Để phát triển bền vững thì cần phát huy tốt cả nội lực, ngoại lực và động lực tăng trưởng kinh tế 2017 trông chờ ở kinh tế tư nhân.
Thách thức chủ yếu đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 sẽ là thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi các rủi ro quốc tế, lạm phát sẽ tiếp tục khó kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu 4%. Vậy phải làm sao khuyến khích được đầu tư từ khu vực tư nhân cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết trong tình hình khó khăn của ngân sách nhà nước, và xu hướng suy giảm của dòng vốn ngoại... cộng với việc Việt Nam sẽ không còn nhận vốn ưu đãi ODA kể từ tháng 7/2017. Đó là những phân tích, dự báo và khuyến nghị được các chuyên gia của Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello và Trung tâm Ngiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) đưa ra.
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS.Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhắc lại rằng để phát triển bền vững thì cần phát huy tốt cả nội lực, ngoại lực và động lực tăng trưởng kinh tế 2017 trông chờ ở kinh tế tư nhân.
Bài toán tăng trưởng và lạm phát
Các chuyên gia của MarketIntello và DEPOCEN cùng nhìn thấy khả năng năm 2017 sẽ không đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đặt ra: GDP tăng trưởng 6,7%, xuất nhập khẩu tăng 6-7%, lạm phát bình quân 4% và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP… Và họ vẫn giữ nguyên dự báo từ quý IV/2016 cho năm 2017 là: tốc độ tăng trưởng 6,3% và lạm phát đạt 4,3 - 4,5%.
Dù dự cảm: nông nghiệp cũng sẽ hồi phục nhẹ nhưng các chuyên gia cho rằng đóng góp vào tăng trưởng sẽ không nhiều bằng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, nhờ việc Chính phủ tiếp tục chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh nên sản xuất, kinh doanh và đầu tư được thuận lợi, tiêu dùng cuối cùng trong nước và sản xuất công nghiệp tiếp tục khả quan nhưng cũng chỉ giúp thúc tăng trưởng đạt được mức 6,3% mà thôi.
Củng cố cho con số dự báo tăng trưởng 6,3%, ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc điều hành MarketIntello nói rằng: “Trước dự báo mục tiêu lạm phát dưới ngưỡng 4% bị đe dọa thì Chính phủ sẽ không quyết liệt theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7%”. Ông tin rằng Chính phủ sẽ lựa chọn giải pháp ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh cho năm 2017.
Dự báo thời gian tới giá lương thực thực phẩm có thể sẽ tiếp đà tăng, giá nhiên liệu thế giới nhiều khả năng sẽ hồi phục tạo áp lực tăng giá nhiên liệu trong nước, nhiều khả năng CPI sẽ tăng đến mức trên 5% trong quý I theo DEPOCEN. Ông Minh cho rằng “Nếu NHNN không quyết liệt kiểm soát việc mở rộng cung tiền thì lạm phát có thể còn cao hơn nhưng từ góc độ theo dõi chính sách tiền tệ đã nhiều năm nay, từ 2012, NHNN đã tìm ra ngưỡng tối ưu về cung tiền với điểm cân bằng nên đã kiểm soát cung tiền rất tốt giúp kiềm chế lạm phát.
“Chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ sẽ đóng vai trò quyết định trong mức tăng giá cả của năm 2017 và đóng vai trò quyết định trong giữ tỷ lệ lạm phát trong mức mục tiêu 4%. Nhưng nếu Chính phủ quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 như đã đề ra, nhiều khả năng NHNN sẽ phải tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ, như vậy sẽ gây thêm áp lực tăng chỉ số giá cả”, theo ông Đinh Tuấn Minh.
Vốn ngoại suy giảm, xuất khẩu khó khăn, vốn tư nhân là kỳ vọng
Mặc dù trong tháng 1/2017, lượng vốn FDI đăng ký cũng như thực hiện đều tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2016 tuy nhiên trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Mỹ và các nước phát triển, TPP rơi vào bế tắc, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút FDI. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7% như kế hoạch, những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết - nhóm chuyên gia của DEPOCEN lưu ý.
Xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi các rủi ro quốc tế, theo TS. Nguyễn Ngọc Anh – (DEPOCEN). Ông phân tích: với sự kiện Brexit kể từ sau tháng 3/2017 sẽ bắt đầu định hình rõ ràng ảnh hưởng đối với nền kinh tế Eurozone, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam; định hướng chính sách thương mại không rõ ràng của tổng thống Donald Trump sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại của các nền kinh tế đang phát triển hiện phụ thuộc nhiều vào xu hướng toàn cầu hóa; Không loại trừ khả năng nguồn vốn ngoại chững lại trước thông tin TPP không được Mỹ thông qua sẽ khiến xuất khẩu khó tăng trưởng mạnh hơn vì khu vực FDI vẫn là động lực chính của xuất khẩu ở Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết trong tình hình khó khăn của NSNN, cộng với việc Việt Nam sẽ không còn nhận vốn ưu đãi ODA kể từ tháng 7/2017 và xu hướng suy giảm của dòng vốn ngoại, cùng với kỳ vọng Chính phủ sẽ có những giải pháp để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách cũng như có những giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn… sẽ là những cơ sở tốt để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư phát triển.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên: hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển là một định hướng cần tập trung trong năm 2017. Và ông cũng thể hiện rõ sự tin tưởng kinh tế tư nhân sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhờ ở những quyết tâm và chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng DN tư nhân đang hoạt động khá rời rạc liên kết kém nên cần phải liên kết với nhau, liên kết để tham gia vào chuỗi, liên kết để mua lại được cổ phần khi Nhà nước thoái vốn…
Linh Đan
(Tham khảo nguồn: http://thoibaonganhang.vn/)