Keywords: Deciding to use credit cards, individual customers, commercial banks.
1. Giới thiệu
Thẻ tín dụng là một trong nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ đáp ứng sự đa dạng về nhu cầu của người tiêu dùng. Mặc dù sự phát triển của thẻ tín dụng ở các nước phát triển như Mỹ, Anh… ở trình độ rất cao và phổ biến, tại Việt Nam, sự phát triển của thẻ tín dụng chưa được như kì vọng do người dân quen với loại hình thẻ ghi nợ hơn. Tuy nhiên, các tính năng mà thẻ tín dụng mang lại cho người sử dụng là rất ưu việt và tiện lợi. Bên cạnh đó, phát triển thẻ tín dụng kích thích chi tiêu cho tiêu dùng của khách hàng, qua đó, ngân hàng có thêm cơ hội gia tăng thu nhập và lợi nhuận. Hiện nay, các ngân hàng đã và đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt trong việc mở rộng và phát triển nhằm hấp dẫn khách hàng sử dụng thẻ tín dụng. Các ngân hàng đang triển khai nhiều chính sách quảng cáo, ưu đãi nhằm thu hút khách hàng sử dụng thẻ tín dụng một cách phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. So với các tỉnh trong vùng thì An Giang là tỉnh thuần nông, trình độ dân trí chưa cao, người dân thực hiện các giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt, họ chưa tiếp cận và sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, số lượng khách hàng sử dụng thẻ tín dụng tương đối ít, điều này làm lãng phí nguồn lực của ngân hàng và xã hội (Trần Trọng Triết, 2021). Để nâng cao chất lượng thẻ tín dụng nhằm dễ dàng thu hút khách hàng, mở rộng quy mô khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng hơn thì việc tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng là rất quan trọng để đưa ra các chiến lược, chính sách phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng tại
An Giang.
2. Tổng quan nghiên cứu
2.1. Cơ sở lí thuyết về hành vi khách hàng
Theo Kotler và Levy (1969) “Hành vi khách hàng là những hành vi cụ thể của một cá nhân hay đơn vị khi thực hiện các quyết định mua sắm, sử dụng và xử lí thải bỏ sản phẩm hay dịch vụ”.
Theo Blackwell và cộng sự (2006) “Hành vi khách hàng là những hành động liên quan trực tiếp đến việc có được, tiêu dùng và xử lí thải bỏ những hàng hóa dịch vụ, bao gồm các quá trình ra quyết định trước và sau những hành động này”.
Nguyễn Thị Ngọc Hiền và cộng sự (2022) cho rằng, hành vi khách hàng có thể hiểu là những hành động mà khách hàng thể hiện ra khi có nhu cầu với một sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Những hành động này thường tuân theo quá trình từ nhận được nhu cầu đến quyết định tiêu dùng và xử lí sản phẩm sau khi mua. Quá trình đó luôn chịu tác động từ những sự thôi thúc bên trong cũng như môi trường bên ngoài.
2.2. Các giả thuyết và mô hình nghiên cứu
2.2.1. Thái độ đối với quyết định sử dụng thẻ
Theo Ajzen (1991), thái độ bao gồm những nhìn nhận tích cực hay tiêu cực của một cá nhân cụ thể khi cá nhân đó thực hiện hành vi thực sự. Thái độ hướng tới hành vi được đo lường bởi niềm tin và sự đánh giá đối với kết quả của hành vi đó. Đối với hành vi của khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng đó là những nhìn nhận của họ về loại hình sản phẩm thẻ khi sử dụng, đó có thể là những cảm nhận, đánh giá đồng tình hay không đồng tình, tốt hay xấu tùy thuộc vào mức độ thỏa mãn nhu cầu sử dụng của đối tượng khách hàng mà sản phẩm thẻ có thể đáp ứng.
Giả thuyết H1: Thái độ có tác động thuận chiều (+) đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân.
2.2.2. Chuẩn chủ quan
Theo Ajzen (1991), khách hàng khi có quyết định sử dụng thẻ tín dụng sẽ chịu sự ảnh hưởng từ những người có ý nghĩa quan trọng với họ, bị ảnh hưởng bởi thái độ, sự quan tâm của những người đó, chẳng hạn như người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Tùy từng mức độ quan trọng của những người đó với khách hàng mà sự ảnh hưởng đến quyết định sử dụng sẽ mang mức độ mạnh, yếu khác nhau. Định nghĩa về chuẩn chủ quan là nhận thức của người có ý nghĩa quan trọng nghĩ rằng, người tiêu dùng có nên thực hiện hay không thực hiện hành vi đó.
Giả thuyết H2: Chuẩn chủ quan có tác động thuận chiều (+) đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân.
2.2.3. Nhận thức kiểm soát hành vi
Theo Ajzen (1991) thì nhận thức về kiểm soát hành vi sử dụng thẻ được định nghĩa là sự đánh giá của một cá nhân đối với các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi hay cản trở trong quá trình thực hiện hành vi của chính cá nhân đó. Các yếu tố có thể nói đến như thu nhập, hoạt động chi tiêu, kiểm soát thanh toán, năng lực tài chính, thời hạn trả và các kiến thức cần thiết về thẻ tín dụng… sẽ có những ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng.
Giả thuyết H3: Nhận thức về kiểm soát hành vi có tác động thuận chiều (+) đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân.
2.2.4. Khả năng sẵn sàng đáp ứng của hệ thống ngân hàng
Theo Nguyễn Thị Ngọc Hiền và cộng sự (2022) thì với khả năng sẵn sàng cung ứng ở mức độ tuyệt đối khi cần thiết, khách hàng sẽ dễ bị ảnh hưởng nếu khả năng sẵn sàng cung ứng của hệ thống ngân hàng tốt hoặc xấu, điều này sẽ quyết định họ có nên hay không sử dụng thẻ, vì vậy, trước khi quyết định sử dụng họ sẽ rất quan tâm đến vấn đề sẵn sàng này.
Giả thuyết H4: Khả năng sẵn sàng đáp ứng của hệ thống ngân hàng có tác động thuận chiều (+) đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân.
2.2.5. Chi phí sử dụng thẻ
Trần Nguyễn Minh Hải và Trịnh Minh Mỹ Vy (2020) cho rằng, bên cạnh chi phí khi phát hành thẻ là miễn phí, đắt hay rẻ thì trong suốt quá trình sử dụng thẻ sẽ có những khoản mục chi phí phát sinh mà khách hàng cần phải thanh toán. Vì vậy, có thể nói, đây là một trong những nhân tố rất quan trọng có ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ của khách hàng.
Giả thuyết H5: Chi phí sử dụng thẻ có tác động ngược chiều (-) đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân.
2.2.6. Tiện ích sử dụng thẻ
Theo Bùi Văn Thụy và cộng sự (2021), người tiêu dùng tò mò về những lợi ích sẽ mang tới khi sử dụng thẻ tín dụng, họ tin tưởng rằng sử dụng thẻ tín dụng sẽ mang lại các giá trị, lợi ích tích cực như tiết kiệm thời gian, độ an toàn và bảo mật tốt… những sự tiện lợi sẽ giúp cho công việc của khách hàng đạt được hiệu quả cao. Vì vậy, tiện ích sử dụng thẻ có tác động đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của người tiêu dùng.
Giả thuyết H6: Tiện ích sử dụng thẻ có tác động thuận chiều (+) đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân.
Sơ đồ mô hình nghiên cứu đề xuất được thể hiện trong Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này được thực hiện qua 02 giai đoạn chính: (i) Nghiên cứu sơ bộ nhằm điều chỉnh bảng hỏi cho phù hợp với thực tế nghiên cứu; (ii) Nghiên cứu định lượng nhằm thu thập thông tin, phân tích dữ liệu phục vụ cho mục đích nghiên cứu.
Thông tin dữ liệu được thu thập thông qua khảo sát khách hàng đang sử dụng thẻ tín dụng tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang. Mẫu khảo sát trong nghiên cứu chính thức được thực hiện bằng phương pháp lấy mẫu thuận tiện với kích cỡ mẫu là 160 mẫu trong khoảng thời gian từ tháng 4/2023 đến tháng 6/2023. Khảo sát đối tượng nghiên cứu bằng bảng hỏi với thang đo Likert 5 mức độ được phát trực tiếp đến khách hàng cá nhân, sau đó, nhóm tác giả sử dụng phần mềm SPSS 20.0 để phân tích dữ liệu với 30 biến quan sát (27 biến độc lập và 03 biến phụ thuộc) như thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy của thang đo thông qua hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hồi quy tuyến tính đa biến để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu (Bảng 1)
Bảng 1: Kết quả thống kê mẫu nghiên cứu
Nguồn: Kết quả xử lí từ số liệu khảo sát của nhóm tác giả
4.2. Phân tích độ tin cậy thang đo
Bảng 2: Hệ số Cronbach’s Alpha của các biến độc lập
Nguồn: Kết quả xử lí từ số liệu khảo sát của nhóm tác giả
Kết quả tại Bảng 2 cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng đều lớn hơn 0,6. Cụ thể: Hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo từng nhân tố lần lượt là: Thái độ 0,874; chuẩn chủ quan 0,706; nhận thức kiểm soát hành vi 0,835; chi phí sử dụng thẻ 0,871; khả năng sẵn sàng đáp ứng của hệ thống ngân hàng 0,826; tiện ích sử dụng thẻ 0,860. Đồng thời, các hệ số tương quan biến - tổng của các biến đo lường đều lớn hơn 0,3. Qua đó, kết quả này cho thấy, các biến đều có độ phù hợp và độ tin cậy cao. Vì vậy, thang đo có sự phù hợp và có độ tin cậy nên sẽ được sử dụng cho phân tích EFA.
Bảng 3: Hệ số Cronbach’s Alpha của các biến phụ thuộc
Nguồn: Kết quả xử lí từ số liệu khảo sát của nhóm tác giả
Kết quả ở Bảng 3 cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo biến phụ thuộc quyết định sử dụng thẻ là 0,804 lớn hơn 0,6 và các hệ số tương quan biến tổng của các biến đo lường cũng có kết quả lớn hơn 0,3. Vì vậy, thang đo có sự phù hợp và có độ tin cậy nên sẽ được sử dụng cho phân tích EFA.
4.3. Phân tích EFA
Kết quả phân tích EFA thể hiện rằng, mô hình phân tích các nhân tố là phù hợp (xem Bảng 4).
Bảng 4: Hệ số KMO và kiểm định Barlett của thang đo
Nguồn: Kết quả xử lí từ số liệu khảo sát của nhóm tác giả
Hệ số KMO là 0,740 đã thỏa mãn điều kiện 0,50 < KMO < 1 cho nên, có thể nói, EFA là phù hợp với bộ dữ liệu nghiên cứu. Bên cạnh đó, kết quả kiểm định Bartlett’s Test của thang đo cho ra giá trị Chi bình phương (Chi-2) là 2.105,693 và giá trị Sig. là 0,000 < 0,05. Từ đó, có thể đưa ra nhận xét rằng, các biến này có sự tương quan với nhau và mô hình phân tích này là phù hợp. (Bảng 5)
Bảng 5: Giá trị Eigenvalues, tổng hệ số tải bình phương rút trích nhân tố và tổng hệ số tải bình phương xoay nhân tố
Nguồn: Kết quả xử lí từ số liệu khảo sát của nhóm tác giả
Trị số Eigenvalue của các nhân tố đều đảm bảo lớn hơn 1, vì vậy, tất cả đều được giữ lại phân tích EFA. Tổng phương sai đạt 65,284% (lớn hơn 50%). Điều này cho biết, 06 nhân tố giải thích 65,284% biến thiên của tập dữ liệu. Hệ số tải nhân tố của 27 biến quan sát của các biến độc lập đều lớn hơn 0,5, do đó, các biến này có độ tin cậy và ý nghĩa thực tiễn. Tóm lại, sau khi phân tích EFA thì 06 nhân tố độc lập với 27 biến quan sát trong mô hình ban đầu đều đủ điều kiện để giữ lại trong mô hình và tất cả sẽ được đưa vào phân tích hồi quy.
4.4. Phân tích hồi quy đa biến
Kết quả tóm tắt mô hình tại Bảng 6 cho thấy giá trị R2 = 0,657, điều này cho thấy, các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy ảnh hưởng 65,7% sự biến thiên của biến phụ thuộc, còn lại 34,3% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Bên cạnh đó, giá trị Durbin - Watson đạt 1,992 - nằm trong khoảng 1,5 đến 2,5 nên kết quả không vi phạm giả định tự tương quan chuỗi bậc nhất.
Bảng 6: Tóm tắt mô hình
Nguồn: Kết quả xử lí từ số liệu khảo sát của nhóm tác giả
Kết quả phân tích ANOVA (Bảng 7) cho thấy, giá trị Sig. kiểm định F bằng 0,000 < 0,05, do đó, mô hình hồi quy được đánh giá là phù hợp.
Bảng 7: ANOVA
Nguồn: Kết quả xử lí từ số liệu khảo sát của nhóm tác giả
Từ Bảng 8, hệ số hồi quy cho thấy cả 06 biến độc lập bao gồm: Thái độ (TĐ); chuẩn chủ quan (CCQ); nhận thức kiểm soát hành vi (NT); khả năng sẵn sàng của hệ thống ngân hàng (KN); chi phí sử dụng thẻ (CP); tiện ích sử dụng thẻ (TI) đều tác động đến biến phụ thuộc (QĐ) vì đều có Sig. < 0,05. Trong đó, có 05 nhân tố tác động thuận chiều đến quyết định sử dụng thẻ do hệ số hồi quy Beta có giá trị dương, đó là: Thái độ; chuẩn chủ quan; nhận thức kiểm soát hành vi; khả năng sẵn sàng đáp ứng của hệ thống ngân hàng; tiện ích sử dụng thẻ. Ngược lại, chỉ có nhân tố chi phí sử dụng thẻ có tác động ngược chiều đến quyết định sử dụng thẻ vì hệ số hồi quy Beta mang giá trị âm. Bên cạnh đó, hệ số phóng đại phương sai VIF < 10 cho thấy các biến độc lập không có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Vì vậy, các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5, H6 đều được chấp nhận.
Bảng 8: Kết quả hồi quy
Biến phụ thuộc: QĐ
Nguồn: Kết quả xử lí từ số liệu khảo sát của nhóm tác giả
5. Kết luận và một số khuyến nghị
5.1. Kết luận
Dựa trên kết quả nghiên cứu có thể nhận thấy cả 06 nhân tố (thái độ, chuẩn chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi, khả năng sẵn sàng đáp ứng của hệ thống ngân hàng, chi phí sử dụng thẻ, tiện ích) đều ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang. Điều này khác với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Trà Giang (2016), Nguyễn Thị Ngọc Hiền và cộng sự (2022), ở nhân tố tiện ích sử dụng thẻ, khi các tác giả cho rằng, nhân tố này không ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ; khác với kết quả nghiên cứu của Bùi Văn Thụy và cộng sự (2021) khi họ cho rằng, chỉ có 03 nhân tố ảnh hưởng là thái độ, chi phí sử dụng thẻ, tiện ích sử dụng thẻ. Ngoài ra, kết quả này cũng khác với nghiên cứu của Đinh Xuân Nguyên (2022) cho rằng, nhân tố ảnh hưởng là hình ảnh ngân hàng, đồng thời, cũng khác với kết quả nghiên cứu của Sari và Rofaida (2015) khi cho rằng cả 03 nhân tố khả năng sẵn sàng đáp ứng của hệ thống ngân hàng, chi phí sử dụng thẻ, tiện ích sử dụng thẻ không ảnh hưởng. Kết quả này giống với nghiên cứu của Khare và cộng sự (2012) ở nhân tố ảnh hưởng là thái độ, tiện ích sử dụng thẻ; giống nghiên cứu của Ali và cộng sự (2017) về nhân tố ảnh hưởng là thái độ, chuẩn chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi, chi phí sử dụng thẻ. Điều này cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại còn tùy theo nhu cầu, quan điểm của từng khách hàng, tùy vào đặc điểm của từng vùng, miền.
5.2. Một số khuyến nghị
5.2.1. Đối với nhân tố thái độ
- Ngân hàng cần mở rộng hơn nữa các hoạt động thanh toán từ thẻ tín dụng mà người dân có thể dễ dàng sử dụng nhằm nâng cao thái độ của khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, ví dụ: dịch vụ thanh toán hóa đơn hằng ngày như thanh toán tiền điện, nước, gas, Internet… từ việc thiết lập thói quen đó, khách hàng sẽ có thái độ tích cực hơn đối với thẻ tín dụng.
- Ngân hàng cần đa dạng hóa hơn nữa các loại hình thẻ tín dụng nhằm mục tiêu phù hợp với nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Do xu hướng khách hàng hiện nay có yêu cầu ngày càng cao về các dịch vụ mà mình sử dụng, vì vậy, ngân hàng cần có những loại hình sản phẩm thẻ tín dụng có những hạn mức ưu việt hơn, thiết kế thu hút hơn… Sự đa dạng đó sẽ thu hút nhiều khách hàng sử dụng thẻ tín dụng hơn nữa.
- Ngân hàng cần tăng cường và nâng cao hệ thống bảo mật thông tin cho khách hàng, đảm bảo khách hàng cảm thấy thật sự an tâm khi sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng, từ đó, khách hàng sẽ có tâm lí thật sự thoải mái khi sử dụng thẻ.
5.2.2. Đối với nhân tố chuẩn chủ quan
- Ngân hàng nên có nhiều chính sách ưu đãi đối với những khách hàng giới thiệu thêm khách hàng khác sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng, bởi vì hành vi tiêu dùng của khách hàng sẽ có xu hướng chịu sự tác động mạnh mẽ từ những người thân quen, vì vậy, việc giới thiệu thêm khách hàng sẽ có tác động tích cực đến khách hàng khác trong việc sử dụng thẻ. Vì lí do đó, ngân hàng nên có chính sách ưu đãi với những người giới thiệu, từ đó sẽ có thêm nhiều khách hàng hơn nữa đến với ngân hàng.
- Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên nghiệp, tận tâm với khách hàng, chăm sóc chu đáo và phát triển mối quan hệ thân thiết với khách hàng nhằm tạo mối quan hệ gắn bó, thông qua đó, khách hàng sẽ hài lòng và giới thiệu các dịch vụ của ngân hàng đến với nhiều người thân, bạn bè và đồng nghiệp, những người có mối quan hệ gần gũi với họ.
5.2.3. Đối với nhân tố nhận thức kiểm soát hành vi
- Nâng cao, tối ưu hóa các thông tin về sản phẩm thẻ tín dụng một cách dễ hiểu và đầy đủ nội dung, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nguồn thông tin mà khách hàng có thể dễ dàng, thuận tiện biết đến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có thể nắm được đầy đủ kiến thức, thông tin về thẻ tín dụng, từ đó, tin tưởng để đưa ra quyết định sử dụng.
- Cán bộ, nhân viên ngân hàng cần tư vấn thật sự đầy đủ và dễ hiểu cho khách hàng. Cần hỗ trợ nhiệt tình bất cứ khi nào khách hàng có nhu cầu, mang lại sự thoải mái và đầy đủ thông tin về cách thức trả nợ, chi tiêu, điều kiện ưu đãi của thẻ tín dụng… Từ đó, khách hàng nhận thấy mình có đủ thông tin, hiểu biết để dễ dàng đưa ra quyết định sử dụng thẻ tín dụng.
5.2.4. Đối với nhân tố khả năng sẵn sàng đáp ứng của hệ thống ngân hàng
- Mở rộng mạng lưới ATM cũng như các POS hiện đại sẵn sàng phục vụ khách hàng bất cứ lúc nào, luôn đổi mới và phù hợp với nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng nhằm tạo một hình ảnh chuyên nghiệp cũng như đem lại cho khách hàng cảm giác thoải mái khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
- Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp, tận tâm và luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng bất cứ lúc nào họ cần, tư vấn một cách đầy đủ về các quy trình thủ tục, hồ sơ cấp và sử dụng thẻ tín dụng, luôn thân thiện và niềm nở khi tư vấn cho khách hàng để họ cảm nhận được sự thoải mái nhất khi sử dụng dịch vụ tại ngân hàng.
5.2.5. Đối với nhân tố chi phí sử dụng thẻ
Ngân hàng cần có những chính sách giảm chi phí thường niên, chi phí phát hành và lãi suất thẻ tín dụng nhằm gia tăng sự cạnh tranh với các ngân hàng khác một cách dễ dàng hơn, tuy giảm chi phí nhưng vẫn cung cấp đầy đủ các lợi ích phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Việc giảm những chi phí này sẽ thu hút khách hàng sử dụng và có nhiều giao dịch sử dụng thẻ tín dụng hơn.
5.2.6. Đối với nhân tố tiện ích sử dụng thẻ
- Ngân hàng nên tuyên truyền rộng rãi về các tiện ích khi sử dụng thẻ tín dụng đến khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, quảng cáo và tư vấn trực tiếp từ nhân viên ngân hàng để khách hàng biết được đầy đủ những tiện ích mà thẻ tín dụng mang lại, từ đó họ có thể quyết định sử dụng thẻ.
- Liên kết với nhiều tổ chức thanh toán, hiện đại hóa các dịch vụ thanh toán hóa đơn phục vụ nhu cầu hằng ngày giúp khách hàng được hưởng các ưu đãi giảm giá, hoàn tiền, chẳng hạn như thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, cước phí viễn thông… Qua đó, khách hàng có thể dễ dàng thanh toán các dịch vụ này thông qua thẻ tín dụng và được giảm giá hoặc hoàn tiền. Từ lợi ích đó sẽ hấp dẫn khách hàng và khiến họ có quyết định sử dụng thẻ tín dụng cũng như giới thiệu cho các khách hàng khác sử dụng.
Tài liệu tham khảo:
1. Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational behavior and human decision
processes, 50(2), pages 179-211.
2. Ali, M., Raza, S. A., & Puah, C.-H. (2017). Factors affecting to select Islamic credit cards in Pakistan: the TRA model. Journal of Islamic Marketing.
3. Amin, H. (2013). Factors influencing Malaysian bank customers to choose Islamic credit cards:
empirical evidence from the TRA model. Journal of Islamic Marketing.
4. Blackwell, R., DSouza, C., Taghian, M., Miniard, P., & Engel, J. (2006). Consumer behaviour: an Asia Pacific approach. Deakin University.
5. Brito, D. L., & Hartley, P. R. (1995). Consumer rationality and credit cards. Journal of political Economy, 103(2), pages 400-433.
6. Bùi Văn Thụy, Nguyễn Quốc Trọng và Phan Thị Diễm Nhật (2021). Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng trong giao dịch thương mại điện tử của khách hàng cá nhân tại Vietcombank - Chi nhánh Đông Đồng Nai. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-yeu-to-anh-huong-den-quyet-dinh-su-dung-the-tin-dung-trong-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-cua-khach-hang-ca-nhan-tai-vietcombank-chi-nhanh-dong-dong-nai-84520.htm
7. Choo, S. Y., Lim, H. E., & Sanusi, N. A. (2007). The consumer choice of Islamic-based credit card: an analysis of bivariate probit model.
8. Đinh Xuân Nguyên (2022). Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Cần Thơ. Luận văn Thạc sĩ. Đại học Tây Đô.
9. Economics, U. S. F. T. C. B. o., Lacko, J. M., & Pappalardo, J. K. (2007). Improving consumer mortgage disclosures: An empirical assessment of current and prototype disclosure forms. Federal Trade Commission, Bureau of Economics.
10. Fishbein, M., & Ajzen, I. (1975). Belief, attitude, intention and behaviour: An introduction to theory and research. Addison-Wesley.
11. Khare, A., Khare, A., & Singh, S. (2012). Factors affecting credit card use in India. Asia Pacific Journal of Marketing and Logistics.
12. Kotler, P., & Levy, S. J. (1969). Broadening the concept of marketing. Journal of Marketing, 33(1), pages 10-15.
13. Lê Thị Tiểu Mai và Lê Văn Huy (2012). Các nhân tố tác động đến quyết định sử dụng thẻ ATM của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển tại địa bàn Thành phố Nha Trang. Tạp chí Khoa học -
Công nghệ, Đại học Nha Trang (03).
14. Mitchell, T. R., & Mickel, A. E. (1999). The meaning of money: An individual-difference perspective. Academy of management review, 24(3), pages 568-578.
15. Nguyễn Đăng Dờn, Hoàng Hùng, Lê Thị Hồng Phúc, Nguyễn Văn Thầy, Nguyễn Quốc Anh và Nguyễn Thị Hiền. (2012). Quản trị ngân hàng thương mại hiện đại. Tái bản lần 1. In: NXB Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.
16. Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Trương Ngọc Toán và Nguyễn Trí Dũng. (2022). Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Chúng Việt Nam Chi nhánh Ninh Kiều. Tạp chí Nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế Trường Đại học Tây Đô (14).
17. Nguyễn Trà Giang (2016). Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng thẻ tín dụng quốc tế của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong tại Đà Nẵng. Luận văn Thạc sĩ. Đại học Đà Nẵng.
18. Phạm Thị Thu Hiền và Sơn Thị Ma Ly (2022). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ ATM của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam -
Chi nhánh tỉnh Trà Vinh. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-tich-cac-yeu-to-anh-huong-den-quyet-dinh-su-dung-the-atm-cua-khach-hang-ca-nhan-tai-ngan-hang-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-viet-nam-chi-nhanh-tinh-tra-vinh-90111.htm
19. Sari, M., & Rofaida, R. (2015). Factors affecting the behavior of university community to use credit card. International Research Journal of Business Studies, 4(3).
20. Trần Nguyễn Minh Hải và Trịnh Minh Mỹ Vy (2020). Các yếu tố tác động đến quyết định sử dụng thẻ sinh viên liên kết trong thanh toán - trường hợp sinh viên Trường Đại học Ngân hàng Thành phố
Hồ Chí Minh. Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng Châu Á - Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh(168).
21. Trần Thị Thu Hương và Phước Minh Hiệp. (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng lại dịch vụ thanh toán bằng thẻ ATM của khách hàng tại Agribank Chi nhánh tỉnh Trà Vinh. Tạp chí Công Thương (25).
22. Trần Trọng Triết (2021). Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang. https://tapchinganhang.gov.vn/day-manh-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-ngan-hang-tren-dia-ban-tinh-an-giang.htm
23. White, K. J. (1975). Consumer choice and use of bank credit cards: A model and cross-section results. Journal of consumer research, 2(1), pages 10-18.
ThS. Lưu Phước Vẹn, Lê Thị Kim Chi