Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo cơ bản với đào tạo thực tế tại Học viện Ngân hàng
21/02/2024 09:57 3.601 lượt xem
1. Tổng quan về gắn hoạt động đào tạo lí thuyết với thực tế 
 
Cuối thế kỷ 19, giáo dục đại học đã trải qua một bước chuyển đổi mang tính cách mạng: Từ việc đơn thuần là cơ sở giáo dục bậc cao (mang nặng tính lí thuyết), đại học dần đảm nhận các chức năng xã hội trong cả nghiên cứu và giảng dạy (gắn liền nhiều hơn với thực tế). Braverman (1974) cho rằng, cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật diễn ra vào giai đoạn 1870 - 1890 được xem như là bước ngoặt trong việc thay đổi các mô hình giáo dục đại học. Theo đó, cuộc cách mạng này đã mang tới các công nghệ hàng đầu như hóa học và kĩ thuật điện tử giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển các mô hình đổi mới theo từng lĩnh vực. Đồng thời, vai trò của chính phủ trong việc điều tiết nền kinh tế cũng như kiểm soát vĩ mô ngày càng trở nên quan trọng hơn (Freeman và Perez, 1988). Do đó, sự thay đổi của thị trường đặt ra vấn đề cần phải phân biệt rõ vai trò của trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó bao gồm sự phân biệt giữa chức năng khoa học, hàn lâm (các trường đại học) và thị trường (các doanh nghiệp); cũng như sự phân biệt giữa cơ chế quản lí công (chính phủ) và quản lí tư (doanh nghiệp). Theo thời gian, sự phân tích chéo các yếu tố này dẫn đến một mô hình được gọi là mô hình Ba Nhà. Mô hình này nêu bật mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và chính phủ với tiềm năng đổi mới và phát triển kinh tế trong một xã hội tri thức (Leydesdorff và Etzkowitz, 1996).
 
Theo Etzkowitz và Leydesdorff (1995), mô hình Ba Nhà lấy bối cảnh truyền thống về sự phân biệt vai trò rõ ràng giữa trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ làm điểm khởi đầu. Cụ thể, đại học là nền tảng tri thức của xã hội, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp là nhân tố chính tạo ra sản phẩm và nhà nước đảm bảo cho quá trình hợp tác diễn ra một cách nhanh chóng và ổn định. Tuy nhiên, dưới góc độ tiến hóa, con người không thụ động chấp nhận vai trò truyền thống đơn lẻ của các tổ chức này, mà chủ động thay đổi và định hình lại. Theo đó, mô hình Ba Nhà tính đến vai trò ngày càng mở rộng của lĩnh vực tri thức trong mối quan hệ với chính trị và kinh tế - xã hội. 
 
Năm 1997, Etzkowitz và Leydesdorff sử dụng mô hình Ba Nhà để xem xét sự thay đổi của các cơ sở giáo dục đại học trong các hệ thống đổi mới quốc gia, cụ thể là trong hệ thống phát triển của các nền kinh tế công nghiệp. Theo đó, sự tương tác giữa cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và chính phủ tạo ra các cấu trúc mới bên trong mỗi tổ chức, ví dụ như trong trường đại học có thể xuất hiện các trung tâm nghiên cứu mới, các chương trình liên kết với doanh nghiệp, các phòng, ban chuyên trách hợp tác với chính phủ. Doanh nghiệp có thể thành lập các phòng, ban đổi mới, các bộ phận nghiên cứu phối hợp với trường đại học. Đồng thời, mối quan hệ giữa ba tổ chức này cũng tạo ra cơ chế tích hợp giữa các lĩnh vực, những cơ chế này thường dưới dạng mạng lưới, ví dụ mạng lưới các nhà nghiên cứu từ trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ cùng tham gia giải quyết các vấn đề chung. (Hình 1)
 
Hình 1: Mô hình Ba Nhà

Nguồn: Etzkowitz và Leydesdorff (1995)

Trọng tâm của mô hình Ba Nhà là thúc đẩy sự đổi mới, trong đó trường đại học định hướng doanh nghiệp (Entrepreneurial University) đóng vai trò dẫn đường (Etzkowitz, 2004). Theo học giả này, mô hình trường đại học định hướng doanh nghiệp được thể hiện dựa trên 05 nguyên tắc cốt lõi, rất thuận lợi cho việc đổi mới, bao gồm: (i) Vốn hóa (Capitalisation); (ii) Tương hỗ (Interdependency); (iii) Độc lập (Independence); (iv) Kết hợp (Hybridisation); và (v) Phản hồi (Reflexivity). Thứ nhất, tri thức được tạo ra và truyền tải không chỉ để sử dụng cho các mục đích học thuật mà còn phục vụ cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Việc vốn hóa tri thức trở thành nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, từ đó nâng cao vai trò của trường đại học trong xã hội. Thứ hai, trường đại học định hướng doanh nghiệp tương tác mật thiết với doanh nghiệp và chính phủ. Thứ ba, trường đại học định hướng doanh nghiệp là một tổ chức tương đối độc lập, nó không phụ thuộc vào các chủ thể khác. Thứ tư, việc giải quyết những căng thẳng giữa các nguyên tắc tương hỗ và độc lập tạo động lực cho các trường đại học định hướng doanh nghiệp tạo ra các tổ chức kết hợp để thực hiện nhiều mục tiêu đồng thời. Thứ năm, cấu trúc nội bộ của trường đại học định hướng doanh nghiệp liên tục được đổi mới khi mối quan hệ với doanh nghiệp và chính phủ thay đổi, ngược lại, doanh nghiệp và chính phủ cũng điều chỉnh mối quan hệ với trường đại học này. Như vậy, trên cơ sở thiết lập định hướng chiến lược của riêng mình, đồng thời tham gia vào các lĩnh vực khác của doanh nghiệp và chính phủ trên cơ sở bình đẳng, trường đại học định hướng doanh nghiệp giúp xây dựng các dự án chung cho phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Trong mối quan hệ giữa Ba Nhà (trường đại học - doanh nghiệp - chính phủ), doanh nghiệp sẽ sử dụng tri thức làm nguồn lực chính để phát triển. Theo Etzkowitz và cộng sự (2017), trong quá trình này, các doanh nghiệp có xu hướng hợp tác với các tổ chức học thuật (ví dụ như các nhóm nghiên cứu của trường đại học) nhằm phát triển các sản phẩm mới cũng như theo dõi và tuyển dụng các cá nhân tiềm năng. Bên cạnh đó, các dự án nghiên cứu ở các trường đại học được đánh giá là một nguồn ý tưởng khởi nghiệp phong phú mà các doanh nghiệp có thể tận dụng thông qua việc hợp tác cùng các trường đại học, viện nghiên cứu. Song hành với đó, chính phủ thường sẵn sàng tài trợ cho các công ty khởi nghiệp bằng các khoản hỗ trợ hoặc các khoản vay ưu đãi trước khi các nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng xem xét đầu tư. 
 
Các nghiên cứu trước đây cho thấy, tri thức đóng vai trò quan trọng trong mọi nền kinh tế, điều này làm nổi bật mối quan hệ của cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Schumpeter (1939) chỉ ra rằng, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) mặc dù cung cấp cho nền kinh tế những đổi mới sáng tạo vượt bậc, nhưng nó cũng làm xáo trộn xu hướng hiện tại cũng như sự cân bằng trên thị trường, do đó, các doanh nghiệp hiện đại cần kinh doanh kết hợp với nghiên cứu và phát triển sản phẩm để đối phó với những thách thức do đổi mới mang lại. Cohen và cộng sự (2002) đã nhận định, nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm trong hầu hết các ngành công nghiệp. Theo đó, các bài báo và báo cáo được xuất bản, các hội nghị khoa học trao đổi thông tin đến từ các trường đại học là các kênh chính có ảnh hưởng lớn đến quy trình nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp. Qua việc nghiên cứu sâu về việc hợp tác giữa một trường đại học và các công ty dược phẩm, Dooley và Kirk (2007) cho rằng, có nhiều hình thức để liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, trong đó, hợp tác trong nghiên cứu sẽ giúp phát triển kiến thức sâu hơn, gia tăng hiệu quả nghiên cứu công nghệ của doanh nghiệp cũng như củng cố mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu của trường đại học và doanh nghiệp, qua đó, nâng cao khả năng trao đổi kiến thức hiệu quả hơn. 
 
Hiện nay, cuộc chạy đua công nghệ ngày càng gay gắt đang buộc các quốc gia phải tìm kiếm những cách thức đổi mới hiệu quả hơn (Acwort, 2008). Trong bối cảnh đó, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đạt được những thành công đáng kể trong việc hợp tác với các doanh nghiệp nhằm phát triển việc chuyển giao tri thức hai chiều (giữa MIT và các doanh nghiệp và ngược lại) giúp hướng dẫn và tăng cường hoạt động nghiên cứu tại trường đại học, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ tại các doanh nghiệp. Tương tự, Chính phủ Anh vào năm 2000 đã thành lập Viện Cambridge - MIT (CMI) và sử dụng nó như một phương tiện để khởi động mô hình Cộng đồng Tích hợp Tri thức (Knowledge Integration Community - KIC) nhằm nâng cao hiệu quả về liên kết đại học - doanh nghiệp. Chủ thể của cộng đồng này sẽ được kết nối với bốn khía cạnh: Chính phủ, nghiên cứu, kinh doanh, giáo dục và nhấn mạnh đến khía cạnh đa chiều của hoạt động trao đổi kiến ​​thức.
 
Đã có nhiều học giả sử dụng mô hình Ba Nhà để nghiên cứu sự hiệu quả của mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp - chính phủ. Leydesdorff và Deakin (2013) nghiên cứu về sự tương tác giữa ba tổ chức trong Ba Nhà trong việc hình thành nên khái niệm “đô thị thông minh”. Với mẫu nghiên cứu là các quốc gia thuộc EU27, hai học giả này lập luận rằng, sự hiện diện của tầng lớp sáng tạo, các doanh nghiệp công nghệ mới, chất lượng và sự quan tâm tận tình đến môi trường đô thị, trình độ học vấn cũng như khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông cho hành chính công đều tạo ra không gian năng động trong các thành phố, nơi kiến ​​thức là chìa khóa cho các hệ thống đổi mới, tạo nên khái niệm “thành phố thông minh”. Liu và Zhu (2022) phân tích toàn diện về nội dung và cấu trúc tri thức của một nhà máy thông minh cũng như các đặc điểm của cấu trúc sản xuất tri thức của nó dựa trên mô hình Ba Nhà, nghiên cứu chỉ ra rằng, việc kết hợp vai trò của trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ giúp ích trong việc phát triển nhà máy thông minh. Theo đó, các trường đại học nghiên cứu và phổ biến kiến ​​thức hoặc công nghệ mới, doanh nghiệp là nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ thực tế. Chính phủ có vai trò kiểm soát và giám sát, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp.
 
Qua đó có thể thấy, mô hình Ba Nhà là một mô hình nổi tiếng nêu bật sự gắn liền chặt chẽ giữa đào tạo lí thuyết và đào tạo thực tế, thông qua mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và chính phủ với tiềm năng đổi mới và phát triển kinh tế trong một xã hội tri thức. Và đây là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang phát triển ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. 
 
2. Thực trạng gắn đào tạo với thực tế tại HVNH
 
2.1. Các chương trình đào tạo của HVNH
 
Hiện tại, HVNH đang thực hiện đào tạo 09 ngành bậc đại học, 03 ngành đào tạo bậc thạc sĩ và 01 ngành đào tạo bậc tiến sĩ.
 
Trong các bậc đào tạo, việc đi thực tập của người học chủ yếu được thực hiện ở trình độ đại học, với 25 chương trình đang tuyển sinh trong năm 2023 ở 09 ngành đào tạo như Bảng 1.

Bảng 1: Các chương trình đào tạo tại HVNH

Nguồn: HVNH
 
Theo tiến độ đào tạo của các chương trình, sinh viên sẽ đi thực tập tại học kì thứ 8 (năm học thứ 4), sau khi học xong các môn chuyên ngành. Thời gian thực tập dự kiến trong 4 tháng và khi kết thúc thực tập, sinh viên cần hoàn thành Chuyên đề tốt nghiệp hoặc Khóa luận tốt nghiệp, trong đó, hệ thống hóa các lí thuyết liên quan đến vấn đề sinh viên đang thực tập, thực trạng và các giải pháp đề xuất, kiến nghị đưa ra để giúp giải quyết vấn đề đang tồn tại. 
 
Bên cạnh đó, trong chương trình đào tạo Chất lượng cao, sinh viên còn có cơ hội đi thực tập nghề nghiệp ngay trong năm học thứ 3 của mình (học kì thứ 5) để nắm bắt các vấn đề thực tế đang diễn ra trong ngành học tại các doanh nghiệp thực tập. Sinh viên thực tập nghề nghiệp với thời lượng 03 tín chỉ (16 ca học) và cần viết báo cáo thực tế nghề nghiệp tại đơn vị thực tập đó. Trong năm 2023, số lượng sinh viên Chất lượng cao đi thực tế nghề nghiệp là 320 sinh viên.
 
2.2. Thực trạng đào tạo gắn với thực tế tại HVNH
 
2.2.1. Mối quan hệ giữa HVNH với chính phủ và doanh nghiệp
 
Là một đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), HVNH thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình dưới sự điều hành, quản lí, hỗ trợ của NHNN. Theo Quyết định 2394/QĐ-NHNN ngày 20/12/2023 của Thống đốc NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HVNH, HVNH có chức năng đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ đại học, sau đại học; thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng và các ngành khác theo quy định của cấp có thẩm quyền; bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng quản lí nhà nước, kiến thức, kĩ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm và các chương trình bồi dưỡng khác do cấp có thẩm quyền giao cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động thuộc NHNN và của ngành Ngân hàng; cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn theo nhu cầu xã hội.
 
Để thực hiện đào tạo gắn kết với thực tế một cách tốt nhất, một trong những hoạt động được HVNH triển khai tích cực, thường xuyên là hợp tác. Tính đến tháng 12/2023, HVNH đã có quan hệ hợp tác với 100 đối tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau như các hoạt động trao học bổng, hướng nghiệp, trao quà tặng, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác toàn diện thông qua kí kết. Trong đó có 31 ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, 37 doanh nghiệp, 16 tổ chức giáo dục và 16 tổ chức khác. Các tổ chức, doanh nghiệp kí thỏa thuận hợp tác với HVNH cũng ngày càng đa dạng về loại hình và gia tăng nhanh chóng về số lượng qua các năm. (Hình 2) 

Hình 2: Số lượng đối tác đã kí kết thỏa thuận hợp tác với HVNH 
qua các giai đoạn

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu của Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, HVNH

Với việc hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực hoạt động, HVNH hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự gắn kết bền chặt giữa nhà trường, chính phủ và doanh nghiệp. Từ đó, tạo cơ hội cho việc đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tế, giúp cán bộ, giảng viên và sinh viên mở rộng mối quan hệ, trau dồi thêm các kĩ năng, kiến thức thực tiễn, góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của đất nước.
 
2.2.2. Đào tạo gắn với thực tế cho cán bộ, giảng viên tại HVNH
 
Trong nhiều năm gần đây, các cán bộ, giảng viên của HVNH được chú trọng đào tạo một cách thường xuyên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và kĩ năng thực tế của đội ngũ cán bộ nhà trường. HVNH luôn khuyến khích cán bộ, giảng viên tham gia các khóa đào tạo của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước như NHNN, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các Ngân hàng Trung ương Đông Nam Á (SEACEN)… bằng cách gửi thông báo thường xuyên đến các đơn vị trong trường và đưa tiêu chí “Hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn được cấp chứng chỉ hoặc công nhận kết quả” vào đánh giá KPI hằng năm. Thông qua các khóa đào tạo này, cán bộ, giảng viên HVNH có thể tăng cường hiểu biết về các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó tập trung vào các chuyên ngành đào tạo của HVNH (tài chính, ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin…). Từ đó, giảng viên có thêm tư liệu và kiến thức thực tiễn về những vấn đề mới, thời sự để làm cơ sở giảng dạy cho sinh viên. Ngoài ra, cán bộ, giảng viên cũng có thể tham gia các khóa học đào tạo kĩ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, khả năng ngoại ngữ, phối hợp trong công việc… Đồng thời, trong thời gian gần đây, HVNH cũng đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy năng lực số của cán bộ, giảng viên nhà trường, do đó, HVNH đã đưa tiêu chí “Hoàn thành khóa đào tạo nâng cao năng lực số đáp ứng yêu cầu công việc” vào đánh giá KPI và chủ động tổ chức các khóa tập huấn về chuyển đổi số dành cho cán bộ, giảng viên ngay tại trường.
 
Ngoài các khóa đào tạo, tập huấn, HVNH cũng đẩy mạnh tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp để cán bộ, giảng viên có cơ hội trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, nhà làm thực tiễn, mở rộng hiểu biết về đa dạng các vấn đề trong lĩnh vực kinh tế, trong đó chú trọng vào ngành tài chính - ngân hàng. Chủ đề của các hội thảo, tọa đàm cũng rất phong phú, tập trung vào các vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay như tài chính - ngân hàng số, tài chính xanh, tài chính khí hậu, tài chính toàn diện, phát triển bền vững, công nghệ tài chính… Cùng với đó, các hội thảo, tọa đàm cũng nhận được sự đồng hành, tài trợ của nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước như các ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức WCS - Chương trình Việt Nam, Hiệp hội Các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW)…
 
Ngoài việc kết hợp với các doanh nghiệp để triển khai các khóa tập huấn, đào tạo, các sự kiện khoa học, HVNH cũng chú trọng việc xây dựng mối quan hệ với các cơ quan quản lí nhà nước. Với tư cách là đơn vị trực thuộc NHNN, HVNH đã và đang hỗ trợ tích cực cho NHNN trong mảng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, HVNH cũng thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện chính sách cho NHNN và một số cơ quan nhà nước khác như Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo… Cán bộ, giảng viên HVNH luôn tích cực tham gia vào hoạt động báo cáo, tư vấn, góp ý nhiều dự thảo văn bản pháp lí của các cơ quan kể trên để góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của quốc gia, đặc biệt là các quy định trong ngành ngân hàng - tài chính. Đồng thời, thông qua việc tư vấn, phản biện chính sách, cán bộ, giảng viên HVNH có thể tăng cường, cập nhật thêm kiến thức về hệ thống văn bản pháp lí trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính, từ đó có cơ sở để triển khai xây dựng chương trình, nội dung đào tạo cho sinh viên bám sát với các quy định của Ngành.
 
2.2.3. Đào tạo gắn với thực tế cho sinh viên tại HVNH 
 
Đối với đào tạo cho sinh viên, HVNH luôn chú trọng phát triển và xây dựng chương trình, nội dung đào tạo gắn với định hướng nghề nghiệp của sinh viên và thực tiễn kinh tế - xã hội. HVNH luôn tích cực phối hợp, kí kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp để góp phần tăng cường tính thực tế trong hoạt động đào tạo, thông qua việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các chương trình tham quan thực tế, thực tập nghề nghiệp, các cuộc thi học thuật,… có sự phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức kể trên. 
 
Trước hết, đối với đào tạo trực tiếp, HVNH hướng đến mục tiêu đào tạo sinh viên để phát triển một cách toàn diện nhất, các sinh viên sau khi ra trường sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức chuyên môn, chuyên ngành và các kĩ năng nghiệp vụ thực tế, kĩ năng mềm cần thiết cho công việc. Do đó, các chương trình đào tạo của HVNH đều được thiết kế, sửa đổi thường xuyên, định kì để phù hợp với xu thế phát triển của ngành Giáo dục cũng như của lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kế toán và các ngành kinh tế khác. Các chương trình đào tạo mới của HVNH cũng được các khoa chuyên ngành đề xuất hằng năm, với mong muốn các thế hệ sinh viên tiếp theo của HVNH có thể được tiếp cận với những lĩnh vực đào tạo mới, phù hợp với nhu cầu đất nước và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục đại học. Trong những năm gần đây, một số chương trình đào tạo mới, nổi bật của HVNH có thể kể đến bao gồm: Ngân hàng số, công nghệ tài chính (fintech), marketing số, logistics và quản lí chuỗi cung ứng. Đồng thời, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu về hệ thống các chuẩn mực quốc tế là rất cần thiết, đáp ứng được đúng yêu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, HVNH đã sớm xây dựng và giảng dạy cho sinh viên nội dung các chuẩn mực quốc tế đối với chương trình Chất lượng cao để tạo điều kiện cho sinh viên sớm trở thành những chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này. Theo đó, HVNH đã tích hợp nội dung chương trình giảng dạy với nội dung đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức quốc tế danh tiếng trên thế giới, như tích hợp ACCA, CFAB-ICAEW đối với ngành kế toán, tích hợp CFA, FRM đối với ngành tài chính. Trong đó, chương trình đào tạo kế toán tích hợp chứng chỉ CFAB - ICAEW đã được HVNH triển khai từ năm học 2018 - 2019 đối với chương trình Chất lượng cao. Sau khi học xong, sinh viên sẽ nhận được hai bằng cấp: Bằng Đại học chính quy Kế toán HVNH và chứng chỉ Tài chính, Kế toán và Kinh doanh CFAB của ICAEW và có cơ hội thực tập nghề nghiệp ngay từ năm thứ hai tại các hãng kiểm toán lớn. 
 
Cùng với đó, HVNH luôn tích cực tổ chức các hội thảo, tọa đàm hằng năm cho sinh viên với sự tham gia, chia sẻ và thảo luận của các chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác nhau. Từ đó, mở rộng kiến thức về mặt lí thuyết, tăng cường hiểu biết thực tiễn của sinh viên đối với các vấn đề thời sự trong nền kinh tế, đặc biệt là gắn với lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Một số hội thảo, tọa đàm tiêu biểu dành cho sinh viên trong những năm gần đây được tổ chức tại HVNH có thể kể đến như: “Năng lực tài chính cá nhân - Những vấn đề đặt ra sau đại dịch Covid-19”; “Người trẻ và quản lí tài chính cá nhân trong thời đại công nghệ số” (phối hợp với Vụ Truyền thông, NHNN và Quỹ Hợp tác quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức - DSIK); thảo luận với sinh viên về “Phát hiện và báo cáo các giao dịch  tài chính có dấu hiệu buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã” (phối hợp với Tổ chức WCS - Chương trình Việt Nam); “Tọa đàm về ESG và báo cáo ESG tại Việt Nam và giảng dạy ESG trong chương trình đại học ngành kế toán” (phối hợp với Công ty PwC Việt Nam)… 
 
Nhằm tạo cho sinh viên có nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích, HVNH cũng đã tổ chức các cuộc thi học thuật thường niên, thu hút đông đảo sinh viên trong và ngoài HVNH tham gia, cũng như đón nhận sự quan tâm lớn từ báo chí và các nhà tài trợ, các doanh nghiệp đồng hành. Các cuộc thi nổi bật như: Nhà ngân hàng tương lai, Smart Finance, Thử thách kinh tế học (Economics Challenge), Đấu trường Kế Kiểm, Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên HVNH (Startup BA), Spirit of Law… Thông qua các cuộc thi kể trên, sinh viên có thể cải thiện một cách toàn diện về kiến thức, kĩ năng mềm (làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình, tư duy phản biện, quản lí thời gian…), năng lực tự chủ, khả năng thích ứng. Đồng thời, sau cuộc thi, nhiều sinh viên còn có cơ hội được tuyển dụng, làm việc tại các doanh nghiệp tài trợ hoặc đồng tổ chức cuộc thi, đây là lợi ích rất lớn mà các cuộc thi học thuật này mang đến cho cả sinh viên HVNH và các doanh nghiệp, giúp sinh viên có thể tiếp cận trực tiếp với nghề nghiệp và là cầu nối giúp doanh nghiệp có thể tìm kiếm được nguồn nhân lực tài năng.
 
Ngoài ra, các chương trình định hướng nghề nghiệp của HVNH cho sinh viên, nhất là với sinh viên năm thứ ba, năm thứ tư cũng được triển khai tích cực hằng năm. Trong đó, điển hình là Hội chợ việc làm được tổ chức hằng năm, với mục đích tăng cường sự kết nối giữa HVNH và các đối tác và là cơ hội tốt cho sinh viên được tiếp xúc, ứng tuyển, tư vấn, hướng dẫn và tìm hiểu các yêu cầu từ nhà tuyển dụng, từ đó, đánh giá được năng lực và hoàn thiện bản thân để đáp ứng với nhu cầu việc làm của thị trường. Thông qua sự kiện, có nhiều sinh viên tìm kiếm được cơ hội việc làm hơn; các nhà tuyển dụng tiếp cận được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt các yêu cầu công việc. Đồng thời, HVNH cũng tích cực phối hợp với nhiều ngân hàng tổ chức các chương trình tuyển dụng thường niên ngay tại trường như phối hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Quân đội (MB) tổ chức chương trình tuyển dụng thường niên MB CareerTour 2023 với sự tham gia của gần 200 sinh viên đã tốt nghiệp và sinh viên năm cuối tại HVNH; phối hợp với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức chương trình The Next Banker nhằm tạo cơ hội trải nghiệm công việc về lĩnh vực tài chính - ngân hàng của một “Banker” cho các bạn sinh viên năm cuối; phối hợp với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tổ chức ứng tuyển vị trí thực tập viên cho sinh viên năm thứ ba, năm thứ tư nhằm triển khai chương trình “Thực tập viên tiềm năng Sacombank”… Ngoài ra, các khoa chuyên ngành của HVNH cũng thường xuyên tổ chức chương trình tham quan thực tế doanh nghiệp cho sinh viên, đăng tải thông báo tuyển dụng trên fanpage của khoa nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các sinh viên đang tìm kiếm công việc thực tập hoặc sau tốt nghiệp. 
 
Với các hoạt động kể trên, HVNH đã đạt được những kết quả khả quan về đầu ra. Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 01 năm tốt nghiệp của HVNH đạt trên 90% và gia tăng đều đặn trong các năm gần đây (Hình 3).

Hình 3: Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 01 năm tốt nghiệp của HVNH

                                                                                                                Đơn vị: %

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu của Phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng, HVNH

2.2.4. Hoạt động đào tạo gắn với thực tế của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - HVNH
 
Tháng 12/2023, HVNH đã thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (ĐTBDCB) trực thuộc HVNH theo Đề án sáp nhập Trường Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng thuộc NHNN vào HVNH. Theo Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 04/10/2023 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Đề án sáp nhập Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng thuộc NHNN vào HVNH và Quyết định số 2394/QĐ-NHNN ngày 20/12/2023 của Thống đốc NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HVNH, Trường ĐTBDCB là đơn vị trực thuộc HVNH, thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng quản lí nhà nước, kiến thức, kĩ năng theo yêu cầu vị trí việc làm và các chương trình bồi dưỡng khác do cấp có thẩm quyền giao cho công chức, viên chức và người lao động thuộc NHNN và của ngành Ngân hàng; cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn theo nhu cầu xã hội theo quy định của pháp luật. 
 
Trước khi sáp nhập với Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng của NHNN, Trường ĐTBDCB - HVNH, trước đây là Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng - HVNH, đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình với tư cách là đơn vị tham mưu, giúp Giám đốc HVNH thực hiện phát triển đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và theo chuyên đề đáp ứng nhu cầu xã hội, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, Trường ĐTBDCB - HVNH đã hỗ trợ tích cực cho sinh viên và cán bộ, giảng viên trong việc học và thi các chứng chỉ Đánh giá Năng lực ngôn ngữ Anh B1 và Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng và công việc. Ngoài ra, Trường ĐTBDCB - HVNH cũng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ như: Các nghiệp vụ ngân hàng cơ bản, Kế toán ngân hàng, Tín dụng ngân hàng, Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp, Thẩm định dự án và phân tích khách hàng, Thanh toán quốc tế… cho sinh viên HVNH, các cán bộ công tác tại ngân hàng thương mại, NHNN, Quỹ tín dụng nhân dân… muốn cập nhật và nâng cao kiến thức về nghiệp vụ. Đồng thời, Trường cũng đã triển khai các khóa đào tạo chuyên đề Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán, Tài chính - Chứng khoán, Quản trị kĩ năng, Kinh doanh quốc tế nhằm cung cấp cho học viên kiến thức cơ bản và chuyên sâu về một vấn đề trong Ngành. Sau khóa đào tạo chuyên đề, học viên cũng có cơ hội nhận được các chứng chỉ như chứng chỉ “Chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân”, “Chuyên viên kế toán ngân hàng”… giúp tăng thêm giá trị cho công việc của học viên và là một trong những ưu tiên tuyển dụng tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại.
 
Trong năm 2023, Trường ĐTBDCB - HVNH cũng đã hoàn thành tổ chức 11 chương trình đào tạo cho cán bộ tại nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính. Nội dung đào tạo chủ yếu tập trung vào các nghiệp vụ ngân hàng, kĩ năng mềm (Bảng 2). Trường ĐTBDCB và các đơn vị, phòng, ban, các khoa, bộ môn của HVNH luôn có sự phối kết hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của các đối tác. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo vẫn đối mặt với một số khó khăn như việc đi lại, đưa đón giảng viên đến địa điểm đào tạo do phía đối tác sắp xếp còn nhiều bất cập; thời lượng đào tạo một số chuyên đề phía đối tác bố trí (0,5 ngày/1 chuyên đề) còn hạn chế, do đó, nội dung đào tạo chưa được truyền tải đầy đủ; một số địa điểm đào tạo quá xa, không thuận tiện cho việc di chuyển của giảng viên; số lượng học viên của một số lớp còn quá đông, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng lớp học. 
 
Đối với đội ngũ giảng viên các khóa đào tạo, Trường ĐTBDCB - HVNH chủ yếu dựa vào nguồn giảng viên của HVNH, nhưng chú trọng vào các giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, tham gia đào tạo cán bộ cho NHNN và hệ thống các TCTD và nhiều doanh nghiệp hoạt động trên thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Trường ĐTBDCB - HVNH cũng tích cực mời các chuyên gia thực tế nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyển dụng và phát triển kinh doanh tại các ngân hàng thương mại như ACB, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank), Ngân hàng TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam (ShinhanBank)… đến giảng dạy trong các khóa đào tạo, để cải thiện hiểu biết của các học viên về các nghiệp vụ thực tế.
 
3. Khuyến nghị chính sách
 
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tốt trong hoạt động đào tạo gắn với thực tế, tuy nhiên, HVNH cũng còn một số hạn chế như số lượng các khóa đào tạo triển khai trên thực tiễn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của cán bộ, giảng viên; hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp chưa được theo dõi sát sao, thường xuyên để đánh giá kết quả thực hiện; việc hợp tác với các doanh nghiệp chưa thực sự đi sâu vào các hoạt động cốt lõi của HVNH như xây dựng, sửa đổi chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học…; hạn chế về cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo gắn với thực tế đối với cả giảng viên và sinh viên… Do đó, bài viết đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị dành cho HVNH nhằm khắc phục các hạn chế nêu trên, cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động đào tạo gắn kết, định hướng thực tiễn của nhà trường. 
 
Đối với đào tạo thực tế cho cán bộ, giảng viên
 
Thứ nhất, tăng cường các khóa đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, giảng viên. Trên cơ sở nhu cầu đăng kí của cán bộ, giảng viên, cần triển khai đầy đủ các khóa đào tạo, chương trình tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giảng viên phục vụ công tác đào tạo. Bên cạnh đó, các khóa đào tạo về kĩ năng mềm, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ là rất cần thiết giúp giảng viên có thể ứng dụng vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động liên kết giữa nhà trường với cơ sở thực tế, trên cơ sở đó, cán bộ, giảng viên có thể tham gia trực tiếp vào quá trình làm việc tại các ngân hàng, doanh nghiệp. Như vậy, giảng viên có điều kiện gắn lí luận với thực tiễn, thực hành đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng bài giảng.
 
Thứ hai, tiếp tục tăng cường bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ trọng yếu, không thể tách rời của giảng viên. Hoạt động nghiên cứu khoa học bên cạnh việc tạo ra tri thức còn có ý nghĩa trong việc nâng cao năng lực chuyên môn của giảng viên. Chính vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, đồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn để nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu công bố quốc tế, ví dụ như tổ chức các tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, kĩ năng nghiên cứu khoa học với diễn giả là các giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học lớn trên thế giới. Cùng với đó, tăng cường tổ chức và cử cán bộ, giảng viên tham dự các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế để trau dồi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, nâng cao kiến thức về các vấn đề thực tiễn.
 
Thứ ba, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo gắn với thực tế đối với cán bộ, giảng viên. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của thư viện, phòng học để hỗ trợ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên. Các phòng lab, thực hành cần được thường xuyên kiểm tra, nâng cấp cũng như cần có hướng dẫn sử dụng rõ ràng để giảng viên có thể áp dụng vào quá trình giảng dạy cho sinh viên, học viên. Đối với công tác nghiên cứu khoa học, HVNH nên tăng cường đầu tư, mua các bộ cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước như FiinPro, Bankscope, Vietstock, S&P Global… để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động nghiên cứu của cán bộ, giảng viên nhà trường. Đồng thời, để phục vụ cho việc học tập trực tuyến và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên; chú trọng nâng cao chất lượng đường truyền Internet, nhất là tại các tòa nhà làm việc của cán bộ hành chính, tòa nhà văn phòng các khoa, bộ môn.
 
Thứ tư, Trường ĐTBDCB - HVNH với tư cách là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thuộc NHNN và của ngành Ngân hàng, cần tích cực phát huy vai trò của mình trong giai đoạn tới, cụ thể: (i) Nhanh chóng bố trí cơ sở vật chất cũng như các điều kiện làm việc để đi vào hoạt động ổn định; (ii) Tiếp tục xây dựng lộ trình, kế hoạch, định hướng phát triển phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Trường; (iii) Hoàn thiện kế hoạch, lộ trình rõ ràng để triển khai các khóa đào tạo, tập huấn; (iv) Có cơ chế khuyến khích nhiều cán bộ, giảng viên của HVNH và NHNN tham dự các khóa học do Trường tổ chức; (v) Phối hợp chặt chẽ với các đối tác để tổ chức các khóa đào tạo một cách khoa học, trong đó chú trọng sắp xếp, bố trí hợp lí về thời gian, địa điểm, hình thức đào tạo, số lượng học viên mỗi lớp căn cứ theo đề nghị của giảng viên và theo nội dung đào tạo. Đồng thời, Trường cần là đầu mối xây dựng chủ đề, nội dung các khóa đào tạo dựa trên đề xuất của cán bộ NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung, cũng như dựa trên các vấn đề thực tiễn của Ngành và của nền kinh tế.
 
Đối với đào tạo thực tế cho sinh viên
 
Thứ nhất, thường xuyên xác định và đánh giá lại các ngành, nghề đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của thị trường lao động, xây dựng chiến lược phát triển chung của nhà trường và nhiệm vụ đào tạo. Nhằm thực hiện nhiệm vụ này, nhà trường cần chủ động điều tra thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp (nghề, trình độ, mức độ kĩ năng...) để tổ chức đào tạo phù hợp. Bởi lẽ, sự phối hợp không thể trải rộng với nhiều doanh nghiệp nên việc tìm hiểu thông tin về nghề nghiệp, yêu cầu lao động của nhiều doanh nghiệp là cần thiết. Hơn nữa, việc tìm hiểu này sẽ đưa đến cái nhìn tổng quan, toàn diện hơn về nhu cầu lao động và yêu cầu về lao động cho nhà trường. 
 
Thứ hai, xây dựng kế hoạch và cơ chế phối hợp với doanh nghiệp, nhà sử dụng lao động trong giai đoạn sắp tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi và mối quan hệ chặt chẽ cả về lợi ích giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo. Việc phối hợp và kí kết các thỏa thuận hợp tác và phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cần được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ. 
 
Thứ ba, đánh giá chất lượng đầu ra, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên khi tuyển dụng và làm việc sau ra trường thông qua các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp. Điều này yêu cầu nhà trường phải có kênh thu thập thông tin của sinh viên sau ra trường từ chính sinh viên và các nhà tuyển dụng nhằm đánh giá sự phù hợp và đáp ứng thị trường của sản phẩm đào tạo cùng với việc đánh giá năng lực trong nhà trường. 
 
Thứ tư, thiết lập cơ chế để doanh nghiệp có thể tham gia trực tiếp vào xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo, phối hợp trong quá trình đào tạo (doanh nghiệp phụ trách đào tạo một số học phần), đánh giá kết quả đào tạo. Chẳng hạn, cử sinh viên tới doanh nghiệp, lao động như một thành viên của công ty, sản phẩm và tinh thần, thái độ làm việc sẽ được đánh giá, đưa vào hồ sơ đánh giá sinh viên trong quá trình đào tạo và tốt nghiệp.
 
Thứ năm, tiếp tục thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng hằng năm theo các tiêu chuẩn trường đại học của Việt Nam, thực hiện cải tiến chất lượng sau tự đánh giá một cách đồng bộ với trách nhiệm cụ thể được giao cho từng đơn vị chức năng của HVNH. Sử dụng kết quả tự đánh giá làm cơ sở để thực hiện tự chủ đại học (về học thuật, tổ chức, tài chính và nhân sự). Trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tiếp cận với bộ tiêu chuẩn chất lượng trường đại học của khu vực (AUN - Mạng lưới các trường đại học ASEAN) cũng như các bộ tiêu chuẩn trên thế giới, từ đó xây dựng kế hoạch để phát triển chất lượng đào tạo tại HVNH nhằm hướng đến việc đáp ứng các tiêu chí đào tạo đại học theo chuẩn quốc tế.
 
Thứ sáu, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình học chủ động của sinh viên. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy chỉ thực sự có hiệu quả khi hoạt động học tập của người học có thể thực hiện cả trên giảng đường, tại thư viện và cơ sở thực tế. Chính vì vậy, HVNH cần nâng cao hơn nữa khả năng phục vụ của thư viện trong việc tăng thêm đầu sách giáo trình, tài liệu tham khảo, tạo ra không gian cho việc đọc sách và tìm kiếm thông tin, tạo môi trường cho các hoạt động học nhóm, thảo luận, tọa đàm. Đồng thời, cải thiện dịch vụ thư viện số, giúp sinh viên có thể tìm kiếm và tiếp cận các tài liệu dễ dàng, thuận tiện trên website của thư viện. Cùng với đó, HVNH cần tiếp tục nâng cao chất lượng internet, đường truyền mạng để sinh viên có thể thực hiện tra cứu tài liệu, thông tin, học tập trực tuyến hoặc thi, kiểm tra trực tuyến khi có nhu cầu hoặc có yêu cầu từ giảng viên.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Acworth, E. B. (2008). University–industry engagement: The formation of the Knowledge Integration Community (KIC) model at the Cambridge-MIT Institute. Research policy, 37(8), pages 1241-1254.
2. Braverman, H. (1974). Labor and monopoly capital. NY. Monthly Review. 
3. Cohen, W. M., Nelson, R. R., & Walsh, J. P. (2002). Links and impacts: the influence of public research on industrial R&D. Management science, 48(1), pages 1-23.
4. Dooley, L., & Kirk, D. (2007). University - industry collaboration: Grafting the entrepreneurial paradigm onto academic structures. European Journal of Innovation Management, 10(3), pages 316-332.
5. Etzkowitz, H. (2004). The evolution of the entrepreneurial university. International Journal of Technology and Globalisation, 1(1), pages 64-77.
6. Etzkowitz, H., & Leydesdorff, L. (1995). The Triple Helix-University-industry-government relations: A laboratory for knowledge based economic development. EASST review, 14(1), pages 14-19.
7. Etzkowitz, H., & Leydesdorff, L. (1997). Universities and the global knowledge economy: A triple helix of university-industry relations. Preprint Version of: Etzkowitz, H., & Leydesdorff, L.(1997). Universities and the Global Knowledge Economy: A Triple Helix of University-Industry-Government Relations. London: Pinter.[Archival Reprint].
8. Etzkowitz, H., & Leydesdorff, L. (1998). A triple helix of university-Industry-Government relations: Introduction. Industry and Higher Education, 12(4), pages 197-201.
9. Etzkowitz, H., & Zhou, C. (2017). The triple helix: University-industry-government innovation and entrepreneurship. Routledge.
 10. Freeman, C., & Perez, C. (1988). Structural crises of adjustment: business cycles. Technical change and economic theory. Londres: Pinter.
 11. John K Galbraith (1967), The New Industrial State (Penguin, Harmondsworth).
12. Leydesdorff, L., & Deakin, M. (2013). The triple-helix model of smart cities: A neo-evolutionary perspective. In Creating Smart-er Cities (pages 
53-63). Routledge.
13. Leydesdorff, L., & Etzkowitz, H. (1996). Emergence of a Triple Helix of university-industry-government relations. Science and public policy, 23(5), pages 279-286.
14. Liu, D., & Zhu, Y. P. (2022). Evolution of knowledge structure in an emerging field based on a triple helix model: The case of smart factory. Journal of the Knowledge Economy, pages1-25.
15. Noble, D. F., & Design, A. B. (1977). Science, Technology, and the Rise of Corporate Capitalism. New York: Knopf, 19, 77.
16. Schumpeter, J. A. (1939). Business Cycles: a theoretical and statistical analysis of the capitalist process. McGraw-Hill.

PGS., TS. Bùi Hữu Toàn
Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Việt Nam
Sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Việt Nam
19/11/2024 09:44 235 lượt xem
Sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống điện tử và Internet đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ nói chung, dịch vụ tài chính, ngân hàng nói riêng...
Đánh giá sức khỏe tài chính các ngân hàng Việt Nam theo phương pháp phân tích cụm
Đánh giá sức khỏe tài chính các ngân hàng Việt Nam theo phương pháp phân tích cụm
18/11/2024 11:30 447 lượt xem
Sức khỏe tài chính của các ngân hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 xảy ra do sự phá sản hàng loạt của các ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp và những vấn đề đặt ra
Tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp và những vấn đề đặt ra
11/11/2024 08:25 667 lượt xem
Thông qua phân tích quy mô và biến động dư nợ tín dụng nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2023, bài viết chỉ ra những kết quả tích cực và một số hạn chế trong tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với ngành sản xuất quan trọng này.
Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
05/11/2024 08:10 802 lượt xem
Hiện nay, công tác bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực được các NHTM chú trọng đầu tư phát triển, tuy nhiên, nguồn nhân lực của nhiều ngân hàng vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về chất lượng, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các ngân hàng.
Đánh giá khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng của NHTM Việt Nam bằng mô hình định lượng
Đánh giá khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng của NHTM Việt Nam bằng mô hình định lượng
04/11/2024 08:23 1.147 lượt xem
Nghiên cứu này nhằm chỉ ra mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng thông qua phương pháp khảo sát và phân tích hồi quy dữ liệu của 37 NHTM Việt Nam.
Thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Rào cản và gợi ý cho Việt Nam
Thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Rào cản và gợi ý cho Việt Nam
31/10/2024 08:07 958 lượt xem
Biến đổi khí hậu trở thành rủi ro lớn nhất mà loài người đang phải gánh chịu (WEF, 2024). Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững không còn là sự lựa chọn, mà gần như bắt buộc ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, mô hình kinh tế tuần hoàn nổi lên như một công cụ quan trọng.
Việt Nam sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế
Việt Nam sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế
29/10/2024 15:02 3.825 lượt xem
Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng lên, khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, hợp tác phát triển và thúc đẩy tiến bộ toàn cầu.
Kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2024 và một số đề xuất, khuyến nghị
Kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2024 và một số đề xuất, khuyến nghị
22/10/2024 14:35 6.761 lượt xem
Tình hình kinh tế Việt Nam trong tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tính chung 9 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Phát triển thị trường tài chính trong nền kinh tế số tại Việt Nam
Phát triển thị trường tài chính trong nền kinh tế số tại Việt Nam
21/10/2024 08:35 2.329 lượt xem
Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.
Tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính các ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính các ngân hàng thương mại Việt Nam
18/10/2024 08:05 2.102 lượt xem
Nghiên cứu này xem xét tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam giai đoạn 2014 - 2023.
Thách thức và giải pháp tài chính trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
Thách thức và giải pháp tài chính trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
17/10/2024 08:45 1.788 lượt xem
Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động lớn đến đời sống và kinh tế toàn cầu, nông nghiệp tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trên hai khía cạnh thích ứng với môi trường và tác động tiêu cực đến môi trường.
Tiếp cận phương pháp xác định hành vi quản trị lợi nhuận theo hướng truyền thống và hiện đại
Tiếp cận phương pháp xác định hành vi quản trị lợi nhuận theo hướng truyền thống và hiện đại
16/10/2024 08:00 946 lượt xem
Quản trị lợi nhuận là một chiến lược có thể được ban quản lí cố ý sử dụng để điều chỉnh chỉ tiêu thu nhập của công ty với các mục tiêu đã xác định trước.
Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - công cụ hỗ trợ phát triển “tam nông”: Kinh nghiệm từ Nhật Bản và bài học cho Việt Nam
Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - công cụ hỗ trợ phát triển “tam nông”: Kinh nghiệm từ Nhật Bản và bài học cho Việt Nam
15/10/2024 08:02 559 lượt xem
Bảo lãnh tín dụng được coi là một công cụ hữu hiệu giúp khắc phục được “điểm nghẽn” về vốn cho phát triển “tam nông”. Bài viết đề cập đến kinh nghiệm của Nhật Bản về bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững
14/10/2024 08:00 806 lượt xem
Quán triệt sâu sắc những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách, biện pháp về tiền tệ, tín dụng để khơi thông dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng mô hình dự báo hiện tại tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam
Xây dựng mô hình dự báo hiện tại tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam
11/10/2024 09:58 504 lượt xem
Dự báo hiện tại (Nowcasting) rất quan trọng trong kinh tế học vì dữ liệu cho các chỉ số chính như GDP thường có độ trễ và sai số đo lường đáng kể (Giannone và cộng sự, 2008)...
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

83,700

86,200

Vàng SJC 5c

83,700

86,220

Vàng nhẫn 9999

83,700

85,600

Vàng nữ trang 9999

83,600

85,200


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,150 25,502 26,092 27,523 31,263 32,592 158.81 168.04
BIDV 25,190 25,502 26,295 27,448 31,648 32,522 160.63 167.55
VietinBank 25,198 25,502 26,307 27,507 31,676 32,686 160.27 168.02
Agribank 25,200 25,502 26,225 27,408 31,448 32,511 160.54 168.04
Eximbank 25,160 25,502 26,287 27,168 31,543 32,559 161.12 166.54
ACB 25,170 25,502 26,309 27,212 31,642 32,598 160.68 167.03
Sacombank 25,180 25,502 26,294 27,267 31,555 32,708 160.81 167.32
Techcombank 25,184 25,502 26,134 27,486 31,274 32,605 157.32 169.76
LPBank 25,190 25,502 26,591 27,484 31,928 32,590 162.28 169.38
DongA Bank 25,230 25,500 26,300 27,150 31,600 32,550 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?