Công tác bình đẳng giới ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và một số khuyến nghị
06/03/2023 11:49 2.174 lượt xem
Tóm tắt: Bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội. Là ngành kinh tế có số lao động nữ luôn chiếm tỉ lệ cao, ngành Ngân hàng đã và đang dành sự quan tâm lớn đến công tác bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề đặt ra cho ngành Ngân hàng là khoảng cách giới về việc làm cũng như thu nhập. Vì vậy, việc nghiên cứu về công tác bình đẳng giới ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số nhằm đề ra các giải pháp cụ thể để phát huy được vị trí và vai trò của lao động nữ là hết sức cần thiết.

Từ khóa: Bình đẳng giới, nữ giới, chuyển đổi số.
 
GENDER EQUALITY IN THE VIETNAMESE BANKING INDUSTRY IN THE CONTEXT OF DIGITAL TRANSFORMATION - CURRENT STATUS AND RECOMMENDATIONS 


Abstract: Gender equality is an important goal not only for Vietnam but also for other countries in the world. It is one of the criteria for assessing the development of society. As an economic sector with a high percentage of female employees, Vietnam banking industry has been paying great attention to gender equality, creating conditions for women to develop, promote their capacity and intelligence to fulfill their role. However, in the strong digital transformation, the problem for Vietnam banking industry is the gender gap in employment as well as income. Therefore, it is essential to study gender equality in the Vietnamese banking industry in the context of digital transformation in order to propose specific solutions to promote the position and role of female employees.

Keywords: Gender equality, digital transformation, commercial bank.
 

Ngành Ngân hàng đã và đang dành rất nhiều sự quan tâm đến công tác bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành (Nguồn: Công đoàn Ngân hàng Việt Nam)

1. Một số vấn đề lí luận về công tác bình đẳng giới

Khái quát về bình đẳng giới 

Là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội, bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới, Từ năm 1955, Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình hành động giới, lồng ghép giới tại Hội nghị quốc tế về phụ nữ, lần thứ tư tại Trung Quốc. Tiếp đó vào năm 1979, Liên hợp quốc thông qua Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Convention on the Elimination of all forms of Discrimination against Women - CEDAW) và mục tiêu thiên niên kỉ thứ ba cũng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. 

Cho đến nay, có nhiều khái niệm khác nhau liên quan đến công tác bình đẳng giới. CEDAW cũng đã đưa ra khái niệm bình đẳng giới như sau: “Bình đẳng giới được định nghĩa là tình trạng (điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc...) mà trong đó phụ nữ và nam giới được hưởng vị trí như nhau, họ có cơ hội bình đẳng để tiếp cận, sử dụng các nguồn lực để mang lại lợi ích cho mình, phát hiện và phát triển tiềm năng của mỗi giới nhằm cống hiến cho sự phát triển của quốc gia và được hưởng lợi từ sự phát triển quốc gia”. Có thể hiểu bình đẳng giới là những ứng xử, những khát vọng và những nhu cầu khác nhau của nữ giới và nam giới đều được cân nhắc, đánh giá và ủng hộ như nhau mà không phụ thuộc vào giới tính của họ.

Tương đồng với quan điểm trên, tại Việt Nam, khái niệm bình đẳng giới được đưa ra trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 như sau: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Tiếp đó, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Hiến pháp năm 2013) cũng quy định: "Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới". 

Như vậy, ở khía cạnh khái quát, bình đẳng giới là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa nữ giới và nam giới.

Vai trò của bình đẳng giới

Bình đẳng giới là quyền con người. Quyền con người là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lí quốc tế. 

Quyền bình đẳng là một quyền cơ bản của con người. Đây là quyền được xác lập tư cách con người trước pháp luật; không bị pháp luật phân biệt đối xử, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau. Bình đẳng trước pháp luật được coi là một nguyên tắc Hiến định, không chỉ thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 mà còn được cụ thể hóa trong các lĩnh vực cụ thể của quan hệ pháp luật, cụ thể: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (Điều 16 Hiến pháp năm 2013); “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kì lí do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.” (Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015); “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội” (điểm b khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015)… Trong các quyền bình đẳng, bình đẳng giới là vấn đề quan trọng được thể hiện trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật Nhà nước.

Bình đẳng giới là điều kiện cần thiết cho việc phát triển kinh tế, bình ổn xã hội của một quốc gia. Để phát triển kinh tế không thể thiếu các nguồn lực. Đây là các yếu tố vật chất quyết định sự tăng trưởng kinh tế. Khi các nguồn lực được huy động đầy đủ và được sử dụng hiệu quả thì tăng trưởng kinh tế được đảm bảo, góp phần tạo ra sự phát triển bền vững về kinh tế. Các nguồn lực cần thiết cho nền kinh tế bao gồm nguồn lực về con người, về vốn, về khoa học kĩ thuật…, trong đó, con người được xem là một trong những nhân tố quan trọng nhất.

Nữ giới với tỉ lệ dân số xấp xỉ nam giới trên thế giới hiện nay, được xem là nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển kinh tế. Thực tiễn cho thấy phụ nữ là nhóm người dễ bị tổn thương về quyền con người. Việc bảo đảm bình đẳng giới giúp phụ nữ gia tăng khả năng tiếp cận với các nguồn lực kinh tế và việc làm, các dịch vụ giáo dục, y tế, tham gia trong đời sống chính trị và quản lí xã hội, từ đó nâng cao kĩ năng, năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế.

Ở khía cạnh xã hội, bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những cống hiến của phụ nữ phải được tôn trọng, được công nhận giá trị, vai trò xã hội. 

Các chỉ số bình đẳng giới 

Các chỉ số bình đẳng giới được chia ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cụ thể miêu tả tại Bảng 1.
 
Bảng 1: Các chỉ số bình đẳng giới



Nguồn: UN Women (2021)
 
2. Một số đánh giá về công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm dành cho công tác bình đẳng giới những ưu tiên nhất định. Trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp năm 1946, tại Điều 9 đã đề cập thẳng đến quyền bình đẳng nam nữ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số các quốc gia có nhiều thành tựu về thực hiện bình đẳng giới đã được ghi nhận, là một trong các nước xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua và đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (tỉ lệ nữ tham gia Quốc hội của Việt Nam đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á); Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số bình đẳng giới thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục tới trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ, nam giới, tỉ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm… Đối với lĩnh vực kinh tế, một số đánh giá về công tác bình đẳng giới như sau:

Nhiều chính sách pháp luật liên quan đến công tác bình đẳng giới được ban hành, hoàn thiện

Trong những năm gần đây, nhiều chính sách pháp luật liên quan đến công tác bình đẳng giới được ban hành và hoàn thiện, tuân thủ các quy định về lồng ghép giới, bao gồm: Luật Việc làm (2015), Luật An toàn vệ sinh lao động (2015), Luật Bảo hiểm xã hội (2016), Bộ luật Lao động (2019) và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (2020). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số văn bản về bình đẳng giới: Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025...

Bên cạnh đó, có một số chính sách nổi bật liên quan đến công tác bình đẳng giới như: Chính sách bảo vệ thai sản toàn diện được thể hiện trong Luật Bảo hiểm xã hội (2016) đã quy định nguyên tắc bình đẳng giới phải được áp dụng trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, chế độ thai sản, hưu trí và bảo hiểm thất nghiệp; Hỗ trợ cụ thể cho phụ nữ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017) đã đưa ra định nghĩa chính thức về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam “là doanh nghiệp có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, trong đó có ít nhất một người quản lí điều hành doanh nghiệp đó”. Một số cải cách quan trọng nhằm tạo sự bình đẳng trong việc làm: Bộ luật Lao động 2019 được ban hành, thay thế cho Bộ luật Lao động 2012, được xem là bước tiến lớn đối với bình đẳng giới. Cụ thể: Giảm khoảng cách giữa tuổi nghỉ hưu của nam giới và phụ nữ từ 5 năm xuống 2 năm và có lộ trình thực hiện để nâng dần tuổi về hưu của phụ nữ  nhằm đạt được mục tiêu vào năm 2035; bãi bỏ danh mục 77 nghề nặng nhọc và độc hại, trong đó có 38 nghề bị cấm trên cơ sở giới tính và 39 nghề còn lại bị cấm đối với phụ nữ có thai và phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi; kéo dài thời gian nghỉ phép của người chăm sóc trẻ đối với tất cả người lao động chứ không chỉ lao động nữ; định nghĩa cụ thể hơn về quấy rối tình dục, với phạm vi áp dụng rộng rãi hơn tại bất kì nơi làm việc nào (bao gồm các sự kiện, chuyến công tác) và quy định cụ thể nghĩa vụ của người sử dụng lao động; đảm bảo mức lương ngang nhau cho công việc có giá trị như nhau.

Cơ hội việc làm cho phụ nữ tăng lên

Cho đến nay, tỉ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động ở Việt Nam khá cao. Vào năm 2019, 70,9% phụ nữ trong độ tuổi lao động của Việt Nam tham gia lực lượng lao động. Tỉ lệ này tương ứng ở cấp toàn cầu là 47,2%, cao hơn tỉ lệ ở châu Á và Thái Bình Dương (43,9%). Khoảng cách tham gia giữa nam và nữ ở Việt Nam trung bình ở mức 9,5 điểm phần trăm trong thập kỉ qua, thấp hơn mức trung bình trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (32 điểm phần trăm). Khoảng cách giới toàn cầu năm 2020 ghi nhận rằng Việt Nam “chiếm một trong những tỉ lệ cao nhất” toàn cầu (WEF, 2019). Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 26 trong số 156 quốc gia về Chỉ số phụ cơ hội và sự tham gia kinh tế. Khoảng cách tham gia được xác định bằng cách sử dụng sự khác biệt giữa nữ giới và nam giới trong tỉ lệ tham gia lực lượng lao động. 

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.

Tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp gia tăng nhưng vẫn tồn tại rào cản giới

Theo số liệu của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Việt Nam có tỉ lệ phụ nữ tham gia hội đồng quản trị của các công ty niêm yết công khai cao nhất khu vực ASEAN với 15,4% (xếp sau Thái Lan với 20,4%). Việt Nam cũng đứng thứ hai về tỉ lệ phụ nữ đóng vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, chiếm 7,8% tổng số công ty (xếp sau Indonesia với 11,7%). Hiện phụ nữ đang lãnh đạo một số tập đoàn lớn nhất Việt Nam như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn BRG, Vietjet, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE)... Các khuôn mẫu giới như trách nhiệm chăm sóc và sự tham gia nhiều hơn trong các phân khúc “giản đơn”, linh hoạt hơn nhưng mức lương thấp hơn trên thị trường lao động đã ảnh hưởng tới sự tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ, tạo ra những rào cản để có thể tham gia bình đẳng với nam giới. Theo đó, phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu; vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục. Phụ nữ tham gia lực lượng lao động với tỉ lệ thấp hơn nam giới và nguyên nhân của khoảng cách này có thể là do sự phân công lao động theo giới về trách nhiệm gia đình trong xã hội Việt Nam.

3. Ngành Ngân hàng tích cực thực hiện công tác bình đẳng giới

Ngành Ngân hàng là ngành có số lao động nữ luôn chiếm tỉ lệ cao (tính đến cuối năm 2022, số lao động nữ chiếm tỉ lệ 56%/tổng số lao động toàn Ngành). Ngành Ngân hàng đã và đang dành rất nhiều sự quan tâm đến công tác bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều chương trình, chính sách tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, duy trì ổn định sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ trong thời gian qua chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. NHNN cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định, chính sách của ngành Ngân hàng có lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, như về công tác quy hoạch cán bộ, tại Quyết định số 1727/QĐ-NHNN ngày 11/10/2022 của Thống đốc NHNN ban hành Quy chế quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lí tại các đơn vị thuộc NHNN, theo đó, nguyên tắc quy hoạch có yêu cầu về tỉ lệ công chức, viên chức trẻ, tỉ lệ nữ. Về công tác biệt phái, Thống đốc NHNN đã kí Quyết định số 2606/QĐ-NHNN ngày 28/12/2018 về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái đối với công chức, viên chức và người quản lí doanh nghiệp thuộc NHNN quản lí, theo đó quy định việc không thực hiện biệt phái công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Ngoài ra, hằng năm, NHNN đều ban hành chỉ thị về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, không phân biệt đối tượng vay là phụ nữ, góp phần cải thiện bình đẳng giới ở Việt Nam. Trong đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao vai trò của phụ nữ nông thôn trong đời sống kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa phụ nữ nông thôn và phụ nữ thành thị…

Nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội bình đẳng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng khi tham gia các lĩnh vực hoạt động cũng như thụ hưởng các chế độ, chính sách, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Ngân hàng và thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, ngày 31/12/2021, Thống đốc NHNN đã ra Quyết định số 2133/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2030. Kế hoạch này đã được triển khai rộng khắp trong toàn Ngành và được sự hưởng ứng nhiệt tình của các vụ, cục, các đơn vị trực thuộc NHNN cùng với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại (NHTM).

Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng 

Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng được thành lập ngày 28/3/1995 với nhiệm vụ ban đầu là tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong toàn Ngành về ý nghĩa của Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; tổng kết, giới thiệu những thành tích, điển hình trong phong trào và thực hiện tốt quyền bình đẳng nam nữ. Kiến nghị với các cấp, ngành, cơ quan chức năng đề ra các biện pháp nhằm thực hiện tốt Công ước và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ trong ngành Ngân hàng. Cho đến nay, Ban có phạm vi hoạt động rộng khắp tại các vụ, cục đơn vị thuộc NHNN Trung ương; NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố; các NHTM cổ phần Nhà nước và doanh nghiệp trực thuộc. Về thành phần, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng có Trưởng Ban là Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ làm Phó trưởng Ban Thường trực, Chánh Văn phòng NHNN làm Phó trưởng Ban; các ủy viên là lãnh đạo, đại diện một số vụ, cục Ngân hàng Trung ương, các NHTM cổ phần Nhà nước. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các NHTM cổ phần Nhà nước do Tổng giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc làm Trưởng ban; Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tại NHNN Chi nhánh ở 63 tỉnh, thành phố do Giám đốc hoặc Phó Giám đốc làm Trưởng ban. Việc tham gia của các lãnh đạo cấp cao vào Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã thể hiện sự quan tâm sát sao của ngành Ngân hàng đối với công tác bình đẳng giới.

Căn cứ vào Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2030, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng đã tích cực trong việc xây dựng hướng dẫn, chương trình và kế hoạch cụ thể. Trên cơ sở đó, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp đã ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị với các giải pháp hiệu quả, phù hợp với đặc thù của mình để đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra theo từng giai đoạn, từ đó, góp phần vào thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu chung của toàn Ngành.

Vị trí của cán bộ nữ ngành Ngân hàng ngày càng được củng cố 

Cán bộ nữ cũng như nam giới đều bình đẳng trong việc được công nhận năng lực làm việc, được tiếp cận cơ hội khá đồng đều về thăng tiến, lãnh đạo, quản lí nếu có đủ phẩm chất đạo đức và tài năng; được có cơ hội tham gia đối với các khóa học và các khóa huấn luyện nâng cao tay nghề, nghiệp vụ, cũng như các khóa đào tạo quản lí. 

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra cuối năm 2020 cho thấy, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp của hệ thống NHNN là 42,6%, của NHTM chiếm 32,4%; con số chung của Ngành là 39%, so với mục tiêu quốc gia là 25% trở lên. Vị trí lãnh đạo, quản lí cấp trung của NHNN là 51%, NHTM là 54%; vị trí lãnh đạo cao cấp của NHNN là 24%, NHTM là 30%; cán bộ nữ thuộc quy hoạch cấp Vụ của NHNN giai đoạn 2021 - 2026 là 39%, quy hoạch cấp Phòng là 62%. Theo đánh giá của đại diện IFC tại Hội nghị Phụ nữ ngành Ngân hàng năm 2022, nghiên cứu tỉ lệ nữ theo cấp quản lí tại 18 ngân hàng tại Việt Nam cho thấy, nữ lãnh đạo cấp cao chiếm tới 26%, nữ quản lí cấp cao chiếm 33%, nữ quản lí cấp trung chiếm 54%. Điều này thể hiện vị trí của nữ cán bộ trong ngành Ngân hàng ngày được khẳng định.

Để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho toàn thể cán bộ ngân hàng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí, cán bộ làm công tác bình đẳng giới, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ người lao động trong đơn vị về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác bình đẳng giới thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan; kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến về bình đẳng giới và vai trò, vị trí của phụ nữ trong lãnh đạo quản lí với công tác chuyên môn...; từ đó góp phần chuyển biến và nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, cán bộ, người lao động ngành Ngân hàng về vị trí, vai trò của công tác bình đẳng giới.

4. Công tác bình đẳng giới ngành Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu cho các doanh nghiệp hiện nay, trong đó có ngành Ngân hàng. Chuyển đổi số đã tạo ra những ngành nghề mới và những ngành nghề này đang có nguy cơ dẫn đến mất cân bằng về giới nghiêm trọng. Phân tích các vai trò với triển vọng tăng trưởng như được quan sát trong xu hướng tuyển dụng trong 5 năm trên nền tảng LinkedIn (2019) đã xác định được 8 nhóm ngành nghề với triển vọng việc làm ngày càng tăng trên 20 nền kinh tế hàng đầu, đặc biệt là: Phát triển sản phẩm, Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), Kĩ thuật cũng như Điện toán đám mây. Theo đó, nghiên cứu này cũng nêu ra kĩ năng chuyên môn theo giới tính tại các ngành nghề này sự chênh lệch đáng kể, cụ thể như sau: (Biểu đồ 1)

Biểu đồ 1: Kĩ năng chuyên môn theo giới tại các ngành nghề liên quan đến chuyển đổi số
 
 
Nguồn: LinkedIn (2019)

Thông qua dữ liệu LinkedIn, có thể quan sát thấy khoảng cách giới thể hiện rõ ràng trong các vai trò có kĩ năng cụ thể. Lao động nữ ước tính chiếm khoảng 26% lao động trong vai trò Dữ liệu và AI, 15% lao động trong vai trò Kĩ sư và 12% lao động trong vai trò Điện toán đám mây. 

Tại 4 công ty công nghệ hàng đầu thế giới (gồm Apple, Microsoft, Google và Facebook), đến tháng 6/2021, khoảng 1/3 số lao động là nữ, trong đó chưa đến 1/4 số lao động nữ làm công việc kĩ thuật (tech jobs). Điều này cho thấy khoảng cách giới trong các công ty, ngành nghề về công nghệ vẫn đang tồn tại hiện nay. (Biểu đồ 2)
 
Biểu đồ 2: Tỉ lệ lao động nữ tại các công ty Apple, Microsoft, Google và Facebook tháng 6/2021
 

Nguồn: Báo cáo của Apple, Microsoft, Google, và Facebook (2021)

Thống kê của Tổ chức PlanInternational (2019) cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, lực lượng lao động là nam giới làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm gần 80%, trong khi nữ giới chiếm chỉ hơn 20%. Có một sự thiếu hụt nhân tài thường xuyên ảnh hưởng đến khả năng của nam giới và phụ nữ tham gia bình đẳng vào các vai trò trong tương lai: Phụ nữ tiếp tục bị hạn chế trong số những người lao động có kĩ năng, kĩ thuật không tốt. Kĩ năng công nghệ đột phá là những khả năng liên quan đến việc phát triển các công nghệ mới như AI, Robot và điện toán đám mây... 

Công tác chuyển đổi số đã và đang triển khai mạnh mẽ trong ngành Ngân hàng. Ngày 13/01/2022, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN. Tại các NHTM, công tác chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ngành Ngân hàng cũng là ngành đầu tiên công bố ngày chuyển đổi số của Ngành (11/5).

Công tác chuyển đổi số đã đặt ra yêu cầu cao hơn với nguồn nhân lực ngành Ngân hàng hiện nay vừa phải am hiểu về tài chính - ngân hàng, vừa phải có kiến thức về công nghệ. Trong những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng mảng công nghệ ngày càng tăng cao với mức lương cao nhất, đã diễn ra giữa các ngân hàng, như một cuộc cạnh tranh quyết liệt. Các vị trí phát triển phần mềm, kĩ sư công nghệ thông tin, quản lí dự án công nghệ thường xuyên được các ngân hàng trong nước chiêu mộ nhằm phục vụ công cuộc chuyển đổi. Việc tuyển ứng viên mảng công nghệ và dữ liệu do nhu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại các NHTM với mức lương hấp dẫn đối với các ứng viên, đặc biệt đối với nhân lực có chuyên môn Blockchain và AI đang nhận được mức lương cao nhất.

Đầu tháng 8/2022, NHNN đã tổ chức sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng nhằm đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, qua đó nhằm lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Ngân hàng về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Để quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng không tạo ra khoảng cách giới về việc làm, về thu nhập, việc đề ra các giải pháp cụ thể để phát huy được vị trí và vai trò của lao động nữ là hết sức cần thiết.

5. Một số khuyến nghị

Để khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới trong quá trình chuyển đổi số, một số khuyến nghị cho ngành Ngân hàng được đề xuất như sau:

Thứ nhất, lồng ghép bình đẳng giới vào lộ trình chuyển đổi số của ngân hàng. Theo đó, mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả người lao động, tận dụng sự đa dạng về giới và đầu tư đồng đều vào cả lao động nam và nữ thông qua đào tạo nâng cao trình độ và đào tạo lại liên tục.

Thứ hai, xây dựng văn hóa ứng dụng công nghệ số trong ngân hàng nhằm phát huy tính học hỏi, sáng tạo của toàn thể cán bộ nhân viên trong tổ chức, nhất là cán bộ nữ. Đây là một trong những chìa khóa thành công trong việc ứng dụng công nghệ số và cũng là một trong những cách giảm chi phí đầu tư trong hoạt động ứng dụng công nghệ số.

Thứ ba, khuyến khích người lao động nữ trở thành nguồn lực để phát triển công nghệ mới thông qua các chính sách như: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ theo các khóa học chuyên sâu giúp nâng cao hiểu biết, kiến thức về ứng dụng chuyển đổi số; có chính sách đãi ngộ, thu hút những cán bộ nữ có năng lực về chuyển đổi số; mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các nữ cán bộ thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số trong phạm vi nội bộ, ngân hàng khác, công ty công nghệ... Đồng thời, đặt ra yêu cầu đối với cán bộ là lãnh đạo cấp trung, lãnh đạo cấp cao của ngân hàng phải có sự am hiểu về công nghệ ngân hàng, chuyển đổi số.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác truyền thông chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và đặt ra các yêu cầu đối với người lao động về công nghệ để họ tự trau dồi kiến thức, kĩ năng, đáp ứng yêu cầu công việc trong tương lai; thay đổi nhận thức, định kiến về việc nghề nghiệp liên quan đến công nghệ, chuyển đổi số chỉ phù hợp với nam giới; khẳng định vai trò của nữ giới trong các hoạt động chuyển đổi số. 

Thứ năm, xây dựng chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực có kĩ thuật số, nhất là các chuyên gia công nghệ thông tin, không chỉ là tiền lương mà còn các chế độ đãi ngộ khác ngoài lương. Phương thức trả lương cho người lao động có trình độ cao về kĩ thuật số cần trên nguyên tắc giải quyết mối quan hệ giữa chi phí tiền lương của doanh nghiệp và năng suất lao động mà người lao động tạo ra, giúp người lao động phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình.

Tài liệu tham khảo:

1. UN Women (2021), Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam 2021.
2. Tổ chức lao động quốc tế (2021), Giới và thị trường lao động ở Việt Nam.
3. Nguyễn Thị Hồng Vững (2020), Bất bình đẳng giới trong tiếp cận tín dụng chính thức của các hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam.
4. WEF (2019), Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2020.
5. LinkedIn (2019), The Gender Gap: To close gender gaps in the future, we need more women in emerging jobs today.
6. Các văn bản pháp luật: Hiến pháp năm 2013; Luật Bình đẳng giới năm 2006; Bộ luật Lao động năm 2019…
 
TS. Đặng Hoài Linh, Hồ Thị Phương Anh
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Mối quan hệ giữa mức độ thực hiện quy định thanh khoản ngân hàng theo Basel III với một số giải pháp và khuyến nghị
Mối quan hệ giữa mức độ thực hiện quy định thanh khoản ngân hàng theo Basel III với một số giải pháp và khuyến nghị
04/12/2024 08:38 390 lượt xem
Mục tiêu nghiên cứu trong bài viết này về mối quan hệ giữa mức độ thực hiện quy định thanh khoản ngân hàng theo Basel III với một số giải pháp theo phương pháp tiếp cận định lượng, trên cơ sở kết quả thu được, bài viết đưa ra một số khuyến nghị.
Hạch toán quyền rút vốn đặc biệt: Khuôn khổ, các yếu tố chính và một số biện pháp giải quyết vướng mắc hiện nay
Hạch toán quyền rút vốn đặc biệt: Khuôn khổ, các yếu tố chính và một số biện pháp giải quyết vướng mắc hiện nay
03/12/2024 08:26 302 lượt xem
Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là tài sản dự trữ quốc tế được Quỹ Tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund - IMF) tạo ra nhằm bổ sung dự trữ chính thức của các quốc gia thành viên...
Tác động của quy mô hoạt động đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của quy mô hoạt động đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam
28/11/2024 08:54 705 lượt xem
Quy mô ngân hàng là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hiệu quả tài chính, đồng thời phản ánh năng lực, sức mạnh và vị thế của ngân hàng trên thị trường.
Hoán đổi nợ xanh: Cầu nối mới cho tài chính khí hậu và phát triển bền vững
Hoán đổi nợ xanh: Cầu nối mới cho tài chính khí hậu và phát triển bền vững
27/11/2024 11:42 578 lượt xem
Bài viết tập trung phân tích cơ chế hoạt động, lợi ích của hoán đổi nợ xanh, những thách thức và giải pháp để triển khai mô hình hoán đổi nợ lấy dự án xanh tại Việt Nam.
Cải thiện tín nhiệm doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ nông dân trong thu hút vốn tín dụng chính sách, phát triển sản xuất, kinh doanh
Cải thiện tín nhiệm doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ nông dân trong thu hút vốn tín dụng chính sách, phát triển sản xuất, kinh doanh
25/11/2024 09:52 593 lượt xem
Cải thiện tín nhiệm là một giải pháp căn cơ, dài hạn, không chỉ giúp doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã (HTX), trang trại và hộ nông dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, mà còn nâng cao vị thế, uy tín của các tổ chức này với đối tác kinh doanh và những bên liên quan, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
Sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Việt Nam
Sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Việt Nam
19/11/2024 09:44 741 lượt xem
Sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống điện tử và Internet đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ nói chung, dịch vụ tài chính, ngân hàng nói riêng...
Đánh giá sức khỏe tài chính các ngân hàng Việt Nam theo phương pháp phân tích cụm
Đánh giá sức khỏe tài chính các ngân hàng Việt Nam theo phương pháp phân tích cụm
18/11/2024 11:30 1.091 lượt xem
Sức khỏe tài chính của các ngân hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 xảy ra do sự phá sản hàng loạt của các ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp và những vấn đề đặt ra
Tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp và những vấn đề đặt ra
11/11/2024 08:25 962 lượt xem
Thông qua phân tích quy mô và biến động dư nợ tín dụng nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2023, bài viết chỉ ra những kết quả tích cực và một số hạn chế trong tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với ngành sản xuất quan trọng này.
Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
05/11/2024 08:10 1.152 lượt xem
Hiện nay, công tác bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực được các NHTM chú trọng đầu tư phát triển, tuy nhiên, nguồn nhân lực của nhiều ngân hàng vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về chất lượng, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các ngân hàng.
Đánh giá khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng của NHTM Việt Nam bằng mô hình định lượng
Đánh giá khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng của NHTM Việt Nam bằng mô hình định lượng
04/11/2024 08:23 1.554 lượt xem
Nghiên cứu này nhằm chỉ ra mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng thông qua phương pháp khảo sát và phân tích hồi quy dữ liệu của 37 NHTM Việt Nam.
Thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Rào cản và gợi ý cho Việt Nam
Thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Rào cản và gợi ý cho Việt Nam
31/10/2024 08:07 1.269 lượt xem
Biến đổi khí hậu trở thành rủi ro lớn nhất mà loài người đang phải gánh chịu (WEF, 2024). Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững không còn là sự lựa chọn, mà gần như bắt buộc ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, mô hình kinh tế tuần hoàn nổi lên như một công cụ quan trọng.
Việt Nam sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế
Việt Nam sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế
29/10/2024 15:02 6.905 lượt xem
Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng lên, khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, hợp tác phát triển và thúc đẩy tiến bộ toàn cầu.
Kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2024 và một số đề xuất, khuyến nghị
Kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2024 và một số đề xuất, khuyến nghị
22/10/2024 14:35 10.013 lượt xem
Tình hình kinh tế Việt Nam trong tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tính chung 9 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Phát triển thị trường tài chính trong nền kinh tế số tại Việt Nam
Phát triển thị trường tài chính trong nền kinh tế số tại Việt Nam
21/10/2024 08:35 3.369 lượt xem
Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.
Tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính các ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính các ngân hàng thương mại Việt Nam
18/10/2024 08:05 2.740 lượt xem
Nghiên cứu này xem xét tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam giai đoạn 2014 - 2023.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

82,700

85,200

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

82,700

85,200

Vàng SJC 5c

82,700

85,220

Vàng nhẫn 9999

82,700

84,200

Vàng nữ trang 9999

82,600

83,800


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,146 25,176 26,016 27,442 31,414 32,749 163.16 172.65
BIDV 25,189 25,479 26,240 27,437 31,822 32,750 164.18 171.99
VietinBank 25,175 25,479 26,275 27,475 31,883 32,893 165.21 172.96
Agribank 25,195 25,479 26,136 27,340 31,588 32,680 164.83 172.81
Eximbank 25,170 25,479 26,222 27,172 31,719 32,824 166 172.03
ACB 25,170 25,479 26,255 27,156 31,830 32,791 165.46 172
Sacombank 25,210 25,479 26,259 27,234 31,750 32,918 166.1 173.11
Techcombank 25,201 25,479 26,098 27,451 31,472 32,810 162.25 174.72
LPBank 25,200 25,479 26,520 27,419 32,093 32,618 166.89 173.97
DongA Bank 25,200 25,479 26,340 27,100 31,800 32,730 164.20 171.60
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?