(Chinhphu.vn) - Trong chưa đầy một tuần lễ, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tham dự những sự kiện quan trọng nhất của khu vực nhằm tái khẳng định sự coi trọng đối với quan hệ với các nước láng giềng đồng thời nắm bắt rõ xu thế vận động của tình hình khu vực, chuẩn bị tốt nhất cho tương lai phát triển của đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Diễn đàn Cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”
Ngay sau Hội nghị Trung ương lần thứ 5, ngày 11/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và tham dự Diễn đàn Cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lên đường sang Campuchia dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) lần đầu tiên được tổ chức tại Campuchia.
Nếu như WEF ASEAN diễn ra trong thời điểm ASEAN cần tìm kiếm những động lực phát triển mới cho nửa thế kỷ phát triển tiếp theo trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì Hội nghị “Vành đai và Con đường” diễn ra trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế đang gặp khó khăn, trong đó mức độ bảo hộ nổi lên chưa từng có.
Việc tích cực, chủ động tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương cho thấy sự thích ứng nhanh chóng của các nhà lãnh đạo cấp cao trước những chuyển biến sâu sắc của tình hình khu vực và thế giới.
Theo ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, những thay đổi của tình hình khu vực và thế giới trong hơn một năm qua “không phải là biểu hiện ngắn hạn mà là thay đổi về chất”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2017
Do đó, cả hai sự kiện trên là cơ hội tốt để Việt Nam lắng nghe, nắm bắt được những đánh giá của thế giới về khu vực cũng như nhận diện các xu thế phát triển mới đang hình thành, trên cơ sở đó, nghiên cứu, vận dụng trong xây dựng, triển khai chiến lược phát triển bởi chiến lược phát triển của một quốc gia hội nhập không thể tách rời bối cảnh chung của tình hình khu vực và thế giới.
Trong phát biểu mới đây tại một sự kiện của APEC, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định: “Khu vực châu Á-Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam”.
Tuy nhiên, hoàn cảnh bên ngoài có những chuyển biến nhanh chóng và cơ hội thuận lợi nhưng nếu chính chúng ta không chủ động nhận thức và thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ bên trong thì không thể có sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Việc các nhà lãnh đạo cấp cao của chúng ta liên tục có những chuyến tham gia các hội nghị, sự kiện của khu vực và quốc tế thể hiện được tầm nhìn của Việt Nam ở cấp cao nhất. Nhưng, như vậy vẫn chưa đủ mà, theo ông Trần Việt Thái, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải nâng cao năng lực, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, tức là phải “gắn giữa hội nhập nhanh, sâu rộng với cải cách bên trong”.
Theo ông Trần Việt Thái, đây là vấn đề “mấu chốt” của tiến trình hội nhập cần được tiến hành đồng bộ bởi lãnh đạo cấp cao có giỏi đến đâu nhưng bộ máy không chuyển biến kịp thì hiệu quả hội nhập sẽ không cao.
Hội nhập ngày nay không phải là câu chuyện ở tầm vĩ mô, là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo mà là của đội ngũ cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp vì chính các chủ thể này là những người trực tiếp triển khai tầm nhìn, nhận thức chung và những thỏa thuận, chương trình, dự án hợp tác của Việt Nam với các đối tác. Do đó, các nhà lãnh đạo có nhiều chuyến công tác, tham gia hội nghị quốc tế để nắm bắt rõ xu thế vận động của tình hình khu vực, nhưng mỗi người dân, DN cũng cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt xu thế theo cách của mình để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai phát triển của đất nước./.
Hải Minh
(Nguồn: http://baochinhphu.vn)