Có thể thấy, triển vọng kinh tế khu vực châu Á đã sáng sủa hơn mặc dù vẫn còn những thách thức lớn trong dài hạn, kể cả đối với kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất khu vực.
Triển vọng tươi sáng hơn
Những “cơn gió ngược” xảy ra đối với kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt vào năm 2022 đã bắt đầu giảm dần trong bối cảnh các điều kiện tài chính toàn cầu đã không còn căng thẳng nữa: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ giảm bớt số lần tăng lãi suất chính sách khiến USD giảm đi phần nào sức mạnh so với các đồng tiền khác. Bên cạnh đó, giá lương thực và giá dầu đang có xu hướng giảm; kinh tế Trung Quốc kì vọng phục hồi khi thực hiện mở cửa dần nền kinh tế. Những yếu tố này sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp làm cải thiện triển vọng trên toàn khu vực châu Á. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ tăng lên 4,7% trong năm 2023, từ mức 3,8% năm 2022. Với dự báo này, châu Á sẽ trở thành khu vực năng động nhất trong số các khu vực lớn trên thế giới và là một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
IMF dự báo châu Á sẽ trở thành khu vực năng động nhất trong số các khu vực lớn trên thế giới và là một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chậm lại (Ảnh: internet)
Đóng góp vào đà tăng trưởng của khu vực châu Á phần lớn đến từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển của khu vực, với mức tăng trưởng dự kiến là 5,3% trong năm 2023 so với mức 4,3% đạt được trong năm 2022. Các nền kinh tế này đang dần lấy lại được động lực khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 giảm dần và lĩnh vực dịch vụ bùng nổ, trong đó phải kể đến sự đóng góp của hoạt động du lịch. Riêng Trung Quốc và Ấn Độ, dự kiến sẽ đóng góp hơn một nửa vào mức tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023. Một số nước như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều đang quay trở lại mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch Covid-19.
Bảng 1: Dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á năm 2023 - 2024 (%)
Nguồn: IMF
So với dự báo tháng 10/2022, IMF điều chỉnh dự báo kinh tế Trung Quốc rất lớn bởi việc mở cửa trở lại đột ngột đã mở đường cho sự kì vọng phục hồi hoạt động kinh tế nhanh hơn dự kiến. Trung Quốc có mối liên kết thương mại với khu vực, đóng góp lượng khách du lịch tương đối lớn. Đây được xem là một tin tích cực đối với châu Á. IMF ước tính, cứ mỗi điểm phần trăm tăng trưởng cao hơn ở Trung Quốc sẽ khiến sản lượng ở phần còn lại của châu Á tăng khoảng 0,3%. Mặc dù được hưởng lợi từ những yếu tố này nhưng triển vọng đối với các nền kinh tế tiên tiến của châu Á lại tương đối phức tạp. Trong ngắn hạn, kinh tế của Nhật Bản dự kiến sẽ mạnh mẽ hơn do được hỗ trợ bởi các chính sách kích thích tăng trưởng, mở cửa lại biên giới và cải thiện chuỗi cung ứng, nhưng tăng trưởng sẽ giảm trở lại vào năm 2024 khi các điều kiện bình thường hóa và sự hỗ trợ của các chính sách giảm bớt. Đối với Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan của Trung Quốc, giá vi mạch sụt giảm là lực cản đối với hoạt động xuất khẩu của các nước này, điều này có khả năng kéo dài đến cuối năm 2023. Nhưng với sự tăng trưởng được cho là chạm đáy ở phần còn lại của thế giới, dự kiến nhu cầu từ bên ngoài sẽ ổn định hơn trong năm 2024.
Áp lực lạm phát giảm dần
Lạm phát tại châu Á - vốn đã tăng cao một cách đáng lo ngại so với mục tiêu của hầu hết các ngân hàng trung ương vào năm 2022. Hiện nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy, lạm phát dường như đã đạt đỉnh trong nửa cuối năm 2022, mặc dù lạm phát cơ bản đang tỏ ra khá dai dẳng và vẫn chưa có xu hướng giảm hẳn. Lạm phát cơ bản tháng 01/2023 so với cùng kì năm 2022 tại một số nước vẫn khá cao: Úc 6,9%; Hàn Quốc 5,2%; Singapore 5,5%; Indonesia 3,27%;... IMF dự kiến lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương vào một thời điểm nào đó trong năm 2024 trong bối cảnh các khó khăn về điều kiện tài chính và giá hàng hóa đã giảm bớt.
Các điều kiện tài chính toàn cầu đã giảm bớt phần nào khi lạm phát được cho rằng đã đạt đỉnh có thể khiến các ngân hàng trung ương giảm bớt sự thắt chặt trong chính sách tiền tệ. Đô la Mỹ cũng giảm dần sức mạnh, các ngân hàng trung ương ở châu Á cũng đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát là những yếu tố giúp đồng tiền châu Á phục hồi dần, từ đó giảm bớt áp lực lên giá cả trong nước. Mặc dù lạm phát chung đang đi đúng hướng nhưng các ngân hàng trung ương cần phải cảnh giác vì lạm phát cơ bản vẫn trên mức mục tiêu. Những cú sốc nguồn cung lớn liên quan đến đại dịch đã khiến việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trở nên đặc biệt khó khăn. Hiệu ứng vòng hai của lạm phát làm tăng thêm sự không chắc chắn cho các nhà hoạch định chính sách. Thêm vào đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể gây áp lực lên giá cả hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia mong đợi ngành du lịch phục hồi. Do đó, các ngân hàng trung ương cũng nên thận trọng với rủi ro này.
Nợ tăng cao, rủi ro tài chính
Mặc dù triển vọng ngắn hạn đã sáng sủa hơn nhưng vẫn còn những thách thức quan trọng trong dài hạn. IMF nâng triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2023, tuy nhiên, hạ triển vọng trong trung hạn. Thâm hụt ngân sách kéo dài trong đại dịch Covid-19 và lãi suất dài hạn cao hơn trong năm 2022 đã làm tăng thêm gánh nặng nợ công đối với khu vực châu Á. Với việc một số quốc gia châu Á đang phải đối mặt với tình trạng nợ nần chồng chất thì đòi hỏi các nhà chức trách phải tiếp tục thực hiện các kế hoạch củng cố tài khóa. Có như vậy, mới đảm bảo được rằng, chính sách tiền tệ và tài khóa không hoạt động trái với tôn chỉ, mục đích của mỗi chính sách. Thêm vào đó, nhiều quốc gia châu Á phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương về tài chính với tỉ lệ đòn bẩy cao trong các lĩnh vực hộ gia đình và doanh nghiệp, trong khi nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản. Điều này cho thấy, có sự đánh đổi về chính sách giữa việc kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định tài chính.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù triển vọng ngắn hạn là tương đối sáng sủa đối với các nước khu vực châu Á, song, về dài hạn thì thách thức cũng khá nhiều. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc và thận trọng trong các quyết định chính sách, đôi khi phải thực hiện đánh đổi để đạt được mục tiêu ưu tiên trước mắt.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF (tháng 10/2022; tháng 01/2023).
- Website: tradingeconomics.com
Thái Sơn (NHNN)