Thương mại biên giới giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới trong những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ và dần trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh biên giới; trong đó, tuyến biên giới Việt - Trung chiếm khoảng 85% tổng kim ngạch thương mại biên giới.
Với quan hệ láng giềng lâu đời, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, đặc biệt là các chính sách thúc đẩy thương mại biên giới. Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục giữ vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng mạnh, chiếm khoảng trên 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng cùng với quy mô hoạt động thương mại song phương, chiếm tỷ lệ từ 9 - 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước.
Một trong những chính sách quan trọng hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới được triển khai thực hiện tích cực trong thời gian qua đó là hoạt động thanh toán. Đây là hoạt động không thể thiếu đối với thương mại nói chung và thương mại biên giới nói riêng; chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn chủ động, tích cực trong công tác quản lý hoạt động thanh toán biên mậu nhằm mục đích phù hợp yêu cầu thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước.
1. Chính sách quản lý ngoại hối đối với thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc là chính sách cần thiết và hỗ trợ tích cực cho hoạt động thương mại biên giới, phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ
Hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc được Chính phủ hai nước quan tâm thúc đẩy trong nhiều năm qua, thông qua việc ký kết Hiệp định thương mại vùng biên năm 1998 và được thay thế bởi Hiệp định thương mại biên giới ký ngày 12/9/2016. Trong các hiệp định nói trên, đều có quy định về đồng tiền và phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Với yêu cầu phát triển đa dạng của hoạt động thương mại biên giới, ngày 23/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới, trong đó có quy định cụ thể về hoạt động thanh toán để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới nói chung và thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc nói riêng.
Với vai trò là hoạt động hỗ trợ cần thiết cho thương mại biên giới, các chính sách đối với hoạt động thanh toán biên mậu Việt - Trung ra đời rất sớm, song hành cùng các quy định của Đảng, Chính phủ về thương mại biên giới. Ngay từ năm 1993, NHNN và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ký kết Hiệp định thanh toán và hợp tác giữa ngân hàng trung ương hai nước và được sửa đổi, bổ sung năm 2003. Trên cơ sở quy định của Hiệp định thương mại biên giới, hiệp định thanh toán của hai nước, NHNN có Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 ban hành Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Phù hợp với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn đầu những năm 2000, các quy định tại Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN chỉ mới nhằm hướng dẫn thanh toán đối với các thương nhân có hoạt động thương mại qua biên giới. Ngày 23/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới với nhiều nội dung, trong đó có quy định cụ thể hơn các hình thức thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, không chỉ bao gồm việc mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân mà còn bao gồm mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới. Tại Nghị định 14, Chính phủ giao trách nhiệm cho NHNN trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện về thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới.
Đồng thời, sau một thời gian dài thực hiện, với sự phát triển không ngừng của hoạt động thương mại hai nước Việt - Trung cũng như sự phát triển của thương mại biên giới vùng biên, các quy định tại Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN đã phát sinh một số vướng mắc không đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới. Vì vậy, ngày 28/8/2018, NHNN đã ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Các quy định trong Thông tư số 19 đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tình hình mới, góp phần thúc đẩy thanh toán biên mậu, tạo thuận lợi cho người dân hai nước trong việc giao thương, đồng thời thực hiện tốt hơn việc quản lý nhà nước về ngoại hối, tạo sự đồng bộ với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối hiện nay.
Là cơ chế đặc thù áp dụng cho hoạt động thương mại biên giới, do đó, quy định về hoạt động thanh toán biên mậu Việt - Trung hiện nay điều chỉnh các hoạt động thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới của thương nhân; mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại chợ biên giới tại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đối tượng được thực hiện bao gồm thương nhân, cư dân biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đồng tiền sử dụng trong thanh toán, ngoài đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi, còn được sử dụng đồng tiền của hai nước (VND, CNY). Phương thức thanh toán bao gồm ba hình thức: thanh toán qua ngân hàng; thanh toán phần chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu và phương thức thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, phương thức thanh toán bằng tiền mặt chỉ áp dụng cho một số trường hợp thương nhân Việt Nam có hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở gặp khó khăn trong thanh toán qua ngân hàng.
Quy định về hoạt động ủy thác thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ giữa các ngân hàng được phép và hoạt động thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong hệ thông ngân hàng được phép có chi nhánh ngân hàng biên giới đã tạo điều kiện cho phép các thương nhân có hoạt động thương mại biên giới có ký kết hợp đồng thanh toán bằng đồng tiền của hai nước được thông qua mạng lưới các ngân hàng thương mại có chi nhánh ở khu vực biên giới Việt - Trung để thực hiện thanh toán bằng Việt Nam đồng, Nhân dân tệ. Với nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng nông sản (vải, dưa hấu, nhãn…) của thương nhân Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng gia tăng, quy định này tạo hành lang pháp lý cụ thể cho thương nhân Việt Nam, tuy nhiên, cũng kiểm soát chặt chẽ được hoạt động thanh toán bằng đồng tiền của nước có chung biên giới thông qua việc tập trung thanh toán qua hệ thống ngân hàng, hạn chế tình trạng thanh toán bất hợp pháp, nhờ đó kiểm soát nguồn gốc tiền tệ và giúp giảm tình trạng thất thu thuế.
2. Hoạt động thanh toán biên mậu Việt - Trung đã đáp ứng thực tiễn phát triển thương mại vùng biên trong thời gian qua
Trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày càng sôi động, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng liên tục cùng với quy mô hoạt động thương mại song phương giữa hai nước, chiếm tỷ lệ từ 9 - 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước. Cùng với sự tăng trưởng tích cực của hoạt động thương mại biên giới, quy mô hoạt động thanh toán biên mậu cũng có sự phát triển tích cực. Phương thức, đồng tiền thanh toán đa dạng (qua ngân hàng, bù trừ thanh toán, tiền mặt; bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi, Việt Nam đồng, Nhân dân tệ), phù hợp với các loại hình thương mại của vùng biên như thương nhân hai nước thì chủ yếu thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, cư dân chủ yếu là hoạt động trao đổi, mua bán nhỏ lẻ với nhau; ngoài ra, còn hoạt động kinh doanh tại các chợ biên giới. Doanh số thanh toán biên mậu Việt - Trung tăng trưởng đều qua các năm, đạt hơn 93 tỷ USD vào năm 2017, trong đó doanh số thanh toán bằng đồng tiền của hai nước đạt khoảng 10% trên tổng doanh số thanh toán biên mậu giữa hai nước.
Góp phần phát triển hoạt động thanh toán thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc không thể thiếu sự đóng góp tích cực của mạng lưới ngân hàng thương mại. Với vai trò chức năng cung ứng dịch vụ thanh toán, trong thời gian qua, mạng lưới hoạt động của các ngân hàng thương mại tại khu vực biên giới cũng gia tăng và phát triển đáp ứng sự phát triển của thương mại biên giới và nhu cầu thanh toán của các tổ chức, cá nhân. Hiện nay, có 11 ngân hàng thương mại tham gia hoạt động thanh toán biên mậu thông qua các chi nhánh tại khu vực biên giới tiếp giáp Trung Quốc. Các ngân hàng thương mại của Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thanh toán biên mậu với khoảng 10 ngân hàng thương mại Trung Quốc như: Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Quế Lâm, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Kiến Thiết, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Vịnh Bắc Bộ, Ngân hàng Bưu điện, Hợp tác xã tín dụng nông thôn tỉnh Vân Nam - Trung Quốc… Các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực đổi mới, áp dụng công nghệ thanh toán hiện đại, tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Có thể nói, với việc áp dụng các chính sách cho hoạt động thanh toán biên mậu thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các chính sách của Trung ương và địa phương nhằm phát triển thương mại biên giới không những thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của người dân vùng biên giới mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ chế thanh toán biên mậu bằng đồng tiền của hai nước đã tiết kiệm một lượng ngoại tệ mạnh cho đất nước, từ đó giảm áp lực cung - cầu ngoại tệ, góp phần ổn định thị trường ngoại hối. Cơ chế thanh toán biên mậu cũng góp phần hỗ trợ công tác quản lý chống buôn lậu, hạn chế gian lận thương mại và thất thu thuế. Tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ngoại hối trên địa bàn các tỉnh biên giới; đóng góp tích cực cho sự phát triển của hoạt động thương mại biên giới.
3. Giải pháp phát huy hiệu quả chính sách quản lý ngoại hối đối với hoạt động thanh toán biên mậu Việt - Trung trong bối cảnh hiện nay
Với lợi thế đường biên giới giữa hai nước Việt - Trung khá dài, Chính phủ hai nước đã có chủ trương, định hướng phát triển kinh tế vùng biên giới từ nhiều thập niên qua. Chính phủ Việt Nam cũng xác định phát triển kinh tế biên mậu là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương các tỉnh biên giới Việt - Trung. Hoạt động thương mại biên giới được Chính phủ giao nhiều bộ, ngành liên quan quản lý theo chức năng, nhiệm vụ. Do đó, với thực trạng phát triển của thương mại biên giới cũng như hoạt động thanh toán biên mậu Việt - Trung hiện nay, cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ.
Chính vì vậy, đối với sự phát triển đồng bộ của thương mại biên giới, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển thương mại biên giới; tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và các lĩnh vực cần ưu tiên phát triển là thế mạnh của địa phương; đồng thời, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, quy hoạch…, đặc biệt là các địa bàn chậm phát triển như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu.
UBND các tỉnh biên giới Việt - Trung tùy tình hình và đặc điểm, ưu thế của từng địa bàn, chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các huyện, thị trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển giao thông, lưu thông hàng hóa; nghiên cứu quy hoạch xây dựng và phát triển chợ biên giới để thu hút phát triển các dịch vụ hỗ trợ, góp phần thúc đẩy giao thương. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành chức năng để kiểm tra, đảm bảo hoạt động thương mại và tiền tệ tại khu vực biên giới tuân thủ đúng các quy định pháp luật; đấu tranh ngăn ngừa các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; đồng thời, phối hợp với NHNN trên địa bàn thực hiện quản lý tốt thị trường ngoại hối, tiền tệ ở khu vực biên giới.
Trong hoạt động thanh toán, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khuyến khích nghiên cứu và mở rộng các sản phẩm phục vụ thanh toán biên mậu và tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp, từ đó gia tăng thị phần cung ứng dịch vụ thanh toán của các ngân hàng trên địa bàn; tăng cường triển khai nghiệp vụ ngân hàng điện tử phục vụ hoạt động thanh toán biên mậu để tăng tính linh hoạt cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước; đảm bảo thực hiện việc thanh toán, chuyển tiền cho khách hàng nhanh gọn, an toàn, tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, NHNN tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh biên giới thực hiện quản lý, hướng dẫn hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới theo chỉ đạo của Chính phủ. Mạng lưới ngân hàng trên địa bàn các tỉnh biên giới không ngừng được mở rộng, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phát triển đa dạng, đáp ứng linh hoạt nhu cầu các doanh nghiệp có hoạt động thương mại biên giới, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, tạo chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới.
Nguyễn Ngọc Cảnh
Nguồn: TCNH số 2+3/2019