Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU, đồng thời, cũng là một FTA có mức cam kết rộng và cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Hiện EVFTA đang được tăng tốc và chắc chắn tới đích ký chính thức vào thời gian không xa…!
Hành trình tăng tốc để tới đích ký kết
Trưa ngày 17/10/2018, giờ địa phương, Ủy ban châu Âu đã đệ trình Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu và Hiệp định Bảo hộ đầu tư lên Hội đồng châu Âu xem xét và xin ủy nhiệm ký, để dự kiến vào cuối năm 2018 sẽ ký chính thức Hiệp định này và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019.
Chiều 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này đi vào thực thi trong thời gian sớm nhất. Theo giải thích của Ủy ban châu Âu, một khi Nghị viện đồng ý, thỏa thuận thương mại sẽ được Hội đồng châu Âu ký kết để đi vào hiệu lực. Còn thỏa thuận bảo vệ đầu tư với Việt Nam sẽ chờ các nước thành viên trong EU phê chuẩn.
Ngày 19/10/2019, bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEM diễn ra tại Brussels, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Cao ủy Thương mại châu Âu Cecilia Malmström đã ra tuyên bố chung cấp bộ trưởng về EVFTA. Tuyên bố chung hoan nghênh việc Ủy ban châu Âu đệ trình các hiệp định lên cấp cao hơn là Hội đồng châu Âu đề nghị xem xét phê duyệt. Tuyên bố chung nhấn mạnh, các hiệp định này sẽ mở ra cơ hội mới về xuất khẩu và đầu tư cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, đồng thời cũng đặc biệt quan tâm tới quyền của người lao động và bảo vệ môi trường.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ban đầu kết thúc đàm phán tháng 12/2015 và đến ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố.
Nhưng tháng 5/2017, Tòa án Công lý châu Âu ra ý kiến về thẩm quyền phê chuẩn các FTA của EU. Theo đó, các nội dung về đầu tư gián tiếp của nước ngoài và cơ chế nhà đầu tư kiện Chính phủ sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của cả cấp EU và cấp quốc gia các nước thành viên (tức là nội dung này phải được cả EU và quốc gia thành viên đồng ý mới có hiệu lực). Vì thế, để hiệp định có thể sớm hoàn tất, ngày 26/6/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất: EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một về thương mại và một về đầu tư. Tháng 8/2018, hai bên công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với Hiệp định Thương mại (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (nay có tên là IPA). Hiệp định thương mại tự do thuộc thẩm quyền ký kết của Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu. Hiệp định bảo hộ đầu tư (bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư) cần sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên.
Theo EU, thỏa thuận bảo vệ đầu tư sẽ bao gồm các “quy định hiện đại” được thực thi nhờ Hệ thống Tòa án Đầu tư mới có, thay thế các thỏa thuận song phương của 21 nước trong EU (hiện có tổng cộng 28 thành viên) đã có với Việt Nam.
Hiện phía châu Âu đang gấp rút dịch nội dung hai hiệp định ra 24 ngôn ngữ châu Âu, đồng thời đẩy nhanh các quy trình trước khi ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018). Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu cũng khẳng định sẽ nỗ lực để hoàn tất việc phê chuẩn hai Hiệp định này ngay trong đầu năm tới, vì lợi ích quan trọng của cả hai bên và có ý nghĩa lớn đối với thương mại giữa châu Âu và châu Á.
Những kỳ vọng về lợi ích từ cam kết trong EVFTA
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU có tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 12 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên hơn 50,4 tỷ USD năm 2017; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 13,6 lần (từ 2,8 tỷ USD lên hơn 38,3 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 9 lần (1,3 tỷ USD lên 12,1 tỷ USD). Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba
và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến năm 2017, đã có 24 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với khoảng 2000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 21,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.
Theo EU, thỏa thuận thương mại sẽ xóa bỏ hầu hết thuế quan hàng hóa giữa hai bên, cũng cam kết phát triển bền vững (gồm tôn trọng nhân quyền, quyền lao động, bảo vệ môi trường). Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố ngày 17/10/2018 rằng hai thỏa thuận sẽ “đem lại lợi thế, lợi ích chưa từng có cho các công ty, người lao động và người tiêu dùng châu Âu và Việt Nam.” Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmström giải thích: “Thông qua các thỏa thuận, chúng ta cũng có thể giúp lan tỏa đi các tiêu chuẩn cao của châu Âu, tạo ra khả năng để bàn thảo sâu sắc về nhân quyền và bảo vệ công dân.”
Theo thỏa thuận thương mại, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ ngay 65% các loại thuế nhập khẩu từ EU, và phần còn lại sẽ xóa bỏ trong vòng 10 năm. Nhiều bộ phận của ô tô, hiện chịu thuế có thể tới 32%, sẽ thành 0% sau 7 năm. Ô tô (trừ loại có dung tích xi-lanh lớn) xóa bỏ thuế trong vòng 10 năm. Ô tô có dung tích xi-lanh lớn (trên 3000 cm3 với loại dùng xăng hoặc trên 2500 cm3 với loại dùng diesel) xóa bỏ thuế trong vòng 9 năm. Hiệp định có 01 phụ lục riêng quy định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô, trong đó Việt Nam cam kết công nhận toàn bộ Chứng chỉ hợp chuẩn đối với ô tô (COC) của EU sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Một nửa hàng xuất khẩu dược phẩm EU sẽ ngay lập tức miễn thuế, và nửa còn lại thì sau 7 năm (hiện chịu thuế tối đa 8%). Rượu vang, rượu mạnh, bia xóa bỏ thuế tối đa là trong vòng10 năm. Rượu và đồ uống có cồn xóa bỏ thuế trong vòng 7 năm. Thịt heo đông lạnh sẽ miễn thuế sau 7 năm, thịt bò sau 3 năm, sản phẩm sữa sau khoảng 5 năm.
Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU, và cam kết không tăng thuế đối với các sản phẩm còn lại (trong đó có dầu thô và than đá).
EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm: 1 số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Tuy vậy, EU sẽ không hoàn toàn mở cửa cho hàng nhập khẩu thuộc diện “sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm” của Việt Nam. Sẽ có quota (hạn ngạch) để hạn chế số lượng hàng được EU miễn thuế, gồm các sản phẩm nông nghiệp như gạo, tỏi, nấm, trứng, đường… Việc miễn thuế cho một số sản phẩm Việt Nam trong khu vực giày dép, dệt may sẽ chịu thời gian chuyển tiếp tối đa 7 năm.
Để hưởng ưu đãi, EU sẽ áp dụng quy định về nguồn gốc hàng hóa, theo đó, buộc dùng vải sản xuất ở EU, Việt Nam hay Hàn Quốc (EU có thỏa thuận thương mại với nước này). EU giải thích điều này để bảo đảm sản phẩm các nước mà EU không có thỏa thuận sẽ không thể được hưởng ưu đãi vào EU qua ngả Việt Nam.
Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhấn mạnh: Ngay khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU. Các dòng thuế còn lại sẽ được gỡ bỏ dần trong thời gian 10 năm tới. 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ. Thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản nhiệt đới, đồ gỗ... của Việt Nam và ô tô, máy móc thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới... của châu Âu (EU). Hiệp định Tự do Thương mại có những điều khoản giải quyết các hàng rào phi thuế quan đang tồn tại trong ngành ô tô, cũng như bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống của châu Âu tại Việt Nam. Về tổng thể, EVFTA sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 10 - 15% và nâng xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 30 - 40% trong hơn 10 năm tới. Dòng vốn chất lượng cao được dự báo sẽ vào Việt Nam, sản phẩm với những chất lượng tiêu chuẩn châu Âu sẽ được xuất khẩu với xuất xứ rõ ràng.
Về thương mại dịch vụ, cam kết của hai bên đều đi xa hơn cam kết trong khuôn khổ WTO. Các doanh nghiệp (DN) EU sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính - ngân hàng, phân phối, vận tải...
Hiệp định EVFTA còn đề cập tới những khía cạnh khác như: Cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư; giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước; Cạnh tranh, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý, thể chế; tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi và bình đẳng cho hoạt động của các DN hai bên... nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai bên.
EVFTA khi được thực thi, nhất là việc dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ; cải thiện môi trường tạo thuận lợi thương mại - hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU… sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…
EU sẽ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, là lĩnh vực tiềm năng được nhiều doanh nghiệp EU chờ đón, trong đó, ngoài việc tập trung nguồn vốn còn đẩy mạnh chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm. Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, cửa ngõ kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực châu Á. Đầu tư mà EVFTA hướng vào Việt Nam không chỉ nhằm vào sản xuất, xuất nhập khẩu, mà còn là dịch vụ viễn thông & công nghệ thông tin, kiến trúc & tư vấn kỹ thuật, dịch vụ môi trường. Khi phát triển các dịch vụ này đạt trình độ quốc tế, Việt Nam chẳng những bớt phần nhập khẩu mà còn có thể xuất khẩu nhiều dịch vụ chất lượng cao, không chỉ tăng đột phá kim ngạch xuất khẩu về giá trị mà còn cả về hiệu quả, cán cân thương mại tích cực. FDI của EU sẽ là một trong những nguồn lực mới tạo sức đẩy “cỗ đại xa đổi mới” tăng tốc trên xa lộ hội nhập, bằng: (1) Mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế; (2) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (3) Thúc đẩy chuyển giao công nghệ; (4) Bổ sung hàng cho thị trường nội địa; (5) Mở mang xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế; và (6) Tạo ra quá trình chuyển đổi từ một quốc gia với lực lượng lao động tay nghề thấp sang tay nghề cao. EVFTA chính là công cụ tạo xung lực để Việt Nam bước tiếp trong tiến trình nói trên.
Về tổng thể, Hiệp định được kỳ vọng mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân châu Âu và Việt Nam. Hiệp định sẽ giúp các công ty châu Âu ưu tiên tiếp cận thị trường hơn 92 triệu người tiêu dùng, tăng đầu tư, tạo thêm việc làm, thúc đẩy thương mại với một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á; Các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng dễ tiếp cận châu Âu hơn…
Đề xuất giải pháp
Tuy nhiên, kinh nghiệm thực thi các cam kết WTO và các FTA trước đây của Việt Nam cho thấy, các lợi ích suy đoán từ một hiệp định sẽ không đương nhiên trở thành hiện thực; các quyền và nghĩa vụ theo các cam kết không tự nhiên phát huy tác dụng. Cần những nỗ lực lớn để thực thi các cam kết, hiện thực hóa các lợi ích và xử lý thách thức liên quan.
Bởi vậy, để thích ứng và nâng cao hiệu quả thực thì các cam kết sau khi EVFTA được ký kết và thông qua, trước hết cần có sự chỉ đạo quyết liệt, thống nhất và cụ thể của Trung ương, thông qua chương trình hành động quốc gia, cụ thể hóa bằng những kế hoạch cấp Chính phủ và bộ, ngành, địa phương và từng cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, cần chú ý rà soát các yêu cầu trong EVFTA cũng như thực tiễn hội nhập thời gian qua, thiết lập danh mục các vấn đề về mặt thể chế cần được xử lý (bao gồm cả về luật pháp và bộ máy quản lý…); Thành lập và vận hành các thể chế cần thiết cho việc đảm bảo thực thi các nghĩa vụ và tận dụng hiệu quả các quyền theo cam kết EVFTA ở Việt Nam, đặc biệt là các hỗ trợ nâng cao năng lực, đóng góp kỹ thuật, thiết kế cơ chế và hỗ trợ nguồn lực xây dựng, vận hành bộ máy phù hợp với tính chất, chức năng và đảm bảo tính khả thi trong triển khai; tăng cường chất lượng cả các thể chế thị trường và sản phẩm xuất khẩu… Việc chuẩn bị các yếu tố cần thiết cũng như xây dựng các tiêu chí, dự liệu các giải pháp để vượt qua các thách thức này, thực thi tốt EVFTA là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể đạt được những lợi ích kỳ vọng từ EVFTA…
Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nhận diện và chuẩn bị năng lực, kịch bản cụ thể về thông tin, tài chính, nhân sự và kỹ thuật… để khai thác các cơ hội và vượt qua các thách thức trên cơ sở thực tiễn và lộ trình cam kết được các cơ quan chức năng cung cấp công khai và thuận tiện… Thành công không đến với người tự ti hoặc thụ động, chuộng ảo vọng vay mượn, nhưng cũng không cho phép ta chủ quan, dừng nghỉ. Việt Nam cần nhiều hơn những quyết tâm và hành động thiết thực, phù hợp để khắc phục các khó khăn và bất cập trong đổi mới mô hình phát triển, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp, kiểm soát nợ công, nợ xấu, hàng giả, hàng nhái, an toàn thực phẩm, hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai và biến đổi khí hậu, bạo lực gia đình và tăng cường bảo đảm an sinh xã hội…Tăng cường khai thác sức mạnh toàn dân tộc dựa trên sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân; sự củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự hội tụ của các sáng kiến, sáng tạo tự do và trách nhiệm cá nhân và cộng đồng người Việt cả trong nước và nước ngoài; năng lực và sự nêu gương của lãnh đạo các cấp trong một chính phủ kiến tạo và đặc biệt là sự hoàn thiện, nghiêm minh, hiệu lực thực tế của hệ thống pháp luật, nhằm bảo vệ các giá trị chuẩn quốc gia, chống lại mọi sự vô cảm, quốc nạn tham nhũng, thói đạo đức giả, sự hành xử méo mó và bất chấp luật pháp vì lợi ích nhóm và sự ích kỷ cá nhân để tiếp tục và đẩy nhanh sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường trong thời gian tới.
Quá trình tham gia các FTA và xóa bỏ những thể chế kìm hãm DN, làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực DN, lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết để hỗ trợ DN phát triển lành mạnh, hiệu quả đã, đang và sẽ cho phép từng bước định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới và mở ra triển vọng phát triển mới với nhiều thay đổi về chất đối với vai trò, vị thế và cách thức tổ chức mới của cộng đồng DN trong toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng
thế giới…
TS. Nguyễn Minh Phong
Nguồn: TCNH số 22/2018