Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng và toàn diện, ngành Ngân hàng Việt Nam tích cực tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế. Thị trường tài chính ngày càng mở cửa rộng - ngân hàng đón nhận vốn ngoại, đồng thời vươn ra thị trường quốc tế, thúc đẩy đầu tư ngoài lãnh thổ, đặt ra cơ hội và thách thức đan xen cho hệ thống ngân hàng - tài chính Việt Nam. Tận dụng tối đa cơ hội, chuẩn bị chủ động kiểm soát thách thức góp phần đưa Hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động an toàn, hiệu quả, vững mạnh và nâng dần vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bài viết đề cập đến đặc trưng của phát triển kinh tế, cơ hội và thách thức đối với ngân hàng Việt trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và hàm ý chính sách.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ngân hàng Việt được tiếp cận với công nghệ cao, mở rộng hoạt động kinh doanh,dịch vụ và tiện ích ngân hàng, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng để cạnh tranh tốt hơn
Khái niệm hội nhập kinh tế quốc tế
Từ năm 1960, hội nhập kinh tế quốc tế [1] được hiểu là việc gắn kết mang tính thể chế giữa các nền kinh tế với nhau, hay nói cụ thể hơn, hội nhập kinh tế là quá trình chủ động thực hiện đồng thời trên hai mặt. Một mặt, gắn nền kinh tế và thị trường từng quốc gia với thị trường khu vực và thế giới thông qua nỗ lực thực hiện mở cửa thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế, mặt khác, gia nhập và góp phần xây dựng các thể chế kinh tế khu vực và toàn cầu.
Đặc trưng của phát triển kinh tế trong tiến trình hội nhập
Nền kinh tế hội nhập là nền kinh tế tri thức, công nghệ cao, có tính cạnh tranh và toàn cầu hóa với các đặc trưng sau:
Nền kinh tế tri thức: Tri thức là yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đó là sản phẩm tri thức, phát minh và sáng chế. Quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng trở thành động lực chính cho quá trình tạo ra của cải, tăng trưởng và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Tri thức sức sản xuất với năng suất lao động cao đồng thời giữ vai trò quyết định thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Công nghệ cao: Công nghệ cao thâm nhập vào mọi mặt hoạt động của con người từ sản xuất của cải vật chất đến văn hóa, nghệ thuật.
Toàn cầu hóa: Nền kinh tế ở các quốc gia sẽ phụ thuộc lẫn nhau, dựa vào nhau để cùng phát triển, đưa toàn bộ nền kinh tế toàn cầu lên đỉnh cao mới và phồn thịnh. Mặc dầu vậy, trong quá trình toàn cầu hóa, những quốc gia có trình độ phát triển cao sẽ có nhiều lợi thế, quốc gia phát triển chậm sẽ gặp nhiều bất lợi, trở thành quốc gia cung cấp nguồn nhân công giá rẻ và công trường sản xuất, đối mặt với ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Toàn cầu hóa đặt ra nhiều thách thức đối với quốc gia đang phát triển và chậm phát triển.
Cạnh tranh có kiểm soát: Hội nhập sâu rộng đi kèm những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường hàng hóa quốc tế, xung đột, tranh chấp sẽ tác động nhanh hơn, mạnh hơn. Cạnh tranh là không tránh khỏi trong nền kinh tế hội nhập. Cạnh tranh diễn ra dưới nhiều cấp độ, từ thị trường, khánh hàng, sản phẩm, doanh nghiệp ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế; cạnh tranh trong cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực.
Ngân hàng đối diện cơ hội và thách thức đan xen
Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, là trung gian tài chính gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế, hoạt động của ngân hàng bao trùm tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội. Ngân hàng không trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho nền kinh tế, song, giữ một vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và phồn thịnh. Ngân hàng Việt đang từng bước thực hiện tự do hóa và mở rộng thị trường theo cam kết quốc tế. Đây là cơ hội và thách thức mà ngân hàng Việt cần vượt qua.
Cơ hội
Mở rộng thị trường hợp tác đầu tư phát triển
Hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng Việt thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng hoạt động kinh doanh, mạng lưới hoạt động, thông qua việc cung cấp dịch vụ trong khuôn khổ cam kết. Đồng thời, ngân hàng ngoại được tham gia thị trường ngân hàng trong nước [2], mở ra cơ hội liên doanh, liên kết giữa ngân hàng Việt và ngân hàng ngoại, tăng cường sức mạnh, tối đa hóa lợi nhuận và nâng cao vị thế của ngân hàng Việt Nam.
Tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó rủi ro
Với cam kết hội nhập, NHTM Việt được bán cổ phần theo một tỷ lệ quy định cho ngân hàng nước ngoài [3], đây là cơ hội để ngân hàng Việt tiếp cận với dòng vốn quốc tế, tăng tiềm lực tài chính. Thực hiện cam kết hội nhập, ngân hàng Việt không ngừng đổi mới, tiến tới tuân thủ chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro, quản trị hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh tích lũy, tích tụ, tái cấu trúc mạnh mẽ, sáp nhập, hợp nhất hình thành ngân hàng mạnh tầm cỡ khu vực để có thể phòng ngừa và ứng phó với
rủi ro.
Bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, tính chuyên môn hóa cao
Thực hiện cam kết hội nhập, sự can thiệp và bảo hộ của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ giảm dần, ngân hàng được yêu cầu kinh doanh theo nguyên tắc thị trường. Điều này buộc ngân hàng Việt tự chủ, năng động hơn trong kinh doanh, khẳng định năng lực, vị thế của mình. Đồng thời, để có thể giữ vững và phát triển được thị phần, lợi nhuận trong điều kiện mở cửa thị trường, với sự tham gia ngày càng nhiều của nước ngoài, ngân hàng trong nước sẽ phát huy thế mạnh, tính chuyên môn hóa để phục vụ tốt nhất khách hàng, đảm bảo tồn tại và duy trì lợi thế cạnh tranh.
Tạo động lực cho sự phát triển của NHTM Việt Nam
Mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng theo cam kết hội nhập sẽ thu hút đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng; ngân hàng Việt được tiếp cận với công nghệ cao, trình độ, kỹ năng quản lý tiên tiến, quản trị rủi ro, mở rộng hoạt động kinh doanh đa dạng, dịch vụ và tiện ích ngân hàng hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng để cạnh tranh tốt hơn [4].
Thúc đẩy cải cách, hoàn thiện thể chế, pháp luật ngân hàng
Hội nhập quốc tế sẽ đặt ra yêu cầu và mục đích đối với Ngân hàng Trung ương, nâng cao năng lực và hiệu quả điều hành, thực thi chính sách tiền tệ; đổi mới cơ chế kiểm soát tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, góp phần quan trọng tạo môi trường hoạt động chính sách tiền tệ hiệu quả ở mức độ cao hơn. Nhờ vậy, hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng sẽ được cải thiện. Đồng thời, hội nhập đem lại cơ hội trao đổi, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạch định chính sách tài chính, tiền tệ, quản lý ngoại hối, thanh tra, giám sát, phòng ngừa rủi ro và thanh toán. Từ đó, hạn chế biến động bất lợi của thị trường tài chính trong nước, tăng khả năng kiểm soát rủi ro của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế vĩ mô, và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Một ví dụ điển hình cho thành công trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng Việt Nam trong tiến trình hội nhập vừa qua là việc không sử dụng công cụ đổi tiền để ổn định tiền tệ. Trước đây (từ năm 1985 trở về trước), nền kinh tế Việt Nam có biến động bất thường, thể hiện một số yếu tố vĩ mô có xu hướng thay đổi thất thường và khó kiểm soát. Để hạn chế những thay đổi đó, Ngân hàng Trung ương đã dùng đến giải pháp đổi tiền để ổn định lạm phát, ổn định giá trị tiền tệ và đóng góp trực tiếp vào ổn định kinh tế [5]. Giải pháp này được đánh giá là khá “đắt đỏ”, không có sự đảm bảo chắc chắn thành công trong dài hạn. Với nỗ lực đổi mới, chủ động trong mở cửa thị trường ngân hàng và chủ động hội nhập, từ năm 1985 tới nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành công xuất sắc trong điều hành hoạt động ngân hàng, không sử dụng giải pháp đổi tiền và góp phần kiểm soát lạm phát đạt hiệu quả cao.
Thách thức
Cạnh tranh về thị phần ngân hàng ngày càng khốc liệt
Với tiến trình mở cửa thị trường ngân hàng theo cam kết, ngày càng có nhiều ngân hàng nước ngoài có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ, trình độ quản lý, được phép hoạt động tại Việt Nam. Các ngân hàng này có một số lợi thế nổi trội so với ngân hàng Việt. Đa dạng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp sẽ lôi kéo một lượng khách hàng lớn, các doanh nghiệp, cá nhân trong nước.
Chất lượng và sự dịch chuyển nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực là một trong các yếu tố cốt lõi quyết định thành công của ngân hàng. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đi cùng với cải tiến ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, nâng cấp trang thiết bị tài sản, quản trị rủi ro… đòi hỏi các ngân hàng nội cần có nguồn nhân lực chuyên môn cao về nghiệp vụ ngân hàng, am hiểu pháp luật quốc tế và được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá và dự báo. Mặt khác, các ngân hàng nước ngoài với lợi thế cạnh tranh về chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, cơ hội tích lũy kinh nghiệm khi được làm việc ở nhiều thị trường năng động, sẽ tạo ra sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao từ ngân hàng Việt sang ngân hàng nước ngoài.
Khả năng kiểm soát rủi ro hoạt động ngân hàng
Ngân hàng trong nước với tiềm lực tài chính khiêm tốn, cơ cấu tổ chức, trình độ quản lý, điều hành, công nghệ ngân hàng còn có khoảng cách đáng kể so với ngân hàng trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, môi trường pháp lý của Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, vì vậy, cần xây dựng chính sách quản lý thận trọng, thích hợp, đảm bảo cho ngân hàng Việt Nam có khả năng phòng ngừa rủi ro, chống đỡ kịp thời và hiệu quả với các “cú sốc” kinh tế.
Một số hàm ý chính sách
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu trên con đường phát triển đất nước. Chủ động hội nhập một cách tích cực, có lộ trình, đảm bảo cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng phát triển an toàn, bền vững, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế là ưu tiên hàng đầu cần được thể hiện trong kế hoạch hành động của mỗi ngân hàng.
Hội nhập đem lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội cho phát triển ở mức độ cao. Mặc dầu vậy, tính bền vững cho phát triển là thách thức lớn cần được xác định và có giải pháp đảm bảo.
Đối với ngân hàng, bên cạnh nỗ lực duy trì dịch vụ và khách hàng truyền thống, tích cực phát triển dịch vụ ngân hàng tiên tiến kết hợp với đặc thù khách hàng và điều kiện nền kinh tế nội địa để tận dụng cơ hội và tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước, nơi mà ngân hàng Việt có ưu thế nhất định. Chú trọng phát triển dịch vụ phi tín dụng gắn liền với lợi thế có kinh nghiệm về nhu cầu của khách hàng trong nước cần được phát huy tối đa.
Dịch vụ ngân hàng xanh là thực tiễn phổ biến và được yêu cầu tuân thủ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy một số ngân hàng Việt đã triển khai cung ứng dịch vụ ngân hàng xanh, qui định pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh và phổ cập tính “xanh” trong cung ứng dịch vụ của ngân hàng Việt còn sơ khai và đang ở giai đoạn “dần tiếp cận”. Đây là đòi hỏi cấp thiết cần sớm phổ cập và trở thành tiêu chí chủ động tuân thủ đối với tất cả tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam.
Định danh, kiểm soát rủi ro kinh doanh quốc tế nói chung và kinh doanh ngân hàng quốc tế nói riêng là nhiệm vụ nặng nề, quyết định thành công hoạt động ngân hàng trong hội nhập quốc tế.
Hội nhập quốc tế là chủ trương đúng đắn đã được thực tế chứng minh trong quá trình đổi mới vừa qua ở Việt Nam. Ngành Ngân hàng, hòa chung với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đã có những bước đi đúng đắn, linh hoạt, chủ động, tích cực và đạt được thành công có ý nghĩa. Cơ hội và thách thức đan xen mang lại từ hội nhập kinh tế quốc tế là tất yếu khách quan, nhìn nhận và có biện pháp phát huy vai trò quan trọng của hoạt động ngân hàng sẽ là điều kiện tiên quyết cho thành công của ngân hàng Việt trong tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng.■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Balassa Bela, Richard D. Irwin Inc., Homewood, lllinois(1961),The Theory of Economic Integration.
[2] Theo các cam kết quốc tế trong CPTPP và các FTA, các tổ chức tài chính nước ngoài có thể tham gia thị trường Việt Nam theo các hình thức: văn phòng đại diện; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; ngân hàng liên doanh; ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
[3] Nguyễn Chiến Thắng (2017) “ Chính sách mở cửa cho ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 12.
[4] Phạm Thái Hà - Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Kiểm toán, Ngân hàng thương mại Việt Nam Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức; http://www.khoahockiemtoan.vn/366-1-ndt/ngan-hang-thuong-mai-viet-nam-hoi-nhap-quoc-te-co-hoi-va-thach-thuc.sav
[5] TS. Nguyễn Đại Lai (2009), Ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đặc biệt 1975-1985: tiếp quản ngân hàng của chế độ ngụy phục vụ kinh tế 10 năm hàn gắn các vết thương sau chiến tranh giải phóng miền nam.
Hồ Nguyên Phương
Nguyễn Việt Trung
Nguồn: TCNH Số 21/2019