Bao thanh toán có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động bao thanh toán ở nước ta chưa phát triển như kỳ vọng. Sau khi khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động bao thanh toán có những thay đổi căn bản theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, chưa có công trình nghiên cứu đánh giá, khảo sát toàn diện về nghiệp vụ thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động bao thanh toán và triển vọng phát triển hoạt động này ở nước ta. Do đó, việc nghiên cứu đề tài “Giải pháp phát triển nghiệp vụ bao thanh toán ở Việt Nam” trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu hết sức cấp thiết, mang ý nghĩa khoa học và có giá trị thực tiễn cao.
Đề tài do ThS. Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Trưởng phòng, Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Tranh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm chủ nhiệm. Đề tài đã hoàn thành nghiên cứu và bảo vệ thành công tại Hội đồng Tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong tháng 5/2016, đạt loại Giỏi.
Để phục vụ mục tiêu phổ biến thông tin khoa học - công nghệ ngành Ngân hàng, Viện Chiến lược, Tạp chí Ngân hàng xin trân trọng giới thiệu tóm tắt những nội dung cơ bản của đề tài để bạn đọc tham khảo.
CHƯƠNG 1:
LÝ LUẬN VÀ THÔNG LỆ
QUỐC TẾ LIÊN QUAN ÐẾN
HOẠT ÐỘNG BAO THANH TOÁN
Tại Chương 1, nhóm tác giả nghiên cứu đưa ra những lý luận và các thông lệ quốc tế liên quan đến hoạt động bao thanh toán. Trên cơ sở đó, làm nền tảng cho nghiên cứu và áp dụng để phát triển nghiệp vụ bao thanh toán ở Việt Nam:
1. Lý luận liên quan tới hoạt động bao thanh toán
- Khái niệm bao thanh toán: Bao thanh toán (theo Công ước Unidroit 1998, Hiệp hội FCI và GRIF) là dịch vụ tài chính trọn gói của công ty tài chính, ngân hàng (đơn vị bao thanh toán) cho bên bán hàng căn cứ trên giá trị khoản phải thu của bên bán hàng phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa bên mua hàng và bên bán hàng.
- Đơn vị bao thanh toán sẽ thực hiện kết hợp 04 (hoặc ít nhất 02) chức năng: Cấp tín dụng (ứng trước) dựa trên khoản phải thu; Quản lý, theo dõi sổ sách, hóa đơn, chứng từ liên quan đến các khoản phải thu; Thu nợ của các khoản phải thu; Quản lý rủi ro tín dụng, phòng ngừa rủi ro nợ xấu.
- Có các hình thức bao thanh toán sau: (i) Bao thanh toán truyền thống hay còn gọi là bao thanh toán bên bán và bao thanh toán ngược hay còn gọi là bao thanh toán bên mua;
(ii) Bao thanh toán trong nước và bao thanh toán xuất nhập khẩu; (iii) Bao thanh toán có bảo lưu quyền truy đòi và bao thanh toán miễn truy đòi.
- Lợi ích của hoạt động bao thanh toán: Lợi ích của hoạt động bao thanh toán được chia thành 4 nhóm lợi ích cụ thể: (i) Lợi ích đối với đơn vị bao thanh toán; (ii) Lợi ích đối với các doanh nghiệp bên bán hàng; (iii) Lợi ích đối với các doanh nghiệp bên mua hàng; (iv) Lợi ích đối với nền kinh tế.
- Rủi ro trong hoạt động bao thanh toán: Những rủi ro trọng yếu phát sinh từ hoạt động bao thanh toán đòi hỏi đơn vị bao thanh toán phải có biện pháp nhận diện, đo lường, quản lý và giảm thiểu phù hợp, bao gồm: Rủi ro tín dụng; Rủi ro ngoại hối (đối với bao thanh toán xuất nhập khẩu); Rủi ro liên quan tới yếu tố pháp lý và chuyển nhượng khoản phải thu; Rủi ro trong chức năng thu nợ; Rủi ro quản lý khoản phải thu.
- Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động bao thanh toán gồm có các yếu tố vĩ mô như: Yếu tố về môi trường pháp lý; Yếu tố về môi trường kinh tế; Yếu tố về môi trường chính trị, xã hội; Yếu tố về môi trường công nghệ. Đồng thời, còn bao gồm các nhân tố vi mô như: Các nhân tố thuộc về khách hàng (tâm lý, thói quen của khách hàng khi sử dụng các sản phẩm hỗ trợ thương mại, nhu cầu về sản phẩm bao thanh toán của khách hàng); Các nhân tố từ đối thủ cạnh tranh và các nhân tố thuộc về đơn vị bao thanh toán.
2. Quy định về hoạt động bao thanh toán của một số nước trên thế giới
- Về tăng trưởng: Tỷ trọng doanh thu bao thanh toán/GDP trung bình 3 năm gần nhất giữ ở mức tương đối ổn định là khoảng 4,4%/năm.
- Một số đặc điểm của hoạt động bao thanh toán trên thế giới: (i) Hình thức bao thanh toán có quyền truy đòi được sử dụng rộng rãi và thông dụng hơn bao thanh toán không có quyền truy đòi; (ii) Thị trường bao thanh toán rất cạnh tranh, các đơn vị bao thanh toán cạnh tranh về lãi suất, phí dịch vụ và chất lượng dịch vụ;
(iii) Chi phí sử dụng hình thức bao thanh toán cao hơn các hình thức cấp tín dụng thông thường;
(iv) Hình thức tổ chức phổ biến của các đơn vị bao thanh toán là trực thuộc sở hữu của ngân hàng; (v) Bao thanh toán được thiết kế để phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh.
- Quy trình bao thanh toán theo thông lệ quốc tế: (i) Quy trình bao thanh toán truy đòi và miễn truy đòi gồm 04 bước; (ii) Quy trình bao thanh toán xuất nhập khẩu (hệ thống
“two-factor” system) gồm 10 bước.
- Giao dịch bao thanh toán điện tử qua mạng internet: Hình thức bao thanh toán trên e-platform có một số đặc điểm: (i) Được sử dụng chủ yếu cho bao thanh toán ngược (bao thanh toán bên mua hàng); (ii) Khách hàng là các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ; (iii) Rủi ro về tín dụng và thiệt hại do giả mạo hóa đơn, chứng từ của bên bán hàng nhỏ lẻ được chuyển sang cho bên mua hàng là khách hàng lớn; (iv) Do bên mua hàng chịu rủi ro về tín dụng đối với các khoản phải thu của bên bán hàng nên bao thanh toán trên e-platform không có hình thức “truy đòi” như bao thanh toán truyền thống; (v) Giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động của đơn vị bao thanh toán; (vi) Đòi hỏi năng lực về kỹ thuật, công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng nhất định để có thể xây dựng, vận hành và quản lý bao thanh toán trên e-platform có hiệu quả; (vii) Giảm chi phí giao dịch và tăng tính an toàn trong hoạt động bao thanh toán;
(viii) Giảm thiểu thời gian giao dịch, tăng tính thanh khoản cho bên bán hàng.
- Quy định về hoạt động bao thanh toán trên thế giới: Thông lệ quốc tế đã có một số quy định sau: (1) Quy định về điều kiện thành lập đơn vị bao thanh toán gồm có: hình thức pháp lý cơ cấu sở hữu của đơn vị bao thanh toán, mức vốn điều lệ tối thiểu, kinh nghiệm quản lý và cơ sở vật chất tối thiểu, quy định nội bộ; (2) Quy định về hoạt động và đảm bảo an toàn trong hoạt động của đơn vị bao thanh toán; (3) Quy định về việc đăng ký thông tin về khoản phải thu;
(4) Quy định về hệ thống quản trị rủi ro…
- Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam: Việc nghiên cứu đặc điểm hoạt động bao thanh toán và khảo sát khung khổ pháp lý cho hoạt động bao thanh toán tại các quốc gia trên thế giới là nguồn tham khảo quan trọng giúp cơ quan quản lý có định hướng sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với nhau trong hoạt động quản lý Nhà nước về hoạt động này để phát triển hơn nữa tiềm năng của hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam.
CHƯƠNG 2:
THỰC TRẠNG VỀ HOẠT ÐỘNG BAO THANH TOÁN CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Chương 2 nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu thực trạng hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam bao gồm: (i) Rà soát khung pháp lý hiện hành về hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam; (ii) Tập trung phân tích thực trạng hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam, tình hình hoạt động của các đơn vị bao thanh toán; (iii) Tìm hiểu, đánh giá quan điểm, nhận thức của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về môi trường vĩ mô tác động tới hoạt động bao thanh toán.
1. Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam
Sự phát triển của hoạt động bao thanh toán gắn liền với quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về nghiệp vụ này như:
(i) Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ban hành Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng; (ii) Quyết định số 30/2008/QĐ-NHNN ngày 16/10/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động bao thanh toán của các TCTD ban hành theo Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN; (iii) Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12; (iv) Thông tư số 24/2011/TT-NHNN ngày 31/8/2011 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều nội dung liên quan đến việc cấp phép hoạt động ngân hàng, theo đó đã bãi bỏ các nội dung liên quan đến hồ sơ xin chấp thuận, trình tự và thủ tục chấp thuận hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng...
2. Tình hình hoạt động bao thanh toán của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam
Một số điểm cơ bản trong hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam: (i) Bao thanh toán chưa phải là hình thức cấp tín dụng phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở nước ta; (ii) Doanh số bao thanh toán đã có sự tăng trưởng ổn định nhưng quy mô thị trường còn rất nhỏ dù tốc độ tăng trưởng khá tốt so với các nước trong khu vực; (iii) Tốc độ tăng trưởng của khối ngân hàng ngoại lớn hơn tốc độ tăng trưởng của khối ngân hàng nội; (iv) Quy mô hoạt động bao thanh toán của khối ngân hàng ngoại nhỏ hơn nhiều khối ngân hàng nội; (v) Doanh số bao thanh toán bên bán hàng chiếm phần lớn tổng doanh số bao thanh toán; (vi) Doanh số bao thanh toán xuất nhập khẩu luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số bao thanh toán.
3. Nguyên nhân dẫn đến hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam chưa phát triển
Nhóm nghiên cứu chia làm 4 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam chưa phát triển:
(1) Nguyên nhân từ cơ chế chính sách:
(i) Sự chưa thống nhất trong khái niệm về bao thanh toán theo thông lệ quốc tế dẫn đến hạn chế phạm vi của hoạt động bao thanh toán; (ii) Chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng 2010 về hoạt động bao thanh toán; (iii) Phạm vi hoạt động bao thanh toán còn có hạn chế; (iv) Chưa có đầy đủ các quy định về văn bản xác nhận và văn bản thông báo của bên mua hàng, (v) Chưa có đủ các quy định bao thanh toán qua mạng điện tử.
(2) Nguyên nhân từ phía các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:
(i) Một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa có đủ số lượng khách hàng bao thanh toán; (ii) Một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa có đủ điều kiện, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để sẵn sàng thực hiện hoạt động bao thanh toán;
(iii) Một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa phát sinh nhu cầu cung cấp sản phẩm bao thanh toán;
(iv) Tài sản bảo đảm vẫn được coi trọng khi xem xét việc cấp tín dụng ở Việt Nam và nghiệp vụ bao thanh toán cũng không phải ngoại lệ; (v) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn thiếu những điều kiện cần thiết để tham gia hoạt động bao thanh toán xuất nhập khẩu.
(3) Nguyên nhân từ phía doanh nghiệp:
(i) Tâm lý không muốn công khai tình hình hoạt động của doanh nghiệp cho đơn vị bao thanh toán; (ii) Doanh nghiệp chưa được giới thiệu nhiều về sản phẩm bao thanh toán;
(iii) Nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của bao thanh toán; (iv) Một số doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện pháp lý về hóa đơn, chứng từ và một số nguyên nhân khác.
4. Triển vọng phát triển nghiệp vụ bao thanh toán ở Việt Nam
Theo kết quả phiếu điều tra lần 2 của Ngân hàng Nhà nước, có 56,5% tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia khảo sát dự đoán tốc độ tăng trưởng của hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam nhiều khả năng đạt khoảng từ 7 - 20%/năm. Theo số liệu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ 2015 - 2020, mức tăng trưởng bao thanh toán dự báo này cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm (khoảng 6,5% từ nay đến 2020) của Chính phủ.
CHƯƠNG 3:
CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HOẠT ÐỘNG BAO THANH TOÁN Ở VIỆT NAM
Trên cơ sở nghiên cứu tại Chương 1 và Chương 2, nhóm nghiên cứu đưa mục tiêu phát triển hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam và hệ thống các giải pháp phục vụ mục tiêu đó:
1. Mục tiêu cụ thể phát triển hoạt động bao thanh toán ở
Việt Nam
(i) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện cho hoạt động bao thanh toán phát triển.
(ii) Tăng cường số lượng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ bao thanh toán.
(iii) Chú trọng phát triển bao thanh toán bên mua hàng để đa dạng hóa sản phẩm bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
(iv) Nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối với hoạt động bao thanh toán.
2. Các giải pháp phát triển hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam
2.1. Giải pháp về cơ chế chính sách:
- Cơ chế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước:
+ Định hướng cơ chế, chính sách nhằm phát triển hoạt động bao thanh toán trong ngắn hạn.
+ Định hướng cơ chế, chính sách nhằm phát triển hoạt động bao thanh toán trong trung, dài hạn.
- Cơ chế, chính sách của các Bộ, ngành liên quan:
+ Giải pháp trong ngắn hạn.
+ Giải pháp trong trung, dài hạn.
2.2. Giải pháp đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp
- Nhóm giải pháp đối với tổ chức tín dụng:
+ Thay đổi về nhận thức đối với hoạt động bao thanh toán.
+ Mở rộng quan hệ ngân hàng đại lý trong và ngoài nước và tham gia Hiệp hội bao thanh toán quốc tế.
+ Hoàn thiện quy định nội bộ về hoạt động bao thanh toán.
+ Nâng cao hiệu quả khâu thẩm định chất lượng khoản phải thu và bên mua hàng, đặc biệt cần nâng cao kỹ năng thẩm định hợp đồng thương mại.
+ Đẩy mạnh công tác marketing, giới thiệu, quảng bá dịch vụ bao thanh toán tới khách hàng mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả.
+ Thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện triển khai, tư vấn phục vụ khách hàng và phát triển sản phẩm bao thanh toán, đặc biệt trong việc thẩm định các hợp đồng thương mại giữa bên bán hàng và bên mua hàng.
+ Xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển cụ thể cho hoạt động bao thanh toán.
+ Mở rộng tiếp cận dịch vụ bao thanh toán đến các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
+ Đào tạo đội ngũ nhân viên am hiểu hoạt động bao thanh toán.
+ Đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm.
+ Chính sách giá cả.
+ Tuyển chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về bao thanh toán.
- Nhóm giải pháp đối với các doanh nghiệp:
+ Thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ hiểu biết về hoạt động bao thanh toán.
+ Sử dụng đa dạng các hình thức tài trợ thương mại, đặc biệt là hoạt động bao thanh toán.
+ Nhận thức đúng đắn về việc công khai minh bạch thông tin.
Bao thanh toán là một hình thức cấp tín dụng đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa được chú trọng phát triển tại Việt Nam. Trải qua trên 10 năm thực hiện, doanh số bao thanh toán của Việt Nam còn ở mức rất khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, với với các giải pháp cụ thể, khả thi được xây dựng trên cơ sở vững chắc về lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, nhóm nghiên cứu kỳ vọng đề tài sẽ có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam.
VCL
(Tạp chí ngân hàng số 20, tháng 10/2016)