Keywords: Green finance, green credit, green banking, supervision.
1. Đặt vấn đề
Thực hành môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong lĩnh vực ngân hàng là mục tiêu hướng tới nhằm giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, cũng như các mục tiêu về tăng trưởng bền vững (Ahmed và cộng sự, 2018; Eliwa và cộng sự, 2021). Mục tiêu của ESG có một phần hướng tới phát triển xanh và tín dụng xanh (Dikau và Volz, 2018). Phát triển xanh, tăng trưởng bền vững, giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và tăng tỉ trọng sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế đang là xu thế và hướng đi của nhiều nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển, để ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (Akhter và cộng sự, 2023; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), 2015). Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển xanh, bền vững (NHNN, 2019). Tất nhiên, việc này hướng đến thực thi ESG trong hệ thống ngân hàng.
Ngành Ngân hàng đã xây dựng, ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh, bám sát chủ trương của Chính phủ và kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với nhiều hoạt động có kết quả quan trọng (Nguyễn Thị Kim Thanh, 2019). Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng Thông tư để tạo hành lang pháp lí liên quan đến vấn đề cấp tín dụng, quan tâm đến quản lí rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, trái phiếu xanh cũng đang được coi là phương tiện huy động vốn hữu hiệu từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội. Việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng chung, là một kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, để phát triển được tài chính xanh, tín dụng xanh, cần sự phát triển của cơ sở hạ tầng tài chính xanh, tín dụng xanh. Bài viết phân tích thực trạng cơ sở hạ tầng tài chính tín dụng xanh tại Việt Nam. Từ kết quả phân tích, những kết quả đạt được và hạn chế trong cơ sở hạ tầng tín dụng xanh tạo cơ sở đưa ra những bài học kinh nghiệm và các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng tín dụng xanh trong tương lai.
2. Khái quát về cơ sở hạ tầng phục vụ tài chính và tín dụng xanh
Cơ sở hạ tầng tài chính là một bộ phận quan trọng của hệ thống tài chính. Hệ thống tài chính là tổng thể các bộ phận tài chính cùng với sự vận động của các nguồn vốn trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, có mối liên hệ tác động lẫn nhau trong việc hình thành, chuyển giao và sử dụng các quỹ tiền tệ của các chủ thể kinh tế (IPC, 2021). Thị trường tài chính là nơi diễn ra các giao dịch mua bán các tài sản tài chính, để thông qua đó, vốn được chuyển giao từ chủ thể cung vốn đến chủ thể cầu vốn.
Để thực hiện được các giao dịch trên thị trường tài chính một cách hợp lệ, hợp pháp, thuận lợi, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia thì cần có các quy định, quy tắc, hướng dẫn, các phương tiện để chỉ đạo nội dung và cách thức thực hiện, đó chính là cơ sở hạ tầng về tài chính. Hay nói cách khác, cơ sở hạ tầng về tài chính là một trong những nhân tố đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo, chi phối các hoạt động, giao dịch trên thị trường tài chính (Volz, 2016).
Cơ sở hạ tầng tài chính là khuôn khổ các luật lệ và hệ thống làm nền tảng để các bên (tiết kiệm - cho vay, đi vay - đầu tư) lập kế hoạch, đàm phán và thực hiện các giao dịch tài chính; là những nền tảng để qua đó các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cá nhân thực hiện các giao dịch tài chính với các định chế tài chính trung gian và thị trường tài chính. Cơ sở hạ tầng tài chính tạo điều kiện cho hoạt động của hệ thống tài chính trở nên có hiệu quả hơn (Xing và cộng sự, 2021).
Theo khái niệm chung, cơ sở hạ tầng tài chính tín dụng xanh chính là nền tảng để qua đó các chủ thể bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các giao dịch tín dụng xanh. Cơ sở hạ tầng tín dụng xanh hỗ trợ cho các giao dịch tín dụng xanh hoạt động một cách trơn tru và có hiệu quả.
Cũng giống như cơ sở hạ tầng tài chính nói chung, các thành phần của cơ sở hạ tầng tài chính tín dụng xanh bao gồm: Hệ thống pháp luật và quản lí nhà nước về tín dụng xanh, hệ thống thông tin tín dụng xanh, nguồn lực và thực thi giám sát, hệ thống thanh toán, hệ thống giao dịch chứng khoán.
3. Thực trạng cơ sở hạ tầng tài chính tín dụng xanh tại hệ thống ngân hàng Việt Nam
3.1. Hệ thống luật pháp và quản lí của Nhà nước đối với tín dụng xanh
Các văn bản về hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đã được hoàn thiện dần qua các năm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, các văn bản liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Tại Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tín dụng xanh được xác định là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lí chất thải, xử lí ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và tạo ra lợi ích khác về môi trường. Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đối với dự án đầu tư phải phù hợp với quy định về quản lí rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay. Đồng thời, Luật này giao NHNN hướng dẫn quản lí rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án thuộc đối tượng được cấp tín dụng xanh, đồng thời giao Chính phủ ban hành lộ trình thực hiện và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, trái phiếu xanh cũng được chú ý đến trong Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trái phiếu xanh được xác định là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường. Nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu xanh phải được hạch toán, theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường bao gồm: Cải tạo, nâng cấp công trình bảo vệ môi trường; thay đổi công nghệ theo hướng áp dụng kĩ thuật hiện có tốt nhất; áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải ít carbon; ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo; xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện môi trường; quản lí hiệu quả nguồn nước và xử lí nước thải; thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; dự án đầu tư khác theo quy định. Chủ thể phát hành trái phiếu xanh phải cung cấp thông tin về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường của dự án đầu tư và sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu xanh cho nhà đầu tư. Chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu xanh được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về trái phiếu xanh.
Sau này, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được ban hành. Tuy nhiên, bài viết này không thảo luận chi tiết về Nghị định này.
Thứ hai, các văn bản liên quan trực tiếp đến tín dụng xanh từ phía NHNN
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
NHNN đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với 02 văn bản gồm: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Thống đốc NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Theo các văn bản này, phấn đấu đến năm 2025, 100% các ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ít nhất 10 - 12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lí rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
3.2. Các văn bản bổ trợ triển khai hoạt động tín dụng xanh tại Việt Nam
(1) Sổ tay tài chính xanh - tài liệu dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã
Sổ tay được ban hành bởi Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương nhằm mục đích cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về các nguồn tài chính xanh ở Việt Nam, các nguồn tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Sổ tay chia sẻ một số thông tin cơ bản về khuôn khổ pháp lí, các chính sách hỗ trợ cũng như hiện trạng của tín dụng xanh tại thị trường Việt Nam. Sổ tay cũng bao gồm các bước lập hồ sơ vốn vay, từ ý tưởng đến kế hoạch sử dụng và hoàn trả vốn vay ở mức độ cơ sở để doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn trước khi gặp gỡ và đàm phán với ngân hàng và các tổ chức tài chính. Các thông tin trong cuốn sổ tay được thu thập từ Báo cáo nghiên cứu về Tài chính xanh do tư vấn của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cũng như thông tin từ dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm sinh thái công bằng ở Việt Nam” do Liên minh châu Âu - Chương trình Switch Asia được cập nhật đến tháng 12/2021.
(2) Sổ tay hướng dẫn tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro đối với 10 ngành sản xuất cơ bản
Năm 2018, NHNN phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nghiên cứu và ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với 10 ngành sản xuất, kinh doanh cơ bản.
Theo đó, 10 ngành sản xuất, kinh doanh cơ bản bao gồm: Nông nghiệp; hóa chất; xây dựng cơ sở hạ tầng; năng lượng; chế biến thực phẩm và đồ uống; dệt may; dầu khí; xử lí, tái chế chất thải; khai khoáng và sản xuất các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại.
Sổ tay được xây dựng trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm quốc tế, các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và ý kiến đóng góp của các nhà quản lí, các chuyên gia trong và ngoài nước về các lĩnh vực chuyên ngành và đặc biệt lấy ý kiến tham gia của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Tiếp theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN thì cuốn Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với 10 ngành sản xuất, kinh doanh là một tài liệu quan trọng giúp cho các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp nắm bắt được một cách rõ ràng hơn rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi tiến hành cấp tín dụng để triển khai dự án thuộc 10 ngành nghề nêu trên. Qua đó đưa ra những biện pháp cần thiết để loại bỏ, phòng tránh, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội, góp phần phát triển bền vững, hiệu quả.
Mặc dù Sổ tay hướng dẫn là một tài liệu tham khảo có tính chất khuyến khích áp dụng nhưng là cẩm nang không thể thiếu đối với các tổ chức tín dụng trong việc đầu tư tín dụng để phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường. Sự ra đời của cuốn Sổ tay hướng dẫn này cũng thể hiện nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của ngành Ngân hàng trong phát triển kinh tế bền vững.
(3) Chỉ số phát triển bền vững (VNSI)
VNSI là chỉ số giá được tính theo phương pháp giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỉ lệ tự do chuyển nhượng (free - float), với tần suất tính toán theo thời gian thực 5 giây/lần (Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), 2017). Thành phần bao gồm các cổ phiếu của công ty có điểm phát triển bền vững tốt nhất được niêm yết trên HOSE thuộc VN100.
Sau đó, các công ty sẽ được chấm điểm Phát triển bền vững bởi HOSE và chọn ra 20 doanh nghiệp có điểm cao nhất để đưa vào chỉ số. Danh sách loại trừ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sau: Vũ khí hoặc đạn dược; thức uống có cồn (không bao gồm bia hoặc rượu nhẹ); thuốc lá, kinh doanh casino, đặt cược hoặc tương tự; văn hóa phẩm đồi trụy; năng lượng nguyên tử và than đá. 15 cổ phiếu có điểm phát triển bền vững cao nhất sẽ luôn được chọn vào rổ VNSI; cổ phiếu đứng ở vị trí 16 - 25 thì ưu tiên cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục của rổ VNSI kì trước và sau đó mới xét đến cổ phiếu mới cho đến khi lượng cổ phiếu trong rổ đạt 20 cổ phiếu. Trong trường hợp cổ phiếu bị loại khỏi rổ VN100 thì cũng sẽ bị loại khỏi chỉ số VNSI vào ngày có hiệu lực. Cổ phiếu thành phần của chỉ số sẽ được xem xét vào tháng 7 hằng năm.
(4) Sổ tay hướng dẫn DNNVV tiêu chí gắn với tăng trưởng xanh
Nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường chính sách huy động nguồn tài chính nhằm thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh tại Việt Nam, mục tiêu của “Sổ tay hướng dẫn DNNVV tiêu chí gắn với tăng trưởng xanh” là để hướng dẫn các DNNVV lồng ghép các yếu tố tăng trưởng xanh vào việc xây dựng các kế hoạch dự án/sản xuất của họ, tăng số doanh nghiệp xanh được hỗ trợ tài chính, nhằm hướng tới mục tiêu tăng tỉ trọng các doanh nghiệp xanh trong khu vực tư nhân. Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều chương trình hỗ trợ ưu tiên DNNVV. Khi nhiều doanh nghiệp xanh tiếp cận nguồn vay, các ngân hàng thương mại sẽ trở nên quen thuộc hơn với các ý tưởng cho vay xanh, theo đó, tăng cơ hội tiếp cận nguồn vay xanh cho khu vực tư nhân. Một doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp xanh nếu cung cấp sản phẩm xanh hoặc dịch vụ và/hoặc có quy trình sản xuất xanh. Các sản phẩm và dịch vụ xanh là những sản phẩm thân thiện với môi trường, nguồn lực hiệu quả và giảm thiểu chất thải. Mặt khác, các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất để tiêu tốn ít năng lượng và chất liệu, ít lãng phí và ít phát thải cũng được xem là doanh nghiệp xanh. Doanh nghiệp xanh còn là doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc và hệ thống phúc lợi tốt cho người lao động.
3.3. Hoạt động thông tin tín dụng xanh, tài chính xanh
Hoạt động thông tin tín dụng được cung cấp chủ yếu từ phía các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, cần nhận thấy rằng các trường thông tin về tín dụng xanh chưa được cập nhật, do đó chưa thấy được các thông tin phù hợp để báo cáo.
Tín dụng xanh, trái phiếu xanh đòi hỏi các kĩ năng, kĩ thuật để theo dõi và đánh giá việc sử dụng tiền thu được trong suốt vòng đời dự án, đảm bảo rằng các dự án được thực hiện theo nguyên tắc chung về tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các tổ chức tín dụng được đào tạo bài bản về những kĩ năng và kĩ thuật này chưa nhiều, dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng chưa có một đơn vị, phòng, ban chuyên trách về thẩm định dự án, đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cũng như theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động từ dòng tiền huy động được từ nguồn trái phiếu xanh trong suốt vòng đời dự án. Trên thị trường Việt Nam cũng chưa có các đơn vị cung cấp dịch vụ xác nhận trái phiếu xanh.
4. Một số đánh giá và hàm ý chính sách
4.1. Những kết quả đạt được
Kết quả đạt được về thực trạng cơ sở hạ tầng tài chính tín dụng xanh được thể hiện rõ nét nhất thông qua sự phát triển tín dụng xanh trong thời gian qua. Đánh giá của NHNN sau hơn 06 năm kể từ khi Chỉ thị số 03/CT-NHNN được ban hành cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực qua từng năm. Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng từ hơn 71 nghìn tỉ đồng vào cuối năm 2015 lên đến 564 nghìn tỉ đồng vào cuối năm 2023, chiếm tỉ trọng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Theo đánh giá, tuy tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh còn khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng nhưng có xu hướng tăng ngày càng nhanh và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường. Đối tượng mà các gói tín dụng xanh hướng tới ngày một đa dạng, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án có yếu tố “xanh”. Một số tổ chức gắn nhiều với tín dụng xanh như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)...
Năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tích cực tham gia thúc đẩy các Tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh ASEAN (AGBS), Tiêu chuẩn Trái phiếu Xã hội ASEAN (ASBS) và Tiêu chuẩn Trái phiếu Bền vững ASEAN (ASUS), dựa trên Nguyên tắc Trái phiếu Xanh, Nguyên tắc Trái phiếu Xã hội và Hướng dẫn về Trái phiếu Bền vững của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA) nhằm tạo ra một loại tài sản bền vững ở Việt Nam.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hành Sổ tay “Hướng dẫn phát hành cho trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” với sự hỗ trợ của IFC, Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). Cuốn sổ tay hướng dẫn các tổ chức phát hành và các thành viên thị trường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN, cũng như các quy định của Việt Nam về trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững. Cuốn sổ tay là công cụ hỗ trợ việc huy động các nguồn lực từ thị trường vốn trong nước và quốc tế cho các dự án bền vững và thân thiện với môi trường - xã hội.
4.2. Một số hạn chế
Các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành, lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước. Điều này dẫn tới khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Đồng thời, lĩnh vực xanh hiện vẫn thiếu khung khổ pháp lí, các tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh; các phương án kinh doanh cũng cần phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe về bảo vệ môi trường, các thủ tục vay vốn phức tạp. Chính vì những yêu cầu này, khách hàng sẽ ít có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng nếu không có hỗ trợ lãi suất hay những cơ chế ưu đãi khác.
Hệ thống pháp lí cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh còn mỏng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết của thị trường nói chung và nhà đầu tư nói riêng về trái phiếu xanh còn nhiều hạn chế.
Về phía các ngân hàng thương mại, trước đây, các ngân hàng chưa có chính sách tín dụng xanh hay chính sách ưu tiên cho các hoạt động liên quan tới bảo vệ môi trường. Nhưng với sự đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cùng các hoạt động tài trợ tăng cường nhận thức và thúc đẩy triển khai từ NHNN và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), IFC, SECO, thì các ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tới tín dụng xanh và các dự án đầu tư mang lại lợi ích cho môi trường. Các quy định về chính sách tín dụng xanh đã thấy ở Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... Xu hướng tín dụng hướng tới phát triển toàn diện và bền vững có thể còn lan rộng hơn trong thời gian tới với sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách của cơ quan quản lí. Rất nhiều ngân hàng trong nước đã và đang triển khai các sản phẩm tín dụng xanh như cho vay tiết kiệm năng lượng, cho vay năng lượng tái tạo, cho vay sản xuất sạch hơn... Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ngân hàng vẫn còn e ngại về rủi ro tín dụng từ các dự án đầu tư xanh.
Mô hình giám sát tài chính phân tán theo chuyên ngành nhưng thiếu sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính, chưa có đầu mối mang tính tích hợp để giám sát toàn diện hoạt động của thị trường tài chính, theo dõi sự luân chuyển của dòng tiền. Ngoài ra, phương thức giám sát thiên về giám sát tuân thủ mà chưa chú trọng đúng mức giám sát trên cơ sở rủi ro; giám sát cẩn trọng vĩ mô thị trường tài chính chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, quyền hạn của các cơ quan giám sát còn nhiều hạn chế, nhất là thẩm quyền tiếp cận thông tin và chế tài xử lí vi phạm và giám sát an toàn.
4.3. Một số hàm ý chính sách
Để phát triển được ESG trong các ngân hàng thương mại thì cần phải phát triển được tín dụng xanh. Do vậy, một số hàm ý chính sách được đưa ra như sau:
Thứ nhất, các quy định về tín dụng xanh cần thể hiện rõ ràng trong mục tiêu phát triển của các ngân hàng thương mại. Các hoạt động của các doanh nghiệp được định nghĩa cụ thể như các dự án của doanh nghiệp thế nào là xanh, tiếp cận nguồn vốn nào cũng cần được đưa ra. Tuy rằng các văn bản trên và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cũng đã đưa ra những lĩnh vực được ưu đãi, song số lượng doanh nghiệp tiếp cận được vốn chưa nhiều.
Thứ hai, quy định về việc hình thành tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại, trong đó đưa ra những quy định về thực hiện ESG hay thực hiện trách nhiệm xã hội. Các ngân hàng lớn trên thế giới đều đã có vốn cho các dự án xanh. Các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đã thực hiện, nhưng chưa nhiều (do chi phí khá đắt đỏ).
Thứ ba, nguồn báo cáo và thực thi cũng cần phải được bổ sung để phối hợp giữa nhiều bên, tránh đưa ra áp lực đối với Trung tâm Thông tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) hay NHNN. Nguyên nhân là do Luật Bảo vệ môi trường cần có sự phối hợp của nhiều bên liên quan.
Tài liệu tham khảo:
1. Ahmed, S. U., Ahmed, S. P. & Hasan, I. (2018), ‘Why banks should consider ESG risk factors in bank lending?’, Banks & bank systems, (13, Iss. 3), pages 71-80.
2. Akhter, F., Hossain, M. R., Elrehail, H., Rehman, S. U. & Almansour, B. (2023), ‘Environmental disclosures and corporate attributes, from the lens of legitimacy theory: A longitudinal analysis on a developing country’, European Journal of Management and Business Economics, 32(3), pages 342-369.
3. Dikau, S. & Volz, U. (2018), Central banking, climate change and green finance, Asian Development Bank Institute, Tokyo.
4. Eliwa, Y., Aboud, A. & Saleh, A. (2021), ‘ESG practices and the cost of debt: Evidence from EU countries’, Critical Perspectives on Accounting, page 79.
5. IPC (2021), Green lending Review: Covering green, sustainable and positive incentive lending globally, A Refinitiv LPC Publication, USA.
6. NHNN (2015), Báo cáo nghiên cứu Ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam, Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN hợp tác với GIZ của Đức tại Việt Nam, Hà Nội.
7. NHNN (2019), Hỗ trợ đầu tư xanh tại Việt Nam: Vai trò của Tổ chức tài chính xanh, Vivid Economics, GBRW, The Asia Foudation chuẩn bị để báo cáo cho NHNN.
8. Nguyễn Thị Kim Thanh (2019), Nghiên cứu và xây dựng các công cụ chính sách tiền tệ, biện pháp (giải pháp) của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ, khuyến khích tổ chức tín dụng tài trợ cho các mục đích hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức - GIZ.
9. Volz, U. (2016), Fostering Green Finance in Asia, German Development Institute, German.
10. Xing, C., Zhang, Y. & Tripe, D. (2021), ‘Green credit policy and corporate access to bank loans in China: The role of environmental disclosure and green innovation’, International Review of Financial Analysis, page 77.
TS. Khúc Thế Anh
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân