% kể cả trong những giai đoạn áp lực lạm phát tăng cao nhất. Kết quả này phản ánh niềm tin rất lớn của người dân vào năng lực quản lí kinh tế vĩ mô của Chính phủ và điều hành CSTT của NHNN. Đây là thành quả đáng ghi nhận của cả một quá trình liên tục 12 năm kiểm soát thành công lạm phát ở mức mục tiêu cũng như những nỗ lực hoàn thiện cơ chế điều hành CSTT và đẩy mạnh truyền thông của NHNN. Kì vọng lạm phát được neo giữ vững chắc sẽ cải thiện niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự ổn định của đồng nội tệ, giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế, hỗ trợ khơi thông nguồn lực chảy vào các khu vực sản xuất kinh doanh và tăng cường hiệu lực, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô quốc gia.
(v) Tỉ giá được điều hành linh hoạt, hỗ trợ kiểm soát lạm phát nhập khẩu: Đối với một quốc gia có độ mở thương mại lớn và hội nhập sâu, rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu như Việt Nam, tỉ giá tăng cao hay đồng nội tệ mất giá mạnh sẽ khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế và tạo áp lực lạm phát nhập khẩu. Trong năm 2023, NHNN đã điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, triển khai các giải pháp hạn chế biến động lớn trong ngắn hạn của tỉ giá. Kết quả là năm 2023, VND mất giá khoảng 2,9% so với USD (đồng tiền chủ yếu sử dụng trong thương mại quốc tế), là mức phù hợp với xu hướng chung trên thế giới và trong khu vực, góp phần kiềm chế áp lực lạm phát nhập khẩu từ thế giới.
(vi) Lạm phát cơ bản vẫn có dấu hiệu dai dẳng: Dù lạm phát chung chứng kiến sự giảm tốc ngay từ đầu năm khi tốc độ tăng so với cùng kì liên tục chậm lại (tháng 01/2023: 4,89%; tháng 02/2023: 4,31%, tháng 6/2023: 2%) nhưng lạm phát cơ bản (lạm phát tổng thể loại trừ một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, năng lượng, mặt hàng Nhà nước quản lí giá) lại chứng kiến xu hướng dai dẳng hơn khi duy trì mức tăng so với cùng kì liên tục trên 4% trong nửa đầu năm 2023 và chỉ giảm tốc khi chỉ số giá nhóm nhà ở thuê hạ nhiệt, cuối năm bình quân tăng 4,16%. Diễn biến của lạm phát cơ bản luôn là một trong những chỉ báo cực kì quan trọng đối với công tác điều hành CSTT vì nó bỏ qua những mặt hàng có thể biến động mạnh trong ngắn hạn do các yếu tố bất định nằm ngoài khả năng dự báo và tác động của CSTT (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh…) mà tập trung vào sự tăng giá trên diện rộng, lâu dài của rổ hàng hóa tiêu dùng. Do đó, sự dai dẳng của lạm phát cơ bản cũng là một yếu tố cảnh báo về áp lực lạm phát trong trung hạn của nền kinh tế và cần phải theo dõi sát sao từ các nhà hoạch định chính sách để có phản ứng phù hợp.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới vẫn chứng kiến mức lạm phát cao thì Việt Nam năm thứ 12 liên tiếp hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát, có thể nói là một điểm sáng đáng tự hào. Việc kiểm soát thành công lạm phát đã đóng góp tích cực vào sự ổn định kinh tế vĩ mô nói chung, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào đồng nội tệ và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Những thành công về ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong năm 2023 là một yếu tố rất quan trọng để tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam từ BB lên BB+ (là quốc gia duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong số ít các quốc gia trên thế giới được nâng hạng tín nhiệm), qua đó, gia tăng sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho phục hồi kinh tế bền vững và hiệu quả trong năm 2024.
2. Triển vọng lạm phát năm 2024
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đã phê duyệt mục tiêu tốc độ tăng CPI bình quân 4 - 4,5%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 sẽ chịu tác động đan xen thuận lợi và khó khăn. Một số thuận lợi có thể kể đến như:
Một là, lạm phát thế giới tiếp tục xu hướng tăng chậm lại dưới tác động của CSTT thắt chặt trong thời gian qua, hỗ trợ làm giảm giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, đồng USD dự kiến sẽ có xu hướng yếu đi so với các đồng tiền chủ chốt khác khi Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tiến hành cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2024 cũng làm giảm áp lực đối với tỉ giá trong nước, hỗ trợ kiềm chế lạm phát nhập khẩu.
Hai là, lạm phát kì vọng trong nước được neo giữ vững chắc khi NHNN liên tiếp 12 năm thành công trong mục tiêu kiểm soát lạm phát. Theo kết quả từ cuộc Điều tra kì vọng lạm phát do NHNN thực hiện tháng 12/2023, kì vọng lạm phát bình quân năm 2024 của các TCTD và các chuyên gia kinh tế đạt 3,7%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4 - 4,5%. Lạm phát kì vọng được neo vững chắc sẽ ổn định tâm lí người dân, doanh nghiệp, tránh những phản ứng quá mức khi có biến động bất thường xảy ra, hỗ trợ ổn định mặt bằng giá cả trong nước.
Ba là, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp điều hành, quản lí giá phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Các chính sách như sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm VAT 2% trong nửa đầu năm 2024, thực hiện các giải pháp bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong các dịp lễ, tết cũng giúp giảm bớt áp lực lạm phát trong năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 cũng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen từ cả thị trường trong nước và quốc tế như:
Thứ nhất, áp lực lạm phát cầu kéo từ trong nước khi kinh tế tiếp tục phục hồi. Với các tác động hỗ trợ từ các chính sách kinh tế vĩ mô, các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ đã thực hiện trong năm 2023 và các giải pháp trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2024, kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư trong nền kinh tế tăng lên, gây sức ép từ tổng cầu của nền kinh tế tới giá cả hàng hóa trong nước.
Thứ hai, giá hàng hóa thế giới biến động khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro làm tăng giá hàng hóa trong nước. Theo Ngân hàng Thế giới (tháng 11/2023), giá hàng hóa thế giới năm sau dự kiến giảm 4%, trong đó, cả giá năng lượng, giá kim loại và giá sản phẩm nông nghiệp đều giảm nhẹ do tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những yếu tố bất định trên thế giới như chiến tranh, xung đột địa chính trị, chính sách cắt giảm nguồn cung dầu của OPEC, chính sách thắt chặt an ninh lương thực tại nhiều quốc gia, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan... có thể tác động làm tăng mạnh trở lại giá năng lượng, lương thực và kim loại, qua đó gây áp lực tăng giá nguyên nhiên liệu trong nước.
Thứ ba, giá các mặt hàng do Nhà nước quản lí tiếp tục được điều chỉnh tăng theo lộ trình. Giá dịch vụ giáo dục tăng do các địa phương tăng học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Giá dịch vụ y tế tăng theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp. Bên cạnh đó, giá điện sinh hoạt có thể tiếp tục được điều chỉnh tăng khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao. Tác động tăng của giá điện sinh hoạt không chỉ dừng ở tác động trực tiếp mà còn có thể tiếp tục tác động tới mặt bằng giá cả các hàng hóa khác thông qua tác động tới chi phí sản xuất. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lí là cần thiết, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế thị trường hiện đại để phán ánh chính xác các mối quan hệ lợi ích - chi phí giữa các chủ thể kinh tế nhưng cũng sẽ phần nào làm tăng áp lực lạm phát trong năm 2024.
Thứ tư, việc thực hiện cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2024 sẽ có tác động cải thiện thu nhập của người dân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu chi tiêu và tạo áp lực lạm phát cầu kéo trong nước. Ngoài ra, tác động từ tăng lương trong khu vực công cũng tạo tâm lí lan tỏa tới các khu vực khác trong nền kinh tế và cũng thúc đẩy quá trình điều chỉnh tăng giá các mặt hàng tiêu dùng khác nhanh hơn.
Thứ năm, các yếu tố rủi ro bất ngờ, nằm ngoài tầm dự báo và khống chế như thiên tai, dịch bệnh, các hiện tượng thời tiết cực đoan (hạn hán, mưa đá, sương muối...) có thể ảnh hưởng đến nguồn cung và sự lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, có thể gây áp lực tới lạm phát trong nước tại một số thời điểm nhất định.
Có thể thấy, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 đan xen cả thuận lợi và khó khăn. Nhiều tổ chức quốc tế vẫn tin tưởng vào khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024. Quỹ Tiền tệ quốc tế (tháng 10/2023) dự báo lạm phát Việt Nam 3,43%, Ngân hàng Thế giới (tháng 8/2023) dự báo 3%, Ngân hàng Phát triển châu Á (tháng 9/2023) dự báo 4%, Ngân hàng HSBC (tháng 10/2023) dự báo 3,3%. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy niềm tin của không chỉ người dân, doanh nghiệp trong nước mà cả các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài vào hiệu quả công tác điều hành kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát đã được cải thiện đáng kể. Dù vậy, lạm phát so với cùng kì có xu hướng tăng trở lại từ giữa năm 2023, lạm phát cơ bản dai dẳng và nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn là những cảnh báo không thể chủ quan trong điều hành, quản lí kinh tế vĩ mô, trong đó có điều hành CSTT.
Trong năm 2024, NHNN sẽ điều hành linh hoạt, thận trọng CSTT, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước và mục tiêu CSTT, điều hành tín dụng với khối lượng phù hợp, chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục phát huy vai trò, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong Ban Chỉ đạo điều hành giá quốc gia để thường xuyên đánh giá và dự báo diễn biến thị trường, tham mưu cho Chính phủ các chính sách điều hành và quản lí giá phù hợp, tránh những biến động quá mức, tâm lí đầu cơ, găm giữ làm méo mó giá cả hàng hóa trên thị trường. Năm 2024 là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát sẽ là tiền đề quan trọng để kiến tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIV vào năm 2026.
1 Nghị quyết số 101/2023/QH15 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về giảm 2% mức thuế suất VAT từ 10% xuống 8%; Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về gia hạn VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 của Chính phủ về gian hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 của Chính phủ về quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe được sản xuất, lắp ráp trong nước; Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đào Minh Thắng, Nguyễn Thùy Linh
Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam