Keywords: Microfinance institutions, business activities of microfinance institutions, Vietnam.
1. Hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô
Khoản 5 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ”.
Theo Ledgerwood (1998), tổ chức tài chính vi mô bên cạnh nhiệm vụ trung gian tài chính thì còn đảm nhận một vai trò vô cùng quan trọng là làm trung gian xã hội. Về khía cạnh kinh tế: Tổ chức tài chính vi mô giúp khách hàng có thu nhập thấp trong xã hội có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính cơ bản như tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, qua đó, những người yếu thế có thêm cơ hội để tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia tăng thu nhập và giảm đói nghèo. Về khía cạnh xã hội: Tổ chức tài chính vi mô cung cấp các dịch vụ phi tài chính nhằm nâng cao sức khỏe, ý thức cũng như kĩ năng của người có thu nhập thấp nhằm giúp khách hàng tự tin hòa nhập tốt hơn vào các hoạt động kinh tế và xã hội trong cộng đồng.
Cũng theo Ledgerwood (1998), hoạt động tài chính vi mô được cung ứng bởi rất nhiều đơn vị khác nhau. Dựa vào khuôn khổ pháp luật điều chỉnh hoạt động của lĩnh vực tài chính, có thể sắp xếp các đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ tài chính vi mô thành ba khu vực: Khu vực chính thức, khu vực bán chính thức và khu vực không (phi) chính thức. Tổ chức tài chính vi mô chính thức bao gồm: Các tổ chức tài chính vi mô được cấp phép. Tổ chức tài chính vi mô bán chính thức bao gồm: Tổ chức tài chính vi mô chưa được cấp phép, các chương trình, dự án của tổ chức phi chính phủ (Non-governmental organization - NGO)… Tổ chức tài chính vi mô không chính thức là tổ chức do một nhóm người đứng ra tổ chức góp vốn cho vay luân phiên nhau để giải quyết khó khăn trong đời sống với mục tiêu tương trợ gọi là hụi, họ... Loại hình tín dụng này không quy định phải đăng kí tại bất kì cơ quan quản lí nhà nước nào và cũng không có cơ quan nào được giao trách nhiệm quản lí.
Các dịch vụ tài chính vi mô bao gồm: Dịch vụ tín dụng vi mô, dịch vụ tiết kiệm vi mô, bảo hiểm vi mô, dịch vụ thanh toán và các dịch vụ phi tài chính khác. Dịch vụ tín dụng vi mô là hoạt động cung ứng tín dụng chủ yếu cho khách hàng tài chính vi mô dưới nhiều hình thức cho vay khác nhau: Cho vay cá thể, cho vay theo nhóm tương hỗ và cho vay gián tiếp theo nhóm tương hỗ qua trung gian thứ ba. Dịch vụ tiết kiệm vi mô nhằm huy động các nguồn vốn nhỏ, lẻ cho các tổ chức tài chính vi mô dưới góc độ đóng góp của khách hàng thông qua các hình thức tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện và tiết kiệm của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Dịch vụ bảo hiểm vi mô bao gồm bảo hiểm về cuộc sống, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm hỗn hợp. Dịch vụ thanh toán được các tổ chức tài chính vi mô đưa ra khi cung cấp dịch vụ tiết kiệm (tức là khách hàng có các tài khoản tại tổ chức tài chính vi mô để thực hiện các giao dịch thanh toán). Ngoài ra, các tổ chức tài chính vi mô cung cấp các dịch vụ phi tài chính cho khách hàng vi mô như dịch vụ tư vấn kĩ thuật nông nghiệp cho vùng nông thôn.
2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
Các tổ chức tài chính vi mô chính thức trong bài viết bao gồm các tổ chức tài chính vi mô được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp phép thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Tính đến hết quý I/2023, tại Việt Nam, đã có 04 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép là: Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên (MTV) Tình thương (TYM); Tổ chức tài chính vi mô TNHH M7 (M7); Tổ chức tài chính vi mô TNHH Thanh Hóa (Thanh Hóa) và Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) với năm được cấp giấy phép thành lập lần lượt là 2010, 2012, 2014 và 2016. (Bảng 1)
Bảng 1: Thông tin về các tổ chức tài chính vi mô đã cấp phép
Nguồn: Website của NHNN cập nhật đến ngày 31/3/2023
Bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp, so sánh, phân tích số liệu từ các báo cáo hoạt động về tài chính vi mô của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính vi mô nhằm phân tích thực trạng phát triển hoạt động tài chính vi mô. Nguồn dữ liệu thứ cấp được sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập từ Danh bạ các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam, được phát hành bởi Trung tâm Tư vấn nguồn lực Tài chính vi mô Doanh nghiệp nhỏ và vừa (tiền thân là Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam) từ năm 2013 đến năm 2017 của 04 tổ chức M7, TYM, Thanh Hóa, CEP; báo cáo hoạt động hằng năm của TYM và CEP năm 2018 đến năm 2022; 02 tổ chức M7 và Thanh Hóa không công bố dữ liệu hoạt động kinh doanh.
3. Kết quả hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam
Với mục tiêu toàn diện hơn hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là phân khúc người nghèo, người có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ được tiếp cận và sử dụng vốn an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lí, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính vi mô như: Năm 2010, lần đầu tiên hoạt động tài chính vi mô được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng. Ngày 06/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020. Tiếp đó, ngày 12/6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã kí ban hành Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ. Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sự ra đời của các văn bản này được đánh giá là một bước tiến vượt bậc trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lí cho hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô chính thức.
Bảng 2: Dư nợ tín dụng của các tổ chức tài chính vi mô chính thức
Đơn vị tính: Tỉ đồng
Nguồn: Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam (2013 - 2017); CEP và TYM (2018 - 2022)
Từ Bảng 2, có thể thấy, các tổ chức tài chính vi mô sau khi cấp phép có nhiều khả năng phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động và khách hàng thông qua việc gia tăng nguồn vốn kinh doanh với hoạt động tín dụng là chủ yếu. Hoạt động tín dụng của các tổ chức tài chính vi mô chính thức có sự tăng trưởng về quy mô với giá trị dư nợ tín dụng năm sau cao hơn năm trước. Kết quả này đã phản ánh hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô chính thức dần đi vào ổn định.
Theo quy định hiện hành, chỉ có những tổ chức tài chính vi mô chính thức mới được phép huy động tiền gửi tiết kiệm tự nguyện từ khách hàng (Bảng 3). Mặc dù là tổ chức chính thức được cấp phép muộn hơn các tổ chức khác, nhưng CEP lại là tổ chức có quy mô tiết kiệm cao nhất, đạt 1.554,6 tỉ đồng năm 2017, chiếm gần 60% tổng quy mô tiết kiệm của các tổ chức tài chính vi mô chính thức. Là một tổ chức có uy tín cao về thương hiệu với trọng tâm giảm nghèo mạnh mẽ, hơn nữa CEP là tổ chức có tính minh bạch cao và hoạt động theo các tiêu chuẩn quốc tế, tất cả các thông tin và các báo cáo đều được công khai trên trang web của CEP. Những điều này đã mang lại những lợi thế cho CEP trong huy động tiết kiệm tự nguyện từ khách hàng. Quy mô huy động vốn của TYM, M7, Thanh Hóa có sự tăng trưởng hằng năm nhưng có thể nhận thấy là quy mô tiết kiệm còn khá khiêm tốn, thấp hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng khác. Trong điều kiện các nguồn vốn ủy thác hoặc vay ưu đãi ngày càng thu hẹp thì phát triển vốn huy động là một trong những thách thức đặt ra đối với các tổ chức tài chính vi mô chính thức.
Bảng 3: Quy mô tiết kiệm của các tổ chức tài chính vi mô chính thức
Đơn vị tính: Tỉ đồng
Nguồn: Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam (2013 - 2017); CEP và TYM (2018 - 2022)
Chỉ số tự vững hoạt động (Operational Self-Sufficiency - OSS) thể hiện mối quan hệ giữa thu nhập hoạt động và tổng chi phí hoạt động (gồm cả khấu hao và dự phòng rủi ro) thường được các nhà quản lí của tổ chức tài chính vi mô và các nhà tài trợ dùng để đánh giá xem tổ chức tài chính vi mô đó đã tự trang trải được các chi phí hoạt động bằng thu nhập từ hoạt động hay chưa. Nếu OSS > 100%, tổ chức tài chính vi mô được đánh giá là đảm bảo bền vững về hoạt động. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), để đạt bền vững hoạt động lâu dài thì tổ chức tài chính vi mô được đánh giá là có mức độ bền vững về hoạt động khi OSS > 120%.
Từ số liệu về chỉ số bền vững hoạt động của 04 tổ chức tài chính vi mô chính thức cho thấy, có sự đảm bảo bền vững hoạt động, chỉ số OSS đều lớn hơn 100% (Bảng 4). Kết quả này hàm ý rằng nguồn thu nhập từ các tổ chức này đã đủ để trang trải toàn bộ chi phí hoạt động và có nguồn lợi nhuận giữ lại để có thể gia tăng nguồn vốn hoạt động. Nếu đánh giá theo tiêu chí các tổ chức đạt được sự bền vững hoạt động trong dài hạn khi tỉ số OSS > 120%, thì trong số 04 tổ chức tài chính vi mô chính thức chỉ có TYM và CEP đạt được sự bền vững hoạt động trong dài hạn và đạt được sự ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, các tổ chức tài chính vi mô chính thức còn một số hạn chế về hiệu quả hoạt động kinh doanh như: (i) Các tổ chức quy mô trung bình chưa đảm bảo khả năng tự vững hoạt động trong dài hạn theo tiêu chuẩn của WB; (ii) Địa bàn và quy mô hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô còn khiêm tốn, chưa mở rộng phạm vi ở miền Trung; (iii) Một số tổ chức tài chính vi mô chưa thực hiện việc minh bạch hóa thông tin bằng cách công bố các thông tin, báo cáo tài chính thường xuyên, chỉ có CEP là công bố đầy đủ báo cáo; (iv) Sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, hầu như tập trung vào cho vay; (v) Nguồn vốn hoạt động còn hạn chế.
Những tồn tại này xuất phát từ công tác quản trị, điều hành của tổ chức tài chính vi mô cũng như các nhân tố bên ngoài tổ chức tài chính vi mô như: Môi trường pháp lí vẫn chưa thật sự phù hợp với đặc trưng của loại hình đặc thù này, môi trường công nghệ đòi hỏi các tổ chức tài chính vi mô chính thức cần tăng cường ứng dụng công nghệ để đưa dịch vụ tài chính đến những vùng sâu, vùng xa; sự phát triển của hệ thống ngân hàng đã trở thành đối thủ cạnh tranh đáng kể của các tổ chức tài chính vi mô.
4. Một số khuyến nghị
Các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô đã cho thấy vai trò tích cực trong xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sức khỏe, giáo dục, nâng cao vai trò, vị thế của người có thu nhập thấp cũng như giảm thiểu tín dụng đen trong xã hội. Nhằm phát triển hoạt động tài chính vi mô để góp thêm một kênh cung cấp vốn sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, qua đó, đóng góp cho sự phát triển của tài chính toàn diện tại Việt Nam, một số khuyến nghị được đề xuất như sau:
Đối với các cơ quan quản lí Nhà nước
Sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, tạo điều kiện phát triển chương trình, dự án tài chính vi mô theo hướng bền vững hơn. Căn cứ theo khoản 5 Điều 32 Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 của Thống đốc NHNN quy định về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô thì tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng không được vượt quá 100 triệu đồng thì mức vay này được đánh giá còn khá khiêm tốn với mục tiêu toàn diện hóa đối tượng. Thông tư số 03/2018/TT-NHNN cũng không quy định đối tượng khách hàng tài chính vi mô bao gồm người “có thu nhập thấp” như quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 dẫn tới khó khăn cho các tổ chức tài chính vi mô trong mở rộng đối tượng phục vụ.
Cần sự hỗ trợ từ các bộ, ban, ngành để có các kế hoạch phân bổ ngân sách hằng năm cho hoạt động của các tổ chức, chương trình tài chính vi mô; cần có chính sách hấp dẫn kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động tài chính vi mô; có chính sách vận động đầu tư cho phát triển xã hội từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… nhằm nâng cao năng lực tài chính các tổ chức tài chính vi mô.
NHNN tạo điều kiện, cho phép các tổ chức tài chính vi mô mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, đặc biệt tổ chức tài chính vi mô có ứng dụng Core Banking nhằm mở rộng kênh phân phối dựa trên nền tảng công nghệ được phát huy hiệu quả.
Đối với các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam
Nên mở rộng phạm vi hoạt động để tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô cho người dân, đặc biệt tại các khu vực nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hiện tại, chỉ có 04 tổ chức tài chính vi mô chính thức, các tổ chức tài chính vi mô này chủ yếu hoạt động ở miền Bắc và miền Nam.
Cần nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm vi mô nhằm đáp ứng được nhiều nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm, dịch vụ hầu như tập trung vào cho vay với mục đích sử dụng chủ yếu cho sản xuất, kinh doanh mà chưa thật sự quan tâm nhiều đến phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng. Sản phẩm cho vay cần đa dạng về kì hạn, phương thức trả lãi, cách thức tính lãi có thể theo thời hạn dưới một tháng như hằng tuần hay nửa tháng.
Các tổ chức tài chính vi mô chính thức có thể nghiên cứu để triển khai dịch vụ tài chính qua điện thoại di động, hợp tác với các tổ chức tín dụng và công ty Fintech để gia tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. CEP, Báo cáo hoạt động và Báo cáo tài chính năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.
2. Ledgerwood, J., Microfinance handbook: An institutional and financial perspective, The World Bank, 1998.
3. Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam, Danh bạ tài chính vi mô Việt Nam, 2018.
4. Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam, Báo cáo hoạt động các năm 2019, 2020.
5. NHNN, Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 quy định về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.
6. Quốc hội, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
7. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020.
8. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/6/2017 quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.
9. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
10. TYM, Báo cáo hoạt động các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.