Các chính sách về tài chính các-bon ở Canada và khuyến nghị đối với Việt Nam
21/10/2022 08:00 4.237 lượt xem
Tóm tắt: Những quốc gia phát triển trên thế giới đang nỗ lực để thực thi các chính sách và quy định về môi trường với mục đích chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp. Sự chuyển đổi này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như môi trường, kinh tế - xã hội, khí hậu, nguồn vốn và chính sách pháp luật. Dưới góc độ chính sách, xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp hướng tới mục tiêu kép là giảm thiểu chi phí năng lượng và giảm khí phát thải ra môi trường. Các tổ chức tài chính công nắm giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc thực thi chính sách của nhà nước về môi trường. Bài viết phân tích các chính sách, công cụ tài chính xanh ở Canada, từ đó đưa ra khuyến nghị cho các chính sách tại Việt Nam.
 
Từ khóa: Tài chính các-bon, chính sách pháp luật, công cụ tài chính.
 
CARBON FINANCE POLICIES IN CANADA AND RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM
 
Abstract: Developed countries around the world are working hard to enforce environmental policies and regulations with the aim of transitioning to a low-carbon economy. This transformation is influenced by many factors such as environment, socio-economic, climate, capital sources and legal policies. From a policy perspective, the transition to a low-carbon economy is aimed at the dual goal of reducing energy costs and reducing emissions to the environment. Public financial institutions play an important role in promoting the implementation of government policy on the environment. This article analyzes green financial policies and instruments in Canada, thereby offering  recommendations for Vietnam.
 
Keywords: Carbon finance, legal policy, financial instruments.
 
1. Đặt vấn đề
 
Việc chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp đòi hỏi một quốc gia phải có nguồn vốn dồi dào, cơ sở hạ tầng bền vững, công nghệ chuyển đổi liên tục và nguồn năng lượng sạch lớn. Cơ sở vốn là một yêu cầu trọng yếu mà cả tổ chức công và tổ chức tư nhân phải cùng nhau hỗ trợ để có thể đạt được mục tiêu chung về môi trường. Chính sách tài khóa thường sẽ hạn chế nguồn vốn tài trợ của chính phủ trong quá trình chuyển dịch kinh tế, đặc biệt là ở khu vực kinh tế công1. Theo số liệu của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (United Nations Framework - Convention on Climate Change, UNFCCC) thì các nguồn vốn từ tư nhân chiếm đến 80% trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp2.



Xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp hướng tới mục tiêu kép 
là giảm thiểu chi phí năng lượng và giảm khí phát thải ra môi trường
 
Do đó, việc thúc đẩy quá trình cung cấp, hỗ trợ vốn từ khu vực công là cần thiết để thúc đẩy mạnh hơn nữa sự chuyển dịch kinh tế hiện tại. Không chỉ vấn đề về vốn, các chính sách công từ nhà nước và các tổ chức tài chính công có khả năng giảm thiểu rào cản đầu tư và tiếp cận thị trường của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các tổ chức tài chính công có thể đóng vai trò như một chủ thể kích thích đầu tư, cấu thành quy mô vốn lớn thông qua các chính sách phù hợp3. Tập trung phân tích thông qua phương pháp so sánh với chính sách tại Canada, bài viết bao gồm bốn phần: (i) Giới thiệu chung về vai trò của ngân hàng trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp; (ii) Những thách thức của các khoản đầu tư các-bon thấp; (iii) Các chính sách, công cụ thúc đẩy tài chính các-bon ở Canada; (iv) Một số khuyến nghị đối với Việt Nam.
 
2. Giới thiệu chung về vai trò của ngân hàng trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp
 
Các cơ chế, chính sách của chính phủ có thể thúc đẩy một loạt các khoản đầu tư vào lĩnh vực các-bon thấp. Định hướng chính sách dạng này thường hướng tới: (i) Việc thay đổi quy định, bản chất của thị trường năng lượng; (ii) Việc tạo ra các thị trường để mua bán các khoản tín dụng về khí phát thải; (iii) Hỗ trợ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu xanh; (iv) Hỗ trợ các khoản cho vay xanh4. Đây là những cơ chế tài chính quan trọng mà mỗi quốc gia cần phải hướng tới khi thúc đẩy tài chính các-bon vì chúng có tiềm năng và triển vọng thực thi cao khi vừa có thể tận dụng nguồn vốn từ tư nhân và nhà nước. Các công cụ tài chính như quỹ đầu tư, bảo lãnh tài sản, khoản vay và trái phiếu xanh là những công cụ tiêu chuẩn cho các khoản đầu tư các-bon thấp. Tuy được sử dụng phổ biến trên thế giới nhưng những công cụ tài chính này lại cần phải được kiểm soát, thay đổi, sử dụng, kiểm tra kỹ bởi các ngân hàng công để xác minh tính phù hợp với mục tiêu môi trường. Tại Canada, các công cụ tài chính xanh đã được sử dụng trong thực tiễn và đem đến nhiều bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trên thế giới bởi cả sự thất bại và thành công ở những điểm khác nhau.
 
Các ngân hàng công đã thể hiện vai trò của mình trong việc phát triển và phổ biến các công cụ tài chính các-bon thấp để định hình phương thức đầu tư của các doanh nghiệp vào những lĩnh vực thân thiện với môi trường và có lợi cho xã hội. Đồng thời, các ngân hàng tư nhân cũng có thể thực hiện các công cụ tài chính để hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp, chẳng hạn như ngân hàng cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
3. Những thách thức của các khoản đầu tư các-bon thấp
 
Không đủ khả năng tài chính là một rào cản lớn đối với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp ở mỗi quốc gia bởi quá trình này đòi hỏi sự phát triển kinh tế dựa trên việc sử dụng các công nghệ và nguồn năng lượng sạch5. Do đó, chi phí về cơ sở hạ tầng dành cho việc chuyển đổi là rất lớn. Khoảng cách về khả năng tài chính, quy mô công nghệ, quy mô dự án năng lượng, cơ cấu doanh nghiệp sản xuất đều là những thách thức đối với quá trình chuyển đổi kinh tế của một quốc gia theo hướng thân thiện với môi trường. Các tổ chức như ngân hàng muốn tạo ra các công cụ tài chính để thu hút các khoản đầu tư cho những dự án các-bon thấp cũng phải nghiên cứu những rào cản và cơ hội của thị trường các-bon thấp và cơ sở hạ tầng hiện tại để có những chính sách tài chính phù hợp.
 
Các nhà đầu tư đều dựa trên hai yếu tố là rủi ro và lợi nhuận để đưa ra quyết định. Lợi nhuận ở đây có thể là lợi ích về tài chính, xã hội hoặc môi trường. Những xu hướng thay đổi của nguồn tài chính đối với lĩnh vực các-bon thấp phản ánh xu hướng đầu tư vì nếu các nhà đầu tư ưa mạo hiểm sẽ chọn các công ty mới khởi nghiệp trong lĩnh vực này và những nhà đầu tư còn lại thì sẽ chọn các công ty đã vận hành được một thời gian6. Ở khía cạnh khác, các công ty có hoạt động phát thải cao sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình, đánh giá rủi ro chi tiết về tính kinh tế, chính trị, pháp luật, an toàn xã hội và thị trường7. Các công ty trong lĩnh vực sản xuất ít khí phát thải, ngược lại, sẽ chịu những loại rủi ro khác, một trong những rủi ro đã được đề cập chính là chi phí tăng thêm về công nghệ sạch, cơ sở hạ tầng bền vững và sự cạnh tranh của thị trường năng lượng mới.
 
3.1. Những thách thức chung đối với đầu tư các-bon thấp
 
Những thách thức dễ thấy thường là những rào cản về thông tin chuyên môn, hành vi người tiêu dùng, công nghệ thân thiện với môi trường, chính sách ưu đãi cho tài chính các-bon, quy định pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu8. Có những rào cản về hành vi của người tiêu dùng và thông tin chuyên môn là vì độ tin cậy của người tiêu dùng đối với những sản phẩm mới hoặc mức độ chịu chi trả mức phí cao hơn cho sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn còn thấp. Khoảng trống thông tin về môi trường cũng như sự lo ngại về lợi ích thực sự của sản phẩm khiến cho người dùng không thực sự tự tin mua, từ đó, dẫn đến việc đầu tư dài hạn bị kìm hãm. Rào cản về công nghệ, kỹ thuật thường là do việc nhân viên lắp ráp, vận hành thiếu kinh nghiệm bảo trì hoặc thiếu kinh nghiệm về tiêu chuẩn quốc gia và chứng nhận quốc tế để đảm bảo chất lượng của những máy móc, thiết bị. Sự thiếu kiến thức chuyên môn này là do các công nghệ thân thiện với môi trường thường mang tính mới so với những dây chuyền kỹ thuật trước đó.
 
Rào cản pháp lý là một trong những rào cản điển hình trong lĩnh vực các-bon thấp vì đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải ban hành những chính sách phù hợp để thu hút nguồn vốn cho lĩnh vực này. Rào cản pháp lý xảy ra khi các chính sách công tạo ưu đãi cho những dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hạt nhân; thậm chí là có sự phân biệt đối xử đáng kể đối với các dự án sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Ở một số quốc gia, rào cản pháp lý còn thể hiện sự cấm đoán khi các thủ tục hành chính tạo ra những khó khăn không cần thiết trong quá trình cấp phép cho những dự án đầu tư trong lĩnh vực các-bon thấp9.
 
Các yếu tố ngoại cảnh như xu hướng đầu tư hoặc bối cảnh xã hội cũng có thể trở thành rào cản vì nếu một nền kinh tế chỉ chú trọng đến lợi nhuận, quan ngại quá mức đối với rủi ro thì họ sẽ chọn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nhiều khí phát thải vì những ngành nghề này, mặc dù gây ô nhiễm môi trường nhưng lại tạo ra được lợi nhuận cao, chi phí thấp và ít rủi ro trong đầu tư hơn. Sự can thiệp của chính phủ trong những trường hợp này là cần thiết vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Hai phương pháp chính mà chính phủ có thể sử dụng để can thiệp là nâng cao ưu đãi và giảm trừ rủi ro cho những dự án thân thiện với môi trường10. Các ngân hàng công có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi trọng tâm đầu tư của các tổ chức thông qua những chính sách riêng của chính ngân hàng nhằm hướng tới mục tiêu chung của chính phủ về môi trường.
 
3.2. Những thách thức cụ thể đối với đầu tư các-bon thấp
 
Những thách thức cụ thể hơn thường liên quan đến các yếu tố bao gồm: Giai đoạn phát triển của công nghệ, quy mô doanh nghiệp, nguồn vốn. Ý nghĩa về mục tiêu và quy mô của dự án nắm vai trò quan trọng bởi cách tiếp cận khác nhau sẽ đem đến kết quả khác nhau11. Chẳng hạn như, dự án hướng tới việc sử dụng hiệu quả năng lượng của các hộ gia đình và dự án hướng tới việc sử dụng năng lượng gió ở nhà máy điện quốc gia sẽ đem lại những hiệu quả khác biệt rõ rệt.
 
3.2.1. Thách thức về các giai đoạn phát triển công nghệ
 
Công nghệ thường phát triển qua bốn giai đoạn gồm: (1) Nghiên cứu và phát triển ban đầu; (2) Thực hiện và mở rộng quy mô; (3) Thương mại hóa; (4) Phổ biến và cải tiến12. Hiểu rõ những giai đoạn này đều quan trọng vì sẽ giúp chính phủ, nhà đầu tư xác định được các rào cản và lỗ hổng đầu tư đối với sự phát triển của các doanh nghiệp các-bon thấp ở từng giai đoạn cụ thể. Các yếu tố về quy mô, nguồn vốn và chính sách tài chính cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những giai đoạn phát triển khác nhau của công nghệ.
 
Trong lĩnh vực các-bon thấp, quá trình giữa giai đoạn (2) và (3) thường gây ra sự chênh lệch tài chính lớn nhất13. Khoảng cách này thường sẽ đem đến hai trường hợp vì nếu doanh nghiệp có đủ nguồn vốn thì sẽ tiến hành giai đoạn thương mại hóa sớm, còn khi bị thâm dụng các khoản đầu tư thì nguy cơ dự án thất bại trước khi bước sang giai đoạn (3) là vô cùng lớn. Đồng thời, khoảng cách về tài chính ở những giai đoạn khác cũng có thể trở thành rào cản chung vì chi phí vốn ban đầu thường cao trong khi quy mô tổng thể của dự án lại nhỏ, sự quen thuộc và tin cậy của nhà đầu tư và người cho vay cũng ở mức thấp.
 
3.2.2. Thách thức về quy mô doanh nghiệp
 
Đa phần các doanh nghiệp trong lĩnh vực các-bon thấp thường là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ thường khởi nghiệp với những hạn chế về vốn, do đó, quy mô hoạt động không được mở rộng từ giai đoạn ban đầu hoặc thậm chí là ở giai đoạn phát triển sau đó. Một số công ty phát triển những dự án chuyên biệt về môi trường và năng lượng sạch cũng phải xen kẽ việc thực hiện những dự án thuộc loại khác để đảm bảo lợi nhuận.
 
3.2.3. Thách thức về nguồn vốn
 
Nguồn vốn của mỗi dự án cần phải được phân bổ rõ ràng. Có phần vốn dùng để tài trợ cho những hoạt động phát triển công nghệ sạch, có phần vốn lại dùng để mua sắm, lắp đặt các công nghệ mà doanh nghiệp không thể tự phát triển14. Sự phân tách nguồn vốn mang ý nghĩa quan trọng vì các tổ chức khi muốn thu hút đầu tư phải phân biệt rõ việc dùng vốn sẽ tập trung vào những dòng sử dụng nào.
 
4. Các chính sách, công cụ thúc đẩy tài chính các-bon ở Canada
 
4.1. Chính sách của các tổ chức tài chính công ở Canada
 
Tại Canada, một số tổ chức thực hiện việc cung ứng dịch vụ tài chính thương mại như ngân hàng, công đoàn tín dụng, công ty cổ phần, quỹ tương hỗ, công ty bảo hiểm, công ty môi giới và đại lý chứng khoán. Ngành Ngân hàng nói chung dẫn đầu với 22 ngân hàng trong nước, 26 công ty con của ngân hàng nước ngoài với 23 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ở 7 chi nhánh cho vay nước ngoài. Tổng cộng, các tổ chức ngân hàng này quản lý hơn 3000 tỷ USD tài sản trên toàn cầu15. Với nguồn vốn dự trữ và vốn đầu tư lớn, các ngân hàng tại Canada đã thực hiện một số chính sách nhằm theo đuổi các khoản đầu tư bền vững, ít khí thải các-bon và tạo ra các công cụ tài chính có mục đích đặc biệt. Tuy nhiên, những hoạt động này chủ yếu mang tính biểu tượng và tương đối nhỏ ở giai đoạn ban đầu. Ngân hàng Hoàng gia Canada - Royal Bank of Canada (RBC) đã khởi động “Impact Fund” trị giá 10 triệu USD nhằm tài trợ cho các tổ chức và công ty giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường16. Đây là quỹ đầu tư (dành cho các hoạt động ít tác động đến môi trường) đầu tiên đến từ một trong năm ngân hàng lớn tại Canada. Ngoài việc mang tính biểu tượng, một số hoạt động mang tính chất "xanh" khác như TD Bank đã giới thiệu “TB Global Sustainability” - một quỹ chỉ đầu tư vào các công ty “được coi là đóng góp vào sự bền vững trong tương lai của thế giới”17. Tuy nhiên, các rào cản đối với hoạt động đầu tư các-bon thấp luôn hiện diện ở Canada và không có khuôn khổ chính sách hiệu quả nào tồn tại để khuyến khích sự thay đổi trong lĩnh vực tài chính. Hơn nữa, mức độ rủi ro và tỷ suất sinh lợi thấp hơn trên các khoản đầu tư thường xảy ra trong các khu vực tài chính không sẵn lòng đầu tư.
 
Bất chấp sự thiếu hụt tổng thể của các tổ chức tài chính công tập trung vào đầu tư xã hội hoặc đầu tư vào tài chính xanh, Canada có hai tổ chức đang đi đúng hướng để đóng góp vào mục tiêu này. Một trong số đó là “Sustainable Development Technology Canada” (SDTC), được thành lập vào năm 2002. SDTC là một tổ chức phi lợi nhuận dài được tài trợ bởi chính phủ liên bang và họ đã tạo ra hai quỹ đặc biệt để giúp đưa công nghệ sạch ra thị trường18. Quỹ đầu tiên là quỹ công nghệ phát triển bền vững với mục tiêu hỗ trợ các dự án giải quyết vấn đề thu giữ các-bon, chất lượng không khí, nước sạch và đất sạch. Quỹ thứ hai là quỹ nhiên liệu sinh học “NextGen” với mục tiêu hỗ trợ việc thành lập các cơ sở đầu tiên sản xuất nhiên liệu tái tạo19. Từ năm 2002 - 2010, nguồn tài trợ do SDTC cung cấp thúc đẩy đầu tư tư nhân để tăng cường các quỹ này, đồng thời, Chính phủ Liên bang đã hỗ trợ 464 triệu USD làm đòn bẩy cộng thêm 1,1 tỷ USD từ các đối tác dự án khác20. Nhìn chung, SDTC đã tài trợ cho hơn 190 dự án công nghệ sạch, trị giá tổng cộng là hơn 1,5 tỷ USD21. Mặc dù sự tồn tại và hoạt động các quỹ của SDTC đem đến nhiều triển vọng nhưng có những điểm yếu đáng kể về việc SDTC thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp (Low - carbon economy). Thứ nhất, cả hai quỹ đều không hướng mục tiêu vào năng lượng tái tạo (chỉ hướng đến nhiên liệu tái tạo) hoặc các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Thứ hai, các quỹ đã tận dụng một lượng vốn tư nhân rất nhỏ. Đối với 1 USD sử dụng từ quỹ công để đầu tư chỉ thu hút được 2 USD từ tư nhân. Hệ số này khá thấp so với các quỹ khác có thể thu hút vốn tư nhân từ 3 - 15 USD cho mỗi 1,144 USD từ vốn nhà nước. Thứ ba, SDTC tập trung các hoạt động và quỹ của mình vào giai đoạn (2) của phát triển công nghệ là: Thực hiện và mở rộng quy mô. Điều này có nghĩa là họ đang cung cấp vốn để giúp các doanh nghiệp đã thực hiện đến giai đoạn (2) có thể có đủ nguồn vốn để tiến sang giai đoạn (3) là thương mại hóa. Mặc dù điều này là cần thiết nhưng các giai đoạn phát triển công nghệ khác lại bị bỏ qua - đó là thương mại hóa, phổ biến và cải tiến. 
 
Tổ chức thứ hai là “Business Development Bank of Canada” (BDC), được thành lập vào năm 1995 với mục đích thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách cung cấp các dịch vụ tài trợ, đầu tư mạo hiểm và tư vấn. Cùng với Export Development Canada, BDC thành lập “Tandem Fund” - một quỹ nhằm tạo thêm vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty đang cố gắng đưa công nghệ vào thương mại hóa hoặc thâm nhập và phát triển thị trường22. Giống như SDTC, nhiệm vụ và hoạt động của BDC chỉ góp phần nhỏ vào việc tận dụng vốn tư nhân đối với các doanh nghiệp hoặc dự án các-bon thấp. Nhiệm vụ của BDC bị giới hạn bởi thực tế hoạt động chỉ tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
4.2. Các công cụ tài chính xanh ở Canada
 
SDTC và BDC vẫn còn những hạn chế trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp các-bon thấp và do đó, Canada đã tìm ra những công cụ, chính sách tài chính riêng để thúc đẩy hơn cho các doanh nghiệp này. Trong vài năm gần đây, đã có một số phát triển chứng minh những tiến bộ của các công cụ tài chính nhằm vào các khoản đầu tư các-bon thấp.
 
Chương trình “The Technology Early Action Measures” (TEAM) là một trong những chương trình nhằm cung cấp hỗ trợ thông qua các khoản tài trợ ngẫu nhiên cho các công nghệ giai đoạn đầu có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính. Từ năm 1998 - 2007, chương trình đã tài trợ cho hơn 100 dự án. Trên thực tế, cơ chế đòn bẩy của TEAM đã thành công đến mức nó đã đạt được tỷ lệ 5:1 trong việc cấp vốn tài trợ. Chương trình này sau đó đã được sáp nhập vào “The ecoENERGY Technology Initiative” (EcoETI) vào năm 2007. Sáng kiến ​​này của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Canada (NRCan) và Bộ Môi trường Canada đã cung cấp 230 triệu USD tài trợ cho các dự án “The research, development and demonstration” (RD&D) để hỗ trợ phát triển các công nghệ giảm phát thải bao gồm: Không phát thải nhiên liệu hóa thạch, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng sinh học và sử dụng hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà và cộng đồng23
 
Một công cụ khác đã phát triển tiềm năng ở Canada là “Green Municipal Enabling Fund”. Quỹ này cung cấp các khoản tài trợ hơn 300.000 USD cho các thành phố có “các sáng kiến về việc ​​lập kế hoạch chia sẻ chi phí, nghiên cứu khả thi và thử nghiệm thực địa cho giai đoạn phát triển công nghệ sạch”24
 
Thêm vào đó, vốn đầu tư mạo hiểm cũng đóng một vai trò như một công cụ mới nổi trong quá trình chuyển đổi của Canada sang nền kinh tế các-bon thấp. SDTC đã thiết lập một chính sách tài trợ cho các dự án giải trình rõ bằng chứng về nghiên cứu và triển khai công nghệ sạch sử dụng năng lượng tái tạo25. Chính sách này đã đạt được sự cân bằng giữa việc nhận cổ phần và chỉ đơn giản là cung cấp các khoản tài trợ; điều này giải quyết cả khoảng cách đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn đầu và rủi ro chứng minh các công nghệ, đồng thời không làm loãng bảng cân đối kế toán thông qua cổ phần. Quỹ Đầu tư mạo hiểm Ontario (được quản lý bởi TD Finance Private Equity) là một ví dụ khác mà Chính phủ đã là đối tác (người hỗ trợ vốn) của quỹ. Ngoài ra, Business Development Bank of Canada cũng là một nhà đầu tư mạo hiểm tích cực và hiện có một nhóm chuyên gia về việc đưa ra những chính sách tài chính phù hợp để ủng hộ các dự án sử dụng công nghệ sạch.
 
Các cơ chế tài trợ dành riêng cho việc hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cũng đã trở nên phổ biến ở Canada. Chương trình Hỗ trợ Nghiên cứu Công nghiệp do Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada tổ chức được thiết kế để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu: “Tăng tốc độ phát triển, tăng số lượng sản phẩm, dịch vụ và quy trình được thương mại hóa thành công, đồng thời tăng phạm vi tiếp cận và khả năng cạnh tranh của họ trên các thị trường mới, thông qua phát triển, áp dụng và thích ứng công nghệ”26. Một cơ chế khác đã được phát triển để hỗ trợ nghiên cứu là thành lập Quỹ Năng lượng NRCan, trong đó có các chính sách được thiết kế để hỗ trợ đặc biệt cho nghiên cứu và phát triển ứng dụng. Một số chương trình này bao gồm Chương trình sử dụng công nghệ và năng lượng hiệu quả trong tòa nhà, Liên minh nhiên liệu sạch trong vận tải Canada, Chương trình hệ thống năng lượng cộng đồng, Chương trình công nghệ năng lượng tái tạo và Chương trình năng lượng Hydro, nhiên liệu và vận tải.
 
Cuối cùng, Canada cũng đã bắt đầu quá trình tạo quỹ mục tiêu để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ các-bon thấp như Quỹ Năng lượng sạch đã được tài trợ 01 tỷ USD trong vòng 05 năm, dùng để phân bổ vốn giữa nghiên cứu thu giữ và lưu trữ các-bon, các dự án phân phối và trình diễn công nghệ tiền thương mại, cũng như vào một loạt các dự án nghiên cứu và phát triển khác27. Một quỹ khác là Quỹ Cơ sở hạ tầng xanh, được tài trợ 01 tỷ USD với mục tiêu chính là xử lý nước và nước thải, sản xuất điện, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, tái chế, cũng như các công nghệ truyền tải và lưu trữ các-bon. Các loại quỹ này thậm chí còn được phát triển ở cấp địa phương, chẳng hạn như Quỹ Khí quyển Toronto (cung cấp tài chính cho các dự án địa phương về lọc không khí) hoặc Chương trình năng lượng sạch (PACE) cho phép chính quyền địa phương hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng hiệu quả trên tài sản tư nhân28.
 
Những chính sách nêu trên đã cho thấy một số cách thức mà Canada đang thực hiện để khai thác vốn tư nhân và năng lực đầu tư của khu vực tài chính. Canada đã giải quyết tốt những lỗ hổng trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển công nghệ. 
 
5. Một số khuyến nghị đối với Việt Nam
 
Việc thành lập các ngân hàng công để hướng tới đầu tư, phát triển các doanh nghiệp và dự án các-bon thấp không phải là một nhiệm vụ đơn giản và quá trình này sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản. Để đạt được một số thành công nhất định như Canada, Việt Nam cần:
 
Một là, thành lập các nhóm chuyên gia về tài chính các-bon thấp trong thời gian tới.
 
Hiện tại, các cơ chế tài chính như quỹ hoặc trái phiếu cần phải có các tổ chức tài chính công và các chuyên gia nghiên cứu và thực hiện để đảm bảo mức độ uy tín. Do đó, đề xuất chính sách này phải được xây dựng từ cơ sở và phải được đề xuất bởi các bên tham gia đa dạng bao gồm các học giả, tổ chức tài chính, các tổ chức tư nhân. Tổ chức một diễn đàn tương tự như Lực lượng đặc nhiệm Canada về tài chính xã hội (TFSF) có thể giúp xây dựng nền tảng cho đề xuất này, bao gồm phát triển một nhóm những người ủng hộ, một thẩm quyền can thiệp công cộng và các khuyến nghị cụ thể về thiết kế, nhiệm vụ của các ngân hàng công, hoạt động và chiến lược vốn hóa. TFSF được dẫn dắt bởi mười nhà lãnh đạo quốc gia trên thị trường tài chính - xã hội và đã đạt được thành công đáng kể thông qua đầu tư xã hội. Mục đích của lực lượng chuyên gia là cung cấp các nguồn tài chính mới và lớn hơn cho các doanh nghiệp xã hội của Canada - những doanh nghiệp tìm kiếm sự kết hợp giữa các tác động kinh tế, xã hội và môi trường - trong cả lĩnh vực vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.
 
Các vấn đề và câu hỏi mà nhóm chuyên gia này cần nghiên cứu bao gồm: (i) Những rào cản đầu tư cụ thể và những thất bại của thị trường các-bon thấp tại Việt Nam là gì? (ii) Ngân hàng công có thể giải quyết vấn đề nào trong số những rào cản này một cách hiệu quả? (iii) Công cụ tài chính nào có thể giảm thiểu và khắc phục những rào cản và thất bại này một cách tốt nhất? (iv) Vai trò chính của các ngân hàng công đối với thị trường (Ngân hàng có nên bị giới hạn trong việc đạt được các mục tiêu về việc chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp? Ngân hàng có nên có nhiệm vụ xã hội và môi trường nhiều hơn không? Ưu điểm và nhược điểm của việc mở rộng hoặc hạn chế các nhiệm vụ của ngân hàng là gì?); (v) Đâu sẽ là tiêu chí để quyết định đầu tư? Điều này sẽ được đo lường như thế nào; (vi) Các ngân hàng sẽ tập trung đầu tư vào năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng hay họ sẽ tập trung vào các công nghệ các-bon thấp khác đã có sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ như hạt nhân, thủy điện quy mô lớn, thu và lưu trữ các-bon; (vii) Ngân hàng sẽ chủ yếu cung cấp vốn phát triển cho các doanh nghiệp, vốn mua sắm cho nhiều đối tượng, hay cả hai; (viii) Các ngân hàng nên được cấu trúc, thiết kế, quản lý và vốn hóa như thế nào? Sở hữu công cộng đầy đủ có được ưu tiên hơn đối với đầu tư theo hình thức đối tác công tư không? Những ưu điểm và nhược điểm của những lựa chọn thay thế này là gì; (ix) Các ngân hàng nên sử dụng mô hình “cho vay xanh” nào: Trực tiếp, cho vay lại hay kết hợp cả hai; (x) Các chính sách và khuôn khổ chính sách nào là cần thiết để thành công đối với các công cụ tài chính xanh cụ thể?
 
Công việc của nhóm chuyên gia cần được công bố và trình bày cho Thủ tướng Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách để tham vấn và đưa ra ý kiến. Các báo cáo cụ thể về những vấn đề này nên được trình bày trong hội nghị với các quan chức cấp cao và các chính trị gia để chính phủ tham gia thảo luận, chọn lọc các khuyến nghị và giải quyết các mối quan ngại.
 
Hai là, thành lập các ngân hàng công cấp tỉnh với các khuôn khổ chính sách phù hợp.
 
Các ngân hàng công có nhiệm vụ một phần hoặc toàn bộ trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, dự án các-bon thấp sẽ chỉ thành công nếu được phát triển trong các khuôn khổ pháp lý và chính sách pháp luật hoàn thiện. Các chính sách pháp luật và chiến lược quốc gia phù hợp sẽ tạo ra cả cung và cầu cho các khoản đầu tư các-bon thấp. Ví dụ, tại Canada, hiện có ba tỉnh có tiềm năng phát triển ngân hàng công là Ontario, British Columbia và Quebec. Ontario đang hướng tới một tương lai có lượng khí phát thải thấp hơn với các mức thuế nhập khẩu và Đạo luật Năng lượng Xanh mới. British Columbia đã đưa ra lựa chọn tương tự với việc sử dụng thuế các-bon, giới hạn khu vực và hệ thống thương mại có hoạt động nhiều khí phát thải và xây dựng các bộ luật nghiêm ngặt hơn. Quebec cũng có các mục tiêu phát thải đầy tham vọng thông qua thuế các-bon. Ba tỉnh này cũng có đủ vốn và dân số để đạt được các hoạt động có thể mở rộng trong các ngân hàng đại chúng của chính họ. Các tỉnh này chiếm khoảng 75% dân số Canada và khoảng 70% GDP quốc gia. Hơn nữa, gần 50% lượng khí thải của Canada được tạo ra chỉ riêng ở các tỉnh này29. Do đó, cần tập trung vào việc chuyển đổi các nền kinh tế này ngay bây giờ, thay vì chờ đợi các khuôn khổ chính sách liên bang mạnh hơn hoặc các chiến lược năng lượng quốc gia.
 
1 Kidney, S. (2009). Financing a Rapid, Global, Transition to a Low-Carbon Economy. Climate Bonds Initiative, p.2.
2 Clements-Hunt, P. (2011). Finance: Supporting the Transition to a Global Green Economy. United Nations Environment Programme, p.586; Makinson, S. (2005). Public Finance Mechanisms to Catalyze Sustainable Energy Sector Growth. United Nations Development Programme, p.12.
3 Cameron, J. & Blood, D. (2009). Catalyzing Capital Towards the Low-Carbon Economy. Copenhagen Climate Council: 03 Thought Leadership Series, p.4.
4 Liebreich, M. (2010). Green Investing 2010: Policy Mechanisms to Bridge the Financing Gap. New York: World Economic Forum, p.37.
5 Center for American Progress and Global Climate Network. (2009). Breaking Through on Technology: Overcoming the barriers to the development and wide deployment of low-carbon technology, p.29.
6 Bloomberg New Energy Finance. (2010). Weathering the Storm: Public funding for low-carbon energy in the post financial crisis era. UNEP SEF Alliance Publication, p.5.
7 Justice, S. (2009). Private Financing of Renewable Energy: A Guide for Policymakers. United Nations Environmental Programme, p.10.
8 Glemarec, Y. (2011). Catalyzing Climate Finance: A Guidebook on Policy and Financing Options to Support Green, Low-Emission and Climate-Resilient Development. New York: United Nations Development Programme, p.24.
9 Raingold, A. (2010). Financing the Future: A Green Investment Bank to Power the Economic Recovery. Aldersgate Group, p.12.
10 Holmes, I., & Mabey, N. (2011). Accelerating the Transition to a Low-carbon Economy: The Case for a Green Infrastructure Bank. London: Third Generation Environmentalism Ltd., p.11.
11 Cameron, J. & Blood, D. (2009). Catalyzing Capital Towards the Low-Carbon Economy. Copenhagen Climate Council: 03 Thought Leadership Series, p.8.
12 Bloomberg New Energy Finance. (2010). Weathering the Storm: Public funding for low-carbon energy in the post financial crisis era. UNEP SEF Alliance Publication, p.5.
13 Makinson, S. (2005). Public Finance Mechanisms to Catalyze Sustainable Energy Sector Growth. United Nations Development Programme, p.14.
14 Whitehouse, S. (2011). Carbon Capital: Financing the Low-carbon Economy. London: Accenture and Barclays, p.17.
15 Bhatia, S. S. (2011). Competition, Stability and Resilience of Canadian Banks: What happened and What can be Done? Business, Economics and Society, p.6; p.7.
16 Brown, J., & Jacobs, M. (2011). Leveraging Private Investment: The Role of Public Sector Climate Finance. London: Overseas Development Institute, p.195.
17 van Gelder et al. (2008). Financing of Fossil Fuels and Renewable Energy by Canadian Banks. Rainforest Action Network.
18 Bloomberg New Energy Finance. (2010). Weathering the Storm: Public funding for low-carbon energy in the post financial crisis era. UNEP SEF Alliance Publication, p.11; OCETA, & SDTC. (2009). The 2009 OCETA SDTC Cleantech Growth & Go-to-Market Report. Toronto: Russell Mitchel Group, p.22.
19 OCETA, & SDTC. (2009). The 2009 OCETA SDTC Cleantech Growth & Go-to-Market Report. Toronto: Russell Mitchel Group, p.22.
20 OCETA, & SDTC. (2010). The 2010 SDTC Cleantech Growth & Go-to-Market Report. Toronto: Russell Mitchel Group, p.71.
21 Montambault, A. (2009). Building A Sustainable Development Infrastructure In Canada: The Genesis And Rise of Sustainable Development Technology Canada. In: Toner, G. and Meadowcroft, J. (eds). Innovation, Science, Environment Special Edition: Charting Sustainable Development in Canada, 1987-2007. Montreal: McGill-Queen’s University Press, p. 230-252.
22 OCETA, & SDTC. (2010). The 2010 SDTC Cleantech Growth & Go-to-Market Report. Toronto: Russell Mitchel Group, p.71.
23 Leflaive, X. (2008). Eco-Innovation Policies in Canada. Environmental Directorate, OECD, p.13.
24 Makinson, S. (2005). Public Finance Mechanisms to Catalyze Sustainable Energy Sector Growth.
25 Crespo, J., Guo, T., & Greenwood, C. (2008). SEF Alliance Publications: Public Venture Capital Study. London: United Nations Environment Programme & New Energy Finance Ltd, p.24.
26 OCETA, & SDTC. (2009). The 2009 OCETA SDTC Cleantech Growth & 
Go-to-Market Report. Toronto: Russell Mitchel Group, p.79.
27 OCETA, & SDTC. (2010). The 2010 SDTC Cleantech Growth & Go-to-Market Report. Toronto: Russell Mitchel Group, p.71.
28 Vancity. (2011b). Financing Low-Carbon Buildlings - A Round Table Dialogue. Carbon Talks and SFU Centre for Dialogue, p.12; p.16.
29 Environment Canada. (2011). National Inventory Report 1990-2009: Greenhouse Gas Source and Sinks in Canada (Part 1). Submission to the UNFCCC 2011. Government of Canada, p.29.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Bhatia, S. S. (2011). Competition, Stability and Resilience of Canadian Banks: What happened and What can be Done? Business, Economics and Society, p.6; p.7.
2. Bloomberg New Energy Finance. (2010). Weathering the Storm: Public funding for low-carbon energy in the post financial crisis era. UNEP SEF Alliance Publication, p.5.
3. Brown, J., & Jacobs, M. (2011). Leveraging Private Investment: The Role of Public Sector Climate Finance. London: Overseas Development Institute, p.195.
4. Cameron, J. & Blood, D. (2009). Catalyzing Capital Towards the Low-Carbon Economy. Copenhagen Climate Council: 03 Thought Leadership Series, p.4.
5. Center for American Progress and Global Climate Network. (2009). Breaking Through on Technology: Overcoming the barriers to the development and wide deployment of low-carbon technology, p.29.
6. Clements-Hunt, P. (2011). Finance: Supporting the Transition to a Global Green Economy. United Nations Environment Programme, p.586
7. Crespo, J., Guo, T., & Greenwood, C. (2008). SEF Alliance Publications: Public Venture Capital Study. London: United Nations Environment Programme & New Energy Finance Ltd, p.24.
8. Environment Canada. (2011). National Inventory Report 1990-2009: Greenhouse Gas Source and Sinks in Canada (Part 1). Submission to the UNFCCC 2011. Government of Canada, p.29.
9. Glemarec, Y. (2011). Catalyzing Climate Finance: A Guidebook on Policy and Financing Options to Support Green, Low-Emission and Climate-Resilient.
10. Holmes, I., & Mabey, N. (2011). Accelerating the Transition to a Low-carbon Economy: The Case for a Green Infrastructure Bank. London: Third Generation Environmentalism Ltd., p.11.
11. Justice, S. (2009). Private Financing of Renewable Energy: A Guide for Policymakers. United Nations Environmental Programme, p.10. 
12. Kidney, S. (2009). Financing a Rapid, Global, Transition to a Low-Carbon Economy. Climate Bonds Initiative, p.2.
13. Leflaive, X. (2008). Eco-Innovation Policies in Canada. Environmental Directorate, OECD, p.13.
14. Liebreich, M. (2010). Green Investing 2010: Policy Mechanisms to Bridge the Financing Gap. New York: World Economic Forum, p.37.
15. Makinson, S. (2005). Public Finance Mechanisms to Catalyze Sustainable Energy Sector Growth. United Nations Development Programme, p.14.
16. Montambault, A. (2009). Building A Sustainable Development Infrastructure In Canada: The Genesis And Rise of Sustainable Development Technology Canada. In: Toner, G. and Meadowcroft, J. (eds). Innovation, Science, Environment Special Edition: Charting Sustainable Development in Canada, 1987-2007. Montreal: McGill-Queen’s University Press, p. 230-252.
17. OCETA, & SDTC. (2009). The 2009 OCETA SDTC Cleantech Growth & Go-to-Market Report. Toronto: Russell Mitchel Group, p.22.
18. OCETA, & SDTC. (2010). The 2010 SDTC Cleantech Growth & Go-to-Market Report. Toronto: Russell Mitchel Group, p.71.
19. Public Finance Mechanisms to Catalyze Sustainable Energy Sector Growth. United Nations Development Programme, p.12.
20. Raingold, A. (2010). Financing the Future: A Green Investment Bank to Power the Economic Recovery. Aldersgate Group, p.12.
21. Vancity. (2011b). Financing Low-Carbon Buildlings – A Round Table Dialogue. Carbon Talks and SFU Centre for Dialogue, p.12; p.16.
22. Van Gelder et al. (2008). Financing of Fossil Fuels and Renewable Energy by Canadian Banks. Rainforest Action Network.
23. Whitehouse, S. (2011). Carbon Capital: Financing the Low-carbon Economy. London: Accenture and Barclays, p.17.

Trần Nguyễn Phước Thông
Trung tâm Liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?
13/12/2024 08:32 376 lượt xem
Bài viết giới thiệu nghiên cứu của Giáo sư Antonio Fatas (2024), trong đó phân tích những lý do dẫn đến “sự bất khả xâm phạm” đáng ngạc nhiên của châu Á, vốn trước đây, giống như tất cả các nền kinh tế đang phát triển, dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát ...
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam
09/12/2024 08:32 475 lượt xem
Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam
05/12/2024 07:51 717 lượt xem
Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách
22/11/2024 10:50 1.225 lượt xem
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (Green, Social, Sustainable, and Sustainability-Linked Bonds - GSSSB).
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam
15/11/2024 10:30 1.473 lượt xem
Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Hệ thống xếp hạng tín nhiệm thay thế đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu - Kinh nghiệm từ châu Á và gợi ý cho  Việt Nam
Hệ thống xếp hạng tín nhiệm thay thế đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu - Kinh nghiệm từ châu Á và gợi ý cho Việt Nam
11/11/2024 10:22 1.432 lượt xem
Xếp hạng tín nhiệm không phải là một thuật ngữ xa lạ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn.
Châu Á và Việt Nam đón đầu làn sóng kinh tế “bạc”
Châu Á và Việt Nam đón đầu làn sóng kinh tế “bạc”
03/11/2024 07:15 1.601 lượt xem
Ủy ban về quyền kinh tế, văn hóa và xã hội của Liên hợp quốc năm 2023 xác định già hóa dân số là một xu hướng mang tính toàn cầu. Xu hướng già hóa dân số không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở châu Âu mà đã, đang và sẽ lan rộng sang khu vực châu Á, tạo ra những cơ hội lẫn thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế, xã hội.
Quy định về cấp phép ngân hàng ảo tại Thái Lan và một số gợi ý cho  Việt Nam
Quy định về cấp phép ngân hàng ảo tại Thái Lan và một số gợi ý cho Việt Nam
30/10/2024 09:30 1.560 lượt xem
Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và lĩnh vực tài chính trong những năm qua đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng và hệ thống tài chính trên toàn cầu.
Những rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu năm 2024 và hàm ý cho Việt Nam
Những rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu năm 2024 và hàm ý cho Việt Nam
23/10/2024 08:04 12.342 lượt xem
Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 cho thấy có sự cải thiện nhẹ so với năm 2023, với dự báo tăng trưởng đạt 3,1 - 3,2% GDP và lạm phát giảm xuống 5,8 - 5,9%.
Tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia trong khu vực ASEAN
Tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia trong khu vực ASEAN
14/10/2024 15:40 1.713 lượt xem
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, kiều hối đang đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Ngân hàng mở: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Ngân hàng mở: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
08/10/2024 08:03 2.074 lượt xem
Ngân hàng mở là một khái niệm mới nổi trong ngành tài chính - ngân hàng, mang lại sự đổi mới và cách mạng hóa phương thức hoạt động của ngân hàng truyền thống.
Chính sách tín dụng nông nghiệp của Ấn Độ và kinh nghiệm đối với Việt Nam
Chính sách tín dụng nông nghiệp của Ấn Độ và kinh nghiệm đối với Việt Nam
03/10/2024 14:46 1.758 lượt xem
Nằm ở lưu vực sông Ấn và sông Hằng, Ấn Độ là một quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời với quy mô thị trường ước đạt 372,94 tỉ USD vào cuối năm 2024, dự kiến ​​sẽ đạt 473,72 tỉ USD vào năm 2029 (Mordorintelligence, 2024).
Tác động của địa chính trị đến thương mại quốc tế
Tác động của địa chính trị đến thương mại quốc tế
01/10/2024 16:10 2.912 lượt xem
Bài viết giới thiệu một số kết quả nghiên cứu thực nghiệm về tác động của địa chính trị đến thương mại toàn cầu thông qua phương pháp nghiên cứu định tính với kỹ năng chính là khai thác, phân tích, tổng hợp và bình luận các thông tin thứ cấp từ các nghiên cứu có liên quan.
Pháp luật về giám sát tập đoàn tài chính tại Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Pháp luật về giám sát tập đoàn tài chính tại Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
30/09/2024 08:01 1.921 lượt xem
Tập đoàn tài chính không phải là một hình thái tổ chức hoạt động kinh doanh mới trên thị trường mà bắt đầu được hình thành từ những năm 60 tại Mỹ khi hiện tượng các ngân hàng với hoạt động cấp tín dụng kết nối các công ty bảo hiểm, chứng khoán thông qua sở hữu vốn...
Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đầu tư phát triển kinh tế vùng
Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đầu tư phát triển kinh tế vùng
26/09/2024 13:23 10.441 lượt xem
Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, cả hai quốc gia đều trải qua thời kỳ thuộc địa, chiến tranh và tái xây dựng trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81,600

83,600

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81,600

83,600

Vàng SJC 5c

81,600

83,620

Vàng nhẫn 9999

81,600

83,400

Vàng nữ trang 9999

81,500

83,000


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,153 25,483 26,041 27,469 31,401 32,736 158.95 168.19
BIDV 25,183 25,483 26,192 27,397 31,737 32,670 160.03 167.75
VietinBank 25,180 25,483 26,272 27,472 31,695 33,705 161.47 169.22
Agribank 25,210 25,483 26,181 27,385 31,604 32,695 160.79 168.44
Eximbank 25,170 25,483 26,272 27,228 31,706 32,816 161.8 167.71
ACB 25,190 25,483 26,288 27,190 31,818 32,778 161.82 168.21
Sacombank 25,210 25,483 26,231 27,206 31,686 32,853 161.86 168.91
Techcombank 25,222 25,483 26,070 27,413 31,464 32,808 158.16 170.62
LPBank 25,190 25,485 26,543 27,441 32,072 32,600 162.71 169.79
DongA Bank 25,220 25,483 26,310 27,150 31,740 32,770 160.10 167.80
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?