Mục tiêu kinh doanh của các ngân hàng tập trung vào bán lẻ và bán lẻ ở thị trường ngách như cho vay tiêu dùng đang là xu hướng chung trên thị trường...
Ảnh minh họa
Hiện không ít các ngân hàng đều đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, ngân hàng bán lẻ số một… Đơn cử VPBank đặt mục tiêu trở thành “ngân hàng có giá trị nhất Việt Nam”, Techcombank luôn chứng tỏ “ngân hàng số một”. Một số NHTMCP khác như: HDBank, TPBank, NamABank, MBB, Sacombank… chuyển đổi ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn “ngân hàng hàng đầu”…
Cho dù tất cả đều không định nghĩa chi tiết nội hàm mục tiêu đề ra nhưng các NHTMCP đều đang tự khẳng định vị thế của mình theo nghĩa hay một số cụm từ như “ngân hàng thuộc top đầu”.
Xét theo hình thức hoạt động, theo ý kiến các chuyên gia ngành tài chính, mô hình kinh doanh của một số NHTM hiện được cấu thành từ các mảng chính, gồm: ngân hàng bán buôn, ngân hàng DN và ngân hàng bán lẻ.
Trong đó, mục tiêu trở thành “ngân hàng số một” của các ngân hàng cũng được hoạch định một cách chi tiết. Song tựu trung lại đều có cùng một hình thức, cho vay khách hàng cá nhân và DNNVV với những khoản vay nhỏ lẻ để hạn chế rủi ro thay vì tập trung vào hoạt động ngân hàng bán buôn hay dồn vốn cho những DN, dự án lớn như những năm trước kia.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, ngân hàng sẽ tập trung khai thác nhóm khách hàng trong hệ sinh thái và bán chéo các sản phẩm, tăng cường doanh thu đóng góp từ phí dịch vụ và tối ưu hóa tính năng và công nghệ thanh toán để thu hút tiền nhàn rỗi với lãi suất không kỳ hạn.
Đều tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động bán lẻ, nhưng các ngân hàng như: Techcombank, VPBank, HDBank, MBB đều có sự khác biệt nhất định. Đơn cử, nắm trong tay các công ty con như Techcom Securities và Techcom Capital, Techcombank tập trung mạnh vào mảng quản lý tài sản cho khách hàng cá nhân hơn là cho vay tiêu dùng tín chấp như các đối thủ. Techcombank đã bán Công ty tài chính Techcombank Finance cho Lotte (Hàn Quốc), ghi nhận khoản lãi 894 tỷ đồng ở giai đoạn năm 2017-2018.
Ngược lại, FE Credit của VPBank, HD Saigon của HDBank và Mcredit của MBB lại là những “con gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng cho đến thời điểm hiện nay. Dù chọn hình thức hoạt động nào thì các NHTM cũng đang hoàn thành chặng đường trở thành ngân hàng bán lẻ trong giai đoạn hiện nay.
Gần đây, một số NHTMCP có sự thay đổi rất lớn về mảng quản lý danh mục ủy thác đầu tư và hạn chế tập trung dịch vụ cho vay nhiều rủi ro. Trên thực tế, nhiều ngân hàng như ACB, Techcombank, VIB, MSB, SCB, SHB… Từ trước đến nay trong bản cáo bạch đều có một danh mục cho vay không có tài sản đảm bảo và những khoản vay có kỳ hạn dài đối với DN.
Hiện nay, dường như đã được định hướng lại, trong đó chăm sóc kỹ hơn đối với những khách hàng DN có giao dịch thường xuyên với ngân hàng từ 3 năm trở lên. Qua quan sát, mục tiêu tổng thể của các NHTM trong thời gian tới vẫn là chủ yếu tập trung vào các khoản vay ngắn nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Sở dĩ có những dịch chuyển này, theo một cố vấn tài chính, nhiều ngân hàng đều có bài học xương máu khi quá tập trung cho vay quá nhiều vào một số DN lớn nên đã gặp nhiều rủi ro khi thị trường có biến động. Gánh nặng nợ xấu mà không ít ngân hàng hiện vẫn đang phải oằn lưng xử lý là một minh chứng rõ nét. Từ đó, dẫn đến hai xu hướng chính trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng hiện nay: ngân hàng thì tập trung vào dịch vụ và bán chéo các sản phẩm bảo hiểm, một số thì chỉ tập trung đầu tư công nghệ để có nguồn thu từ các dịch vụ số.
Chẳng hạn, TPBank, đầu tư rất lớn vào công nghệ để phát triển ngân hàng số, HDBank đang theo đuổi mô hình bán lẻ từ hệ sinh thái giữa công ty tài chính tiêu dùng HDSaison và hàng không VietJet… Mục tiêu kinh doanh của các ngân hàng tập trung vào bán lẻ và bán lẻ ở thị trường ngách như cho vay tiêu dùng đang là xu hướng chung trên thị trường. Có những ngân hàng thị trường ngách những năm qua lại trở thành trụ cột cứu cánh cho cả ngân hàng hợp nhất giữa các công ty thành viên.
Theo thoibaonganhang.vn