Ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt với lý do là bảo vệ người dân Donetsk và Luhansk tại Donbass, miền đông Ukraine. Xu hướng leo thang xung đột tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát, vốn đang tăng cao trên toàn cầu do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bắt đầu từ giá dầu, thực phẩm, kim loại và nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất. Chỉ trong vòng 2 tuần kể từ khi chiến sự xảy ra, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng 30% so với đầu năm và tăng khoảng 80% từ mức đáy thiết lập vào đầu tháng 12/2021.
Mặc dù hai bên đang nỗ lực đàm phán, cuộc chiến có vẻ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu đi, khi quân đội Nga mở rộng kiểm soát nhiều tỉnh, thành của Ukraine. Trong trường hợp cuộc xung đột kéo dài, lạm phát sẽ tiếp tục leo thang, có thể dẫn đến một cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu. Lạm phát tăng đang buộc các ngân hàng trung ương (NHTW) phải triển khai chính sách vĩ mô để kiềm chế lạm phát với cái giá phải trả là kinh tế tăng chậm lại, thậm chí có thể xảy ra tình trạng đình lạm.
Với hy vọng chấm dứt cuộc xung đột này, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Cộng hòa Liên bang (CHLB) Nga.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế càng siết chặt, thị trường tài chính của Nga bị ảnh hưởng trước tiên. Thị trường chứng khoán Nga phải đóng cửa nhiều phiên liên tiếp, một số cổ phiếu chủ chốt lớn mất giá tới 80 - 90%. Đến nay, đồng Ruble đã mất gần 30% giá trị so với USD.
Để hỗ trợ đồng Ruble, ngày 28/02/2022, NHTW Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản, từ 9,5% lên 20%. Cơ quan này cho biết, động thái tăng lãi suất được thiết kế để bù đắp rủi ro mất giá bản tệ và để kiềm chế lạm phát. Trước đó, Chính phủ Nga đã cấm các nhà đầu tư nước ngoài bán chứng khoán nhằm ngăn chặn thị trường sụp đổ.
Một trong các biện pháp trừng phạt kinh tế đầu tiên của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với CHLB Nga là hạn chế và loại các ngân hàng của Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Điều này sẽ gây khó khăn cho người sử dụng dịch vụ của các ngân hàng thương mại Nga trong các giao dịch quốc tế, nhưng cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và cá nhân đầu tư vào CHLB Nga.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 02/3/2022, EU cấm xuất khẩu và nhập khẩu tiền giấy Euro sang CHLB Nga. Chỉ có ngoại lệ dành cho các cá nhân đến CHLB Nga, các phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế có quyền miễn trừ pháp lý. Ngày 08/3/2022, Mỹ quyết định cấm nhập khẩu xăng dầu và năng lượng của CHLB Nga.
Theo tin tức từ CNBC, EU cũng cam kết vạch một kế hoạch mới nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng của CHLB Nga. Cụ thể là, Ủy ban châu Âu đưa ra cam kết giảm 2/3 lượng khí đốt mua của CHLB Nga trước cuối năm nay và ngừng mua nhiên liệu hóa thạch từ quốc gia này trước năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, châu Âu sẽ đa dạng nguồn cung, tăng cường sản xuất hydrogen và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng tại các hộ gia đình.
Ngày 11/3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với CHLB Nga. Trước đó, Mỹ đã cấm xuất khẩu, xuất khẩu lại, bán hoặc cung cấp dù là trực tiếp hay gián tiếp USD từ Mỹ cho Chính phủ Nga hoặc công dân đang sinh sống tại Nga...
Với hàng loạt biện pháp trừng phạt liên tiếp, nhiều tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế đã đưa ra dự báo, kinh tế Nga năm 2022 có thể giảm 13 - 15%, thậm chí sẽ giảm sâu hơn, nếu việc mua năng lượng từ Nga bị đình chỉ. Còn theo dự báo của NHTW Nga, kinh tế Nga sẽ thu hẹp 8% và lạm phát tăng tới 20% trong năm nay, sau đó sẽ cải thiện dần từ năm 2023.
Ngày 13/3/2022, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định rằng, CHLB Nga có thể vỡ nợ do hậu quả của các biện pháp trừng phạt chưa từng có mà phương Tây áp đặt sau khi Moscow tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Tuy nhiên, quan chức IMF tin tưởng rằng, rủi ro vỡ nợ này sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn thế giới vì tổng nguồn tiền của các ngân hàng liên quan đến CHLB Nga chỉ vào khoảng 120 tỷ USD, tuy không nhỏ nhưng cũng khó tác động đến toàn hệ thống tài chính toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với CHLB Nga cũng gây thiệt hại cho toàn thế giới, trầm trọng nhất là các nước châu Âu, do giá cả tăng vọt và lạm phát leo thang. Trong tháng 02/2022, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung Euro đã tăng lên 5,8%, gấp gần ba lần so với mục tiêu đề ra 2%.
Các nước châu Âu, vốn phụ thuộc vào năng lượng của CHLB Nga, đang đối mặt với cuộc suy thoái thứ 3 trong vòng 2 năm qua. Nền kinh tế Mỹ có triển vọng lạc quan hơn, do Mỹ vẫn là quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới và khoản tiết kiệm hộ gia đình khá lớn. Nhưng ngay cả tại Mỹ, lạm phát tăng cao vẫn có khả năng ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Về tỷ giá, đồng Euro đã giảm còn 1,08 USD đổi 1 EUR, mức gần thấp nhất trong vòng 5 năm qua, nhiều cổ phiếu của khu vực đồng tiền chung này cũng lao dốc nghiêm trọng. Trên thực tế, ngay cả trước xung đột Nga - Ukraina, châu Âu đã có ít động lực phục hồi kinh tế hơn so với Mỹ, một phần là do chi tiêu chính phủ thấp hơn.
Theo dữ liệu của NHTW châu Âu (ECB), chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng châu Âu đều thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn như Ai Cập cũng đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Nguyên nhân là giá cả tăng cao, nguồn cung dầu hướng dương và lúa mỳ từ CHLB Nga bị hạn chế.
Quyết định loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT cũng tiềm ẩn khả năng sẽ gây thiệt hại cho công ty và ngân hàng của các nước phương Tây. Trong đó, Mỹ và CHLB Đức sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất, do các ngân hàng của hai quốc gia này sử dụng SWIFT thường xuyên để kết nối với các ngân hàng Nga. Bên cạnh đó, ngoài việc đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, CHLB Nga còn chiếm 10% sản lượng dầu toàn cầu, là quốc gia xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn nhất thế giới, sản xuất palladium và nickel hàng đầu, xuất khẩu than và thép lớn thứ ba, xuất khẩu gỗ lớn thứ năm thế giới.
Khi bị loại khỏi SWIFT, CHLB Nga sẽ không nhận được ngoại tệ, nhưng châu Âu sẽ không nhận được hàng hóa, dầu, khí đốt, kim loại và nhiều loại hàng hóa quan trọng khác và buộc phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.
Nỗ lực loại nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới và cũng là nhà cung cấp 1/6 tổng lượng hàng hóa toàn cầu khỏi hệ thống SWIFT được cho là một động thái chưa từng có tiền lệ trong thời kỳ toàn cầu hóa, nhất là trong bối cảnh phương Tây đang phải đối phó với mức giá năng lượng cao kỷ lục trước đà tăng mạnh của lạm phát.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, việc loại Nga khỏi SWIFT là một “con dao hai lưỡi”, không chỉ đối với châu Âu (những nước có quan hệ thương mại mật thiết với Nga và phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga), mà còn đối với cả thế giới. Việc loại các ngân hàng thương mại Nga ra khỏi SWIFT sẽ khiến những ngân hàng này bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế, khiến khả năng hoạt động trên toàn cầu bị tổn hại.
Chính phủ Đức đã rất khó khăn để đi tới quyết định này khi Ngoại trưởng Annalena Baerbock lo ngại, việc loại Nga khỏi hệ thống SWIFT sẽ gây “thiệt hại lớn ngoài dự kiến”, khi các giao dịch tài chính không chỉ là giao dịch của các nhà tài phiệt mà còn bao gồm các khoản thanh toán mà CHLB Đức cung cấp cho các tổ chức xã hội dân sự tại CHLB Nga. Điều này cho thấy, CHLB Đức và Italia đã miễn cưỡng đưa SWIFT vào các biện pháp trừng phạt đối với CHLB Nga.
Ngoài ra, do tác động của đại dịch Covid-19 và các lệnh cấm, chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với tình trạng đứt gãy nghiêm trọng và chi phí vận tải hàng không và đường biển tăng cao.
Những vấn đề nêu trên sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia của Anh, tác động của cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm giảm tăng trưởng GDP toàn cầu khoảng 0,4% trong năm 2022, nếu cuộc chiến kéo dài có thể làm giảm GDP toàn cầu khoảng 1% trong năm 2023, ngoài ra còn làm tăng lạm phát trên toàn cầu thêm 3% trong năm 2022 và 2% trong năm 2023. Những quốc gia có nhiều giao thương với Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này. Các nước châu Âu sẽ phải chịu cú sốc về năng lượng, chuỗi cung ứng và thương mại. Tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro dự báo sẽ giảm 0,3% trong năm 2022. Các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cũng có thể bị sụt giảm khoảng 0,3% trong năm 2022, xuống lần lượt là 3,8% và 4,7%.
Tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với Việt Nam
Do quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với CHLB Nga và Ukraine có quy mô nhỏ, tác động trực tiếp tới nền kinh tế không quá lớn. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến lạm phát tại Việt Nam tiếp tục tăng cao, do giá xăng dầu và thực phẩm tăng cao; tổng cầu tăng, trong khi chi phí vận tải, logistic ở mức cao do sự đứt gãy chuỗi cung ứng chưa hoàn toàn phục hồi; giá cả mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá dịch vụ giáo dục, y tế có thể tăng theo lộ trình. Ngày 16/3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã điều chỉnh tăng lãi suất chính sách thêm 0,25% và đẩy mạnh các nỗ lực kiềm chế lạm phát. Đồng thời, phát tín hiệu sẽ tiến hành thêm 6 đợt tăng lãi suất trong năm nay và 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2023, đưa mặt bằng lãi suất lên 2,8% vào cuối năm 2023. Động thái này của Fed sẽ tác động đến tỷ giá, từ đó làm tăng lạm phát trong nước. CPI tháng 02/2022 tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước.
Về tăng trưởng kinh tế, đa số các tổ chức trong và ngoài nước đều kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi vững chắc trong năm 2022 nhờ tốc độ phủ vắc-xin nhanh chóng, kinh tế vĩ mô ổn định; nhu cầu trong nước và quốc tế phục hồi sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine có thể gây tác động đáng kể đến kinh tế Việt Nam, một khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, giá hàng hóa cơ bản tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, làm suy giảm khả năng phục hồi kinh tế thế giới và của Việt Nam. Trong nước, chi phí sản xuất và chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp có thể tăng cao, khi giá hàng hóa cơ bản tiếp tục tăng theo giá thế giới, trong khi cơ cấu mặt hàng nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất của Việt Nam chiếm trên 90% cơ cấu nhập khẩu. CHLB Nga và Ukraine cung cấp một khối lượng lớn nguyên liệu quan trọng để sản xuất chip, linh kiện bán dẫn, phân bón trên thế giới. Do đó, căng thẳng địa chính trị và các lệnh trừng phạt có thể tác động tiêu cực đến khả năng cung ứng các nguyên, vật liệu quan trọng, từ đó ảnh hưởng tới ngành sản xuất điện tử, hoạt động sản xuất, chăn nuôi và nhiều ngành nghề khác. Điều này có thể làm hạn chế khả năng phục hồi sau đại dịch của Việt Nam. Ngoài ra, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm có thể tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu, cản trở các nỗ lực thúc đẩy các quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể giảm và không đạt mức dự báo đưa ra cuối năm 2021 (tăng trưởng từ 6% đến 7,5%).
Theo đánh giá của Diễn đàn các Định chế tài chính và tiền tệ (OMFIF) - một think tank tại Mỹ trong các vấn đề liên quan đến NHTW, chính sách kinh tế và đầu tư công, các cú sốc đối với thị trường năng lượng từ cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ gây tác động nặng nề nhất đến châu Âu, các quốc gia phụ thuộc trực tiếp vào khí đốt và dầu của Nga. Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương trực tiếp không nằm ở Mỹ (nền kinh tế không phụ thuộc quá sâu vào thương mại) và Trung Quốc (do mức độ phụ thuộc vào thương mại đang giảm dần), mà là các nền kinh tế mở, nhỏ hơn. Trong số này, các nước Đông Nam Á dễ bị tổn thương nhất, do kim ngạch thương mại cao hơn 100% GDP như Thái Lan, Malaysia, con số này của Việt Nam là 200% và của Singapore là 300%. Bên ngoài khu vực này, Australia và New Zealand có kim ngạch thương mại tương đương lần lượt là 46% và 56% GDP, Ả rập Xê út (160%), Hà Lan (150%), CHLB Đức (88%), Anh (64%).
Trong 02 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,2%; nhập khẩu tăng 15,9%. Liên quan đến thị trường Nga, trong 02 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 49,1 triệu USD (xuất khẩu đạt 555,3 triệu USD, nhập khẩu đạt 446,2 triệu USD). Đối với thị trường Ukraine, Việt Nam xuất siêu 49,1 triệu USD (xuất khẩu đạt 57,5 triệu USD, nhập khẩu đạt 8,4 triệu USD).
Với kim ngạch thương mại như trên, CHLB Nga và Ukraine không phải là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. CHLB Nga, Việt Nam và 4 quốc gia khác đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Á - Âu từ năm 2015. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Nga đạt 5,5 tỷ USD, chiếm khoảng 0,8% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD. Tương tự, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ukraine năm 2021 chỉ chiếm vỏn vẹn 0,1%.
Về hoạt động đầu tư, CHLB Nga và Ukraine chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong thu hút đầu tư và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD. Trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, CHLB Nga và Ukraine đứng vị trí 40 và 57 với số vốn đăng ký lần lượt đạt 8,1 triệu USD và 1 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Lũy kế từ khi Việt Nam bắt đầu thu hút FDI đến năm 2021, tổng vốn đăng ký đạt trên 408 tỷ USD. Trong đó, CHLB Nga đạt gần 954 triệu USD, chiếm 0,23% tổng vốn đăng ký và đứng thứ 24, Ukraine đạt 30 triệu USD, chiếm 0,007% và đứng thứ 69.
Mặc dù tác động trực tiếp của xung đột Nga - Ukraine đến Việt Nam không đáng kể, nhưng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm tàng, nhất là đối với cán cân thanh toán, chủ yếu là do giá dầu thế giới tăng cao. Ngoài ra, để đối phó với xu hướng gia tăng lạm phát, Fed và các NHTW chủ chốt sẽ đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất, điều kiện vay nợ nước ngoài vì thế sẽ khó khăn hơn. Đáng chú ý, áp lực trong việc kiểm soát lạm phát gia tăng, mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6 - 6,5% và lạm phát khoảng 4% là thách thức lớn. Hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, do đại dịch Covid-19 có thể phức tạp và kéo dài với nhiều biến thể mới, kinh tế thế giới phục hồi mong manh. Căng thẳng địa chính trị, các đòn trừng phạt, xung đột thương mại sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa và hoạt động thương mại.
Một số giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của xung đột Nga - Ukraine
Một là, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến khó lường, nổi bật là áp lực tăng lạm phát và gián đoạn các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu và kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát lạm phát (có thể xem xét giảm thuế, phí, đối với một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu đầu vào cho quá trình sản xuất), đồng thời đẩy nhanh việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Hai là, tiến hành rà soát năng lực sản xuất trong nước, nhất là đối với những lĩnh vực và mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, kim loại, phân bón; xây dựng các phương án đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước; bố trí đủ nguồn vốn ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu; tăng cường quản lý thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; cân nhắc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý một cách phù hợp, tránh gây tác động cộng hưởng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Ba là, tiếp tục nâng cao hiệu quả của việc phối hợp giữa điều hành chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và những chính sách vĩ mô khác trong việc kiểm soát lạm phát; duy trì quy mô tín dụng ở mức phù hợp, kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay đối với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là thị trường bất động sản. Khẩn trương triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các gói hỗ trợ tiền tệ phục hồi kinh tế.
Bốn là, theo dõi diễn biến, dự báo tình hình thị trường tài chính quốc tế và động thái của các NHTW lớn trên thế giới về điều hành chính sách tiền tệ, đánh giá tác động và có giải pháp phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến Việt Nam. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ và kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp với diễn biến tỷ giá giữa các nước trong khu vực và thế giới.
Năm là, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng; chủ động đánh giá các tác động của xung đột Nga - Ukraine, việc Mỹ và các nước phương Tây loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT đến thị trường tiền tệ, tỷ giá, giao dịch thanh toán, chuyển tiền của hệ thống ngân hàng Việt Nam, kịp thời đề xuất giải pháp cần thiết, nhất là phương thức thanh toán.
Sáu là, cần tận dụng cơ hội có được từ bối cảnh mới, căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây mở ra cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Bảy là, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và đầy đủ cho doanh nghiệp và người dân, góp phần ngăn chặn khả năng lạm phát kỳ vọng tăng quá mức và hạn chế tâm lý đầu cơ, tích trữ.
Nguồn tham khảo: Bloomberg, CNBC, Finacial Times, Reuters, Tổng cục Thống kê
Vũ Xuân Thanh (NHNN)