Định hướng phát triển của Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Trung ương các nước và một số khuyến nghị đối với Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
27/01/2023 669 lượt xem
Trong những năm gần đây, ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với tác động của dịch bệnh Covid - 19, ngân hàng trung ương (NHTW) các nước trên thế giới đều có xu hướng gia tăng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ của NHTW nhằm hướng tới việc vận hành hoạt động NHTW trên nền tảng thông tin hiện đại, từ xây dựng và hoàn thiện cơ chế phát triển đồng tiền số, ngân hàng số, xây dựng ứng dụng trong quản lý rủi ro đến ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh toán điện tử; thị trường tiền tệ, quản lý dự trữ ngoại hối, phát hành và lưu thông tiền tệ... Trong bối cảnh đó, với tầm nhìn và vai trò của mình, kiểm toán nội bộ NHTW các nước ban hành chính sách thống nhất về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ NHTW; tăng cường công tác quản trị rủi ro hoạt động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán nội bộ và thực hiện kiểm toán hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm gia tăng giá trị cho tổ chức là những thay đổi căn bản trong hoạt động của kiểm toán nội bộ hiện nay. Trong khuôn khổ của bài viết này, nhóm tác giả đề cập nghiên cứu định hướng phát triển của kiểm toán nội bộ NHTW các nước trong giai đoạn hiện nay và đưa ra một số khuyến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm toán nội bộ NHNN trong giai đoạn tới.
 
1. Ban hành chính sách thống nhất về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ
 
NHTW có một vai trò và vị trí vô cùng đặc biệt trong nền kinh tế, chịu trách nhiệm xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm ổn định giá trị đối nội, đối ngoại của đồng tiền; thực hiện cung tiền cho nền kinh tế, kiểm soát lãi suất và là người cho vay cuối cùng. NHTW thực hiện các nghiệp vụ phức tạp có độ nhạy cảm cao, mọi động thái về chính sách quản lý của NHTW sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường tài chính, tiền tệ; rủi ro trong hoạt động của NHTW ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính, nền kinh tế và xếp hạng tín nhiệm của mỗi quốc gia. Vì vậy, hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động của NHTW. Việc xây dựng và triển khai đồng bộ các chính sách về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ là cơ sở quan trọng trong đảm bảo tính an toàn và hiệu quả hoạt động của NHTW, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và phát huy hiệu quả hoạt động của ba vòng kiểm soát (ba tuyến phòng thủ) trong phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro hoạt động NHTW. 
 
(i) Nguyên tắc chính của chính sách gồm:
 
- Sự cần thiết phải chia sẻ thống nhất về quan điểm và định nghĩa về kiểm soát nội bộ.
 
- Cần có vòng kiểm soát thứ hai tại tất cả các quy trình nghiệp vụ.
 
- Sự cần thiết phải triển khai mô hình kiểm soát ba tuyến phòng thủ với sự hỗ trợ của bộ phận phòng ngừa rủi ro (hỗ trợ, đánh giá, mục tiêu).
 
- Các hoạt động thuê ngoài cần được giám sát chặt chẽ.
 
- Kiểm soát nội bộ cần được thiết kế tại mỗi quy trình nghiệp vụ.
 
- Mỗi quy trình nghiệp vụ cần rà soát lại các biện pháp kiểm soát của mình.
 
- Mỗi quy trình nghiệp vụ cần phân tích hồ sơ rủi ro của mình để có đủ nhân sự cho tuyến phòng thủ thứ hai.
 
- Tuyến phòng thủ thứ hai phải xác minh các quy trình, biện pháp kiểm soát và cập nhật các quy trình, biện pháp kiểm soát này thường xuyên.
 
- Tuyến phòng thủ thứ hai phải cập nhật các biện pháp dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh.
 
(ii) Mục tiêu chính của chính sách gồm:
 
- Mục tiêu chính đối với vòng kiểm soát thứ nhất: Đảm bảo trách nhiệm của tập thể; kiểm soát càng sát sao, chặt chẽ càng tốt. Đây là vòng quan trọng nhất trong việc đảm bảo tính kiểm soát liên tục trong hoạt động.
 
- Mục tiêu chính đối với vòng kiểm soát thứ hai: Xây dựng mô hình phù hợp; phát triển phương thức thực hiện; hỗ trợ vòng kiểm soát thứ nhất; thực hiện công tác đào tạo về quản lý rủi ro; thực hiện công tác báo cáo rủi ro lên đơn vị chức năng.
 
- Mục tiêu chính của vòng kiểm soát thứ ba: Đánh giá tính tin cậy, đầy đủ và toàn vẹn của thông tin tài chính và hoạt động; hỗ trợ NHTW đạt được mục tiêu của tổ chức; hiệu lực, hiệu quả của hoạt động; bảo vệ tài sản (bao gồm cả giá trị và dữ liệu); tôn trọng pháp luật, quy định, hợp đồng.
 
Trên cơ sở nguyên tắc, mục tiêu của chính sách về kiểm soát nội bộ, vai trò của các tuyến phòng thủ trong việc kiểm soát rủi ro sẽ được xác định rõ ràng, thống nhất trong NHTW; theo đó, vai trò của từng đơn vị và của kiểm toán nội bộ trong đánh giá, phòng ngừa rủi ro được phát huy đầy đủ, hiệu quả.
 

 
Công chức Vụ Kiểm toán nội bộ, NHNN tham dự Hội thảo kiểm soát nội bộ, 
kiểm toán nội bộ NHTW do NHTW Pháp tổ chức tại Paris, Pháp, tháng 6/2022
 
2. Tăng cường triển khai công tác quản trị rủi ro và kiểm toán trên cơ sở rủi ro
 
Một trong những cấu phần quan trọng của mô hình kiểm soát ba vòng là công tác quản trị rủi ro. NHTW các nước tăng cường và coi trọng công tác đánh giá rủi ro hoạt động, bởi rủi ro đối với NHTW ngày càng gia tăng vì các nguyên nhân sau:
 
- Mức độ phức tạp trong hoạt động của NHTW ngày càng cao.
 
- Yêu cầu của lãnh đạo trong việc giám sát, quản lý trực tiếp, liên tục các hoạt động nghiệp vụ.
 
- Yêu cầu tuân thủ pháp luật và quy trình nghiệp vụ.
 
- Sự gia tăng các yếu tố liên quan đến khủng bố và tội phạm an ninh mạng, dịch bệnh, xung đột vũ trang.
 
- Mức độ phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài ngày càng tăng (thuê ngoài, hỗ trợ, hợp tác).
 
- Vấn đề đạo đức cán bộ.
 
Trên cơ sở chú trọng vào phân tích, đánh giá và quản trị rủi ro, kiểm toán trên cơ sở rủi ro được triển khai đồng bộ, đây là xu thế được NHTW các nước triển khai nhằm tối đa hóa hiệu quả nguồn lực trong triển khai công tác kiểm toán nội bộ; đồng thời, tăng cường công tác quản lý rủi ro nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động của NHTW, đảm bảo hoạt động của NHTW an toàn, hiệu quả.
 
NHTW Albania thiết lập bộ phận quản lý rủi ro hoạt động thuộc Vụ Kiểm toán nội trên cơ sở đề xuất dự án của Vụ Kiểm toán nội bộ, sử dụng toàn bộ nguồn lực nội bộ nhằm mục tiêu xây dựng quy trình nhận diện rủi ro và xác định các hoạt động kiểm soát tại chỗ cho các quy trình nghiệp vụ. Mỗi vụ, cục bố trí một người làm công tác quản lý rủi ro (điều phối viên) để phối hợp công tác với bộ phận quản lý rủi ro hoạt động trong công tác quản lý rủi ro của NHTW. Bộ phận quản lý rủi ro hoạt động hoàn thành với những sản phẩm sau:
 
- Thiết lập một bản đồ chi tiết cho tất cả các quy trình của ngân hàng và biện pháp kiểm soát cho từng quy trình nghiệp vụ.
 
- Đánh giá rủi ro cho tất cả các hoạt động của NHTW Albania.
 
- Đưa ra các biện pháp kiểm soát tại chỗ.
 
- Thiết lập kế hoạch hành động cho các rủi ro trung bình và cao.
 
- Thiết lập chính sách về quản lỷ rủi ro hoạt động của NHTW Albania (chính sách, cách thức và phương pháp thực hiện).
 
Mô hình quản lý rủi ro của NHTW Hàn Quốc bao gồm ba vòng: (1) Các đơn vị vụ, cục nghiệp vụ xác định và đánh giá rủi ro của đơn vị mình; (2) Đơn vị quản lý rủi ro xem xét và chuẩn hóa các rủi ro này nếu cần thiết; (3) Vụ Kiểm toán nội bộ xem xét các rủi ro và đưa ra các ý kiến cho đơn vị quản lý rủi ro. Tất cả các đơn vị đều có chức năng giảm thiểu, kiểm soát và báo cáo rủi ro khi có vấn đề xảy ra. Khi mỗi vụ có chức năng kiểm soát rủi ro của vụ mình thì đơn vị quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ thực hiện kiểm soát tất cả các rủi ro.
 
NHTW Hàn Quốc xây bảng theo dõi rủi ro (hơn 1.000 rủi ro) là kết quả của sự phối hợp giữa các vụ, cục nghiệp vụ; Vụ Kiểm toán nội bộ và đơn vị quản lý rủi ro cũng như sự tư vấn của một công ty tư vấn về rủi ro. Bảng theo dõi rủi ro được xây dựng dựa trên mô tả công việc của từng nhóm được xác định trong quy chế tổ chức, trên cơ sở các cuộc phỏng vấn sâu được thực hiện nhiều lần giữa người phụ trách và công ty tư vấn. Hằng năm, đơn vị quản lý rủi ro yêu cầu mỗi bộ phận điều chỉnh các rủi ro của riêng mình, khoảng 10 - 30 rủi ro được thay đổi thông qua quá trình rà soát, đánh giá lại. Trên cơ sở hệ thống rủi ro này, kiểm toán nội bộ chấm điểm và lựa chọn đối tượng kiểm toán định kỳ năm và dài hạn trong 03 năm.
 
NHTW Romania thực hiện đánh giá, chấm điểm đối tượng kiểm toán để xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm, trong đó tập trung đánh giá các rủi ro chính, các dự án quan trọng, các sự cố đáng kể và những thay đổi trong quy trình/hoạt động/tổ chức/nhân sự; các yêu cầu tư vấn/hỗ trợ phát sinh trong năm và ý kiến chỉ đạo của Ban Lãnh đạo. Phạm vi của kế hoạch kiểm toán đồng thời dựa trên mục tiêu chiến lược trung và dài hạn của NHTW Romania; tầm nhìn của Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ và sự thay đổi chính trong chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc NHTW. Trên cơ sở điểm số rủi ro, tần suất kiểm toán các đối tượng kiểm toán là từ 01 năm đến 05 năm.
 
Rõ ràng, cách thức thực hiện đối với công tác quản lý rủi ro của các NHTW có thể khác nhau; tuy nhiên, trên nền tảng của việc quản lý rủi ro tập trung, rõ ràng, kế hoạch và việc triển khai hoạt động kiểm toán nội bộ trên cơ sở rủi ro được thực hiện hiệu quả.
 
3. Xây dựng các phần mềm kiểm toán nội bộ chuyên dụng đa chức năng
 
Hiện nay, ngoài việc sử dụng các phần mềm kiểm toán nội bộ được các công ty phần mềm công nghệ phát triển, NHTW các nước có xu hướng xây dựng và phát triển một hệ thống thông tin nội bộ đa chức năng, bao gồm kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ phục vụ cho việc tập hợp thông tin, dữ liệu từ các hoạt động nghiệp vụ, đánh giá rủi ro và quản lý hoạt động kiểm toán nội bộ được coi là yếu tố quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động kiểm toán nội bộ, thay vì chỉ tập trung cho hoạt động kiểm toán nội bộ. Đồng thời, kiểm toán nội bộ NHTW xây dựng chiến lược đào tạo kiểm toán viên các kỹ năng về phân tích dữ liệu để khai thác hiệu quả nguồn thông tin sẵn có và khai thác hiệu quả phần mềm về kiểm toán nội bộ.
 
NHTW Pháp triển khai một dự án công nghệ thông tin phát triển phần mềm về kiểm toán nội bộ vào năm 2018 để thay thế cho phần mềm đã được sử dụng từ năm 2005 nhằm phục vụ cho công tác quản lý hoạt động kiểm toán nội bộ. Phần mềm GRECO được thiết kế để phục vụ các quy định:
 
- Quy trình quản lý (2018).
 
- Rủi ro hoạt động (2018).
 
- Sự cố (2018).
 
- Kiểm soát nội bộ (2019).
 
- Kiểm toán nội bộ (2019).
 
- Rủi ro công nghệ thông tin (2021).
 
NHTW Pháp xây dựng và phát triển phần mềm với các cấu phần tương thích các quy trình về đánh giá rủi ro hoạt động, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Để việc phòng ngừa rủi ro được hiệu quả, thực tế cho thấy, không chỉ bao gồm việc áp dụng các công cụ và phương pháp, mà còn phát triển sự thay đổi văn hóa về rủi ro trong đội ngũ nhân viên và việc áp dụng rộng rãi các quy định quản lý rủi ro trong từng đơn vị nói riêng và NHTW nói chung.
 
NHTW Hàn Quốc đã xây dựng và phát triển hệ thống phần mềm kiểm toán (e-audit system), trong đó, tích hợp ba hệ thống đang tồn tại vào một hệ thống. (Bảng 1)
 
Bảng 1: Theo dõi rủi ro, hệ thống giám sát rủi ro và thông tin kiểm toán


Nguồn: NHTW Hàn Quốc

 
Việc xây dựng và khai thác các phần mềm kiểm toán tích hợp cho thấy, tầm nhìn vượt trội và khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin của kiểm toán nội bộ NHTW các nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo hiệu quả tối ưu trong triển khai thực hiện kiểm toán nội bộ. 
 
4. Tăng cường kiểm toán công nghệ thông tin
 
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng vào hoạt động của NHTW các nước đã đặt ra thách thức lớn đối với chức năng bảo đảm của kiểm toán nội bộ cho Ban Lãnh đạo NHTW trong việc bảo đảm các quy định, chiến lược, kế hoạch được triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng hạn; bảo đảm các giải pháp an ninh bảo mật, chống lại nguy cơ tấn công mạng, ăn cắp thông tin, gián đoạn hệ thống được triển khai đầy đủ; tính hiệu quả trong đầu tư các hệ thống thông tin nghiệp vụ. Vì vậy, kiểm toán nội bộ NHTW các nước đều ưu tiên phân bổ nguồn lực cho kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán an ninh mạng trong giai đoạn hiện nay, bao gồm tăng cường kiểm toán dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện quy trình kiểm toán và tuyển dụng, đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác kiểm toán công nghệ thông tin. 
 
Theo đánh giá của NHTW Pháp, các nghiệp vụ của NHTW Pháp có nguy cơ từng phần hoặc toàn phần đối với các rủi ro công nghệ như là kết quả của quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ; vì vậy, công tác kiểm toán công nghệ thông tin rất được quan tâm. Theo đó, Kiểm toán nội bộ NHTW Pháp thực hiện đa dạng các nội dung kiểm toán công nghệ thông tin, bao gồm kiểm toán thông tin cho các hoạt động kinh doanh, kiểm toán quy trình bảo mật (các mối đe dọa từ nội bộ và bên ngoài), kiểm toán kỹ thuật bảo mật (bảo mật cơ sở dữ liệu)…; trong đó, tập trung vào phân tích bối cảnh ứng dụng (máy chủ, kiến trúc, công nghệ, sự cố, nghĩa vụ pháp lý), rủi ro ứng dụng, các biện pháp bảo mật. Đồng thời, Kiểm toán nội bộ NHTW Pháp quan tâm đến nhân tố con người làm công tác kiểm toán công nghệ thông tin do việc cạnh tranh trong tuyển dụng các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực công nghệ, Kiểm toán nội bộ NHTW Pháp sẵn sàng chi trả các chi phí liên quan để đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực này, bao gồm cả cấp chi phí đào tạo ngắn hạn và dài hạn.
 
NHTW Malaysia là một trong những NHTW thuộc các nước Đông Nam Á đi đầu về ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động nghiệp vụ; vì vậy, Kiểm toán nội bộ NHTW Malaysia rất coi trọng kiểm toán công nghệ thông tin. Kiểm toán nội bộ dành phần lớn nguồn lực cho kiểm toán các dự án chuyển đổi số lớn và các dự án hạ tầng công nghệ khác của NHTW Malaysia. 
 
Sự xuất hiện của các công nghệ mới ở nhiều lĩnh vực trong hoạt động của NHTW cũng như các rủi ro công nghệ mới xuất hiện liên tục đã đặt ra bài toán chiến lược cho kiểm toán nội bộ, đòi hỏi định hướng về đào tạo nhân sự thực hiện kiểm toán công nghệ cao; cũng như việc mở rộng về phạm vi, nội dung, tập trung vào việc rà soát các dự án công nghệ thông tin lớn để đánh giá tính hiệu quả và an toàn. 
 
5. Coi trọng nhân tố người làm công tác kiểm toán nội bộ
 
Nhân tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. NHTW các nước đều có những chính sách riêng để thu hút và đào tạo nhân sự, trong đó có nhân sự làm công tác kiểm toán nội bộ do các hoạt động của NHTW rất đa dạng và chuyên biệt, đòi hỏi kiểm toán viên phải có trình độ, kiến thức nhất định; đồng thời, phải được cập nhật liên tục các kiến thức và kỹ năng mới.
 
Chính sách nhân sự cho kiểm toán nội bộ của NHTW Pháp:
 
- Tuyển dụng kiểm toán viên: 
 
(i) Từ bên ngoài thông qua các kỳ thi tuyển cạnh tranh từ kiểm toán viên nội bộ và kiểm toán viên có chuyên môn đặc thù và thông qua thị trường lao động đối với chuyên gia công nghệ thông tin, người phân tích dữ liệu; (ii) Bổ nhiệm nội bộ: Từ những người hoạt động lĩnh vực kiểm soát nội bộ trong hệ thống ngân hàng; nhân viên ngân hàng có năng lực và khả năng; những người yêu thích lĩnh vực kiểm toán.
 
- Đào tạo lãnh đạo phòng: Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo 03 năm trong rất nhiều lĩnh vực kiểm tra, kiểm toán; tham gia cuộc phỏng vấn, đánh giá bởi Vụ trưởng Vụ Kiểm soát nội bộ; tham khảo đánh giá cá nhân của trưởng các đơn vị đã thực hiện làm trưởng đoàn kiểm toán các nghiệp vụ; có các bài nghiên cứu về các lĩnh vực tài chính hoặc kinh tế.
 
- Đào tạo kiểm toán viên: Kỹ năng kiểm toán, kỹ năng giao tiếp, thiết kế các chương trình đào tạo cá nhân trên cơ sở mong muốn của kiểm toán viên, được cập nhật hằng năm. Bắt buộc kiểm toán viên thực hiện học và lấy các chứng chỉ kiểm toán thông tin (Certificated Information Systems Auditor - CISA); Chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ (Certificated Internal Auditor - CIA) do Viện Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) cấp và các chứng chỉ nội bộ.
 
6. Một số khuyến nghị đối với NHNN
 
Trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của kiểm toán nội bộ NHTW các nước trong đánh giá rủi ro, xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán trên cơ sở rủi ro, Kiểm toán nội bộ NHNN trong những năm qua đã từng bước triển khai công tác kiểm toán nội bộ theo định hướng rủi ro thông qua: 
 
(i) Tập trung kiểm toán, kiểm tra nhằm đánh giá tính tuân thủ, hiệu quả việc triển khai những nhiệm vụ trọng tâm được Thống đốc NHNN phân công các đơn vị tại các chỉ thị, kế hoạch của NHNN; ưu tiên việc rà soát, đánh giá các hoạt động/nghiệp vụ tiềm ẩn rủi ro gồm công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản; dự án đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố; công tác quản lý tiền và an toàn kho quỹ; hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin phục vụ cho hoạt động của NHNN; 
 
(ii) Tăng cường kiểm toán chuyên đề (theo nghiệp vụ, quy trình) do nhiều đơn vị cùng thực hiện để rà soát đánh giá rủi ro có tính hệ thống; (iii) Ban hành Sổ tay kiểm toán chuyên đề, trong đó phân tích, đánh giá các yếu tố có nguy cơ rủi ro trong quá trình tác nghiệp và các rủi ro chính cần lưu ý khi thực hiện kiểm toán để từng bước thực hiện kiểm toán trên cơ sở rủi ro; (iv) Coi trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ kiểm toán viên và tăng cường nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của NHTW các nước trong đánh giá và từng bước triển khai kiểm toán trên cơ sở rủi ro, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực kiểm toán; (v) Tiếp nhận chương trình hỗ trợ kỹ thuật về kiểm toán nội bộ theo phê duyệt của Lãnh đạo NHNN nhằm đánh giá việc áp dụng các thông lệ kiểm toán nội bộ dựa trên rủi ro tại NHNN để đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao năng lực triển khai thực hiện kiểm toán trên cơ sở rủi ro theo chuẩn mực của IIA tại NHNN. Đồng thời, Kiểm toán nội bộ NHNN luôn coi trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ kiểm toán viên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kiểm toán nội bộ và thực hiện kiểm toán đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Xây dựng chính sách về kiểm soát hiệu quả, chú trọng vào quản lý rủi ro, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện kiểm toán, coi trọng vai trò của kiểm toán công nghệ thông tin và phát triển yếu tố con người là những định hướng chính trong triển khai công tác kiểm toán nội bộ của NHTW các nước trên thế giới. Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ trong giai đoạn tới, một số nội dung NHNN cần quan tâm:
 
Một là, nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách phù hợp về khung quản trị rủi ro của NHNN, đảm bảo mọi hoạt động của NHNN phải được phân tích, đánh giá, nhận diện rủi ro, mức độ rủi ro có thể chấp nhận, đồng thời có biện pháp hiệu quả kiểm soát và hạn chế rủi ro có thể phát sinh. Phát huy đầy đủ tác dụng của các yếu tố cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa và hạn chế rủi ro, đảm bảo các hoạt động nghiệp vụ của NHNN được vận hành đúng pháp luật, an toàn, hiệu quả.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện các chính sách, cơ chế, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và vai trò của kiểm toán nội bộ là tuyến phòng thủ thứ ba phù hợp các quy định và thông lệ quốc tế, bảo đảm tính độc lập tương đối của kiểm toán nội bộ, chuyển mạnh sang áp dụng phương pháp kiểm toán nội bộ trên cơ sở rủi ro, từng bước nghiên cứu nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp cận thông tin, tài liệu, số liệu và thực hiện kiểm toán từ xa. 
 
Ba là, chú trọng hơn nữa trong công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên chuyên nghiệp, đạt các tiêu chuẩn, chứng chỉ chuyên về kiểm toán quốc tế, đặc biệt là nguồn nhân lực về công nghệ thông tin để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm toán công nghệ thông tin NHNN. Khuyến khích kiểm toán viên thực hiện học và lấy các chứng chỉ  CISA, CIA do IIA cấp để tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ công chức làm công tác kiểm toán.
 
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện phần mềm ứng dụng phục vụ công tác kiểm toán nội bộ, trong đó đảm bảo tích hợp, kết nối được các thông tin có sẵn phục vụ công tác giám sát, đánh giá rủi ro cũng như tăng cường chất lượng, hiệu quả quản lý hoạt động kiểm toán nội bộ. 
 
Năm là, tăng cường tính linh hoạt, thích ứng của kiểm toán nội bộ trong bối cảnh hậu Covid-19 với nhiều thay đổi trong điều hành của NHTW, sự phát triển và ứng dụng không ngừng của công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ và những rủi ro mới phát sinh, đảm bảo kiểm toán nội bộ tiếp tục đóng góp và mang lại giá trị cho tổ chức.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Risk based audit framework at the Bank of Korea, Internal Audit system at Bank of Korea seminar, Seoul 2018.
2. Auditing cybersecurity risks at Bank Negara Malaysia, 6th Internal Audit network meeting, December 2021.
3. Operational Risk Management in Bank of Albania and its collaboration with Internal Audit, June 2022, Internal control and internal audit seminar, Paris 2022.
4. Internal Control in Central Bank of France, June 2022, Internal control and audit seminar, Paris 2022.
5. Cybersecurity Audits Central Bank of France, Internal control and interanl audit seminar, Paris 2022.
6. Key Features of designing an annual audit plan in Banca Nationala à Romaniei, Paris 2022.

ThS. Lê Quốc Nghị (Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ, NHNN)
ThS. Trần Thị Ngọc Tú (Vụ Kiểm toán nội bộ, NHNN)
 
 

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường và hàm ý cho Việt Nam
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường và hàm ý cho Việt Nam
25/03/2023 135 lượt xem
Công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường (BVMT) bao gồm thuế, phí, lệ phí, đặt cọc, kí quỹ, quỹ BVMT, trợ cấp môi trường... Không giống như công cụ hành chính mang tính chất mệnh lệnh, công cụ kinh tế mang tính mềm dẻo, linh hoạt, khiến cho người gây ô nhiễm và người hưởng thụ môi trường có các hành vi xử sự có lợi cho môi trường.
Tác động của quản lí rủi ro tín dụng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của quản lí rủi ro tín dụng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam
20/03/2023 240 lượt xem
Quản lí rủi ro tín dụng hiệu quả đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của các ngân hàng vì nó có thể phá hủy hoặc đảm bảo khả năng duy trì và tăng trưởng của ngân hàng. Bài viết nghiên cứu tác động của quản lí rủi ro tín dụng, được đo lường bằng tỉ lệ nợ xấu, tỉ lệ an toàn vốn, tỉ lệ chi phí, tỉ lệ thanh khoản, tỉ lệ cho vay trên tiền gửi đối với khả năng sinh lời, được đo lường bằng tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Vai trò của tài chính số trong ổn định hệ thống tài chính
Vai trò của tài chính số trong ổn định hệ thống tài chính
16/03/2023 217 lượt xem
Trên thế giới và ở Việt Nam, tài chính số đang ở trong giai đoạn phát triển bùng nổ với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng. Qua nhiều nghiên cứu và kiểm nghiệm thực tế cho thấy, phát triển tài chính số cải thiện sự ổn định của hệ thống tài chính thông qua việc tăng cường sự ổn định của hệ thống ngân hàng và hạn chế tỉ lệ lạm phát.
Kiểm soát hành vi “Tẩy xanh” - Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính xanh
Kiểm soát hành vi “Tẩy xanh” - Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính xanh
15/03/2023 220 lượt xem
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm cách xây dựng hình ảnh, thương hiệu gần gũi và thân thiện với môi trường. Trong các doanh nghiệp này, có những doanh nghiệp thực sự có những biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường, tuy nhiên, có những doanh nghiệp cố tình lừa dối khách hàng và các tổ chức có liên quan để xây dựng hình ảnh “xanh” cho doanh nghiệp.
Sử dụng công cụ đánh giá rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Sử dụng công cụ đánh giá rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
13/03/2023 510 lượt xem
Bài viết phân tích thực trạng sử dụng công cụ đánh giá rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Với dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát 189 cán bộ thẩm định tín dụng và phỏng vấn sâu 11 chuyên gia là lãnh đạo của các NHTM Việt Nam, bằng việc sử dụng phương pháp thống kê mô tả dựa trên kĩ thuật phân tích thống kê so sánh.
Góc nhìn đương đại về quản trị công ty và vai trò của quản trị công ty hiệu quả
Góc nhìn đương đại về quản trị công ty và vai trò của quản trị công ty hiệu quả
10/03/2023 706 lượt xem
Quản trị công ty ngày càng được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư cũng như các tổ chức tín dụng xem xét đến khi quyết định đầu tư hay cấp tín dụng. Quản trị công ty liên quan đến tất cả các loại hình công ty, đặc biệt là công ty cổ phần do tính chất phức tạp trong cơ cấu tổ chức và quản trị của loại hình công ty này.
Công tác bình đẳng giới ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và một số khuyến nghị
Công tác bình đẳng giới ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và một số khuyến nghị
06/03/2023 320 lượt xem
Bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội. Là ngành kinh tế có số lao động nữ luôn chiếm tỉ lệ cao, ngành Ngân hàng đã và đang dành sự quan tâm lớn đến công tác bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành.
Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Thách thức nhưng nhiều triển vọng
Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Thách thức nhưng nhiều triển vọng
03/02/2023 487 lượt xem
Nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) gần đây đã tăng cường hoạt động truyền thông với công chúng, để không chỉ tăng cường trách nhiệm giải trình và tạo niềm tin, mà còn để định hướng kỳ vọng lạm phát. Dựa trên phân tích và đánh giá các nghiên cứu liên quan, bài viết rút ra kết luận rằng truyền thông hiệu quả với công chúng nói chung là đầy khó khăn, nhưng đồng thời, cũng mang lại nhiều hứa hẹn.
Rủi ro khí hậu đang hiện hữu và cần trở thành một phần trong quy định vốn ngân hàng
Rủi ro khí hậu đang hiện hữu và cần trở thành một phần trong quy định vốn ngân hàng
30/01/2023 599 lượt xem
Thiệt hại do biến đổi khí hậu ngày càng lớn và đang “tích tụ” trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Các báo cáo giám sát cho thấy, đa phần ngân hàng chưa chuẩn bị tốt để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các cơ quan giám sát đã chậm đưa rủi ro khí hậu vào các yêu cầu về vốn tối thiểu.
Trao đổi về UPAS L/C
Trao đổi về UPAS L/C
24/01/2023 1.306 lượt xem
UPAS L/C (Usance Payable At Sight Letter of Credit) là thư tín dụng trả chậm đối với người nhập khẩu nhưng lại có giá trị thanh toán ngay đối với người xuất khẩu. UPAS L/C là sản phẩm mới, nhưng do đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên được chấp nhận sử dụng và phát triển nhanh chóng.
Điểm nhấn chính sách lãi suất năm 2022 - Dự báo năm 2023
Điểm nhấn chính sách lãi suất năm 2022 - Dự báo năm 2023
21/01/2023 2.687 lượt xem
Năm 2023, chính sách tiền tệ của các NHTW lớn được dự báo sẽ không còn quá áp lực như năm 2022, nhưng xu hướng duy trì lãi suất ở mức cao vẫn sẽ là phổ biến.
Ảnh hưởng của các nền tảng xã hội  đối với truyền thông xã hội trong tương lai
Ảnh hưởng của các nền tảng xã hội đối với truyền thông xã hội trong tương lai
21/01/2023 744 lượt xem
Năm 2022 là một năm có rất nhiều sự biến đổi trong xu hướng truyền thông xã hội, khi chúng ta đã chứng kiến những xu hướng tiêu dùng biến động, công nghệ mới ra mắt và sự bùng nổ của các nền tảng mới. Tốc độ thay đổi trên các ứng dụng truyền thông xã hội đang ngày càng gia tăng, buộc các nhà tiếp thị phải trang bị cho mình những nền tảng phù hợp để ứng phó với sự biến động mạnh sẽ tiếp diễn trong năm 2023.
Đầu tư công Việt Nam năm 2022 và gợi ý một số giải pháp cho thời gian tới
Đầu tư công Việt Nam năm 2022 và gợi ý một số giải pháp cho thời gian tới
18/01/2023 1.085 lượt xem
Năm 2022, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế khả quan, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có hiệu quả lạm phát nhờ sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh và hoạt động du lịch quốc tế dần trở lại. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 60% tổng số vốn tính đến tháng 11/2022.
Vai trò của ngân hàng trong ứng phó biến đổi khí hậu dưới khía cạnh pháp lý
Vai trò của ngân hàng trong ứng phó biến đổi khí hậu dưới khía cạnh pháp lý
13/01/2023 831 lượt xem
Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành một trong những vấn đề gây thách thức lớn đến sự tồn tại của con người. Vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải được đặt ra trong bối cảnh gia tăng các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến các vấn đề chung của đời sống kinh tế, xã hội.
Ảnh hưởng của áp lực, sự hài lòng công việc và sự gắn kết tổ chức đến ý định nghỉ việc: Trường hợp các ngân hàng thương mại cổ phần tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh hưởng của áp lực, sự hài lòng công việc và sự gắn kết tổ chức đến ý định nghỉ việc: Trường hợp các ngân hàng thương mại cổ phần tại Thành phố Hồ Chí Minh
23/12/2022 1.598 lượt xem
Nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ tác động ý định nghỉ việc của cán bộ, nhân viên các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) ở Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm: Áp lực công việc, sự hài lòng công việc và sự gắn kết tổ chức. Nghiên cứu thực hiện khảo sát 225 cán bộ, nhân viên các NHTMCP tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, một số nhân viên có xu hướng ít hài lòng hơn với công việc, sự gắn kết tổ chức thấp hơn và áp lực công việc được xem là cao.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

66.450

67.170

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

66.450

67.150

Vàng SJC 5c

66.450

67.170

Vàng nhẫn 9999

54.950

55.950

Vàng nữ trang 9999

54.850

55.550


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 23.280 23.650 24.662 26.042 27.702 28.883 175,33 185,62
BIDV 23.335 23.635 24.859 26.062 27.830 28.912 173.60 182.70
VietinBank 23.290 23.650 24.488 26.123 28.168 29.178 176,97 184,92
Agribank 23.310 23.670 24.910 26.057 27.948 28.857 177,53 185,26
Eximbank 23.250 23.630 24.970 25.647 28.029 28.789 177,36 182,17
ACB 23.350 23.800 25.009 25.606 28.028 28.765 177,51 181,93
Sacombank 23.280 23.785 25.080 25.687 28.247 28.862 177,80 183,35
Techcombank 23.315 23.660 24.760 26.090 27.766 29.067 173,38 185,81
LienVietPostBank 23.310 23.910 24.880 26.235 28.154 29.108 176,00 187,77
DongA Bank 23.350 23.680 24.980 25.620 28.050 28.760 176,5 182,10
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
4,90
4,90
5,40
5,80
5,80
7,20
7,20
BIDV
0,10
-
-
-
4,90
4,90
5,40
5,80
5,90
7,20
7,20
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
4,90
4,90
5,40
5,80
5,80
7,20
7,20
Cake by VPBank
1,00
-
-
-
6,00
-
6,00
8,90
-
9,00
9,00
ACB
-
1,00
1,00
1,00
5,00
5,10
5,10
6,70
6,90
7,10
7,80
Sacombank
-
-
-
-
5,40
5,50
5,60
7,40
7,50
7,70
7,90
Techcombank
0,30
-
-
-
5,90
5,90
5,90
7,30
7,30
7,30
7,30
LienVietPostBank
-
0,10
0,10
0,10
6,00
6,00
6,00
7,60
7,60
8,00
8,30
DongA Bank
1,00
1,00
1,00
1,00
5,50
5,50
5,50
7,90
7,95
8,00
8,30
Agribank
0,50
-
-
-
4,90
4,90
5,40
5,80
5,80
7,20
7,20
Eximbank
0,20
1,00
1,00
1,00
5,60
5,70
5,80
6,30
6,60
7,10
7,50

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?