1. Đặt vấn đề
Ngày 8/8/2018, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó, quan điểm chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam là huyết mạch và trọng yếu của hệ thống tài chính; Các tổ chức tín dụng (TCTD) hay ngân hàng thương mại (NHTM) được đối xử bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong thời gian qua, mặc dù nguồn nhân lực của hệ thống TCTD đã được cải thiện đáng kể, tuy vậy, Chính phủ vẫn đặt ra yêu cầu chú trọng phát triển nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược. Bài viết này nhằm thảo luận nêu một số hạn chế, bất cập về nguồn nhân lực NHTM, qua đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực NHTM để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025 và định hướng 2030.
Theo các đánh giá, hiện tại hệ thống tài chính Việt Nam chủ yếu là các ngân hàng thương mại
2. Hệ thống NHTM và yêu cầu về nguồn nhân lực
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trải qua nhiều chặng đường lịch sử phát triển. Các giai đoạn phát triển đều đặt ra đòi hỏi về những yêu cầu nguồn nhân lực tương ứng. Thời gian qua và hiện nay, hệ thống các NHTM có những đặc điểm phát triển như: là thành phần chủ đạo trong hệ thống tài chính; tăng trưởng rất nhanh về quy mô; sản phẩm ở giai đoạn sơ khai hàm lượng công nghệ chưa cao; năng lực cạnh tranh và chất lượng tài sản chưa cao;... các yếu tố này đang đặt ra các yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cả hệ thống NHTM theo chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025 và định hướng đến 2030 mà Chính phủ đã đề ra.
2.1. NHTM chủ đạo trong hệ thống tài chính
Theo các đánh giá, hiện tại hệ thống tài chính Việt Nam chủ yếu là các NHTM. Cơ cấu tài sản có tổng các NHTM chiến hơn 95% tổng tài sản Có của cả hệ thống tài chính; điều này cũng gợi ý rằng nhân lực của khu vực NHTM có vai trò quan trọng trong việc phân bổ các nguồn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng khác trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. (Đồ thị 1)
2.2. Mối quan hệ giữa tăng trưởng và quản lý
- Thực tế cho thấy, khu vực các TCTD Việt Nam đã phát triển khá nhanh hay tăng trưởng nóng trong giai đoạn từ năm 2000 và đặc biệt từ 2006 - 2010. Dữ liệu thống kê và nhận định chuyên gia cho rằng khu vực này tăng trưởng nóng cả về vốn chủ sở hữu, dư nợ tín dụng và phát triển nhanh mạng lưới kinh doanh đô thị. Theo nguyên tắc quản lý thận trọng về ngân hàng, mức tăng trưởng này là thách thức về quản lý kiểm soát an toàn, dẫn đến chất lượng vốn bị suy giảm.
Thực tế ở một số ngân hàng cho thấy, tình hình tăng trưởng về lượng đang tỏ ra quá nhanh so với việc thiết lập các cơ chế quản lý, quản trị trong các ngân hàng. Điều này dẫn đến hoạt động quản trị, điều hành, kiểm toán, kiểm soát nội bộ tại một số ngân hàng còn chưa theo kịp so với mức độ tăng trưởng của vốn, dư nợ tín dụng, hay số chi nhánh; Thực tế, trong khi tăng trưởng tín dụng hay tài sản lớn, số chi nhánh nhiều nhưng TCTD mới chỉ đang ở giai đoạn đầu áp dụng các phương thức quản trị hiện đại, cơ cấu quản trị còn hạn chế. Ngân hàng mặc dù đã có bộ phận quản trị rủi ro, nhưng chủ yếu tập trung vào rủi ro tín dụng và chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý với những rủi ro mới và đang ngày càng gia tăng. Hệ thống báo cáo và công bố thông tin vẫn còn thấp hơn so với các chuẩn mực quốc tế dẫn đến khó khăn trong việc phân tích và xử lý rủi ro. (Đồ thị 2)
Văn hóa quản trị vẫn thiên nhiều về việc tuân thủ các quy định hơn là tự đánh giá và giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Hoạt động quản trị, điều hành, kiểm toán, kiểm soát nội bộ tại một số ngân hàng còn có bất cập, ảnh hưởng đến khả năng nhận diện những yếu kém trong hoạt động ngân hàng.
2.3. Về sản phẩm dịch vụ ngân hàng của NHTM
Có thể nhận thấy, sản phẩm dịch vụ của hệ thống NHTM trong nước mặc dù đã được cải thiện nhiều, tuy vậy, sản phẩm còn chưa đa dạng; hàm lượng công nghệ, sáng tạo chưa cao. Cụ thể:
- Thực tế và thống kê cho thấy, tín dụng còn dựa vào thế chấp tài sản, hay tài sản đảm bảo hơn là tín chấp hay dựa vào hệ thống đánh giá dựa trên việc thu thập dữ liệu có hệ thống.
Tín dụng tiêu dùng còn dựa vào thế thấp tài sản hơn là dựa và hệ thống quản lý đánh giá, xếp hạng tín nhiệm khách hàng. Việc thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng và xây dựng các mô hình đánh giá, kiểm định một cách hệ thống khách quan (như xác suất vỡ nợ, mức độ rủi ro hay điểm tín nhiệm của khác hàng...) còn chưa cao.
Trong điều kiện cạnh tranh, hay hội nhập quốc tế sâu rộng hơn thì vấn đề đa dạng hóa sản phẩm và sản phẩm mới, nhất là sản phẩm phi tín dụng đang là đòi hỏi về trình độ quản lý, vận hành đối với các NHTM và điều đó là đòi hỏi với nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực phù hợp;
- Các dịch vụ ngân hàng hiện đại chưa được phát triển mạnh; chưa đáp ứng được kỳ vọng của dân chúng:
Quan sát cho thấy, mức độ cung ứng các dịch vụ ngân hàng hiện đại còn chưa nhiều; Các dịch vụ này còn ở mức hạn chế và như vậy, nguồn nhân lực của các NHTM cần được cải thiện.
Hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng cơ bản cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn có khó khăn trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng; Tình trạng này có thể là do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể thấy một phần do sự hạn chế về năng lực tìm tòi, thiết kế sản phẩm đa dạng, phù hợp, nhất là sản phẩm mới cho xã hội (Xem mô hình trình độ tổ chức đối với ngân hàng).
2.4. Về quản trị doanh nghiệp (corporate governance) của NHTM
- Hiện nay, tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối vẫn đang là vấn đề cần xử lý trong hệ thống ngân hàng; đến nay, tình hình đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, cần phải tiếp tục được quản lý chặt chẽ theo các quy tắc quản trị doanh nghiệp lành mạnh được quy định bởi pháp luật để tránh tình trạng lạm dụng, chi phối, gia tăng rủi ro hệ thống.
- Với các NHTM Nhà nước nắm đa số quyền sở hữu, vấn đề quy định về đại diện quản lý phần vốn góp nhà nước tại doanh nghiệp cũng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện.
2.5. Về năng lực cạnh tranh
Có thể thấy rằng, năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng phần nào phản ánh năng lực quản lý quản trị điều hành của ngân hàng:
- Các chỉ số xếp hạng về phát triển thị trường tài chính - ngân hàng của Việt Nam chưa cao; Trong đó chỉ số về TCTD (như chỉ số lành mạnh) ở mức thấp so với các chỉ số bộ phận khác.
- Các NHTM còn có quy mô nhỏ, mức độ lành mạnh tài chính và hiệu quả hoạt động thấp hơn so với ngân hàng của một số nước trong cùng khu vực. Trong tổng số 500 ngân hàng lớn nhất (xét trên tổng tài sản) của khu vực Châu Á Thái Bình Dương do tạp chí The Asian Banker bình chọn năm 2014, Việt Nam chỉ có 10 ngân hàng.
- Xuất khẩu dịch vụ ngân hàng còn hạn chế. Một số NHTM đã thiết lập được chi nhánh, ngân hàng tại nước ngoài, song quy mô hoạt động còn nhỏ, chủ yếu vẫn là phục vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam tại một số thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar.
2.6. Về chất lượng tài sản
Ngân hàng cho vay trên cơ sở phân tích đánh giá dự án, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp (người vay vốn). Như vậy, chất lượng tín dụng phần lớn phản ánh chất lượng từ các quyết định cho vay. Trong những năm qua, việc xuất hiện một số vụ án liên quan đến cho vay phần nào phản ánh chất lượng cán bộ trong các NHTM cần được quan tâm và cải thiện hơn nữa. (Đồ thị 3)
2.7. Hành vi chi phí và trách nhiệm xã hội
Hành vi hay ứng xử với chi phí của NHTM phản ánh năng lực quản lý doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của ngân hàng. Diễn biến chi phí hoạt động của NHTM thời gian qua phản ánh cách ứng xử của người hay hành vi quản lý ngân hàng trước các diễn biến của môi trường kinh doanh trong nước; Chỉ số này phần nào phản ánh trình độ quản lý hay năng lực của ngân hàng trong việc giảm chi phí để đạt được lợi nhuận tối đa mà không gây các tác động hay phương hại đến lợi ích của các nhóm khác nhất là lợi ích xã hội. (Đồ thị 4)
2.8. Về đạo đức và thái độ nghề nghiệp
Theo OECD, năng lực người lao động cần được bao gồm cả thái độ nghề nghiệp. Đạo đức và thái độ nghề nghiệp phù hợp sẽ đảm bảo để người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội cũng là yêu cầu phát triển của xã hội đi liền với khái niệm tăng trưởng kinh tế toàn diện.
Ngoài một số hạn chế về chuyên môn, nhân lực quản lý của các NHTM có phần còn hạn chế về tầm nhìn tổng thể, dài hạn và trách nhiệm xã hội… Tình trạng chạy theo lợi nhuận, lợi ích trước mắt đã dẫn đến gia tăng rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh.
3. Một số khuyến nghị về tăng cường năng lực cán bộ ngân hàng
Theo tầm nhìn chiến lược đến 2025, định hướng đến 2030, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải thực hiện những nhiệm vụ rất quan trọng gồm tái cơ cấu hệ thống và thực hiện các giải pháp chiến lược phát triển của Chính phủ. Do đó, giải pháp tăng cường năng lực cho cán bộ ngân hàng cần gắn với quá trình tái cơ cấu (theo Đề án 1051/TTg) và yêu cầu của chiến lược phát triển ngành Ngân hàng (theo Quyết định số 986/TTg ngày 8/8/2018). Trên cơ sở thực trạng và định hướng chiến lược của Nhà nước, bài viết đề xuất một vài khuyến nghị nhằm cải thiện nguồn nhân lực của hệ thống ngân hàng như sau:
(i) Cải thiện năng lực quản trị chiến lược cho đội ngũ cán bộ quản lý lãnh đạo NHTM theo trình độ cao hơn. Hiện tại, năng lực quản trị ở trình độ của đội ngũ các NHTM cần được cải thiện để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của chiến lược phát triển ngành Ngân hàng theo định hướng của Chính phủ tại Quyết định 986/QĐ-TTg đặt ra. Với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, Việt Nam sẽ không theo đuổi chủ trương tăng trưởng bằng mọi giá, và thay vào đó là tăng trưởng về chất, "tăng trưởng toàn diện". Sự thịnh vượng của ngân hàng được đi kèm với trách nhiệm xã hội của ngân hàng.
(ii) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản trị rủi ro ngân hàng gắn với tăng cường năng lực tổng hợp đội ngũ cán bộ ở các cấp (kiến thức, kỹ năng, thái độ và đạo đức nghề nghiệp). Tăng cường công tác đào tạo cán bộ NHTM cùng với đánh giá hiệu quả các quy định, chuẩn mực, thông lệ về quản trị ngân hàng hiện hành. Xây dựng và ban hành các chuẩn mực về quản trị rủi ro dựa trên các chuẩn mực quốc tế.
(iii) Thực hiện giải pháp đào tạo đội ngũ quản lý điều hành ngân hàng gắn với các quy chuẩn theo định hướng chiến lược của Chính phủ và thông lệ trên thế giới. Nâng cao năng lực đội ngũ quản lý điều hành gắn với đổi mới và nâng cấp quy trình quản trị; nâng cấp chức năng kiểm soát: quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ, tuân thủ. Định hướng đào tạo gắn với hoàn thành việc thực hiện thí điểm 10 NHTM áp dụng Basel II, tổng kết rút kinh nghiệm để mở rộng trên toàn khu vực ngân hàng bắt đầu từ sau năm 2020. Từ năm 2025, triển khai thí điểm áp dụng Basel III tại các NHTMCP có vốn Nhà nước chi phối và một số NHTMCP có chất lượng quản trị tốt, phấn đấu sau năm 2030 triển khai áp dụng cho toàn bộ các NHTM;
(iv) Đào tạo đội ngũ chuyên gia đánh giá phòng ngừa, dự báo rủi ro gắn với cải thiện phương pháp tính toán tỷ lệ an toàn vốn, bảo đảm đủ vốn để bù đắp 3 loại rủi ro trọng yếu là tín dụng, thị trường và hoạt động theo lộ trình áp dụng Basel II; Trên cơ sở này có thể chuyển đổi sang nguyên tắc quản lý theo định hướng phòng ngừa rủi ro, gồm: quy định về tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp chuẩn, theo phương pháp cơ bản nội bộ; quy định về quy trình đánh giá mức độ đủ vốn nội bộ, kiểm tra sức chịu đựng Stress testing; các quy định về minh bạch thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định của Ủy ban Basel; Bổ sung các tỷ lệ an toàn mới và cập nhật theo thông lệ quốc tế tốt nhất, tập trung vào các hệ thống quản trị rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động, lựa chọn áp dụng phù hợp;
(v) Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia để hấp thụ tốt các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (4.0); Có chương trình đào tạo đội ngũ quản lý hay chuyên gia để đáp ứng trào lưu Fintech hiện nay. Nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi phù hợp với quy mô, mức độ phức tạp hoạt động và yêu cầu quản trị, điều hành của TCTD; Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro... đang đặt ra yêu cầu về đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngân hàng.
(vi) Cải thiện năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của ngân hàng. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng cần có định hướng triển khai các chính sách và quy trình nội bộ lành mạnh; Áp dụng và định kỳ rà soát, đánh giá, bổ sung, chỉnh sửa các phương thức quản trị, điều hành tiên tiến dựa trên các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với quy định của pháp luật; Hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; Thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; Nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và quản lý, giám sát rủi ro tín dụng của TCTD... Do vậy, yêu cầu về đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ về lĩnh vực này là rất cần thiết;
Những khuyến nghị trên đây nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngân hàng để thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược ngành đến 2025 và định hướng đến 2030.
1 Trong khi Indonesia có 4 ngân hàng, Malaysia có 7 ngân hàng, Philipines có 3 ngân hàng, Singapore có 4 ngân hàng và Thái Lan có 6 ngân hàng trong top 200.
Tài liệu tham khảo:
1. IMF, 2018: Thống kê IFS của Quỹ tiền tệ quốc tế
2. Jacob Morgan,2013: The five – step Maturity Mondel for Building a Collaborative Organization
3. KPMG, 2012 và 2016: Báo cáo khu vực ngân hàng Việt NAm (Vietnamese banking survey, KPMG,com,vn)
4. LienVietPostBank, 2018: Trang web của ngân hàng
5. NHNN: Báo cáo thường niên các năm
6. Thủ tướng: Quyết định 986/TTg ngày 8/8/2018 về Chiến lược phát triển Ngành Ngân hàng đến 2025 và định hướng đến 2030
7. UBGSTCQG: Báo cáo giám sát các năm;
8. WEF, 2017 và 2018: Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2016/2017 và 2017/18;