Những kết quả tích cực trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Thời gian qua, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn có chủ trương, chính sách, giải pháp kịp thời, đúng đắn nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế.
Trụ sở NHNN Việt Nam
Triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết số 11/NQ-CP), ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua rất nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Nghị định số 31/2022/NĐ-CP). Cùng ngày 20/5/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN về việc hướng dẫn NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP (Thông tư số 03/2022/TT-NHNN), sau đó là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như có nhiều văn bản chỉ đạo các NHTM và NHNN các chi nhánh tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai chính sách. Đồng thời, NHNN đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai gói hỗ trợ lãi suất. Ngày 26/8/2022, NHNN đã tổ chức Hội nghị để giải đáp các thắc mắc, khó khăn trong quá trình triển khai. Ngay sau Hội nghị, NHNN đã có văn bản để chỉ đạo các NHTM và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thúc đẩy thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, trong đó, yêu cầu các ngân hàng chủ động rà soát, tiếp cận, nắm bắt thông tin, tiếp nhận nhu cầu của khách hàng, rà soát hồ sơ để triển khai hỗ trợ lãi suất; thiết lập đường dây nóng và tổ chức kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chuyên đề về hỗ trợ lãi suất để kịp thời tiếp nhận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách. Đồng thời, NHNN đã gửi văn bản đến Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan để thống nhất cách hiểu và nắm bắt những khó khăn của ngân hàng.
Vừa qua, tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng và công tác truyền thông dưới sự chủ trì của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Ban lãnh đạo NHNN. Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Hà Thu Giang thông tin, tính đến ngày 26/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,57 triệu tỷ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm 2021; cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và phù hợp với tốc độ tăng trưởng, cũng như đóng góp của các ngành kinh tế trong GDP. Theo số liệu thống kê đến hết tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 10.700 tỷ đồng, với gần 580 khách hàng; dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 9.820 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng dự kiến đạt 13,5 tỷ đồng. Qua báo cáo nhanh đến hết tháng 9/2022, số tiền hỗ trợ lãi suất của toàn hệ thống đạt khoảng 26 tỷ đồng.
Về triển khai gói hỗ trợ lãi suất tại các tỉnh, thành phố, 59/63 tỉnh, thành phố đã phát sinh các khoản vay có hỗ trợ lãi suất; 63/63 NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh theo chỉ đạo của NHNN Trung ương; 15/63 chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội, địa phương tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chuyên đề về hỗ trợ lãi suất; 48/63 chi nhánh đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị trong thời gian tới.
Tại các NHTM, hiện nay, 16/44 NHTM phát sinh dư nợ có hỗ trợ lãi suất. Từ thực tế nhu cầu và hấp thụ chính sách hỗ trợ lãi suất, nhất là dư nợ hiện hữu, NHNN đã có văn bản đề nghị các NHTM báo cáo kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất đến cuối tháng 9/2022 và tình hình tiếp cận, hỗ trợ khách hàng, cũng như rà soát khách hàng để triển khai gói hỗ trợ lãi suất, khả năng hỗ trợ dự kiến…
NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng dẫn đầu về kết quả triển khai gói hỗ trợ lãi suất. Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm chia sẻ, ngay từ khi chính thức triển khai chính sách hỗ trợ, BIDV đã lấy ý kiến, rà soát tại các Chi nhánh BIDV về những khách hàng đáp ứng đủ điều kiện; hoàn thiện và thông qua Nghị quyết của HĐQT theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN; ban hành văn bản hướng dẫn đến các chi nhánh về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất; đồng thời, tổ chức truyền thông đến tất cả các chi nhánh BIDV về chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và NHNN. Ngoài công tác hướng dẫn, truyền thông, BIDV cũng triển khai xây dựng phần mềm quản lý các khoản vay hỗ trợ lãi suất để hạn chế việc phải theo dõi thủ công. Nhờ đó, BIDV đã hoàn tất chương trình hướng dẫn các chi nhánh thực hiện chính sách. Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất của BIDV đạt 7.052 tỷ đồng, dư nợ hơn 5.647 tỷ đồng, hỗ trợ được 52 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 17,1 tỷ đồng, trong đó bao gồm các lĩnh vực lưu trú, ăn uống, hàng không, nông nghiệp… Đến nay, BIDV cũng đã tiếp nhận 271 đề nghị hỗ trợ lãi suất từ khách hàng với dư nợ khoảng 15.500 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ hỗ trợ lãi suất của BIDV là 11 nghìn tỷ đồng, tương ứng số tiền hỗ trợ lãi suất khoảng 5 - 6 tỷ đồng.
Tích cực truyền thông các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và chương trình hỗ trợ lãi suất
Về công tác truyền thông, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết, các đơn vị trong toàn hệ thống đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, NHNN về các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành để thực hiện các hoạt động truyền thông, tạo được niềm tin và sự đồng thuận của công chúng về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó tập trung truyền thông về các nội dung điều hành chính sách tiền tệ của NHNN như điều hành lãi suất, hạn mức tín dụng…; triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Công tác truyền thông cũng tập trung vào một số nội dung quan trọng khác như tái cơ cấu và xử lý nợ xấu; đảm bảo an toàn, an ninh thanh toán; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số ngành Ngân hàng… Hình thức truyền thông cũng đã không ngừng đổi mới và hiệu quả, đặc biệt có nhiều chương trình truyền thông giáo dục tài chính được đánh giá cao...
Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, nhiều chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố đã kịp thời xác định mục tiêu, đối tượng, chương trình truyền thông, phối hợp với các sở, ban, ngành, hiệp hội ngành nghề có văn bản chỉ đạo đến các NHTM trên địa bàn, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải đáp, hỗ trợ; tổ chức hội nghị chuyên đề để giải quyết thắc mắc, khó khăn; lồng ghép với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để truyền tải thông tin về chương trình hỗ trợ lãi suất. Các NHTM trên địa bàn tỉnh, thành phố đã vào cuộc cùng NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để tuyên truyền, giải thích, đưa chính sách đến các đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, kết quả triển khai gói hỗ trợ lãi suất thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng do một số khó khăn, vướng mắc và những khó khăn, vướng mắc này đã được nhận diện tại nhiều hội nghị, tọa đàm…, nguyên nhân chủ yếu do khách hàng đa ngành nghề, hộ sản xuất, kinh doanh không có giấy phép kinh doanh và tâm lý e ngại của khách hàng từ các chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây.
Tiếp tục triển khai nghiêm túc, trách nhiệm gói hỗ trợ lãi suất 2%
Về kết quả hoạt động công tác tín dụng và truyền thông thời gian qua, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, toàn ngành Ngân hàng từ Trung ương đến địa phương, NHNN các chi nhánh tỉnh, thành phố và các NHTM đã vào cuộc rất quyết liệt, trách nhiệm, có tính chủ động, sáng tạo. Nhiều địa phương đã kịp thời báo cáo và có những kiến nghị, đề xuất để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, nhìn chung kết quả bước đầu trong triển khai chính sách của toàn Ngành rất tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách từ một số chi nhánh NHNN đến chi nhánh NHTM trên địa bàn còn hạn chế; vướng mắc cụ thể ở địa phương còn ít được chủ động báo cáo; công tác tham mưu chính sách từ địa phương cũng còn một số hạn chế nhất định.
Để đạt được những mục tiêu, hiệu quả chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, dù khó khăn đến mấy toàn ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc, hết trách nhiệm bằng tất cả các biện pháp có thể làm được.
Phó Thống đốc yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo tại Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Thống đốc NHNN; phối hợp với các sở, ban, ngành, hiệp hội ngành nghề ở địa phương tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền chính sách để kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu hỗ trợ, khả năng tiếp cận chính sách của doanh nghiệp; chủ động báo cáo chính quyền địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội, phối hợp với các sở, ban, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất trên địa bàn. Đồng thời, cần rà soát các khoản vay hiện hữu có thể hỗ trợ lãi suất để triển khai; tiếp tục duy trì hoạt động của đường dây nóng, thực hiện kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vướng mắc của chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn.
Về công tác truyền thông, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, công tác truyền thông chính sách trong giai đoạn này là nhiệm vụ rất quan trọng và không thể tách rời, là trách nhiệm của toàn Ngành chứ không phải của riêng NHTW. Chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố phải coi nhiệm vụ truyền thông là đặc biệt quan trọng để người dân, doanh nghiệp hiểu được chính sách; chủ động truyền thông và liên hệ với Vụ Truyền thông, các vụ, cục chức năng của NHNN để bổ sung, làm rõ nội dung tuyên truyền.
Vụ Truyền thông NHNN giữ vai trò đầu mối, thực hiện kế hoạch, chỉ ra những nội dung cần tập trung tuyên truyền hằng tháng, hằng tuần. Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các NHTM thực hiện công tác truyền thông; xây dựng chương trình, kế hoạch trong truyền thông; chủ động tiếp cận với các phương tiện truyền thông trên địa bàn để tuyên truyền những chỉ đạo, điều hành của NHNN và những kết quả triển khai chính sách gắn với đặc thù của địa phương. Trong thời gian tới, NHNN sẽ thành lập đoàn giám sát, kiểm tra để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất tại một số tỉnh, thành phố với sự tham gia của NHNN, lãnh đạo địa phương, thành viên đoàn đại biểu Quốc hội, hoặc cán bộ sở, ban, ngành địa phương…
Kết luận chỉ đạo tại Hội nghị công tác tín dụng và truyền thông, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ về bối cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp hiện nay khi kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, chưa có tiền lệ; chính phủ và ngân hàng trung ương các nước thực hiện nhiều gói hỗ trợ kinh tế; sau khi kiểm soát cơ bản dịch Covid-19, các nước chuyển sang trạng thái phải đối mặt với nguy cơ lạm phát. Thực tế xu hướng lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu, nhất là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Đức… đều có mức lạm phát cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bản thân các ngân hàng trung ương trên thế giới đang “vật lộn” với khó khăn trong bối cảnh này.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp điều chỉnh mạnh lãi suất và gần đây tăng lãi suất thêm 0,75%, tăng lần thứ ba trong năm 2022. Fed cũng tuyên bố đến năm 2023 có thể nâng lãi suất lên tới 4,6%, trước khi lạm phát được kiểm soát. Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới phản ứng rất mạnh đối với biến động lạm phát và cũng phải tăng lãi suất rất mạnh, đã có khoảng 200 lượt tăng lãi suất với mức cao.
Trong khi đó, Việt Nam có độ mở cửa kinh tế rất lớn, nhu cầu vốn tín dụng phụ thuộc vào ngân hàng nên vấn đề tín dụng, lãi suất thường diễn biến rất phức tạp. Những biến động trên đã tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân và cũng ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, nhiệm vụ vô cùng quan trọng là NHNN phải điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành Ngân hàng có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện trong năm 2022 - 2023. Hiện nay, Nghị quyết Quốc hội yêu cầu NHNN phải phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5 - 1%; ổn định thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá; thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%; tổng kết đánh giá Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xây dựng kế hoạch cho nhiệm kỳ tới; thực hiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Chính phủ cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN còn có nhiệm vụ vô cùng quan trọng là hoàn thiện thể chế; tháng 10/2022 phải trình Quốc hội Luật Phòng, chống rửa tiền để phê chuẩn ngay trong kỳ họp nên đòi hỏi công tác nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo, lấy ý kiến phải cẩn thận, kỹ lưỡng; luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 và sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, NHNN được yêu cầu phải trình ký trong năm sau; đồng thời, phải triển khai, đánh giá tổng kết Luật NHNN, Luật Bảo hiểm tiền gửi…
Vấn đề đang được quan tâm hiện nay là tăng trưởng tín dụng. Định hướng từ đầu năm 2022, trần tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, có điều chỉnh theo thực tế. Theo báo cáo của Vụ Dự báo thống kê NHNN, tính đến ngày 28/9/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,96%, trong khi nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao những tháng cuối năm. Điều hành tín dụng là công cụ rất quan trọng để vừa tập trung kiểm soát lạm phát cả năm nay và năm sau. Việc kiên định mục tiêu tín dụng, kiểm soát tác động của lạm phát, vừa kiểm soát kỳ vọng vừa thực hiện nhiệm vụ ổn định tỷ giá nên tất cả công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN phải đảm bảo sự nhất quán trong điều hành. Có thể khẳng định, NHNN đã điều hành tốt chính sách tín dụng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh và đặc biệt giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, NHNN luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu. Vì nếu như lạm phát không được kiểm soát, nới tín dụng, giảm lãi suất thì chỉ một số doanh nghiệp tiếp cận được vốn, còn lạm phát lại tác động đến người dân, nhất là những người dân còn khó khăn, Chính phủ sẽ phải tăng nguồn lực hỗ trợ, gây áp lực đến ngân sách…
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị để giải thích rõ với doanh nghiệp, nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thị trường biến động; cần giải thích rõ với doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hoặc có trường hợp cho vay sẽ khiến ngân hàng chạm ngưỡng tỷ lệ an toàn.
Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN phải rà soát số dư nợ tín dụng, nếu đúng là trong nhóm hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp không nhận hay vì lý do khác thì cần báo cáo cụ thể. Các vụ, cục thuộc NHNN phải phối hợp các chi nhánh để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát số dư tín dụng. Toàn ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời các nguyên nhân từ thực tiễn khách quan.
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động báo cáo với lãnh đạo địa phương, đoàn Đại biểu Quốc hội những vấn đề còn khó khăn, chưa rõ quan điểm định hướng; đồng thời, phối hợp với các vụ, cục NHNN để báo cáo Quốc hội về kết quả triển khai tích cực của ngành Ngân hàng. Đối với những khó khăn, vướng mắc, phải nêu rõ nguyên nhân và đề xuất hướng khắc phục, kịp thời báo cáo các cấp phối hợp xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền của NHNN.
Anh Thư