Được sự đồng ý của Tổng thống Costa Rica Rodrigo Chaves, Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar đã trực tiếp thông báo và trao Công hàm về việc Costa Rica công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường tại trụ sở Bộ Công Thương vào ngày 05/8/2024. Costa Rica - thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là thành viên của 38 quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã trở thành quốc gia thứ 73 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; trong số đó, có những nền kinh tế lớn đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường như Trung Quốc (2004); Nga và các thành viên ASEAN (2007); Úc, New Zealand (2008); Ấn Độ, Hàn Quốc (2009); Nhật Bản (2011); các thành viên của Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu EFTA như Na Uy, Thụy Sỹ (2012); Canada (2016) và Vương quốc Anh (2023)… Đây là một động thái tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang đề nghị một số đối tác thương mại công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và việc ngày 02/8/2024, Hoa Kỳ thông báo chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới (Nguồn ảnh: Internet)
Việc Costa Rica công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường phản ánh đúng thực tế về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Việc Việt Nam được xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường góp phần cải thiện hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp tháo gỡ nhiều trở ngại và rào cản, tạo sự bình đẳng và giảm thiểu các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước khác đối với Việt Nam trong các mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư.
Mỗi quốc gia khác nhau cũng không giống nhau về tiêu chí công nhận một quốc gia khác có nền kinh tế thị trường; trong số đó, Hoa Kỳ và Liên minh châu ÂU (EU) khắt khe hơn cả trong việc này.
Theo đó, 6 tiêu chí quy định tại Mục 771(18)(b) của Đạo luật Thuế quan 1930 để một quốc gia được Hoa Kỳ xem là kinh tế thị trường: (i) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; (ii) Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; (iii) Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; (iv) Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; (v) Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; (vi) Các yếu tố khác.
EU cũng có 5 tiêu chí khá gần với Mỹ về xét công nhận một quốc gia đối tác có nền kinh tế thị trường, như: (i) Mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong phân bổ các nguồn lực và quyết định của doanh nghiệp (Việt Nam đã thực hiện được, theo đánh giá của EU năm 2015); (ii) Không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; (iii) Sự tồn tại và thực thi một số chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; (iv) Lĩnh vực tài chính (tự do hóa tiền tệ)…
Theo nhiều ý kiến của các tổ chức và chuyên gia trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam trên thực tế đã hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường theo quy định pháp luật của cả Mỹ và EU, thậm chí còn ở mức cao hơn so với nhiều nền kinh tế đã được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường trong thập kỷ qua.
Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực khẳng định, xây dựng và phát triển hiện thực hóa các thể chế kinh tế thị trường cả trong các văn kiện và quy định pháp lý nền tảng của Đảng, Nhà nước, cũng như trong hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành trên thực tế trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Môi trường đầu tư ngày càng tự do hóa, tuân thủ những quy luật, nguyên tắc và thông lệ chính, kinh nghiệm tốt về kinh tế thị trường trên thế giới. Hệ thống pháp luật đang hướng nhanh đến sự hoàn thiện, ổn định, tiếp cận và tương thích với hệ thống luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã và sẽ tham gia. Nền kinh tế ngày càng vận hành thông suốt theo các yêu cầu phát triển bền vững; cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không dừng ở yêu cầu kết hợp hài hòa bàn tay Nhà nước với bàn tay thị trường như cách hiểu phổ biến lâu nay trên thế giới, mà phải là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội; trong đó, Nhà nước đóng vai trò bảo đảm, còn thị trường và xã hội thực hiện đúng chức năng của mình. Nhà nước không làm thay, mà sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực để định hướng và điều tiết nền kinh tế theo mục tiêu xã hội, không làm méo mó thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Các vấn đề xã hội không phải đi sau kinh tế, mà giải quyết tốt các vấn đề xã hội cũng chính là tạo điều kiện, động lực cho tăng trưởng kinh tế… Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Các doanh nghiệp đều hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, không phân biệt thành phần kinh tế, trong nước hay nước ngoài; tỷ giá tiền tệ được điều chỉnh linh hoạt hằng ngày gắn chặt với biến động thực tế trên thị trường trong nước và quốc tế…
Đến nay, Việt Nam đang có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước, vùng lãnh thổ; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hơn 60 quốc gia, đối tác thương mại quốc tế, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... tạo sân chơi thương mại tự do với cộng đồng các quốc gia chiếm trên 50% tổng thương mại và GDP toàn cầu.
Trong bài viết đăng tải trên trang geopoliticalmonitor.com ngày 11/3/2024, nhà nghiên cứu James Borton tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins (Mỹ) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư quốc tế. Tác giả dẫn báo cáo kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, cơ quan này đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 70 trên 190 nền kinh tế đáng khen, phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Hãng tin US News and World Report (Hoa Kỳ) xếp Việt Nam đứng thứ 7 trong số 78 quốc gia nên khởi nghiệp kinh doanh vào năm 2021, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Đặc biệt, từ năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam được các xếp vào nhóm các nền kinh tế có mức tự do trung bình và là nước đáng tin cậy về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể: Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 của Heritage Foundation (Mỹ). Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình".
Cũng trong năm 2021, Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, xếp thứ 44, nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) của thứ hạng này.
Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu tháng 5/2023 được công bố bởi Economist Intelligence Unit (EIU) tăng 12 bậc. Việt Nam là một trong 3 quốc gia châu Á, cùng với Thái Lan và Ấn Độ tiến bộ nhất trong hoạt động kinh doanh. Năm 2023, chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.
Nhờ chuyển đổi mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, trong suốt gần 40 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 683 tỉ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 355,5 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỉ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, đứng trong top 20 nền kinh tế thành công nhất trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2023.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 4/2024, Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến năm 2029 và sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đặt đất nước vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương, tiêu đề "Nền tảng vững chắc cho tăng trưởng" của WB công bố sáng 01/4/2024, Việt Nam được giữ nguyên dự báo mà WB đã công bố đầu năm là sẽ tăng trưởng 5,5% GDP trong năm 2024 và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn, nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao với tiềm năng tăng trưởng khoảng 8%.
Theo báo cáo công bố trong quý I/2024 với tựa đề "Promoting Innovative Entrepreneurship in Viet Nam" của WB, Việt Nam được đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người hằng năm là 5,3% trong 30 năm qua (năm 1990 - 2021), nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc. Thành tích này có được nhờ Việt Nam có 3 yếu tố là tích lũy vốn nhanh, nguồn cung lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất cao.
Năng suất lao động của người Việt cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2010 - 2020, đạt 64%, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, chủ yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dòng vốn FDI lớn.
Trong WTO, khi Việt Nam được các nước thành viên công nhận kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc Việt Nam có tư cách pháp nhân đầy đủ và là thành viên bình đẳng về quyền lợi, trách nhiệm với các thành viên khác trong khuôn khổ quy chế hoạt động của WTO. Trong các quan hệ song phương, lợi ích lớn nhất khi Việt Nam được công nhận kinh tế thị trường là cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ chính thức được tự do và thuận lợi hơn trong thâm nhập thị trường hai nước và tìm kiếm các cơ hội đầu tư phù hợp, giảm thiểu xung đột lợi ích và tranh chấp thương mại giữa hai bên.
Việc được công nhận quy chế thị trường sẽ giúp Việt Nam gia tăng thương mại và đầu tư với đối tác công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường. Đổi lại, lợi ích mà các công ty quốc gia đối tác có được là các cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực bên đối tác có lợi thế và thúc đẩy chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của mỗi bên.
Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI của nước đối tác tại Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi trong việc được đối xử công bằng khi xuất khẩu trở lại nước đó, làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, từ đó người dân nước này có thêm nhiều lựa chọn tốt hơn, phù hợp hơn, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, các doanh nghiệp của nước này có thêm cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu sang Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của mình, nhất là khi Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới, đặc biệt là cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam bị nhiều bất lợi do đã và đang đối diện một loạt vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường nước chưa công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường, nhất là điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (theo đó cáo buộc giá xuất khẩu sang thị trường họ thấp hơn giá bán tại Việt Nam). Ví dụ, khi xác định giá trị thông thường để tính biên độ phá giá, Hoa Kỳ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường (nước thay thế) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường cho phép Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Thuế suất toàn quốc thường được Hoa Kỳ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên thường bị đẩy lên rất cao và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế. Do đó, nếu được Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp sẽ gỡ bỏ được các áp lực và tác động tiêu cực về điều tra chống bán phá giá nêu trên.
Những việc tiếp theo tới đây, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn quá trình các nước còn lại của WTO công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để trở thành thành viên đầy đủ của WTO; đồng thời, Chính phủ cần có thêm các hoạt động thúc đẩy tất cả 27 nước thành viên EU sớm thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư đã ký giữa Việt Nam với các nước EU.
Bên cạnh đó, Chính phủ sớm thông tin và thúc đẩy tuyên truyền trong nước và quốc tế về các nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi trở thành thành viên đầy đủ của WTO, cũng như khi Việt Nam được công nhận quy chế kinh tế thị trường.
TS. Nguyễn Minh Phong