Hối phiếu đòi nợ theo thuật ngữ tiếng Anh là Bill of Exchange hoặc Draft.
Kinh tế hàng hóa, thương mại nội địa và quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, các thương nhân thường gặp khó khăn trong việc thanh toán ngay tiền hàng có giá trị lớn. Để khắc phục hạn chế khả năng thanh toán ngay, thúc đẩy mua bán hàng hóa trên thị trường, mở rộng thị phần và đứng vững trong cạnh tranh thương mại, vào thế kỷ XII các thương nhân bắt đầu bán hàng trả chậm. Từ đó, hình thành tín dụng thương mại giữa các thương nhân với nhau.
Trong thời kỳ đầu, tín dụng thương mại được biểu hiện dưới hình thức văn bản nhận nợ. Trong đó, người mua tự nhận nợ và cam kết thanh toán cho người bán một số tiền nhất định, tại một địa điểm nhất định và tại một thời điểm xác định trong tương lai. Văn bản nhận nợ của người mua thực chất là lời hứa trả tiền, nên người ta gọi là hứa phiếu, trong đó, người mua là con nợ, người bán là chủ nợ.
Khi người bán cần vốn để sản xuất, kinh doanh, người bán có thể phát hành một hứa phiếu để mua chịu hoặc dùng hứa phiếu đang sở hữu để thanh toán cho người khác. Trong thực tiễn, người bán thường dùng hứa phiếu đang sở hữu để thanh toán cho người khác. Đây là tiền đề để hứa phiếu trở thành công cụ có tính lưu thông trên thị trường.
Tuy nhiên, những người thụ hưởng hứa phiếu vẫn lo ngại rằng, hứa phiếu là do con nợ viết ra nên mức độ tin cậy là không cao. Điều này hạn chế tính lưu thông của hứa phiếu và làm giảm vai trò của tín dụng thương mại như là công cụ thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa. Để khắc phục hạn chế của hứa phiếu, người ta đã thay đổi phương thức nhận nợ trong mua bán trả chậm. Theo đó, người bán chủ động ký phát một hối phiếu và người mua ký chấp nhận trả nợ. Như vậy, hối phiếu bảo đảm thanh toán trước hết của con nợ và cuối cùng của chủ nợ. Do đó, hối phiếu có tính thanh khoản cao và đã dần trở thành công cụ thanh toán, lưu thông chủ yếu trong thanh toán nội địa và trong thanh toán quốc tề.
Để điều chỉnh các giao dịch về hối phiếu, Vương quốc Anh đã ban hành Luật Hối phiếu Anh năm 1882 (Bill of Exchange Act of 1882 - BEA). Các nước châu Âu khác đã ký kết Công ước Geneva năm 1930 ban hành Luật thống nhất về hối phiếu (Uniform Law for Bills of Exchange - ULB). Năm 1962, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã ban hành những quy định về hối phiếu trong Luật Thương mại thống nhất (Uniform Commercial Code of 1992 - UCC).
Ngày nay, hối phiếu ngày càng phát triển và hoàn thiện cả về hình thức và nội dung cho phù hợp với sự phát triển kinh tế, thương mại và công nghệ trên thế giới. Hối phiếu đã dần thoát khỏi bản chất kinh tế ban đầu của nó là tín dụng thương mại và trở thành một loại giấy tờ có giá độc lập hoàn toàn với giao dịch kinh tế sản sinh ra nó. Hối phiếu đã trở thành một loại giấy tờ có giá được chuyển nhượng trong quan hệ tín dụng thương mại và chiết khấu, cầm cố, thế chấp trong quan hệ tín dụng ngân hàng, là phương tiện thanh toán trong các giao dịch khác.
Hối phiếu được pháp luật Việt Nam ghi nhận lần đầu trong Pháp lệnh Thương phiếu năm 1999. Theo khoản 2 Điều 3 của Pháp lệnh Thương phiếu năm 1999, hối phiếu là chứng chỉ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào thời gian nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.
Quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu đòi hỏi Việt Nam phải có một khuôn khổ pháp luật về hối phiếu cho phù hợp với thực tiễn phát triển và phù hợp với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế về hối phiếu. Ngày 29/11/2005, Quốc hội đã thông qua Luật Các công cụ chuyển nhượng điều chỉnh các quan hệ công cụ chuyển nhượng trong việc phát hành, chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, truy đòi, khởi kiện. Công cụ chuyển nhượng trong Luật này gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác, trừ công cụ nợ dài hạn được tổ chức phát hành nhằm huy động vốn trên thị trường. Theo khoản 2 Điều 4 Luật Các công cụ chuyển nhượng, hối phiếu đòi nợ là giấy tờ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng. Nội dung của hối phiếu đòi nợ gồm: cụm từ “hối phiếu đòi nợ” được ghi trên mặt trước của hối phiếu đòi nợ; yêu cầu thanh toán không điều kiện một số tiền xác định; thời hạn thanh toán; địa điểm thanh toán; tên tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân của người thụ hưởng được người ký phát chỉ định hoặc yêu cầu thanh toán hối phiếu đòi nợ cho người cầm giữ; địa điểm và ngày ký phát; tên tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân, địa chỉ và chữ ký của người ký phát.
Hối phiếu đòi nợ không có giá trị nếu thiếu một trong các nội dung trên, trừ các trường hợp sau: thời hạn thanh toán không được ghi trên hối phiếu đòi nợ thì hối phiếu đòi nợ sẽ được thanh toán ngay khi xuất trình; địa điểm thanh toán không được ghi trên hối phiếu đòi nợ thì hối phiếu đòi nợ sẽ được thanh toán tại địa chỉ của người bị ký phát; khi số tiền trên hối phiếu đòi nợ được ghi bằng số khác với số tiền ghi bằng chữ thì số tiền ghi bằng chữ có giá trị thanh toán. Trong trường hợp số tiền trên hối phiếu đòi nợ được ghi hai lần trở lên bằng chữ hoặc bằng số và có sự khác nhau thì số có giá trị nhỏ nhất được ghi bằng chữ có giá trị thanh toán.
Hối phiếu đòi nợ có tính đặc thù riêng. Đó là, hối phiếu đòi nợ độc lập, không phụ thuộc vào giao dịch cơ sở phát hành hối phiếu đòi nợ. Hơn nữa, hối phiếu đòi nợ là một loại giấy tờ có giá. Theo quy định tại khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Vì vậy, các chủ thể tham gia vào quan hệ hối phiếu đòi nợ trong việc phát hành, chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, truy đòi, khởi kiện phải tuân thủ các quy định của Luật Các công cụ chuyển nhượng. Khi hối phiếu đòi nợ được xác định có giá trị theo quy định của Luật Các công cụ chuyển nhượng thì những người tham gia vào quan hệ hối phiếu đòi nợ cần phải tuân thủ và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình theo những nội dung quy định trong hối phiếu đòi nợ.
Trong thực tiễn, có những chủ thể tham gia vào quan hệ hối phiếu đòi nợ đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình làm phát sinh những tranh chấp. Trong quá trình xét xử vụ kiện hối phiếu đòi nợ, có trường hợp người phán xử có quan điểm chủ quan, phiến diện, nhìn nhận hối phiếu đòi nợ không những không đúng với bản chất của nó là giấy tờ có giá mà còn cho rằng, hối phiếu đòi nợ là thỏa thuận dân sự thông thường. Từ đó, đưa ra phán quyết mang tính chủ quan, lệch lạc, trái ngược với những nội dung đã được quy định trong hối phiếu đòi nợ, mặc dù hối phiếu đòi nợ đã có giá trị theo quy định của pháp luật.
Hối phiếu đòi nợ được phát hành trên cơ sở giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, cho vay giữa các tổ chức, cá nhân với nhau. Nhưng hối phiếu đòi nợ lại độc lập, không phụ thuộc vào giao dịch cơ sở phát hành. Mặt khác, hối phiếu đòi nợ là giấy tờ có giá. Các chủ thể tham gia vào các quan hệ hối phiếu đòi nợ trong việc phát hành, chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mình theo những nội dung quy định trong hối phiếu đòi nợ. Những người giải quyết các tranh chấp về hối phiếu đòi nợ cần xác định rõ bản chất của hối phiếu đòi nợ, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào các quan hệ hối phiếu đòi nợ để đưa ra phán quyết buộc người bị kiện phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng những nội dung đã được quy định trong hối phiếu đòi nợ nhằm thực thi đúng quy định của Luật Các công cụ chuyển nhượng nói chung và hối phiếu đòi nợ nói riêng. Như vậy, hối phiếu đòi nợ mới thực của sự trở thành công cụ lưu thông trên thị trường có tính thanh khoản cao, thúc đẩy phát triển tín dụng thương mại, góp phần đẩy mạnh mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trong nền kinh tế.
Vũ Thế Vậc - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN