Tóm tắt: Bối cảnh vĩ mô toàn cầu những tháng đầu năm 2024 là một bức tranh phức tạp, đan xen giữa những bất ổn còn dai dẳng và những triển vọng mới tích cực. Trong khi căng thẳng địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục tạo ra nhiều thách thức, điểm sáng về khả năng phục hồi và động lực tăng trưởng tiềm năng đang dần hiện hữu. Bài viết này tập trung phân tích về những yếu tố then chốt thúc đẩy quá trình tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong những tháng đầu năm 2024. Trong đó, sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi (tiêu biểu là Trung Quốc và Ấn Độ) trong quá trình tái định hình tăng trưởng toàn cầu hậu đại dịch Covid-19 được luận bàn sâu. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập về tác động của các chính sách hỗ trợ, sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng và những tiến bộ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đối với triển vọng tăng trưởng trong năm 2024. Cuối cùng, bài viết phác thảo và đề xuất triển vọng kinh tế toàn cầu cho cả năm 2024, đánh giá khả năng bứt phá khỏi những rào cản hiện hữu và đạt được tăng trưởng tích cực.
Từ khóa: Triển vọng kinh tế toàn cầu; rủi ro địa chính trị; động lực tăng trưởng; phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
GLOBAL ECONOMIC PROSPECTS IN THE EARLY MONTHS OF 2024: UNLOCKING GROWTH POTENTIAL AMIDST UNCERTAINTIES
Abstract: The global macro landscape in the first quarter of 2024 presents a complex picture, intertwined with persistent uncertainties and promising new prospects. While geopolitical tensions and supply chain disruptions continue to pose significant challenges, signs of resilience and potential growth drivers are gradually emerging. This paper analyses the key factors propelling global economic growth in the early months of 2024. In which, the leading role of emerging economies (particularly China and India) in reshaping post-Covid-19 pandemic global growth is underscored. Additionally, the paper discusses the impact of supportive policies, the resurgence of consumer demand, and the advancements of the Fourth Industrial Revolution on the prospects for disruptive growth in 2024. Finally, the paper proposes a global economic outlook for the entire year 2024, assessing the potential to break through existing limits and achieve positive growth.
Keywords: Global economic prospects; geopolitical risks; growth motives; post-Covid-19 pandemic economic recovery.
1. Bức tranh tổng quan kinh tế toàn cầu
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Bức tranh kinh tế toàn cầu quý những tháng đầu năm 2024 hiện ra với những gam màu đối lập, đan xen giữa những thách thức dai dẳng và triển vọng. Một mặt, các bất ổn địa chính trị quốc tế như xung đột Nga - Ukraine và leo thang căng thẳng trên dải Gaza vẫn tiếp diễn, làm gia tăng rủi ro trong thương mại quốc tế và tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng (Hình 1). Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ giảm về mức 2,4% trong năm 2024, xuất phát từ các nguyên nhân như chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, điều kiện tín dụng hạn chế và sự suy yếu của thương mại và đầu tư toàn cầu.
Hình 1: Chỉ số rủi ro địa chính trị toàn cầu
Nguồn: Caldara và Iacoviello, 2022; WB, 2022
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, những dấu hiệu tích cực về triển vọng phục hồi và tăng trưởng dần hiện hữu. Nhu cầu tiêu dùng nội địa tại nhiều quốc gia đang tăng trở lại, điển hình là Mỹ, nơi tăng trưởng dự kiến có thể đạt 2,2% trong năm 2024. Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng đang tích cực triển khai các gói hỗ trợ và kích thích tăng trưởng. Đơn cử, Chính phủ Trung Quốc đã công bố gói kích cầu kinh tế trị giá 1.000 tỉ CNY (tương đương 137 tỉ USD) nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa. Điểm sáng thứ hai trong bức tranh tăng trưởng toàn cầu là sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhóm các nền kinh tế mới nổi, tiêu biểu là Trung Quốc và Ấn Độ. Cả hai nền kinh tế này đều sở hữu nền tảng kinh tế vững chắc, thị trường rộng lớn và luôn chủ động mọi nguồn lực nhằm tạo sự bứt phá trong giai đoạn này (Bảng 1). Bên cạnh đó, sự phát triển không giới hạn của CMCN 4.0 cũng được kì vọng mang lại những động lực tăng trưởng mới. Các ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ chuỗi khối và robot sẽ góp phần giúp cải thiện năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu.
Bảng 1: Triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu theo các tổ chức quốc tế
Đơn vị: %
(OECD: Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế; IMF: Quỹ Tiền tệ quốc tế; UN: Liên hợp quốc)
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Câu hỏi lớn đặt ra là những tiền đề phát triển trên liệu đã đủ "sức nặng" giúp nền kinh tế toàn cầu bứt phá khỏi những giới hạn do các rủi ro hiện hữu gây ra? Thế giằng co giữa hai trạng thái phục hồi và trì trệ có được giải quyết triệt để ngay trong năm 2024? Bài viết này cung cấp một bức tranh toàn diện về kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2024 và phân tích về một số phương diện để giải đáp câu hỏi trên.
2. Tăng trưởng và lạm phát toàn cầu
Những tháng đầu năm 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng toàn cầu, mở ra nhiều vận hội mới. Thành quả trên có được xuất phát từ sự tăng mạnh của nhu cầu tiêu dùng và giao thương quốc tế, sự ổn định của thị trường lao động, lạm phát hạ nhiệt và rủi ro khu vực tài chính giảm. Tín hiệu tích cực nhất được ghi nhận tại các nền kinh tế mới nổi (đặc biệt là châu Á) và sau đó là sự hồi phục của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. (Hình 2)
Hình 2: Sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhóm nền kinh tế mới nổi
(Biến động GDP bình quân đầu người so với nền kinh tế phát triển)
EMDEs = Khu vực kinh tế mới nổi và đang phát triển; FSC = Các quốc gia dễ bị tổn thương, bị tác động bởi xung đột
Nguồn: Trading Economics
Hoạt động kinh tế tại một số quốc gia cho thấy tín hiệu tích cực so với cuối năm 2023 nhờ sự gia tăng mạnh mẽ tổng cầu. Sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động kinh tế hiện diện trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ: Chỉ số quản lý thu mua (PMI) toàn cầu của hai lĩnh vực đều đạt kết quả ấn tượng: 50,3 và 52,4 điểm, là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm 2023. Xu thế này giúp làm dịu bớt quan ngại về nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2024.
Tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi, khu vực sản xuất cải thiện chủ yếu nhờ đơn hàng mới và sản lượng tăng. Chỉ số PMI khu vực sản xuất được duy trì mở rộng tại Mỹ, Trung Quốc và có mức tăng ấn tượng tại các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất tại Nhật Bản đang chững lại, khi kết thúc tháng 3/2024 mới chỉ đạt 47,2 điểm. Tại Liên minh châu Âu (EU), khu vực sản xuất đã cải thiện tốt lên tại nhiều nước như Pháp, Ý, Iceland. (Hình 3)
Hình 3: PMI lĩnh vực sản xuất tại một số quốc gia
Nguồn: Investing.com
Bước sang năm 2024, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tại nhiều nước. Hoạt động dịch vụ tài chính, bảo hiểm, du lịch và giải trí đều tăng trưởng tốt trên các phương diện là sản lượng, đơn hàng mới và lao động. Xu hướng mở rộng hiện diện tại Mỹ, Anh và Trung Quốc, trong khi Ấn Độ thể hiện đà tăng vượt bậc với PMI dịch vụ chạm mốc 61,2 vào cuối tháng 3/2024. Tại EU, sự cải thiện hoạt động dịch vụ được nhận thấy rõ tại Anh, Ý và Tây Ban Nha (với PMI dịch vụ đạt vượt 50 điểm), trong khi Đức, Pháp và Ireland có mức tăng khá chậm. (Hình 4)
Hình 4: PMI lĩnh vực dịch vụ tại một số quốc gia
Nguồn: Investing.com
Trong những tháng đầu năm 2024, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu cũng đang dần hồi phục, phản ánh qua sự gia tăng đều theo tháng của chỉ số doanh thu bán lẻ. Tổng cầu tăng khá tích cực tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nền kinh tế mới nổi, được hỗ trợ bởi các điều kiện tài chính nới lỏng, sự bền vững của thị trường lao động và niềm tin người tiêu dùng dần được củng cố. (Hình 5)
Hình 5: Tăng trưởng doanh số bán lẻ tại một số nước
Đơn vị: % tăng trưởng qua từng năm (yoy)
Nguồn: Investing.com
Thương mại toàn cầu những tháng đầu năm 2024 đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, song thị trường vẫn cho thấy nhiều bất ổn và thiếu sự đồng đều. Cụ thể, tại các nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ ghi nhận diễn biến tăng mạnh xuất khẩu trong sản xuất và dịch vụ; Trung Quốc chứng kiến đà tăng tích cực của thương mại dịch vụ. Ngược lại, bức tranh giao thương tại EU khá ảm đạm, với đà giảm kéo dài trong cả sản xuất và dịch vụ (Bảng 2). Bối cảnh kinh tế chung và các chính sách hỗ trợ của chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng thương mại thời gian tới.
Bảng 2: Bức tranh thương mại toàn cầu quý I/2024
(qoq là chỉ số kỹ thuật đo lường sự thay đổi dữ liệu trong một quý so với quý liền trước đó)
Nguồn: UNCTAD
Trong quý I/2024, ngoại trừ EU, mức độ "hạ nhiệt" của lạm phát tại các nền kinh tế phát triển chưa đáp ứng kì vọng. Tại Mỹ, lạm phát có giảm song không ổn định, duy trì ở mức 3,2% (giảm 0,2 điểm % so với quý IV/2023), trong khi Nhật Bản chứng kiến đà tăng nhẹ của lạm phát. Đáng chú ý, lạm phát của EU trong những tháng đầu năm 2024 giảm liên tục, hết quý I/2024 về còn 2,4%. Tại các nền kinh tế mới nổi, diễn biến lạm phát không có sự nhất quán: Trong khi các nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á chứng kiến đà giảm tích cực, Trung Quốc phải đối mặt với giảm phát trong tháng 01/2024 trước khi chuyển sang trạng thái lạm phát nhẹ 0,7% tính đến hết quý I/2024. (Hình 6)
Hình 6: Lạm phát tổng thể tại một số nền kinh tế
Đơn vị: % yoy
Nguồn: Investing.com
Diễn biến lạm phát trong những tháng đầu năm 2024 nhìn chung ủng hộ cho kịch bản dự báo lạm phát toàn cầu suy giảm trong năm 2024, song các áp lực ngắn hạn đã xuất hiện, cụ thể là sự tăng lên của chi phí hàng hóa đầu vào và giá bán hàng hóa đầu ra trong lĩnh vực sản xuất. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị quốc tế, giá dầu, chi phí vận tải và nguyên vật liệu sản xuất phản ánh xu hướng tăng khá rõ. Tính toán của tác giả dựa trên dữ liệu WB cho thấy, chỉ số giá hàng hóa toàn cầu vào cuối quý I/2024 đã tăng 4% so với cuối năm 2023, tập trung vào nhóm hàng năng lượng, phi năng lượng và kim loại quý (Hình 7). Một số mặt hàng có mức tăng mạnh về giá cả (Hình 8), gồm: Giá dầu (10,3%); đồ uống (34%), nguyên liệu thô (10 - 44%)... OECD nhận định, trong trường hợp không có thêm những cú sốc bất lợi về nguồn cung, nhu cầu hạ nhiệt sẽ cho phép lạm phát chung và lạm phát cơ bản giảm hơn nữa ở hầu hết các nền kinh tế.
Hình 7: Diễn biến chỉ số giá hàng hóa
Nguồn: WB
Hình 8: Diễn biến giá dầu thế giới
Đơn vị: USD/thùng
Nguồn: WB
3. Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế
3.1. Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed): Xu hướng và tác động
Năm 2023, Fed tăng lãi suất cơ bản 11 lần lên mức cao nhất trong 23 năm (5,4%). Chính sách thắt chặt tiền tệ này dần phát huy tác dụng, khiến lạm phát từ mức đỉnh 9,1% vào giữa năm 2022 đã hạ nhiệt, tuy vẫn cao hơn mục tiêu 2% (Hình 9). Cùng với đó, kinh tế Mỹ cũng không rơi vào suy thoái mà duy trì mức tăng trưởng khá (trên 2%) trong 6 quý liên tiếp và tình trạng thất nghiệp cũng được cải thiện. (Hình 10)
Hình 9: Các đợt tăng lãi suất của Fed kể từ năm 2022
Nguồn: FRED, 2024
Hình 10: Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động tại Mỹ tăng mạnh
Đơn vị: Điểm %
Nguồn: FRED, 2024
Sự cộng hưởng giữa tăng trưởng vững chắc và lạm phát giảm tốc của Mỹ trong những tháng đầu năm 2024 phát tín hiệu tới thị trường về một cuộc "hạ cánh mềm". Tuy nhiên, trong điều kiện lạm phát Mỹ chưa thể quay về mức mục tiêu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khả năng Fed giảm lãi suất có thể lùi lại tới tháng 9/2024, với mức giảm dự kiến là 0,25 điểm %. Do đó, tác giả cho rằng các nền kinh tế mới nổi không nên quá phụ thuộc vào chính sách của Fed mà trước mắt cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề trong nước để đảm bảo ổn định tài chính. Dù kinh tế Mỹ vẫn đang sôi động, Fed không cảm thấy áp lực phải cắt giảm lãi suất và tiếp tục chờ đợi những bằng chứng rõ ràng hơn để đánh giá tình hình lạm phát trong tương lai. (Bảng 3)
Bảng 3: Bức tranh kinh tế Mỹ dự báo năm 2024 và 2025
Nguồn: Fed và J.P Morgan
3.2. Diễn biến thị trường ngoại hối
Hình 11: Diễn biến chỉ số USD
Nguồn: Investing.com
Trong những tháng đầu năm 2024, thị trường ngoại hối đã ghi nhận diễn biến tăng của đồng USD so với các ngoại tệ mạnh khác. Theo đó, đồng bạc xanh đã tăng giá liên tục sau chuỗi giảm mạnh trước đó, lên đến hơn 5% vào hai tháng cuối năm 2023. Tính đến hết quý I/2024, USD đã tăng 3% so với cuối năm 2023, chỉ số USD giao ngay chốt giao dịch cuối tháng 3/2024 ở mức 104,5 (Hình 11). Diễn biến tăng của đồng USD được hỗ trợ mạnh mẽ từ các tín hiệu lạc quan của kinh tế Mỹ, diễn biến thị trường lao động, kì vọng giảm lãi suất điều hành của Fed và chênh lệch lợi suất trái phiếu Mỹ với các nước.
Trước sự tăng giá trở lại của đồng USD, phần lớn các đồng tiền mạnh khác đều giảm giá so với USD và diễn biến giảm gần như xuất hiện liên tục trong ba tháng giao dịch. Tính toán của tác giả từ dữ liệu tỉ giá của IMF cho thấy, trong 12 tháng qua, đồng JPY giảm mạnh nhất và GBP giảm thấp nhất so với USD. (Hình 12)
Hình 12: Mức độ mất giá của các đồng tiền mạnh so với USD
(Từ cuối quý I/2023 đến cuối quý I/2024)
Xu hướng tăng thể hiện sự tăng giá của USD so với đồng bản tệ.
Nguồn: Tính toán dựa trên dữ liệu IMF
3.3. Diễn biến thị trường vàng thế giới
Giá vàng quốc tế giao dịch trên thị trường đã đạt kết quả tích cực trong những tháng đầu năm 2024 với tháng 01/2024 giảm và các tháng tiếp theo tăng giá liên tục. Trong khi đó, giá vàng giao ngay đã tăng hơn 9% trong tháng 3/2024 vùng giá giao dịch cao trên 2.000 USD/ounce được bảo đảm vững chắc qua các tháng (Hình 13). Giá vàng tính đến ngày 12/5/2024 vượt qua mốc 2.350 USD/ounce, ghi nhận mức cao nhất kể từ cuối quý I/2024. Đà tăng giá vàng trong những tháng đầu năm 2024 được hỗ trợ mạnh mẽ bởi: (i) Kì vọng điều chỉnh giảm lãi suất của ngân hàng trung ương các nước; (ii) Căng thẳng địa chính trị leo thang; (iii) Nhu cầu gia tăng, đặc biệt là nhu cầu mua vào của các ngân hàng trung ương.
Hình 13: Diễn biến giá vàng thế giới
Đơn vị: USD/ounce
Nguồn: Investing.com
4. Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024
Theo IMF, có bốn yếu tố rủi ro chính ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế thế giới trong những quý tới: (1) Tăng giá hàng hóa do các sự kiện địa chính trị và biến đổi khí hậu có thể làm giảm triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với việc xung đột tăng ở Trung Đông và Ukraine cũng như các cú sốc thời tiết cực đoan khác; (2) Lạm phát kéo dài có thể đòi hỏi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, ảnh hưởng đến tăng trưởng và ổn định tài chính toàn cầu; (3) Sự chậm lại của tăng trưởng Trung Quốc, đặc biệt nếu không có biện pháp tái cơ cấu hiệu quả, có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu; (4) Các nền kinh tế chuyển hướng củng cố tài khóa có thể làm chậm lại tăng trưởng do áp lực từ việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.
Trước các diễn biến kinh tế về cơ bản là tích cực trong những tháng đầu năm 2024 (đặc biệt là sự tăng tốc cả trong khu vực sản xuất và dịch vụ), nhu cầu tăng trở lại trên diện rộng, nhiều tổ chức kinh tế đã điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 theo hướng tăng khoảng 0,2 điểm % so với dự báo của năm 2023. Theo đó, nguy cơ suy thoái đã được làm dịu bớt, các kịch bản "hạ cánh mềm" cho các nền kinh tế lớn trên toàn cầu được đề cập nhiều hơn. Đồng thời, các dự báo tỏ ra lạc quan với triển vọng của sản lượng, đơn hàng, việc làm trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.
Trong số các nền kinh tế lớn, Mỹ được kì vọng đạt tăng trưởng nhẹ, kinh tế EU hồi phục chậm, Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trước những thách thức kéo dài của thị trường bất động sản. Động lực tăng trưởng toàn cầu đặt phần lớn kì vọng vào khu vực kinh tế mới nổi, tiêu biểu là Ấn Độ và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN+3 được dự báo tăng trưởng GDP 4,5% năm 2024, đặt trong điều kiện khu vực bên ngoài được cải thiện có thể củng cố thêm nhu cầu trong nước kết hợp lạm phát ở mức vừa phải. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ hồi phục mạnh mẽ trở lại, với những điểm sáng đến từ tiêu dùng tư nhân, du lịch - lữ hành và hoạt động FDI. Đáng chú ý, xu hướng tăng giá cả, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, giá dầu diễn biến tăng liên tục, sự leo thang xung đột địa chính trị... vẫn sẽ là những thách thức tác động mạnh đến lạm phát toàn cầu trong năm 2024. Bên cạnh đó, sự tăng lên của lương và chi phí tài chính cũng sẽ khiến tình hình lạm phát trở nên xấu đi.
Tóm lại, mặc dù nhiệm vụ hồi phục nền kinh tế thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, việc hiểu rõ những động lực tiềm ẩn như đã đề cập ở trên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xác định khả năng đột phá tiềm năng và vượt qua những giới hạn có thể kìm hãm tăng trưởng bền vững. Trong quá trình hành động, việc theo dõi chặt chẽ các rủi ro tiềm ẩn và thích ứng chiến lược phù hợp là rất cần thiết để đảm bảo thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển mạnh mẽ và toàn diện.
Tài liệu tham khảo:
1. Caldara, D., & Iacoviello, M. (2022). Measuring geopolitical risk. American Economic Review, 112(4), 1194-1225.
2. IMF (2024). World Economic Outlook - Steady but Slow: Resilience amid Divergence. April. International Monetary Fund, Washington, DC.
3. UNCTAD (2024). Global Trade Update. March.
4. Viện Chiến lược ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2024). Bản tin Kinh tế vĩ mô quý I/2024.
5. WB (2020). Commodity Markets Outlook: Persistence of Commodity Shocks. October. WB, Washington, DC.
6. WB (2024). Global Economic Prospects. January. WB, Washington, DC.
TS. Phạm Đức Anh
Học viện Ngân hàng