Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược). Việc triển khai Chiến lược sẽ đóng góp tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân và phát triển doanh nghiệp, nâng cao phúc lợi xã hội, hỗ trợ ổn định tài chính, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước. Ngành Ngân hàng là một trong những ngành mũi nhọn trong thực hiện Chiến lược với việc được giao chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ. Để thực hiện được các nhiệm vụ đó, rất cần sự chung tay của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của toàn Ngành. Là một tổ chức đoàn thể có số lượng đoàn viên lớn, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tài chính toàn diện trong ngành Ngân hàng nói riêng và tài chính toàn diện của Việt Nam nói chung. Bài viết tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy tài chính toàn diện của tổ chức công đoàn, qua đó, đưa ra một số gợi ý cho Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trong thúc đẩy tài chính toàn diện.
1. Kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy tài chính toàn diện của tổ chức công đoàn
Công đoàn là một tổ chức đại diện cho lợi ích tập thể của người lao động. Dù tổ chức công đoàn có thể ở dưới bất cứ hình thức nào (tổ chức công đoàn cấp doanh nghiệp, tổ chức công đoàn theo nghề, tổ chức công đoàn chung), các tổ chức công đoàn ở các quốc gia và các lục địa khác nhau đều có ba chức năng chính là: (i) Đại diện cho người lao động và thương lượng thỏa ước lao động tập thể; (ii) Tác động tới luật và chính sách có ảnh hưởng tới người lao động và đoàn viên công đoàn bằng cách chủ động tham gia đối thoại xã hội ở cấp quốc gia, cấp ngành và cấp khu vực; (iii) Cung cấp các dịch vụ và một số phúc lợi cho đoàn viên công đoàn.
Cuộc thi “Nét đẹp văn hóa ngành Ngân hàng” là một trong những hoạt động do Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức có lồng ghép vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện, tạo động lực thúc đẩy đoàn viên và người lao động nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cống hiến cho sự phát triển của đất nước, của Ngành
Bằng chứng về vai trò của tổ chức công đoàn trong thúc đẩy tài chính toàn diện chủ yếu được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đề cập đến kể từ năm 2006 trong một loạt nghiên cứu. Điểm chủ yếu trong các nghiên cứu này của ILO là vai trò tiềm năng của tổ chức công đoàn trong thúc đẩy tài chính toàn diện trong tổ chức mình (tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của họ) nhằm đẩy mạnh và tăng cường “phúc lợi kinh tế và xã hội của công nhân, người lao động”.
Vai trò của tổ chức công đoàn trong thúc đẩy tài chính toàn diện thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau:
Thứ nhất, tuyên truyền, tăng cường giáo dục tài chính cho đoàn viên, người lao động
Nhờ có thế mạnh về khả năng tiếp cận thành viên, sức mạnh thương lượng và sự tin tưởng của các thành viên, các tổ chức công đoàn có vị thế tốt nhất để thực hiện việc tuyên truyền, tăng cường giáo dục tài chính cho đoàn viên, người lao động. Các đoàn viên công đoàn sẽ tích cực tham gia các chương trình giáo dục tài chính hơn nếu được tổ chức công đoàn giới thiệu, tạo điều kiện hoặc hỗ trợ. Các tổ chức công đoàn cũng có thể sử dụng khả năng thương lượng của mình để đảm bảo người sử dụng lao động cung cấp các chương trình giáo dục tài chính trực tiếp cho người lao động. Mặt khác, với tư cách là một cơ quan trung lập, các tổ chức công đoàn có thể hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau từ các cơ quan quản lý đến các tổ chức cung ứng dịch vụ (bao gồm cả tổ chức cung ứng dịch vụ giáo dục, tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính) để hỗ trợ và triển khai các sáng kiến, chương trình giáo dục tài chính. Nhờ đó, các tổ chức công đoàn có cơ hội tham gia vào việc định hình và thiết kế các chương trình giáo dục tài chính để đảm bảo các chương trình này phù hợp với nhu cầu, điều kiện của các thành viên.
Thứ hai, bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Các tổ chức công đoàn có thể thực hiện vai trò bảo vệ người tiêu dùng tài chính ở cả ba cấp. Ở cấp độ khách hàng hoặc đoàn viên công đoàn, tổ chức công đoàn có thể cung cấp hoặc tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận các chương trình giáo dục tài chính. Ở cấp độ ngành, các tổ chức công đoàn có thể vận động chính sách để có một quy tắc ứng xử trong ngành chung cho các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, cũng như có một kênh khiếu nại đối với các vấn đề liên quan đến dịch vụ tài chính dành riêng cho các đoàn viên công đoàn, người lao động. Ở cấp Chính phủ hoặc cơ quan quản lý, các tổ chức công đoàn có thể tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi các quy định về bảo vệ người tiêu dùng tài chính và ứng xử thị trường.
Thứ ba, cầu nối giữa đoàn viên, người lao động và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính
Hầu hết các tổ chức công đoàn ký kết các quy chế phối hợp, hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính để các tổ chức này cung cấp những tiện ích về dịch vụ tài chính cho đoàn viên, người lao động và cho cả tổ chức công đoàn. Ngoài xu hướng tổ chức công đoàn làm cầu nối giữa đoàn viên, người lao động và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, nhiều tổ chức công đoàn đang lấp đầy khoảng trống trên thị trường tài chính vì lợi ích của các thành viên, tổ chức công đoàn và cộng đồng. Bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp, tổ chức công đoàn có thể củng cố lòng trung thành giữa các thành viên, thu hút thành viên mới, cải thiện khả năng tiếp cận với người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức và có khả năng tăng doanh thu của mình.
Thứ tư, tham gia trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính
Các tổ chức công đoàn không chỉ đại diện cho người lao động trong các doanh nghiệp cụ thể, mà còn đại diện cho nhiều người khác trong các tổ chức tương tự, có liên quan. Điều này cho họ một cái nhìn bao quát về nhiều vấn đề tại nơi làm việc và kiến thức ngành có thể rất hữu ích cho các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách. Thông tin và ý kiến được cung cấp bởi các tổ chức công đoàn trên cơ sở ý kiến đóng góp từ người lao động trong tổ chức sẽ giúp các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn cảnh hơn để đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn có thể sử dụng sức mạnh thương lượng của mình để vận động cho các chính sách tài chính toàn diện nhằm cải thiện phúc lợi không chỉ cho thành viên của tổ chức mình mà cho cả người dân nói chung.
Thông thường, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tổ chức công đoàn thực hiện theo quy trình sau: (i) Thẩm định (Due Dilligen): Thực hiện nghiên cứu/khảo sát các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính khác nhau để đảm bảo các quyết định đưa ra có căn cứ; (ii) Lựa chọn (Selection): Lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp; (iiii) Đàm phán (Negotiation): Trong quá trình thương lượng, tổ chức công đoàn đảm bảo rằng những sản phẩm được cung cấp mang lại giá trị tốt nhất và các thành viên tổ chức mình được cung cấp thông tin đầy đủ - có thể thông qua các chương trình giáo dục tài chính. Trong giai đoạn này, các sản phẩm được điều chỉnh cho phù hợp với thông tin tổ chức công đoàn cung cấp và/hoặc nhu cầu của tổ chức công đoàn; (iv) Tiếp nhận/mua sản phẩm (Product take-up/purchase): Cung cấp nhiều kênh thông tin về sản phẩm, dịch vụ cũng như các kênh khiếu nại tới các thành viên để họ cân nhắc khi ra quyết định sử dụng sản phẩm, dịch vụ; (v) Hậu mãi (Afer sales): Đảm bảo các thành viên tổ chức công đoàn nhận biết được các kênh khiếu nại. Đồng thời, tổ chức công đoàn thực hiện vai trò hỗ trợ trong quá trình khiếu nại của thành viên nếu được yêu cầu.
Kinh nghiệm thúc đẩy tài chính toàn diện của các tổ chức công đoàn tại Nam Phi
Phong trào hoạt động công đoàn tại Nam Phi bắt đầu từ những năm 1970 khi các tổ chức công đoàn của những công nhân da đen được cho là bất hợp pháp dưới chế độ A-pac-thai (apartheid regime). Các tổ chức này được hình thành nhằm thúc đẩy quyền lợi của công nhân, là một phần trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa A-pac-thai tại Nam Phi. Các tổ chức công đoàn này không chỉ vận động giai cấp vô sản da đen theo đuổi bình đẳng, mà còn mở rộng ra đối với cộng đồng người da đen. Trong số những người có việc làm, phần lớn trong số họ là thành viên của 4 liên đoàn lao động lớn: COSATU1, NACTU2, FEDUSA3 và CONSAWU4. Bốn liên đoàn lao động này có ảnh hưởng lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và chính trị của Nam Phi. Ngoài ra, còn có các liên đoàn lao động độc lập, là những liên đoàn lao động không trực thuộc bất kỳ liên đoàn công đoàn lớn nào và đại diện cho khoảng 8% tổng số người tham gia tổ chức công đoàn tại Nam Phi.
Người dân Nam Phi được cho là có mức độ hiểu biết về tài chính thấp và “sự tham gia về tài chính thường thiếu chiều sâu do thiếu hụt kiến thức tài chính. Các tổ chức công đoàn tại Nam Phi đã cải thiện khá hiệu quả khả năng tài chính của đoàn viên công đoàn thông qua việc tạo điều kiện cho họ tiếp cận với giáo dục tài chính. Giáo dục tài chính sẽ hỗ trợ các đoàn viên công đoàn có được những kiến thức cần thiết, giúp họ sử dụng các dịch vụ tài chính phù hợp với điều kiện của mình, giảm thiểu việc lựa chọn sử dụng các sản phẩm tài chính không mang lại giá trị tốt nhất cho họ. Tất cả các tổ chức công đoàn tại Nam Phi đều tạo điều kiện cho các thành viên của mình được tiếp cận với một vài hình thức giáo dục tài chính được cung cấp bởi các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính. Các hình thức giáo dục này thường được thiết kế gắn với sản phẩm, dịch vụ tài chính cụ thể mà tổ chức cung ứng đó đem đến cho thành viên tổ chức công đoàn (như một hình thức marketing sản phẩm, dịch vụ).
Để bảo vệ thành viên tổ chức mình, qua đó góp phần tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính, các tổ chức công đoàn tại Nam Phi đều thực thi các khâu từ khâu thẩm định các đối tác cung ứng dịch vụ tài chính tiềm năng và các sản phẩm, dịch vụ họ cung cấp đến bước hỗ trợ việc khiếu nại sau khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các đoàn viên công đoàn trong quá trình tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, không có tổ chức công đoàn nào phát triển một kênh/bộ phận/quy trình khiếu nại riêng cho các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Khi thành viên có khiếu nại hoặc thắc mắc, họ sẽ liên hệ với chi nhánh gần nhất hoặc bất kỳ một đại diện của tổ chức công đoàn nào trong phạm vi công việc của mình. Các đại diện tổ chức công đoàn sẽ tiếp nhận thông tin và thay mặt thành viên liên lạc, trao đổi với tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính.
Các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tại Nam Phi hợp tác với các tổ chức công đoàn và sử dụng các tổ chức này là một kênh để phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mình.
Các công đoàn tại Nam Phi đã có những đóng góp đáng kể trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Nam Phi thông qua việc tham gia trong quá trình xây dựng và triển khai các kế hoạch, luật, giải pháp. Việc có các chính sách công đoàn cụ thể và các đơn vị nghiên cứu trực thuộc đã giúp các tổ chức công đoàn tại Nam Phi đưa ra những ý kiến đóng góp đáng tin cậy vào quá trình phát triển chính sách tại quốc gia này. Ba lĩnh vực tác động chính mà các tổ chức công đoàn Nam Phi đã đạt được trong thúc đẩy tài chính toàn diện là: (i) Là thành viên Hội đồng Lao động và Phát triển Kinh tế quốc gia và tham gia vào quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển quốc gia; (ii) Tham gia xây dựng Điều lệ khu vực tài chính và (iii) Tham gia vào việc triển khai thực hiện Đạo luật Tín dụng quốc gia nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi tín dụng vô đạo đức trên thị trường.
Các mô hình tổ chức công đoàn cung ứng dịch vụ tài chính cho thành viên
Các nhà lãnh đạo tổ chức công đoàn nhận thấy rằng, các thành viên của tổ chức mình khó thực hiện đầy đủ các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, phù hợp với nhu cầu của họ. Các nhà lãnh đạo tổ chức công đoàn cũng tin tưởng rằng, tổ chức công đoàn có thể đóng một vai trò hiệu quả hơn trong thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua việc cung ứng các dịch vụ tài chính cho công đoàn viên. Những lý do thúc đẩy các tổ chức công đoàn cung ứng dịch vụ tài chính cho công đoàn viên rất đa dạng và theo hoàn cảnh cụ thể, trong đó, hai động lực chính là cải thiện phúc lợi của người lao động và hoàn thành nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn.
Thông thường, các dịch vụ tài chính được tổ chức công đoàn cung ứng bao gồm: Tiết kiệm và đầu tư, cho vay, các dịch vụ thanh toán, bảo hiểm.
Có ba loại hình tổ chức chủ yếu mà các tổ chức công đoàn thường lựa chọn khi quyết định việc cung ứng dịch vụ tài chính là mô hình đối tác - đại lý, mô hình hợp tác hoặc tương hỗ và mô hình tổ chức công đoàn tự gánh vác rủi ro. Tổ chức công đoàn sẽ lựa chọn mô hình phù hợp tùy thuộc vào năng lực, hoàn cảnh, các nguồn lực cũng như quy định của pháp luật.
(i) Trong mô hình đối tác - đại lý, tổ chức công đoàn đóng vai trò là một trung gian hoặc đại lý và ký kết hợp đồng với một tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính để cung ứng dịch vụ tài chính cho thành viên.
(ii) Trong mô hình hợp tác hoặc tương hỗ, tổ chức công đoàn hình thành một tổ chức tài chính hợp tác do các thành viên sở hữu và quản lý. Họ cũng đồng thời là những người sử dụng dịch vụ của tổ chức này.
(iii) Trong mô hình tổ chức công đoàn tự gánh vác rủi ro, tổ chức công đoàn lựa chọn phục vụ như là một tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính hoặc sở hữu một tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính. Để thực hiện mô hình này, tổ chức công đoàn phải đăng ký tổ chức đó là tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính. Sở hữu một tổ chức tài chính là một vai trò sử dụng nhiều nguồn lực mà đòi hỏi nguồn vốn lớn, nguồn nhân lực tài năng, kinh nghiệm, chuyên nghiệp và nỗ lực tuân thủ quy định đáng kể.
Việc cung ứng dịch vụ tài chính của tổ chức công đoàn mang đến những lợi ích cho cả tổ chức công đoàn và thành viên của họ như: Hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, trao quyền cho người lao động và bảo vệ phúc lợi kinh tế và xã hội của họ; gia tăng thành viên; xây dựng mối quan hệ công đoàn - đoàn viên lâu dài và bền chặt hơn nhờ tăng cường tiếp xúc với các thành viên; được tiếp cận các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, phù hợp với nhu cầu hơn… Đồng thời, việc cung ứng dịch vụ tài chính cho thành viên cũng đem lại những thách thức cho tổ chức công đoàn (chẳng hạn, thiếu chuyên môn và nguồn nhân lực; thiếu nguồn lực tài chính để thiết lập và duy trì các hoạt động tài chính, đặc biệt là do các vấn đề về khoản vay quá hạn; nhận sự hỗ trợ của người lao động trong việc thiết lập hoạt động cung ứng dịch vụ tài chính và trong sử dụng các dịch vụ tài chính do tổ chức công đoàn cung ứng…).
Tổ chức công đoàn có những thuận lợi để thúc đẩy tài chính toàn diện nhưng đồng thời cũng đối mặt với không ít thách thức. Khắc phục thách thức và khai thác tốt những thuận lợi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tiếp cận tài chính cho thành viên của tổ chức công đoàn.
Về thuận lợi
Tổ chức công đoàn được xem là một nhân tố thúc đẩy tài chính toàn diện cho các thành viên của mình bởi một số thuận lợi sau:
Thứ nhất, các tổ chức công đoàn có một vị thế tốt để tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận các dịch vụ tài chính phù hợp, qua đó, đóng góp vào việc cải thiện phúc lợi chung của các thành viên.
Thứ hai, cơ sở thành viên mang lại cho tổ chức công đoàn sức mạnh thương lượng mà họ có thể tận dụng để tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận các dịch vụ tài chính với các mức ưu đãi tốt hơn so với các dịch vụ mà thành viên tự tìm kiếm.
Thứ ba, cơ sở dữ liệu thành viên của tổ chức công đoàn là nguồn đầu vào hữu ích cho các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính trong việc thiết kế và định giá các sản phẩm sát với tệp hồ sơ5 của các thành viên tổ chức công đoàn.
Thứ tư, tổ chức công đoàn thường có tỷ lệ lớn các thành viên có thu nhập thấp trong cơ sở thành viên, là những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức. Tổ chức công đoàn có thể sử dụng sự ảnh hưởng và sức mạnh thương lượng để vận động Chính phủ đưa ra chính sách, quy định về kinh tế và tài chính toàn diện nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho cả các thành viên tổ chức công đoàn và người dân.
Thứ năm, dấu ấn của tổ chức công đoàn thường rộng khắp và như vậy cũng giúp các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính mở rộng phạm vi tiếp cận của họ tới các thành viên tổ chức công đoàn.
Thứ sáu, các thành viên dường như đặt niềm tin lớn vào tổ chức công đoàn. Chính vì vậy, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính có thể tận dụng việc này để khắc phục sự thiếu tin tưởng vào các dịch vụ tài chính của thành viên tổ chức công đoàn thông qua việc phối kết hợp với tổ chức công đoàn đồng tổ chức các hoạt động tuyên truyền về sản phẩm, dịch vụ hay các vấn đề liên quan khác.
Về rủi ro, thách thức
Thứ nhất, các nhân viên của tổ chức công đoàn, thậm chí cả những người ở vị trí lãnh đạo thường không được đào tạo về lĩnh vực tài chính. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn và thương lượng các điều khoản thỏa thuận tốt nhất cho thành viên của mình
Thứ hai, rủi ro từ phản ứng dữ dội của thành viên là rất lớn nếu các sản phẩm, dịch vụ được cung ứng không đúng như thỏa thuận của tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính hoặc được cung ứng với giá trị kém.
Thứ ba, các tổ chức công đoàn tuy có thông tin hồ sơ của các thành viên nhưng thường khó tổ chức thực hiện các khảo sát/nghiên cứu về nhu cầu đối với các dịch vụ tài chính của các thành viên, trong khi các khảo sát/nghiên cứu như vậy sẽ hỗ trợ tổ chức công đoàn trong việc tạo điều kiện tiếp cận/cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp cho thành viên của họ.
Thứ tư, mức độ hiểu biết tài chính của thành viên tổ chức công đoàn thường thấp. Điều này là một cản trở lớn đến tiếp cận dịch vụ tài chính của các thành viên, đòi hỏi tổ chức công đoàn, phải có những nghiên cứu, thỏa thuận với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính để thiết kế, xây dựng và tổ chức các buổi/khóa giáo dục tài chính phù hợp cho thành viên tổ chức mình.
Như vậy, từ thực tiễn thúc đẩy tài chính toàn diện của các tổ chức công đoàn tại một số quốc gia, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, việc tạo điều kiện cho các thành viên tiếp cận các dịch vụ tài chính dưới hình thức này hay hình thức khác là truyền thống và một xu thế tất yếu trong hoạt động của tổ chức công đoàn nhằm đẩy mạnh và tăng cường phúc lợi kinh tế và xã hội của công nhân, người lao động.
Hai là, cách thức thực hiện việc thúc đẩy tiếp cận tài chính là khác nhau giữa các tổ chức công đoàn, giữa các quốc gia. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, tiềm lực tài chính, đặc điểm của đoàn viên, người lao động, mỗi tổ chức công đoàn có thể lựa chọn cách tiếp cận và xây dựng các định hướng chính sách riêng. Tuy nhiên, dù tiến hành theo cách nào thì vẫn cần bám sát điều lệ tổ chức công đoàn, lấy đoàn viên làm trọng tâm và hướng tới các mục tiêu bảo đảm an toàn và gia tăng phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, cùng hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ba là, để gia tăng lợi ích, giảm bớt khó khăn, thách thức trong việc thúc đẩy tiếp cận tài chính cho thành viên, tổ chức công đoàn cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, dài hạn với các giải pháp, hoạt động cụ thể.
Bốn là, nhân sự đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức công đoàn thúc đẩy tiếp cận tài chính cho đoàn viên tổ chức mình. Theo đó, cần có một đội ngũ cán bộ công đoàn có kiến thức, kỹ năng tài chính để thẩm định, kiểm tra, đàm phán, lựa chọn các dịch vụ tài chính phù hợp cho thành viên tổ chức mình; qua đó, thuyết phục thành viên tin, sử dụng các dịch vụ tài chính do tổ chức công đoàn phối hợp hoặc trực tiếp cung ứng. Đồng thời, với một đội ngũ cán bộ công đoàn có kiến thức, kỹ năng tài chính, chất lượng tư vấn, vận động chính sách liên quan đến cung ứng dịch vụ tài chính cho đoàn viên công đoàn của tổ chức công đoàn sẽ được nâng cao.
2. Một số gợi ý cho Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trong thúc đẩy tài chính toàn diện
Với đặc điểm là tổ chức công đoàn của đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng Việt Nam, cách thức Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thúc đẩy tài chính toàn diện sẽ không giống các tổ chức công đoàn khác. Ngoài vai trò là cầu nối giữa đoàn viên, người lao động và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thúc đẩy tài chính toàn diện chủ yếu thông qua việc tuyên truyền, giáo dục về ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, người lao động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ chuyên môn để đưa ra được những cơ chế, chính sách, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện (người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh), phục vụ khách hàng một cách chu đáo, tận tâm. Vì vậy, để triển khai có hiệu quả việc thúc đẩy tài chính toàn diện, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cần chú ý những điểm sau:
Thứ nhất, cần xây dựng kế hoạch tổng thể về triển khai thúc đẩy tài chính toàn diện trong hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam
Việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổng thể về triển khai thúc đẩy tài chính toàn diện trong hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam là rất cần thiết. Đồng thời, cũng cần chỉ định một nhân sự cấp cao của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam làm tổng chỉ huy kế hoạch này. Kế hoạch này phải được xây dựng trên cơ sở:
(i) Nghiên cứu kỹ lưỡng các nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các nhiệm vụ của các đơn vị trong ngành Ngân hàng tại Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; (ii) Nghiên cứu, phân loại đối tượng đoàn viên, người lao động thuộc Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; (iii) Rà soát các nguồn lực: tài chính, nhân lực… của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam. Theo đó, kế hoạch này nên gồm các nội dung về: Chương trình, nội dung tuyên truyền về tài chính toàn diện, cách thức triển khai…
Đồng thời, kế hoạch này nên được đưa vào Chương trình hoạt động của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 để có định hướng chỉ đạo các cấp công đoàn trong hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thực hiện.
Thứ hai, chú trọng xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền gắn với các nội dung liên quan đến tài chính toàn diện
Bên cạnh tuyên truyền thông tin về hoạt động công đoàn đến đoàn viên, người lao động, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cũng nên chú trọng xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền gắn với các nội dung liên quan đến tài chính toàn diện. Theo đó, chú trọng tuyên truyền trên website và fanpage Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; chỉ đạo các cấp công đoàn trong Ngành phối hợp với chuyên môn tuyên truyền trên mạng nội bộ, website của đơn vị và phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền thông về những đóng góp của công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng trong thúc đẩy tài chính toàn diện. Các nội dung tuyên truyền nên gắn với nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện nói riêng và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam nói chung, qua đó giúp đoàn viên, người lao động tiếp cận trực tiếp và nhanh chóng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng; góp phần động viên, cổ vũ tinh thần đoàn viên, người lao động trong Ngành khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ngày càng được tiếp cận và sử dụng thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, góp phần gia tăng mức độ tài chính toàn diện của Việt Nam, để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ ba, lồng ghép các nội dung liên quan đến tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của tài chính toàn diện vào các cuộc thi do Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nên tiếp tục và đẩy mạnh việc tổ chức các cuộc thi như: Cuộc thi “Nét đẹp văn hóa ngành Ngân hàng”, các cuộc thi trực tuyến trên website Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, cuộc thi ảnh… Trong đó, chú trọng lồng ghép các nội dung về vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện, các chuẩn mực văn hóa, đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ ngân hàng, trách nhiệm của người cán bộ ngân hàng trong thúc đẩy tài chính toàn diện vào các cuộc thi. Các cuộc thi như vậy sẽ tạo sân chơi bổ ích, thiết thực để đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng cả nước có cơ hội tham gia, qua đó, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của từng đoàn viên, người lao động, đồng thời, góp phần đưa các chuẩn mực văn hóa, đạo đức nghề nghiệp vào thực tiễn, xây dựng hình ảnh người cán bộ ngân hàng tự tin, thanh lịch, đạo đức, văn minh và chuyên nghiệp, thu được những đề xuất, kiến nghị nhằm xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị, ngành Ngân hàng trong giai đoạn mới.
Thứ tư, chú trọng phối hợp với chuyên môn nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động để họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nên tích cực phối hợp với chuyên môn nghiên cứu, tổ chức chương trình, hoạt động thiết thực, hiệu quả để nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động như ký kết các thỏa thuận cung cấp các gói sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng ưu đãi cho đoàn viên, người lao động trong ngành Ngân hàng; xây dựng các phương án tiền lương, phương án việc làm phù hợp. Khi được sử dụng các gói sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng nhiều ưu đãi, mức độ tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính của đoàn viên, người lao động thuộc Công đoàn Ngân hàng Việt Nam sẽ gia tăng. Đồng thời, với lợi ích việc làm, tiền lương được đảm bảo, đoàn viên, người lao động sẽ yên tâm công tác, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong thúc đẩy tài chính toàn diện.
Thứ năm, phát động và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua để động viên người lao động vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng hằng năm, trong đó có nhiệm vụ liên quan đến thúc đẩy tài chính toàn diện
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cũng cần nghiên cứu, triển khai sáng tạo các phong trào thi đua đến các cấp công đoàn nhằm tuyên truyền, vận động, cổ vũ công nhân viên chức lao động phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ Ngân hàng để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng hàng năm. Theo đó, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến tập trung vào nghiên cứu nghiệp vụ và xây dựng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm để đưa vào áp dụng trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, góp phần tiết kiệm chi phí, cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất lao động, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thứ sáu, chú trọng hoàn thiện, củng cố bộ máy làm công tác công đoàn, đặc biệt là bộ máy làm công tác công đoàn các cấp trong hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng
Con người là một nhân tố quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, hoạt động mà Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đề ra. Vì vậy, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cần chú trọng công tác bồi dưỡng không chỉ nghiệp vụ công đoàn mà còn các kiến thức, kỹ năng, nhất là các kiến thức, kỹ năng tài chính để các cán bộ làm công tác công đoàn tự tin hơn trong việc tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động đơn vị mình về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ chính trị của Ngành; các Nghị quyết, các sự kiện của tổ chức Công đoàn, trong đó có các nội dung về thúc đẩy tài chính toàn diện.
1 COSATU được thành lập năm 1985 và có 19 công đoàn trực thuộc. Các mục tiêu chiến lược chính của COSATU bao gồm cải thiện điều kiện vật chất cho các thành viên của mình nói riêng và quốc gia nói chung.
2 NACTU (National Council of Trade Unions - Hội đồng công đoàn quốc gia) được thành lập năm 1986 và có 19 công đoàn trực thuộc.
3 FEDUSA (Federation of Unions of South Africa - Liên đoàn các Công đoàn Nam Phi) được thành lập năm 1997 và có 19 công đoàn trực thuộc.
4 CONSAWU (Confederation of South African Workers' Unions - Liên đoàn các công đoàn công nhân Nam Phi) được thành lập vào cuối năm 2001 và có 17 công đoàn trực thuộc.
5 Tệp hồ sơ là một tài liệu liệt kê những điểm khó khăn, sở thích, đặc điểm nhân khẩu học… của đoàn viên, người lao động của một tổ chức công đoàn.
Tài liệu tham khảo:
1. ILO. 2007. The Role of Trade Unions in Workers’ Education: The Key to Trade Union Capacity Building. Background paper. International Workers’ Symposium Geneva, 8-12 October 2007.
2. A Global Partnership for the Financial Inclusion of Workers, Meeting at ILO Geneva, 12 - 13 March 2020, https://www.ilo.org/actrav/events/WCMS_736020/lang-en/index.htm.
3. Doubell Chamberlain, Sandisiwe Ncube, Nokwanda Mahori, Mia Thom. 2014. Labour Union and Financial Inclusion in South Africa: How Labour Unions Facilitate the Provision of Financial Services for Their Members. Working Paper No. 61.
4. Diana Angulo Florez, Patricia Matzdorf, Zahid Qureshi. 2016. Labour Unions and the Promotion of Inclusive Finance for Workers. Working Paper No. 73.
ThS. Nguyễn Thị Mai Phượng
Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN