Tài chính vi mô (TCVM) đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, tuy nhiên, các tổ chức TCVM Việt Nam đang gặp khó khăn về huy động nguồn vốn thương mại và xây dựng năng lực thể chế. Do đó, cần hình thành một cơ chế cho vay bán buôn đối với ngành TCVM. Xét về các điều kiện thị trường, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng thành lập một tổ chức cho vay bán buôn vốn TCVM. Từ kinh nghiệm Ấn Độ và Nepal, bài viết đề xuất một số khuyến nghị đối với Việt Nam để thành lập một tổ chức bán buôn vốn thành công trong lĩnh vực TCVM.
1. Đặt vấn đề
Phát triển tổ chức TCVM có thể được xem là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Với sự phát triển mạnh của TCVM, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm mạnh từ 22% năm 2005 xuống còn 14,2% năm 2010 và 4,5% năm 2015 (Báo cáo giảm nghèo 2015). Số lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM có khoảng hơn 100 tổ chức nhưng tính đến thời điểm này mới chỉ có 4 tổ chức chính thức được cấp phép hoạt động và 16 tổ chức bán chính thức, còn lại là phi chính thức. Vấn đề khó khăn nhất mà các tổ chức TCVM phải đối mặt trong quá trình phát triển là mở rộng nguồn vốn và nâng cao năng lực thể chế. Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, vì vậy không còn được ưu tiên nhận tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế. Với các nguồn vốn huy động trong nước, hoặc các tổ chức TCVM lại không đủ điều kiện vay vốn như nguồn vốn vay liên ngân hàng, hoặc các nguồn vốn huy động còn nhỏ lẻ, tính ổn định chưa cao như nguồn tiền gửi từ chính các khách hàng TCVM. Bên cạnh đó, bốn tổ chức chính thức tại Việt Nam đều chuyển đổi từ các chương trình dự án TCVM chưa lâu nên năng lực thể chế vẫn còn hạn chế. Để đáp ứng được nhu cầu vốn lớn, ổn định, đảm bảo tính thanh khoản tức thời, cần thiết phải hình thành một tổ chức cho vay bán buôn vốn riêng biệt cho các tổ chức TCVM tại Việt Nam. Ở nhiều quốc gia, Chính phủ và các nhà tài trợ phụ thuộc vào cơ chế bán buôn vốn để phát triển ngành TCVM khi nó ở giai đoạn còn non trẻ trong quá khứ (Pennell 1999, 1). Một tổ chức bán buôn vốn trong lĩnh vực TCVM (Microfinance wholesale Fund-MWF) đã chứng minh được đó là một công cụ hữu hiệu và đóng góp vào sự phát triển của thị trường TCVM trong nhiều trường hợp, đặc biệt ở những giai đoạn đầu của quá tình phát triển và ở những thị trường được phân khúc rõ ràng. Những ví dụ về sự thành công của MWFs được thiết lập ở các quốc gia Afghanistan, Bangladesh, Bosnia, and Pakistan (Duflos 2008, 1; Yunus 1999, 8-11). Bài nghiên cứu tập trung phân tích các điều kiện để hình thành một tổ chức cho vay bán buôn thành công tại Việt Nam và một số mô hình thành công tại một số nước trên thế giới, từ đó đề xuất một số khuyến nghị đối với Việt Nam.
2. Tổ chức cho vay bán buôn vốn TCVM
Tổ chức cho vay bán buôn vốn (Microfinance wholesale Funds - MWF) là một tổ chức thứ cấp chuyển dòng vốn (tài trợ, vốn vay hoặc bảo lãnh) tới nhiều tổ chức TCVM bán lẻ; thường là trong một quốc gia hoặc một khu vực nhất định. Nguồn vốn tài trợ có thể được cung cấp cùng với hỗ trợ kỹ thuật để đạt được nhiều mục tiêu; hoạt động dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau; chủ yếu cung cấp các khoản vay nội tệ, nhưng cũng có thể cung cấp bảo lãnh vay vốn, đầu tư vốn chủ sở hữu, tài trợ để hỗ trợ chi phí hoạt động và hỗ trợ kỹ thuật (Duflos 2008, 1; Gonzalez-Vega 1998, 7-9).
Về các chức năng của một MWF, nhiều nghiên cứu chỉ ra hai chức năng chính của một MWF là trung gian tài chính và chức năng xây dựng năng lực (Ahmed 2001, 5; Gonzalez-Vega 1998, 14; Pennell 1999, 2)(Bảng 1).
3. Tiềm năng hình thành một MWF ở Việt Nam
Để hình thành một MWF, thị trường TCVM cũng cần phát triển đến một mức độ nhất định. Nói cách khác, Việt Nam cũng phải đảm bảo các yêu cầu về thị trường bao gồm (1) nhu cầu về một tổ chức bán buôn vốn; (2) có sẵn các tổ chức TCVM đủ điều kiện; (3) Lợi thế cạnh tranh của MWF trong thị trường; (4) khung pháp lý.
3.1. Nhu cầu về một tổ chức bán buôn vốn cho các tổ chức TCVM
Tài trợ vốn là một vấn đề lớn đối với tất cả các nhà cung cấp vốn cho lĩnh vực TCVM. Các tổ chức TCVM phi chính phủ hiện tại đều nhận thấy một vấn đề là rất khó để thu hút được các nguồn vốn thương mại và mở rộng các hoạt động kinh doanh. Hiện nay, ở Việt Nam, hai yếu tố dẫn đến nhu cầu bán buôn vốn TCVM tăng lên đó là:
Một là, số lượng các tổ chức TCVM có xu hướng gia tăng. Tính đến năm 2018, ngoài 4 tổ chức TCVM chính thức đã được cấp phép hoạt động, có 16 tổ chức TCVM bán chính và nhiều tổ chức khác có hoạt động TCVM. Trong đó, 4 tổ chức chính thức đều được chuyển đổi từ bán chính thức thành. Hoạt động của các tổ chức chính thức đang trong giai đoạn phát triển theo chiều sâu. Theo Lê Thị Lân (2010) thì lịch sử phát triển ngành TCVM ở Việt Nam trải qua 3 giai đoạn: (i) giai đoạn khởi đầu (trước những năm 1980), (ii) giai đoạn mở rộng nhanh (1990-2000) và (iii) giai đoạn theo chiều sâu (giai đoạn sau 2000 tới nay) tức là tăng trưởng mạnh cả về dư nợ cho vay và tiết kiệm. Bảng 2 thể hiện một số chỉ tiêu cơ bản của các tổ chức TCVM chính thức.
Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, NHNN liên tục ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển ngành TCVM bền vững và hỗ trợ phát triển các tổ chức TCVM hoàn thiện năng lực thể chế và có thể tiếp cận được với các nguồn vốn thương mại. Như vâỵ, các tổ chức bán chính thức hoàn toàn có thể phát triển thành các tổ chức chính thức.
Hai là, khó khăn trong việc tăng huy động từ các nguồn vốn hiện tại. Trong cơ cấu vốn hiện nay của các tổ chức TCVM thì vốn từ tài trợ chiếm tỷ trọng lớn nhất 34% (hình 1). Tuy nhiên, nguồn vốn này đang có xu hướng giảm đi do các tổ chức TCVM chính thức vốn có lợi thế về vay vốn các tổ chức tài chính ngân hàng nước ngoài đang không thể vay và trả nợ do vướng mắc trong cơ chế vay vốn bằng ngoại tệ đối với các cá nhân và tổ chức nước ngoài. Đối với nguồn vốn vay từ các ngân hàng và tổ chức trong nước, số lượng các khoản vay được cấp cực kỳ hạn chế bởi vì các tổ chức TCVM không đáp ứng được các yêu cầu về tài sản bảo đảm hoặc các ngân hàng hoạt động hướng tới lợi nhuận nên thường cung cấp khoản vay sản xuất kinh doanh hơn là việc cho vay để cho vay lại.
3.2. Sự có sẵn của các tổ chức TCVM đủ điều kiện
Sự sẵn có của một số lượng đủ các MFI (Microfinance Institution) đủ điều kiện để tài trợ bán buôn là rất quan trọng trong bối cảnh của Việt Nam. Trên thị trường TCVM, NHCSXH và Agribank vẫn chiếm thị phần áp đảo và lớn nhất trong khi các tổ chức TCVM chính thức và bán chính thức lại chiếm tỷ trọng nhỏ nhất (Bảng 3). Tuy nhiên, NHCSXH và Agribank, cũng như Quỹ tín dụng nhân dân không chỉ thực hiện cho vay TCVM mà họ tập trung vào các khoản vay hoàn toàn có tính chất thương mại đối với cá nhân, hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, quy mô khoản vay trung bình của các tổ chức này có xu hướng lớn hơn rất nhiều so với giới hạn của TCVM và phương pháp cho vay cũng không áp dụng phương pháp cho vay của TCVM là không yêu cầu tài sản bảo đảm. Do đó, chỉ có các tổ chức TCVM chính thức và bán chính thức mới đáp ứng đủ các điều kiện của MWF với kỳ vọng tạo ra những tác động xã hội tích cực.
Ngoài ra, sự bền vững về hoạt động và tài chính của các tổ chức TCVM cũng là một vấn đề quan trọng để có thể tham gia vào cơ chế bán buôn vốn với MWF. Bảng 4 trình bày các chỉ tiêu về lợi nhuận và bền vững của các tổ chức theo tư cách pháp nhân.
Theo danh bạ TCVM Việt Nam từ 2013 - 2016, các tổ chức TCVM bán chính thức có xu hướng tự vững về tài chính tốt hơn các tổ chức chính thức (bảng 4). Nguyên nhân là do các tổ chức TCVM chính thức phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về trích lập dự phòng và các tỷ lệ đảm bảo an toàn nên các chỉ tiêu về lợi nhuận và bền vững sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, điều đó cho thấy, các tổ chức TCVM bán chính thức cũng hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu về tự vững hoạt động hay tài chính.
3.3. Lợi thế cạnh tranh
Cơ chế cho vay bán buôn vốn ở Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với cơ chế trao đổi vốn trực tiếp giữa các nhà đầu tư/tài trợ và các tổ chức TCVM bởi một số lý do sau:
Một là, có nhiều nhà cung cấp TCVM của các loại tổ chức khác nhau, tất cả đều có quy mô nhỏ và phân bố trải rộng, một số MFI nằm ở các thị trấn và làng mạc xa xôi hẻo lánh. Điều này dẫn đến một thị trường TCVM rất phân tán, khiến việc xác định các đối tượng đầu tư khó khăn.
Hai là, sự không đồng nhất của các tổ chức TCVM đối với tác động xã hội của họ làm phức tạp hơn nữa việc sàng lọc thị trường. Cần có sự thẩm định sâu rộng để xác định chính xác số các nhà cung cấp TCVM thực sự hoạt động vì người nghèo.
Ba là, tính minh bạch của ngành là thấp. Thông tin về hiệu suất của hầu hết các MFI Việt Nam là thưa thớt và chất lượng của các báo cáo tài chính thường có vấn đề.
Bốn là, các tổ chức TCVM Việt Nam có quy mô còn hạn chế so với các loại hình TCTD khác, do đó đầu tư trực tiếp vào các tổ chức TCVM riêng lẻ có xu hướng nhỏ. Điều này gây ra chi phí giao dịch cao cho mỗi đồng vốn đầu tư, đặc biệt là khi xem xét các chi phí sàng lọc và giám sát cao trong thị trường phân tán, không đồng nhất và không minh bạch.
Năm là, khó khăn xảy ra đối với các mối quan hệ tài trợ trực tiếp của các tổ chức nước ngoài. Sự xa xôi của nhiều tổ chức TCVM, rào cản lan truyền và sự khác biệt về văn hóa giữa các tổ chức nước ngoài và các tổ chức TCVM Việt Nam hạn chế khả năng tiếp cận các cơ hội đầu tư. Ngoài ra, nhiều hạn chế và chính sách về đầu tư nước ngoài làm tăng chi phí giao dịch cho các tổ chức nước ngoài, làm giảm đáng kể hiệu quả của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các tổ chức TCVM.
3.4. Khung pháp lý
Khung pháp lý của ngành TCVM Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong những năm qua. Quan trọng nhất, chủ trương của Chính phủ và NHNN cung cấp nền tảng pháp lý hợp lý cho việc thành lập các tổ chức TCVM theo hướng thương mại và cho các khoản đầu tư TCVM dựa trên nền tảng thương mại. Do đó, khung pháp lý của Việt Nam nói chung đáp ứng được khả năng thiết lập và vận hành một cơ sở bán buôn vốn cho ngành TCVM. (Sơ đồ 1)
Bảng 5: cho thấy các văn bản pháp lý cho ngành TCVM tương đối đầy đủ. Theo đó, hoạt động của các tổ chức này trở nên minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn và theo định hướng bền vững, tự chủ hơn. Như vậy, định hướng cho hoạt động của các TCTCVM Việt Nam không chỉ dừng lại ở tự vững về hoạt động, mà đã hướng tới tự vững về tài chính và tự chủ về hoạt động
4. Một số mô hình thành công của các quốc gia trên thế giới
Trên thế giới hiện có nhiều quốc gia đã thành công trong việc thành lập một tổ chức cho vay bán buôn vốn TCVM (MWFs). Bài viết trình bày 2 mô hình tiêu biểu đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển TCVM nông thôn (RMDC) ở Nepal và Quỹ SIDBI ở Ấn Độ.
Hai mô hình được trình bày trong các phụ lục 1 và phụ lục 2.
5. Một số đề xuất, khuyến nghị
Việc thiết kế và thực hiện một MWF như thế nào ảnh hưởng đến thành công của nó (Berger / Yonas / Lloreda 2003, 18). Từ việc nghiên cứu một số mô hình thành công ở Nepal và Ấn Độ, tác giả đề xuất bốn yếu tố quan trọng cần chú ý khi xây dựng một MWF bao gồm: (1) cơ quan thực thi, (2) tiêu chí đủ điều kiện và sự giám sát của các tổ chức TCVM đối tác, (3) điều khoản và điều kiện tài trợ vốn và (4) cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
Thứ nhất, liên quan đến cơ quan thực thi
Để thúc đẩy các hoạt động hiệu quả và loại bỏ méo mó thị trường, cấu trúc của tổ chức cho vay bán buôn nên được định hướng thương mại nhất có thể, bao gồm sáu điểm đặc biệt:
Một là, quyền sở hữu của MWF cần phải rõ ràng. Về cơ bản, MWF có thể được sở hữu công khai (ví dụ như ngân hàng phát triển hoặc bộ phận của ngân hàng trung ương) hoặc tư nhân (ví dụ như một tổ chức phi chính phủ). MWF sở hữu tư nhân rất hiếm trong thực tế. Trong mọi trường hợp, quyền sở hữu cần được chỉ định rõ ràng cho một tổ chức duy nhất; đây là cơ sở để quản trị tốt và hoạt động minh bạch của quỹ bán buôn.
Hai là, MWF cần phải có một mục tiêu được xác định rõ ràng và ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh. Mục tiêu cốt lõi của bất kỳ MWF nào là việc tạo ra một lĩnh vực TCVM độc lập và bền vững về tài chính trong một khoảng thời gian hợp lý.
Ba là, hiệu quả hoạt động tốt của MWF phụ thuộc vào sự sẵn có của đội ngũ nhân viên có tay nghề cao, cung cấp kỹ năng quản lý và lãnh đạo tốt và có thể áp dụng các hệ thống thông tin cần thiết. Việc thiếu quản lý và quản trị hệ thống là một trong những lý do chính khiến một số MWF hỗ trợ các đối tác MFI mà không giám sát đầy đủ các tiêu chuẩn có được tuân thủ đúng hay không.
Bốn là, MWF cần có một chiến lược phát triển dài hạn ngay từ đầu. MWF cần xác định mục tiêu rõ ràng MWF là dẫn đầu lĩnh vực TCVM đồng thời phải đạt được tính bền vững về tài chính, tức là độc lập về trợ cấp, có thể huy động các nguồn vốn thương mại để phục vụ việc mở rộng hoạt động.
Năm là, cấu trúc của MWF cần đảm bảo có thể tài trợ liên tục và không bị gián đoạn cho các MFI trong một khoảng thời gian nhất định.
Thứ hai, các tiêu chí đủ điều kiện và giám sát của các tổ chức TCVM đối tác
Tiêu chuẩn đủ điều kiện xác định các tổ chức nào được phép nhận tiền từ MWF. Chúng cho phép các quy trình lựa chọn minh bạch làm giảm tính dễ bị tổn thương của MWF đối với ảnh hưởng chính trị và tham nhũng và đảm bảo đầu tư khả thi về mặt thương mại của MWF (Berger / Yonas / Lloreda 2003, 24). Tiêu chuẩn đủ điều kiện bao gồm hai khía cạnh: điều kiện thể chế và tiêu chuẩn hiệu suất. Nó đảm bảo rằng các MFI có thể hoạt động khả quan hơn về hiệu quả tài chính và xã hội. Việc đình chỉ hoặc thu hồi khoản vay bán buôn cần phải là kết quả khi các MFI cá nhân không duy trì được các tiêu chuẩn hiệu suất được thoả thuận từ trước (Berger / Yonas / Lloreda 2003, 24; Yunus 1999, 9).
Thứ ba, các điều khoản và điều kiện tài trợ vốn bán buôn
Tổ chức cho vay bán buôn có thể thiết lập một loạt các điều khoản và điều kiện khi giải ngân khoản vay cho các đối tác MFI. Chúng bao gồm lãi suất, chi phí giao dịch và các điều kiện được áp dụng cho việc cho vay lại.
Lãi suất được tính trên lãi suất thị trường, có thể phân bổ rủi ro cao hơn một chút so với thị trường cho các MFI nhỏ. Thách thức là đặt ra các mức lãi suất hấp dẫn nhưng đủ cao để tránh sự không khuyến khích các MFI tiếp cận các nguồn tài trợ thương mại.
Chi phí giao dịch của MWF cho 1 tổ chức TCVM bao gồm tất cả các chi phí liên quan đến các quy trình hành chính, sàng lọc khách hàng vay, giấy tờ,... có liên quan đến việc nhận tiền bán buôn. Chi phí giao dịch không được tính trong lãi suất liên ngân hàng; tuy nhiên, cần được tính toán khi thiết lập lãi suất cho các khoản vay bán buôn với các tổ chức TCVM đối tác. MWF thường ước tính chi phí giao dịch thấp hơn. Chi phí giao dịch nếu được tính cao quá mức trong một số trường hợp khiến các tổ chức TCVM giảm nhu cầu vay từ quỹ bán buôn ngay từ đầu.
Thứ tư, hỗ trợ kỹ thuật
Trong hầu hết các trường hợp ở các quốc gia, các tổ chức cho vay bán buôn cấp vốn đồng thời cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức TCVM. Phần lớn các thị trường TCVM mới và đang phát triển đa phần là cần xây dựng năng lực. Trong trường hợp này, các vấn đề sau đây cần phải được xem xét: Việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật bởi bản thân MWF có khả năng chiếm một phần đáng kể chi phí của tổ chức; do đó, nên hợp tác với các tổ chức chuyên cung cấp hỗ trợ kỹ thuật - đặc biệt là vì các tổ chức này thường có lợi thế so sánh trong việc xây dựng tổ chức và đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt. Trong mọi trường hợp, nên yêu cầu các tổ chức TCVM chịu một phần chi phí hỗ trợ kỹ thuật bởi nó giúp đảm bảo rằng các hỗ trợ kỹ thuật được thiết kế tốt hơn, giá cạnh tranh hơn và được thực hiện nghiêm túc hơn bởi các tổ chức TCVM. Cuối cùng, thời gian hỗ trợ kỹ thuật là rất quan trọng: việc xây dựng năng lực cần được thực hiện trước khi tiến hành các khoản cấp tín dụng.
Tài liệu tham khảo:
Ahmed, Salehuddin. 2001. Creating Autonomous National and Sub-Regional Microcredit Funds. Palli Karma-Sahayak Foundation.
Danh bạ các tổ chức TCVM Việt Nam 2013, 2014, 2015, 2016
Duflos, Eric. 2008. Local Wholesale Facilities for Microfinance. Consultative Group to Assist the Poor. Unpublished.
Levy, Fred D. 2002. Apex Institutions in Microfinance, CGAP Occa- sional Paper No. 6. Consultative Group to Assist the Poor.
Nguyễn Kim Anh, 2013, mức độ bền vững của các TCTCVM Việt Nam: thực trạng và một số khuyến nghị.
Pennell, John A. 1999. Apex Microfinance Institutions: A Review of their Record. United States Agency for International Development.
Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2011 về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020.
Thông tư 03/2018/TT-NHNN quy định về cấp giấy phép hoạt động của TCTCVM.
Thông tư 10/2018/TT-NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi của TCTCVM.
Thông tư 18/2018/TT-BTC hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với TCTCVM.
ThS. Nguyễn Thị Vân
(TCNH số 10/2019)