Kinh tế thế giới đang đối mặt với khó khăn lạm phát chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua
Sau một năm ảnh hưởng bởi sự tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi. Động lực cơ bản thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh chóng này là chính sách hỗ trợ khổng lồ, cả về tài chính và tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ này cũng là yếu tố gây lạm phát cao. Ban đầu, lạm phát chỉ tăng đối với một số ít mặt hàng hóa, nhưng đầu năm 2022, đà tăng giá cả dịch vụ có dấu hiệu kéo dài và đã vượt mức giá trước đại dịch tại nhiều khu vực trên thế giới.
Trên toàn cầu, các chuỗi cung ứng chịu nhiều áp lực. Khó khăn về nguồn cung đã lan rộng sang nhiều ngành nghề và quốc gia, dẫn đến tình trạng chậm trễ, nhiều doanh nghiệp bán lẻ bị thiếu hàng hóa. Trong lĩnh vực năng lượng và những thị trường hàng hóa khác, nguồn cung cũng bị thắt chặt, đẩy giá cả các mặt hàng chủ chốt tăng cao.
Trong khi các nước đang vật lộn với lạm phát và khó khăn kinh tế sau đại dịch, xung đột Nga - Ukraine đã đẩy thế giới vào tình cảnh khó khăn hơn. Theo báo cáo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 22/11/2022, GDP toàn cầu được dự báo chỉ tăng 3,1% trong năm nay và 2,2% vào năm 2023, phản ánh hệ quả trực tiếp của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine - châm ngòi cho khủng hoảng năng lượng và qua đó đẩy lạm phát tăng cao trên toàn cầu. Lạm phát tại các nước phát triển (AEs) đã tăng chậm dần nhưng vẫn dao động trên mức 9% trong năm 2022, trước khi giảm về ngưỡng 6,6% trong năm 2023 - cao hơn một chút so với dự báo do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra. Kinh tế Mỹ dự kiến chỉ tăng 1,8% trong năm 2022 và 0,5% vào năm 2023; GDP tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro) sẽ giảm mạnh xuống mức tăng trưởng 3,3% vào năm 2022 và 0,5% vào năm 2023.
Tuy nhiên, tác động từ cuộc chiến tại Ukraine vẫn không thể so sánh được với xu hướng sụt giảm kinh tế tại Trung Quốc do làn sóng lây nhiễm Covid-19 và các biện pháp chống dịch đang tác động mạnh đến tình hình kinh tế Trung Quốc, tiếp tục đe dọa kinh tế toàn cầu.
Điều kiện tài chính khắt khe khi các ngân hàng trung ương (NHTW) quyết liệt đối phó với lạm phát
Để kiềm chế đà tăng lạm phát, các NHTW tại AEs đang đẩy nhanh tiến độ bình thường hóa chính sách tiền tệ. Các NHTW lớn đặt mục tiêu lạm phát 2% và đã tăng lãi suất liên tục trong năm 2022 nhằm hạn chế đà tăng của giá cả. Tuy nhiên, chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ này cũng chất thêm gánh nặng nợ nần đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ, chất thêm rủi ro kinh tế toàn cầu. Trong số này, các quốc gia thu nhập thấp sẽ dễ bị tổn thương nhất do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, trong khi các điều kiện tài chính thắt chặt có thể làm gia tăng rủi ro tài chính và gánh nặng nợ nần, dẫn đến những lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023.
Kinh tế thế giới đang đối mặt với khó khăn lạm phát triền miên chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua, trong bối cảnh bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị tăng cao, rối loạn trên thị trường hàng hóa, năng lượng bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và chiến tranh kéo dài tại Ukraine.
Từ đầu năm 2021, các nước mới nổi cũng bắt đầu tăng lãi suất và tiếp tục thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và áp lực tỷ giá. Trên toàn cầu, điều kiện tài chính thắt chặt đáng kể, một phần phản ánh tác động của các động thái bình thường hóa chính sách tài chính - tiền tệ với hệ quả là làn sóng đào thoát nguồn vốn khỏi các nước mới nổi và tiên phong, nhất là tại những quốc gia có nền tảng kinh tế vĩ mô yếu ớt.
Trên toàn cầu, rủi ro đã trở thành hiện thực, bao gồm áp lực lạm phát tăng cao hơn kỳ vọng, kinh tế Trung Quốc tăng chậm hơn so với dự báo do Covid-19 tái bùng phát mạnh và dư chấn trên thị trường bất động sản, tác động lan tỏa từ cuộc chiến tại Ukraine. Các tổ chức kinh tế và tài chính quốc tế liên tục dự báo giảm triển vọng GDP.
Điều kiện tài chính tiếp tục thắt chặt, một phần do hệ quả của các biện pháp thắt chặt tiền tệ và một phần bắt nguồn từ những bất ổn về triển vọng GDP. Tại AEs, lãi suất tăng cao, trong khi điều kiện tài chính tại một số nước mới nổi có vẻ khó khăn hơn, do đồng bản tệ mất giá và phần lớn nợ nước ngoài dưới dạng USD làm tăng chi phí vay vốn.
Mặt bằng lãi suất và giá cả các loại tài sản rủi ro chao đảo quá mức, phản ánh diễn biến khó lường về lạm phát và triển vọng tăng trưởng cũng như khó khăn trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Cho đến tháng 6/2022, làn sóng bán tháo tài sản rủi ro xuất hiện ồ ạt, do những lo ngại về khả năng các NHTW sẽ đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất để chống lạm phát và ngăn ngừa xu hướng neo kỳ vọng lạm phát.
Lãi suất tăng đã cản trở khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, không một công ty nào trong số 15 công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ tạo ra lợi nhuận dương vào năm 2021. Trong đó, Microsoft đã giảm khoảng 700 tỷ USD vốn hóa thị trường; Meta đã giảm hơn 70% vốn hóa thị trường, tương đương 600 tỷ USD. Trong một năm qua, các nhà đầu tư trên sàn công nghệ Nasdaq đã mất tổng cộng khoảng 7,4 nghìn tỷ USD.
Trên các thị trường tín dụng, tình hình trở nên xấu đi và lợi suất trái phiếu doanh nghiệp (chi phí vay vốn) tại AEs tăng lên gần đỉnh cao trong hai năm qua. Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp tại các nước mới nổi dễ bị tổn thương nhất khi bảng cân đối tài sản đòn bẩy (vốn đã tăng cao từ khi xảy ra đại dịch Covid-19) có thể phóng đại mức độ thiệt hại trong thời kỳ giảm tốc kinh tế.
Về tổng thể, kinh doanh tài sản rủi ro ghi nhận một năm 2022 đầy khó khăn. Trong đó, tài sản của các thị trường mới nổi chịu tổn thất rất lớn, phần nào phản ánh xu hướng tăng giá USD so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới, mặc dù có sự khác biệt đáng kể. Trong những tháng cuối năm 2022, xu hướng chao đảo lan tỏa đến hầu hết các loại tài sản, phản ánh xu hướng chính sách tiền tệ khó định đoán và triển vọng kinh tế trầm lắng.
Tại châu Âu, thị trường tài chính ngày càng căng thẳng, các tài sản có giá bị bán thanh lý do nỗi lo suy thoái trong bối cảnh thiếu hụt khí tự nhiên và rủi ro phân đoạn hình thành trở lại tại khu vực đồng Euro. Tuy nhiên, chênh lệch lợi suất trái phiếu của các chính phủ so với trái phiếu của chính phủ Đức đã thu hẹp sau khi NHTW châu Âu (ECB) thông báo một công cụ mới (gọi là công cụ bảo vệ truyền tải) để chống tình trạng phân đoạn tại khu vực đồng Euro. Tại Vương quốc Anh, lo lắng của các nhà đầu tư về triển vọng tài khóa quy mô lớn trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao đã đè nặng tâm lý thị trường. Bảng Anh lao dốc mạnh, giá trái phiếu quốc gia giảm sâu. Để ngăn ngừa tình trạng rối loạn thị trường, ngày 28/9/2022, NHTW Anh (BoE) đã thông báo chương trình tạm thời có mục tiêu về mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài và tiếp tục tăng lãi suất để đưa lạm phát về mục tiêu 2% trong trung hạn. Các nhà đầu tư kỳ vọng, BoE sẽ tăng lãi suất thêm 240 điểm cơ bản (2,4%) đến cuối năm 2022 và lên gần 6% trong năm 2023.
Dư địa chính sách tại các thị trường mới nổi tiếp tục thu hẹp
Lãi suất tăng cao tại AEs và rủi ro bao phủ toàn cầu đã tiếp thêm áp lực về khả năng tăng chi phí vay vốn tại các nước mới nổi, nhất là những nước dễ bị tổn thương nhất. Cũng như AEs, các nước mới nổi và cận biên cũng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực. Trong đó, NHTW các nước Mỹ Latinh được cho là rất chủ động, tăng lãi suất sớm hơn và với quy mô lớn hơn nhằm đối phó với áp lực lạm phát. NHTW trung Âu và nam Âu tiến hành thắt chặt tiền tệ muộn hơn và với quy mô nhỏ hơn, chậm nhất là các NHTW châu Á (gần đây mới bắt đầu thắt chặt tiền tệ). Theo nhận định của thị trường, hầu hết các nước sẽ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 (không tính châu Á), thậm chí một số nước mới nổi sẽ giảm mạnh lãi suất trong năm 2023.
Tại nhiều nước mới nổi và cận biên, điều kiện trên thị trường trái phiếu bản tệ xấu đi rõ rệt, phản ánh những lo ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô và độ tin cậy của chính sách, cũng như rối loạn về vị thế tài khóa bắt nguồn từ đại dịch Covid-19. Trên toàn cầu, lợi suất trái phiếu bản địa tăng cao và đã đạt đỉnh cao lịch sử tại một số nước mới nổi. Căng thẳng trên thị trường trái phiếu bản địa được cho là sẽ kéo dài, nhất là khi lãi suất tại Mỹ tăng cao đã tăng áp lực lên NHTW các nước mới nổi. Khả năng nới lỏng tiền tệ rất khó xảy ra, nếu NHTW tại AEs tăng lãi suất cao hơn kỳ vọng hoặc duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Điều kiện tài chính khắt khe bóp nghẹt nhiều nước mới nổi
Các nước mới nổi đối mặt với hàng loạt rủi ro do chi phí vay vốn nước ngoài tăng cao, lạm phát cao kéo dài, thị trường hàng hóa chao đảo, triển vọng kinh tế không rõ ràng và cuộc chiến tại Ukraine, áp lực bắt nguồn từ các động thái thắt chặt tiền tệ tại AEs. Cho tới nay, hầu hết các nước mới nổi hàng đầu vẫn khá bền vững trước những biến động từ bên ngoài và các cú sốc về cân bằng thanh toán. Tuy nhiên, nhiều nước tiên phong đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại tiềm tàng về khả năng tiếp cận thị trường và rủi ro vỡ nợ chính phủ tăng cao.
Ngoài ra, rủi ro tiếp tục gia tăng do AEs sẽ đối phó với những lo ngại về những tổn thương các chuỗi cung ứng bằng cách tăng cường can thiệp chính sách. Rối loạn trong việc tái cơ cấu các chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm tăng thêm các rào cản thương mại và chính sách thương mại khó định đoán, có thể làm thui chột động lực tăng trưởng tại các nước mới nổi, làm bất ổn kinh tế vĩ mô và các dòng vốn, giảm khả năng của các nước phát triển trong việc tiếp cận thị trường tài chính quốc tế.
Liên quan đến các dòng quỹ đầu tư, cho tới cuối tháng 9/2022, các nhà đầu tư đã rút khoảng 60 tỷ USD khỏi các nước mới nổi, chiếm gần 10% tài sản đang quản lý, mặc dù vẫn thấp hơn lượng vốn diễn ra vào thời kỳ khó khăn năm 2013.
Trong năm 2022, lượng trái phiếu ngoại tệ phát hành giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015. Từ đầu năm cho đến tháng 9/2022, lượng trái phiếu nợ do các chính phủ mới phát hành giảm 54% so với cùng kỳ năm trước xuống 68 tỷ USD, thậm chí với lợi suất rất cao. Thời gian đáo hạn cũng rút ngắn đáng kể, chỉ 18% lượng trái phiếu mới phát hành có kỳ hạn trên 15 năm - mức thấp nhất kể từ năm 2013. Trong thời kỳ này, trái phiếu nợ do các doanh nghiệp phi tài chính phát hành giảm 75% so với cùng kỳ năm 2021, xuống dưới 60 tỷ USD, điều kiện phát hành ngày càng khó khăn.
Những năm gần đây, gánh nặng nợ công tăng rõ rệt tại hầu hết các nước mới nổi và cận biên, dẫn đến tình trạng xói mòn các nguồn tài khóa dự phòng cần thiết để giảm thiểu các cú sốc mới và gia tăng rủi ro tái cấp vốn. Tại các nước mới nổi, nợ công so GDP tăng trung bình từ 36% vào năm 2012 lên trên 60% vào năm 2022, mặc dù có sự khác biệt giữa các loại hình quốc gia. Do phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn vay nước ngoài, các nước tiên phong dễ bị tác động trực tiếp từ các động thái thắt chặt điều kiện tài chính tại AEs. Trái lại, nhiều nước mới nổi và phát triển hơn có đủ năng lực để xoay chuyển theo hướng tăng cường vay vốn nội tệ, rõ rệt nhất là trong những năm gần đây. Việc mở rộng thị trường trái phiếu trong nước có thể góp phần giảm thiểu rủi ro tiền tệ, thường là nguồn gốc dẫn đến khó khăn nợ nần và khủng hoảng tại các nước mới nổi; đồng thời, nâng cao năng lực tài khóa và hỗ trợ cho việc truyền tải chính sách tiền tệ hiệu quả.
Về cơ bản, dự trữ ngoại tệ bổ sung tại phần lớn các nước mới nổi vẫn dồi dào, đã tăng đáng kể từ mức thấp trong những thời kỳ khó khăn trước đây. Tuy nhiên, tổn thương vẫn đeo bám triền miên, với khoảng 25% số quốc gia có nguồn dự trữ dưới mức cần thiết theo khuyến nghị. Trong khi đa phần các nước tiên phong chỉ có dự trữ đệm yếu ớt, áp lực dự trữ bắt đầu hình thành trong thời gian gần đây tại một số nước mới nổi hàng đầu thế giới.
Trong bối cảnh như vậy, điều kiện vay vốn nước ngoài trở nên khó khăn đối với việc phát hành trái phiếu lợi suất thấp và khó khăn nợ nần có thể mở rộng sang nhiều nước, một khi kinh tế giảm sâu. Theo phân tích của IMF, nếu điều kiện tài chính thắt chặt đột ngột từ mức hiện hành, số quốc gia vỡ nợ hoàn toàn có thể tăng từ con số 20 quốc gia hiện nay lên 31 quốc gia. Ngoài ra, gánh nặng nợ nần có thể vượt 700 điểm cơ bản (7%) tại hơn 40 quốc gia. Do hầu hết các nước tiên phong chỉ bắt đầu phát hành trái phiếu dưới dạng ngoại tệ từ năm 2010, nên họ có ít kinh nghiệm trong việc điều chỉnh kéo dài kỳ hạn nợ trong điều kiện thị trường đối ngược. Tuy nhiên, rủi ro hệ thống vẫn hạn chế và trong trường hợp khó khăn thì cũng chỉ chiếm 20% thị trường trái phiếu tại các nước mới nổi, tương đương 5% GDP toàn cầu. Gánh nặng nợ công có thể tăng, nhưng hơn 60% chỉ số nợ công tăng không quá 600 điểm cơ bản.
Quan trọng là, phần lớn lượng trái phiếu bản địa phát hành tại các nước mới nổi hàng đầu đều được hấp thụ bởi các nhà đầu tư trong nước, khi nợ ngân hàng và các định chế tài chính phi ngân hàng tăng cao. Tiếp tục xu hướng hình thành từ giữa thập kỷ trước, tỷ trọng nợ bản địa đối với người không cư trú tại một số nước mới nổi hàng đầu giảm ít nhất 10% kể từ tháng 01/2020.
Tại các nước tiên phong, thách thức chủ yếu bắt nguồn từ tác động phối hợp của điều kiện tài chính khắt khe, rối loạn nền tảng kinh tế, giá cả hàng hóa chao đảo mạnh. Tỷ trọng nợ so GDP tăng trung bình gần hai lần kể từ năm 2010, mặc dù được kỳ vọng sẽ giảm phần nào trong năm 2022. Về nợ chính phủ, chi phí lãi suất tiếp tục tăng, cản trở nhu cầu mở rộng đầu tư công. Mặc dù giảm nhẹ từ giữa năm 2022, nhưng giá cả hàng hóa vẫn cao hơn trước đại dịch. Diễn biến này có thể gây bất lợi cho các nước nhập khẩu, nhưng nhiều nước xuất khẩu hàng hóa hưởng lợi nhờ giá cả tăng cao. Trái lại, giá thực phẩm tăng cao trên toàn cầu làm trầm trọng thêm mức độ tổn thương tại các nước tiên phong do phải nỗ lực cân bằng chính sách; lạm phát cao đòi hỏi phải thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng việc hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất đòi hỏi phải bổ sung dư địa tài khóa hoặc tái ưu tiên mở rộng chi tiêu.
Thanh khoản thị trường nghèo nàn
Sau hơn một thập kỷ có thanh khoản dồi dào, thế giới đang chuyển sang thời kỳ thắt chặt chu kỳ tiền tệ một cách triệt để nhằm chống lạm phát, dẫn đến xu hướng chao đảo thị trường, nhất là về dư địa lãi suất, làm tăng rối loạn điều kiện thanh khoản thị trường. Trong bối cảnh như vậy, thước đo thanh khoản thị trường xấu đi tại tất cả các loại hình tài sản, khi các nhà đầu tư vội vã rút khỏi hoạt động kinh doanh rủi ro. Độ sâu thị trường giảm nhanh, lợi suất bù thanh khoản tăng cao.
Tình trạng rối loạn thanh khoản thị trường có thể gây rủi ro đối với hệ thống tài chính. Căng thẳng rõ rệt gần đây trên thị trường chứng khoán có bảo đảm cho thấy, giá cả thay đổi đột ngột cùng với áp lực bán ra và cơ chế giảm đòn bẩy có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điều kiện tài chính, đe dọa chức năng và mức độ ổn định thị trường.
Trong những tháng cuối năm 2022, các nhà đầu tư đã rút dần hoạt động kinh doanh rủi ro, khi các NHTW tiếp tục thắt chặt tiền tệ và giảm thanh khoản, chao đảo thị trường tăng cao, triển vọng kinh tế trầm lắng. Các nhà đầu tư ngày càng thận trọng, tăng cường nắm giữ tiền mặt và tài sản dễ chuyển đổi sang tiền mặt, làm tăng thanh khoản USD trên thị trường vốn ngắn hạn.
Đối với các doanh nghiệp, thách thức kinh tế vĩ mô và môi trường chính sách đang trút áp lực lên khu vực doanh nghiệp trên toàn cầu. Trong đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lợi suất cao dễ bị tổn thương nhất. Mặc dù thu nhập của các doanh nghiệp kinh doanh chủ chốt vẫn tăng vững, nhưng chi phí lao động và đầu vào tăng cao đang xói mòn lợi nhuận. Lợi nhuận cận biên của các doanh nghiệp bắt đầu thu hẹp, hầu hết các khu vực kinh tế chủ chốt đều điều chỉnh giảm dự báo thu nhập. Giữa các khu vực, tăng trưởng tín dụng mở rộng đáng kể, nhất là trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động do thanh khoản nghèo nàn. Tín dụng đầu tư dưới chuẩn như trái phiếu lợi suất cao và cho vay đòn bẩy mở rộng đến mức chưa từng có kể từ mùa xuân năm 2020. Điều này dẫn đến sự thu hẹp phát hành trái phiếu nợ rủi ro mới, nhất là trái phiếu lợi suất cao. Gần một nửa lượng mức xếp hạng tín dụng CCC chất lượng thấp đang giao dịch một cách chật vật và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu đã điều chỉnh lại triển vọng vỡ nợ của trái phiếu lợi suất cao.
Tại các doanh nghiệp nhỏ, làn sóng phá sản bắt đầu hình thành và tăng cao tại AEs trong năm 2022 do những doanh nghiệp này dễ bị ảnh hưởng bởi chi phí vay vốn tăng cao và xu hướng thu hẹp các gói hỗ trợ tài khóa, cùng với chi phí lao động và đầu vào tăng cao, giá thành sản phẩm cao, không dễ được người tiêu dùng chấp nhận. Trong tương lai, dự báo lạm phát tiếp tục tăng và các NHTW tiếp tục thắt chặt tiền tệ, có thể chệch hướng đà phục hồi của khu vực doanh nghiệp và trầm trọng thêm rủi ro nợ nần.
Theo phân tích của IMF, tỷ trọng nợ của các doanh nghiệp có lợi nhuận âm tăng nhanh tại tất cả các loại hình doanh nghiệp, vượt 50% tại nhóm doanh nghiệp nhỏ tại AEs và các nước mới nổi; tăng lên trên 1/3 số doanh nghiệp vừa và lớn, nhất là tại các nước mới nổi. Rủi ro nợ nần tăng cao, có thể gây thất thoát nguồn vốn ngân hàng và các định chế tài chính phi ngân hàng, làm cường điệu hóa các cú sốc. Điều này đòi hỏi các chính phủ phải có biện pháp hỗ trợ tạm thời và có mục tiêu, nhằm ngăn ngừa rủi ro bùng phát làn sóng vỡ nợ tại các doanh nghiệp nhỏ và tránh lan truyền sang hệ thống tài chính.
Trước làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi các tài sản rủi ro diễn ra trong thời gian gần đây, điều kiện tài chính đòn bẩy đã rối loạn rõ rệt. Trong quý III/2022, nợ phát hành trên thị trường tài chính đòn bẩy tại Mỹ giảm sâu xuống mức thấp. Tùy thuộc vào cơ cấu nguồn quỹ của chủ nợ tư nhân, tầm nhìn của nhà đầu tư, mức độ tập trung vị thế nắm giữ và mối liên kết có thể với khu vực ngân hàng, điều kiện tài chính thắt chặt có thể bị phóng đại bởi lượng thanh khoản tồn đọng và rủi ro tài chính gắn liền trong phân đoạn này.
Liên quan đến thị trường nhà đất, giá nhà ở tại một số quốc gia đã tăng trên 20%, do tính đặc thù của đại dịch và hàng loạt yếu tố hình thành khi đại dịch bùng phát. Hoạt động kinh tế phục hồi nhanh hơn kỳ vọng, các biện pháp hỗ trợ tài chính chưa có tiền lệ đã góp phần duy trì tỷ trọng dịch vụ nợ ở mức thấp. Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung đã làm giảm lượng hàng tồn kho, hỗ trợ tăng giá nhà ở. Kết quả là, tỷ trọng giá cả so với thu nhập tại nhiều nước đã tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ qua.
Khi các NHTW trên toàn cầu tăng cường thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực tăng giá, chi phí vay vốn tăng mạnh và tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn, giá trị nhà ở mở rộng, có thể đẩy giá nhà ở giảm sâu, nhất là tại những quốc gia có tỷ trọng nợ cầm cố ở mức cao. Tại Mỹ, các biện pháp thắt chặt tiền tệ và lãi suất cao đã tác động nhanh chóng đến thị trường cầm cố nhà ở, với lãi suất cho vay cầm cố kỳ hạn 30 năm tăng trở lại lên mức cao như đã xảy ra vào năm 2008, trước khi giảm nhẹ phần nào vào giữa năm 2022. Tại một số quốc gia, giá nhà ở thực bắt đầu hạ nhiệt từ cuối năm 2021, nhưng có sự khác biệt giữa các quốc gia và khu vực. Trong quý IV/2021, giá nhà ở tại trung và đông Âu tăng khoảng 11%, nhưng giảm đáng kể tại các nước mới nổi châu Á, Mỹ Latinh, khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Tại Trung Quốc, thị trường bất động sản vốn đã giảm sâu, lại tiếp tục lao dốc do các biện pháp đối phó dịch Covid-19, trầm trọng thêm những khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6/2022, các nhà đầu tư đã rút khoảng 75 tỷ USD từ các trái phiếu nhân dân tệ, bao gồm 15% trái phiếu chính phủ. Nhằm ngăn chặn rủi ro lan truyền từ thị trường bất động sản sang toàn bộ nền kinh tế vốn đang bị đè nặng bởi dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải bơm ít nhất 1.000 tỷ Nhân dân tệ vào lĩnh vực bất động sản trong những tháng cuối năm 2022. Đầu tháng 11/2022, Trung Quốc đã công bố kế hoạch 16 điểm chỉ đạo các ngân hàng và công ty tài chính hỗ trợ thị trường bất động sản. Các biện pháp rất đa dạng, từ bơm thanh khoản đến nới lỏng quy định.
Trong kịch bản đảo ngược, giá nhà ở tại các nước mới nổi có thể giảm gần 25% trong 3 năm tới đây. Tại AEs, giá nhà ở có thể giảm trên 10%. Trong ngữ cảnh như vậy, áp lực đáng kể và triển vọng kinh tế mờ mịt là các yếu tố dẫn dắt xu hướng giảm giá nhà ở tại hầu hết các khu vực.
Những rủi ro này sẽ trầm trọng hơn trong trường hợp điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt đột ngột, có thể dẫn đến suy thoái trong vài năm tới đây. Mặc dù mức độ trầm trọng và tác động kinh tế vĩ mô của cú sốc bắt nguồn từ thị trường nhà đất sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ điều chỉnh giá nhà ở và nợ của các hộ gia đình, nhưng tác động lan truyền sang khu vực ngân hàng hạn chế hơn nhiều so với những đợt suy thoái trước đây.
Liên quan đến hệ thống ngân hàng toàn cầu, suy thoái và lạm phát có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững của ngân hàng. Hệ thống ngân hàng vẫn bền vững trong đại dịch và tác động của cuộc chiến tại Ukraine, nhờ mức vốn khá cao và thanh khoản đệm dồi dào. Tỷ lệ vốn cổ phần cấp 1 (CET1) tăng từ 12,5% vào năm 2019 lên 14,1% vào năm 2021, thu nhập lãi suất cải thiện nhờ các nỗ lực bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Lợi nhuận của các ngân hàng lớn được củng cố nhờ thu nhập kinh doanh trong khi thị trường chao đảo mạnh, bảng cân đối tài sản tiếp tục cải thiện. Bước sang năm 2021, tín dụng bắt đầu tăng trở lại và đã chạm tốc độ trước đại dịch Covid-19, thanh khoản và điều kiện vốn vẫn lành mạnh, tiền mặt và dự trữ đã vượt mức trước đại dịch.
Do triển vọng kinh tế xấu đi rõ rệt, các ngân hàng đang tái xây dựng dự phòng rủi ro tín dụng - lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19. Những quý gần đây, điều kiện cho vay đã thắt chặt đáng kể, tiêu chuẩn cấp tín dụng khắt khe hơn. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng tại AEs vẫn tăng vững, phản ánh nhu cầu của doanh nghiệp về vốn ngắn hạn do giá cả đầu vào tăng cao và các chuỗi cung ứng tiếp tục rối loạn. Trái lại, nhu cầu tín dụng tại các nước mới nổi bắt đầu giảm, ngày càng nhiều ngân hàng bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh tế và rủi ro tín dụng, nhất là tại khu vực đồng euro. Để đánh giá những thách thức mà khu vực ngân hàng phải đối mặt trong trường hợp rủi ro trở thành hiện thực đối với tăng trưởng và lạm phát, IMF đã tiến hành điều tra tính bền vững của hệ thống ngân hàng trong trường hợp suy thoái kinh tế trầm trọng, nếu đại dịch tái bùng phát và căng thẳng địa chính trị chưa đến hồi kết, các chuỗi cung ứng rối loạn triền miên, bao gồm gián đoạn xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Về tổng thể, hệ thống ngân hàng toàn cầu đang có đủ nguồn vốn để hấp thụ lỗ trong trường hợp căng thẳng, nhờ các nỗ lực cải cách sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và củng cố nguồn vốn trong những năm qua. Trong trường hợp khó khăn, CET1 có thể giảm từ 14,1% vào năm 2021 xuống mức tối thiểu 11,4% vào năm 2023, sau đó phục hồi nhẹ lên 11,5% vào năm 2024.
Trong kịch bản căng thẳng, các ngân hàng tại các nước mới nổi sẽ đối mặt với mức lỗ lớn hơn so với tại AEs. Mức sụt giảm tối đa CET1 lên đến 4,3%, cao hơn 1,7% so với tại AEs. Đến cuối năm 2024, CET1 tại các nước mới nổi sẽ thấp hơn mức vốn cơ bản tới 5,5%, cao hơn 3,0% tại AEs.
Nguyên nhân dẫn đến mức lỗ lớn hơn này là do mức nhạy cảm lớn hơn trước các cú sốc tài chính vĩ mô, dẫn đến sự suy giảm tín dụng, thu nhập từ lãi suất giảm, thiệt hại trong sổ kinh doanh và những chi phí khác. Nguyên nhân làm tăng mức lỗ kinh doanh là do lãi suất ngắn hạn tăng mạnh và chứng khoán chính phủ chiếm tỷ trọng khá cao trong danh mục tài sản đầu tư của ngân hàng. Tác động đến các ngân hàng tại các nước mới nổi cũng trầm trọng hơn do một số ngân hàng đối mặt với những tổn thương tài chính bổ sung bắt nguồn từ tỷ trọng nợ ngoại tệ khá cao.
Trong kịch bản căng thẳng, các hệ thống ngân hàng quốc gia về cơ bản sẽ vẫn đáp ứng yêu cầu CET1 tối thiểu 4,5%, nhưng CET1 tại một số định chế tài chính có thể giảm xuống dưới ngưỡng tối thiểu này. Theo mẫu điều tra, thiệt hại này có thể chiếm 5% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng toàn cầu và có thể cần 77 tỷ USD để nâng CET1 trở lại tỷ trọng 4,5%.
Hiện nay, lạm phát vẫn tiếp tục leo thang và áp lực giá cả lan rộng sang hầu hết các mặt hàng, các nhà tạo lập chính sách quốc gia đang tiếp tục bình thường hóa chính sách tiền tệ, một số NHTW bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối tài sản. Do rất khó xử lý tình trạng tắc nghẽn nguồn cung do đại dịch Covid-19 gây ra và rối loạn thị trường bắt nguồn từ cuộc chiến tại Ukraine, cần điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng giảm nhu cầu trong nước để xử lý áp lực lạm phát liên quan.
Ổn định giá cả là yếu tố quyết định để duy trì tăng trưởng bền vững, các NHTW phải kiên quyết kéo giảm lạm phát về mục tiêu đã đề ra, kiềm chế áp lực lạm phát và tránh chệch hướng kỳ vọng lạm phát. Mặc dù bóng đen bao trùm triển vọng kinh tế toàn cầu đang gây khó khăn cho các NHTW trong việc đưa ra giải thích phù hợp và định hướng chính sách chính xác về xu hướng chính sách tiền tệ trong tương lai, nhưng nếu có hoạt động truyền thông rõ ràng về phản ứng chính sách, cam kết về khả năng đạt được mục tiêu đề ra và sự cần thiết phải tiếp tục bình thường hóa chính sách thì sẽ duy trì niềm tin và tránh chao đảo thị trường.
Theo khung khổ chính sách hội nhập của IMF, một số nước mới nổi đang quản lý chu kỳ thắt chặt toàn cầu có thể cân nhắc sử dụng kết hợp giữa can thiệp tỷ giá có mục tiêu với các biện pháp quản lý dòng vốn hay những nghiệp vụ khác để tạo thuận lợi trong việc điều chỉnh tỷ giá, góp phần giảm bớt rủi ro bất ổn tài chính và duy trì khả năng truyền tải chính sách tiền tệ một cách phù hợp.
Tại các nước tiên phong và đang phát triển, khách hàng vay vốn cần tăng cường các nỗ lực kiềm chế rủi ro liên quan đến mức độ tổn thương nợ cao, kể cả thông qua mối liên hệ sớm với các bên cho vay, phối hợp đa phương và sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Việc luật hóa các kế hoạch củng cố tài khóa trung hạn sau các cú sốc gần đây có thể giúp kiềm chế chi phí vay mượn và tái cấp vốn, giảm nhẹ những lo ngại về tính bền vững nợ nần.
Các nhà tạo lập chính sách cần kiềm chế nguy cơ hình thành những tổn thương tài chính tiếp theo. Khi cân nhắc các ngữ cảnh riêng của các đối tác và những thách thức kinh tế ngắn hạn, có thể điều chỉnh các công cụ chính sách vĩ mô lựa chọn khi cần thiết để kiểm soát tổn thương leo thang. Chủ động cân bằng giữa việc kiềm chế khả năng hình thành những tổn thương với việc tránh thắt chặt điều kiện tài chính theo chu kỳ và thiếu trật tự, đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh bất ổn kinh tế tăng cao.
Quan trọng nhất là cần thực thi các chính sách giảm thiểu rủi ro thanh khoản thị trường, nhằm tránh khả năng phóng đại các cú sốc. Các cơ quan giám sát cần theo dõi tính bền vững của hạ tầng thương mại và hỗ trợ minh bạch trên thị trường. Ngoài ra, cần nâng cấp các dữ liệu trao đổi để đánh giá kịp thời rủi ro thanh khoản. Do tầm quan trọng của các định chế tài chính phi ngân hàng, các bên đối tác cần theo dõi chặt chẽ hoạt động hằng ngày và rủi ro đòn bẩy, nâng cao năng lực quản lý rủi ro thanh khoản, tăng cường tính minh bạch và chuẩn bị đầy đủ dữ liệu cần thiết.
Thị trường tài chính Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức
Lạm phát tăng cao trên toàn cầu cũng gây áp lực đến thị trường trong nước, làm tăng chi phí đầu vào và giá cả những mặt hàng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Cuối tháng 11/2022, một số ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất huy động lên đến 10,5%/năm, đẩy lãi suất cho vay tăng cao. Do tác động từ bên ngoài có dấu hiệu giảm dần, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện, ngày 15/12/2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2,0% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thị trường tài chính năm 2022 đối mặt với một số thách thức đáng quan tâm do tác động tiêu cực bắt nguồn từ lĩnh vực nhà đất, thị trường chứng khoán chao đảo mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 16/11/2022, chỉ số Vn-index đã giảm xuống dưới 900 điểm. Lạm phát tăng cao cũng là yếu tố tác động đến hoạt động đầu tư, tổng chi ngân sách nhà nước tính đến cuối tháng 11/2022 chỉ đạt 1.359 nghìn tỷ đồng, bằng 76,2% dự toán năm; cán cân ngân sách nhà nước 11 tháng thặng dư khoảng 280 nghìn tỷ đồng. Với mức thặng dư này, ngân sách nhà nước vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, năng lực tài khóa hiện hành được cho là khá mong manh trước những tác động khó lường trong tương lai. Vì thế, cần nghiên cứu, xác định các biện pháp tăng nguồn thu trong dài hạn một cách bền vững, góp phần tăng cường năng lực tài chính và giảm nhẹ áp lực đối với chính sách tiền tệ trong việc chống lạm phát; nghiên cứu, thực hiện các giải pháp khôi phục, duy trì sự ổn định của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Về tổng thể, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh tổng cầu thế giới đang dần suy giảm và mặt bằng lãi suất chung đang gia tăng mạnh mẽ tại các nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến USD và những dấu hiệu bất ổn tài chính trong nước, để có biện pháp can thiệp phù hợp khi tình huống xấu xảy ra, góp phần bình ổn thị trường tài chính - tiền tệ trong nước. Tăng cường quản lý nguồn cung USD cho nền kinh tế hỗ trợ xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối, giảm nhập khẩu những mặt hàng không thực sự cần thiết. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về kinh tế vĩ mô, chủ trương chính sách của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để ổn định tâm lý thị trường.
Nguồn tham khảo: OECD, IMF, Tổng cục Thống kê
Vũ Xuân Thanh