Không ngừng nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và ngày càng đề cao yêu cầu phát triển bền vững là chìa khóa động lực và cũng là thước đo hiệu quả tổng hợp hệ thống chính sách phát triển của quốc gia và từng doanh nghiệp.
Đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt của phát triển bền vững
Không ngừng cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo
Đổi mới sáng tạo là năng lực tạo ra và ứng dụng giải pháp kỹ thuật, thành tựu công nghệ, sự linh hoạt và hiệu quả trong phản ứng chính sách và thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và phát triển doanh nghiệp. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index, gọi tắt là GII) là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell, Hoa Kỳ tính toán. Năm 2018, bộ chỉ số này gồm có 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số, được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là: thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, thị trường và môi trường kinh doanh và 2 trụ cột đầu ra là: sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.
Theo Báo cáo về xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 của WIPO, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2017, lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng, tức tăng 14 bậc so với năm 2016 và tăng 31 bậc so với năm 2013. Việt Nam có điểm số cao hơn mức trung bình trong cả 7 trụ cột, trong đó: Chỉ số về Nâng cao hiệu quả Thực thi pháp luật tăng 17 bậc (xếp thứ 57); Chỉ số về Môi trường kinh doanh tăng 10 bậc; Chỉ số về Trình độ kinh doanh tăng 7 bậc; Chỉ số Chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc (xếp thứ 13); Chỉ số Chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp tăng 4 bậc (xếp thứ 48), và chỉ số Hợp tác Đại học và doanh nghiệp tăng 17 bậc (xếp thứ 59). Đặc biệt, Chỉ số Tạo ứng dụng di động, một chỉ số về phát triển kinh tế số, Việt Nam được xếp hạng 16, thay cho vị trí thứ 52 về tải video lên youtube của năm 2017.
Năm 2019, việc tính toán chỉ số GII có thay đổi về phương pháp, cụ thể là thay đổi về chỉ số, nguồn dữ liệu và phương pháp tính toán chỉ số. GII năm 2019 với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số vẫn được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là: thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, thị trường và môi trường kinh doanh và 2 trụ cột đầu ra là: sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.
Theo báo cáo của WIPO, chỉ số GII năm 2019 của Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc, lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. Thứ hạng này đã đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia. Quan trọng hơn, Việt Nam có sự tiến bộ ở cả nhóm chỉ số đầu vào (tăng 2 bậc so với năm 2018) và đầu ra (tăng 4 bậc so với năm 2018), cũng như có điểm số cao trong cả 7 trụ cột, đều cao hơn mức trung bình. Một số chỉ số có cải thiện đáng chú ý so với năm 2018 là: Trình độ phát triển của thị trường tăng 3 bậc; tín dụng tăng 4 bậc; tăng năng suất lao động tăng 3 bậc. Và đặc biệt là hai chỉ số liên quan đến đầu vào và đầu ra của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những bước nhảy vọt, cụ thể là: Chỉ số Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tăng 5 bậc và chỉ số Sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ tăng 8 bậc.
Kết quả chỉ số GII năm 2019 cho thấy Việt Nam đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ đặt ra.
Quá trình cải thiện xếp hạng về các chỉ số GII năm 2018 và 2019 là kết quả sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, sự nỗ lực chung của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra nhu cầu để doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhanh hơn, mạnh hơn, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế.
Đặc biệt, từ năm 2018 và 2019, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Công ty Kiến trúc Arup, Việt Nam đã xúc tiến những khởi động đầu tiên xây dựng đề án hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (gọi tắt là NIC) của Việt Nam, với 5 lĩnh vực ưu tiên là nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường, được kỳ vọng trở thành là biểu tượng và hạt nhân về đổi mới sáng tạo và thúc đẩy thay đổi mô hình phát triển kinh tế đất nước về dài hạn, một điểm nhấn trong Chiến lược triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
Đây là trung tâm đầu tiên trong hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo, không sử dụng ngân sách nhà nước, mà huy động nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa.
Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam có sự khác biệt và áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới. Để khuyến khích Trung tâm hoạt động hiệu quả, Chính phủ cần đi đầu trong sử dụng ứng dụng các sản phẩm đổi mới sáng tạo; đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo, cho phép các trung tâm đổi mới sáng tạo nước ngoài đã hình thành liên kết với các trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước vận hành các trung tâm này; đồng thời, có chính sách phù hợp thu hút các nhân tài số, các kỹ sư phần mềm; đẩy mạnh cải cách về môi trường đầu tư, nhất là về thuế, đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đổi mới sáng tạo, cấp bản quyền và thương mại hóa các nghiên cứu tập trung vào một ngành cụ thể mang tính động lực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ Trung tâm Đổi mới sáng tạo, bởi nếu không có đổi mới sáng tạo, không có khoa học công nghệ thì không thành công, không tận dụng được thời cơ đến với Việt Nam.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số GII một cách bền vững, cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo, trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
Yêu cầu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi tất cả các cấp chính quyền, ngành, doanh nghiệp cần tập trung cải thiện chất lượng các quy định pháp luật về thị trường vốn và đầu tư; khởi sự kinh doanh và giải quyết phá sản doanh nghiệp; bảo đảm chi ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực tài chính của doanh nghiệp và các nguồn lực xã hội để đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ, nâng cao trình độ và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; phát triển các trung tâm nghiên cứu và thông tin khoa học công nghệ quốc gia, phát triển thị trường khoa học, công nghệ; công khai, minh bạch nhiệm vụ khoa học công nghệ và kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thúc đẩy nhanh quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu; phát triển, trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thực sự coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cùng và cũng là chủ thể đi đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Đồng thời, cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung một số chỉ số về đổi mới sáng tạo vào thống kê quốc gia định kỳ cập nhật hàng năm theo tinh thần Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, nhằm hoàn thiện công tác thống kê đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và xây dựng, thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.
Hài hòa lợi ích mục tiêu theo yêu cầu phát triển bền vững
Phát triển bền vững đòi hỏi kết hợp hài hòa các lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường, trước mắt và lâu dài, Nhà nước, tập thể và cá nhân, sao cho vừa đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, vừa không được phép làm tổn hại đến lợi ích và việc đáp ứng các nhu cầu của những thế hệ mai sau; hướng đến vì hạnh phúc lâu dài của con người với tư cách là mục tiêu và động lực mạnh nhất và cao nhất trong quá trình phát triển. Nguyên tắc này ngày càng được xác lập và khẳng định mạnh mẽ cả trên phạm vi quốc gia, cũng như toàn cầu.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm nhận thức và quán triệt yêu cầu phát triển bền vững trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt rõ nét trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000 được Đại hội VII thông qua, theo đó chủ trương “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường”. Đại hội VIII tiếp tục khẳng định “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 thông qua tại Đại hội IX đề ra yêu cầu cao hơn “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Đại hội X còn bổ sung yêu cầu phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ và xác định mục tiêu tổng quát của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 là “Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người”. Đặc biệt, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 lấy “phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược”, đã cụ thể hóa thành các nội dung “Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ và cải thiện môi trường… Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phải đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”.
Với phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, sự kết hợp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và yêu cầu phát triển bền vững chính là sự cộng hưởng động lực và hội tụ mục tiêu bao quát và xuyên suốt trong thực tiễn triển khai của các cấp, ngành, địa phương, cả ở góc độ vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa chủ trương đó thành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý đối với từng ngành, lĩnh vực và thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện; tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, giảm nhẹ gánh nặng chi phí tài chính và tín dụng và các chi phí tuân thủ thể chế khác cho doanh nghiệp; nỗ lực tìm hướng đi, cơ hội phát triển mới, thúc đẩy khởi nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản từ sự phát triển ngành chế biến, chế tạo; coi trọng sử dụng giống mới, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông sản hiện đại; mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi và quy mô công nghiệp; thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Chủ động nhận diện và cập nhật các rào cản kỹ thuật để chủ động xây dựng các biện pháp thích ứng hiệu quả, kịp thời. Đồng thời, ngày càng đề cao các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong sản xuất và đời sống xã hội.
Đặc biệt, trên hành trình không ngừng đổi mới sáng tạo và đề cao yêu cầu phát triển bền vững cần coi con người vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể và động lực chủ đạo của phát triển. Thực hiện dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực và là một thành tố của phát triển bền vững; phát huy nguồn lực con người là lợi thế cạnh tranh dài hạn, là yếu tố quyết định sự thành công trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của một quốc gia. Thực hành dân chủ rộng rãi và tạo lập sự đồng thuận xã hội cao về hệ thống giá trị chuẩn quốc gia tiên tiến, được quản lý và giám sát bởi cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia có hiệu lực thực tế cao, cơ chế cán bộ tiến bộ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân…sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Dân chủ càng cao thì đồng thuận xã hội càng sâu, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được củng cố vững chắc.
Những thành công toàn diện và liên tiếp hoàn thành các nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trong phát triển kinh tế năm 2018 và năm 2019 cho thấy, đất nước ta đang chuyển mạnh, nhanh, hiệu quả hơn từ động lực tăng trưởng dựa trên vốn đầu tư, sang ưu tiên cao nhất khai thác, củng cố và phối hợp các động lực tăng trưởng mới về thể chế, công nghệ và niềm tin trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, sự chuyển động mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, tạo hợp lực khai thác các động lực tích cực từ cuộc cách mạng CN 4.0, chủ động vượt qua mọi thách thức, khai thác các vận hội mới và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững với nhiều kỳ vọng mới, lớn lao và tự tin hơn trong những năm tới…
TS. Nguyễn Minh Phong
Theo Tạp chí Ngân hàng số 15/2020