Thành công này của Việt Nam là kết hợp của một chính sách tổng hòa, từ ngăn chặn dịch bệnh đến bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các giải pháp kích thích kinh tế, mở rộng thị trường và các chính sách an sinh xã hội. Nổi bật là sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước thông qua chính sách tiền tệ để một mặt bảo đảm nguồn cung tín dụng cho thị trường, hỗ trợ các lĩnh vực bị tác động mạnh do dịch bệnh, đồng thời kiềm chế lạm phát. Chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020 có vai trò quan trọng trong bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, điều kiện tiên quyết bảo đảm tăng trưởng dương của Việt Nam trong năm 2020.
Chính sách tiền tệ trong ứng phó với đại dịch
Đại dịch Covid-19 xảy ra đột ngột, không có bất cứ tín hiệu báo trước nào, đã làm đứt đoạn gần như lập tức chuỗi cung ứng, và từ đó tác động mạnh đến cầu của nền kinh tế. Gần như tất cả các nền kinh tế phải đối mặt đồng thời với một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng xảy ra trong lịch sử về quy mô. Cuộc khủng hoảng y tế nhanh chóng lan sang lĩnh vực kinh tế khi các chính phủ gần như đồng loạt áp dụng các biện pháp ứng phó về y tế, điển hình là phong tỏa và hạn chế đi lại. Số lượng doanh nghiệp rút khỏi kinh doanh tăng mạnh. Trong bối cảnh này, mục tiêu chính của chính sách tiền tệ là bảo đảm nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế và doanh nghiệp khi mà dòng tiền cho sản xuất và tiêu dùng bị gián đoạn. Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng nhanh chóng với 3 lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành quy mô lớn từ 1,5 - 2,0%/năm, là một trong số các nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực ASEAN, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, với việc giảm lãi suất, thông qua các công cụ thị trường mở và ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng đã một mặt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, mặt khác vẫn bảo đảm kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện quan trọng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 21/12/2020, dư nợ tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019 là con số ấn tượng, hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi kinh tế trong đại dịch. Do đặc thù của nền kinh tế có độ mở lớn, tỷ giá có tác động lớn đến lạm phát của Việt Nam, sự mất giá của đồng nội tệ sẽ có tác động trực tiếp làm tăng lạm phát, do vậy, giữ ổn định tỷ giá sẽ góp phần kiểm soát lạm phát. Thành công của Ngân hàng Nhà nước trong việc duy trì tỷ giá ổn định là một yếu tố quan trọng hỗ trợ kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới. Cho dù đã có các vắc-xin phòng ngừa Covid-19, nhưng việc triển khai sẽ mất nhiều tháng, thậm chí có thể là một năm. Ngoài ra, biến thể của virus Sars-CoV-2 cũng đang là vấn đề nan giải. Do vậy, diễn biến của dịch bệnh sẽ tiếp tục khó lường trên thế giới và những tác động đến kinh tế sẽ tiếp tục phức tạp. Mặc dù vậy, các nền kinh tế đang dần dần mở cửa, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra, nhưng được dự đoán là sẽ không đồng đều giữa các nước và giữa các lĩnh vực. Với Việt Nam, chính sách tiền tệ trong năm 2021 cần cân nhắc một số điểm sau:
Thứ nhất, chính sách tiền tệ nới lỏng trong các gói kích thích kinh tế có thể kéo theo hệ lụy là gia tăng nợ xấu. Đây sẽ là một thách thức lớn với Việt Nam trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng. Do vậy, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020 như tăng trưởng tín dụng theo nhu cầu, không khiên cưỡng, đi đôi với an toàn, bảo đảm cung ứng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cần được tiếp tục duy trì.
Thứ hai, trong giai đoạn phục hồi, ngoài vấn đề nhu cầu tín dụng, bảo đảm chất lượng tín dụng cũng sẽ là một thách thức lớn. Sức khỏe của các doanh nghiệp sẽ vẫn bị ảnh hưởng trong năm 2021, từ đó có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Ngoài ra, những yếu tố bất định như thiên tai trong giai đoạn 2021 - 2025 cũng sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng.
Thứ ba, chính sách tiền tệ nới lỏng, thậm chí siêu nới lỏng ở nhiều nước, có thể tiềm tàng các rủi ro với thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán. Ở Việt Nam, cho dù các bong bóng chứng khoán hay bất động sản chưa xuất hiện, nhưng cần chú ý một số dấu hiệu tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.
Thứ tư, trong giai đoạn trước mắt, việc duy trì một chính sách tiền tệ linh hoạt là cần thiết. Tuy nhiên, trong trung hạn, thách thức lớn với các nền kinh tế trên thế giới, cũng như Việt Nam sẽ là xác định thời điểm nào để thoát ra chính sách tiền tệ linh hoạt; theo đó, không siết chặt nguồn tín dụng quá sớm mà có thể ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi, nhưng cũng không làm quá muộn để có thể dẫn đến các rủi ro về gia tăng lạm phát hay bong bóng của các thị trường tài sản.
Thứ năm, trong giai đoạn 2021 - 2025, sự chu chuyển các dòng vốn đến Việt Nam và trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi. Nếu kinh tế thế giới phục hồi trong giai đoạn này, các ngân hàng trung ương có thể điều chính lãi suất và sẽ có tác động đến các dòng vốn. Sự điều chỉnh các chuỗi giá trị toàn cầu đã và đang tiếp tục tác động trực tiếp các luồng vốn đến Việt Nam. Quá trình tái cơ cấu trong nước sẽ tác động trực tiếp đến dòng tín dụng vào các lĩnh vực khác nhau. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu cũng tác động đến cung, cầu và có ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy tín dụng. Vì vậy, sự phối hợp linh hoạt giữa chính sách tiền tệ, tỷ giá, chính sách tài khóa để điều chỉnh, ổn định luồng vốn cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng.
Nguyễn Minh Cường
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam
Tạp chí Ngân hàng số 3+4/2021