Bức tranh kinh tế thế giới năm 2022 phân chia thành hai nửa rõ rệt: 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm 2022. Bước vào đầu năm 2022, kinh tế toàn cầu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ sau một năm suy thoái vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2022, khi xung đột Nga - Ukraine gia tăng, kết hợp chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc làm chậm lại đà phục hồi kinh tế toàn cầu, gia tăng tình trạng gián đoạn nguồn cung và đẩy giá hàng hóa thế giới tăng mạnh. Việc giá hàng hóa thế giới tăng (bao gồm giá dầu, lương thực, thực phẩm) cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu làm gia tăng chi phí sản xuất, khiến lạm phát toàn cầu tăng lên nhanh chóng, nhiều quốc gia chứng kiến mức lạm phát kỷ lục trong nhiều năm. Điều này đã khiến các ngân hàng trung ương phải thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh để kiểm soát lạm phát.
1. Kinh tế thế giới suy giảm, nguy cơ xuất hiện tình trạng đình lạm trên diện rộng
Tình trạng này tập trung vào một số nền kinh tế lớn do quy mô của các nền kinh tế này đóng góp rất lớn vào tăng trưởng toàn cầu, có mức độ tác động và ảnh hưởng sâu rộng, đa chiều đến phần còn lại của thế giới.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng dương vào quý III/2022, sau khi suy giảm trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy hoạt động tiêu dùng - lĩnh vực trụ cột của kinh tế Mỹ, chiếm khoảng hơn 60% GDP của nước này bắt đầu suy yếu. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố tháng 10/2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ đã hiệu chỉnh theo năm, tăng 2,6% trong quý III/2022, sau khi giảm 1,6% trong quý I/2022 và giảm 0,6% trong quý II/2022. Điều này có thể hiểu là Mỹ đã thoát khỏi suy thoái kỹ thuật1 trong quý III/2022. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo điều đó không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái trong tương lai gần. Bởi lẽ, đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2022 lại đến từ cân bằng cán cân thương mại, trong đó nhập khẩu giảm, xuất khẩu tăng; chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng với tốc độ thấp hơn. Về lạm phát, sau khi đạt đỉnh vào tháng 6/2022 thì bắt đầu có xu hướng giảm dần cho đến tháng 10/2022, song vẫn ở mức cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Trong bối cảnh lạm phát liên tục tăng cao và đạt các mốc kỷ lục, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện tăng lãi suất nhanh và mạnh nhằm ngăn chặn và kiểm soát lạm phát2. Là đầu tàu kinh tế thế giới và USD chiếm 88% giao dịch ngoại tệ toàn cầu nên Fed giữ vai trò như là ngân hàng trung ương của thế giới, chính sách tiền tệ của Fed cũng được xem là kim chỉ nam để các ngân hàng trung ương khác điều chỉnh theo. (Hình 1)
Hình 1: Tốc độ tăng lạm phát của Mỹ (% so với cùng kỳ)
Nguồn: Tradingeconomcs
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo nhưng lạm phát tiếp tục có dấu hiệu tăng tốc. GDP quý III/2022 tăng 3,9% so với quý trước, phục hồi từ mức giảm 2,7% trong quý II/2022. Quý III/2022 chứng kiến tốc độ tăng trưởng hằng quý mạnh nhất kể từ quý II/2020 nhờ một loạt chính sách và gói kích thích từ Bắc Kinh nhằm vực dậy hoạt động kinh tế. Mặc dù kinh tế tăng trưởng cao hơn dự kiến nhưng tiêu dùng nội địa suy giảm do dịch bệnh (9 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng bình quân của người dân tại các đô thị Trung Quốc giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2021), xuất khẩu tăng chậm lại, thị trường bất động sản khó khăn có thể tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế quý IV/2022 và năm 2023. Bên cạnh đó, chỉ số quản lý thu mua (PMI) liên tục giảm từ tháng 6/2022; đến tháng 9 và tháng 10/2022 giảm về dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ tiếp tục đang thu hẹp dần. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt từ nội tại bên trong và khó khăn bên ngoài đất nước, bao gồm chiến lược Zero Covid, xuất khẩu cầm chừng, khủng hoảng bất động sản dai dẳng và rủi ro suy thoái toàn cầu do chính sách thắt chặt của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Kinh tế khu vực châu Âu đang yếu dần, lạm phát tăng lên mức kỷ lục kể từ khi đồng tiền chung châu âu (Euro) chính thức ra đời vào năm 1999. Đây là khu vực có quy mô kinh tế lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Năm 2021, GDP khu vực châu âu chiếm khoảng hơn 15% GDP toàn cầu. Tăng trưởng GDP quý III/2022 của khu vực châu Âu ở mức 0,2%, đánh dấu 6 tháng tăng trưởng dương liên tiếp, nhưng đây lại là quý có mức tăng thấp nhất trong 6 quý gần đây. Trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực, chỉ duy nhất tăng trưởng GDP của Đức tăng 0,3% trong quý III/2022 so với mức 0,1% trong quý II/2022, các quốc gia còn lại đều tăng chậm: Pháp tăng 0,2% trong quý III/2022 so với mức 0,5% trong quý II/2022; Italy tăng 0,5% quý III/2022 so với mức 1,1% trong quý II/2022; Tây Ban Nha tăng 0,2% quý III/2022 so với mức 1,5% trong quý II/2022. Lạm phát cao và cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra đã và đang làm xói mòn sức mua của các hộ gia đình và cắt giảm sản lượng trong khi lãi suất cao và các điều kiện tài chính thắt chặt hơn cũng đang đè nặng lên hoạt động kinh tế khu vực châu Âu. Chỉ số PMI liên tục giảm từ tháng 4/2022 và từ tháng 7/2022 đến nay giảm về dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ tiếp tục đang thu hẹp dần. (Hình 2)
Hình 2: Chỉ số PMI sản xuất của châu Âu, Trung Quốc và Mỹ
Nguồn: Investings.com
2. Rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng
Như phân tích ở trên, lạm phát toàn cầu tại các nền kinh tế lớn chủ chốt đều ở mức cao kỷ lục. Có thể nhận thấy, lạm phát đang là thách thức vĩ mô lớn nhất và nguy cơ dai dẳng trong một vài năm tới. Điều này khiến hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều lựa chọn thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 24/11/2022, toàn cầu có 334 lượt điều chỉnh lãi suất, trong đó có 321 lượt tăng và chỉ 13 lượt giảm. Mặc dù các ngân hàng trung ương nỗ lực để kiểm soát lạm phát thông qua các công cụ tiền tệ, lãi suất, tuy nhiên, hiệu quả còn hạn chế khi vẫn tiếp diễn tình trạng khan hiếm nguồn cung nhiều mặt hàng và nguyên vật liệu thiết yếu.
Trên thị trường tiền tệ, USD tăng giá cao nhất kể từ năm 2000 đến nay khiến nhiều đồng tiền các quốc gia mất giá mạnh. Có thời điểm, Yên Nhật mất giá gần 30% so với USD, Nhân dân tệ mất giá 15%, EUR mất giá 13%, đô la Đài Loan -16%, Baht Thái Lan -15%, Won Hàn Quốc -20%... USD tăng giá tạo thuận lợi nhất định cho một số quốc gia xuất khẩu, song nhìn chung gây tác động không thuận lợi đối với kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế mới nổi. Thứ nhất, việc USD tăng giá mạnh khiến nhập khẩu lạm phát các nước gia tăng (thông qua chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào), từ đó tăng áp lực lạm phát trong nước, dẫn đến nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô. Thứ hai, nhằm giữ giá đồng nội tệ, nhiều quốc gia phải can thiệp ngoại hối. Dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm kỷ lục 1.000 tỷ USD, tương đương giảm 7,8% xuống còn 12.000 tỷ USD trong năm nay, là mức giảm mạnh nhất từ khi Bloomberg bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 2003 do các ngân hàng trung ương thực hiện các biện pháp can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ. Thứ ba, USD lên giá đồng nghĩa với việc lãi suất vay bằng USD tăng lên khiến gánh nặng nợ nước ngoài tính bằng USD gia tăng theo trong khi điều kiện vay vốn ngày càng trở nên thắt chặt hơn. Thứ tư, việc USD tăng giá xuất hiện hiện tượng đảo chiều dòng vốn đầu tư từ thị trường mới nổi quay trở lại Mỹ, từ đó làm suy giảm nguồn lực về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nước.
3. Nhiều yếu tố khiến nỗ lực phục hồi kinh tế của các nước bị gián đoạn
Lạm phát tăng cao, USD lên giá cộng hưởng với tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung kéo dài khiến chi phí nhập khẩu tăng lên, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động cung ứng sản xuất toàn cầu. Nguy cơ toàn cầu đối diện với tình trạng đình lạm là hoàn toàn có thể xảy ra.
4. Phản ứng chính sách của các nước
Trước những rủi ro hiện hữu của kinh tế toàn cầu, hầu hết các quốc gia đều lựa chọn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Các biện pháp có thể kể đến bao gồm:
(i) Thắt chặt chính sách tiền tệ: Đến nay, đã có 321 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu và tại hơn 90 quốc gia với tần suất và biên độ tăng lãi suất lớn kể từ năm 1970. Dự báo xu hướng thắt chặt này sẽ tiếp diễn trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khi lạm phát vẫn tăng cao.
(ii) Ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, trong đó tập trung vào hạn chế đà mất giá của đồng nội tệ so với USD. Do USD lên giá mạnh, nhiều ngân hàng trung ương đã can thiệp vào thị trường tiền tệ thông qua mua bán ngoại tệ khiến dự trữ ngoại hối sụt giảm đáng kể. Ví dụ như Nhật Bản, lần đầu tiên sau 25 năm đã bán USD và mua vào Yên để ngăn chặn đà mất giá của Yên do chi phí nhập khẩu tăng đã kéo nền kinh tế đi xuống. Hàn Quốc liên tục bán ngoại tệ khiến dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc trong tháng 9/2022 đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 14 năm...
(iii) Nhiều quốc gia triển khai các biện pháp bình ổn giá cả hàng hóa nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô: Indonesia ban hành gói trợ giá gần 350 nghìn tỷ Rupiah, tương đương 24 tỷ USD để bình ổn giá năng lượng. Thái Lan triển khai nhiều giải pháp như bình ổn giá 46 mặt hàng và 05 loại dịch vụ thiết yếu đến hết tháng 6/2023, kêu gọi các nhà sản xuất hợp tác với Chính phủ để bình ổn giá xăng dầu trong nước. Philippines đàm phán với doanh nghiệp xăng dầu tư nhân để giảm giá bán xăng, lên kế hoạch miễn thuế giá trị gia tăng 12% đối với giá điện...
(iv) Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm ổn định tâm lý thị trường sau nhiều yếu tố khiến tâm lý nhà đầu tư, người dân bất ổn và lo lắng.
5. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tiếp tục đà suy giảm
Hàng loạt thách thức trong năm 2022 sẽ tiếp tục tác động và kéo dài sang năm 2023, có thể kể đến như: Cuộc chiến tại Ukraine kéo dài; chính sách Zero Covid và suy giảm tăng trưởng tại Trung Quốc; tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu; chính sách tăng lãi suất của Mỹ và phản ứng các ngân hàng trung ương lớn khác; khủng hoảng năng lượng tại Liên minh châu Âu và đặc biệt là vòng xoáy lạm phát và nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế lớn.
Theo Bloomberg, năm 2022 là một năm ảm đạm với nền kinh tế toàn cầu và năm 2023 có thể còn kém khả quan hơn nhiều. Nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu và tăng dự báo lạm phát năm 2023. Theo đó, (i) Tháng 10/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo GDP toàn cầu năm 2023 xuống 2,7% (giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7/2022); lạm phát tăng lên 8,8% trong năm 2022 (tăng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7/2022), trước khi giảm xuống mức 6,5% năm 2023; (ii) Tháng 10/2022, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 2,3% (giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó); (iii) Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo ở mức 2,2%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. (Hình 3)
Hình 3: Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 - 2023
Nguồn: IMF và WB
Cụ thể, theo dự báo của IMF, một số nền kinh tế chính đều bị điều chỉnh giảm mạnh. Mỹ dự báo tăng 1,6% năm 2022 và 1% năm 2023. Một số đánh giá cho rằng Mỹ có thể rơi vào suy thoái quý I/2023. Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2022, thấp hơn 0,1% so với dự báo trước đó; năm 2023 tăng 4,4%, giảm 0,2% so với hồi tháng 7/2022. Hơn 1/3 số nền kinh tế toàn cầu có xu hướng giảm tăng trưởng trong giai đoạn 2022 - 2023.
1 Hai quý GDP suy giảm liên tiếp như nửa đầu năm 2022 của kinh tế Mỹ đáp ứng định nghĩa một cuộc suy thoái kỹ thuật.
2 Fed đã tăng lãi suất cơ bản 05 lần trong năm 2022, từ mức gần 0 lên mức hơn 3% như hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 4,4% vào cuối năm 2022 và 4,6% vào cuối năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. World Economic Outlook Report, October 2022.
2. OECD Economic Outlook, November 2022.
3. Các trang web: Tradingeconomics, Investings.com, Bloomberg.
ThS. Nguyễn Linh (Hà Nội)