Tóm tắt: Thương mại điện tử đang trở thành cơ hội mới cho nhiều doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19. Nếu như trước đây, thương mại điện tử vẫn còn khá xa lạ với người dân thì hiện nay hoạt động này đã trở nên phổ biến. Chính bối cảnh dịch bệnh đã khiến cho hành vi tiêu dùng và hoạt động thương mại điện tử thay đổi một cách nhanh chóng. Điều này đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì hoạt động thương mại điện tử cũng đối mặt với không ít những thách thức đặt ra cần phải tháo gỡ. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá những tác động chung của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động thương mại điện tử; từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động này trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Thương mại điện tử, Covid-19, Việt Nam.
E-COMMERCE ACTIVITIES IN THE CONTEXT OF POST COVID-19 PANDEMIC IN VIETNAM
Abstract: E-commerce is becoming a new opportunity for many businesses after the Covid-19 pandemic. If in the past, e-commerce was still quite strange to the people, now these activities have become popular. It is the context of the epidemic that has caused consumer behavior and e-commerce activities to change rapidly and this has contributed to the promotion of the e-commerce sector and the digital economy to develop strongly. However, in addition to the positive impacts, e-commerce also faces many challenges that need to be removed in the context of the Covid-19 pandemic. From there, the article focuses on analyzing and assessing the overall impacts of the Covid-19 pandemic on e-commerce activities and thereby offering a number of solutions to contribute to improving the efficiency of these activities in the current context.
Keywords: E-commerce, Covid-19, Vietnam.
1. Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát kéo dài đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong hoạt động thương mại điện tử, dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động nhất định thông qua các phương diện sau:
Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 tác động đến thói quen của người tiêu dùng. Nếu như trước đây, thời điểm chưa bùng phát đại dịch, người tiêu dùng có thói quen mua sắm trực tiếp thì nay người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến. Lý giải cho sự thay đổi này xuất phát từ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và người dân phải thực hiện phong tỏa, giãn cách để phòng ngừa dịch bệnh, không thể tự mình trực tiếp đi mua sắm các nhu yếu phẩm, hàng hóa cá nhân. Do vậy, người tiêu dùng đã chuyển hướng sang mua sắm trực tuyến, chỉ cần tải ứng dụng, tạo một tài khoản và bắt đầu thực hiện tiêu dùng. Theo khảo sát gần đây nhất, trong quý I/2022, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với hơn 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị, tỷ lệ người tiêu dùng thương mại điện tử có xu hướng tăng cao, với 97% người tiêu dùng vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai1. Từ đó, có thể thấy rằng, tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến đã có những chuyển biến tích cực, tạo động lực thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử trong thời gian tới.
Thứ hai, dịch bệnh Covid-19 tác động tới các doanh nghiệp2. Cụ thể, các doanh nghiệp tăng cường làm việc online tại nhà để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và bản thân nhân viên, đồng thời, đảm bảo hoạt động kinh doanh được thực hiện hiệu quả. Điều này đã dẫn đến nhiều giải pháp điều hành doanh nghiệp từ xa được áp dụng. Theo khảo sát, có tới 67% doanh nghiệp yêu cầu hơn một nửa nhân viên của mình làm việc trực tuyến trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19, 18% doanh nghiệp yêu cầu từ 21% - 50% nhân viên làm việc trực tuyến. Từ số liệu này có thể thấy rằng, đa số các doanh nghiệp hoạt động đều ưu tiên lựa chọn hình thức làm việc trực tuyến trong giai đoạn bùng phát dịch. Chính vì điều này mà nhiều ứng dụng công nghệ đã được lựa chọn để phục vụ cho công việc, cụ thể, có tới 87% doanh nghiệp lựa chọn Facebook, Google, Zalo, Skype, Viber, WhatsApp, Email để làm công cụ tương tác nội bộ; trong khi đó, số ít các doanh nghiệp (21%) lại lựa chọn cách thức là thuê hệ thống hỗ trợ làm việc online chuyên nghiệp thay vì các ứng dụng kể trên. Từ số liệu trên, có thể thấy rằng, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động lựa chọn giải pháp ban đầu với mục đích nhằm cắt giảm chi phí, đặc biệt là trong điều kiện khó khăn tài chính như hiện nay.
Thứ ba, tăng trưởng khả quan. Theo Báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34% tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD3. Về doanh thu4, 10% doanh nghiệp cho biết, doanh thu năm 2020 tăng bất chấp dịch bệnh, trong khi đó, 50% doanh nghiệp bị giảm và 40% có doanh thu hầu như không thay đổi. Xu hướng các doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử ngày càng tăng, đặc biệt là sau dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã tận dụng cơ hội trong dịch bệnh để tăng doanh thu, đặc biệt là các lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến, dịch vụ gọi xe và đồ ăn công nghệ, đây là những lĩnh vực mà nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao trong bối cảnh giãn cách khi không thể đi lại và mua sắm trực tiếp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động thương mại điện tử ở nước ta vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể:
Một là, những lo ngại của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến. Theo khảo sát gần đây5 thì nhiều trở ngại đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến, cụ thể, lo ngại liên quan về giá cả hàng hóa (44%), chất lượng hàng hóa kém hơn so với quảng cáo (42%); thông tin cá nhân bị tiết lộ (33%); vận chuyển và giao nhận không đảm bảo (25%); dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (22%); 19% liên quan đến việc thanh toán phức tạp (19%); website/ứng dụng không chuyên nghiệp (14%); việc đặt hàng trực tuyến rắc rối (13%). Chính vì vậy, mức độ hài lòng của người tiêu dùng khi thực hiện khảo sát này đã giảm từ 55% (năm 2019) còn 40% (năm 2020). Tuy tỷ lệ mua sắm trực tuyến ngày càng tăng trong và sau dịch bệnh nhưng chất lượng, sự tin tưởng và mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với hoạt động thương mại điện tử lại giảm đi. Điều này đặt ra thách thức cho những doanh nghiệp thương mại điện tử phải nhanh chóng thay đổi và khắc phục những hạn chế để phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà thương mại điện tử ngày càng có vị trí quan trọng trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Hai là, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải đối diện với những rắc rối mới khi làm việc trực tuyến tại nhà. Cụ thể, phương pháp làm việc trực tuyến này tương đối mới và ít có thời gian thử nghiệm nên đa số các doanh nghiệp nhận thấy, hiệu quả công việc không thay đổi hoặc giảm so với phương pháp làm việc tại văn phòng. Theo khảo sát, có 13% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết phương pháp làm việc trực tuyến đem lại hiệu quả cao hơn; trong khi đó, có tới 44% doanh nghiệp cho biết hiệu quả làm việc hầu như không thay đổi, 44% doanh nghiệp cho biết hiệu quả làm việc giảm6. Nguyên nhân của hạn chế này xuất phát từ thực tế các doanh nghiệp thương mại điện tử không có thời gian để tiếp cận và thay đổi phương thức hoạt động, hoặc có thay đổi nhưng chất lượng chưa ổn định vì dịch bệnh bùng phát nhanh chóng và kéo dài. Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp có lao động chuyên trách về thương mại điện tử trong năm 2020 lại giảm nhiều so với các năm trước, một phần cũng do tác động lớn của dịch bệnh và áp lực về tài chính nên việc cắt giảm biên chế và kiêm nhiệm nhiều vai trò được các công ty vận dụng triển khai để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn7. Chính vì điều đó đã khiến cho việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực gặp nhiều hạn chế và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại điện tử đến người tiêu dùng.
Ba là, chỉ số thương mại điện tử giữa các địa phương có sự chênh lệch. Theo khảo sát, hiện nay hoạt động thương mại điện tử chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, còn đối với các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nam Bộ thì có mức độ phát triển thương mại điện tử thấp nhất8. Có thể thấy rằng, các địa phương chưa khai thác được những cơ hội do thương mại điện tử mang lại, đồng thời các doanh nghiệp thương mại điện tử chậm mở rộng quy mô kinh doanh và tăng trưởng bền vững. Có nghĩa là, thương mại điện tử chỉ mới phát triển tập trung ở hai thành phố lớn, chưa có sự mở rộng sang các địa phương hoặc có mở rộng nhưng mức độ không mấy nổi bật.
2. Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử trong bối cảnh hậu Covid-19 tại Việt Nam
Để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hậu Covid-19, cần phải xem xét thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, giải quyết những lo ngại của người tiêu dùng khi thực hiện mua sắm thông qua thương mại điện tử. Cụ thể:
(i) Giá cả và chất lượng hàng hóa. Để cải thiện nỗi lo ngại này thì cần phải tăng cường trách nhiệm của người bán. Cụ thể, theo Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử thì đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên Website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu lầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng. Có nghĩa là, người bán cần cung cấp thông tin trung thực, chính xác về hàng hóa, dịch vụ, từ đó, khách hàng có được những thông tin cần thiết và đi đến quyết định chọn hay không chọn hàng hóa, dịch vụ đó. Người bán không được cung cấp những thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng để họ hiểu sai về đặc tính, công dụng của hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, thông tin về hàng hóa công bố trên Website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện nhãn hàng theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt. Ngoài ra, người tiêu dùng cần cẩn trọng tìm hiểu trước khi mua hàng hóa, dịch vụ. Thực tế không thể tránh khỏi những trường hợp vì quá tin vào lời quảng cáo mà người mua phải “đắng lòng” khi mua phải hàng hóa kém chất lượng, không đúng với mục đích, nhu cầu sử dụng. Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của bên bán thì người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm trong việc nhìn nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ thông qua thông tin các bài quảng cáo.
(ii) Bảo mật thông tin khách hàng. Hiện nay, an ninh mạng và bảo mật thông tin cá nhân trong các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam được xem là vấn đề nan giải cho các nhà quản lý doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước9. Vì vậy, để việc bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử được thực hiện hiệu quả thì khuôn khổ pháp lý phải được quy định rõ ràng và hoàn thiện. Tuy nhiên, điều này lại không hề dễ dàng bởi thực tế mặc dù đã có quy định về Luật An ninh mạng năm 2018, nhưng trong văn bản quy phạm pháp luật này lại không đề cập nhiều quy định liên quan về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân đối với đối tượng cụ thể là người tiêu dùng khi tham gia vào thương mại điện tử. Vì vậy, trong thời gian đợi pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này thì trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng thuộc về cả người tiêu dùng và doanh nghiệp thương mại điện tử. Đối với người tiêu dùng, khi mua hàng thông qua thương mại điện tử cần phải nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của mình, chỉ cung cấp những thông tin thật sự cần thiết trong việc giao dịch, mua bán hàng hóa trên thương mại điện tử, đặc biệt, cần lựa chọn sàn thương mại điện tử uy tín, minh bạch trong việc bảo mật thông tin của khách hàng. Đối với doanh nghiệp thương mại điện tử, cần xây dựng hệ thống bảo mật thông tin khách hàng an toàn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hạn chế việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp những không tin không thật sự cần thiết khi họ mua sắm hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử.
(iii) Cải thiện vận chuyển và giao nhận hàng hóa. Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn và mất thời gian. Sau thời gian thực hiện giãn cách, để việc thực hiện giao nhận hàng hóa có hiệu quả thì doanh nghiệp chuyển phát, giao nhận cần đẩy nhanh tiến độ, phân luồng hàng hóa để kịp thời giao cho khách hàng, đặc biệt là ưu tiên đối với những hàng hóa, dịch vụ đã được giao dịch sớm.
(iv) Khuyến khích người tiêu dùng thanh toán bằng hình thức trực tuyến. Thực tế hiện nay, đa phần khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn thanh toán tiền mặt khi nhận hàng.
Cụ thể, theo một khảo sát, tỷ lệ người mua hàng trực tuyến thanh toán tiền mặt mặc dù đã giảm từ 91% vào tháng 4/2020 xuống còn 84% vào tháng 10/2021
10 nhưng nhìn một cách tổng thể thì tỷ lệ này vẫn chiếm đa số trong các hình thức được ưu tiên lựa chọn. Có thể thấy rằng, thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người tiêu dùng vẫn còn hiện hữu mặc dù
tỷ lệ thanh toán bằng các hình thức điện tử, thẻ tín dụng đã có sự tăng mạnh trong bối cảnh hậu Covid-19. Xu hướng hiện nay là sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phổ biến nên việc thay đổi hình thức thanh toán là điều tất yếu, quan trọng là việc áp dụng sớm hay muộn. Vì vậy, để thúc đẩy việc thay đổi này thì người bán hàng cần khuyến khích người mua thanh toán điện tử bằng việc khuyến mại, miễn phí vận chuyển khi người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả làm việc của doanh nghiệp thương mại điện tử. Vì tính chất làm việc tại nhà nên trong thời gian dịch bệnh, hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ lẻ tự phát, chưa có sự bài bản trong khâu tổ chức, quản lý nhân sự. Chính điều này đã khiến cho khả năng hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế. Để khắc phục thì doanh nghiệp thương mại điện tử cần chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn về thương mại điện tử. Trong bối cảnh hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn lao động để làm việc, đây là một thách thức mới mà các doanh nghiệp cần tháo gỡ. Trước mắt, các doanh nghiệp cần duy trì ổn định chất lượng và số lượng người lao động hiện tại, đồng thời tuyển dụng thêm nguồn lao động mới, đặc biệt là người lao động chuyên về công nghệ thông tin, bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Thứ ba, cải thiện chỉ số thương mại điện tử giữa các địa phương. Như đã đề cập, hiện nay, chỉ số thương mại điện tử giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn. Điều này cho thấy rằng, nhiều địa phương vẫn chưa khai thác được những cơ hội do thương mại điện tử mang lại trong khi thương mại điện tử ngày càng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Vì vậy, để cải thiện chỉ số thương mại điện tử giữa các địa phương thì cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần phối hợp với nhau để đưa ra các chính sách đúng đắn và phù hợp.
Kết luận
Thương mại điện tử ngày càng giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế số hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19. Do đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần tích cực thay đổi để khắc phục những hạn chế, vượt qua thách thức nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần có các chính sách phù hợp nhằm tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Tài liệu tham khảo:
1. Tú Ân (2022), “Nương tựa” thương mại điện tử, Đầu tư thị trường chứng khoán, truy cập ngày 29/06/2022, <https://www.tinnhanhchungkhoan. vn/nuong-tua-thuong-mai-dien-tu-post298008.html#:~:text=Trong%20qu% C3%BD%20I%2F2022%2C%20Vi%E1%BB%87t,s%E1%BB%AD%20d%E1%BB%A5ng%20trong%20t%C6%B0%C6%A1ng%20lai>.
2. Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, (2021), Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021.
3. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), (2021), Việt Nam thương mại điện tử tăng tốc sau đại dịch Covid-19.
4. Hiệp hội Thương mại điện tử (2021), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2021 tăng trưởng vững chắc.
5. Dương Ngọc Hồng (2020), “Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính Online, truy cập ngày 02/05/2022, <https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thuong-mai-dien-tu-trong-phat-trien-kinh-te-tai-viet-nam-330340.html>.
6. Phúc Minh (2021), Thanh toán không dùng tiền mặc vì sao vẫn khó, VnEconomy, truy cập ngày 29/06/2022, < https://vneconomy.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-vi-sao-van-kho.htm>
2 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) (2021), Việt Nam thương mại điện tử tăng tốc sau dịch bệnh Covid-19, tr.3.
3Hiệp hội Thương mại điện tử (2021), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2021 tăng trường vững chắc, tr.10.
4Hiệp hội Thương mại điện tử (2021), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2021 tăng trường vững chắc, tr.11.
5Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (2021), Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021, tr.39.
6Hiệp hội Thương mại điện tử (2021), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2021 tăng trường vững chắc, tr.4.
7 Hiệp hội Thương mại điện tử (2021), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2021 tăng trường vững chắc, tr.25.
8 Hiệp hội Thương mại điện tử (2021), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2021 tăng trường vững chắc, tr.15 – 16.
9 Dương Ngọc Hồng (2020), “Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính Online, truy cập ngày 02/05/2022, <https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thuong-mai-dien-tu-trong-phat-trien-kinh-te-tai-viet-nam-330340.html>.
10 Phúc Minh (2021), Thanh toán không dùng tiền mặc vì sao vẫn khó, VnEconomy, truy cập ngày 29/06/2022, < https://vneconomy.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-vi-sao-van-kho.htm>
ThS. Trần Linh Huân - ThS. Huỳnh Minh Phương
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh