Ngày 15/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang với chủ đề “An Giang kết nối cơ hội, hợp tác thành công”. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú dẫn đầu đoàn đại biểu ngành Ngân hàng tham dự hội nghị.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú (thứ 4 từ phải sang) tặng hoa cho các NHTM và doanh nghiệp tham gia ký cam kết vay vốn
Phát biểu chỉ đạo hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, lãnh đạo An Giang phải lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến của nhà đầu tư để cải thiện mạnh môi trường đầu tư, đưa tỉnh này không chỉ mạnh về phát triển lúa, cá mà còn đẩy mạnh du lịch sinh thái và du lịch tâm linh.
“An Giang một tỉnh nằm đầu nguồn của hệ thống sông Cửu Long phải có bước đột phá trong việc lôi kéo được các nhà đầu tư lớn về tỉnh và phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn liền với đổi mới khoa học kỹ thuật trong kỉ nguyên số” – Thủ tướng Chính phủ, căn dặn và yêu cầu An Giang phải phát triển kinh tế địa phương gắn với quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tại Hội nghị này, lãnh đạo tỉnh An Giang đã trao giấy phép đầu tư cho 40 dự án trong nước và quốc tế, với tổng giá trị vốn cam kết đầu tư 132 nghìn tỷ đồng và các nhà đầu tư đã dành 35 nghìn tỷ đồng an sinh xã hội cho An Giang.
Theo đó, Tập đoàn Sao Mai đang đẩy nhanh dự án khu du lịch Trà Sư, một vùng ngập nước du khách các nước châu Âu rất thích thú mỗi khi đến nơi này; Tập đoàn Lộc Trời với những mô hình đầu tư nghiên cứu gạo sạch tiêu chuẩn quốc tế, Tập đoàn Việt – Úc với khả năng làm chủ được con giống cá tra không chỉ cung cấp trên địa bàn mà còn cung cấp cho các hộ gia đình nuôi cá tra trong vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, Vingroup, FLC, TH True Milk… cũng có những cam kết đầu tư vào các hạng mục xây dựng khu dân cư, nhà ở công nhân, nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, ngay tại Hội nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cam kết dành 4.600 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh An Giang.
Bên cạnh đó, những năm qua, nguồn vốn tín dụng của hệ thống Ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn đã có 61 tổ chức tín dụng với 352 điểm giao dịch, tổng dư nợ tín dụng đến thời điểm này đạt khoảng hơn 60 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên thoibaonganhang.vn bên hành lang Hội nghị xúc tiến đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, điều đặc biệt là nguồn vốn của các chi nhánh NHTM trên địa bàn An Giang hiện nay đã có thể tự huy động tại chỗ để cho vay thay vì phải dùng cơ chế điều hòa vốn từ Hội sở về để cho vay như những năm trước đây.
Trong khi đó ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá: “Hầu hết các NHTM lớn của đất nước đã mở chi nhánh, phòng giao dịch ở An Giang. Một số NHTM đã và đang cam kết những khoản tín dụng lớn đầu tư vào địa bàn điều đó cho thấy sự gắn kết của ngân hàng với phát triển kinh tế - xã hội địa phương là rất lớn”.
Theo thoibaonganhang.vn