Key words: Digital banking development, policy, framework.
1. Quan điểm về ngân hàng số và phát triển ngân hàng số
Chris (2014) xác định ngân hàng số là mô hình hoạt động của ngân hàng mà trong đó các hoạt động chủ yếu dựa vào các nền tảng với dữ liệu điện tử và công nghệ số là giá trị cốt lõi. Sharma (2016) tiếp cận khái niệm ngân hàng số là ngân hàng ứng dụng nền tảng công nghệ mới nhất đối với tất cả các chức năng và dịch vụ, ở mọi cấp độ trong hoạt động của ngân hàng. IBM (2015) xác định một ngân hàng số thực sự được xây dựng dựa trên giá trị mà hầu hết các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bằng kỹ thuật số với cơ sở hạ tầng được tối ưu hóa cho các tương tác kỹ thuật số trong thời gian thực và văn hóa của ngân hàng chấp nhận sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật số. CGAP (2021) định nghĩa ngân hàng số là tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính có giấy phép ngân hàng, áp dụng các công nghệ mới trong tất cả các hoạt động của mình thông qua kênh cung cấp chủ yếu là kỹ thuật số. Như vậy, các định nghĩa đều đồng nhất ngân hàng số được hiểu là ngân hàng hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số ở tất cả các cấp độ, với các sản phẩm dịch vụ được cung cấp bằng kỹ thuật số.
Theo McKinsey (2021), ngân hàng số có các đặc điểm như: (i) Giao diện người dùng và hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số (ít hoặc không phụ thuộc vào tài liệu giấy, giao dịch vật lý như chi nhánh, ATM, đại lý bán hàng hoặc xử lý thủ công), cung cấp trải nghiệm và giao diện người dùng chất lượng cao; (ii) Hoạt động hỗ trợ kinh doanh cốt lõi dựa trên kỹ thuật số, có các dịch vụ lõi nhỏ có thể định hình lại với các API cho phép cung cấp và đổi mới nhanh chóng; (iii) Thiết lập và điều hành như một công ty công nghệ: Mô hình hoạt động theo chiều ngang, giảm thiểu phân cấp, trao quyền cho nhân viên ở cấp độ cao, văn hóa kiểm tra và học hỏi cho phép phát triển các hệ thống, sản phẩm và kênh phân phối liên tục.
Dựa trên nguyên tắc và mục tiêu hoạt động của ngân hàng số, IBM (2015) phân loại ngân hàng số được phát triển theo 04 hình thức, bao gồm: (i) Xây dựng thương hiệu ngân hàng số mới trên nền tảng cơ sở hạ tầng hiện có của ngân hàng mẹ để tiếp cận nhóm khách hàng trẻ; (ii) Phát triển kênh phân phối ngân hàng số tập trung vào cung cấp các ứng dụng trực tuyến và di động mới tăng trải nghiệm người dùng được cung cấp bởi các tổ chức công nghệ, ngân hàng; (iii) Thành lập ngân hàng số mới hoạt động theo hình thức ngân hàng con độc lập với ngân hàng mẹ sở hữu mô hình hoạt động linh hoạt nhằm đáp ứng khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ tập trung vào giá trị khách hàng (phổ biến trong trường hợp ngân hàng mẹ có hệ thống kế thừa quy mô lớn khó chuyển đổi thành ngân hàng số); (iv) Thành lập ngân hàng gốc kỹ thuật số tạo lập toàn bộ giá trị ngân hàng trên nền tảng cốt lõi công nghệ số, có thể có hoặc không có chi nhánh, khách hàng sẽ tương tác với ngân hàng thông qua các kênh kỹ thuật số.
Theo phân tích dựa trên 04 trụ cột: Bảng cân đối kế toán, sản phẩm, quan hệ khách hàng, kênh phân phối, CGAP (2020) đưa ra 03 mô hình kinh doanh của ngân hàng số được mô tả chi tiết trong Biểu đồ 1. Trong đó, mô hình ngân hàng số hoàn toàn có thể xuất phát từ các hình thức phát triển ngân hàng gốc kỹ thuật số (NuBank, N26, Monzo) hoặc xây dựng thương hiệu ngân hàng số mới (Marcus của Goldman Sachs, Buddy Bank của UniCredit) hoặc phát triển kênh phân phối ngân hàng số của ngân hàng truyền thống (BBVA Compass, DBS); mô hình ngân hàng thị trường thuộc về các ngân hàng gốc kỹ thuật số (Starling Bank, WeBank); mô hình ngân hàng theo hình thức dịch vụ xuất phát từ các hình thức phát triển kênh phân phối ngân hàng số của ngân hàng truyền thống (BBVA) hoặc ngân hàng gốc kỹ thuật số được xây dựng bởi công nghệ tài chính - Fintech (Fidor Bank, Solaris Bank, Green Dot Bank).
Việc phát triển ngân hàng số mang lại nhiều lợi ích không chỉ với ngân hàng, khách hàng mà cả nền kinh tế.
Đối với ngân hàng, ngân hàng số giúp tăng hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Theo McKinsey (2014), ngân hàng có thể tăng tỷ suất EBITDA lên tới 40% bằng cách phát triển theo mô hình ngân hàng số. Ngân hàng số hỗ trợ ngân hàng tiếp cận cơ sở khách hàng rộng hơn, tăng tương tác với khách hàng, hiểu sâu hơn về đặc điểm và hành vi tiêu dùng của khách hàng để mang lại trải nghiệm tốt nhất. Các chức năng hoạt động linh hoạt của ngân hàng số cũng giúp ngân hàng dễ dàng thích ứng trong điều kiện thị trường biến động. Trong 02 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho thấy, giao dịch hình thức kỹ thuật số là biện pháp hiệu quả, đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn không bị gián đoạn. Quan trọng nhất, phát triển ngân hàng số giúp ngân hàng có thể duy trì được vị thế trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và sự tham gia của Fintech, công nghệ lớn (Big Tech) khiến sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính ngày
càng lớn.
Đối với khách hàng, ngân hàng số giúp đa dạng hóa sự lựa chọn, dễ dàng tiếp cận, chi phí rẻ. Ngân hàng số giúp giảm thiểu các rào cản tương tác giữa khách hàng và ngân hàng như khoảng cách địa lý, quy trình thủ tục, giấy tờ… khi khách hàng có thể truy cập 24/7 qua thiết bị số tất cả mọi dịch vụ ngân hàng. Nhờ khả năng tiếp cận dễ dàng, khách hàng cũng có thể dễ dàng lựa chọn và thay đổi tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của cá nhân với chi phí hợp lý nhất. Ngân hàng số cũng giúp khách hàng có những trải nghiệm sử dụng dịch vụ tốt hơn, các sản phẩm dịch vụ được cá nhân hóa mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng.
Đối với nền kinh tế, ngân hàng số giúp thúc đẩy kinh tế số. Ngân hàng số giúp khách hàng dễ dàng chuyển đổi trạng thái giữa tiền mặt và tiền điện tử thông qua hệ thống từ ATM đến đại lý ngân hàng, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... Nhờ đó làm giảm lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, thúc đẩy tài chính toàn diện, tạo sự kết nối giữa các tổ chức tài chính, tạo điều kiện cho các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và các hoạt động kinh tế số khác có cơ sở để phát triển. Ngân hàng số cũng giúp tăng cường kết nối giữa quốc gia và thế giới.
2. Kinh nghiệm phát triển ngân hàng số tại một số quốc gia khu vực châu Á
2.1. Chiến lược phát triển ngân hàng số quốc gia
Chiến lược phát triển ngân hàng số tại các quốc gia hầu như không được thể hiện trong một chiến lược riêng biệt, mà được thể hiện lồng ghép trong các chương trình phát triển tài chính số, kinh tế số (Trung Quốc, Indonesia) hoặc quốc gia thông minh (Singapore). Các quốc gia như Úc, Singapore, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan có xu hướng thiết lập chính sách linh hoạt, tạo lập môi trường thân thiện cho phát triển dịch vụ Fintech, sáng tạo công nghệ dựa trên quan điểm coi đổi mới công nghệ là động lực chính tăng hiệu quả của hệ thống tài chính và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. (Bảng 1)
Bảng 1: Chiến lược phát triển ngân hàng số ở một số quốc gia
2.2. Quy định cấp phép ngân hàng số
CGAP (2021) xác định 03 cách tiếp cận về quy định đối với ngân hàng số trên toàn cầu: (1) Giấy phép đặc biệt riêng cho các ngân hàng số song song với ngân hàng truyền thống; (2) Cấp phép theo giai đoạn cho các ngân hàng số (hoặc cho tất cả các ngân hàng), theo đó, các ngân hàng số mới trải qua giai đoạn hoạt động bị hạn chế trước khi trở thành ngân hàng được cấp phép đầy đủ; (3) Không cấp phép riêng và không cấp phép theo từng giai đoạn cho các ngân hàng số.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đang áp dụng theo cách tiếp cận thứ ba, không cấp phép riêng và không cấp phép theo từng giai đoạn cho các ngân hàng số, ví dụ như tại Brazil (Banco Inter, Banco Dico, Banco Original, B3), Đức (DKB, ING Bank, N26, Norisbank, Comdirect), Nam Phi (Discovery Bank, Tyme Bank). Cách tiếp cận này dựa trên quan điểm tạo ra giấy phép riêng cho ngân hàng số là thật sự không cần thiết bởi rủi ro tiềm ẩn của các ngân hàng số không khác biệt với các ngân hàng truyền thống khi sản phẩm và dịch vụ cung cấp tương tự nhau, chế độ giấy phép riêng cũng sẽ tạo phân biệt đối xử và có thể dẫn đến kinh doanh chênh lệch giá. Cách tiếp cận thứ hai cấp phép theo từng giai đoạn có thể phù hợp áp dụng với Fintech, ngân hàng truyền thống, ngân hàng gốc kỹ thuật số và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính khác nhằm khuyến khích sự tham gia của các thành phần vào lĩnh vực tài chính. Cách tiếp cận thứ nhất và thứ hai có thể được kết hợp để áp dụng đối với các ngân hàng gốc kỹ thuật số, đây là các cách tiếp cận phổ biến tại các quốc gia khu vực châu Á có thị trường ngân hàng số phát triển nhanh nhất. Mặc dù vậy, theo thống kê, các ngân hàng số thành công nhất không hoàn toàn thuộc các quốc gia có chế độ cấp phép riêng cho ngân hàng số. (Bảng 2)
Bảng 2: Quy định cấp phép ngân hàng ở một số quốc gia
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Nghiên cứu các quy định cấp phép ngân hàng số của các quốc gia trên thế giới cho thấy, yêu cầu vốn đối với ngân hàng số không nhất thiết phải thấp hơn so với ngân hàng truyền thống, hầu hết yêu cầu không có chi nhánh ngân hàng vật lý và phải có ít nhất một địa điểm kinh doanh tại địa phương. Giấy phép ngân hàng số riêng có thể mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho những người tham gia mới khi việc cấp phép ngân hàng truyền thống bị hạn chế. Ngược lại, tại các quốc gia mà việc cấp phép đối với ngân hàng truyền thống sẵn có, những công ty công nghệ thường mua lại các ngân hàng truyền thống nhỏ và chuyển đổi thành ngân hàng số hoặc đơn giản là thêm các sản phẩm cho vay, thanh toán vào hệ sinh thái của các ngân hàng này. Ví dụ, chi nhánh thương mại điện tử Shopee của Sea Group mua lại ngân hàng cho vay tại địa phương Bank Kesejahteraan Ekonomi với mục tiêu chuyển đổi thành ngân hàng số hoàn toàn.
2.3. Chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin hỗ trợ phát triển
Các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc tích cực thực hiện các giải pháp chính sách để xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin hỗ trợ cho sự phát triển của tài chính số bao gồm: Cơ sở dữ liệu trung tâm, dữ liệu công dân quốc gia bằng điện tử, tạo nền tảng cho triển khai xác thực định danh khách hàng điện tử (e-KYC). Trong đó, theo nghiên cứu thực tế triển khai tại các quốc gia, việc thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu cá nhân và hệ thống thanh toán trực tuyến quốc gia là các yếu tố quan trọng để ngân hàng số có thể phát triển. (Bảng 3)
Bảng 3: Chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin hỗ trợ phát triển
tại một số quốc gia
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
2.4. Các chính sách hỗ trợ khác
Ngoài ra, các quốc gia có ngân hàng số phát triển còn thực hiện một loạt các chính sách hỗ trợ khác nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính và hướng dẫn các hoạt động liên quan nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng số. Trong đó, quy định về eKYC, khung thử nghiệm pháp lý đều được chú trọng triển khai sớm tại hầu hết các quốc gia có thị trường ngân hàng số phát triển. (Bảng 4)
Bảng 4: Các chính sách hỗ trợ phát triển ngân hàng số tại một số quốc gia
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
2.5. Kết quả phát triển ngân hàng số tại các quốc gia châu Á
Giống như các khu vực khác, ngân hàng số tại châu Á phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất cao và nhiều ngân hàng số mới được thành lập đã không đủ quy mô hoặc không tạo ra đủ lợi nhuận để duy trì hoạt động. Mặc dù vậy, ngân hàng số tại khu vực châu Á được đánh giá khá thành công với 02 hình thức phát triển điển
hình sau:
Đối với hình thức thành lập ngân hàng gốc kỹ thuật số mới: WeBank và XWBank (Trung Quốc), Kakao Bank (Hàn Quốc) đã tạo được lợi nhuận tích cực sau 02 năm hoạt động, 05 ngân hàng số của Trung Quốc đều có lãi vào năm 2019 (ROE của WeBank là 28% và XWBank là 30%, cao hơn mức trung bình 11% của ngân hàng truyền thống). WeBank, MYBank, XWBank hiện giải ngân 10 triệu khoản vay cá nhân/SME mỗi năm, mặc dù mỗi ngân hàng chỉ có 1.000 - 2.000 nhân viên, tỷ lệ nợ xấu duy trì quanh 1%.
Các ngân hàng số thành công ở khu vực châu Á thường hoạt động theo mô hình tập đoàn giúp mở rộng quy mô nhanh chóng và được sở hữu bởi một nhóm các tổ chức, ví dụ như: WeBank của Tencent, MyBank của Alibaba, Fusion Bank do Tencent & ICBC sở hữu, Standard Chartered Mox hỗ trợ bởi HKT, PCCW và CtripFinancial. Tuy nhiên, một số ít ngân hàng số thành công vẫn hoạt động như một thực thể độc lập như Rakuten Bank tại Nhật Bản, Ant SME tại Hồng Kông, One Connect và WeLab tại Singapore.
Các ngân hàng truyền thống thường là những cổ đông chính tại các ngân hàng gốc kỹ thuật số mới với mục tiêu nắm bắt các phân khúc khách hàng mới, cạnh tranh với các đối thủ tiềm năng; đồng thời tạo ra phương án dự phòng về công nghệ bù đắp cho cơ sở hạ tầng cũ. Ví dụ như: CITIC (Trung Quốc) sở hữu 70% AiBank, Standard Chartered sở hữu 65% Mox, BOC sở hữu 44% cổ phần tại LiviBank (Hồng Kông). Công ty phi tài chính, công ty viễn thông (sở hữu nguồn dữ liệu phong phú và cơ sở khách hàng lớn) cũng là những cổ đông quan trọng tại các ngân hàng gốc kỹ thuật số thành công khác như: Công ty đầu tư Korea Investment & Securities sở hữu cổ phần trong KakaoBank (Hàn Quốc), ChungHwa Mobile là cổ đông chính của Next Bank (Đài Loan), Singtel hợp tác với Grab để xin giấy phép ngân hàng Grab Singtel Bank (Singapore), Xiaomi có cổ phần tại XWBank (Trung Quốc) và AirStar (Hồng Kông)...
Đối với hình thức phát triển kênh phân phối ngân hàng số: Trong quá trình phát triển ngân hàng số, DBS (Singapore) được xem là ngân hàng số đầu tiên trên thế giới và là một trong những trường hợp chuyển đổi số thành công nhất từ trước đến nay. Từ một ngân hàng truyền thống, DBS đã trở thành công ty công nghệ vượt qua các ngân hàng khu vực, được nhiều chuyên gia đánh giá là ngân hàng số tốt nhất thế giới nhờ ứng dụng công nghệ thông minh, bảo mật được ưu tiên hàng đầu, sử dụng đơn giản qua các nền tảng công nghệ. Theo thông tin DBS cung cấp, phân khúc kỹ thuật số có tỷ lệ chi phí/thu nhập khoảng 34% thấp hơn 20% so với phân khúc truyền thống (54%). Ngân hàng UOB (Singapore) cũng là một trong những trường hợp phát triển ngân hàng số thành công dựa trên xây dựng mô hình tích hợp công nghệ tại chi nhánh cho phép khách hàng có thể sử dụng giao dịch tự động tại các quầy giao dịch của ngân hàng, hợp tác với bên thứ 3 cung cấp dịch vụ đặt chỗ trước, thanh toán tại các nhà hàng... giúp cung cấp tiện ích gia tăng cho khách hàng. Tại Thái Lan, Ngân hàng Siam và Krung Thai là 02 ngân hàng có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất. Trong đó, Siam Bank cho phép khách hàng tạo lệnh trước trên mobile và chỉ cần đến quầy giao dịch để scan mà không cần nhập lại thông tin, Krung Thai đang thực hiện chuyển đổi đồng loạt trên các hệ thống quản lý thẻ, tích hợp đa kênh, Mobile Banking, Internet Banking... nhằm đồng bộ trước khi chuyển sang hình thức hoạt động ngân hàng số.
3. Thực trạng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến tháng 12/2020, số tài khoản cá nhân đạt 105,6 triệu tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2019, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, khoảng 20 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ QR Code, 39 tổ chức không phải là ngân hàng thương mại được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tổng số lượng thẻ lưu hành đến cuối quý III/2021 đạt 121 triệu thẻ (100 triệu thẻ nội địa và 21 triệu thẻ quốc tế), 318.053 ATM/POS trên cả nước (20.058 ATM tổng giá trị giao dịch 513,6 tỷ đồng, khoảng 280 nghìn POS tổng giá trị giao dịch 139 tỷ đồng).
Đến cuối năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) kết nối với 300 đơn vị thành viên thuộc 101 thành viên tham gia hệ thống, bao gồm: Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), 64 đơn vị thành viên thuộc Kho bạc Nhà nước, 64 đơn vị thành viên là các đơn vị trực thuộc NHNN và 172 đơn vị thành viên thuộc 98 tổ chức tín dụng thành viên. Thống kê của NHNN cho thấy, trong năm 2020, năm 2021 giá trị giao dịch qua các kênh TTĐTLNH, Internet, điện thoại di động, QR Code, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đặc biệt số lượng giao dịch qua điện thoại di động tiếp tục tăng mạnh trong
3 tháng đầu năm 2021 có hơn 395 triệu giao dịch, tổng giá trị hơn 4,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 78% và 103% so với cùng kỳ năm 2020 (số liệu tăng trưởng cả năm 2020 là 114,2% và 118,4% so với năm 2019); giao dịch qua QR Code 3 tháng đầu năm 2021 đạt 5,3 triệu món trị giá 4.479 tỷ đồng, tăng đến 83% về số lượng và 146% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Các số liệu cho thấy, sự phát triển của các dịch vụ số đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian qua bởi tác động của đại dịch Covid-19. (Biểu đồ 2)
Biểu đồ 2: Cơ sở hạ tầng ngành Ngân hàng Việt Nam
Nguồn: NHNN
Các ngân hàng Việt Nam đang nỗ lực không ngừng trong cuộc đua chuyển đổi số với hy vọng giành được lợi thế cạnh tranh và chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường. Để đạt được mục tiêu này, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã thực hiện hoặc đang trong quá trình xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Theo thống kê của NHNN năm 2020, 95% ngân hàng thương mại đã và đang xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 38% ngân hàng thương mại đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% ngân hàng thương mại đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được số hóa hoàn toàn (gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, quản lý nhân sự, kế toán - tài chính...). Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng Robot, trí tuệ nhân tạo, Blockchain, nhận biết và định danh khách hàng bằng phương thức eKYC... được các ngân hàng thương mại ứng dụng mạnh mẽ trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa ngân hàng thương mại và các công ty Fintech thời gian qua đã góp phần mở rộng hệ sinh thái số, đem lại trải nghiệm và nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng. Nhiều ngân hàng thương mại đã xây dựng kho dữ liệu, hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, cho phép chia sẻ, tích hợp tạo hệ sinh thái số trên nhiều ngành, lĩnh vực như hệ sinh thái Mobile Banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế, mua sắm hàng hóa, dịch vụ trực tuyến...
Nhìn chung, các ngân hàng Việt Nam đang triển khai các dịch vụ ngân hàng số với 02 cách tiếp cận cơ bản sau đây:
Một là, số hóa phân đoạn kinh doanh nhất định, các quy trình nội bộ và các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ: Các ngân hàng theo hướng tiếp cận này chú trọng đổi mới hệ thống ngân hàng di động, áp dụng các giải pháp eKYC, thanh toán bằng QR Code, trợ lý ảo/Chatbot và trung tâm hỗ trợ khách hàng 24/7, tự động hóa quy trình nội bộ (hệ thống giao dịch thời gian thực trực tuyến, ứng dụng Robot, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu của bên thứ ba trong quản trị rủi ro), số hóa cơ sở dữ liệu thông tin và sử dụng công nghệ vào các công cụ như kho dữ liệu lớn, thu thập dữ liệu tự động, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu. Các ngân hàng này hoạt động trên nền tảng đa kênh để đảm bảo trải nghiệm khách hàng trở nên nhất quán. Một số ngân hàng điển hình có thể kể đến là Vietcombank với mô hình kinh doanh số (VCB Digibank), TPBank triển khai Live Bank giúp khách hàng đăng ký vân tay, nhận diện khuôn mặt và định danh điện tử, VIB ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào quy trình phát hành thẻ tín dụng dành riêng cho mua sắm trực tuyến Online Plus, Techcombank chú trọng phát triển trải nghiệm khách hàng trên ngân hàng trực tuyến.
Hai là, kết hợp số hóa với sự phát triển của ngân hàng số độc lập: Một số ngân hàng vừa số hóa các phân đoạn kinh doanh, quy trình nội bộ và kênh phân phối đồng thời cũng phát triển thương hiệu ngân hàng số độc lập. Ví dụ điển hình có thể kể đến là VPBank với sự ra mắt của ngân hàng số Yolo sau Timo, OCB ra mắt ngân hàng số OCB Omni.
Tuy nhiên, sự phát triển ngân hàng số tại Việt Nam hầu hết theo hình thức phát triển kênh phân phối số và dừng lại ở cấp độ số hóa một phần mô hình kinh doanh ngân hàng truyền thống (chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, sản phẩm dịch vụ được số hóa chủ yếu hướng đến đối tượng là khách hàng cá nhân, số hóa một phần quy trình nội bộ giảm thiểu xử lý giấy tờ chứ chưa đạt được mức tự động hóa), các công nghệ mới như Blockchain, Open API… chưa được ứng dụng trong các ngân hàng thương mại do thiếu khung pháp lý thử nghiệm để triển khai và cơ sở hạ tầng hiện tại của ngành tài chính chưa cho phép. Trong khi đó, hình thức phát triển mô hình ngân hàng số mới như Timo, Yolo còn rất hiếm và đang ở giai đoạn sơ khai, chưa triển khai được các chức năng cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính đầy đủ, quy mô hoạt động còn rất nhỏ. Xét từ góc độ chính sách quản lý, thực trạng trên xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, khung pháp lý còn chưa đầy đủ: Về chính sách chung, Chính phủ và các cơ quan quản lý đang hỗ trợ và khuyến khích ngành tài chính - ngân hàng áp dụng các công nghệ tiên tiến, bước đầu thiết lập hạ tầng pháp lý cho việc triển khai ngân hàng số như: Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, Quyết định số 35/2006/QĐ-NHNN ngày 31/7/2006 của Thống đốc NHNN ban hành quy định về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử, Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/3/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2020, Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, cho phép mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng eKYC, Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 06/9/2021 của Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh quy định và hướng dẫn cụ thể về: giao dịch điện tử, thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử. Đặc biệt, hệ thống pháp lý hoàn toàn chưa có quy định liên quan đến triển khai cung ứng các sản phẩm dịch vụ theo mô hình ngân hàng số hoặc áp dụng các quy trình, phương thức thực hiện mới trong cung ứng dịch vụ liên quan tới cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
Ngoài ra, các hoạt động của công ty cung ứng giải pháp Fintech, cho vay ngang hàng (P2P lending), mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) hay cơ chế chia sẻ và khai thác thông tin người dùng cho mục đích phát triển dịch vụ ngân hàng; quy định liên quan tới lưu trữ thông tin... đều chưa có quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh.
Thứ hai, thiếu hụt về chính sách và quy định hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển ngân hàng số: Hiện nay, thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến, các dịch vụ tài chính số hầu như ít được sử dụng tại khu vực nông thôn. Trong khi đó, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 và kế hoạch triển khai thực hiện được Thống đốc NHNN ban hành theo Quyết định số 2006/QĐ-NHNN ngày 17/12/2021. Việc thiếu hụt quy định về cơ chế phối hợp với Fintech cũng gây khó khăn cho sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng trong phát triển các dịch vụ ngân hàng số.
Thứ ba, thách thức về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin: Như đã phân tích, cơ sở dữ liệu cá nhân quốc gia là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển ngân hàng số; tuy nhiên, Việt Nam mới đang trong quá trình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) với mục tiêu trong năm 2022 hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác minh chứng minh nhân dân 09 số với căn cước công dân. Các ngân hàng thương mại chưa thể kết nối, khai thác nguồn dữ liệu này để phục vụ định danh khách hàng. Bên cạnh đó, mức độ kết nối Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), cơ sở dữ liệu doanh nghiệp các ngành với hệ thống quản trị rủi ro, đánh giá tín dụng của các ngân hàng thương mại còn hạn chế. Ngoài ra, thách thức còn đến từ thiếu hụt sự đồng bộ và chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật giữa ngành Ngân hàng và các ngành lĩnh vực khác nhằm tạo kết nối liên thông, tích hợp liền mạch để hình thành hệ sinh thái số.
4. Một số khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý
Một là, việc hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển ngân hàng số cần được chú trọng và đẩy nhanh tiến độ, trước mắt cần ưu tiên các quy định liên quan đến thử nghiệm trong lĩnh vực tài chính, eKYC. Ngoài ra, NHNN cũng cần rà soát sửa đổi tạo điều kiện định danh, xác thực điện tử trong ngành Ngân hàng; rà soát văn bản hướng dẫn về lưu trữ, bảo vệ và chia sẻ dữ liệu, hướng dẫn kết nối với CSDLQGDC để phục vụ cho eKYC khách hàng; sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 21/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 của Thống đốc NHNN quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại ứng dụng công nghệ tự động hóa quá trình thẩm định xét duyệt cho vay, kiểm tra sau cho vay.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngân hàng số, NHNN cần nghiên cứu thiết lập khuôn khổ cho tài chính số, xác định lộ trình phát triển của ngân hàng số theo các giai đoạn phù hợp với Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Các ngân hàng số cần được xem là một thành phần tham gia quan trọng trong thị trường tài chính, NHNN có thể tham khảo kinh nghiệm triển khai tại các quốc gia khu vực châu Á đã phân tích nhằm lựa chọn phương án cấp phép ngân hàng số phù hợp (giấy phép riêng hoặc chuyển đổi từ giấy phép ngân hàng truyền thống) với các yêu cầu về vốn tối thiểu, quản trị rủi ro, dịch vụ thuê ngoài, quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu... tương ứng với rủi ro của ngân hàng số. Giấy phép riêng có thể được áp dụng trong trường hợp quy định về tổ chức tín dụng hiện thời khó có thể sửa đổi để bao gồm hoạt động của những ngân hàng số mới. Quy định về ngân hàng số cần lưu ý các nội dung có thể không cần yêu cầu chi nhánh tối thiểu, nới lỏng giới hạn sở hữu cổ phần để tạo điều kiện tham gia đối với các thành phần khác nhau trong nền kinh tế (Fintech, Big Tech, công ty viễn thông…). Trong điều kiện hạ tầng ngành tài chính đang còn ở bước đầu chuyển đổi số với mức độ trưởng thành số thấp, sự hiện diện của các tổ chức phi tài chính trong ngành còn hạn chế và đặc biệt khung khổ pháp lý còn nhiều khoảng trống, NHNN có thể cân nhắc phương án cấp phép ngân hàng số theo giai đoạn.
Hai là, giải pháp công nghệ của Fintech đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong phát triển ngân hàng số cung ứng các dịch vụ tài chính nằm ngoài dịch vụ cốt lõi như điện toán đám mây, tuân thủ KYC thanh toán, ngoại hối.... với cả ngân hàng truyền thống cũng như ngân hàng số mới. Hình thức mô hình kinh doanh ngân hàng số BaaS không tương tác trực tiếp với khách hàng càng đòi hỏi kết nối chặt chẽ hơn với hệ sinh thái Fintech. Bởi vậy, cơ chế phối hợp Fintech và ngân hàng cần được xác định là chính sách nền tảng trong chiến lược phát triển ngân hàng số của NHNN. Việc sử dụng các dịch vụ của bên thứ ba tương đối phức tạp đòi hỏi các quy định cụ thể về quản lý như quy trình quản trị rủi ro nội bộ, NHNN cũng cần nghiên cứu ban hành các chính sách quy định liên quan đến gia công phần mềm công nghệ thông tin, điều kiện đối tác cung cấp là tổ chức nước ngoài và các công cụ liên quan trong RegTech, SupTech.
Ba là, NHNN cần phối hợp với các bộ, ban ngành xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nền kinh tế trong đó chú trọng nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia. Bên cạnh đó, NHNN cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu, cạnh tranh, viễn thông, công nghệ thông tin, an ninh mạng nhằm phối hợp giám sát ngân hàng số. NHNN cần tích cực ứng dụng các công cụ quản lý dựa trên công nghệ mới (RegTech, SupTech) để có thể quản lý ngân hàng số cụ thể và hiệu quả hơn. Đối với cơ sở dữ liệu nền kinh tế số quốc gia, NHNN cần hợp tác với các bộ, ban, ngành liên quan chuẩn hóa dữ liệu, chuẩn hóa tiêu chuẩn kết nối chia sẻ dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. AFI (2021). Policy framework on the regulation, licensing and supervision of digital banks.
2. BCG (2020). The rise of digital banking in Southeast Asia.
3. CGAP (2021). Digital banks: How can they be regulated to deepen financial inclusion?
4. CGAP (2020). Digital banks: How can they deepen financial inclusion?
5. Chris, S. (2014). Digital banks: Strategies to launch or become a digital bank.
6. Deloitte (2020). Comparison of Regulatory Requirements for Digital Banks.
7. IBM (2015). Designing a sustainable digital bank, Learning from the digital pioneers.
8. McKinsey (2021). Joining the next generation of digital banks in Asia.
9. McKinsey (2021). Lessons from the rapidly evolving regulation of digital banking.
10. Sharma, G. (2017). What is Digital Banking?
11. World Bank (2020). Digital Bank: Lessons from Korea.
12. https://www.sbv.gov.vn
ThS. Tô Thị Diệu Loan
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam