Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và cán cân thu nhập nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản và Malaysia
21/04/2022 7.456 lượt xem
Tóm tắt: Việt Nam là một quốc gia đang phát triển trong giai đoạn đầu của hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hoạt động đầu tư ra nước ngoài (OFDI) của các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ mới bắt đầu và có quy mô rất nhỏ khi so sánh với dòng vốn nước ngoài thu hút vào Việt Nam. Điều này trong tương lai có thể tạo nên sự thâm hụt trong cán cân thu nhập của Việt Nam khi các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận thu được về nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang không theo kịp xu thế đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia đang phát triển trên thế giới, khi dòng vốn FDI bắt nguồn từ các quốc gia này tăng từ 4% (năm 1995) lên tới 53% (năm 2020). Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm OFDI của Nhật Bản và Malaysia, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đồng thời, đề xuất những định hướng và giải pháp nhằm khuyến khích đầu tư và quản lý đầu tư ra nước ngoài một cách quy mô và có hiệu quả.
 
Từ khóa: OFDI, FDI, cán cân thanh toán, cán cân thu nhập.
 
OUTWARD FOREIGN DIRECT INVESTMENT AND INCOME BALANCE, LEARNING FROM JAPAN AND MALAYSIA EXPERIENCE
 
Abstract: Vietnam is a developing country at the initial stage of attracting foreign direct investment. Outward foreign direct investment of Vietnamese enterprises is just beginning and is small scale compared to foreign direct investment inflow in Vietnam. In the future, the gap between direct investment inflow and outflow can create a large income balance deficit, when foreign firms transfer profits abroad. Additionally, Vietnam is not catching up with the global trend in cross-border direct investment, where developing countries are becoming a dominant investment source, accounting for 53% of total outward foreign direct investment in 2020. This article investigates outward foreign direct investment in Japan and Malaysia to draw experience for Vietnam. The article also suggests some recommendations for effective management of outward foreign direct investment.
 
Keywords: OFDI, FDI, current account, income balance.
 
1. Đặt vấn đề
 
Từ đầu những năm 1970 đến nay, quá trình giao thương giữa các nước trên thế giới đã bắt đầu được đẩy mạnh bởi những hình thức đầu tư ngắn và dài hạn. Xu thế OFDI trên thế giới bắt đầu khi các quốc gia đã phát triển đầu tư sang các quốc gia kém phát triển hơn. Các nước phát triển có lợi thế về vốn, công nghệ và trình độ quản lý, ngược lại các nước đang phát triển lại có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động dồi dào và giá rẻ. Xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển dần được hình thành và tăng lên mạnh mẽ kể từ giai đoạn sau những năm 1986, dòng vốn này đã tăng từ hơn 300 tỷ USD năm 1995 lên đến 1.800 tỷ USD năm 2007, sau đó giảm xuống 1.300 tỷ USD năm 2015 và hơn 500 tỷ USD năm 2018 (UNCTAD, 2019).
 
Tuy vậy, hai thập kỷ gần đây đã chứng kiến một xu thế mới của dòng vốn FDI, khi quy mô của dòng vốn FDI đến từ các quốc gia đang phát triển ngày càng tăng. Theo nghiên cứu của World Bank (2018) và UNCTAD (2019), dòng vốn OFDI của các nước đang phát triển có xu hướng tăng mạnh từ 4% tỷ trọng FDI toàn cầu năm 1995 lên đến 27%, tương đương 315 tỷ USD năm 2014 và gần 500 tỷ năm 2018 (Perea & Stephenson 2018; Jungbluth 2019). Thay vì chỉ chú trọng vào việc thu hút dòng vốn FDI, các quốc gia đang phát triển bắt đầu hình thành xu hướng OFDI, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng quy mô của dòng vốn đầu tư trực tiếp trên thế giới (Hình 1). Đối với các quốc gia đang phát triển, có thể nói, xu thế OFDI là một phần tất yếu của quá trình phát triển khi đem lại những lợi ích nhất định cho nền kinh tế trong nước, bao gồm: (i) Giải tỏa áp lực cạnh tranh tăng lên ở thị trường trong nước khi các chính sách mở cửa thị trường và giải pháp điều tiết được áp dụng; (ii) Tìm kiếm cơ hội nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua thâu tóm công nghệ, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm; (iii) Quốc tế hóa các doanh nghiệp thành viên để giảm thiểu rủi ro hệ thống trước những cú sốc kinh tế trong khu vực; (iv) Cân bằng tác động lên cán cân thu nhập từ thu hút FDI.
 
Sau khi bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản đã vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 1968, và đến những năm 1980 đã bắt đầu đẩy mạnh việc xuất khẩu và đầu tư sang các vùng kinh tế trên thế giới, cạnh tranh mạnh mẽ với nền kinh tế Mỹ. Thặng dư cán cân thu nhập do các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài mang lại đóng góp đáng kể cho việc duy trì sự thịnh vượng của Nhật Bản, một quốc gia nghèo về tài nguyên thiên nhiên.
 
Khu vực Đông Nam Á được biết đến với vai trò là một điểm nhận đầu tư FDI từ các nước phát triển. Tuy nhiên, xu hướng OFDI của một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia lại hình thành khá sớm, từ những năm 1970. Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Malaysia có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ sau năm 2006. Theo thống kê của UNCTAD (2015), Malaysia là nhà đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn thứ 2 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 17 trong toàn châu Á. Tính đến năm 2020, tổng số vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Malaysia đã đạt mức 129,3 tỷ USD (HKTDC, 2021). Lợi nhuận chuyển về của dòng vốn OFDI giúp Malaysia giảm bớt tác động tiêu cực lên cán cân thu nhập của dòng vốn FDI vào Malaysia.
 
Trải qua những giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau, đến nay, Nhật Bản và Malaysia luôn được coi là bài học điển hình về hình thành OFDI cho các nước khác nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm. Đối với Việt Nam, là một nước nhận đầu tư FDI từ những năm 1987, nền kinh tế đã có những bước chuyển mình rất mạnh mẽ và tích cực. Tuy nhiên, quy mô OFDI lũy kế của Việt Nam còn rất hạn chế, ở mức thấp nhất trong nhóm ASEAN-5 giai đoạn 2006 - 2018 (UNCTAD, 2018). Sự chênh lệch quá lớn giữa việc nhận FDI và OFDI trong tương lai sẽ có khả năng tác động tiêu cực lên cán cân thu nhập của quốc gia. Năm 2019, cán cân thu nhập của Việt Nam thâm hụt trên 15.362 tỷ USD. Đáng kể hơn là Việt Nam vẫn chưa có những quan điểm, chính sách và định hướng rõ ràng về hoạt động OFDI. Vì vậy, việc nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế điển hình của Nhật Bản và Malaysia là vô cùng quan trọng để Việt Nam rút ra những bài học, từ đó, đưa ra những quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm tăng cường hoạt động OFDI một cách hiệu quả nhất, song song với việc tiếp tục thu hút chọn lọc FDI từ các quốc gia khác.
 
2. Tổng quan về OFDI
 
2.1. Khái niệm, quan niệm về OFDI
 
Đối với sự tăng trưởng nền kinh tế của một quốc gia, FDI chính là một nhân tố đóng góp vô cùng quan trọng. Đó cũng là một chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu về kinh tế quan tâm trong các thập kỷ gần đây. Khi một quốc gia mang vốn của mình đầu tư vào quốc gia khác thì dòng OFDI được hình thành. Ngược lại, khi quốc gia đó nhận vốn đầu tư từ nước khác thì được gọi là dòng FDI. Như vậy, có thể thấy quan niệm về OFDI và FDI là như nhau, chỉ khác về góc nhìn của quốc gia chủ đầu tư và quốc gia nhận đầu tư. Thuật ngữ FDI có thể được sử dụng để thể hiện cho cả đầu tư FDI và OFDI.
 


Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích lợi nhuận chuyển về nước từ những doanh nghiệp OFDI một phần để cân bằng cán cân thanh toán, một phần nhằm tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và nâng cấp công nghệ
 
Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), FDI xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở một nước khác (nước thu hút đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác. Đối với nước chủ đầu tư thì đây là dòng vốn OFDI.
 
Theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (2005), “OFDI là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của luật này”.
 
Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư không quy định cụ thể và chính thức về khái niệm FDI; nhưng cách hiểu về đầu tư trực tiếp trong việc áp dụng các điều kiện đầu tư cho thấy sự nhấn mạnh quyền quản lý và điều hành trực tiếp doanh nghiệp được đầu tư là thành lập tổ chức kinh tế hay còn gọi là Greenfield Investment - để  phân biệt với hình thức đầu tư gián tiếp - Porfolio Investment là góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp đã tồn tại. Dù vậy, Luật Đầu tư 2014 lại dành riêng một chương để quy định về OFDI. Các hình thức OFDI bao gồm: (i) Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của nước tiếp nhận đầu tư; (ii) Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài; (iii) Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để quản lý, điều hành; (iv) Đầu tư chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ hoặc tổ chức tài chính trung gian; (v) Các loại hình đầu tư khác.
 
Luật Đầu tư 2020 giải thích khái niệm về OFDI là "việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài”; và cũng dành riêng Chương V để quy định về hoạt động OFDI. Theo đó: Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án có vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng trở lên; Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án thông thường có số vốn đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên hoặc các dự án có điều kiện với số vốn từ 400 tỷ đồng trở lên. 
 
Tóm lại, có thể hiểu rằng, OFDI là một hình thức đầu tư quốc tế khi một chủ thể đem vốn đầu tư vào một lĩnh vực tại một hay nhiều quốc gia, chủ thể đó có quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp FDI mà họ bỏ vốn tại quốc gia nhận đầu tư và sau một khoảng thời gian nhất định, lợi nhuận thu được sẽ quay trở lại nước đầu tư.  
 
2.2. Vai trò của OFDI 
 
OFDI không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế của nước nhận đầu tư, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của nền kinh tế nước chủ đầu tư. Khi một quốc gia thực hiện OFDI thì thị trường mà quốc gia đó nhắm tới sẽ được mở rộng, tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nước này. Thông qua dòng vốn OFDI, nước đầu tư có thể mở rộng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm của mình, bởi những nước hay cá thể mang vốn đi đầu tư thường có khả năng thâm nhập và chi phối thị trường với sự vượt trội về các yếu tố như công nghệ, chất lượng sản phẩm so với các nhà đầu tư trong nước cùng cạnh tranh thị trường đó. Các doanh nghiệp FDI này phần lớn có xu hướng xây dựng những nhà máy sản xuất, chế tạo và lắp ráp, dần dần đi vào thị trường tiêu thụ, chúng hoạt động thực chất như là những chi nhánh của công ty mẹ ở các nước đầu tư.

Hình 1: Nguồn gốc dòng vốn OFDI phân theo nhóm các quốc gia (%)


Nguồn: Tác giả tự tính toán từ số liệu của UNCTAD

Dòng vốn OFDI bên cạnh đó còn góp phần thúc đẩy gia tăng thương mại hoặc thay thế thương mại (UNCTAD 1999, Fontagne 1999, Chaisrisawatsuk 2007). Đối với những doanh nghiệp OFDI tìm kiếm thị trường (market-seeking OFDI), chúng thường được đầu tư với mục đích nhằm thay thế thương mại, và né tránh các rào cản thương mại bằng cách giao dịch hàng hóa giữa các chi nhánh cùng tập đoàn xuyên quốc gia nằm tại các quốc gia khác nhau thay cho việc xuất khẩu. Theo nghiên cứu của UNCTAD (1999) thì đây cũng là xu hướng trong thời kỳ hoàng kim của công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu giai đoạn 1960 - 1970 khi các doanh nghiệp OFDI định hướng thị trường đến từ những quốc gia phát triển chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Ngược lại, các doanh nghiệp OFDI tìm kiếm hiệu quả (efficiency-seeking OFDI) thường chuyển cơ sở sản xuất sang nước ngoài nơi mà có chi phí thấp và thị trường đầu ra thuận lợi, với mục đích nhằm bổ sung thương mại.
 
Động lực OFDI xuất phát từ việc so sánh năng suất biên của vốn, dẫn đến việc vốn di chuyển từ nơi năng suất biên thấp sang năng suất biên cao (Dougall Kemp, 1960) góp phần giúp các nước đầu tư khai thác một cách tối đa lợi thế so sánh. Khi đó, các chi phí về nhân công, nguyên liệu đầu vào khác sẽ được giảm đi giúp giảm giá thành sản phẩm, từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư và nâng cao vị thế của nước đầu tư trong nền kinh tế khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp OFDI tìm kiếm lao động được hình thành sớm trong bối cảnh chi phí lao động ở các nước phát triển tăng cao, khi đó, các doanh nghiệp này tìm cách tiếp cận và thâm dụng lao động chi phí thấp ở các nước đang phát triển. Theo nghiên cứu của UNCTAD (1999), những đặc điểm nêu trên thường xuất hiện trong những khoản đầu tư của Nhật Bản vào các nước đang phát triển ở châu Á và các quốc gia có chi phí lao động cao như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn lao động giá rẻ này khiến các nước chủ đầu tư có nguy cơ đối mặt với vấn đề tỷ lệ thất nghiệp cao và lực lượng lao động trình độ không đủ đáp ứng gia tăng. Trong năm 2014, ngành công nghiệp sản xuất của Nhật Bản phải gánh chịu con số thất nghiệp lên đến 3,23 triệu người bởi việc sản xuất của các công ty chi nhánh Nhật Bản tại nước ngoài (Huijie, 2018).
 
Các doanh nghiệp cũng cân nhắc lợi thế về vị trí khi tìm kiếm thị trường đầu tư, đặc biệt là lợi thế về phân bố tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt... góp phần không nhỏ giúp các nước đầu tư xây dựng được thị trường cung cấp nguyên liệu ổn định với chi phí thấp, kích thích việc sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Khi đầu tư sang các nước kém phát triển hơn, các doanh nghiệp đầu tư ở các nước phát triển đòi hỏi phải có lợi thế về công nghệ, góp phần thúc đẩy sáng tạo và đổi mới công nghệ nước chủ nhà, nâng cao năng lực cạnh tranh. OFDI đòi hỏi sự thích ứng của các nhà đầu tư trong việc thay đổi trạng thái của sản phẩm trên thị trường (Vernon, 1966). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng có thể kéo dài vòng đời của máy móc bằng cách thiết lập những nhà máy ở các nước họ đầu tư đến và dịch chuyển máy móc đã sử dụng trong thời gian dài hoặc có nguy cơ bị khấu hao nhanh. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng cần phải nghiên cứu để đổi mới công nghệ, đảm bảo tính tiên phong và tính cạnh tranh liên tục. 
 
Một trong những vai trò đặc biệt quan trọng của OFDI là việc duy trì cán cân thanh toán quốc tế của nước đầu tư. Cán cân thanh toán quốc tế của một quốc gia bao gồm cán cân vãng lai và trong cán cân vãng lai bao gồm cán cân thu nhập. Khi một doanh nghiệp hoặc một quốc gia thực hiện đầu tư ở một quốc gia khác, dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển ra nước ngoài. Theo như ước tính của các chuyên gia, phải mất một khoảng thời gian nhất định cho việc hoàn vốn, thường là 5 - 10 năm tùy vào ngành nghề và lĩnh vực các quốc gia đầu tư nhắm đến. Như vậy, dòng vốn đầu tư OFDI sẽ ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế theo hai hướng: (i) Việc dòng vốn dịch chuyển ra nước ngoài sẽ làm cán cân vốn của nước đầu tư bị thâm hụt tạm thời, gây nên sự ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian ngắn. Do đó, bài toán về vốn là một vấn đề mà các nước đang phát triển cần phải xem xét khi quyết định mạo hiểm OFDI, bởi khi thực hiện đầu tư sang một nước khác, có thể một số ngành hay lĩnh vực trong nước sẽ bị thiếu hụt vốn đầu tư và gây nên nhiều kết quả tiêu cực. 
 
(ii) Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian mà các doanh nghiệp OFDI đi vào hoạt động hiệu quả, hay việc xuất khẩu thiết bị, phụ tùng và máy móc tới các nước nhận đầu tư được diễn ra, các doanh nghiệp này có thể thu về lợi nhuận và dòng tiền này sẽ được dịch chuyển ngược lại nước đầu tư. Do đó, sự thâm hụt tạm thời trong cán cân vốn trước đó sẽ được cải thiện, đồng thời khiến cho cán cân thu nhập thuộc cán cân vãng lai thặng dư. Đối với một quốc gia phát triển như Nhật Bản, nhận FDI rất ít và ngược lại chủ yếu là OFDI. Điều này khiến cho lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư này trở thành một yếu tố quan trọng trong việc gia tăng thặng dư cán cân vãng lai của Nhật Bản. Xu hướng này ngày càng gia tăng, ngay cả khi Nhật Bản phải hứng chịu thảm họa hạt nhân giai đoạn 2011 - 2014 khiến cán cân thương mại thâm hụt, tuy nhiên, cán cân vãng lai vẫn thặng dư do tác động của thặng dư cán cân thu nhập. Trong trường hợp của Malaysia năm 2018, các doanh nghiệp FDI tại nước này chuyển 26 tỷ USD về nước, trong khi dòng lợi nhuận chuyển về Malaysia nhờ vốn đầu tư OFDI là 13,2 tỷ USD, khiến cán cân thu nhập thâm hụt khoảng 12,8 tỷ USD. Như vậy, dòng vốn OFDI giúp cán cân thu nhập của Malaysia giảm bớt sự thâm hụt, tránh bất lợi cho nền kinh tế đất nước. 
 
 
3. Kinh nghiệm về OFDI của Nhật Bản và Malaysia
 
3.1. Kinh nghiệm của Nhật Bản 
 
Thực trạng OFDI của Nhật Bản
 
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ trọng OFDI lớn nhất trên thế giới, và việc mở rộng đầu tư này đã đem lại sự phát triển kinh tế vượt bậc không chỉ cho Nhật Bản mà còn cho một loạt các nước châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar hay Thái Lan. OFDI đóng một vai trò quan trọng then chốt trong việc định hướng chính sách và chiến lược phát triển của các quốc gia phát triển và đang phát triển. 
 
Giai đoạn những năm 1965 đến 1970, đất nước Nhật Bản tái thiết lập và thực hiện những chính sách canh tân thời hậu chiến khiến cho nền kinh tế nước này được phục hồi nhanh chóng. Trong một thập kỷ từ năm 1970 đến năm 1980, Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh công cuộc xuất khẩu và đầu tư sang các quốc gia khác, trở thành mối đe dọa số một với nền kinh tế của Mỹ. Đáp trả lại sức ép này, Mỹ đã cáo buộc sự cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản như trộm cắp tài sản trí tuệ, thao túng tài chính hay những chính sách công nghiệp mà Nhật bảo hộ, gây nên sự thâm hụt thương mại to lớn giữa hai nước.
 
Để giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1980 và bảo vệ vị thế hàng xuất khẩu của Mỹ trên thị trường thương mại quốc tế, vào ngày 22/9/1985, thỏa ước Plaza được ký kết bởi nhóm G5 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nhật. Nhằm can thiệp vào tỷ giá giữa USD, Yên Nhật và Mark Đức trên thị trường ngoại hối thì 10 tỷ USD được bán ra và mua vào các đồng Mark và Yên, khiến cho đồng USD giảm 51% so với Yên Nhật. Việc này khiến cho việc xuất khẩu của Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề, gây hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế. (Hình 2)
 
Hình 2: Chỉ số OFDI của Nhật Bản từ năm 1965 đến năm 2004
 

Nguồn: Jetro (2004)
 
Một loạt những chính sách nới lỏng tiền tệ và lãi suất được đưa ra khiến dòng vốn FDI đi vào Nhật Bản và dòng vốn OFDI của các doanh nghiệp Nhật ra nước ngoài tăng lên nhanh chóng. Thời điểm này, bong bóng tài sản được hình thành do ảnh hưởng của dòng vốn đầu cơ khiến giá trị các loại tài sản tăng cao, đến năm 1992 bong bóng vỡ khiến cho nền kinh tế Nhật Bản đi xuống trầm trọng, tổng vốn OFDI giảm một nửa và lên xuống thất thường. 
 
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, dòng vốn OFDI của Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại vào những năm 2000 và nền kinh tế nước này đã tạm phục hồi. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2009 một lần nữa khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản chững lại, giảm 3,3% năm 2008, và thâm hụt thương mại đạt 223 tỷ Yên (11/2008) và đạt mức cao kỷ lục 952,6 tỷ Yên (01/2009). Nền kinh tế Nhật Bản ổn định và khởi sắc chỉ sau hơn 02 năm, dòng vốn OFDI lại tăng trưởng với tốc độ chóng mặt đạt 20,73% (2012), 30,77% (2013) và 19,04% (2014) so với giai đoạn tăng trưởng âm năm 2010 (-0,60%). Theo nghiên cứu của Bộ Tài chính Nhật Bản (MOFJ, 2019) đưa ra, thì kể từ năm 2012, Nhật Bản mỗi năm đã bỏ ra trên 100 tỷ USD cho OFDI. Giai đoạn năm 2013 - 2014 cho thấy, lượng vốn OFDI của Nhật Bản chiếm lần lượt 10,4% và 8,4% tổng lượng vốn OFDI của thế giới. Xu hướng về việc đẩy mạnh OFDI (bao gồm cả quy mô vốn và tốc độ tăng vốn) của các doanh nghiệp Nhật Bản góp phần tăng quy mô nền kinh tế Nhật Bản, giúp cho quy mô dòng OFDI lũy kế của Nhật Bản đạt 180 tỷ USD năm 2018. (Hình 3)
 
Hình 3. Chỉ số dòng vốn OFDI và FDI của Nhật Bản
 

Nguồn: Bộ Tài chính Nhật Bản (2019)
 
Quy mô về dòng vốn OFDI và dòng vốn FDI vào Nhật Bản đang tăng lên nhanh chóng nhưng giữa chúng lại có sự chênh lệch quá lớn. Chính phủ Nhật Bản kêu gọi việc tăng vốn FDI vào nước này là một chiến lược tăng trưởng kinh tế mới, một vấn đề cấp bách nhấn mạnh trong Sách trắng METI 2015, Nhật Bản cần tăng gấp đôi lượng vốn FDI từ 17,5 nghìn tỷ Yên năm 2011 lên 35 nghìn tỷ Yên năm 2020. 
 
Theo thống kê của UNCTAD (2020), OFDI của Nhật Bản năm 2020 đạt 227 tỷ USD, cao nhất trên thế giới. Trước đây, Nhật Bản chủ yếu tập trung đầu tư vào Bắc Mỹ, tuy nhiên, trong những năm gần đây, chiến lược đầu tư theo vùng của Nhật Bản đã thay đổi khi châu Á và châu Âu là điểm đến lý tưởng hơn so với Bắc Mỹ. Trong năm 2018, tổng vốn đầu tư OFDI của Nhật Bản vào châu Á chiếm 33,2% và châu Âu chiếm 32,4% tổng vốn OFDI của nước này. 
 
Bên cạnh tiềm năng thị trường ở các nước có GDP đầu người cao, Nhật Bản cũng luôn tìm kiếm các quốc gia có lượng nhân công giá rẻ và chi phí sản xuất thấp luôn được đảm bảo. Tỷ lệ phân phối chi nhánh các công ty mẹ của Nhật Bản chủ yếu tập trung tại thị trường Trung Quốc và các nước đang phát triển bởi thế mạnh về thị trường lao động giá rẻ và thị trường bán hàng khổng lồ giàu tiềm năng. Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư khá đa dạng các lĩnh vực từ chế biến chế tạo (38,3%) và phi chế biến chế tạo (61,7%) tổng số vốn OFDI, trong đó, các ngành như viễn thông và tài chính luôn chiếm một tỷ trọng cao. 
 
Tác động của OFDI tới sự phát triển của Nhật Bản
 
Như đã đề cập về vai trò của OFDI đến nước đầu tư, Nhật Bản với lợi nhuận thu được từ những khoản OFDI ngày càng tăng lên, đã giúp cho cán cân vãng lai của nước này luôn ở mức thặng dư cao, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) năm 2018, vốn OFDI của Nhật Bản năm 2017 giảm 3% so với năm trước xuống còn 168,6 tỷ USD (dựa trên cán cân thanh toán, ròng, lưu lượng), xếp vị trí thứ 2 trong các thời kỳ. (Hình 4)
Hình 4: Cán cân vãng lai của Nhật Bản
 

Nguồn: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản
 
Trong giai đoạn 1996 - 2007, cán cân vãng lai của Nhật Bản có sự thặng dư tăng lên mạnh mẽ qua từng năm, đỉnh điểm là vào năm 2007. Đến năm 2017, cán cân vãng lai của Nhật Bản lại ghi nhận sự thặng dư lớn thứ hai trong lịch sử. Thặng dư hàng hóa giảm xuống còn 5,0 nghìn tỷ Yên trong năm 2017 so với 5,5 nghìn tỷ Yên năm 2016. Xuất khẩu tăng lên 77,3 nghìn tỷ Yên trong năm 2017 chủ yếu do việc đẩy mạnh xuất khẩu máy móc (như thiết bị sản xuất chất bán dẫn) sang các nước châu Á. Đồng thời, nhập khẩu tăng lên 72,3 nghìn tỷ Yên trong năm 2017 chủ yếu do tăng nhập khẩu nhiên liệu khoáng sản (như dầu thô) từ Trung Đông khiến giá dầu thô tăng lên đáng kể. 
 
Một số ngành như dịch vụ và vận tải về cơ bản thâm hụt đã được cải thiện dần. Với du lịch, du khách đến Nhật Bản tăng mạnh khiến thặng dư ngành này năm 2017 tăng lên 1,8 nghìn tỷ Yên so với 1,3 nghìn tỷ Yên năm trước đó. Đối với ngành sản xuất, dòng vốn OFDI cũng có tác động không nhỏ, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thay thế xuất khẩu hay nhập khẩu ngược. Việc xuất khẩu hàng trung gian giữa công ty mẹ và các chi nhánh được gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, tình hình việc làm trong ngành sản xuất tại Nhật Bản lại bị ảnh hưởng khá tiêu cực khi 3,23 triệu nhân công thất nghiệp năm 2014, điều này xảy ra được cho là do sự ảnh hưởng của sự thay thế xuất khẩu và nhập khẩu ngược khi mà các chi nhánh lại sản xuất và xuất khẩu lại Nhật Bản khiến nhu cầu hàng hóa sản xuất nội địa bị giảm sút đáng kể.
 
Đối mặt với những khó khăn trên, Chính phủ Nhật Bản cần có những chính sách phù hợp và kịp thời để giải quyết và quản lý, thúc đẩy dòng vốn OFDI một cách hiệu quả nhất. Song song với việc dịch chuyển gia công và sản xuất sang các cơ sở giá rẻ ở nước ngoài, việc thúc đẩy các ngành công nghiệp khác như dịch vụ là vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề việc làm. Bởi vì, dịch vụ là ngành công nghiệp giá trị gia tăng số một để thu hút lực lượng lao động, đa dạng như giáo dục, y tế hay kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Nhật Bản với một nền móng kỹ thuật và công nghệ hàng đầu thế giới cần được Chính phủ đầu tư nghiên cứu và phát triển nhiều hơn để duy trì lợi thế của nước này. Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chiến lược đẩy mạnh thu hút FDI vào nước này để tạo ra nhiều vị trí việc làm hơn cho người dân. Cùng với đó, Nhật Bản cũng cần khuyến khích OFDI hơn nữa, thúc đẩy các hiệp định đầu tư song phương với các nước có nền tảng pháp luật và thể chế ổn định nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo an ninh cho nhà đầu tư và các khoản đầu tư của họ. Chính sách của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bán lẻ tại nước ngoài và việc mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, viễn thông khi trong năm 2017, các doanh nghiệp Nhật Bản thu mua thành công 667 thương  vụ tại nước ngoài và riêng tập đoàn Seven & I Holdings đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD để thu mua khoảng 1.100 cửa hàng tiện lợi tại Mỹ.
 
3.2. Kinh nghiệm của Malaysia 
 
Thực trạng OFDI của Malaysia
 
Từ một nước còn khó khăn với nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Malaysia đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào những khoản vốn đầu tư từ nước ngoài. Giai đoạn đầu của nền kinh tế, Malaysia đã bắt đầu tham gia OFDI từ những năm 1970 với khoản vốn 201 triệu USD. Từ đó đến năm 1992, OFDI biến động không ổn định và suy giảm đáng kể. Nhưng chỉ 10 năm sau đó, số vốn đã được gia tăng đáng kể lên đến 1,9 tỷ USD và đạt mức kỷ lục 14 tỷ USD năm 2008 (UNCTAD). Mặc dù những năm gần đây xu hướng đầu tư có vẻ giảm hơn, Malaysia vẫn phải mạo hiểm thực hiện OFDI trong bối cảnh FDI suy giảm và thị trường trong nước ngày càng bão hòa.
 
Theo Bank Negara Malaysia (2018), các doanh nghiệp nhà nước ở Malaysia đầu tiên thực hiện OFDI trong lĩnh vực dầu khí và công nghiệp dầu cọ. Những sự kiện nổi bật sau đó đánh dấu sự ảnh hưởng tích cực lên các khoản đầu tư ra nước ngoài như việc hội nhập và gia nhập WTO (1994), AFTA (1992), cải cách nền kinh tế nội địa, tự do hóa tài khoản vốn (1986 - 1987 và 1994 - 1996) (Rosfadzimi Mat Saada và cộng sự, 1994; IMF, 1999). Từ đầu thế kỷ 21 trở đi, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực tài chính và dịch vụ viễn thông đã tăng lên nhanh chóng và một loạt các luật về kiểm soát tài khoản vốn tiếp tục được tự do hóa ra đời càng giúp cho làn sóng này được nhân rộng.
 
Xuất khẩu đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore giúp cho cổ phiếu OFDI của Malaysia tăng từ 305 triệu USD năm 1980 lên 21,9 tỷ USD năm 2005 và 75,6 tỷ USD năm 2009. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và tỷ lệ tiết kiệm nội địa cao giúp cho sự tích lũy ngày càng tăng lên đã cho phép các doanh nghiệp nước này có đủ khả năng cung cấp vốn OFDI. Các doanh nghiệp Malaysia đang mở rộng đầu tư trên toàn cầu với mức tăng vốn OFDI tăng từ 6% lên 34% từ năm 1990 đến 2005. Năm 2006 ghi nhận sự cân bằng về vốn đầu tư OFDI và FDI tại Malaysia lần lượt là 8,2 và 8,25 tỷ USD. Trong những năm sau đó, dòng vốn OFDI được đẩy mạnh hơn nhiều so với việc thu hút FDI, đạt 17,2 tỷ năm 2008 trước khi giảm mạnh do sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm này. (Hình 5)
 
Hình 5: FDI và OFDI của Malaysia sau những năm 2000
 

Nguồn: https://www.dosm.gov.my
 
Tác động tới OFDI giai đoạn từ những năm 2000 một phần không nhỏ là do tỷ giá giữa đồng RM và USD. Tỷ giá giữa hai đồng này ở mức cao khiến cho dòng vốn OFDI của Malaysia rất thấp. Nhưng trong giai đoạn 2008 - 2014, tỷ giá giữa RM và USD ở mức thấp thì vốn đầu tư OFDI của Malaysia nhảy vọt lên 50 tỷ RM. 
 
Theo Cục thống kê Malaysia (2018), lũy kế vốn OFDI vượt trên lũy kế vốn FDI vào năm 2015 khi tổng tài sản hình thành từ OFDI của Malaysia năm 2015 vào khoảng 580 tỷ RM (138 tỷ USD), cao hơn nhiều so với tổng tài sản hình thành từ FDI là 500 tỷ RM. Tuy nhiên, trong năm 2016, tổng tài sản FDI đã bám sát OFDI và vượt lên trên hẳn khi tổng tài sản hình thành từ OFDI giảm xuống còn 525 tỷ RM vào năm 2017. Có vẻ như những năm gần đây, xu hướng OFDI của Malaysia đang giảm dần.
 
Xu hướng OFDI của Malaysia theo khu vực chủ yếu là hướng đến những quốc gia châu Á, đặc biệt là Singapore. Tính đến quý I/2019, OFDI của nước này đến Singapore ước tính đạt 94,3 tỷ RM chiếm 19,4% tổng lượng vốn đầu tư. Thời điểm này, tổng dòng vốn OFDI của Malaysia đến các quốc gia khác tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ (tài chính và viễn thông) chiếm 64,3%, tương đương 322,6 tỷ RM (65 tỷ USD) được đầu tư vào lĩnh vực này, trong khi lĩnh vực chế biến chế tạo chỉ chiếm 7,8%. Cũng theo Cục Thống kê Malaysia, các doanh nghiệp nước này đầu tư chủ yếu qua hình thức xây mới, trong khi sáp nhập và mua lại chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. 
 
Có ba mục đích chính cho dòng vốn OFDI của Malaysia là: Tăng cường hiệu quả, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nguồn lực và tài nguyên. Những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư OFDI của Malaysia chính là quy mô, nhu cầu của thị trường, chính sách và pháp luật của quốc gia nhận đầu tư. Trước khi thâm nhập thị trường, Malaysia luôn nghiên cứu kỹ quy mô và nhu cầu thị trường của quốc gia đó, đặc biệt, ưu tiên những nước có khu vực lãnh thổ gần với Malaysia, nhằm mở rộng cơ hội kinh doanh, phục vụ thị trường của quốc gia bản địa; xây dựng các nhà máy, đảm bảo quyền tiếp cận thị trường. Malaysia nhắm đến các quốc gia có thể chế luật pháp và văn hóa tương đồng như Anh, Singapore hay Australia nhằm khai thác những thuận lợi cho việc đầu tư và phát triển kinh doanh. 
 
Tác động của OFDI tới sự phát triển của Malaysia
 
Nhờ việc đầu tư OFDI có hiệu quả, một số doanh nghiệp của Malaysia đã trở thành những doanh nghiệp toàn cầu, đã có 14 doanh nghiệp nước này xuất hiện trong Danh sách “2017 Forbes Global 2000” các công ty lớn nhất thế giới. Theo Bank Nagara (2016), một số doanh nghiệp của Malaysia cũng tiếp thu được những chuyển giao về công nghệ từ các nước phát triển và nâng cao năng lực quản lý. So với các nước trong khu vực thì Malaysia có vẻ thực hiện OFDI hiệu quả hơn khá nhiều khi thu về 5,2% lợi nhuận chỉ đứng sau Hàn Quốc (5,4%).
 
Tác động của OFDI tới cán cân thu nhập trong cán cân thanh toán của Malaysia là vô cùng đáng kể. Trước kia, FDI đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng của Malaysia khiến cho dòng lợi nhuận thu về của các doanh nghiệp FDI chuyển ra nước ngoài ngày càng lớn. Theo World Bank, các doanh nghiệp nước ngoài chuyển 26 tỷ USD lợi nhuận ra khỏi Malaysia trong năm 2018. Ngược lại, các doanh nghiệp Malaysia chuyển 13,2 tỷ USD lợi nhuận thu được từ những khoản đầu tư OFDI về nước, khiến mức thâm hụt trong cán cân thu nhập chỉ là 12,8 tỷ USD. Như vậy, khi lợi nhuận OFDI càng lớn thì sự thâm hụt của cán cân thu nhập sẽ càng được thu hẹp lại.(Hình 6)
 
Hình 6: Cán cân thu nhập của Malaysia
 

Nguồn: World Bank
 
Năm 2004, tài sản nước ngoài của Malaysia chủ yếu là dự trữ ngoại hối (60,6%) và OFDI chỉ chiếm 11,7%. Tuy nhiên, đến năm 2017, OFDI đã vượt lên 31%, trong khi dự trữ ngoại hối chỉ chiếm 24,6%. Điều này giúp cho Malaysia đa dạng hóa danh mục tài sản ở nước ngoài, trở thành chủ nợ ròng kể từ đầu tư trực tiếp từ năm 2015 theo nhìn nhận từ góc độ đầu tư quốc tế (IIP). Cuối năm 2016, OFDI chiếm 39% tổng tài sản ngoại của Malaysia, nhiều hơn cả mức dự trữ quốc tế (24%).
 
Việc đầu tư OFDI vào lĩnh vực chế biến, chế tạo còn hạn chế khiến cho việc xuất khẩu của nước này chưa quá mạnh mẽ. Đồng thời, việc những doanh nghiệp Malaysia chưa đủ cạnh tranh để sản xuất ra các sản phẩm mà các doanh nghiệp Malaysia hoạt động ở nước ngoài cần, khiến cho những mối liên kết ngược giữa OFDI và doanh nghiệp nội địa còn yếu. Theo đó, nghiên cứu của Koi Nyen Wong (2010) cũng cho thấy, chưa có bằng chứng cho thấy OFDI tác động tích cực lên tăng trưởng của Malaysia. Ngược với Nhật Bản, OFDI của Malaysia lại không làm gia tăng những công việc sử dụng kỹ năng cao của nền kinh tế nội địa (Jen-Eem Chen và cộng sự, 2016). 
 
Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng những tác động tích cực mà dòng vốn đầu tư OFDI của Malaysia đem lại là không thể phủ nhận, điều đó có được là nhờ những chính sách thúc đẩy OFDI trong các giai đoạn kinh tế của Chính phủ nước này.
 
Giai đoạn đầu những năm 1970 - 1980, Chính phủ Malaysia thúc đẩy dòng vốn OFDI bằng những chính sách kinh tế mới (New Economic Policy) với trọng tâm là tái cấu trúc nền kinh tế và chủ nghĩa kinh tế yêu nước (Economic Nationalism). Các doanh nghiệp Malaysia lúc này chủ yếu đầu tư theo hình thức mua bán cổ phần. Năm 1991, Chính phủ khuyến khích dòng OFDI bằng chính sách miễn thuế cho lợi nhuận chuyển về nước và thuế thu nhập. Với một tầm nhìn chiến lược, Malaysia đã đưa ra những chính sách khuyến khích OFDI mua lại các doanh nghiệp nước ngoài công nghệ cao vào năm 2003, góp phần không nhỏ gia tăng nền kinh tế nước này trong những năm sau đó. Phân chia theo lĩnh vực, các chính sách chủ yếu tập trung vào nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất nguyên liệu đầu vào. Một loạt các hiệp định bảo hộ đầu tư và tự do thương mại được ký kết, cùng với việc thành lập các hiệp hội và tổ chức đã giúp thúc đẩy việc đầu tư và giúp việc quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư được dễ dàng, hiệu quả hơn.
 
3.3. Tổng kết kinh nghiệm quốc tế
 
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của quản lý dòng vốn OFDI tại Nhật Bản và Malaysia, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau cho Việt Nam:
 
Bên cạnh hoạt động thu hút FDI thì hoạt động OFDI là vô cùng quan trọng với sự tăng trưởng của một quốc gia. Làn sóng OFDI thông thường sẽ diễn ra muộn hơn so với làn sóng thu hút FDI. Làn sóng này sẽ diễn ra mạnh mẽ khi có một lực đẩy về yếu tố kinh tế hay chính trị nhất định. Lực đẩy này là thỏa ước Plaza đối với Nhật Bản (lực đẩy kinh tế) và chính sách kinh tế mới (New Economic Policy) của Chính phủ Malaysia (lực đẩy chính trị).
 
Tác động của OFDI giúp cho xuất khẩu được thúc đẩy khiến cho các doanh nghiệp có thể vươn ra thế giới. OFDI giúp một số doanh nghiệp ở các quốc gia đang phát triển như Malaysia, chiếm lĩnh thị trường nước ngoài và trở thành doanh nghiệp có đẳng cấp, quy mô và ảnh hưởng trên toàn cầu.
 
Hoạt động OFDI diễn ra mạnh mẽ tại cả các quốc gia phát triển và đang phát triển. Tại các quốc gia đang phát triển, OFDI thường nhằm mục đích: (i) Tận dụng thị trường lao động giá rẻ và khai thác nguồn nguyên liệu đầu vào; (ii) Thâu tóm thị trường và công nghệ. Tuy nhiên, nếu diễn ra quá nhanh thì OFDI có thể gây nên tình trạng thất nghiệp ở các nước phát triển như trong trường hợp của Nhật Bản năm 2004.
 
OFDI trong dài hạn có thể cải thiện đáng kể cán cân thu nhập và cán cân thanh toán. Trường hợp của Nhật Bản và Malaysia là hai minh chứng rõ nét cho điều này. Nhật Bản là quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào tài nguyên nhập khẩu. Nhờ có OFDI và lợi nhuận chuyển về nước, Nhật Bản đã có thặng dư cán cân vãng lai do cán cân thu nhập dương bù đắp cho thâm hụt từ nhập khẩu năng lượng. Đối với Malaysia, nếu không có OFDI, cán cân thu nhập hằng năm sẽ thâm hụt rất lớn do các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước và điều này chắc chắn sẽ gây ra thâm hụt cán cân vãng lai rất lớn hằng năm.
 
Vai trò của chính phủ là vô cùng quan trọng trong việc đẩy mạnh đầu tư OFDI có hiệu quả. Thứ nhất, về khung chính sách, các quốc gia đang phát triển với nguồn lực hạn chế thì việc đầu tư OFDI cần có trọng tâm và chọn lọc. Còn với những dự án OFDI quan trọng có tác động đáng kể đến nền kinh tế trong nước thì chính phủ cần có những chính sách hay biện pháp hỗ trợ về mặt tài chính, như giảm lãi vay hay giảm thuế… Thứ hai, về chính sách đối ngoại, việc duy trì quan hệ tốt với các quốc gia đối tác mà các dự án OFDI hướng tới là rất quan trọng. Chính phủ cần khuyến khích ký kết các thỏa thuận song phương, hiệp định về bảo hộ đầu tư nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp trong nước hoạt động ở nước ngoài. Bên cạnh đó là việc thành lập những tổ chức hay hiệp hội cũng quan trọng trong việc cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp đầu tư thành viên. 
 
4. Thực trạng OFDI tại Việt Nam
 
Theo nghiên cứu của UNCTAD (2019) về quy mô đầu tư, dòng vốn lũy kế OFDI của Việt Nam đạt mức 10,7 tỷ USD và các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài khoảng 0,5 - 1 tỷ USD hằng năm. (Hình 7)

 
Hình 7: Quy mô dòng OFDI lũy kế của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2018
 

Nguồn: UNCTAD (2019)
 
Hoạt động OFDI của Việt Nam đang ngày càng được gia tăng nhưng quy mô dòng OFDI của Việt Nam so với nhóm ASEAN-5 vẫn rất nhỏ bé, đặc biệt là so với Singapore - trung tâm thu hút và lan tỏa dòng đầu tư quốc tế. Tỷ lệ lũy kế OFDI so với quy mô GDP của Việt Nam năm 2018 tăng lên 4,4%, nhưng vẫn còn rất thấp so với mức bình quân của các nước đang phát triển (23%) và của thế giới (36,9%).
 
Tính đến tháng 9/2019, Việt Nam đã đầu tư tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, trong đó, Lào chiếm tỷ trọng 23,7% tổng vốn đăng ký. Đông Nam Á là khu vực được Việt Nam quan tâm nhất khi tổng vốn đầu tư OFDI lũy kế khoảng 10,25 tỷ USD, chiếm tới 49,6% tổng vốn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đầu tư sang châu Mỹ (19,8%), châu Âu (15%), châu Phi (12,4%) và các khu vực khác. Các nước còn lại trong khu vực châu Á chỉ chiếm 1,2% tương đương 244,5 triệu USD. Trong khu vực, Việt Nam chủ yếu đầu tư đến những nước đang phát triển có trình độ ngang bằng hoặc kém phát triển hơn để phát huy thế mạnh về các lĩnh vực của mình. 
 
Theo ngành và lĩnh vực, cũng tính đến tháng 9/2019, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực chủ yếu tập trung vào khai khoáng (chủ yếu là dầu khí chiếm 38,6%); nông, lâm, ngư nghiệp (15,5%); viễn thông và công nghệ thông tin (12,8%); thủy điện (7,2%). Ngành khai khoáng có tổng cộng 61 dự án, tuy nhiên, quy mô trung bình cho một dự án lại rất cao khoảng 131 triệu USD so với quy mô trung bình của các dự án OFDI khác là 16,2 triệu USD. Thường các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành OFDI dưới nhiều hình thức như mua, bán, sáp nhập, chuyển nhượng góp vốn hay mua và trao đổi cổ phần. Hình thức đầu tư thành lập hoặc tham gia góp vốn vào một pháp nhân tại nước ngoài là một vấn đề đối với quản lý nhà nước, vì có thể pháp nhân này lại tham gia đầu tư sang một nước thứ ba hoặc đầu tư ngược lại Việt Nam. Đối với những dự án đầu tư lâu dài đến thời điểm chuyển lợi nhuận về nước, vì vậy, Việt Nam cần phải thống nhất hệ thống luật với các quốc gia nhận đầu tư để việc thu lợi nhuận về nước hay OFDI được diễn ra thuận lợi, đảm bảo sự cân bằng cho cán cân thanh toán.
 
Thời gian qua, việc dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng mạnh và vượt xa gấp nhiều lần so với dòng vốn OFDI đã tác động tiêu cực đến cán cân thu nhập. Cán cân thu nhập của Việt Nam luôn ở trong tình trạng thâm hụt và thâm hụt ngày càng nặng cùng với sự gia tăng của dòng vốn FDI. Giai đoạn 10 năm từ 1996 - 2006, mức thâm hụt tăng 1,05 tỷ USD (từ mức -0,38 tỷ USD năm 1996 xuống mức -1,43 tỷ USD năm 2006). Giai đoạn từ sau năm 2007, khi dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng cao kỷ lục, tình trạng thâm hụt cán cân thu nhập càng rõ rệt hơn, từ mức -2,19 tỷ USD năm 2007 lên - 14,8 tỷ USD năm 2020. Từ đó cho thấy, nếu dòng vốn OFDI không có sự tăng trưởng mạnh để cân đối với dòng FDI thì cán cân thu nhập của Việt Nam sẽ càng bị thâm hụt nhiều hơn do các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước. (Hình 8)
 
Hình 8: Cán cân thu nhập của Việt Nam
 
Nguồn: World Bank

5. Quan điểm, định hướng và giải pháp
 
5.1. Quan điểm và định hướng
 
Thứ nhất, đối với góc nhìn của một quốc gia, Việt Nam luôn coi OFDI là một nguồn lực tất yếu để thúc đẩy nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia ở châu Á và khu vực Đông Nam Á ký kết nhiều hiệp định thương mại nhất, chính điều này sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tìm đến Việt Nam đầu tư, ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội vươn ra thế giới và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 
 
Thứ hai, đối với góc nhìn của doanh nghiệp, nếu Việt Nam chỉ tập trung thu hút FDI mà không chú trọng đến đẩy mạnh OFDI, cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ bị thâm hụt nặng nề và gây hậu quả nghiêm trọng cho việc tăng trưởng kinh tế. Tính đến ngày 20/12/2021, các dự án FDI còn hiệu lực và đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là 34.527 dự án với tổng số vốn đầu tư cam kết là gần 408,1 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện lũy kế của các dự án là 251,6 tỷ USD (Cục Đầu tư nước ngoài, 2021), cao hơn gấp nhiều lần so với tổng vốn OFDI của Việt Nam ra nước ngoài. Giống như trường hợp của Malaysia, tuy nhiên, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu thu hút FDI nên ảnh hưởng từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI chưa ảnh hưởng quá nhiều đến cán cân thanh toán của Việt Nam. Nhưng trong thời gian tới, tác động của dòng vốn này sẽ lớn hơn. Chính vì vậy, Chính phủ cần phải có những động thái nhằm đẩy mạnh việc đầu tư OFDI để tránh hậu quả nghiệm trọng tới cán cân thanh toán hay cán cân thu nhập trong tương lai.
 
Thứ ba, Việt Nam coi OFDI là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển giao và thâu tóm công nghệ, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu còn khá thấp, vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm và lợi thế. Đã có một số doanh nghiệp Việt Nam thâu tóm những công ty lớn ở nước ngoài như VinSmart mua lại công ty sản xuất điện thoại BQ của Tây Ban Nha, hay Trường Hải mua lại công ty xe Soosung của Hàn Quốc, tuy nhiên, số lượng những doanh nghiệp làm được điều này còn rất ít.
 
Thứ tư, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những chiến lược OFDI rõ ràng và đồng bộ, cùng với đó, đóng vai trò là nhân tố hỗ trợ những doanh nghiệp tiềm năng của nước nhà. Kinh nghiệm của Nhật Bản và Malaysia cho thấy, Việt Nam cần phải xác định đúng thời điểm đẩy mạnh đầu tư; chiến lược cần phải chọn lọc hiệu quả, việc hỗ trợ về chính sách và tài chính kịp thời. Khác với FDI, việc đầu tư OFDI phải bắt đầu ngay bằng sự “chọn lọc” bởi nguồn lực của quốc gia còn hạn chế. Đối với những dự án OFDI có lan tỏa ngược tới nền kinh tế nước nhà thì những chính sách và hỗ trợ về thuế, tài chính hay dịch vụ công được Chính phủ tạo điều kiện là vô cùng cần thiết nhằm mang lại sự tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam.
 
5.2. Các giải pháp được đề xuất
 
Thứ nhất, Chính phủ cần đưa ra đề án chiến lược OFDI hoàn chỉnh và toàn diện cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đầu tiên, cần đánh giá thực trạng của OFDI và hiệu quả của nó tới nền kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua một cách toàn diện. Sau đó, hoạch định những chiến lược đầu tư OFDI theo các giai đoạn ngắn hạn (10 năm), trung hạn (20 năm) và dài hạn (30 năm). Với ngắn hạn, đầu tư OFDI cần có chọn lọc, trọng tâm vào các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và tiềm năng (công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp ô tô…), hoặc nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng, nguyên liệu đầu vào ổn định cho các lĩnh vực quan trọng. Với trung hạn, Chính phủ cần tập trung thúc đẩy OFDI nhằm đưa một số doanh nghiệp, ngành và lĩnh vực trọng điểm vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về dài hạn, các hoạt động đầu tư OFDI cần được hỗ trợ và khuyến khích để nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Ở những địa bàn hay khu vực trọng điểm như Lào, Myanmar,... Chính phủ cũng cần phải có những chiến lược nhằm nâng tầm thương hiệu quốc gia tại các nước này.
 
Thứ hai, về chính sách, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích lợi nhuận chuyển về nước từ những doanh nghiệp OFDI một phần để cân bằng cán cân thanh toán, một phần nhằm tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, nâng cấp công nghệ. Những chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về giảm thiểu rủi ro trong công tác mua bán ngoại tệ, mua bán các sản phẩm phái sinh, mua bán bảo hiểm... khi thực hiện OFDI. Bên cạnh đó, những chính sách để quản lý dòng tiền đầu tư ra cũng cần được hoàn thiện hơn nhằm định hướng mục đích đầu tư, quản lý theo giai đoạn và giảm thiểu các hoạt động rửa tiền hay trốn thuế.
 
Thứ ba, việc ký kết những hiệp định đầu tư song phương, thành lập các tổ chức và hoàn thiện năng lực tổ chức nhằm hỗ trợ và quản lý dòng vốn OFDI của Việt Nam là rất cần thiết. Việt Nam hiện nay là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên, Chính phủ cần tập trung hơn nữa để khuyến khích ký kết những hiệp định đầu tư song phương với những quốc gia đang phát triển tiềm năng nhằm học hỏi công nghệ và nâng cấp chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần thành lập các tổ chức như hiệp hội doanh nghiệp OFDI tại cùng một quốc gia để hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao hình ảnh của Việt Nam. Hay một số tổ chức đã có sẵn cần được hoàn thiện hơn về năng lực quản lý, quyền hạn trong công tác phối hợp và quản lý dòng vốn OFDI. Hiện nay, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm nhiệm quản lý cả dòng vốn FDI và OFDI, tuy nhiên, lực lượng nhân sự còn chưa đủ đáp ứng để quản lý một cách toàn diện.
 
6. Kết luận
 
Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện OFDI của Nhật Bản và Malaysia để từ đó đưa ra những giải pháp cho Chính phủ trong quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Thực trạng đầu tư của Nhật Bản - một quốc gia phát triển và Malaysia - một quốc gia đang phát triển cho thấy OFDI có sự ảnh hưởng lớn đến cán cân thu nhập của một quốc gia, từ đó, tác động nên sự tăng trưởng của nền kinh tế. Bài viết đề xuất 03 nhóm giải pháp nhằm tăng cường đầu tư OFDI một cách có hiệu quả và chọn lọc, bao gồm nhóm giải pháp về chiến lược OFDI, nhóm giải pháp về chính sách nhằm hỗ trợ đầu tư, khuyến khích lợi nhuận thu về và nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và quản lý dòng vốn đầu tư. Các nhóm giải pháp này cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và có quy mô để đạt được hiệu quả cao nhất.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Ahmad, F., Draz, M. U., & Yang, S.C. (2016), A novel study on OFDI and home country exports: implications for the ASEAN region. Journal of Chinese Economic and Foreign Trade Studies, 9(2), pp. 131 - 145.
2. Ariff. M & Lopez, P. (2008), “Outward Foreign Direct Investment: The Malaysian Experience”.
3. Bank Negara Malaysia (2018), “A Critical Assessment of Direct Investments Abroad (DIA) and the Changing Nature of Foreign Direct Investments (FDI)”. 
4. Chen, J.E. & Mohd Zulkifli, S.A. (2012), “Malaysian outward FDI and economic growth”.
5. Cục Đầu tư nước ngoài (2020), “Tình hình đầu tư nước ngoài 7 tháng năm 2020”, https://dautunuocngoai.gov.vn/tinbai/6374/Tinh-hinh-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-7-thang-dau-nam-2020.
6. Department of Statistics Malaysia (First Quarter, 2019), “Quarterly Bulletin Foreign Direct Investment In Malaysia (FDI) & Malaysia’s Direct Investment Abroad (DIA)”.
7. Deseatnicov, I. (2013), “Japanese outward foreign direct investments: A study of determinants and incentives”.
8. Eem, C.J., Chin, L., Hook, L.S., & Azman, W. (2016), “Outward FDI and Home Country Employment”, International Academic Research Journal of Social Science.
9. Eem, C.J., Chin, L., Hook, L.S., & Azman, W. (2017), “Determinants of Locational Choice of Malaysian Outward Foreign Direct Investment”.
10. Gu Huijie, G. (2018), “Outward foreign direct investment and employment in Japan’s manufacturing industry”, Journal of Economic Structures.
11. HKTDC Research (2021), Malaysia: Market Profile. Retrieved from https://research.hktdc.com/en/article/MzU4MDExMDI5. 
12. Japan’s Balance of Payments Statistics and International Investment Position for 2017 (2018). Retrieved on International Department of Bank of Japan.
13. Jungbluth, C. (2019), “Tracing three decades of foreign direct investment booms and bursts and their recent decline”, GED-Project, Bertelsmann Stiftung, Retrieved on https://ged-project.de/trade-and-investment/foreign-direct-investment/ 
14. Kiyota, K. (2015), “Trends & Characteristics of Inward & Outward Foreign Direct Investment in Japan”, Japan SPOTLIGHT.
15. Kueh, Swee-Hui, J., Puah, Chin-Hong, Abu, Mansor, Shazali. (2009), “Empirical analysis on emerging issues of Malaysia outward FDI from Macroeconomic perspective”. Retrieved on https://mpra.ub.uni-muenchen.de/37680/
16. Liu, Y. & Bin, N. (2019), “Destination of outward FDI and variation in employment in Japanese manufacturing firms”, VOX, CEPR Policy Portal.
17. Perea, J. & Stephenson, M. (2018), “Outward FDI from developing countries”, Global Investment Competitiveness Report 2017/2018, World Bank, pp. 101-134.  
18. Saad, M., Halim, A. & Hassan, A. (2013), “Developing Countries’ Outward Investment: Push Factors for Malaysia”.
19. Section 4. Promoting Inward and Outward Investment Activities in Japan (2008). Retrieved on: www.meti.go.jp/english/report/downloadfiles/2008WhitePaper/4-4.pdf 
20. UNCTAD (2005), World Investment Report: “Transnational Corporations and the Internationalisation of R&D”, Geneva, United Nations Publication.
21. UNCTAD (2006), World Investment Report: “FDI from Developing and Transition Economies: Implications for Development”, Geneva, United Nations Publication.
22. UNCTAD (2015), World Investment Report: “Reforming International Investment Governance”, Geneva, United Nations Publication.
23. UNCTAD (2019), World Investment Report: “Special Economic Zones”, Geneva, United Nations Publication.
24. The Organisation for Economic Co-operation and Development (2008), Foreign direct investment statistics Explanatory notes. Retrieved from http://www.oecd.org/investment/statistics.htm.
25. Wong, K.N. (2010), “Outward FDI and home country economic growth: a Malaysian case”.

TS. Đào Hoàng Tuấn
Học viện Chính sách và Phát triển

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
16/04/2024 548 lượt xem
Chính sách tín dụng nông thôn (tín dụng nông thôn) ở Brazil là các chương trình cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, năng suất và đầu tư; nâng cao thu nhập của các trang trại và doanh nghiệp; nâng cao mức sống của người dân nông thôn.
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
04/04/2024 1.958 lượt xem
Bài viết phân tích, đánh giá một số kinh nghiệm quốc tế về cơ cấu thu NSNN bền vững thông qua bốn loại thuế, gồm: Thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện cơ cấu thu NSNN bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
21/03/2024 3.852 lượt xem
Hệ thống hưu trí là một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội với hai hệ thống hưu trí bắt buộc và hệ thống hưu trí tự nguyện. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp ở các nước trên thế giới rất quan trọng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
19/03/2024 7.768 lượt xem
Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, từ sản lượng công nghiệp đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế đều giảm.
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
07/03/2024 5.433 lượt xem
Những thay đổi về nhân khẩu học toàn cầu, đặc biệt là xu hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức và rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
03/03/2024 7.539 lượt xem
Sau gần hai năm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và đưa lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ về gần lạm phát mục tiêu là 2%, trong năm 2024, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những thay đổi lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
15/02/2024 6.227 lượt xem
Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức thông qua chức năng cung cấp sự đảm bảo, tư vấn khách quan, chuyên sâu và theo định hướng rủi ro.
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
13/02/2024 6.136 lượt xem
Nhìn lại năm 2023, trên khắp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/2023, Mizuho đã hỗ trợ Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - Việt Nam tại Tokyo cùng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và các định chế tài chính khác.
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
26/01/2024 7.448 lượt xem
Sau những cú sốc mạnh trong năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định vào đầu năm 2023.
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
15/01/2024 7.874 lượt xem
Chuyển đổi số và sự bùng nổ công nghệ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của khách hàng và hoạt động kinh doanh. Xu hướng thay đổi này dẫn đến quá trình số hóa trong các lĩnh vực như sản xuất, chuỗi cung ứng, tài chính và các dịch vụ phụ trợ khác.
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
05/01/2024 8.671 lượt xem
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ sụp đổ của những ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng, điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính chất dễ đổ vỡ của ngân hàng. Việc một ngân hàng đổ vỡ thể hiện kỉ luật thị trường đối với những ngân hàng có hoạt động kinh doanh thiếu an toàn, lành mạnh nhưng lại tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng và người gửi tiền.
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
21/12/2023 10.054 lượt xem
Sự chuyển dịch nhanh chóng của hệ thống tiền tệ số toàn cầu đã khiến chính phủ các nước có phần lúng túng trong việc thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi chi tiêu và đầu tư của người dân.
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
20/12/2023 9.283 lượt xem
Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất của châu Phi trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bài viết này tóm lược sự phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nước châu Phi trong thời gian hơn một thập kỉ vừa qua và việc Trung Quốc sử dụng lĩnh vực ngân hàng hỗ trợ cho sự phát triển đó.
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
16/11/2023 10.386 lượt xem
Bài viết khái quát quá trình triển khai huy động dòng vốn toàn cầu thông qua tiền mã hóa của Chính phủ Ukraine và Liên bang Nga; từ đó, đánh giá hiệu quả thực tiễn của việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán xuyên biên giới, nguy cơ sử dụng tiền mã hóa trong các hoạt động rửa tiền, khủng bố và đưa ra hàm ý cho Việt Nam.
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
06/11/2023 10.236 lượt xem
Hoạt động huy động vốn cộng đồng đã trở nên phổ biến sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phương thức này đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, hoạt động huy động vốn theo hình thức cổ phần (Equity - based Crowdfunding - ECF) là hình thức gọi vốn được các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất ưa chuộng. Với ECF, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ cộng đồng thông qua một nền tảng trên Internet.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.800

83.800

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.800

83.800

Vàng SJC 5c

81.800

83.820

Vàng nhẫn 9999

74.800

76.700

Vàng nữ trang 9999

74.700

76.000


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,100 25,440 26,252 27,714 30,724 32,055 157.77 167.11
BIDV 25,130 25,440 26,393 27,618 30,763 32,067 158.12 166.59
VietinBank 25,090 25,443 26,504 27,799 31,154 32,164 160.64 168.59
Agribank 25,100 25,440 26,325 27,607 30,757 31,897 159.58 167.50
Eximbank 25,040 25,440 26,425 27,239 30,914 31,866 160.82 165.77
ACB 25,110 25,442 26,596 27,279 31,230 31,905 161.07 166.37
Sacombank 25,170 25,420 26,701 27,261 31,332 31,835 162.03 167.05
Techcombank 25,192 25,442 26,362 27,707 30,760 32,094 157.36 169.78
LPBank 24,960 25,440 26,088 27,611 30,970 31,913 158.36 169.76
DongA Bank 25,170 25,440 26,570 27,260 31,080 31,940 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?