Từ khóa: Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp, quỹ đổi mới và phát triển công nghệ.
1. Vai trò của Nhà nước trong xây dựng các quỹ đổi mới và phát triển công nghệ quốc gia
Môi trường quốc tế cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang ngày càng thúc đẩy các quốc gia đẩy mạnh đổi mới và phát triển công nghệ qua các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, quỹ đổi mới công nghệ1 có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hấp thụ và làm chủ công nghệ mới; ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại, đưa công nghệ trở thành phương tiện, công cụ chủ yếu để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là tạo ra giá trị gia tăng mới cho hàng hóa. Các quỹ đổi mới công nghệ ở các nước được thành lập nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hiện đổi mới công nghệ phục vụ các mục tiêu khoa học, công nghệ và kinh tế.
1.1. Đầu tư trực tiếp
Việc thành lập quỹ quốc gia về đổi mới công nghệ luôn gắn liền với vai trò đầu tư trực tiếp của mỗi chính phủ. Hoạt động này giúp thúc đẩy tri thức, khoa học và công nghệ, đẩy nhanh quá trình sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2014 thì 1 USD của chính phủ dành cho đầu tư nghiên cứu và phát triển sẽ mang lại 1,7 USD cho doanh nghiệp. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), trong năm 2020, chi tiêu chính phủ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đã đạt mức cao kỷ lục, gần 1,7 nghìn tỷ USD. Là một phần của các mục tiêu phát triển bền vững, các quốc gia đã cam kết tăng đáng kể chi tiêu cho R&D của khu vực công và tư nhân cũng như số lượng các nhà nghiên cứu vào năm 2030. Trong đó, các quốc gia có tỷ trọng đầu tư trực tiếp lớn nhất đều có một đặc điểm chung là chi tiêu mạnh mẽ vào khu vực kinh doanh bằng cách kích thích đầu tư trong cả khu vực tư nhân và nhà nước, đặt các mục tiêu quốc gia về chi tiêu cho R&D như một tỷ trọng của GDP, điển hình như: Israel (4,2%), Hàn Quốc (4,1%), Nhật Bản (3,4%), Thụy Sỹ (3,2%), Phần Lan (3,1%), Trung Quốc (2%), Malaysia (1,3%). OECD cũng chỉ ra rằng, tại hầu hết các quốc gia, qua các phương thức đầu tư khác nhau, nhà nước đã tài trợ ngân sách cho 10% - 20% R&D công nghệ của doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
1.2. Tạo lập môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo
Quỹ quốc gia có chức năng tạo lập một môi trường thuận lợi, phù hợp để khuyến khích đổi mới sáng tạo, ban hành các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân về sở hữu trí tuệ, pháp luật, đảm bảo minh bạch trong hoạt động nghiên cứu. Xây dựng quỹ đổi mới sáng tạo quốc gia đòi hỏi phải có môi trường tốt, bao gồm cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, chính sách sở hữu trí tuệ, quỹ đổi mới sáng tạo, hệ thống pháp luật và đảm bảo dân chủ. Các chính sách đầu tư, miễn giảm thuế có ý nghĩa quan trọng trong việc kích thích hoạt động đổi mới của các công ty trong các lĩnh vực cụ thể và giúp họ bắt kịp xu hướng công nghệ chủ đạo tại các thời điểm cụ thể. Một số nước phát triển đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Mỹ ban hành Luật Đổi mới khoa học công nghệ, Luật Ưu tiên khoa học công nghệ, Luật Hợp tác nghiên cứu toàn quốc; Pháp ban hành Luật Định hướng cơ bản về R&D khoa học công nghệ, Luật Khoa học công nghệ và đổi mới khoa học công nghệ; Nhật Bản ban hành Luật Khoa học công nghệ cơ bản, Luật Thúc đẩy chuyển giao thành quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của trường đại học cho doanh nghiệp và xã hội, Luật Tăng cường năng lực khoa học công nghệ cho sản xuất; tại Hàn Quốc là Luật Thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ quốc gia; Luật Đổi mới khoa học công nghệ đặc biệt…
1.3. Điều tiết hoạt động đổi mới sáng tạo
Việc xây dựng quỹ quốc gia về đổi mới công nghệ đòi hỏi sự tích hợp của các nguồn lực, thế mạnh trong nước và quốc tế, cũng như các chính quyền trung ương và địa phương, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu. Tất cả những điều này đòi hỏi nhà nước phải thực hiện đầy đủ chức năng điều tiết của mình trong việc thúc đẩy trao đổi và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ một cách sâu rộng, đây cũng là một nhu cầu khách quan. Ví dụ, Chính phủ Úc đã thành lập Nhóm Hợp tác quốc tế khoa học và công nghệ liên bang để xây dựng và triển khai mạng lưới hợp tác nghiên cứu toàn cầu. Ngoài việc điều tiết hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, Nhà nước cũng cần thực hiện sự phối hợp, liên kết hữu cơ giữa các chủ thể đổi mới sáng tạo (doanh nghiệp nhà nước - trường đại học - viện nghiên cứu) để nâng cao năng lực đổi mới tiên tiến của mình. Tại Nhật Bản, sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 bên và sự can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ vào đổi mới khoa học và công nghệ là những điểm nổi bật của mô hình đổi mới công nghệ quốc gia.
1.4. Hoạch định chiến lược và chính sách
Xây dựng quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đòi hỏi một chiến lược đổi mới rõ ràng. Chiến lược đổi mới sẽ đề ra mục tiêu, thời gian, bước đi và nhiệm vụ của việc xây dựng quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Các nước phát triển rất coi trọng việc hoạch định chiến lược mới để định hướng, khích lệ và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu đã ban hành “Kế hoạch Euroka” đưa ra các ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ cần thiết nhất cần chú trọng phát triển; đồng thời đưa ra cam kết và sự hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động đổi mới khoa học và công nghệ. Mỹ đã ban hành quy hoạch chiến lược Xa lộ thông tin toàn quốc, trọng tâm thiết lập hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nhật Bản đã ban hành Chiến lược Phát triển khoa học công nghệ quốc gia, trong đó coi đổi mới khoa học và công nghệ là cơ sở nền tảng cho sự phát triển của quốc gia. Hàn Quốc đã ban hành Kế hoạch cơ bản về phát triển khoa học và công nghệ, trong đó đề ra mục tiêu trong thời gian 5 năm bảo đảm để quốc gia này trở thành một trong 10 quốc gia trên thế giới có trình độ và năng lực cạnh tranh nhất về khoa học và công nghệ.
2. Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ
2.1. Phần Lan
Phần Lan được mệnh danh là đất nước của đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ, trong nhiều năm gần đây chỉ số đổi mới sáng tạo và chỉ số cạnh tranh toàn cầu của nước này luôn thuộc top 10 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người gần 50.000 USD/năm (Báo cáo của E.S.C.Report, 2016). Quỹ Công nghệ và đổi mới sáng tạo (TEKES) được thành lập năm 1983 là quỹ nhà nước lớn nhất tài trợ cho hoạt động phát triển đổi mới công nghệ. Vốn của Quỹ là 650 triệu USD được cấp bổ sung hằng năm cho đủ mức vốn này, nhân sự làm việc tại Quỹ khoảng 400 người, chi hoạt động thường xuyên và chi đầu tư được bố trí trong nguồn vốn trên của Quỹ. Đối tượng nhận hỗ trợ từ Quỹ chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hình thức hỗ trợ chủ yếu của Quỹ là tài trợ và cho vay thông qua các đề tài hoặc dự án. Mức tài trợ cho các đề tài bằng 35 - 55% tổng kinh phí thực hiện đề tài, cho các dự án bằng 30 - 50% tổng kinh phí thực hiện dự án. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Quỹ có thể hỗ trợ tới 75% tổng kinh phí đề tài hoặc dự án theo hình thức tài trợ hoặc cho vay. Sau 35 năm hoạt động, tính đến năm 2018, Quỹ TEKES đã hỗ trợ trên 60.000 doanh nghiệp với tổng kinh phí gần 18 tỷ USD, đã huy động doanh nghiệp đầu tư 36 tỷ USD cho phát triển, đổi mới công nghệ; tạo nên 40.000 sản phẩm mới, dịch vụ mới và 35.000 sáng chế, giải pháp hữu ích, đồng thời đóng góp giá trị kinh tế đạt 236 tỷ USD. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Phần Lan đạt được có phần đóng góp rất đáng kể của khoa học và công nghệ, bắt nguồn từ chính sách của Nhà nước Phần Lan đối với khoa học và công nghệ. Phần Lan đầu tư rất mạnh cho hoạt động R&D công nghệ cả từ nguồn ngân sách của Nhà nước và khu vực doanh nghiệp. Năm 2020, tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu phát triển là 7,18 tỷ USD (3,1% GDP), trong đó từ ngân sách là 2,53 tỷ USD (1% GDP), khu vực doanh nghiệp và tư nhân đóng góp 5,15 tỷ USD (2,1%).
2.2. Vương quốc Anh
Vương quốc Anh là một đất nước đã phát triển từ lâu, các ngành công nghiệp đã từng có những thời kỳ phát triển hoàng kim ở những thế kỷ trước. Tuy nhiên, từ giữa những năm 1950 đến đầu những năm 2000, khoa học và công nghệ của Vương quốc Anh chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ chế tạo máy bay, ô tô… còn lại chuyển sang lĩnh vực tài chính, kinh tế, thời trang… Chính vì vậy, trong một thời gian dài, khoa học và công nghệ của một số nước như Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc đã vượt qua Vương quốc Anh ở nhiều lĩnh vực. Nhận thức được vấn đề khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, các nước châu Âu như Vương quốc Anh đã dần trở nên lạc hậu so với thế giới, gần đây Chính phủ Anh cũng đã thành lập các tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo như Quỹ Newton, Quỹ Innovate UK… xây dựng các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, áp dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, kể từ năm 2007 đến nay, Quỹ Innovate UK đã đầu tư tài trợ cho các doanh nghiệp được 2,2 tỷ Bảng Anh (cho tổng số 11.000 dự án và liên quan tới 8.000 tổ chức và doanh nghiệp, tổng thể tạo ra được 70.000 công việc); các nguồn đối ứng của các doanh nghiệp là hơn 3,75 tỷ Bảng Anh; giá trị kinh tế gia tăng mang lại từ các nguồn đầu tư này ước tính đến 16 tỷ Bảng Anh. Như vậy, tính trung bình mỗi một bảng Anh được đầu tư bởi Quỹ Innovate UK sẽ tạo ra giá trị gia tăng khoảng 7,30 Bảng Anh, giúp tạo ra được cho mỗi tổ chức/doanh nghiệp trung bình 0,8 công việc.
2.3. Trung Quốc
Sau khoảng 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Song hành với các chương trình quốc gia phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ trương đưa Trung Quốc thành đại công trường và đại phân xưởng của cả thế giới đã tạo ra điều kiện để hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa hình thành, phát triển trong gần 1.000 khu công nghiệp, khu công nghệ cao và đặc khu kinh tế. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp làm chủ được công nghệ mới và liên tục đổi mới công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia Trung Quốc và các quỹ công nghệ ở nhiều tỉnh, thành phố đã được thành lập. Từ đầu những năm 1990, Chính phủ Trung Quốc đã dành ngân sách mỗi năm khoảng 10 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ. Đến năm 2006, đầu tư cho nhập khẩu công nghệ đã lên tới 22 tỷ USD (chiếm 57% tổng chi cho hoạt động khoa học và công nghệ quốc gia). Năm 1999, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập quỹ đổi mới công nghệ với số vốn cấp từ ngân sách hằng năm là 150 triệu USD để thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) nghiên cứu, làm chủ và sáng tạo công nghệ được nhập khẩu thông qua các phương thức hỗ trợ như tài trợ, cho vay và đầu tư (Guo và cộng sự, 2014). Hằng năm, Chính phủ cấp bổ sung kinh phí để đảm bảo quỹ luôn có đủ mức vốn điều lệ để hoạt động. Chính phủ Trung Quốc còn cho phép và khuyến khích các địa phương (các tỉnh, thành phố) thành lập các quỹ đổi mới công nghệ (hoặc quỹ phát triển công nghệ). Cho đến năm 2006, Trung Quốc có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập quỹ công nghệ với chức năng tài trợ và hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp địa phương thực hiện các dự án chuyển giao, đổi mới công nghệ. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ công nghệ ở các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với 19 sàn giao dịch công nghệ trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Riêng năm 2010, giá trị công nghệ được chuyển giao qua các sàn giao dịch đạt gần 78 tỷ USD, một phần ba trong số các sàn giao dịch thành công nhờ có sự tài trợ từ các quỹ. Vai trò của đổi mới sáng tạo ngày càng được cải thiện khi Trung Quốc đều dành trên 2% GDP từ năm 2017 đến nay cho hoạt động R&D công nghệ (UNESCO).
2.4. Israel
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2017 - 2018, Isarel là quốc gia đứng đầu danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào R&D. Chính phủ Israel thành lập Quỹ R&D - Hỗ trợ R&D cạnh tranh, thuộc Cơ quan Đổi mới Israel - IIA, nhằm hỗ trợ quá trình phát triển sản phẩm mới hoặc nâng cấp công nghệ hiện có cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ để củng cố và thúc đẩy nền kinh tế Israel. Hình thức hỗ trợ từ 20% đến 50% tổng kinh phí dự án công nghệ được phê duyệt. Dưới sự hỗ trợ của IIA, các doanh nghiệp được bảo đảm về cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm việc tăng số lượng người lao động trong lĩnh vực R&D, giới thiệu các công cụ tài chính mới, hỗ trợ việc thiết lập các nền tảng đổi mới sáng tạo mở và thúc đẩy hệ thống hợp tác quốc tế dành cho đổi mới sáng tạo, R&D. Đầu tư cho R&D của Israel phát triển như hôm nay là nhờ sự hỗ trợ của chương trình Yozma (tiếng Do Thái: Sáng kiến) do Chính phủ nước này thực hiện từ năm 1993. Yozma đầu tư mạnh vào những quỹ mạo hiểm và thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng cách cung cấp công cụ bảo hiểm rủi ro cho họ. Theo OECD, đây là chương trình thành công và độc đáo nhất trong chính sách đổi mới sáng tạo của Israel. Ở cả Israel và Hàn Quốc, doanh nghiệp luôn là khối chi nhiều cho R&D. Nói riêng về đầu tư cho nghiên cứu cơ bản - theo định nghĩa của OECD là công việc được tiến hành trước hết để thu về những tri thức mới mà không có bất kỳ ứng dụng cụ thể nào trước mắt - Hàn Quốc luôn đứng vững ở vị trí số 01, với mức đầu tư chiếm 0,73% GDP, cao hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới (năm 2014, Israel đứng thứ 09 ở hạng mục này với mức 0,39%) (Noorden, 2017). Hiện nay, Quỹ này đang hỗ trợ theo phương thức tài trợ có điều kiện: Các công ty nhận tài trợ cam kết trả lại một phần khoản tài trợ đã nhận được cho Quỹ, thông qua lợi nhuận kinh doanh đối với các dự án thành công trong giai đoạn thương mại hóa (Research Office Legislative Council Secretariat, 2017).
2.5. Malaysia
Malaysia là quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore) vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa (Lai and S. Yap, 2004). Học tập kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Đài Loan, năm 1997, Chính phủ Malaysia quyết định thành lập Quỹ công nghệ Malaysia (Malaysia Technology Fund) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu thương mại hóa các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Quỹ được cấp vốn điều lệ tương đương 100 triệu USD, dùng để tài trợ cho các dự án đổi mới công nghệ và dự án thương mại hóa công nghệ. Hằng năm, Quỹ được cấp bổ sung kinh phí đảm bảo mức vốn điều lệ để hoạt động. Toàn bộ kinh phí hoạt động của Quỹ được ngân sách nhà nước cấp. Trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ IX của Malaysia (2006 - 2010), Chính phủ Malaysia đã thành lập Quỹ đổi mới công nghệ tài trợ cạnh tranh nhằm thực hiện các vấn đề tiền thương mại hóa sản phẩm của các công nghệ mới, công nghệ mũi nhọn. Những công nghệ này phải có tiềm năng thương mại để hình thành nên các doanh nghiệp mới và xây dựng nền kinh tế thịnh vượng cho Malaysia. Quỹ là tổ chức trung gian khắc phục khoảng cách giữa giai đoạn nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và giai đoạn thương mại hóa. Mục tiêu của Quỹ đổi mới công nghệ Malaysia là: Kích thích sự tăng trưởng và đổi mới thành công của doanh nghiệp dựa trên công nghệ của Malaysia bằng cách nâng cao trình độ R&D được gắn liền với thương mại hóa; nâng cao năng lực của Viện nghiên cứu quốc gia Malaysia và các cơ sở đào tạo sau cấp 3 để thực hiện R&D có định hướng thị trường và thương mại hóa các kết quả R&D thông qua các sản phẩm phụ/việc cấp phép; nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu và nền văn hóa R&D giữa các doanh nghiệp dựa trên công nghệ Malaysia; góp phần tăng GDP của Malaysia thông qua việc tạo ra của cải kinh tế và xuất khẩu. Năm 2007, Chính phủ Malaysia tăng vốn điều lệ cho Quỹ công nghệ lên mức 300 triệu USD và năm 2010 thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo (Malaysia Innovation Fund - Innofund) để thực hiện chức năng bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ. Từ năm 2016 đến nay, Malaysia đang nghiên cứu phương án thành lập Tập đoàn tài chính công nghệ hoạt động trên cả 02 phương thức tài trợ và bảo lãnh công nghệ để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu tham gia sâu và mạnh hơn nữa vào CMCN 4.0, đưa Malaysia thành nước công nghiệp phát triển (nước công nghiệp có thu nhập cao) (Government of Malaysia, 2015).
3. Thực trạng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và phát triển công nghệ tại Việt Nam
Theo nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi mới và hấp thụ công nghệ là động lực tăng trưởng chính ở Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2019. Trong giai đoạn này, đầu tư thực tế của Việt Nam vào ứng dụng và đổi mới công nghệ trên mỗi lao động đã tăng gần 250%. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% (2011 - 2015) lên 45,2% (2016 - 2020). Trong 10 năm từ năm 2011 đến năm 2020 đạt 39,0% (vượt 35% so với mục tiêu). Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa tăng từ 19% (năm 2010) lên 50% (năm 2020). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu - GII tăng thứ 17 từ năm 2016 đến năm 2020, xếp thứ 3 ở Đông Nam Á và thứ nhất trong số các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Các công ty Việt Nam đóng góp khoảng 64% vào R&D của cả nước
Mặc dù giá trị tuyệt đối vẫn còn hạn chế nhưng các công ty đã có những đóng góp đáng kể cho hoạt động R&D. Tỷ trọng của các công ty Việt Nam đóng góp khoảng 64% vào R&D của cả nước, tương đương với Singapore (52%), Hàn Quốc (77%) và Trung Quốc (77%). Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều công ty mở rộng hoạt động R&D trong những năm gần đây. Theo các chuyên gia kinh tế, ngân sách R&D tăng 1% có thể làm tăng GDP thực của Việt Nam thêm 106 nghìn tỷ đồng (theo đơn giá năm 2010). Con số này chiếm khoảng 1,0% tổng GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, đến năm 2045, mức tăng 1% trong đầu tư R&D sẽ tăng thêm 600 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,7% tổng GDP thực tế vào năm 2045 (theo http://uis.unesco.org/).
Bên cạnh đó, khó khăn về vốn và không huy động được vốn là yếu tố có ảnh hưởng lớn tới động cơ và tiến bộ đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Để giải quyết khó khăn này, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Một số chương trình khoa học và công nghệ như: Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình trọng điểm Nhà nước về khoa học và công nghệ và một số quỹ hoạt động theo mô hình định chế tài chính phi lợi nhuận ra đời bước đầu đã phát huy tác dụng như Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), Quỹ bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)…
Trên thực tế, đổi mới công nghệ diễn ra ở doanh nghiệp, do doanh nghiệp thực hiện và vì lợi ích của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là chưa đủ mà cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức khoa học và công nghệ để đẩy nhanh tiến trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
NATIF được thành lập trên cơ sở nghiên cứu, học tập và vận dụng mô hình, kinh nghiệm của một số nước phát triển đã cho thấy sự phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay. Theo đó, Quỹ có 02 chức năng là tài trợ và hỗ trợ tín dụng (cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn). Quỹ ra đời và bắt đầu hoạt động từ năm 2015 đã trở thành một mắt xích quan trọng trong việc kết nối các tổ chức khoa học và công nghệ, các chuyên gia với các doanh nghiệp. Thông qua việc hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, giải mã, làm chủ và chuyển giao công nghệ, khai thác sáng chế, qua đó góp phần tạo dựng và thúc đẩy thị trường công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển. Quỹ là cầu nối quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp đổi mới công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Hoạt động của Quỹ đánh dấu sự đổi mới quan trọng trong tư duy quản lý hoạt động khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đó là “đẩy mạnh gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với thực tiễn của doanh nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ nhu cầu từ thực tế sản xuất, kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ; triển khai cơ chế hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ thông qua các quỹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức và doanh nghiệp tham gia hoạt động khoa học và công nghệ”. Việc xem xét tài trợ của quỹ tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như: Nông nghiệp (tạo giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất thức ăn cho vật nuôi và phân bón cho cây trồng, công nghệ chế biến…); công nghiệp (công nghiệp hỗ trợ, an toàn, an ninh mạng, công nghệ Internet vạn vật, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, thương mại điện tử, các sản phẩm chủ lực cho thị trường trong nước và xuất khẩu…); y - dược (sản xuất vắc-xin dược liệu điều trị bệnh…).
Theo NATIF (năm 2021), sau 05 năm đi vào hoạt động (2015 - 2020), Quỹ bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan, có thể kể đến như: Nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ từ các doanh nghiệp; huy động trên 782 tỷ đồng cho các dự án đang thực hiện; đổi mới, cải tiến và phát triển 50 công nghệ, giải pháp, dây chuyền và thiết bị được ứng dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để đạt được thành quả như vậy là nhờ một số thuận lợi: Thứ nhất, cơ chế quản lý tài chính của Quỹ được Bộ Tài chính phối hợp ban hành đã tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động tài trợ vốn; ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí thường xuyên trong những năm đầu đã tạo điều kiện cho bộ máy hoạt động và bước đầu có kết quả nhất định trong việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Thứ hai, Quỹ có thể tiếp nhận đề xuất, xét chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quanh năm và cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo tiến độ thực hiện được phê duyệt trong thuyết minh và ký kết trong hợp đồng thực hiện nhiệm vụ mà không phụ thuộc vào năm kế hoạch. Đây là điểm khác biệt giữa Quỹ và các đơn vị khác trong việc cấp và sử dụng kinh phí, phù hợp với việc hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Quỹ cũng gặp phải một số khó khăn như: Việc tài trợ kinh phí cho các hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam hoặc chuyển giao công nghệ trong nước gặp vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về đấu thầu trong mua sắm tài sản có sử dụng ngân sách nhà nước. Các gói thầu chuyển giao công nghệ có tính chất đặc thù như: Chi tiết thông tin về bí quyết công nghệ là bí mật riêng không thể mô tả cụ thể trong hồ sơ mời thầu và dự thầu; tại Việt Nam hiện nay chưa thực hiện được việc định giá công nghệ trong quá trình chuyển giao. Số lượng doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% số lượng doanh nghiệp trên toàn quốc, nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp là rất lớn, các doanh nghiệp này hầu hết có quy mô nhỏ, khả năng quản trị điều hành yếu, thông tin tài chính của doanh nghiệp không được công khai, minh bạch sẽ dẫn đến Quỹ gặp khó khăn trong quá trình đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chứng minh năng lực thực hiện nhiệm vụ và chứng minh nguồn vốn đối ứng để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đăng ký tham gia Quỹ rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực, dàn trải trên tất cả các địa phương của cả nước. Hầu hết doanh nghiệp nhận thức về công nghệ, đổi mới công nghệ còn sơ sài, không có kinh nghiệm xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, do đó việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp.
4. Bài học kinh nghiệm
Trên cơ sở nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Phần Lan, Malaysia, Israrel... về hình thành và cơ chế quản lý các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tác giả đề xuất một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Thứ nhất, tại hầu hết các quốc gia, quỹ đổi mới và phát triển công nghệ được thành lập trong giai đoạn công nghiệp hóa (Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia...) hoặc hiện đại hóa (Đức, Phần Lan...). Nhờ làm chủ được các công nghệ mới, doanh nghiệp có khả năng thường xuyên đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ mới. Với một số vốn được cấp từ ngân sách (kể cả được bổ sung hằng năm) các quỹ đã huy động được lượng vốn lớn hơn nhiều lần từ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, qua đó tạo ra giá trị hàng hóa gấp vài chục lần đến vài trăm lần số vốn ban đầu được cấp. Đây là một trong những đóng góp quan trọng và quyết định sự thành công của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước các quốc gia kể trên.
Thứ hai, các quỹ đổi mới công nghệ của các nước cũng hoạt động theo hai giai đoạn: Ở giai đoạn đầu, các quỹ chủ yếu thực hiện các hoạt động tài trợ (tài trợ một phần hoặc toàn phần) kinh phí để các doanh nghiệp thực hiện đổi mới và phát triển công nghệ. Tiếp đó, các quỹ sẽ mở rộng hình thức hỗ trợ tín dụng như cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh tín dụng để doanh nghiệp nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao, song song với hoạt động tài trợ, tín dụng, các quỹ cần thực hiện một số hoạt động đa dạng về nội dung và rất lớn về mặt khối lượng công việc, đó là xây dựng: (1) Hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghệ (Hồ sơ công nghệ); (2) Hệ thống dữ liệu thông tin về doanh nghiệp (Hồ sơ doanh nghiệp); (3) Phương thức phân loại, đánh giá, định giá công nghệ thông qua hệ thống tiêu chí và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật; (4) Mạng lưới các tổ chức tư vấn cùng các chuyên gia về chuyển giao công nghệ và khai thác sáng chế. Thực chất đây là hoạt động tìm kiếm, giải mã, làm chủ công nghệ từ hàng triệu, chục triệu các sáng chế - tài sản trí tuệ của nhân loại trên toàn thế giới đòi hỏi sự tham gia, hợp tác của hàng trăm, hàng nghìn các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Thứ tư, cùng với các doanh nghiệp, các quỹ nhận được sự quan tâm và hỗ trợ thường xuyên, kịp thời của chính phủ. Các quỹ này được bảo đảm ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư, do khoản kinh phí này rất nhỏ so với lượng kinh phí tài trợ cho các doanh nghiệp, lại càng nhỏ hơn so với giá trị kinh tế đem lại được nhờ đổi mới công nghệ, mặt khác tạo điều kiện cho các quỹ chủ động thực hiện các hoạt động được giao. Thực chất, đây là các nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước tại thời điểm chưa có khả năng, điều kiện xã hội hóa khi chưa hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
5. Kết luận
Trong “Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030” do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, để “khoa học - công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất phát triển lực lượng sản xuất, phấn đấu đến năm 2030, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN và có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới”, Việt Nam cần tập trung nguồn lực vào đổi mới và phát triển công nghệ, đồng bộ cơ chế quản lý, đặc biệt là cơ chế tài chính nhằm đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ. Hoạt động hiệu quả nhất có thể kể đến là việc thành lập các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia, mục tiêu ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phát huy tối đa vai trò của mình. Biện pháp được xem là hiệu quả nhất đối với Việt Nam chính là tăng cường liên kết, phát huy vai trò của Nhà nước - cơ quan quản lý đối với các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế với các nước có trình độ khoa học và công nghệ cao.
1 Theo số liệu của các tổ chức quốc tế trên 60 quốc gia có thành lập các quỹ công nghệ với nhiều tên gọi khác nhau như Quỹ công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ phát triển công nghệ, Quỹ công nghệ công nghiệp, Tập đoàn tài chính công nghệ... hoặc mang tên riêng của các nhà khoa học, công nghệ như Quỹ Newton (tại Anh), Quỹ Fraunhofer (tại Đức)…
Tài liệu tham khảo:
1. Chung, Sungchul (2010), Innovation, Competitiveness and Growth: Korean Experiences, Annual World Bank Conference on Development Economics, Global, pp.333-358.
2. D. Guo, Y. Guo, and K. Jiang (2014), Government Subsidized R&D and Innovation Outputs: An Empirical Analysis on China’s Innofund Program, no 494.
3. D. S. Yim (2010), Korea’s national innovation system and the science and technology policy, Sci. Technol. Policy Inst. (STEPI), available at: www. unesco.org/science/psd/thm_innov/forums/korea. pdf (23.09. 2010).
4. E. S. C. Report (2016), Finland - Research and Innovation Observatory.
5. Government of Malaysia via SME Corporation Malaysia, available at: http://www.smecorp.gov.my/index.php/en/programmes/2015-12-21-09-3908/soft-loans-forsmes
6. J. R. Campbell (2012), Building an IT Economy: South Korean Science and Technology Policy, Issues Technol. Innov., no. 19, pp. 1-9.
7. M. Lai and S. Yap (2004), Technology Development in Malaysia and the Newly Industrializing Economies: A Comparative Analysis, Asia-Pacific Dev. J., vol. 11, no. 2, pp. 53-80.
8. R. Van Noorden (2017), Israel edges out South Korea for top spot in research investment, Nature.
9. Research Office Legislative Council Secretariat (2017), Innovation and technology development in Israel.
10. OECD (2014), Science, Technology and Industry Outlook 2014.
11. Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20987/doi-moi-sang-tao-se-la-dong-luc-tang-truong-moi-cho-viet-nam.aspx
12. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia Việt Nam (NATIF), https://natif.vn/
13. UNESCO, http://uis.unesco.org/apps/visualisations/
research-and-development-spending/
14. World Bank, https://data.worldbank.org/topic/14