Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
20/12/2023 9.709 lượt xem
Tóm tắt: Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất của châu Phi trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bài viết này tóm lược sự phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nước châu Phi trong thời gian hơn một thập kỉ vừa qua và việc Trung Quốc sử dụng lĩnh vực ngân hàng hỗ trợ cho sự phát triển đó. Trên cơ sở đó, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. Bài viết sử dụng số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc trong giai đoạn 12 năm từ năm 2010 - 2021. Bài viết này là kết quả đề tài “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy hợp tác Việt Nam - châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng”, ĐTNH.007/22 do ThS. Đào Thúy Hằng là chủ nhiệm; Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan chủ trì.
 
Từ khóa: Thương mại, đầu tư, ngân hàng, Trung Quốc, châu Phi.
 
THE COOPERATION OF CHINA AND AFRICAN COUNTRIES IN THE AREA OF BANKING SECTOR
AND SOME LESSONS LEARNED FOR VIETNAM
 
Abstract: China has become the largest economic, trade and investment partner of Africa in recent years and expected to continue in the near future. This article summarizes the development of trade and investment relations of China with African countries over the past decade, highlighting the use of banking sector to support this development. On that basis, the article draws lessons for Vietnam in international cooperation. The article used data from the General Statistics Office of China in the period of 12-year, from 2010 to 2022. This article is the result of the Research project named “Current status and solutions to promote Vietnam-Africa cooperation in the banking sector”, ĐTNH.007/22, led by Dao Thuy Hang, Leader and International Cooperation Department, the State Bank of Vietnam is the owner of the research project.
 
Keywords: Trade, investment, banking, China, Africa.
 
1. Tóm lược quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nước châu Phi
 
1.1. Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước châu Phi
 
 Năm 2000, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước châu Phi đánh dấu mốc vượt mức 10 tỉ USD và con số này đã tăng lên nhanh chóng qua các năm tiếp theo. Đến năm 2008 con số này đã vượt mốc 100 tỉ USD và năm 2013 vượt mốc 200 tỉ USD. Kể từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc đã có 14 năm liên tiếp trở thành nước đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Trong 12 năm từ 2010 - 2021, xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi đã tăng gần gấp 3 lần (từ 50 tỉ USD lên gần 150 tỉ USD). Năm 2022, xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi chiếm 4,6% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc và xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của châu Phi. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho hơn 30 quốc gia ở châu lục này1, trong đó các quốc gia có tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng đầu với Trung Quốc lần lượt là Nam Phi (21%), Nigeria (10%), Angola (9%) và Ai Cập (8%)2… 
 
Điều đáng chú ý là cán cân thương mại giữa Trung Quốc và thị trường châu Phi đã chuyển từ thâm hụt thương mại sang thặng dư thương mại từ năm 2015. Trong ba năm đại dịch Covid-19 diễn ra, Trung Quốc vẫn liên tục xuất siêu sang thị trường này. (Hình 1)

Hình 1: Thực trạng thương mại của Trung Quốc với thị trường châu Phi 
 giai đoạn 2010 - 2022

                                                                                                                                                                 Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục thống kê Trung Quốc (2010 - 2023)
 
Về cơ cấu thương mại, có nhiều điểm sáng trong giữa Trung Quốc và các nước châu Phi theo hướng bổ trợ cho nhau. Các sản phẩm chính mà Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi là sản phẩm cơ điện, máy móc và sản phẩm công nghệ cao (chiếm hơn 50%)3, sản phẩm thép, nhu yếu phẩm hằng ngày và dệt may... Các sản phẩm chính mà Trung Quốc nhập khẩu từ châu Phi là năng lượng, quặng kim loại, nông sản và thủy, hải sản.
 
1.2. Quan hệ đầu tư của Trung Quốc với thị trường châu Phi
 
Về quy mô, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi tuy chỉ chiếm một phần tương đối khiếm tốn, chỉ khoảng 2% trong tổng số đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài trong thời gian 12 năm từ năm 2010 - 2021; song về trị giá đầu tư đã không ngừng tăng lên, từ 2,1 tỉ USD năm 2010 lên 5 tỉ USD năm 2021. Theo thống kê mới nhất của Bộ Thương mại Trung Quốc, đến cuối năm 2022, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi vượt mức 47 tỉ USD. Trung Quốc là đối tác đầu tư lớn thứ tư ở châu Phi sau Hoa Kỳ, Anh và Pháp.
 
Về lĩnh vực đầu tư, Trung Quốc đầu tư vào nhiều lĩnh vực, trong đó xây dựng, khai thác mỏ, sản xuất và dịch vụ tài chính chiếm 87,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư nhiều vào các ngành công nghiệp như khai thác, chế biến, luyện kim, sản xuất thiết bị, phát triển nông nghiệp, sản xuất thiết bị gia dụng, dịch vụ hàng không, y tế và sức khỏe, kinh tế kĩ thuật số, giúp châu Phi nâng cao trình độ công nghiệp hóa, công nghiệp hỗ trợ và chế biến/chế tạo các sản phẩm xuất khẩu.
 
Xây dựng cơ sở hạ tầng là lĩnh vực được Trung Quốc đặc biệt chú trọng ở nhiều nước đối tác của châu Phi. Theo báo cáo triển vọng kinh tế do Ngân hàng Phát triển châu Phi công bố năm 2018, cơ sở hạ tầng của châu Phi cần khoản đầu tư hằng năm từ 130 tỉ đến 170 tỉ USD. Trong bối cảnh không có nguồn vốn công trong nước và đầu tư tư nhân không đủ, nguồn tài chính nước ngoài đã trở thành một nguồn lực chính cho phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Phi. Với chính sách khuyến khích và hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia xây dựng, đầu tư, vận hành và quản lí cơ sở hạ tầng của châu Phi theo nhiều cách khác nhau như các mô hình BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành), PPP (hợp tác công tư)... Từ năm 2016 - 2020, tổng số dự án cơ sở hạ tầng được khởi công ở châu Phi là gần 200 tỉ USD và riêng năm 2020 tỉ lệ dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện đã đạt 31,4%4
 
Về địa bàn đầu tư, tính đến cuối năm 2018, các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào 52 quốc gia ở khu vực châu Phi. Năm 2021, có 16 quốc gia châu Phi (tăng 06 quốc gia so với năm 2020) có vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc, với tổng số vốn vượt 100 triệu USD. Trong số đó, 10 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất là: Nam Phi; Congo (Kinshasa);  Zambia; Ethiopia; Angola; Nigeria; Kenya; Algeria; Zimbabwe; Tanzania, chiếm 63,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi.
 
Trung Quốc được một số đối tác ở châu Phi coi là một nhân tố mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế với lượng vốn đầu tư vào châu Phi tăng đều đặn, góp phần gia tăng cơ hội việc làm tại địa phương, và công nghệ mà doanh nghiệp Trung Quốc mang đến phù hợp với sự phát triển ở các địa phương thuộc châu Phi.
 
2. Chính sách hợp tác ngân hàng của Trung Quốc với châu Phi
 
Để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và châu Phi, không thể không kể đến vai trò của hệ thống ngân hàng. Hợp tác tài chính Trung Quốc - châu Phi được hỗ trợ bởi các quỹ và nền tảng tài chính đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc. Trong đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng của Trung Quốc mà tiêu biểu là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) là lực lượng chính, triển khai mạnh mẽ việc cung ứng vốn từ Chính phủ Trung Quốc cho thị trường châu Phi. Đồng thời, các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn (chủ yếu là các ngân hàng do Nhà nước Trung Quốc nắm giữ cổ phần chi phối) cũng đang tích cực mở rộng sự hiện diện tại châu Phi.
 
2.1. Chính sách xây dựng sự hiện diện ngân hàng của Trung Quốc tại châu Phi 
 
Một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến thành công trong lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc tại khu vực châu Phi là việc sử dụng các NHTM có vốn nhà nước (SOCB)5 làm công cụ điều tiết nguồn tài chính từ Chính phủ Trung Quốc. Một trong những ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản và có uy tín nhất Trung Quốc là Ngân hàng Trung Quốc, ngân hàng đầu tiên thâm nhập vào châu Phi và đã thành lập chi nhánh tại 07 quốc gia thuộc châu Phi, bao gồm Nam Phi, Angola, Zambia, Mauritius, Kenya, Morocco và Tanzania. Trong 07 quốc gia này thì trừ Morocco và Mauritius, tại 05 quốc gia còn lại, Trung Quốc đều là quốc gia đầu tư trực tiếp lớn nhất. Các SOCB cũng đóng vai trò chủ chốt trong thực thi chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT). Cụ thể, với mục tiêu thúc đẩy luân chuyển dòng vốn bằng NDT và tăng cường sử dụng NDT tại các quốc gia châu Phi, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã liên tiếp kí các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương của Nam Phi, Morocco, Ai Cập và Nigeria với tổng số tiền là 73 tỉ NDT6 và PBoC đã lựa chọn Ngân hàng Trung Quốc, một SOCB làm ngân hàng thanh/quyết toán NDT tại một số quốc gia châu Phi. 
 
Các SOCB7 với tiềm lực tài chính lớn và mục tiêu hiện thực hóa các chính sách đầu tư tại khu vực châu Phi của Chính phủ Trung Quốc đã đóng vai trò là các ngân hàng chính trong thúc đẩy hợp tác tài chính Trung Quốc - châu Phi. Đến nay, đã có 15 chi nhánh SOCB của Trung Quốc được thiết lập hiện diện tại các quốc gia châu Phi (Ngân hàng Trung Quốc có 07 chi nhánh tại châu Phi, Ngân hàng Xây dựng thành lập chi nhánh tại Cape Town và Johannesburg của Nam Phi; Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cùng Chính phủ Congo thành lập Ngân hàng liên doanh châu Phi - Trung Quốc - Congo…). Ngoài ra, tại một số quốc gia châu Phi, mặc dù các SOCB của Trung Quốc không thiết lập hiện diện trực tiếp, nhưng thông qua hợp tác chiến lược (kí thỏa thuận hợp tác hoặc mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược), các SOCB của Trung Quốc đã gián tiếp bao phủ hoạt động tại hầu hết các quốc gia châu Phi. Hợp tác này phải kể đến việc Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) dù không thiết lập hiện diện trực tiếp, mà gián tiếp thâm nhập vào 20 quốc gia châu Phi bằng việc tham gia cổ đông chiến lược tại Nhóm Ngân hàng Standard của Nam Phi (Standard Bank) hay các thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và First Bank của Nam Phi, giữa ngân hàng Attijariwafa của Morocco với Ngân hàng Trung Quốc. Trong đó, các ngân hàng của châu Phi (Standard Bank, First Bank, Attijariwafa) đều là các ngân hàng liên Phi (Pan-Africa Bank - PAB8). Ở chiều ngược lại, châu Phi cũng có 10 ngân hàng thiết lập hiện diện tại Trung Quốc và cùng cộng đồng doanh nghiệp thành lập Trung tâm Kinh doanh Trung Quốc - châu Phi năm 2017 để tìm kiếm nguồn hàng hóa và cơ hội đầu tư tại Trung Quốc. 
 
Có thể thấy, Trung Quốc đã đẩy mạnh thiết lập hiện diện các NHTM của mình tại các quốc gia mà Trung Quốc lựa chọn đầu tư. 5/7 quốc gia mà Trung Quốc có hiện diện ngân hàng đều là các đối tác mà Trung Quốc đầu tư lớn nhất. Đối với các quốc gia mà Trung Quốc chỉ có quan hệ hợp tác về thương mại thì hệ thống ngân hàng với vai trò trung gian đã tích cực tham gia hỗ trợ thanh toán quốc tế, cung ứng các công cụ thanh toán vừa đảm bảo an toàn, có tính toán đến yếu tố phù hợp thông lệ thanh toán tại khu vực (thông qua tham gia gián tiếp tại các ngân hàng địa phương), từ đó giúp cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp Trung Quốc tại các thị trường này có nhiều khởi sắc.
 
2.2. Chính sách thúc đẩy ngân hàng tham gia thực hiện các chiến lược của Trung Quốc tại châu Phi
 
Nhằm mở rộng thương mại, tăng cường đầu tư ra nước ngoài từ đó mở rộng thị trường, nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với thế giới bên ngoài để tận dụng lợi thế về vốn, công nghệ dư thừa trong nước, Trung Quốc trong thời gian qua đã triển khai hàng loạt chiến lược đa phương toàn cầu, trong đó phải kể đến chiến lược “Vành đai và Con đường”, chiến lược Quốc tế hóa NDT, cũng như việc tăng cường tiếng nói tại các diễn đàn hợp tác Trung Quốc với các khu vực. Đối với châu Phi, mảnh đất nhiều tiềm năng về nguồn nguyên liệu, thị trường đông dân cư, song lại rơi vào tình thế bị gạt ra bên lề sau khi hầu hết các quốc gia tại khu vực này giành được độc lập và công cuộc toàn cầu hóa làm trầm trọng thêm tình trạng nêu trên, biểu hiện ở các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài không đủ, vấn đề nợ quốc gia, phân hóa về mức độ phát triển và suy giảm vị thế quốc tế đã khiến Trung Quốc lựa chọn chiến lược tăng cường hợp tác lâu dài với các quốc gia tại khu vực này, thông qua thúc đẩy triển khai các chiến lược đa phương của mình tại các quốc gia châu Phi. 
 
Để thực hiện điều này, Trung Quốc đã thúc đẩy hợp tác thông qua sử dụng hệ thống ngân hàng để phục vụ triển khai các chiến lược của mình, cụ thể:
 
2.2.1. Chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc 
 
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỉ 21” được Trung Quốc đưa ra năm 2013, là chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi qua các tuyến đường bộ và đường thủy. Sáng kiến này được thực hiện với mục tiêu giúp Trung Quốc sử dụng hiệu quả các nguồn lực lớn dư thừa từ tài chính đến cơ sở hạ tầng (máy móc, thiết bị), công nghệ, từ đó mở rộng thị trường, nâng tầm ảnh hưởng và tăng phụ thuộc vào nguồn vốn và công nghệ của các quốc gia tham gia sáng kiến. 
 
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhiều nước châu Phi và đây trở thành một trong những khu vực năng động, tích cực nhất hợp tác với Trung Quốc trong sáng kiến này. Tháng 12/2015, Nam Phi trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên kí kết văn kiện hợp tác chiến lược “Vành đai và Con đường” với Trung Quốc. Trong năm 2017 và 2019, các nhà lãnh đạo của Kenya, Ethiopia, Ai Cập, Djibouti, Mozambique và các quốc gia khác đã tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” và đóng góp tích cực về tư vấn cho sự phát triển của cơ chế hợp tác. Cho đến nay, hầu hết các nước châu Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đều đã kí kết các văn bản hợp tác với Trung Quốc về việc cùng xây dựng chiến lược “Vành đai và Con đường”. Tính đến tháng 11/2019, Trung Quốc đã kí thỏa thuận hợp tác chiến lược “Vành đai và Con đường” với 44 quốc gia châu Phi và Ủy ban Liên minh châu Phi, chiếm 1/3 tổng số quốc gia đã kí thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc9
 
Các dự án đầu tiên được tài trợ từ nguồn tài chính của sáng kiến "Vành đai và Con đường" tại châu Phi cũng đã được thực hiện, giúp nâng cao năng lực thương mại trung chuyển giữa các địa phương và đóng vai trò quan trọng trong kết nối và hội nhập khu vực10. Với mục đích tạo nguồn cung cấp tài chính cho các dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đảm bảo sự kết nối về cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã khởi xướng việc thành lập Quỹ “Con đường tơ lụa”11 với tổng vốn 40 tỉ USD và 100 tỉ NDT. Quỹ được thành lập với sự tham gia góp vốn của Cục Quản lí Ngoại hối Trung Quốc (65%), Tổng Công ty Đầu tư Trung Quốc (15%), CDB (5%) và China Eximbank (15%). Mục đích hoạt động chính của Quỹ “Con đường tơ lụa” là đầu tư và hỗ trợ tài chính cho hoạt động hợp tác thương mại, kinh tế và kết nối trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
 
Như vậy, việc triển khai tài trợ cho các dự án trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” được Trung Quốc thực hiện chủ yếu được thực hiện qua Quỹ “Con đường tơ lụa” do Chính phủ Trung Quốc thành lập, hoặc thông qua CDB - là ngân hàng chính sách Trung Quốc có tổng tài sản lớn bậc nhất thế giới cũng như thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Khách hàng mà CDB tiến hành cho vay tập trung vào đối tượng Chính phủ và doanh nghiệp lớn và vừa trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng công cộng, đường cao tốc, đường sắt, thủy lợi, điện… Tại châu Phi, đến nay CDB đã có hoạt động kinh doanh tại 43 quốc gia, hỗ trợ xây dựng một số dự án trọng điểm như Cảng nước sâu Lekki ở Nigeria, Sân bay Nairobi, đường cao tốc ở Kenya. CDB đã tích cực thúc đẩy hợp tác với các tổ chức tài chính đa phương ở châu Phi như Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank), Ngân hàng Phát triển Tây Phi, NHTM và Phát triển Đông và Nam Phi nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của châu Phi. 
 
2.2.2. Chiến lược quốc tế hóa NDT
 
Quá trình thực hiện chiến lược quốc tế hóa NDT đang được Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh trên toàn cầu, trong đó có khu vực châu Phi, giúp cung cấp kênh tài chính mới cho các ngân hàng Trung Quốc cũng như giúp các ngân hàng này tận dụng được lợi thế cạnh tranh trong huy động và duy trì thanh khoản bằng NDT, từ đó giảm sức ép việc phụ thuộc các ngoại tệ mạnh khác như USD, EUR và làm giảm chi phí giao dịch cho các NHTM cũng như doanh nghiệp Trung Quốc. 
 
Nam Phi, Nigeria, Ai Cập và các quốc gia khác đã lần lượt kí các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (BSA) với Trung Quốc. Hiện tại, có 42 tổ chức từ 19 nước châu Phi tham gia gián tiếp vào Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (Cross - border Payments System - CIPS)12. Vào cuối năm 2022, dịch vụ ngân hàng thanh toán bù trừ NDT được Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh tại Mauritius chính thức ra mắt và Mauritius đã trở thành quốc gia châu Phi thứ ba có trung tâm thanh toán NDT, sau Nam Phi và Zambia. Mặt khác, việc đầu tư dự trữ ngoại hối của các quốc gia châu Phi cũng được đa dạng thêm sau khi NDT được đưa vào rổ tiền tệ SDR của Quỹ Tiền tệ quốc tế và đến nay, 14 quốc gia châu Phi đã đưa NDT vào dự trữ ngoại hối của mình.
 
Việc thực thi sâu hơn chiến lược quốc tế hóa NDT đi kèm với phát triển hệ thống ngân hàng Trung Quốc tại châu Phi đã giúp tiến trình quốc tế hóa NDT đạt nhiều tiến bộ lớn. Các ngân hàng Trung Quốc đã mở rộng nghiệp vụ kinh doanh NDT ở châu Phi như mua, bán NDT và cho vay bằng NDT, thanh toán bù trừ NDT (năm 2015, Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh tại Johannesburg là ngân hàng đầu tiên ở châu Phi tiến hành thanh toán bù trừ NDT), phát hành trái phiếu NDT (trái phiếu cầu vồng - Rainbow Bond được Ngân hàng Trung Quốc phát hành thành công đầu tiên tại châu Phi vào năm 2017)13; nghiệp vụ tiền mặt NDT (được Standard Group của Nam Phi thực hiện miễn phí ở nhiều quốc gia châu Phi)… 
 
2.2.3. Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) 
 
Để cùng nhau đối phó với những thách thức toàn cầu hóa kinh tế và tìm kiếm sự phát triển chung, theo sáng kiến chung của Trung Quốc và châu Phi, tháng 10/2000 FOCAC chính thức được thành lập. Sau hơn 20 năm phát triển, Diễn đàn đã trở thành một nền tảng quan trọng cho đối thoại tập thể Trung Quốc - châu Phi và một cơ chế hợp tác thực tế hiệu quả. Tính đến nay, Diễn đàn đã tổ chức 03 Hội nghị cấp cao (Hội nghị cấp cao Bắc Kinh tháng 11/2006, Hội nghị cấp cao Johannesburg tháng 12/2015 và Hội nghị cấp cao Bắc Kinh tháng 9/2018) và 07 Hội nghị cấp Bộ trưởng.
 
Để thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào châu Phi, Quỹ Phát triển Trung Quốc - châu Phi (CADFund) đã được thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh năm 2006. Tổng số tiền của quỹ đã dần đạt tới 10 tỉ USD (năm 2018), đây là quỹ đầu tư đầu tiên ở Trung Quốc tập trung đầu tư vào châu Phi. Tính đến tháng 02/2019, CADFund đã đầu tư tổng cộng 4,6 tỉ USD vào 92 dự án ở 36 quốc gia châu Phi, liên quan đến sản xuất thiết bị, cơ sở hạ tầng, năng lượng và khoáng sản, tài chính, nông nghiệp và sinh kế của người dân, tạo khoảng 1 triệu việc làm ở các nước châu Phi, thu thuế hơn 1 tỉ USD. Vào tháng 12/2015, tại Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg của FOCAC, Chủ tịch Trung Quốc đã tuyên bố thành lập Quỹ Hợp tác Năng lực Sản xuất Trung Quốc - châu Phi, với số vốn ban đầu là 10 tỉ USD. Tính đến cuối năm 2018, Quỹ đã phê duyệt 17 dự án đầu tư, với vốn đầu tư thực tế là 144,4 tỉ USD14.
 
Sau hơn 20 năm hoạt động của FOCAC, châu Phi đã trở thành thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn thứ ba của Trung Quốc và thị trường hợp tác kĩ thuật ra nước ngoài lớn thứ hai. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và châu Phi trong lĩnh vực năng lượng giúp đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc. Hợp tác năng lực sản xuất Trung Quốc - châu Phi cũng đã thúc đẩy việc chuyển năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc sang châu Phi.
 
Trung Quốc khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mở rộng và tối ưu hóa đầu tư vào châu Phi, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cho các dự án đủ điều kiện. Có thể thấy nguồn tài chính đầu tư cho châu Phi của Trung Quốc đến từ các quỹ của Chính phủ hoặc một lần nữa thông qua CDB. Tuy nhiên, về cơ chế có sự khác biệt so với hoạt động của CDB trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Cụ thể, nếu như tại dự án thực hiện chiến lược “Vành đai và Con đường”, CDB trực tiếp thẩm định và cấp vốn cho các dự án, thì tại FOCAC, CDB thực hiện thông qua dự án tín dụng trị giá 100 triệu USD mà CDB cấp cho Afreximbank, một tổ chức tài chính đa phương ở châu Phi được thành lập năm 1993 với hoạt động kinh doanh bao trùm toàn bộ lục địa châu Phi. Số vốn vay này được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp ở Nigeria, Tanzania và các quốc gia liên quan khác thực hiện các hoạt động sản xuất và thương mại xuất, nhập khẩu. Hợp tác tín dụng này với Afreximbank là một biện pháp cụ thể của CDB để thực hiện 09 dự án mà Trung Quốc đưa ra trong FOCAC năm 202115. Kể từ năm 2009, CDB đã 07 lần tiến hành hợp tác tín dụng với Afreximbank, với tổng số tiền cho vay là 800 triệu USD. Đồng thời, Quỹ Phát triển Trung Quốc - châu Phi, một công ty con của CDB đã đầu tư hơn 6,6 tỉ USD vào 39 quốc gia châu Phi, thúc đẩy các công ty Trung Quốc đầu tư và tài trợ hơn 31 tỉ USD vào châu Phi16.
 
Đối với hoạt động thương mại Trung Quốc - châu Phi, hệ thống ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian hỗ trợ thực hiện thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, theo cam kết từ Chính phủ nước này năm 2021, với mục tiêu hỗ trợ gia tăng giá trị các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc, trong nỗ lực làm giảm thâm hụt thương mại từ Trung Quốc, các NHTM đã cung cấp thêm nguồn tài chính cho tài trợ thương mại lên đến 10 tỉ USD. Theo đó, China Eximbank, một trong số ngân hàng theo mô hình tài trợ xuất, nhập khẩu có tổng tài sản lớn nhất thế giới, được ủy quyền thực hiện cung cấp sản phẩm tài trợ thương mại cho hoạt động xuất, nhập khẩu Trung Quốc - châu Phi17
 
2.3. Sự tham gia của Trung Quốc vào các tổ chức tài chính phát triển đa phương tại châu Phi
 
Trung Quốc đã tham gia các tổ chức tài chính phát triển đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Phi, NHTM và Phát triển Đông và Nam Phi và Ngân hàng Phát triển Tây Phi. Để trở thành thành viên và có tầm ảnh hưởng tại các tổ chức tài chính phát triển đa phương khu vực châu Phi nêu trên, Trung Quốc đã không chỉ góp vốn để trở thành thành viên chính thức, mà còn tham gia với tư cách nhà tài trợ quan trọng, cam kết cung cấp nguồn tài trợ lớn cho các tổ chức này, chẳng hạn mức cam kết của Trung Quốc tại Quỹ Phát triển châu Phi thuộc Ngân hàng Phát triển châu Phi lên đến 996 triệu USD. 
 
3. Một số thành công nổi bật của các ngân hàng Trung Quốc trong thời gian qua tại châu Phi
 
Về mục tiêu, có thể thấy, các ngân hàng Trung Quốc, chủ yếu là ngân hàng chính sách (CDB, China Eximbank)  hoặc các ngân hàng lớn nhất có cổ phần chi phối của Nhà nước, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, nhận được hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ Trung Quốc để triển khai các sáng kiến, chiến lược toàn cầu của Trung Quốc đã và đang tăng cường các hoạt động tại các quốc gia châu Phi. 
 
Về hình thức, có 02 hình thức thiết lập hiện diện của ngân hàng Trung Quốc tại châu Phi: (1) Hiện diện trực tiếp dưới hình thức chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (2) Tham gia gián tiếp với vai trò cổ đông chiến lược tại các ngân hàng lớn của châu Phi. Đối với hình thức trực tiếp, mặc dù các ngân hàng Trung Quốc đều là ngân hàng có vốn Nhà nước lớn, quy mô tổng tài sản lớn trên thế giới, song do chi phí vận hành và duy trì khá cao, không phải quốc gia nào cũng được Trung Quốc ưu tiên lựa chọn thiết lập hiện diện trực tiếp. Đối với hình thức gián tiếp, ngân hàng Trung Quốc ưu tiên hợp tác với các ngân hàng lớn tại nước sở tại và đã xây dựng một mạng lưới các ngân hàng của Trung Quốc (CDB, ICBC, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc…) liên kết với các ngân hàng lớn của châu Phi, chủ yếu là các ngân hàng liên Phi, là các ngân hàng địa phương song có mạng lưới chi nhánh lớn, bao phủ rộng khắp châu Phi như Standard Bank, Attijariwafa, Afreximbank… để mở rộng khả năng cung ứng dịch vụ cho khách hàng tại các nước trong khu vực châu Phi.
 
Ở góc độ các cơ quan quản lí, các ngân hàng trung ương của các nước châu Phi cũng đang tích cực tham gia quá trình thúc đẩy sáng kiến quốc tế hóa đồng NDT do Trung Quốc khởi xướng với việc mở rộng các thỏa thuận thanh toán và hoán đổi nội tệ nhằm mục tiêu tiếp cận nguồn tài chính ổn định hơn từ Trung Quốc, tránh sự phụ thuộc vào các đồng tiền mạnh khác. Đồng hành với các cơ quan quản lí, các NHTM từ 19 nước của khu vực đã tham gia gián tiếp vào CIPS để thúc đẩy quá trình thanh/quyết toán sử dụng NDT.
 
4. Một số bài học kinh nghiệm về việc sử dụng ngân hàng như một công cụ thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế với khu vực châu Phi
 
Giống như Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia châu Phi cũng có lịch sử hỗ trợ trong đấu tranh, giải phóng dân tộc nên có sự tin tưởng sâu sắc về chính trị, góp phần liên kết chặt chẽ hơn trong quan hệ Việt Nam và châu Phi vì một cộng đồng có tương lai chung và cùng đồng hành phát triển kinh tế. Hơn thế, Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi đều là các quốc gia đang phát triển, nên đều có nhu cầu tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, điều hành và hỗ trợ kĩ thuật lẫn nhau trong phát triển. Đối với lĩnh vực ngân hàng, một lĩnh vực được coi là trung gian, hỗ trợ, việc thúc đẩy hợp tác cần được đặt trong tổng thể về mức độ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Từ bài học về vai trò của ngân hàng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế (thương mại, đầu tư) của Trung Quốc và các quốc gia châu Phi, một số kinh nghiệm được rút ra cho Việt Nam như sau:
 
Thứ nhất, cần định vị về vai trò của hệ thống ngân hàng trong xây dựng các nội dung hợp tác trước mắt, trong tương quan với việc thực thi nội dung hợp tác ngân hàng trong chiến lược trung và dài hạn thúc đẩy thương mại đầu tư với khu vực châu Phi. 
 
Cụ thể:
 
Đối với các quốc gia châu Phi mà Việt Nam ưu tiên phát triển hoạt động thương mại, hệ thống ngân hàng chỉ nên đóng vai trò làm trung gian hỗ trợ thanh toán xuất, nhập khẩu quốc tế và việc phát triển các quan hệ đại lí thanh toán là cần thiết với hệ thống ngân hàng các quốc gia này. 
 
Đối với các quốc gia có tin cậy chính trị cao và Việt Nam có hoạt động đầu tư trực tiếp, cần tính toán đến khả năng thành lập hiện diện của các NHTM tại đây. Bài học về sự tham gia của hệ thống ngân hàng Trung Quốc tại các quốc gia châu Phi mà Trung Quốc có hoạt động đầu tư lớn cho thấy có hai hình thức tham gia, là hiện diện trực tiếp dưới hình thức chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng Trung Quốc 100% vốn hoặc tham gia gián tiếp với vai trò cổ đông chiến lược tại các ngân hàng lớn của châu Phi, đặc biệt là các PAB, ngân hàng bản địa có mạng lưới rộng khắp nhiều quốc gia châu Phi. Với tiềm lực vốn còn khá hạn chế như các ngân hàng Việt Nam, việc mở hiện diện, nhất là hiện diện trực tiếp cần được tính toán kĩ lưỡng về bài toán chi phí, bởi khác biệt về pháp lí, tập quán kinh doanh dẫn tới chi phí vận hành và tuân thủ khi mở hiện diện có thể là rất lớn. Việt Nam có thể cân nhắc việc tham gia hợp tác với các ngân hàng có uy tín tại nước sở tại, đặc biệt là các PAB để tìm kiếm khả năng thâm nhập thị trường và tận dụng mạng lưới sẵn có của các ngân hàng này tại khu vực.
 
Thứ hai, về địa bàn phát triển các nghiệp vụ tài chính - ngân hàng, Trung Quốc chủ yếu mở rộng nghiệp vụ tài chính tại những nước ở châu Phi có thương mại và đầu tư của Trung Quốc tương đối phát triển như Nam Phi, Nigeria, Angola, Ai Cập và Congo (Kinshasa)… Vì vậy, Việt Nam cũng cần chọn lựa các quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư thật sự phát triển hoặc các quốc gia cửa ngõ, trung tâm tài chính giúp kết nối với châu Phi để tích cực thúc đẩy phát triển hợp tác ngân hàng. 
 
Thứ ba, cần có sự định hướng của Chính phủ và hợp tác đồng hành chặt chẽ giữa ngân hàng, doanh nghiệp trong tìm kiếm cơ hội đầu tư tại khu vực châu Phi. Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp của mình mở rộng đầu tư, thương mại vào châu Phi thông qua việc cung cấp hỗ trợ tài chính và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cho các dự án, cho doanh  nghiệp. Vì vậy, các ngân hàng Việt Nam cũng cần những hỗ trợ tương tự từ Chính phủ để mở rộng hoạt động, đồng hành cùng doanh nghiệp khai phá các thị trường mới mẻ này.
 

1 Mạng Tổng cục Thống kê Trung Quốc.
2 www.sais-cari.org  
3 http://www.cidca.gov.cn/2021-11/26/c_1211463152.htm
4 http://www.cidca.gov.cn/2021-11/26/c_1211463152.htm
5 https://www.ide.go.jp/English/Data/Africa_file/Manualreport/cia_11.html  
6 Viện Nghiên cứu Bộ Thương mại Trung Quốc “Báo cáo quan hệ kinh tế - thương mại Trung Quốc - châu Phi”, http://www.focac.org/chn/zfgx/jmhz/202307/t20230706_11109378.htm
7 CDB, China Eximbank, ICBC, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.
8 Trong những năm gần đây, tồn tại xu hướng mở rộng nhanh chóng của các PAB tại châu Phi, với 07 PAB lớn, hiện diện ở khoảng 36 quốc gia châu Phi. Các PAB mở rộng hoạt động chủ yếu thông qua các công ty con, dưới hình thức mua lại các ngân hàng hiện có. Sự phát triển của PAB mang lại những cơ hội và lợi ích, bao gồm sự gia tăng hội nhập kinh tế ở châu Phi nói chung và đang góp phần nâng cao tính cạnh tranh, hỗ trợ tài chính toàn diện và tạo ra quy mô kinh tế lớn hơn. 
9 http://www.focac.org/zfgx/rwjl/202012/t20201216_7920871.htm 
10 Các dự án đã được thực hiện bao gồm đường sắt Addis Ababa-Djibouti, đường sắt Kenya Mombasa-Nairobi, quốc lộ Congo (Brazzaville) số 1, đường cao tốc Senegal Thies-Tuba, đường ven biển Gabon Gentil Port-Umbue và cầu Beauway, các dự án hiện đại hóa đường sắt Nigeria giai đoạn 1 và 2 đã được thực hiện… cảng đa chức năng Dohale của Djibouti và cảng container Lomé của Togo.
11 Được Chính phủ Trung Quốc thành lập tháng 12/2014 với tổng số vốn là 40 tỉ USD và 100 tỉ NDT 
12 CIPS là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới do PBoC phát triển nhằm cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ và thanh toán cho những người tham gia giao dịch và thanh toán bằng NDT xuyên biên giới. Trung Quốc đã khởi động CIPS từ năm 2015 trong một nỗ lực nhằm quốc tế hóa việc sử dụng NDT, đặc biệt giữa các quốc gia tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đồng thời giảm phụ thuộc vào USD đối với các giao dịch thanh toán quốc tế. CIPS đã có nhiều ngân hàng nước ngoài tham gia, bao gồm HSBC, Standard Chartered, DBS, Citi, ANZ và BNP Paribas. Nguồn số liệu Hợp tác Trung Quốc - châu Phi trong kỉ nguyên mới - Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc, http:en.cidca.gov.cn
13 https://www.sohu.com/a/251645584_481887 
14 http://www.focac.org/zfgx/rwjl/202012/t20201216_7920871.htm 
15 Tháng 11/2021, Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi lần thứ 8 đã được tổ chức thành công, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố tại lễ khai mạc rằng Trung Quốc và châu Phi cùng xây dựng “Tầm nhìn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi 2035”. Theo kế hoạch 3 năm đầu tiên trong tầm nhìn, Trung Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước châu Phi để cùng thực hiện 09 dự án bao gồm: 1/ Dự án sức khỏe và y tế, 2/ Dự án xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, 3/ Dự án xúc tiến thương mại, 4/ Dự án phát triển theo định hướng đầu tư, 5/ Dự án đổi mới kĩ thuật số, 6/ Dự án phát triển xanh, 7/ Dự án nâng cao năng lực, 8/ Dự án trao đổi văn hóa; 9/ Dự án hòa bình và an ninh, http://ne.mofcom.gov.cn/article/sqfb/202201/20220103237203.shtml 
16 https://www.yidaiyilu.gov.cn/p/325922.html 
17 https://www.brookings.edu/articles/focac-2021-chinas-retrenchment-from
-africa/
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. https://www.gov.cn/govweb/lianbo/bumen/202306/content_6889116.htm 
2. http://www.cidca.gov.cn/2021-11/26/c_1211463152.htm
3. http://www.focac.org/chn/zfgx/jmhz/202307/t20230706_11109378.htm 
4. http://www.focac.org/zfgx/rwjl/202012/t20201216_7920871.htm  
5. https://www.sohu.com/a/251645584_481887 
6. https://www.boc.cn/aboutboc/bi1/201810/t20181024_13968071.html 
7. https://www.icbc-ltd.com  
8. http://ne.mofcom.gov.cn/article/sqfb/202201/20220103237203.shtml 
9. https://www.yidaiyilu.gov.cn/p/325922.html 
10. Jian-Ye Wang (2007). “What Drives China’s Growing Role in Africa?” in Working paper of  International Monetary Fund. https://www.imf.org/external/pubs/ft/wp/2007/wp07211.pdf 
11. Bosshard, Peter (2007). “China’s Role in Financing African Infrastructure” International River Network http://www.irn.org 
12. Richard Schiere, Léonce Ndikumana and Peter Walkenhorst (2011). “China and Africa: An Emerging Partnership for Development?”. African Development Bank. https://www.afdb.org/fileadmin/uploads/afdb/Documents/Publications/Anglaischina.pdf 
13. Riaan Meyer, Abiodun Alao, Chris Alden and Ana Cristina Alves (2011). “Chinese Financial Institutions and Africa”. The South African Institute of International Affairs (SAIIA). https://saiia.org.za/wp-content/uploads/2011/12/Occasional-Paper-103.pdf 
14. JETRO. “The Role of China’s Financial Institutions - China in Africa” https://www.ide.go.jp/English/Data/Africa_file/Manualreport/cia_11.html 

TS. Phạm Bích Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam)
ThS. Đào Thúy Hằng, ThS. Trần Việt Liên (Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
16/04/2024 1.075 lượt xem
Chính sách tín dụng nông thôn (tín dụng nông thôn) ở Brazil là các chương trình cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, năng suất và đầu tư; nâng cao thu nhập của các trang trại và doanh nghiệp; nâng cao mức sống của người dân nông thôn.
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
04/04/2024 2.424 lượt xem
Bài viết phân tích, đánh giá một số kinh nghiệm quốc tế về cơ cấu thu NSNN bền vững thông qua bốn loại thuế, gồm: Thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện cơ cấu thu NSNN bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
21/03/2024 4.408 lượt xem
Hệ thống hưu trí là một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội với hai hệ thống hưu trí bắt buộc và hệ thống hưu trí tự nguyện. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp ở các nước trên thế giới rất quan trọng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
19/03/2024 9.634 lượt xem
Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, từ sản lượng công nghiệp đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế đều giảm.
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
07/03/2024 5.987 lượt xem
Những thay đổi về nhân khẩu học toàn cầu, đặc biệt là xu hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức và rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
03/03/2024 8.102 lượt xem
Sau gần hai năm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và đưa lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ về gần lạm phát mục tiêu là 2%, trong năm 2024, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những thay đổi lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
15/02/2024 6.616 lượt xem
Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức thông qua chức năng cung cấp sự đảm bảo, tư vấn khách quan, chuyên sâu và theo định hướng rủi ro.
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
13/02/2024 6.599 lượt xem
Nhìn lại năm 2023, trên khắp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/2023, Mizuho đã hỗ trợ Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - Việt Nam tại Tokyo cùng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và các định chế tài chính khác.
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
26/01/2024 7.845 lượt xem
Sau những cú sốc mạnh trong năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định vào đầu năm 2023.
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
15/01/2024 8.280 lượt xem
Chuyển đổi số và sự bùng nổ công nghệ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của khách hàng và hoạt động kinh doanh. Xu hướng thay đổi này dẫn đến quá trình số hóa trong các lĩnh vực như sản xuất, chuỗi cung ứng, tài chính và các dịch vụ phụ trợ khác.
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
05/01/2024 9.051 lượt xem
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ sụp đổ của những ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng, điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính chất dễ đổ vỡ của ngân hàng. Việc một ngân hàng đổ vỡ thể hiện kỉ luật thị trường đối với những ngân hàng có hoạt động kinh doanh thiếu an toàn, lành mạnh nhưng lại tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng và người gửi tiền.
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
21/12/2023 10.508 lượt xem
Sự chuyển dịch nhanh chóng của hệ thống tiền tệ số toàn cầu đã khiến chính phủ các nước có phần lúng túng trong việc thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi chi tiêu và đầu tư của người dân.
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
16/11/2023 10.837 lượt xem
Bài viết khái quát quá trình triển khai huy động dòng vốn toàn cầu thông qua tiền mã hóa của Chính phủ Ukraine và Liên bang Nga; từ đó, đánh giá hiệu quả thực tiễn của việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán xuyên biên giới, nguy cơ sử dụng tiền mã hóa trong các hoạt động rửa tiền, khủng bố và đưa ra hàm ý cho Việt Nam.
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
06/11/2023 10.673 lượt xem
Hoạt động huy động vốn cộng đồng đã trở nên phổ biến sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phương thức này đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, hoạt động huy động vốn theo hình thức cổ phần (Equity - based Crowdfunding - ECF) là hình thức gọi vốn được các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất ưa chuộng. Với ECF, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ cộng đồng thông qua một nền tảng trên Internet.
Phát triển ngân hàng hợp kênh: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam
Phát triển ngân hàng hợp kênh: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam
20/10/2023 11.397 lượt xem
Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và việc sử dụng ngày càng nhiều điện thoại thông minh và máy tính bảng, xu hướng hợp kênh đã dần trở nên quan trọng đối với tập hợp đa dạng các dịch vụ ngân hàng. Hoạt động ngân hàng hợp kênh cung cấp đường dẫn đến các dịch vụ tài chính, ngân hàng thông qua nhiều kênh khác nhau (như chi nhánh ngân hàng, ATM, tổng đài điện thoại, eBanking, Internet Banking và Mobile Banking) một cách hợp nhất dựa trên ý tưởng “mọi thứ đều có thể được làm trên mọi kênh”.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?