1. Đặt vấn đề
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nặng nề cho nền kinh tế, điều này đã làm thay đổi và định hình lại xu hướng phát triển mới trong bối cảnh hậu Covid-19. Bước sang năm 2022, với mục tiêu bình thường hóa, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã gỡ bỏ những chính sách hạn chế về phòng, chống dịch, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường1; một số quốc gia còn lại cẩn trọng hơn khi vẫn áp dụng một số các quy định hạn chế. Tuy nhiên, nhìn chung xu hướng hiện nay trên thế giới đang xem Covid-19 trở thành một loại bệnh đặc hữu, từ đó bình thường hóa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều tổ chức uy tín trên thế giới nhận định kinh tế thế giới năm 2022 có nhiều điểm sáng, khi đã dự báo mục tiêu tăng trưởng toàn cầu đạt 4,4% trong năm nay2. Tuy nhiên, khi vấn đề về dịch Covid-19 đang có xu hướng hạ nhiệt thì tình trạng căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine lại một lần nữa đưa tình hình thế giới vào những thách thức mới. Đặc biệt, thông qua sự đứt gãy nguồn cung khí đốt và dầu mỏ từ Nga cùng những lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây đã tác động không nhỏ đến bối cảnh kinh tế của thế giới và Việt Nam hiện tại3.
Tại Việt Nam, sau 02 năm chống dịch, tuy tình hình dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức khi số ca nhiễm được ghi nhận hàng ngày lên đến hàng trăm nghìn ca nhiễm4 nhưng với định hướng đúng đắn bằng chiến lược bao phủ vắc-xin, các gói cứu trợ kịp thời của Chính phủ cùng với các chính sách tài khóa và tái cấp vốn được đưa ra, Việt Nam đã từng bước đưa các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, trường học, doanh nghiệp, các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh được hoạt động trở lại, qua đó, đời sống người dân từng bước ổn định. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế khi đứng trước những biến động của tình hình thế giới và trong nước. Có thể thấy rằng, với bối cảnh xã hội, chính trị thế giới đứng trước nhiều thách thức, điều đó đã đặt ra vấn đề về sự thích ứng của các chủ thể trong tình hình mới, trong đó có vấn đề về tăng trưởng xanh trong bối cảnh hiện tại.
2. Cơ hội, thách thức đối với tăng trưởng xanh trong bối cảnh hậu Covid-19 tại Việt Nam
Tăng trưởng xanh đã được đề cập và quan tâm trong những năm gần đây, tuy nhiên khái niệm này còn khá mới mẻ đối với nhiều chủ thể trong xã hội. Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau về tăng trưởng xanh, nhưng nhìn chung thì các khái niệm này đều dựa trên một số tiêu chí cơ bản và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững5. Tại Việt Nam tăng trưởng xanh được xác định là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững6.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều ngưỡng cửa mới cho sự phát triển, đặc biệt là vấn đề tăng trưởng xanh. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ trong việc đưa ra mức phát ròng bằng “0” vào năm 20507. Qua đó cho thấy, vấn đề về tăng trưởng xanh không chỉ là một vấn đề mang tính xã hội đòi hỏi đối với nền kinh tế Việt Nam, mà vấn đề này đã được nhiều tổ chức trên thế giới ghi nhận, cụ thể hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện cam kết trên tại Việt Nam không đơn giản, điều này tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong quá trình thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19 hiện nay.
Thứ nhất, về cơ hội. Không thể phủ nhận, với tình hình bối cảnh hiện nay của nước ta, quá trình phát triển tăng trưởng xanh là một nhu cầu cấp thiết nhằm từng bước tạo nên sự phát triển bền vững. Khi trên thực tế, tình trạng ô nhiễm và các vấn đề về biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Tuy nhiên, với những lợi thế sẵn có, bối cảnh hiện nay không chỉ mang lại thách thức mà chúng ta có thể tận dụng các lợi thế được tạo ra từ đó. Sau đây là một số cơ hội nổi bật cho Việt Nam đối với tăng trưởng xanh trong bối cảnh hậu Covid-19, cụ thể:
- Các dự án xanh được đầu tư phê duyệt. Trước làn sóng và ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra vào năm 2018, các quốc gia đang có xu hướng đa dạng hóa thị trường nhằm tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, trong bối cảnh đó, Việt Nam được nhiều nhà đầu tư lựa chọn là quốc gia tiềm năng để tiếp nhận các làn sóng đầu tư mới dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc8. Đồng thời, với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 và các chính sách điều chỉnh theo hướng tăng cường năng lượng tái tạo, nhiều chuyên gia nhận định, có thể có một là sóng thứ hai đầu tư vào năng lượng sạch tại Việt Nam9.
- Giá nhiên liệu hiện nay tăng cao góp phần hình thành nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng khác thay thế năng lượng hóa thạch.
Tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là năng lượng hóa thạch được hình thành trong một thời gian rất dài, đồng thời việc khai thác chúng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Bối cảnh hiện nay sẽ là cơ hội để các chủ thể nhìn nhận về việc có nên tìm một nguồn năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch, nhằm từng bước hạn chế sự phụ thuộc vào chúng và thân thiện với môi trường hơn.
- Sự quan tâm đúng mức của Chính phủ. Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi mối quan tâm về đại dịch có phần điều tiết lại, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách, mục tiêu về việc bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, các ngành kinh tế xanh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, góp phần phát triển nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường thông qua các chính sách ưu đãi, đặc biệt ưu đãi về thuế và hỗ trợ vay vốn được cụ thể hóa trong Luật Đầu tư 2020 và các văn bản pháp luật khác.
- Thay đổi tư duy sản xuất nhờ thích nghi với tình hình giãn cách. Đại dịch Covid-19 góp phần chuyển đổi hoạt động kinh doanh truyền thống qua hoạt động kinh doanh trên nền tảng kinh tế số. Một trong số đó là thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, thông qua các sàn thương mại điện tử, từng mặt hàng của người dân có cơ hội được quảng bá rộng rãi, đa dạng thị trường tiêu thụ. Từ đó, giảm bớt gánh nặng cho môi trường thông qua việc thực hiện các hoạt động kinh doanh bằng nền tảng kinh tế số thay thế cho lối kinh doanh truyền thống.
- Luật Bảo vệ môi trường 2020 từng bước hoàn thiện. Qua nhiều năm nghiên cứu và sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường, có thể thấy Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhìn chung đã từng bước hoàn thiện hơn các quy định, từ tinh giản các thủ tục, thay đổi đồng bộ hơn với một số quy định của luật khác. Đặc biệt, tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, lần đầu tiên các nhà làm luật xem xét đưa “cộng đồng” thành “chủ thể” trong vấn đề bảo vệ môi trường. Việc ghi nhận cộng đồng trở thành một chủ thể cho thấy sự nhận thức đúng đắn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quá trình chung tay bảo vệ môi trường, từ đó, xây dựng, rèn luyện ý thức xanh cho cộng đồng10.
- Các hiệp định tự do thế hệ mới đặt ra yêu cầu phải thay đổi sản xuất và quan tâm nhiều hơn đến môi trường. Với sự phát triển và hội nhập không ngừng vào thị trường quốc tế, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, thông qua quá trình gỡ bỏ hàng rào thuế quan giữa các quốc gia và chính sách hỗ trợ của các bên. Tuy nhiên, khi tham gia vào các hiệp định, đòi hỏi Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiêu biểu trong năm 2020, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Liên minh châu Âu là một thị trường của các quốc gia phát triển, do đó người dân có mức sống cao, dẫn đến thị trường này yêu cầu các chỉ tiêu nghiêm ngặt về chất lượng và thành phần sản phẩm, cũng như đưa ra các điều kiện buộc Việt Nam phải cam kết về các chỉ tiêu môi trường11.
Thứ hai, bên cạnh những cơ hội mang lại thì vấn đề tăng trưởng xanh trong bối cảnh hậu Covid-19 tại Việt Nam cũng đang gặp phải không ít những thách thức đặt ra, cụ thể:
- Cuộc khủng hoảng do Covid-19 để lại đã làm cho các doanh nghiệp không còn chú trọng vào các vấn đề bảo vệ môi trường. Trải qua nhiều tháng phải hoạt động cầm chừng, hoặc đình chỉ sản xuất kinh doanh bởi những lệnh giãn cách từ Chính phủ, một số doanh nghiệp còn hoạt động đến nay đã tìm cách tối đa hóa lợi nhuận sau thời gian dài đứng trước tình trạng thua lỗ, điều đó có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp dành ít sự quan tâm trong việc đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường mà thay vào đó tập trung tối đa vào quá trình sản xuất kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận.
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường ít chú trọng vào vấn đề môi trường. Các doanh nghiệp FDI thường tận dụng cơ hội Việt Nam là một thị trường đang phát triển, nguồn nhân công rẻ, với mục tiêu nhằm tối đa hóa lợi nhuận nên thường sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu và gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường. Tuy vấn đề hiện đã được cơ quan Nhà nước nhận thấy và quan tâm nhưng vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp trên thực tế tìm cách lách luật, xả thải ra môi trường… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
- Ý thức, thói quen tiêu dùng của đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn mang tính truyền thống, chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đa số thường lựa chọn các sản phẩm có giá thành rẻ hơn là quan tâm đến chất lượng. Các sản phẩm công nghiệp thường sẽ phù hợp hơn đối với đa số người tiêu dùng Việt Nam, nhưng đây cũng là sản phẩm ảnh hưởng lớn đến môi trường vì tốc độ phân hủy rất lâu, cũng như quy trình xử lý không đơn giản và thường mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, các sản phẩm thân thiện với môi trường thường có giá thành đắt hơn, sản xuất phức tạp hơn, không tiện dụng như các sản phẩm công nghiệp khác. Điều này đã tạo nên thách thức đối với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm chất lượng, theo mô hình sản xuất bền vững, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
- Việc theo đuổi mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” sẽ tạo ra áp lực lớn trong việc phải chuyển đổi xanh cho các ngành. Theo đó, để theo đuổi mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là đưa ra mức phát ròng bằng “0” vào năm 2050 thì buộc phải chuyển đổi xanh và phát triển năng lượng xanh đồng bộ trong tất cả toàn chuỗi cung ứng, cũng như ở nhiều ngành khác nhau, ngoài ra cũng phải bỏ ra khoản đầu tư khổng lồ để chuyển đổi. Bởi những nơi phù hợp cho các dự án năng lượng sạch thì có thể mâu thuẫn với các nhu cầu phát triển của các ngành khác như nông nghiệp, thủy sản, các vấn đề bảo vệ rừng và giao thông vận tải. Chẳng hạn như, đối với ngành sản xuất điện và khí đốt, khi đặt ra vấn đề phát triển xanh sẽ đặt ra rất nhiều rủi ro về tài chính cho các nhà đầu tư, lẫn ngành tài chính trong việc định hướng lại nguồn đầu tư chuyển sang các dự án ít ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, có lượng phát thải carbon thấp. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi trên cũng có thể gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội cho người dân, tạo ra sự bất tiện trong đời sống của người dân, cũng như tạo thêm gánh nặng về mặt tài chính cho người tiêu dùng12.
3. Một số giải pháp về thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh hậu Covid-19
Với đặc thù là quốc gia đang phát triển, nguồn vốn đầu tư cho quản lý môi trường còn hạn chế, điều kiện về cơ sở hạ tầng còn yếu. Do vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, Việt Nam cần tập trung vào những nội dung cụ thể của kinh tế xanh dựa trên cách tiếp cận theo ngành, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nhằm tận dụng các cơ hội đang có và khắc phục một số hạn chế, thách thức đã nêu trên, từ đó, hướng đến thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh bền vững, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào công nghệ để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn nữa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, chuyển giao và áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên. Hơn nữa, cần đẩy nhanh hoạt động số hóa hệ thống dữ liệu thông tin quản lý về đất đai, địa lý, quan trắc, viễn thám, dữ liệu nhằm thuận tiện trong giám sát, quản lý. Bên cạnh đó, vạch ra kế hoạch tập trung đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ, phát triển ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học như năng lượng gió, mặt trời, sinh khối… Hỗ trợ về kỹ thuật cho các doanh nghiệp có nhu cầu với mục tiêu loại bỏ chất thải, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Trong dài hạn, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 đã, đang và sẽ là động lực phát triển lâu dài cho nền kinh tế. Kết hợp phát triển hài hòa giữa tăng trưởng xanh và kinh tế số trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo ra xu thế phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho đời sống của người dân.
Hai là, pháp luật cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý các doanh nghiệp FDI trong vấn đề bảo vệ môi trường. Hiện nay, với thực trạng các doanh nghiệp FDI thường ít quan tâm đến môi trường dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường của nước ta đang ở mức đáng báo động. Nhận thức được vấn đề trên, các cơ quan chức năng đã có sự quan tâm và vào cuộc, tuy nhiên, do hệ thống pháp luật của nước ta trong lĩnh vực môi trường còn nhiều bất cập, chưa hoàn thiện, lợi dụng lỗ hổng đó một số doanh nghiệp FDI đã tìm cách lách luật và xả thải ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cũng như cuộc sống của người dân xung quanh khu vực đó. Do đó, Nhà nước cũng như các nhà làm luật cần xem xét, bổ sung, chỉnh sửa nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đặc biệt là cần phải có một hệ thống chế tài quản lý và xử lý triệt để các hành vi gây hại đến môi trường của các doanh nghiệp FDI, có như vậy thì mới đảm bảo được nền kinh tế phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh bền vững.
Ba là, nâng cao nhận thức, chuyển đổi mạnh mẽ trong hành động về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và doanh nghiệp13. Nhà nước cần có các chính sách giúp cho người dân hiểu rõ về lợi ích của việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xanh. Theo đó, hiện nay ý thức của đại đa số người dân về vấn đề bảo vệ môi trường vẫn chưa cao, chưa có sự quan tâm đúng mực đến môi trường. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường trong việc phát triển kinh tế cũng như trong đời sống xã hội đến người dân. Đưa ra các chính sách vận động cộng đồng chung tay thực hiện giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động trồng cây xanh, xanh hóa môi trường sống cùng các hoạt động phát triển rừng nhằm chống mất rừng và suy thoái rừng. Làm cho người dân nhận thức được những mặt tiêu cực trong việc sử dụng hàng hóa công nghiệp, có hại đến môi trường. Đồng thời, cùng với xu hướng chung của thế giới, tìm cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, tiến đến ngày càng ít phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Nhà nước cần có sự hỗ trợ kịp thời, khuyến khích và tạo điều kiện doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm chất lượng, theo mô hình sản xuất bền vững, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường phát triển.
Bốn là, tiếp tục theo đuổi mục tiêu do Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là đưa ra mức phát ròng thải bằng “0” vào năm 2050. Bởi việc theo đuổi mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển tăng trưởng kinh tế. Muốn chuyển đổi xanh cho tất cả các ngành, đòi hỏi các doanh nghiệp phải phát triển theo hướng tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghiệp tiên tiến và sạch vào trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải tăng cường đổi mới sáng tạo trong các sản phẩm, quy trình, cơ cấu tổ chức của mình, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nhằm đủ sức cạnh tranh, mở ra một thị trường mới, thân thiện với môi trường, người tiêu dùng cũng có thể tiếp cận các mặt hàng tốt hơn, sạch hơn. Bên cạnh đó, với mục tiêu trên, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã và đang được xây dựng để điều chỉnh phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng của Việt Nam về “0”. Phải nắm bắt được các cơ hội từ sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư phát triển của thế giới, nhất là từ các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đa quốc gia, cũng như rà soát và có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ vào năm 2050.
4. Kết luận
Có thể thấy rằng, dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 cũng như nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân, Nhà nước ta đã đưa ra rất nhiều chính sách, kế hoạch định hướng khôi phục kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường trong bối cảnh hậu Covid-19, với quan điểm tăng trưởng xanh là một nội dung hàng đầu để phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích đánh giá, làm rõ những cơ hội, thách thức về tăng trưởng xanh trong bối cảnh hậu Covid-19 tại Việt Nam và từ đó đưa ra một số giải pháp, khuyến nghị nhằm thúc đẩy khôi phục và phát triển nền kinh tế bền vững song song với bảo vệ môi trường là một yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
1 Vũ Anh Tuấn (2022), “Các nước bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19, nhiều chuyên gia lo ngại”, https://vov.vn/the-gioi/cac-nuoc-bat-dau-do-bo-cac-bien-phap-han-che-Covid-19-nhieu-chuyen-gia-lo-ngai-post923895.vov, truy cập ngày 07/4/2022.
2 IMF Cuts (2022), “World Economic-Growth Forecast to 4.4% on Weaker U.S., China Outlooks”, https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-01-25/imf-cuts-world-growth-forecast-on-weaker-u-s-and-china-outlooks#:~:text=The%20IMF%20predicts%20that%20global%20growth%20will%20moderate%20in%202022%20and%202023.&text=The%20global%20economy%20will%20expand,World%20Economic%20Outlook%20on%20Tuesday, truy cập ngày 07/4/2022.
3 Lê Hồng Hiệp (2022), “Mỹ và EU cấm vận dầu khí Nga: Lá bài nhiều rủi ro”, https://tuoitre.vn/my-va-eu-cam-van-dau-khi-nga-la-bai-nhieu-rui-ro-
20220310004117595.htm , truy cập ngày 07/4/2022.
4 VnExpress (2022), “Số liệu Covid-19 tại Việt Nam”, https://vnexpress.net/Covid-19/Covid-19-viet-nam, truy cập ngày 07/4/2022.
5 Thảo Nguyên (2021), “Tăng trưởng xanh - Chìa khóa của phát triển bền vững”, https://tuyengiao.vn/khoa-giao/moi-truong/tang-truong-xanh-chia-khoa-
cua-phat-trien-ben-vung-136308#:~:text=%E1%BB%A6y%20ban%20Li%C3%AAn%20h%E1%BB%A3p%20qu%E1%BB%91c,v%C3%A0%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i%20to%C3%A0n%20di%E1%BB%87n, truy cập ngày 07/4/2022.
6 An Châu (2021), “Định nghĩa về tăng trưởng xanh của một số quốc gia, tổ chức quốc tế”, https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/dinh-nghia-ve-tang-truong-xanh-cua-mot-so-quoc-gia-to-chuc-quoc-te.html, truy cập ngày 07/4/2022.
7 Báo Quân đội nhân dân (2022), “Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu”, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-lan-thu-26-cac-ben-tham-gia-cong-uoc-khung-cua-lien-hop-quoc-ve-bien-doi-khi-hau-683357, truy cập ngày 07/4/2022.
8 Cục Đầu tư Việt Nam (2019), “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và thu hút FDI tại Việt Nam”, https://ipcs.mpi.gov.vn/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-va-fdi-vietnam, truy cập ngày 07/04/2022.
9 Việt Anh (2021), “Dự báo làn sóng đầu tư mới vào điện gió”, https://baodauthau.vn/du-bao-lan-song-dau-tu-moi-vao-dien-gio-post117130.htm, truy cập ngày 07/4/2022.
10 Phương Chi (2021), “Vai trò của cộng đồng trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, https://tainguyenvamoitruong.vn/vai-tro-cua-cong-dong-trong-quan-ly-tai-nguyen-va-bao-ve-moi-truong-cid1928.html, truy cập ngày 07/4/2022.
11 Tô Lê Nguyên Khoa (2020), “Phân tích những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập hiệp định EVFTA”, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-tich-nhung-co-hoi-va-thach-thuc-khi-viet-nam-gia-nhap-hiep-dinh-evfta-77662.htm, truy cập ngày 07/4/2022.
12 Tô Hà (2022), “Nhận diện thách thức trong chiến lược tăng trưởng xanh”, https://nhandan.vn/moi-truong/nhan-dien-thach-thuc-trong-chien-luoc-tang-truong-xanh-688467/, truy cập ngày 07/4/2022.
13 Thảo Nguyên (2021), “Tăng trưởng xanh - Chìa khóa của phát triển bền vững”, https://tuyengiao.vn/khoa-giao/moi-truong/tang-truong-xanh-chia-khoa-cua-phat-trien-ben-vung-136308, truy cập ngày 07/4/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. An Châu (2021), “Định nghĩa về tăng trưởng xanh của một số quốc gia, tổ chức quốc tế”, truy cập ngày 07/4/2022, <https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/dinh-nghia-ve-tang-truong-xanh-cua-mot-so-quoc-gia-to-chuc-quoc-te.html>.
2. Báo Quân đội nhân dân (2022), “Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu”, truy cập ngày 07/4/2022, <https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-lan-thu-26-cac-ben-tham-gia-cong-uoc-khung-cua-lien-hop-quoc-ve-bien-doi-khi-hau-683357>
3. Cục Đầu tư nước ngoài (2019), “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và thu hút FDI tại Việt Nam”, truy cập ngày 07/4/2022, <https://ipcs.mpi.gov.vn/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-va-fdi-vietnam/>
4. Lê Hồng Hiệp (2022), “Mỹ và EU cấm vận dầu khí Nga: Lá bài nhiều rủi ro”, truy cập ngày 07/4/2022, <https://tuoitre.vn/my-va-eu-cam-van-dau-khi-nga-la-bai-nhieu-rui-ro-20220310004117595.htm>
5. Phương Chi (2021), “Vai trò của cộng đồng trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, truy cập ngày 07/4/2022, <https://tainguyenvamoitruong.vn/vai-tro-cua-cong-dong-trong-quan-ly-tai-nguyen-va-bao-ve-moi-truong-cid1928.html>
6. Tô Hà (2022), “Nhận diện thách thức trong chiến lược tăng trưởng xanh”, truy cập ngày 07/4/2022, <https://nhandan.vn/moi-truong/nhan-dien-thach-thuc-trong-chien-luoc-tang-truong-xanh-688467/>
7. Tô Lê Nguyên Khoa (2020), “Phân tích những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập hiệp định EVFTA”, truy cập ngày 07/4/2022, <https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-tich-nhung-co-hoi-va-thach-thuc-khi-viet-nam-gia-nhap-hiep-dinh-evfta-77662.htm>
8. Thảo Nguyên (2021), “Tăng trưởng xanh - Chìa khóa của phát triển bền vững”, truy cập ngày 07/4/2022, <https://tuyengiao.vn/khoa-giao/moi-truong/tang-truong-xanh-chia-khoa-cua-phat-trien-ben-vung-136308>.
9. VnExpress (2022), “Số liệu Covid -19 tại Việt Nam”, truy cập ngày 07/4/2022, <https://vnexpress.net/Covid-19/Covid-19-viet-nam.
10. Việt Anh (2021), “Dự báo làn sóng đầu tư mới vào điện gió”, truy cập ngày 07/4/2022, <https://baodauthau.vn/du-bao-lan-song-dau-tu-moi-vao-dien-gio-post117130.html>
11. Vũ Anh Tuấn (2022), “Các nước bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19, nhiều chuyên gia lo ngại”, truy cập ngày 07/4/2022, <https://vov.vn/the-gioi/cac-nuoc-bat-dau-do-bo-cac-bien-phap-han-che-Covid-19-nhieu-chuyen-gia-lo-ngai-post923895.vov>
ThS. Trần Linh Huân, Lê Phạm Anh Thơ, Trần Minh Thiện