1. Kinh tế thế giới trong 7 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng chậm, tiếp tục cho thấy bất ổn, rủi ro, tiến trình phục hồi gặp nhiều khó khăn
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhiều nền kinh tế lớn kém tích cực, có nền kinh tế có dấu hiệu bước vào suy thoái. Tăng trưởng GDP so với cùng kì của các nước và khu vực như khu vực đồng Euro: Quý I/2023 tăng 1,1%, quý II/2023 chỉ tăng 0,6%; Nhật Bản: Quý I/2023 tăng 1,3%, quý II/2023 dự báo chỉ tăng 0,6%; Đức rơi vào suy thoái kĩ thuật: Quý I/2023 giảm 0,2%, quý II/2023 giảm 0,2%; Nga chính thức suy thoái với việc tăng trưởng GDP liên tục giảm âm từ nửa cuối năm 2022 đến nay... Trái lại, một số nền kinh tế có phục hồi khả quan hơn như Mỹ: Quý I/2023 tăng 1,8%, quý II/2023 tăng 2,6%; Trung Quốc: Quý I/2023 tăng 4,5%, quý II/2023 tăng 6,3%...
Lạm phát toàn cầu mặc dù có giảm nhưng vẫn neo ở mức cao, gây khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và đảm bảo an sinh xã hội của các nước. Tính đến tháng 6/2023, lạm phát tại Mỹ giảm 11 tháng liên tiếp, ở mức 3%, giảm từ mức cao 9,1% vào tháng 7/2022; lạm phát tháng 7/2023 của khu vực đồng Euro giảm từ mức 10,6% tháng 10/2022 xuống 5,3%; lạm phát tại Anh duy trì trên 10% từ tháng 10/2022;... Tuy nhiên, các mức lạm phát này vẫn là mức cao trong nhiều năm gần đây.
Hoạt động sản xuất toàn cầu gặp nhiều khó khăn khi tiếp tục chịu ảnh hưởng kéo dài từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; việc suy giảm nhu cầu trên diện rộng. Chỉ số quản lí thu mua (PMI) toàn cầu vẫn ở dưới mức 50 điểm. Theo đó, PMI toàn cầu tháng 7/2023 ở mức 47,9 điểm mặc dù có tăng nhẹ so với tháng trước. Nhiều quốc gia lớn có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đều đang ở giai đoạn suy giảm thu hẹp sản xuất kéo dài. PMI của Mỹ tháng 7/2023 giảm xuống mức 46,4 điểm (tháng thứ 9 liên tiếp dưới 50 điểm); PMI khu vực đồng Euro tháng 7/2023 ở mức 42,7 điểm (tháng thứ 12 liên tiếp dưới 50 điểm); PMI của Đức tháng 7/2023 đạt 38,8 điểm (tháng thứ 12 liên tiếp dưới 50 điểm)...
Thương mại toàn cầu tiếp tục thu hẹp khi chịu tác động tiêu cực từ nhu cầu giảm, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, gia tăng bảo hộ thương mại, căng thẳng địa chính trị leo thang. Dự báo thương mại toàn cầu năm 2023 chỉ tăng trưởng 1,7%, giảm đáng kể so với mức tăng 2,7% năm 2022.
Thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Việc nhiều ngân hàng tại Mỹ và châu Âu phá sản khiến nhiều nước thận trọng hơn trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dự phòng rủi ro. Thị trường bất động sản đình trệ, giá bất động sản giảm mạnh, trong đó giá bất động sản cao cấp trên thế giới ghi nhận sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu hiện hữu. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IFF), chỉ trong quý I/2023, nợ toàn cầu đã tăng thêm 8,3 nghìn tỉ USD lên 304,9 nghìn tỉ USD. Tỉ lệ nợ công các nước phát triển tăng lên 122% GDP so với mức 73% GDP năm 2008, trong đó, nợ công của Mỹ đã chạm mức trần.
Như vậy, nhìn từ góc độ toàn cầu, kinh tế vẫn đang chịu nhiều rủi ro, các vấn đề tồn tại của kinh tế toàn cầu vẫn dai dẳng, khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Các rủi ro kể đến như: Lạm phát có xu hướng hạ nhiệt nhưng giảm chậm và neo ở mức cao trong khi lạm phát cơ bản vẫn chưa giảm triệt để do việc thực hiện tăng lãi suất từ năm 2022. Tình trạng bất cân đối về cung - cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng còn diễn biến phức tạp. Chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục thắt chặt; gia tăng bất ổn của thị trường tài chính, các xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn. Trước những khó khăn, thách thức và biến động của kinh tế, chính trị thế giới, nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ khoảng 2 - 3%; trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng 2,1% (dự báo tháng 6/2023); tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng 2,7% (dự báo tháng 6/2023); Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng 2,8%.
Bất chấp các khó khăn, thách thức từ kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam nhìn chung vẫn khá tích cực
(Nguồn ảnh: Internet)
2. Nỗ lực để kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng cao hơn trong các tháng cuối năm 2023
Bất chấp các khó khăn, thách thức từ kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam nhìn chung vẫn khá tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 3,12% so với cùng kì năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kì năm trước, đều giảm so với các mức tương ứng là 3,29% và 4,74% của 6 tháng đầu năm 2023. Tốc độ tăng CPI bình quân các tháng có xu hướng giảm dần, là dấu hiệu tích cực cho thấy CPI bình quân năm 2023 nhiều khả năng đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%. Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, hiện đã về mức trước dịch Covid-19 tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, qua đó, thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,3% năm 2023. IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng của kinh tế thế giới, có nền kinh tế duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng khả quan. Bên cạnh đó, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước; các nhà đầu tư chiến lược sẽ tìm kiếm những điểm đến an toàn như Việt Nam. Tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện sẽ giúp Việt Nam được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư của thế giới trong bối cảnh tình hình chính trị toàn cầu biến động và có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu với các đối tác đã có kí kết hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam đang chịu tác động trực diện từ các khó khăn, bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị thế giới cũng như các vấn đề nội tại của nền kinh tế khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là khó đạt được:
Thứ nhất, tổng cầu suy yếu do nhiều cấu phần diễn biến không thuận lợi. Việc nhiều quốc gia là đối tác thương mại đầu tư lớn của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc,... đang gặp nhiều khó khăn từ suy giảm tăng trưởng, lạm phát và nợ công cao, các chính sách tập trung thu hút thị trường nội địa... khiến cầu nước ngoài suy yếu và điều này tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế cho thấy, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực và sang các thị trường chủ chốt đều giảm. Tiêu dùng là một trong những động lực tăng trưởng chính cho GDP các tháng đầu năm 2023, tuy nhiên, tốc độ đang giảm dần. Dự báo những tháng cuối năm 2023, tiêu dùng khó cải thiện mạnh do người dân vẫn có xu hướng hạn chế chi tiêu. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng chậm, chưa tạo động lực dẫn dắt và lan tỏa cho nền kinh tế như kì vọng.
Thứ hai, tổng cung diễn biến không thuận lợi, hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng từ việc suy giảm. Chỉ số PMI sản xuất tiếp tục xu hướng giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng đầu ra do chịu tác động từ đại dịch Covid-19.
Thứ ba, Việt Nam cũng sẽ có thể bị tác động từ những rủi ro, bất ổn của thị trường tài chính quốc tế. Diễn biến lạm phát toàn cầu cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát trong nước thông qua kênh lạm phát nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động chi tiêu của người dân. Tình hình kinh tế, chính trị quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp dẫn đến những rủi ro đối với kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng.
Theo đó, trong các tháng cuối năm 2023, để nỗ lực đạt tăng trưởng cao hơn, Việt Nam cần thúc đẩy các yếu tố hỗ trợ như: Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục triển khai và duy trì các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như tiếp tục giảm lãi suất, miễn, giảm thuế, tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản để đi vào kinh tế thực; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thủ tục hành chính thông thoáng, phát triển cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thái Sơn
NHNN