Kết thúc năm 2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và dự kiến tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng từ 3 - 4%. Do đó, đề xuất gói hỗ trợ nền kinh tế hiện nay là cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19...
Tuy nhiên, các cơ quan hoạch định chính sách cần tính toán gói hỗ trợ mới này qua xem xét các rủi ro về nợ công, bội chi ngân sách, xu hướng tăng lãi suất huy động, sự điều chỉnh thắt chặt hơn về chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước và áp lực lạm phát trong năm 2022.
1. Đề xuất cho gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn gặp nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 dự báo chỉ đạt trong khoảng từ 3 - 4% và cải cách thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, giải ngân đầu tư công chậm, trong khi nợ xấu có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, dư địa mở rộng chính sách tài khóa, tiền tệ vẫn còn khi thu ngân sách Nhà nước trong năm 2021 đạt và vượt 100% kế hoạch năm, thâm hụt ngân sách Nhà nước và nợ công được kiểm soát tốt, thị trường tài chính, tiền tệ ổn định trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt. Quy mô hỗ trợ tài khóa - tiền tệ để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn khi quy mô hỗ trợ tài khóa gần 3% GDP, quy mô hỗ trợ tiền tệ khoảng 1% GDP. Tổng quy mô gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ của Việt Nam trong thời gian qua thấp hơn mức trung bình toàn thế giới khoảng 16% GDP, các nước mới nổi khoảng 7,5% GDP và các nước thu nhập thấp khoảng 4,28% GDP. Theo kiến nghị từ các chuyên gia, hiện nay, cần tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ và các chính sách khác nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Các chính sách này có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài có trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu, khả năng khả thi và triển khai nhanh với thời gian triển khai trong hai năm 2022 - 2023 theo 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1: Chuẩn bị kích hoạt chương trình và mở cửa nền kinh tế, phục hồi rõ nét hơn (hết quý 2/2022); giai đoạn 2: Tạo lập nền tảng, phục hồi nhanh và tăng tốc (đến hết quý 3/2023); giai đoạn 3: Kết thúc chương trình và bước sang quỹ đạo mới (từ quý 4/2023).
Về đề xuất gói hỗ trợ bao gồm: Giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 1 - 2%; giảm phí bảo hiểm xã hội 5 - 10%; giảm thuế bảo vệ môi trường năm 2022 khoảng 30%; giảm lệ phí trước bạ ô tô trong nước 50% trong 6 tháng năm 2023. Ngoài ra, cần có chính sách bảo lãnh vay vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa với khoảng 80.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại 4 vùng kinh tế trọng điểm với mức 1 triệu đồng/tháng áp dụng trong 3 tháng cho 2 triệu người, hỗ trợ đào tạo nghề với mức hỗ trợ 6.800 tỷ đồng, các chính sách hỗ trợ khác như giảm 10% tiền điện, cước viễn thông trong năm 2022, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tài trợ các dự án nâng cấp, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Theo tính toán, để thực hiện chương trình này cần gói hỗ trợ lên tới 843.845 tỷ đồng, chiếm 10,38% GDP. Trong đó, chính sách tài khóa chiếm lớn nhất trong cơ cấu với 8,34% GDP, tương đương 678.395 tỷ đồng; chính sách tiền tệ 65.000 tỷ đồng (chiếm 0,8% GDP), chính sách an sinh xã hội là 12.800 tỷ đồng (chiếm 0,16% GDP), chính sách khác là 37.650 tỷ đồng (0,46% GDP); đầu tư của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vào doanh nghiệp là 50.000 tỷ đồng (chiếm 0,6% GDP). Đặc điểm của gói hỗ trợ mới này sẽ tập trung vào gói hỗ trợ tài khóa hơn tiền tệ vì không gian tài khóa vẫn còn trong khi dư địa để giảm lãi suất, mở rộng tín dụng vẫn còn nhưng không lớn.
Bộ Tài chính đã nghiên cứu về gói hỗ trợ để đảm bảo kinh tế phục hồi, phát triển và đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng gói hỗ trợ lãi suất, hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng để không ảnh hưởng đến nợ công và bội chi. Như vậy, nếu hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho vay, theo đó, lãi suất cho vay khoảng 2 - 3%/năm đề xuất để cho doanh nghiệp, dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm vay thì sẽ có khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng được hỗ trợ lãi suất đưa vào nền kinh tế và sau đó thúc đẩy việc làm, sản lượng và giảm bội chi ngân sách cho thời kỳ sau. Việc hỗ trợ lãi suất năm 2009 dẫn đến nợ xấu sẽ được rút kinh nghiệm trong lần hỗ trợ này thông qua hạn chế đối tượng hỗ trợ cho vay, tập trung vào nhóm có khả năng đầu tư tăng thêm giá trị cho nền kinh tế, đặc biệt đối tượng vay không có nợ xấu và đảm bảo đúng điều kiện vay. Năm 2009 cũng từng có một gói cấp bù lãi suất để kích cầu kinh tế với quy mô khoảng 17.000 tỷ đồng, cho vay các dự án, công trình đầu tư với lãi suất 4% một năm. Ở thời điểm đó, do thủ tục phức tạp, phát sinh chi phí, trùng lặp đối tượng trong hỗ trợ... nên để lại một số hệ lụy như tín dụng tăng nhanh, lạm phát cao và khâu quyết toán kéo dài.
2. Một số vấn đề đặt ra
Theo số liệu từ bản tin nợ công, xu hướng tăng nợ công bắt đầu có dấu hiệu trở lại từ năm 2020 khi tỷ lệ nợ công/GDP tăng từ 55% trong năm 2019 lên 55,7% trong năm 2020. Trong đó, nợ Chính phủ bảo lãnh/GDP có xu hướng giảm nhẹ từ 6,7% trong năm 2019 xuống còn 5,8% trong năm 2020, nhưng nợ Chính phủ/GDP lại tăng từ 48% lên 49,9%. Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước hàng năm đã tăng nhanh từ mức 15,8% năm 2016 lên 17,4% năm 2019 và 21,2% năm 2020 đẩy áp lực lên bội chi ngân sách và nợ công trong các năm tiếp theo khi thu ngân sách Nhà nước ngày càng phải dành ra nhiều hơn để hoàn thành các nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Do đó, đề xuất gói hỗ trợ mới trong đó có gói hỗ trợ tài khóa cần cân nhắc đến vấn đề nợ công và khả năng trả nợ của quốc gia dựa trên thu ngân sách Nhà nước hàng năm.
Xu hướng lãi suất huy động vốn tại các ngân hàng thương mại đang gia tăng bắt đầu từ tháng 11/2021 để đáp ứng nhu cầu tín dụng và đồng thời mức lạm phát kỳ vọng cũng gia tăng. Hiện nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã tăng từ 0,1 - 1% tùy theo kỳ hạn tiền gửi so với thời điểm trước tháng 11/2021. Việc lãi suất huy động tăng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong các gói hỗ trợ tiền tệ và có nguy cơ dẫn đến rủi ro các doanh nghiệp nhận được nguồn tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất sẽ đi gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại để hưởng chênh lệch lãi suất.
Tại các nước trên thế giới, các gói hỗ trợ kinh tế chủ yếu đã được thực hiện trong năm 2020 và 2021. Bước sang năm 2022, các quốc gia sẽ hạn chế mở rộng chính sách tài khóa - tiền tệ hơn rất nhiều vì lo ngại rủi ro lạm phát, bong bóng giá tài sản và các bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay. Thực tế hiện nay, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã bắt đầu thu hẹp dần các gói hỗ trợ kinh tế và thắt chặt chính sách tiền tệ hơn. Chẳng hạn, Hoa Kỳ đang có kế hoạch dừng chương trình mua tài sản và tăng lãi suất trở lại vào năm 2022. Khi lãi suất tại các nước trên thế giới tăng cao hơn sẽ tác động đến lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ Việt Nam trên thị trường quốc tế, lãi suất đồng nội tệ Việt Nam và tỷ giá. Do đó, nếu Việt Nam thực hiện gói hỗ trợ kinh tế khoảng 10,38% GDP từ năm 2022 với quy mô lớn hơn rất nhiều gói hỗ trợ kinh tế trong năm 2020 và 2021 sẽ chịu áp lực từ rủi ro lạm phát và chi phí đánh đổi gói hỗ trợ kinh tế cao hơn.
3. Các kiến nghị về gói hỗ trợ kinh tế
Để giúp doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại mức mục tiêu khoảng 6 - 7% thì các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong đó có gói hỗ trợ mới là cần thiết hiện nay.
Thứ nhất, về chính sách tài khóa, cần tập trung vào giải pháp về chi tiêu thuế (miễn, khấu trừ, giảm trừ nghĩa vụ thuế, thuế suất ưu đãi, hoặc giãn thuế) hơn là chi tiêu trực tiếp qua chi ngân sách Nhà nước. Chính sách chi tiêu thuế có thể được áp dụng cho bất kỳ các sắc thuế khác nhau như: Thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT… Và chi tiêu thuế được xem là một công cụ chính sách mang lại hiệu quả hơn so với chi tiêu ngân sách trực tiếp ở khía cạnh đối với nhóm đối tượng nhất định trong xã hội mà Chính phủ muốn hỗ trợ thì sẽ mất ít chi phí về quản lý thuế và chi phí phân phối lại nguồn thu hơn so với chi tiêu ngân sách trực tiếp. Ngoài ra, chi tiêu ngân sách trực tiếp cũng có nhược điểm hơn so với chi tiêu thuế đó là dễ bị thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong quá trình chi tiêu nhất là chi cho đầu tư công.
Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp về chi tiêu thuế sẽ không dẫn tới hụt thu ngân sách Nhà nước nhiều, thậm chí trong nhiều sắc thuế được ưu đãi thu ngân sách Nhà nước còn tăng lên do khi chính sách ưu đãi thuế được ban hành các doanh nghiệp có thêm hỗ trợ để mở rộng sản xuất kinh doanh dẫn đến cơ sở thu thuế của nhà nước tăng lên. Từ đó, thực hiện các giải pháp về chi tiêu thuế sẽ giảm áp lực về bội chi ngân sách và nợ công các năm tiếp theo.
Đối với hỗ trợ kinh tế theo định hướng tăng chi tiêu hơn nữa cho đầu tư công từ ngân sách Nhà nước cũng nên cân nhắc bởi vì vấn đề nguồn lực ngân sách Nhà nước cho chi tiêu công hàng năm vẫn được đảm bảo nhưng giải ngân vốn đầu tư công luôn gặp các khó khăn và rất khó đạt dự toán 100% của cả năm do gặp phải các vấn đề về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính. Thêm vào đó, ảnh hưởng đại dịch Covid-19 cũng dẫn đến các hoạt động từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến tuyển chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án bị chậm trễ. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt 63,86% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.
Thứ hai, việc lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã có xu hướng tăng lên và đạt mức cao nhất gần 7%, đồng thời, thị trường chứng khoán, bất động sản cũng sôi động và tăng trưởng nhanh trong năm 2021. Do đó, gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp cần thận trọng và ngăn ngừa dòng vốn ưu đãi chảy vào ngân hàng thương mại để hưởng chênh lệch lãi suất hay đi vào các kênh rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Từ đó, mục tiêu đưa dòng vốn tín dụng ưu đãi vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn khó đạt được, đồng thời, dẫn tới các bất ổn về kinh tế vĩ mô những năm sau đó. Ngoài ra, gói hỗ trợ lãi suất có thể ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vì các doanh nghiệp này có tỷ lệ phá sản cao hơn và nguồn tài chính dự phòng cho các rủi ro sẽ thấp hơn các doanh nghiệp lớn. Trong khi, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lại có tỷ lệ lao động đang làm việc rất lớn trong nền kinh tế.
Thứ ba, gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam có thể cần thực hiện giới hạn trong giai đoạn đầu tiên để thử nghiệm do bối cảnh kinh tế thế giới lạm phát đang gia tăng và các nền kinh tế lớn trên thế giới có xu hướng thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ hơn do lo ngại rủi ro và các bất ổn vĩ mô trên thế giới khác sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như khủng hoảng nợ doanh nghiệp bùng phát tại Trung Quốc. Trong giai đoạn đầu của gói hỗ trợ kinh tế, Chính phủ nên tập trung chính sách hỗ trợ người lao động tự do, các doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thực hiện các chính sách ưu đãi thuế để giúp nền kinh tế phục hồi dần và đồng thời, vẫn cần kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vì nền kinh tế quốc gia không thể tăng trưởng bền vững trong dài hạn khi có những bất ổn về kinh tế vĩ mô.
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Trương Văn Phước (2021). Phục hồi nền kinh tế: Dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn, lạm phát ở mức chấp nhận. Báo Sài Gòn đầu tư tài chính.
2. TS. Cấn Văn Lực (2021). Chính sách tài khóa thế giới và Việt Nam trong và sau đại dịch và một số kiến nghị. Diễn đàn tài chính Việt Nam năm 2021.
3. F. Painchaud (2021). Giải pháp chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 11/2021.
4. Bản tin nợ công số 12, tháng 11/2021.
ThS. Hồ Ngọc Tú
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính