Sau cú sốc bị ảnh hưởng tương đối nặng nề từ đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới lại tiếp tục đối diện với một giai đoạn khó khăn, thách thức không kém khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, việc giải quyết những hậu quả do dịch bệnh để lại cộng hưởng với những tác động xung đột giữa Nga - Ukraine khiến lạm phát toàn cầu leo thang, cản trở đà phục hồi của các nền kinh tế toàn cầu. Điều này khiến việc lựa chọn chính sách hướng tới mục tiêu cân bằng giữa phục hồi tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trở nên thách thức hơn. Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ ngày càng rộng khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động, nguy cơ suy thoái, “đình lạm” (stagflation) kinh tế tại một số quốc gia hiện hữu hơn.
Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, những biến động từ tình hình kinh tế thế giới sẽ có tác động nhất định đến kinh tế trong nước. Bên cạnh nguy cơ lạm phát do giá dầu và giá lương thực thế giới tăng cao, một vấn đề cần lưu tâm đó là các nền kinh tế lớn cũng bắt đầu tăng lãi suất trở lại, điều này có thể sẽ khiến dòng vốn rút khỏi các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
1. Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2022
1.1. Một số diễn biến chính
Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất trắc, tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong 6 tháng đầu năm 2022. Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong khi điều chỉnh tăng dự báo lạm phát chủ yếu do nguy cơ xung đột giữa Nga - Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng trong khoảng từ 2,9% - 3,6% trong năm 2022, thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2021. Cụ thể: Tháng 4/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 lần lượt xuống còn 3,6% và 3,2%, giảm 0,8 và 0,9 điểm phần trăm so với mức dự báo được đưa ra trước đó. Nguyên nhân chủ yếu do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, diễn biến tăng của lạm phát và những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19. Gần đây nhất, vào tháng 5/2022, Liên hợp quốc cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,1%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2022; lạm phát toàn cầu được dự báo tăng lên 6,7%, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 2,9% trong giai đoạn từ 2010 - 2020. (Đồ thị 1)
Đồ thị 1: Các tổ chức quốc tế liên tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Nguồn: IMF, WB
Lạm phát tăng nhanh trên toàn cầu; lạm phát tại nhiều nước tiếp tục đạt mức kỷ lục, đặc biệt tại các nước phát triển. Cụ thể, lạm phát tháng 5/2022 tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh lên mức kỷ lục 8,6% - mức cao nhất trong hơn 40 năm; tại khu vực đồng EUR, lạm phát lập mức kỷ lục mới là 8,1%; tại Thái Lan, lạm phát ở mức 7,1% - cao nhất trong 13 năm qua; lạm phát tại Hàn Quốc cũng ở mức cao nhất 14 năm qua (5,4%); tại Nga, lạm phát cũng leo lên mức kỷ lục trong vòng 20 năm là 17,49% trong tháng 4/2022; một số quốc gia tại châu Phi, Mỹ La-tinh lạm phát đều ở mức từ 02 con số trở lên... Giá hàng hóa thế giới tăng, trong đó đặc biệt là giá dầu, giá lương thực - thực phẩm cộng hưởng với tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu làm gia tăng chi phí sản xuất là nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng cao trên toàn cầu.
Xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, thương mại và niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường toàn cầu; từ đó cản trở đà phục hồi kinh tế. Trong khi đại dịch Covid-19 đã để lại cho kinh tế toàn cầu hai mối lo là nguy cơ lạm phát cao, tăng trưởng thấp thì cuộc xung đột Nga - Ukraine dường như đang khiến cho mối lo này trở nên trầm trọng hơn. Cuộc xung đột dẫn đến khủng hoảng giá năng lượng và lương thực tại một số quốc gia, đẩy lạm phát các nước tăng vọt. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa trong năm 2022 từ mức 4,7% xuống còn 3% vào tháng 4/2022.
Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTW) bắt đầu thắt chặt dần thông qua nhiều biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát. Theo đó, các NHTW đẩy nhanh quá trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Đến cuối tháng 6/2022, trên toàn cầu có 166 lượt tăng lãi suất và chỉ có 06 lượt giảm (trong đó có Trung Quốc, Nga). Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng tốc điều chỉnh lãi suất thêm 0,5% trong tháng 5/2022 - mức tăng lãi suất mạnh nhất của Fed kể từ tháng 5/2000. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, Fed đã tăng lãi suất liên tiếp 03 lần với tổng mức tăng là 1,5%. Hiện mức lãi suất tham chiếu ở mức 1,5% - 1,75%. NHTW châu Âu (ECB) phát tín hiệu dừng chương trình mua tài sản vào quý III/2022 và xác nhận có thể có một đợt tăng lãi suất đầu tiên sau đó (dự kiến vào tháng 7/2022).
1.2. Triển vọng kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm 2022
Trong thời gian tới, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại; rủi ro lạm phát tiếp tục duy trì tại nhiều nước do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi chính sách tiền tệ thắt chặt thường sẽ có độ trễ nhất định. Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc do chính sách “zero-Covid” làm cản trở đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, những hậu quả và bất ổn gây ra từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine vẫn đang còn hiện hữu. Nhiều tổ chức cũng đã cảnh báo rủi ro “đình lạm” ở một số quốc gia.
2. Kinh tế trong nước
2.1. Diễn biến kinh tế
Kinh tế vĩ mô trong nước phục hồi mạnh mẽ, lạm phát được kiểm soát nhưng có xu hướng tăng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế phục hồi rõ nét nhờ chính sách mở cửa du lịch, bình thường hóa các hoạt động kinh tế của Chính phủ và tiến trình phổ quát vắc-xin. Theo đó, tăng trưởng GDP đạt 6,42%, cao hơn nhiều so với mức 2,04% của 6 tháng cùng kỳ năm 2021. Tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%; nền kinh tế xuất siêu 0,71 tỷ USD; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 8,9%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng áp lực thời gian tới khá lớn. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 1,25% so với cùng kỳ.
Thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) diễn biến tích cực. Lũy kế tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2022 đạt 932,9 nghìn tỷ đồng, bằng 66,1% dự toán năm; tổng chi ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán năm. Cân đối NSNN duy trì ở trạng thái bội thu 220 nghìn tỷ đồng.
Thị trường tiền tệ, tín dụng về cơ bản ổn định. Tín dụng tiếp tục tăng phù hợp với diễn biến tích cực của nền kinh tế. Đến cuối tháng 6/2022, tín dụng tăng trên 9% so với cuối năm 2021, góp phần hỗ trợ tích cực vào tăng trưởng kinh tế; cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Lãi suất huy động và tỷ giá tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và nằm trong dự tính trước đó của Ngân hàng Nhà nước.
2.2. Tác động từ kinh tế thế giới đến hoạt động kinh tế trong nước và khuyến nghị chính sách
Như đề cập ở trên, các chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước vẫn duy trì tích cực, nền kinh tế trở lại trạng thái hoạt động sản xuất bình thường mới, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát vẫn được kiểm soát, tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế... tuy nhiên, rủi ro từ bên ngoài có thể cản trở đà phục hồi kinh tế.
Theo đó, kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng suy giảm, một số quốc gia có thể rơi vào tình trạng “đình lạm”, các NHTW thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, USD tăng giá là các yếu tố tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước khi Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế lớn. Điều này khiến công tác điều hành của Chính phủ đối diện với nhiều thách thức.
Có thể thấy, nguy cơ lạm phát vẫn là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế hiện nay. Áp lực lạm phát trong thời gian tới là rất lớn, xuất phát từ các yếu tố sau: Thứ nhất, chi phí đẩy đến từ việc giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu liên tục biến động và ở mức cao làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Bên cạnh đó, giá lương thực trong nước tiếp tục chịu sức ép của xu hướng tăng giá từ mặt hàng thế giới. Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44%, chủ yếu do giá hàng hóa thế giới tăng cao (giá dầu, lương thực...) trong khi giá dầu thế giới năm 2022 dự báo bình quân vẫn neo giữ ở mức cao, khoảng 110 USD/thùng, giá lương thực, thực phẩm trong nước có thể bị tác động mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là giá thịt lợn. Điều này khiến dư địa kiểm soát lạm phát dưới 4% đang dần bị thu hẹp. Thứ hai, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đẩy nhanh góp phần phục hồi kinh tế cũng là một yếu tố khiến gia tăng lạm phát. Thứ ba, lạm phát kỳ vọng có thể được đẩy lên...
Việc lạm phát gia tăng sẽ tác động đến nhiều biến số kinh tế vĩ mô khác, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Với đà phục hồi kinh tế thế giới chậm lại, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc khiến nhu cầu thế giới giảm, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi giá cả hàng hóa đầu vào tăng khiến nguồn nguyên vật liệu đầu vào cũng gia tăng, từ đó ảnh hưởng hoạt động sản xuất, đầu tư trong nước và kim ngạch xuất khẩu do chi phí đầu vào gia tăng.
Nguy cơ đại dịch Covid-19 có thể quay trở lại với những biến thể mới. Trong thời gian gần đây, biến thể mới của virus corona vẫn tiếp tục xuất hiện tại nhiều quốc gia, việc biến thể phụ BA.5 được phát hiện đã xâm nhập vào Việt Nam cho thấy mức độ rủi ro và nguy cơ đại dịch quay lại là rất lớn. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đà phục hồi của nền kinh tế.
Mặc dù kinh tế Việt Nam khởi sắc và bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng những rủi ro từ bên ngoài vẫn ngày càng gia tăng, do đó, để tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần được đẩy nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh rủi ro lạm phát gia tăng và sự thay đổi chính sách điều hành của các nước như hiện nay, việc hỗ trợ phục hồi kinh tế cần dựa chủ yếu vào chính sách tài khóa, thương mại, đầu tư; trong khi đó, chính sách tiền tệ cần điều hành thận trọng để kiểm soát lạm phát, đối phó với những bất ổn tài chính. Chính phủ cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Có như vậy, mới bảo đảm kinh tế phục hồi bền vững vừa kiểm soát được lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cũng đồng quan điểm này, IMF đã đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam. Theo đó, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo và điều chỉnh theo diễn biến của sự hồi phục kinh tế. Chính sách tiền tệ cần nhanh chóng thích ứng với rủi ro lạm phát; chú trọng giám sát, kịp thời xử lý nợ xấu và các rủi ro của thị trường bất động sản. Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng. Việc cần ưu tiên là tăng kỹ năng của lực lượng lao động, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
ThS. Mai Phong Sơn