Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế đất nước cho kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; trong đó, có nhiều điểm mới, nổi bật được khái quát trong các phần về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế...
Nhìn chung, trong nửa nhiệm kì vừa qua, kinh tế Việt Nam đã vượt qua được những thử thách lớn, hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, năm 2022, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng GDP cao nhất trên thế giới, đồng thời được đánh giá cao về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, từ đầu năm 2023, xu hướng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, đòi hỏi tiếp tục phải có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả để từ đó, đạt được mục tiêu của cả nhiệm kì 2021 - 2025 và phát triển kinh tế đất nước bền vững trong bối cảnh mới...
Nhìn lại kinh tế Việt Nam giữa nhiệm kì Đại hội XIII của Đảng
Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kì của một số nhiệm kì gần đây; đặc biệt, sự bùng phát toàn cầu của đại dịch Covid-19, các động thái phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ và xu hướng lạm phát cao, suy giảm tổng cầu xã hội, thu hẹp thị trường, đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống, khiến hầu hết các ngành, các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gia tăng áp lực trì trệ kinh tế, nợ xấu, nợ công, thất nghiệp, nghèo đói và bất bình đẳng vĩ mô và vi mô, quốc gia và quốc tế. Cả nước gồng mình vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lí các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại...
Trong bối cảnh đó, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt", Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã, đang và tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả. Các biện pháp quyết liệt, triệt để và quy mô nhất, kể cả chưa có tiền lệ, được các cơ quan chức năng các cấp liên tiếp đưa ra với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết" và “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp"... Nhiều cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, được ban hành phù hợp và đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Ngân sách nhà nước được quản lí theo hướng tiết kiệm triệt để chi thường xuyên để bổ sung và chi tối đa cho công tác chống dịch; các cơ quan, bộ phận chức năng đặc trách chống dịch của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan, địa phương được thành lập và phối hợp chặt chẽ với nhau; nhiều quyết sách chiến lược (như Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19") được ban hành kịp thời; kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công; tỉ lệ bao phủ tiêm vắc-xin nhanh chóng được nâng cao và đã đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng sớm; nhiều chương trình và các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ cả tăng tổng cung và tổng cầu đã và đang tạo thuận lợi cho quá trình đứng vững, phục hồi và tiếp tục tăng trưởng kinh tế... Các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh được tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ ở toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được quan tâm, cải thiện; truyền thống anh hùng, yêu nước, "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta và tính ưu việt của chế độ ta lại được phát huy lên một tầm cao mới.
Về tổng thể, suốt hơn 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam vẫn vững vàng và tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trong hành trình vượt qua các thách thức chưa có tiền lệ lịch sử, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Nền kinh tế vẫn duy trì được động lực tăng trưởng và Việt Nam luôn được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính - tiền tệ và xếp hạng quốc tế đưa vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu. Thậm chí, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định, Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5% và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; trong 6 tháng đầu năm 2023 GDP tăng 3,72%, theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, thì cả năm Việt Nam vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%. Hệ số tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế luôn được cải thiện. Các cân đối và chỉ số tài chính - tiền tệ vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; nợ công, nợ xấu được kiểm soát và lạm phát hằng năm được duy trì theo mục tiêu đề ra là dưới 4%. Lượng dự trữ ngoại hối tăng cao.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 tăng 11,2% so với năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục được mở rộng và nỗ lực thích ứng linh hoạt, phản ứng nhanh nhạy với các biến động và đòi hỏi của thị trường (bình quân 01 tháng năm 2021, cả nước có 13,3 nghìn doanh nghiệp tham gia vào thị trường và gần 10 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Con số tương ứng của năm 2022 là 17,4 nghìn doanh nghiệp tham gia vào thị trường và 11,9 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, còn 6 tháng đầu năm 2023 là 19 nghìn doanh nghiệp tham gia và 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đồng thời, quá trình chuyển đổi số và bùng nổ kinh tế số ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn…
Xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 nổi lên như điểm sáng cả về kim ngạch, mức xuất siêu, cơ cấu hàng xuất khẩu và sự phục hồi thị trường so với năm 2021: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 732,5 tỉ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Xuất siêu hàng hóa 11,2 tỉ USD; lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể đạt mức 11 tỉ USD, tức về đích trước hẹn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt 10 tỉ USD vào năm 2025.
Lượng khách quốc tế và nội địa liên tục tăng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi du lịch như điểm sáng hàng đầu trong các ngành kinh tế nước ta suốt hành trình nửa nhiệm kì Đại hội XIII của Đảng (khách quốc tế năm 2022 vào nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm 2021)...
Tỉ lệ nghèo tiếp cận đa chiều khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Cả nước có 5.869/8.225 xã (chiếm 71,4%) đạt chuẩn nông thôn mới; 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 39,6% số huyện cả nước) và 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên được thị trường đón nhận tích cực, giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.
Đặc biệt, không chỉ trở thành điểm sáng khu vực và thế giới về kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo đói, mà Việt Nam còn ghi nhận nhiều điểm sáng khác trong xếp hạng quốc tế:
Năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “ổn định” lên "tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát. Việt Nam tiếp tục được World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á, giống như năm 2018 và 2019, đồng thời được vinh danh là Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được vinh danh là Điểm tham quan hàng đầu châu Á; thành phố Hội An (Quảng Nam) là Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á; Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) được vinh danh Công viên quốc gia hàng đầu châu Á.
Năm 2022, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỉ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) dù giảm 4 bậc so với năm 2021 và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; xếp hạng về đầu ra thứ 35 so với thứ 38 năm 2021, thuộc nhóm các kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất. Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN, tăng 7 bậc so với với năm 2021 theo xếp hạng trên thế giới là 62/160 theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ (Government AI Readiness Index) năm 2022” do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện; xếp hạng này dựa theo 39 chỉ số trên ba trụ cột (chính phủ, trình độ công nghệ, hạ tầng và dữ liệu) với 10 khía cạnh thuộc nhóm cơ sở hạ tầng, tính sẵn sàng của dữ liệu, tính đại diện của dữ liệu, nguồn nhân lực, năng lực đổi mới, quy mô, khả năng thích ứng, năng lực kĩ thuật số, quản trị và đạo đức, tầm nhìn. Việt Nam còn được xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới 2022 của tạp chí US News & World Report (Mỹ); Bảng xếp hạng dựa trên điểm trung bình được tính từ năm yếu tố liên quan đến quyền lực của một quốc gia: sự lãnh đạo, có ảnh hưởng kinh tế, có ảnh hưởng chính trị, liên minh quốc tế mạnh và quân đội mạnh...
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% so với cùng kì. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%. Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81% (cơ cấu tương ứng của cùng kì năm 2022 là 11,21%; 38,00%; 41,85%; 8,94%). Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,68% so với cùng kì năm 2022, đóng góp 30,27% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 1,15%, đóng góp 6,28%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,0%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 63,45%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa đông xuân đạt khá. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 3,14% so với cùng kì năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,43% nhưng chiếm tỉ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,77%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kì năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kì các năm 2020 và năm 2021.
Năm 2023, cũng là năm “Chỉ số hạnh phúc toàn cầu” của Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên hiệp quốc...
Những thành quả trên là hội tụ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết và ủng hộ của người dân, đặc biệt là từ việc chuyển hướng chiến lược từ "zero Covid" sang mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả và bám sát các nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, nổi bật là xây dựng nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, trách nhiệm vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển; hướng đến con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của phát triển…
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019 - 2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỉ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín là Moody's, S&P và Fitch đều duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "ổn định"; S&P nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng "ổn định"; Fitch duy trì ở mức BB với triển vọng "tích cực").
Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong nửa nhiệm kì vừa qua là rất đáng trân trọng, tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế. Trong đó, năm 2022, được đánh giá là năm đạt kết quả tốt nhất trong nửa nhiệm kì qua, song vẫn có hai chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch năm. Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu. Công tác lập quy hoạch còn chậm. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi chi phí sản xuất, kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp, trong khi thị trường trong nước chậm cải thiện và đang vấp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của hàng nhập ngoại và gia tăng các hàng rào kĩ thuật, kiểm soát chất lượng, xuất xứ sản phẩm xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt hơn. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp đa phần là nhỏ và vừa, sức cạnh tranh và khả năng đổi mới sáng tạo không cao, lợi nhuận thấp, dễ bị tổn thương, phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ngoại nhập; sự trì trệ của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và các chi phí không chính thức chậm cải thiện; nợ doanh nghiệp đang tăng mạnh.
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục chịu sức ép lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập cao. Những bất cập tích tụ kéo dài của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lí thực sự hiệu quả. Bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân còn những bất cập. Việc tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, thực thi công vụ còn một số hạn chế. Phản ứng chính sách, công tác phối hợp trong một số trường hợp còn chậm, thiếu quyết liệt, bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao; kỉ luật, kỉ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...
Tiếp tục phấn đấu thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra vì mục tiêu chung
Thực tế cho thấy, cần nhiều nỗ lực hiệu quả hơn nữa để cải thiện thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường bất động sản và duy trì động lực đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kì...
Để đạt được mục tiêu chung của cả nhiệm kì, các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, tư tưởng chỉ đạo trong phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kì Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; theo đó: Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Siết chặt kỉ luật, kỉ cương, nâng cao đạo đức công vụ; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.
Trước mắt, tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; lành mạnh hóa và phát triển ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát, nợ công, nợ xấu và các rủi ro tài chính đa dạng. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng phương án đối với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả. Đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... gắn với tăng cường quản lí tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2023 cần coi trọng ưu tiên triển khai hiệu quả các chính sách giải quyết việc làm; theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Cần nhấn mạnh rằng, đằng sau sự thành công của ngoại giao vắc-xin nói riêng và chiến lược vắc-xin nói chung là thông điệp và bài học về sự nỗ lực vì mục tiêu bảo vệ tính mạng và sức khỏe Nhân dân cần dựa trên sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và doanh nghiệp; sự bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định chủ trương, đường lối, phương pháp, cách làm phải linh hoạt và xuất phát từ tình hình thực tiễn; sự kết hợp hài hòa giữa vận động cấp cao với công tác tham mưu, tư vấn; thúc đẩy quan hệ của các cơ quan và cán bộ đại diện ngoại giao các cấp trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn hiện nay.
Với đường lối phát triển kinh tế, đường lối ngoại giao sáng suốt, đúng đắn trong một thế giới đầy biến động hiện nay cùng những kết quả đã đạt được trong nửa nhiệm kì qua đã tạo cơ sở cho niềm tin vào việc kinh tế nước ta sẽ đạt được những mục tiêu của cả giai đoạn 2021 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.