Dấu ấn sâu đậm nhất của việc tham gia WTO và hội nhập quốc tế là góp phần đổi mới tư duy chính sách và hoàn thiện chuẩn mực quản lý nhà nước, cũng như quản trị doanh nghiệp, định hình khung khổ pháp lý và các chuẩn mực phát triển các thể chế kinh tế - thương mại, tạo cơ sở pháp lý vững chắc làm cầu nối và xung lực tích cực để Việt Nam từng bước mở cửa, mở rộng quy mô thị trường hàng hóa và dịch vụ, cải thiện cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế theo các thỏa thuận đa phương và song phương mà Việt Nam đã cam kết.
Đến năm 2020, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước (so với 11 nước năm 1954) và quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ; đặc biệt, WTO cùng với hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia (15 hiệp định đã ký kết, có hiệu lực và 2 hiệp định đang đàm phán) là những cánh cửa lớn và đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, đầy đủ và hiệu quả hơn.
Dấu ấn WTO được ghi nhận rõ nét trong việc đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP và cải thiện cán cân thương mại hàng hóa chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục từ năm 2016 đến nay (dù vẫn nhập siêu dịch vụ).
Theo Tổng cục Thống kê, nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD (xuất khẩu là 39,8 tỷ USD), thì đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt tới 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 và tăng hơn 7 lần so với năm 2006. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2021, cả nước có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020 và có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm từ 1,77 tỷ USD (năm 2016); 2,1 tỷ USD (năm 2017); 6,8 tỷ USD (năm 2018); 10,9 tỷ USD (năm 2019); trên 19 tỷ USD (năm 2020) và gần 4 tỷ USD năm 2021. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tăng từ 80,3% kim ngạch xuất khẩu năm 2016 lên mức 85,1% năm 2019, 85,2% trong năm 2020 và 89,2% năm 2021. Báo cáo Rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO đã ghi nhận trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019 và lọt vào Top 20 năm 2021.
Việc tuân thủ các cam kết hội nhập cũng giúp Việt Nam cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng khác. Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF),
chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã cải thiện từ thứ hạng 68/121 năm 2007, lên thứ 55/137 năm 2017, và chuyển từ nhóm nửa dưới của bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu lên nhóm nửa trên. Năm 2019, GCI 4.0 của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 67/141 nền kinh tế.
Cũng trong năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, Việt Nam được coi là quốc gia có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng nhanh top đầu khu vực và thế giới; là năm thứ 2 liên tiếp cả nước đạt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Đồng thời, Việt Nam cũng lọt vào top 10/163 nước đáng sống nhất thế giới của HSBC Expat 2019; đứng thứ 83/128 nước trong Xếp hạng 2019 về các nước an toàn nhất và xếp thứ 128/192 nước giàu nhất thế giới do tạp chí Global Finance công bố. Xếp hạng 94/156 nước trong bảng xếp hạng “Quốc gia hạnh phúc” năm 2019, theo Báo cáo World Happiness Report 2019 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc (United Nations Sustainable Development Solutions Network) công bố vào ngày 20/3/2019; xếp vị trí 83 theo Báo cáo Chỉ số hạnh phúc năm 2020 của Liên hợp quốc trong giai đoạn 2017 - 2019. Bên cạnh đó, Việt Nam đứng thứ 84/161 nước trong Xếp hạng bảo vệ nhà đầu tư (Best Countries for Business) của Forbes năm 2019, với 15 chỉ số như sáng tạo, thuế, công nghệ, tham nhũng, hạ tầng, rủi ro chính trị, nhân lực, bảo vệ nhà đầu tư; Việt Nam xếp vị trí 39/80 nước trong xếp hạng các nước "tốt nhất thế giới" theo đánh giá của trang U.S. News & World Report…
Năm 2020, quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 44 trên thế giới, song năm 2020 vươn lên đứng thứ tư Đông Nam Á và bình quân GDP/đầu người đứng thứ 6. Đồng thời, Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh nhất thế giới trong năm 2020, khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỷ USD; từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia của Brand Finance (hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập hàng đầu của Anh).
Theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) mới công bố của Heritage Foundation (Quỹ Di sản - một tổ chức nghiên cứu và giáo dục, chuyên thúc đẩy tự do kinh doanh được thành lập năm 1973 tại Mỹ), với điểm tổng thể của Việt Nam là 61,7 điểm (cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới), Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới trong bảng xếp hạng điểm số tự do kinh tế của Heritage Foundation. Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm 2020, từ nhóm được xem là hầu như không tự do kinh tế. Những năm gần đây, Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam liên tục được cải thiện, với điểm tổng thể năm 2016 là 54 điểm; năm 2017 là 52,4 điểm; năm 2018 là 53,1 điểm; năm 2019 là 55,3 và năm 2020 Việt Nam đạt 58,8 điểm. Như vậy, chỉ sau 2 năm, Việt Nam đã thăng 36 bậc. Chỉ số tự do kinh tế đánh giá 4 nhóm lĩnh vực, với tổng cộng 12 tiêu chí, được xếp theo thang điểm 100. Điểm tổng thể của một quốc gia được tính bằng cách lấy trung bình điểm của 12 quyền này, với trọng số tương đương nhau. Các tiêu chí cụ thể bao gồm: Nhà nước pháp quyền
(quyền tài sản, tính liêm chính của chính phủ, hiệu lực tư pháp); quy mô chính phủ (chi tiêu chính phủ, gánh nặng thuế, sức khỏe tài chính); hiệu quả quản lý (tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tiền tệ); thị trường mở (tự do thương mại, tự do đầu tư, tự do tài chính).
Còn theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, được Brand Finance - công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại London (Anh) công bố tại “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu” ngày 25/02/2021 (giờ Việt Nam), Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, thay đổi từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua. Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam. “Quyền lực mềm” Việt Nam không chỉ là sự kế thừa và phát huy nền tảng vốn có từ lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình… mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới. Trong nền kinh tế hiện đại và không ngừng phát triển, thương hiệu sản phẩm của quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh…
Bên cạnh các chỉ số về kinh tế, theo khảo sát và đánh giá của Liên hợp quốc, Chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam đã liên tục gia tăng từ vị trí 88 vào năm 2016 lên 57 vào năm 2018 và 49 vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, với mức giảm trung bình là trên 1,4% mỗi năm.
Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ trong xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. Năm 2021, Việt Nam được WIPO xếp thứ 44, nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) của thứ hạng này.
Việt Nam đã được 90 nước công nhận kinh tế thị trường và đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua và có nhiều khả năng tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao trong tương lai trung hạn nhờ khung đầu tư tổng thể đã được hiện đại hóa, chi phí đăng ký kinh doanh đã được cắt giảm và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, cũng như hoạt động khởi sự kinh doanh (theo công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư của Tạp chí U.S. News & World Report, Việt Nam xếp thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm 2018).
Những kết quả về thương mại trên cho thấy Việt Nam là đất nước “mở” sau khi gia nhập WTO và thực thi nghiêm túc các cam kết gia nhập. Những thành tựu đó là kết quả của quá trình dài nỗ lực, bền bỉ và kiên định thực hiện đồng bộ nhiều chính sách đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất và sửa đổi các quy định pháp luật; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hiện đại, minh bạch, tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế theo tinh thần của WTO và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia.
Hội nhập quốc tế và gia tăng mức độ tự do kinh tế, trong đó có những cải cách chính sách kinh tế trong khuôn khổ WTO và các FTA đã tạo động lực và là động năng mạnh mẽ để giúp Việt Nam phát triển kinh tế, nâng cao “quyền lực mềm” và mang lại cho người dân cuộc sống tốt đẹp hơn, ngày càng trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại hơn.
Đồng thời, thực tế cũng cho thấy, trong thời gian tới cũng đòi hỏi những nỗ lực mới của Việt Nam về nhận diện và giải quyết hiệu quả hơn các khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi mạnh mẽ về tất cả các lĩnh vực đời sống thế giới; đáp ứng đầy đủ hơn các chuẩn mực thể chế kinh tế thị trường của WTO; đẩy mạnh hơn cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường cải cách thể chế và cải cách hệ thống tư pháp, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị và tăng cường thương mại quốc tế; nắm bắt cơ hội trong tương lai và quản lý rủi ro, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh kinh tế cả vĩ mô và vi mô; tiếp tục thúc đẩy các chính sách thương mại một cách toàn diện, đồng bộ để phát triển kinh tế đi liền với tăng trưởng bền vững, nâng cao đời sống người dân và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.