Nghị quyết Đại hội XIII đưa ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 có mục riêng về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu.
Tóm tắt:
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) xác định, bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Mục 5 về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ, phải xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Đây là mô hình kinh tế lần đầu tiên được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII.
Từ khóa: Đại hội XIII, môi trường, bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn.
1. Đặt vấn đề
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, trong đó, kinh tế tăng trưởng liên tục, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe được tăng cường; quốc phòng, an ninh được củng cố và ổn định; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả...
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay đang xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, hủy hoại các giống loài, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới: Tại Việt Nam, với 59 điểm trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường, Việt Nam đứng ở vị trí 85/163 các nước được xếp hạng và nằm trong số 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp và ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe con người. Hai trung tâm nghiên cứu môi trường thuộc Đại học Yale và Columbia của Mỹ thực hiện báo cáo thường niên khảo sát ở 132 quốc gia, kết quả nghiên cứu cho thấy: Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123/132 quốc gia khảo sát; về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe đứng vị trí 77; về chất lượng nước Việt Nam được xếp hạng 80. Tính theo chỉ số hiệu quả môi trường (EPI), Việt Nam xếp thứ 79. Đó là những đánh giá chung, còn nếu xem xét cụ thể trên từng khía cạnh thì sẽ càng thấy rõ hơn bức tranh chung của môi trường Việt Nam hiện nay.
Có thể nói, môi trường ngày càng trở thành vấn đề nóng của thời đại, của toàn cầu, ảnh hưởng ngày càng lớn đến phát triển kinh tế bền vững, đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của Nhân dân. Ở nước ta, vấn đề BVMT ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết. Đại hội XIII đặc biệt quan tâm và có nhiều quan điểm, chủ trương cụ thể về vấn đề này. Trong đó, khẳng định quan điểm của Đảng đối với vấn đề môi trường trong bối cảnh mới như: “Lấy BVMT sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
2. Một số vấn đề môi trường bức xúc hiện nay
Vấn đề cung nước sạch và vệ sinh môi trường
Theo đánh giá của Unicef năm 2020, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân tiếp cận với các nguồn nước sạch đã cải thiện, tăng từ 65% (năm 2000) lên 90% (năm 2020). Tuy đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhưng hiện nay vẫn còn gần 2,5 triệu người ở nông thôn chưa được sử dụng nước cơ bản, 10 triệu người vẫn còn chưa được tiệp cận các công trình vệ sinh môi trường. Đại dịch Covid-19 làm tăng nhu cầu cấp bách là mỗi người dân đều phải thực hiện tốt hơn việc vệ sinh cá nhân, nhưng vẫn còn gần 13,6 triệu người chưa có đủ nước và xà phòng tại nhà. Việc thiếu khả năng tiếp cận với nước sạch cùng với việc thực hành vệ sinh kém góp phần làm tăng cao tỷ lệ tiêu chảy, viêm phổi và nhiễm ký sinh trùng. Kết quả là một phần tư trẻ em dưới năm tuổi tại Việt Nam bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Bên cạnh việc bị ảnh hưởng về sức khỏe, các em còn dễ bị bệnh, bị nhiễm trùng và ít có khả năng phát triển chiều cao đầy đủ hoặc khó phát triển đầy đủ năng suất lao động khi trưởng thành.
Vấn đề chất thải rắn sinh hoạt
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2020, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã và đang gia tăng về cả số lượng, thành phần và tính chất, gây áp lực rất lớn đến môi trường. Ước tính, hiện nay trên cả nước, lượng CTRSH phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh CTRSH dự báo tăng 16%/năm.Trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường từ CTRSH, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội. Cùng với mức gia tăng phát sinh CTRSH trong nước, chất thải rắn từ nước ngoài với thành phần đa dạng được nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức phế liệu nhập khẩu để sản xuất chưa đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tạo gánh nặng quản lý CTRSH đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ sở xử lý chất thải rắn.
Ô nhiễm nước mặt
Vấn đề quản lý nước thải ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó khăn hơn. Lượng nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hầu hết không qua xử lý, xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều nguồn nước mặt đã hết khả năng tiếp nhận chất thải, trong khi hàng ngày đang phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải. Nhiều dòng sông không còn khả năng tự làm sạch và bị biến thành nơi dẫn, tiêu thoát và chứa nước thải. Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250.000 người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.
Ô nhiễm không khí
Báo cáo quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2020 về diễn biến chất lượng không khí từ năm 2010 đến năm 2020 cho thấy: Từ năm 2018 đến năm 2019, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng hơn so với giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017. Chỉ số chất lượng không khí tại một số đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thời điểm ở mức xấu với chỉ số AQI từ 150 đến 200, có khi vượt 200, tương đương mức rất xấu. Nguy hại nhất là bụi mịn gồm những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung như PM2.5 (dưới 2.5 micromet), khi thẩm thấu qua đường hô hấp sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn của hàng loạt các căn bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Từ tháng 11 và đầu tháng 12/2020 đã xuất hiện một số đợt ô nhiễm không khí tại Hà Nội và một số đô thị phía Bắc khá nghiêm trọng. Cụ thể, tại Hà Nội, đã có 11 trong số 41 ngày giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí (QCVN) 05:2013/BTNMT. Tại các khu vực nội thành, giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ ở nhiều trạm quan trắc không khí khá cao, tập trung thành những đợt ô nhiễm (diễn ra trong khoảng từ 2 đến 3 ngày). Những ngày này, hầu hết các trạm đều cho thấy giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với QCVN.
Các chuyên gia lĩnh vực y tế cho rằng, tại Việt Nam hiện nay, nguy hại nhất là bụi mịn gồm những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung như PM2.5 và PM10 có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua hệ thống hô hấp, khi con người hít thở; tùy vào kích thước của hạt bụi, mức độ xâm nhập có thể khác nhau. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn của nhiều căn bệnh, ảnh hưởng sức khỏe của người dân đang sinh sống ở các đô thị, thành phố lớn. Nếu như bụi mịn PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ lại trên phổi, thì bụi mịn PM2.5 nguy hiểm hơn khi chúng có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu của người bệnh có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính, tim mạch, thần kinh, đột quỵ, ung thư… Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, ngạt mũi, khó thở, khô mắt; nếu tiếp xúc lâu dài sẽ làm tăng tỷ lệ giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính và tăng tỷ lệ chết do ung thư phổi, bệnh tim…
Ô nhiễm môi trường công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề
Ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề ở mức đáng lo ngại. Năm 2020, nước ta với khoảng 878 khu đô thị, 280 khu công nghiệp, 683 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 5.400 làng nghề, hơn 13.000 cơ sở y tế đang hoạt động... hàng ngày phát sinh hơn 9.000.000 m3 nước thải sinh hoạt (tỷ lệ thu gom đạt khoảng 12%), 650.000 m3 nước thải công nghiệp, 125.000 m3 nước thải y tế. Với khoảng 70% các khu công nghiệp trên cả nước không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có hệ thống xử lý nhưng không đạt quy chuẩn cho phép. Các sự cố môi trường trong thời gian qua gây thiệt hại lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời đã làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong Nhân dân (điển hình như sự cố của Công ty Formosa; Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông...). Theo kết quả rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2020, trên phạm vi cả nước có 36 cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao, cần phải được giám sát đặc biệt và 132 dự án, cơ sở, khu sản xuất tập trung cần phải kiểm soát thường xuyên thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Ô nhiễm môi trường biển
Phần lớn các chất thải từ đất liền tác động gián tiếp đến môi trường nước biển và hải đảo thông qua các cửa sông ven biển, mức độ gia tăng tại các cửa sông chảy qua hoặc gần các thành phố biển. Kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2020 cho thấy, có 74% lượng chất thải rắn của các địa phương có biển được thu gom; lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 122 - 163 triệu m3/ngày; có đến 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước tập trung ở khu vực ven biển, theo đó là sự phát triển các dịch vụ du lịch biển, hệ quả không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị (hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xử lý chất thải khi nhu cầu sử dụng điện, nước) mà còn tác động đến không gian của các đô thị ven biển, tác động rõ nhất là sự thay đổi cảnh quan ven biển, điển hình như các dự án lấn biển làm khu nghỉ dưỡng. Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị. Tình trạng xả các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và những tổn hại khó lường đối với các hệ sinh thái, sinh vật biển.
Suy giảm đa dạng sinh học
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 0,57 triệu ha, chỉ 1% các rạn san hô có độ phủ trên 75%, các loài động vật, thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam ngày càng tăng, có nhiều loài gần như tuyệt chủng. Môi trường hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, vùng biển ven bờ đang chịu ảnh hưởng do xung đột giữa phát triển khu công nghiệp và bảo tồn ở vùng cửa sông châu thổ sông Hồng, rác thải từ nhà máy công nghiệp ở miền Trung, phát triển quá mức lồng bè nuôi ở các vụng, vịnh biển. Diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng tràm, hồ tự nhiên có xu hướng suy giảm nhưng các kiểu đất ngập nước nhân tạo như hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, ao xử lý nước thải… có chiều hướng gia tăng. Vùng đầm lầy than bùn cũng bị thu hẹp diện tích và giảm độ dày. Năm 1950, khu vực rừng Tràm vùng U Minh có đến 400.000 ha, đến năm 2020, sau 70 năm chỉ còn 10.300 ha với độ dày từ 0,4 - 1,2 m. Thảm cỏ biển cũng giảm 50% diện tích so với năm 2012...
3. Nguyên nhân làm ảnh hưởng đến những vấn đề môi trường của Việt Nam
Thực trạng và xu hướng diễn biến môi trường sinh thái của Việt Nam trong những năm qua cho thấy, môi trường Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn trong những năm tiếp theo nếu chúng ta không có những giải pháp khắc phục kịp thời. Những vấn đề môi trường nêu trên do các nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân khách quan: Nước ta nằm ở vị trí địa lý chịu tác động rất lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu và những diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu đã gây ra hạn hán, ngập úng hay nhiễm mặn ở một số vùng. Điều kiện nguồn thu ngân sách khó khăn nên chi đầu tư cho lĩnh vực môi trường rất hạn chế. Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra khá mạnh mẽ cũng góp phần làm gia tăng phát thải khí nhà kính, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học…
Nguyên nhân chủ quan: Nhận thức và ý thức, trách nhiệm của một bộ phận lớn cán bộ, công chức, viên chức, người dân về BVMT chuyển biến chậm. Đặc biệt, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chính quyền các cấp và chủ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Một số cán bộ lại bị chi phối bởi lợi ích cục bộ đã vi phạm pháp luật về BVMT, ở một số nơi, một số lĩnh vực. Công tác quản lý Nhà nước, thực thi pháp luật và tổ chức ứng dụng khoa học, công nghệ trong BVMT nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức.
4. Nghị quyết Đại hội XIII hài hòa giữa phát triển kinh tế và BVMT
Về quan điểm
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục quán triệt quan điểm: Môi trường là vấn đề toàn cầu. BVMT vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường BVMT phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững và không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Về mục tiêu
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra các chỉ tiêu về môi trường của đất nước trong thời kỳ 5 năm 2021 - 2025, đến năm 2025: (i) Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100%, của dân cư nông thôn là 93 - 95%; (ii) Tỷ lệ thu gom và xử lý CTRSH đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; (iii) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường là 92%; (iv) Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường quan trọng được xử lý đạt 100%; (v) Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%. Quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu và chỉ tiêu cao nhất. Đồng thời, chuẩn bị các phương án để chủ động thích ứng với những biến động của tình hình.
Nguyên tắc thực hiện bảo vệ môi trường
Nghị quyết Đại hội XIII đưa ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 có mục riêng về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu. Đồng thời, nhiều nội dung mới về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu còn được nêu ở các nội dung khác có liên quan như: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng...
- Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát môi trường; nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường của mọi dự án, hoạt động kinh tế; ngăn ngừa, hạn chế tối đa những ô nhiễm môi trường mới phát sinh. Xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh.
- Tập trung khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, nhất là những cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có biện pháp bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường không khí, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, nhất là ở các đô thị lớn; xử lý nước thải, chất thải ở nông thôn. Kiểm soát tốt tác động môi trường của các dự án khai thác tài nguyên.
- Thực hiện nguyên tắc đối tượng gây ô nhiễm môi trường phải chi trả chi phí xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo, phục hồi môi trường; đối tượng được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho BVMT.
- Khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ xử lý chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, sản xuất năng lượng từ chất thải, phát triển kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu phát triển, cùng với đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái phù hợp với điều kiện từng vùng, tăng khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát, giảm ô nhiễm môi trường biển. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; phát triển, nâng cao chất lượng rừng; tăng độ che phủ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Bảo vệ, phát triển bền vững các hệ sinh thái, đặc biệt là các rặng san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
Phát triển kinh tế tuần hoàn để nâng cao chất lượng tăng trưởng
Kinh tế tuần hoàn có thể được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Sự tuần hoàn thể hiện trong tái sử dụng, thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái chế, tái sản xuất… tạo lập các vòng lặp khép kín, nhằm giảm tối thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phế thải, khí thải và độ ô nhiễm. Nền kinh tế tuần hoàn thực chất là kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất của các tài nguyên. Các chất thải của quy trình sản xuất - tiêu dùng này, được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất, tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm chính, phụ hay tài nguyên được thu hồi.
Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên, mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế…
Đến nay, một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa trong Luật BVMT năm 2020. Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy… Trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi…, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù còn nhiều hạn chế như còn gây ô nhiễm môi trường, nhưng các mô hình này cũng đã bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Ngay từ những năm đầu của thập niên 2021 - 2030, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm tận dụng những cơ hội hợp tác trong tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước. Trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Kết luận
Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm đã đề ra, những kết quả, thành tích, bài học kinh nghiệm trong công tác BVMT sau 35 năm đổi mới đất nước cũng như trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược BVMT.
Hài hòa giữa phát triển kinh tế với BVMT dựa trên nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Kiến nghị Đảng và Nhà nước xem xét ban hành nghị quyết về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; rà soát bổ sung ban hành mới các cơ chế chính sách; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chiến lược, chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trước mắt, cụ thể hóa các quy định trong Luật BVMT năm 2020, như quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ. Quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Có thể lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn như công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình. Phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn.
Tài liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương (2021), Tuyên truyền bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững đất nước.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 - Quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Báo cáo hiện trạng môi trường biển Việt Nam 2016 - 2020.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030.
6. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
7. Cổng Thông tin điện tử Cục Quản lý tài nguyên nước (2020), Tiếp tục báo động an ninh nước sạch.
8. Đinh Đức Trường (2020), Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm. Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá của Đại học Kinh tế quốc dân, tháng 1/2020.
9. Lưu Thế Anh (2020), Những vấn đề môi trường cấp bách của Việt Nam, thực trạng, xu thế, thách thức và giải pháp. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Môi trường và phát triển bền vững lần thứ VI, 2020.
10. Nguyễn Hồng Sơn (2021), Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tạp chí Cộng sản, số 6/2021.
11. Nguyễn Xuân Dũng, Đặng Thùy Vân (2021), Những nỗ lực trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và định hướng trong thời gian tới. Tạp chí Môi trường, số 4/2021.
12. Trần Nguyễn Tuyên (2021), Một số vấn đề về môi trường ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp trang thông tin điện tử. Tạp chí Hội đồng lý luận Trung ương, tháng 3/2021.
13. Unicef (2020), Tóm tắt chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường tại Việt Nam. Nghiên cứu đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, tháng 2/2020.
14. Xuân Phong (2018), Phát huy vai trò của Đảng trong bảo vệ môi trường. Tạp chí Xây dựng Đảng, số 11/2018.
15. Trần Hồng Hà (2021), Phát triển kinh tế tuần hoàn để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Báo Nhân dân (Chuyên mục “Tìm hiểu các văn kiện Đại hội XIII của Đảng”).
TS. Nguyễn Đình Đáp
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam