Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng - Kinh nghiệm Úc và bài học cho Việt Nam
09/03/2022 2.011 lượt xem
Thị trường tín dụng tiêu dùng gây quan ngại nhất đối với lợi ích người tiêu dùng ở Úc là thị trường tín dụng tiêu dùng giá trị nhỏ, thường gọi là payday lending. Những rủi ro đối với người tiêu dùng trên thị trường này là chi phí vay cao, nhiều nguy cơ rơi vào bẫy nợ nần, quyền riêng tư dễ bị xâm phạm trong khi đối tượng vay thường ở trong tình trạng túng thiếu về tài chính, dễ bị ảnh hưởng bởi những quảng cáo hấp dẫn mà bỏ qua những rủi ro. Sự phát triển của Internet và quá trình số hóa đang làm gia tăng những nguy cơ này. Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính ở Úc được phát triển nhằm ngăn ngừa những rủi ro này. Bài viết chia sẻ thông tin về các quy định bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính ở Úc. Trên cơ sở đó, bài viết đối chiếu với thực trạng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam và rút ra những bài học nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người vay tiêu dùng ở nước ta.
 
1. Thị trường tài chính tiêu dùng giá trị nhỏ ở Úc: Sự phát triển và những quan ngại về bảo vệ người tiêu dùng
 
Thị trường tín dụng tiêu dùng thu hút sự chú ý cũng như gây nhiều quan ngại ở Úc là thị trường của các “hợp đồng tín dụng nhỏ” (small amount credit contract  - SACC và thường được biết đến với tên gọi “payday loans” (có nghĩa là vay để tiêu dùng khi chưa đến ngày lĩnh lương hay trợ cấp). Luật Liên bang về bảo vệ người tiêu dùng tài chính năm 2009 (National Consumer Credit Protection Act 2009 (Cth) - NCCP) định nghĩa SACC là các hợp đồng vay không có đảm bảo có giá trị từ 2.000 đô Úc trở xuống có kỳ hạn từ 16 ngày đến một năm1. Các định chế của Úc có chức năng nhận tiền gửi không được cung cấp dịch vụ vay này và hợp đồng tín dụng loại này không được tự động gia hạn2. Hình thức tín dụng này thường được sử dụng bởi những người tiêu dùng có thu nhập thấp hoặc không có lịch sử tín dụng tốt và do vậy, khó có thể tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng. Các khoản vay thông qua hình thức này thường có chi phí cao hơn so với các khoản vay tiêu dùng thông thường.
 
1.1. Sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng giá trị nhỏ ở Úc
 
Thị trường tín dụng tiêu dùng giá trị nhỏ ở Úc đã tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng hai thập kỷ trở lại đây. Tổ chức cấp tín dụng giá trị nhỏ đầu tiên được cho là đã hình thành vào năm 1998 và đến tháng 8/2000, có khoảng 82 tổ chức cấp tín dụng nhỏ hoạt động ở Úc. Trong năm 2001, có khoảng 12.800 khoản vay được cấp mỗi tháng. Trong thập kỷ sau đó, số lượng các khoản vay đã tăng gấp 20 lần. 
 
Sự tăng trưởng của thị trường vay tín dụng giá trị nhỏ được xem là kết quả của việc giảm các biện pháp điều chỉnh trong lĩnh vực ngân hàng, sự gia tăng các khoản nợ của các hộ gia đình và tăng số lượng các cá nhân có xếp hạng tín dụng thấp. Việc giảm các biện pháp điều chỉnh trong lĩnh vực ngân hàng đã dẫn tới việc các ngân hàng không muốn cho vay những người tiêu dùng có thu nhập thấp hay lịch sử tín dụng không tốt. Kết quả là những người này phải tìm đến những nguồn tín dụng thay thế khác.
 
Việc ứng dụng các nền tảng trực tuyến những năm gần đây giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tín dụng tiêu dùng, và do đó thúc đẩy sự tiếp tục tăng trưởng của thị trường này. Và mặc dù được nhiều người tìm đến, thị trường vay tiêu dùng giá trị nhỏ gây ra khá nhiều quan ngại bởi khả năng gây thiệt hại cho lợi ích người tiêu dùng. Việc số hóa hoạt động cho vay này không chỉ làm gia tăng rủi ro cho người tiêu dùng mà còn làm phát sinh những mối quan ngại khác, đòi hỏi những cải cách về mặt quản lý để có thể có những biện pháp bảo vệ phù hợp, đáp ứng với yêu cầu của người tiêu dùng.
 
1.2. Những quan ngại về khả năng xâm phạm lợi ích người vay tiêu dùng
 
Thị trường cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ vẫn được xem là có nhiều rủi ro đối với những khách hàng trong tình trạng khó khăn tài chính. Những rủi ro này bao gồm: rơi vào vòng xoáy nợ nần do vay lại hoặc tiếp tục các khoản vay tiêu dùng nhỏ. Chi phí vay lớn thường đối với một số người vay nợ ngày càng nhiều. Khi đó, tỷ lệ thu nhập để dành trả nợ sẽ lớn hơn và chi phí vay tiếp cũng tăng cao hơn, nhiều người bị phá sản hoặc gặp trục trặc trong các vấn đề gia đình.
 
Thống kê cho thấy, số lượng những hộ gia đình gặp khó khăn tài chính sử dụng các khoản vay tiêu dùng giá trị nhỏ đã tăng từ trên 7.000 hộ năm 2005 lên 397.000 hộ vào năm 2017. Những người tìm đến các khoản vay tiêu dùng nhỏ thường là do cần tiền mặt chi trả cho những nhu cầu sinh hoạt trong gia đình như thức ăn, các nhu cầu của trẻ em, chi phí y tế, điện, nước hoặc để trả các khoản vay trước đó. Những người hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng đã nêu ra những quan ngại về hành vi bóc lột đối với những người rơi vào tình huống này. Tương tự, báo chí cũng đưa tin về việc những đơn vị cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ thường nhắm vào những khách hàng ở vị thế bất lợi, áp đặt những khoản phí cắt cổ và cho vay một cách vô trách nhiệm.
 
Ứng dụng các nền tảng trực tuyến làm gia tăng những quan ngại về các hành vi có thể gây hại cho lợi ích của người tiêu dùng. Khi internet được khai thác ngày càng nhiều cho các mục đích quảng cáo và thu hút người vay sử dụng dịch vụ cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ, nguy cơ người tiêu dùng bị gây thiệt hại càng lớn. Nghiên cứu của Trung tâm Pháp lý hành động vì người tiêu dùng (Consumer Action Law Centre, viết tắt là CALC) về việc thực hiện nghĩa vụ hiển thị các cảnh báo bắt buộc trên website của người cho vay cho thấy rằng việc hiển thị đó thường không theo cách có thể thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Chẳng hạn, các cảnh báo được đặt ở cuối trang web và người dùng chỉ có thể nhìn thấy nếu kéo thanh cuộn xuống dưới. Một vài cảnh báo không đầy đủ hoặc không chính xác, hoặc được hiển thị bằng font chữ khó đọc3. Nghiên cứu của CALC cho thấy, những người tiêu dùng điền đơn nhưng không hoàn tất đơn xin vay thường sau đó sẽ trở thành đối tượng của các hành động tiếp thị liên tục, dưới dạng thư hoặc tin nhắn, thúc giục họ hoàn tất đơn. Thêm vào đó, quảng cáo của các đơn vị cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ thường lập lờ giữa vai trò của người cho vay và người tư vấn và cung cấp các “mẹo” về quản lý tài chính. 
 
Một số trường hợp vay được thông tin trên báo chí cũng cho thấy những thách thức đặt ra từ dịch vụ cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ qua mạng. Người vay thấy rằng việc xin vay trực tuyến khá nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, họ không ý thức được hết về các chi phí liên quan khi họ tham gia vào quan hệ vay tín dụng tiêu dùng giá trị nhỏ và chỉ nhận ra rằng chi phí vay là rất cao khi sau này họ nhận được thông báo trả nợ. Chẳng hạn, một người mẹ đơn thân sống nhờ vào trợ cấp xã hội nói rằng “nó cực kỳ dễ dàng, tôi chỉ cần một vài cái nhấp chuột và sau đó họ thông báo sẽ liên hệ lại với tôi trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Và họ làm đúng như vậy. Họ cho biết khoản vay đã được phê duyệt và tiền đã ở trong tài khoản của tôi”. Khoản vay đã được nhân đôi lên do phí và người này sau đó không thể trả nợ được. Cô ta sau đó nói rằng “các rủi ro phải được chỉ ra rõ ràng hơn”. Một người mẹ trẻ khác cũng kể về khoản vay “rất dễ dàng”, nói rằng những người bạn của mình cũng thường sử dụng những khoản vay như vậy. Bị thu hút bởi các quảng cáo trên truyền hình, cô đã điền đơn xin vay online mà không chú ý tính toán các khoản phí. Cô sau đó không trả được nợ và bị phá sản, cho rằng cô cảm thấy mình bị lừa. Nhiều người cũng cho biết, họ có những trải nghiệm tương tự, trong đó có trường hợp một phụ nữ 22 tuổi thấy quảng cáo trên Facebook và cho rằng đó là một cứu cánh kịp thời khi ngày sinh nhật đầu tiên của con gái đang đến gần4.
 
2. Pháp luật về cho vay tiêu dùng trực tuyến
 
Pháp luật về cho vay tiêu dùng trực tuyến bao gồm các đạo luật có quy định về cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ, các đạo luật về bảo vệ người tiêu dùng và đạo luật về bảo vệ quyền riêng tư.
 
2.1. Các đạo luật quy định về cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ
 
Úc ban hành NCCP và Bộ quy tắc liên bang về tín dụng (National Credit Code) năm 2009 nhằm loại trừ khả năng những người cho vay có hành vi gây thiệt hại hoặc bóc lột những người vay tín dụng tiêu dùng vốn ở vị thế bất lợi5. Các yêu cầu về cấp phép và nghĩa vụ cho vay một cách có trách nhiệm được quy định tại NCCP. Để giải quyết những quan ngại đối với mức độ nợ nần gia tăng của người vay, Đạo luật Liên bang về sửa đổi (nâng cấp) luật về tín dụng tiêu dùng năm 2012 đưa ra một số cải cách, trong đó có đặt ra mức chi phí vay tối đa.
 
2.1.1. Cấp phép
 
Những người cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ phải được Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (The Australian Securities and Investments Commission - ASIC) cấp phép hoạt động tín dụng và phải tuân thủ hàng loạt nghĩa vụ liên quan, trong đó có nghĩa vụ đảm bảo các hoạt động tín dụng hiệu quả, trung thực và công bằng6. Các đơn vị đó cũng phải có quy trình giải quyết tranh chấp nội bộ phù hợp với các quy định của ASIC và là thành viên của một cơ chế giải quyết tranh chấp được cấp phép7. Họ phải thông tin cho người tiêu dùng về nghĩa vụ của họ trong việc đánh giá mức độ phù hợp của các hợp đồng tín dụng đối với người tiêu dùng8.
 
2.1.2. Nghĩa vụ cho vay có trách nhiệm
 
Với nghĩa vụ cho vay có trách nhiệm9, người cho vay không được phép cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tín dụng cho người tiêu dùng nếu họ chưa có thẩm định ban đầu về sự phù hợp của hợp đồng tín dụng đối với người tiêu dùng10. Việc thẩm định bao gồm tìm hiểu ở mức độ hợp lý và tiến hành những bước hợp lý để xác định tình trạng tài chính của người tiêu dùng11. Đơn vị cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ phải yêu cầu cung cấp, nhận và xem xét các bản sao kê ngân hàng của người vay trong giai đoạn 90 ngày liền trước thời điểm thẩm định12
 
Đạo luật Liên bang về bảo vệ người vay tiêu dùng đặt ra một số tình huống mà ở đó hợp đồng tín dụng được coi là không phù hợp với người tiêu dùng, chẳng hạn khi họ đang phải chịu đựng những khó khăn về tài chính để tuân thủ các nghĩa vụ tài chính trong hợp đồng được đề xuất13. Trong khi hợp đồng tín dụng tiêu dùng giá trị nhỏ (SACC) đang được xem xét, có một giả định có thể thay đổi rằng người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn tài chính đáng kể khi ký mới một SACC khi mà người đó đang không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho một SACC ký trước đó, hoặc đang có từ hai SACC trở lên trong thời gian 90 ngày gần nhất14. Chế tài khi đề nghị một khách hàng ký hợp đồng tín dụng không phù hợp, hoặc hỗ trợ để khách hàng tham gia một hợp đồng tín dụng không phù hợp bao gồm cả phạt dân sự và chế tài hình sự với mức phạt tối đa lên đến 2 năm tù15. Ngoài ra, còn có biện pháp bảo vệ bổ sung dành cho người tiêu dùng phải bỏ ra từ 50% trở lên trong tổng thu nhập của mình để thanh toán nợ được quy định tại Luật liên bang về An sinh xã hội năm 1991. Các biện pháp được đưa ra để bảo vệ một tỷ lệ đáng kể thu nhập cho những người tiêu dùng dễ bị tổn thương gồm đặt ra mức phần trăm tối đa trên thu nhập có thể được sử dụng vào việc trả nợ theo các SACC. Giá trị các khoản thanh toán nợ cho một hoặc các SACC, bao gồm cả SACC được đề xuất ký mới, không vượt quá 20% tổng thu nhập của người vay trong mỗi chu kỳ trả nợ16. Những đổi mới này có mục đích rõ ràng là để bảo vệ những người tiêu dùng dễ bị tổn thương trước những khoản cần trả nợ ngày càng lớn trong thu nhập của họ và khiến cho họ không thể chi trả cho những nhu cầu thiết yếu mà việc trợ cấp xã hội mang lại cho họ.
 
2.1.3. Mức chi phí vay tối đa
 
Một trong những cách mà nhà lập pháp trong quá trình đổi mới tìm kiếm để loại trừ các rủi ro cho người tiêu dùng là đặt ra các hạn chế về chi phí vay mà những đơn vị cho vay có thể yêu cầu đối với người tiêu dùng17. Phí ban đầu (establishment costs) tối đa được ấn định ở mức 20% khoản vay thực cấp18. Đơn vị cho vay được phép ấn định mức phí vay hàng tháng lên tới tối đa là 4% giá trị khoản vay thực cấp19. Mức phí tối đa này không bao gồm phí trong trường hợp nợ quá hạn và các chi phí để đòi nợ. Tuy nhiên, số tiền tối đa mà đơn vị cho vay có thể đòi nếu người tiêu dùng không trả được nợ không vượt quá hai lần khoản vay thực cấp20.
 
2.1.4. Các yêu cầu về cảnh báo bắt buộc
 
Đạo luật Cải cách (The Enhancements Act) cũng cố gắng loại trừ các rủi ro đối với người tiêu dùng khi sử dụng các khoản vay SACC thông qua đưa ra các yêu cầu cảnh báo bắt buộc. Các cảnh báo này nhắc nhở người tiêu dùng về những lựa chọn mà họ có thể sử dụng để quản lý nợ của mình với chi phí rẻ hơn21. Những người cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ qua mạng có trách nhiệm hiển thị các cảnh báo trên các website của mình theo cách được quy định22. Trang web chính của người cho vay và bất kỳ các trang web nào có thông tin về các lợi ích cũng như đặc điểm của SACC đều phải có đường link theo dạng đã được quy định23. Đường link phải chứa đựng các từ "Warning about Borrowing" với font chữ Arial, cỡ 12pt hoặc lớn hơn và đi kèm với dấu "…"24. Đường link phải dẫn tới phần cảnh báo bắt buộc thứ hai có nội dung đầy đủ hơn25. Phần cảnh báo thứ hai phải chứa những thông tin về các giải pháp thay thế có mức chi phí rẻ hơn để giải quyết các khoản nợ, chẳng hạn như xin ý kiến tư vấn và các kế hoạch trả nợ với các nhà cung ứng dịch vụ điện nước hay internet26. Mẫu cảnh báo được quy định tại Phụ lục 9 của Các quy định của Liên bang về bảo vệ người vay tiêu dùng năm 2010 (National Consumer Credit Protection Regulations 2010 (Cth) - NCCPR) như Bảng 1.
 


* Đây là nội dung được Chính phủ Úc yêu cầu theo quy định của NCCP.
 
Bên cạnh đó, một cảnh báo giống như nội dung cảnh báo được yêu cầu ở trên phải được hiển thị ngay khi click vào đường link tới trang web, qua đó, người tiêu dùng có thể điền đơn xin vay27. Ngoài ra, quy định này cũng yêu cầu rằng trang web không được để cho người vay tiếp cận vào mẫu đơn xin vay diện SACC online khi chưa đóng hoặc xác nhận đã đọc cảnh báo28. Lý do của việc bắt buộc cung cấp thông tin về các khả năng lựa chọn khác mà người tiêu dùng có thể lựa chọn để giải quyết các khoản nợ được nêu ra trong bản giải trình là để giúp cho “người tiêu dùng có quyết định tốt hơn, dựa trên cơ sở được thông tin đầy đủ hơn và để tìm kiếm các giải pháp có chi phí thấp hơn so với các khoản vay ngắn hạn có chi phí cao”29.
 
2.2. Các quy định về bảo vệ người vay tiêu dùng 
 
Luật về Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc năm 2001 (ASIC Act) cung cấp thêm các biện pháp có tác dụng bảo vệ đối với người tiêu dùng tiếp cận các khoản vay giá trị nhỏ. Luật cấm đưa ra những quảng cáo gây nhầm lẫn nhằm ngăn cản các chiến lược quảng cáo vẫn gây ra quan ngại về việc có thể đẩy người tiêu dùng vào cùng quẫn. Mục 12DA của ASIC Act cấm các hành vi trong cung cấp dịch vụ tài chính có tính chất gây nhầm lẫn hoặc lừa dối, hoặc có thể gây nhầm lẫn hoặc lừa dối. Để đánh giá liệu một hành vi có phải là gây nhầm lẫn hoặc lừa dối, việc xem xét hành vi đó phải được nhìn nhận “một cách tổng thể và được đặt trong bối cảnh của nó” và phải xem rằng liệu “một người tiêu dùng thông thường hoặc có nhận thức hợp lý có thể bị dẫn dắt đến sai lầm hay không”30. “Thông điệp nổi bật” của các tài liệu quảng cáo sẽ có ý nghĩa quyết định31.
 
Luật về Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc còn cấm các hành vi không chính đáng trong cung cấp các dịch vụ tài chính32. Mục 12CC của Luật này quy định rằng để xác định một hành vi là không chính đáng, các vấn đề như vị thế của người tiêu dùng trong việc mặc cả với người cho vay và mức độ bất hợp lý trong việc không cung cấp các thông tin về rủi ro cho người tiêu dùng sẽ được xem xét33. Việc sử dụng các biện pháp thiếu công bằng và áp đặt các điều kiện không thuộc vào trường hợp cần thiết một cách hợp lý để bảo vệ lợi ích chính đáng của người vay cũng sẽ được nhìn nhận34. Tòa án cũng có thể chiếu vào các yêu cầu trong các bộ quy tắc của ngành để xác định liệu người cho vay có thực hiện những hành vi không chính đáng hay không35. Như vậy, hướng dẫn của ASIC về quảng cáo các sản phẩm tài chính sẽ liên quan đến việc xác định hành vi nào được coi là không chính đáng36.
 
Quy định cấm các hành vi không chính đáng trong Luật về Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc bao hàm cả quan niệm về “sự bất lợi đặc biệt”, có thể nảy sinh từ những hoàn cảnh như nghèo túng, ốm đau, khuyết tật về thể chất hay tinh thần, trình độ thấp, do tuổi tác hoặc giới tính37.
 
Hướng dẫn của ASIC đưa ra nhắc nhở về việc sử dụng những ngôn ngữ hoặc kỹ thuật quảng cáo để chuyển tải những ấn tượng gây nhầm lẫn đối với những người xem (nghe) thông thường và có suy nghĩ hợp lý38. Việc này bao gồm cả sử dụng những thuật ngữ hay cụm từ theo cách thúc đẩy việc gây ra những ấn tượng nhầm lẫn về rủi ro theo hướng giảm nhẹ chúng39. Các hình ảnh có thể tạo ra hiệu ứng là đánh lạc hướng hoặc làm giảm đi mức độ rõ ràng của các thông tin cảnh báo40. ASIC nhấn mạnh mức độ có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi "các tài liệu quảng cáo được đưa ra trong bối cảnh hay tình huống vốn “có độ tin cậy cao” khi mà một người tiêu dùng thông thường không nghĩ rằng đang xem một quảng cáo có trả tiền, chẳng hạn như trên các blog hay mạng xã hội"41. Trong tình huống như vậy, cần phải phân biệt rõ đâu là quảng cáo và đâu là nội dung thông tin về các sản phẩm tài chính để người tiêu dùng không bị nhầm lẫn.
 
2.3. Đạo luật Liên bang về quyền riêng tư năm 1988 (Privacy Act 1988 (Cth))
 
Các nguyên tắc về quyền riêng tư thiết lập những hạn chế về cách thức và mức độ mà một chủ thể, chẳng hạn như tổ chức cấp tín dụng, có thể thu thập thông tin về người tiêu dùng. Nguyên tắc này hướng đến bảo vệ quyền riêng tư về thông tin của cá nhân cũng như thông tin tài chính của họ42, yêu cầu rằng những người cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ chỉ được thu thập thông tin ở mức cần thiết hợp lý43. Thêm vào đó, những người cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ chỉ được thu thập thông tin về người tiêu dùng bằng những cách thức hợp pháp và công bằng44. Họ cũng không được phép tiết lộ thông tin này cho người khác45.
 
3. Yêu cầu cải cách đặt ra đối với pháp luật về bảo vệ người vay tiêu dùng ở Úc hiện nay
 
Mặc dù các quy định hiện hành của Úc đã đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ người vay trên thị trường cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ, các nhà nghiên cứu chính sách ở Úc cũng chỉ ra những kẽ hở trong khuôn khổ pháp lý này, xuất phát chủ yếu từ việc gia tăng việc số hóa các dịch vụ cho vay. Mức độ sử dụng ngày càng nhiều hệ thống truyền thông xã hội và trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những quan ngại đáng kể đối với những quảng cáo hướng đến những đối tượng cụ thể trong khi thiếu những biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường số đang phát triển chóng mặt. Những người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người Úc trẻ tuổi thường sử dụng mạng xã hội chưa có những công cụ để bảo vệ mình trước những quảng cáo về các nhà cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ như là những người bạn đáng tin cậy mang lại cho họ những hỗ trợ về tài chính. Mô tả này được tăng cường bởi thực tế là các blog cung cấp những tư vấn về quản lý tài chính cá nhân, các lượt “thích” trên mạng xã hội hay xếp hạng cao trên các trang web review sản phẩm của bên thứ ba. Những người theo dõi trên các trang mạng xã hội khó có thể phân biệt được đâu là quảng cáo khi họ thường xuyên nhận được những bài đăng thể hiện hình ảnh về những người cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ như là những người có trách nhiệm xã hội, thân thiện và có ích, mang đến những hỗ trợ tài chính khi cần. Những người cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ cũng thường xuyên quảng cáo trên website của mình nhấn mạnh vào các tính năng cho vay nhanh chóng, thuận tiện dành cho những người không có lịch sử dụng tín dụng tốt, mô tả những người cho vay như là những người có trách nhiệm và giàu lòng trắc ẩn. Những thông tin này che mờ đi những cảnh báo bắt buộc khiến người vay không nhận thức được hết những rủi ro khi vay. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường thực thi các quy định về chống các hành vi không chính đáng và quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
 
4. Đánh giá chung về pháp luật của Úc trong bảo vệ người vay tiêu dùng giá trị nhỏ
 
Các thông tin trên cho thấy rằng pháp luật Úc dựa trên những nhận thức khá rõ ràng về những rủi ro đối với người tiêu dùng khi tiếp cận dịch vụ cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ. Bản thân những người tiếp cận các dịch vụ vay tiêu dùng giá trị nhỏ cũng thường thuộc nhóm đối tượng gặp bất lợi. Họ tìm đến dịch vụ này để giải quyết những nhu cầu thiết yếu và cấp bách về tài chính trong thời gian chờ đến kỳ được trả lương hoặc lĩnh trợ cấp (vì vậy có tên gọi là payday lending). Bên cạnh những rủi ro về chi phí vay cao, dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần, nguy cơ phá sản, những người này còn có nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư về thông tin. Đây là lý do để pháp luật Úc đặt ra những quy định về cấp phép, về giới hạn chi phí vay, về trách nhiệm của người cho vay trong việc thẩm định tài chính của người vay, về thực hiện trách nhiệm cảnh báo, về các hành vi quảng cáo cũng như về bảo vệ quyền riêng tư của người vay. Yêu cầu bổ sung các biện pháp nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh số hóa cũng đã được cân nhắc. 
 
5. Một số bài học nhằm hoàn thiện pháp luật bảo vệ người vay tiêu dùng ở Việt Nam
 
Đối chiếu các kinh nghiệm của Úc với thực trạng bảo vệ người vay tiêu dùng ở Việt Nam, có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam còn khá nhiều khoảng trống, từ đó tạo ra những quan ngại đối với yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng.
 
Ở Việt Nam, tín dụng tiêu dùng được cung cấp bởi ngân hàng và công ty tài chính. Các ngân hàng chủ yếu cho vay mua nhà và xe trong khi các công ty tài chính tiêu dùng thường cung cấp những khoản vay nhỏ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng46. Nghiệp vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được xem là cách để người tiêu dùng có thể tiếp cận kênh vay vốn chính thức thay vì phải tìm đến những kênh vay nợ phi chính thức với mức lãi vay cắt cổ47. Hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, do vậy được nhà nước quan tâm phát triển như một phương thức để đẩy lùi “tín dụng đen”48.
 
Mặc dù có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ người vay tiêu dùng chống lại những ảnh hưởng của tín dụng đen, việc thiếu một cơ chế pháp lý hiệu quả khiến cho hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính chưa thực sự phát huy đầy đủ ý nghĩa này. Thực tế cho thấy hoạt động cho vay tiêu dùng đang nổi lên những vấn đề sau:
 
Thứ nhất, chi phí vay cao 
 
Trên thực tế, những người vay tiêu dùng ở các công ty tài chính thường ít có cơ hội thỏa thuận về lãi suất, nhất là khi họ đang có nhu cầu vay tiền để chi tiêu. Bên cạnh đó, người vay có thể còn phải chi trả các chi phí khác liên quan đến khoản vay, trong đó có tiền bảo hiểm. Về vấn đề này, pháp luật Úc không chỉ ấn định trần lãi suất mà còn ấn định mức tối đa có thể đòi từ người vay không quá 2 lần khoản vay thực cấp, đồng thời không sử dụng khái niệm “lãi suất” mà sử dụng khái niệm “chi phí vay”, đảm bảo người vay tiêu dùng không phải chịu rủi ro phải gánh những khoản nợ quá lớn phát sinh từ khoản vay ban đầu.
 
Thứ hai, nguy cơ rơi vào bẫy nợ nần
 
Để đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính tiêu dùng không chỉ đưa ra quy trình và hồ sơ đơn giản, tốc độ phê duyệt nhanh chóng mà còn tích cực liên kết với các đại lý xe máy, chuỗi cửa hàng kinh doanh điện máy, điện thoại và đồ gia dụng… để khuyến khích người vay. Sự phát triển của các hoạt động cho vay tiêu dùng theo cách này được xem là đang tạo ra sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người Việt Nam, từ “tiết kiệm trước, tiêu dùng sau” thành “chi tiêu trước, trả tiền sau”49. Có thể thấy, cho vay tiêu dùng không chỉ là kênh giúp người dân đáp ứng những nhu cầu cấp bách hàng ngày mà còn thúc đẩy người tiêu dùng vay mua sắm, chi tiêu. Mặt trái của nó là người dân có thể chi tiêu quá với khả năng của mình, không ý thức được hết những rủi ro về tài chính họ có thể phải đối mặt, bao gồm trong đó không chỉ chi phí vay nợ cao mà còn nguy cơ rơi vào tình trạng khánh kiệt về tài chính. Bên cạnh đó, một số người có thể biết mình không có khả năng trả nợ nhưng lợi dụng các quy trình vay lỏng lẻo cố tình vay để chi tiêu và không trả nợ, đẩy chi phí cho vay của các công ty tài chính lên cao và chi phí này cuối cùng sẽ đẩy lên vai những người vay khác. 
 
Về vấn đề này, pháp luật Úc đặt ra các quy định về cho vay có trách nhiệm, yêu cầu người cho vay phải đánh giá khả năng tài chính của người vay cũng như xem xét khoản vay có phù hợp với người vay hay không trước khi cho vay. Pháp luật Úc cũng đặt ra trách nhiệm của người cho vay trong việc cảnh báo người vay về các rủi ro khi vay cũng như gợi ý cho người vay cân nhắc các cơ hội vay khác mà họ có thể tiếp cận trước khi quyết định có sử dụng hay không dịch vụ vay của họ. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa có quy định đối với vấn đề này. Pháp luật Việt Nam cũng còn thiếu những quy định về trách nhiệm của người vay trong việc cảnh báo về những rủi ro của khoản vay. Trên thực tế, quảng cáo của các công ty tài chính tiêu dùng thường nhấn mạnh vào những lợi ích của khoản vay, trong khi chi phí vay thực tế (chẳng hạn như bảo hiểm, phí thu nợ đối với khoản vay trả góp, lãi phạt trả nợ trước hạn, lãi phạt trả lãi không đúng hạn)50 và những rủi ro về tài chính liên quan đến khoản vay thường không được đề cập đến. Ngoài ra, tham gia vào quảng cáo các dịch vụ cho vay tiêu dùng đến người tiêu dùng còn có các trang web so sánh, các bài viết trên mạng xã hội của những người có ảnh hưởng trong cộng đồng. Thông tin được cung cấp qua các kênh này thường được thể hiện là khách quan, trung lập, nhưng chưa có ai kiểm soát liệu thông tin có thực sự được đưa ra khách quan hay không hay là hình thức quảng cáo được trả tiền bởi các công ty cho vay tiêu dùng. Pháp luật cũng không có bất kỳ quy định nào yêu cầu những người cung cấp các thông tin này làm rõ trường hợp nào họ cung cấp thông tin khách quan và trường hợp nào thực hiện theo hợp đồng ký với doanh nghiệp.
 
Pháp luật tài chính ngân hàng của Việt Nam ở góc độ nhất định cũng đã chú ý tới vấn đề này. Cụ thể, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước) yêu cầu công ty tài chính tiêu dùng phải công khai và giải thích các nội dung của hợp đồng vay tiêu dùng cho người vay. Công ty tài chính cũng có trách nhiệm kiểm soát việc sử dụng tiền vay, đảm bảo người vay sử dụng tiền vay đúng mục đích. Tuy nhiên, các quy định về thông tin như trên chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm minh bạch thông tin của người cho vay. Vấn đề quảng cáo các sản phẩm cho vay tiêu dùng cũng chưa được kiểm soát. Do vậy, vấn đề này trước mắt cần được khắc phục bằng cách nâng cao trách nhiệm minh bạch thông tin và cảnh báo người vay về các chi phí cũng như rủi ro liên quan đến khoản vay để họ có thể ra quyết định trên cơ sở được thông tin đầy đủ.
 
Thứ ba, nguy cơ bị làm phiền và bị xâm phạm quyền riêng tư
 
Một trong những vấn đề nổi cộm khác trong hoạt động cho vay tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay là vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, đặc biệt với các trường hợp cho vay qua mạng, hay sử dụng ứng dụng (app). Nhiều dịch vụ cho vay đã sử dụng tính năng truy cập vào danh bạ điện thoại của người vay và sử dụng danh bạ đó để gọi điện nhằm gây sức ép để những người vay phải tìm mọi cách trả nợ. Trong thời gian vừa qua, cũng có tình trạng các công ty tài chính tiêu dùng yêu cầu người vay cung cấp tên của họ hàng, người thân, nơi làm việc. Khi đến hạn mà người vay không thanh toán, nhân viên thu nợ sẽ sử dụng kiểu “triệt hạ danh dự”, gọi điện cho bạn bè, người thân, cơ quan nơi người đó làm việc51. Về vấn đề này, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN đã bổ sung yêu cầu các công ty tài chính tiêu dùng phải thỏa thuận và ghi vào hợp đồng thời gian được phép nhắc nợ và phải trong khung giờ từ 7 giờ đến 21 giờ, không được phép đe dọa khách hàng, số lần đòi nợ không quá 5 lần/ngày và không được nhắc những người thân quen của người vay về việc trả nợ của người vay. Tuy nhiên, chưa có những quy định hạn chế mức độ thông tin về người vay mà công ty tài chính tiêu dùng có thể thu thập. Do vậy, quy định của Úc là người cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ chỉ được thu thập thông tin về người vay ở mức cần thiết và bằng những cách thức hợp pháp và công bằng, đồng thời không được phép tiết lộ cho người khác cũng là cách làm mà Việt Nam có thể tham khảo.
 
6. Kết luận
 
Nghiên cứu kinh nghiệm về bảo vệ người vay tiêu dùng giá trị nhỏ ở Úc cho thấy nhiều điểm tương tự với Việt Nam liên quan đến những yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Trong đó, những vấn đề đáng chú ý là yêu cầu về bảo vệ người tiêu dùng khỏi các nguy cơ phải chấp nhận mức chi phí vay quá cao, rủi ro về bẫy nợ nần cũng như khả năng bị làm phiền và xâm phạm quyền riêng tư. Pháp luật Úc cũng đã thiết lập nhiều biện pháp quan trọng để bảo vệ người vay tiêu dùng giá trị nhỏ, trong đó có những biện pháp về cấp phép, quy định trách nhiệm của người cho vay trong việc xem xét chấp thuận các khoản vay, quy định các trách nhiệm của người vay trong cảnh báo cũng như cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, xác định chi phí vay tối đa…
 
Thị trường vay tiêu dùng ở Việt Nam mới phát triển trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây52 và cho đến nay, pháp luật về bảo vệ người vay tiêu dùng chưa được hoàn thiện và tình trạng vi phạm quyền lợi của người vay tiêu dùng vẫn diễn ra khá phổ biến. Kinh nghiệm về bảo vệ người vay tiêu dùng của Úc, do vậy, cung cấp những bài học quan trọng có thể tham khảo trong quá trình hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người vay tiêu dùng của Việt Nam.

1 Quy định tại Mục 5 NCCP.
2 Mục 5 NCCP.
3 Báo cáo của Trung tâm Pháp luật hành động vì người tiêu dùng, tháng 8/2013 [Consumer Action Law Centre, What Warning? Observations about Mandated Warnings on Payday Lender Websites (Report, August 2013)] tr. 6.
4 Chettle (n 56); ‘Payday Lenders Target Vulnerable Women’, Life Matters (ABC Radio National, 23 May 2018) <https://www.abc.net.au/radionational/programs/lifematters/vulnerable-women-and-payday-loans/9772366>; Emily Piesse, ‘Perth Mother on Disability Pension Charged $760 for $175 Loan by Short-Term Credit Agent Cigno’, ABC News (online, 1 December 2018) <https://www.abc.net.au/news/2018-12-01/mother-left-with-430-pc-loan-to-short-term-credit-agent-cigno/10571730>; Kathryn Diss, ‘Payday Loans Increase as Households Pushed into Risky Credit from Non-Bank Lenders’, ABC News (online, 21 February 2019)<https://www.abc.net.au/news/2019-02-21/payday-loans-increase-as-households-pushed-into-riskycredit/10827342?pfmredir=sm>.
5 Xem Bản giải thích đã được sửa đổi, Dự thảo của Liên bang năm 2012 về chỉnh sửa (nâng cấp) luật về tín dụng tiêu dùng [Revised Explanatory Memorandum, Consumer Credit Legislation Amendment (Enhancements) Bill 2012 (Cth)].
6 Mục 47(1)(a) NCCP.
7 Mục 47(1)(h), (i) NCCP.
8 Mục 126(1), 126(2)(f) NCCP.
9 Chương 3 NCCP.
10 Mục 115(1)(c), (2)(a), 116(1)(b), (2)(b) NCCP.
11 Mục 117 NCCP.
12 Mục 117(1A) NCCP.
13 Mục 131(2)(a) NCCP.
14 Mục 131(3A) NCCP.
15 Mục 123 NCCP.
16 Mục 28S(3) Quy định của Liên bang về bảo vệ người vay tiêu dùng năm 2010 (NCCPR).
17 Xem Bản giải thích đã được sửa đổi, Dự thảo của Liên bang năm 2012 về chỉnh sửa (nâng cấp) luật về tín dụng tiêu dùng [Revised Explanatory Memorandum, Consumer Credit Legislation Amendment (Enhancements) Bill 2012 (Cth)].
18 Mục 31A(2) Bộ quy tắc quốc gia về tín dụng.
19 Mục 31A(3) Bộ quy tắc quốc gia về tín dụng.
20 Mục 39B Bộ quy tắc quốc gia về tín dụng.
21 Xem Bản giải thích đã được sửa đổi, Dự thảo của Liên bang năm 2012 về chỉnh sửa (nâng cấp) luật về tín dụng tiêu dùng [Revised Explanatory Memorandum, Consumer Credit Legislation Amendment (Enhancements) Bill 2012 (Cth)].
22 Mục 124B NCCP.
23 Quy định 28XXB(a)-(b) thuộc NCCPR.
24 Quy định tại NCCPR. Phụ lục 8 quy định về dấu biểu tượng đi kèm với đường link.
25 Quy định 28XXB(c)-(d) thuộc NCCPR.
26 Quy định tại NCCPR, Phụ lục 9.
27 Quy định 28XXB(e) tại NCCPR.
28 Quy định 28XXB(f) tại NCCPR.
29 Xem Bản giải thích đã được sửa đổi, Dự thảo của Liên bang năm 2012 về chỉnh sửa (nâng cấp) Luật về tín dụng tiêu dùng [Revised Explanatory Memorandum, Consumer Credit Legislation Amendment (Enhancements) Bill 2012 (Cth)].
30 Thể hiện trong phán quyết vụ việc Google kiện Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc năm 2013 (Google Inc v Australian Competition and Consumer Commission (2013) 249 CLR 435) và phán quyết vụ việc Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiện Công ty siêu thị Coles năm 2014; (Australian Competition Consumer Commission v Coles Supermarkets Australia Pty Ltd (2014) 317 ALR 73).
31 Mục 12CA-12CB Đạo luật về Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (‘ASIC Act’).
32 Mục 12CA-12CB ASIC Act.
33 Mục 12CC(1)(a), (i) ASIC Act.
34 Mục 12CC(1)(b), (d) ASIC Act.
35 Mục 12CC(1)(g), (3) ASIC Act.
36 ASIC, ‘Quảng cáo các sản phẩm và dịch tài chính (bao gồm cả tín dụng): Hướng dẫn về những mô hình tốt’ Hướng dẫn số 234, tháng 11/2012) [ASIC: Advertising Financial Products and Services (Including Credit): Good Practice Guide Regulatory Guide No 234, November 2012)].
37 Xem Vụ việc Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc kiện Công ty C G Berbatis năm 2003 [Australian Competition and Consumer Commission v C G Berbatis Holdings Pty Ltd (2003) 214 CLR 51, 63 [8] (Gleeson CJ), trích dẫn vụ việc Blomley kiện Ryan năm 1956 [Blomley v Ryan (1956) 99 CLR 362, 405 (Fullagar J). Cũng xem vụ việc Bridgewater kiện Leahy năm 1998 [Bridgewater v Leahy (1998) 194 CLR 457, 490 [115] (Gaudron, Gummow and Kirby JJ)] trong đó có phần phân tích về sự lệ thuộc về mặt tình cảm như là một trong những yếu tố được coi là bất lợi.
38 Hướng dẫn số 234, mục164 (c) của ASIC.
39 Hướng dẫn số 234, mục 93 của ASIC.
40 Hướng dẫn số 234, mục 123 của ASIC.
41 Hướng dẫn số 234, mục 136 của ASIC.
42 Phụ lục 1, Mục 6N Đạo luật về quyền riêng tư 1988.
43 Phụ lục 1, Mục r3.2 Đạo luật về quyền riêng tư 1988.
44 Phụ lục 1, Mục r3.5 Đạo luật về quyền riêng tư 1988.
45 Mục 80Q(1) Đạo luật về quyền riêng tư 1988.
46 Đỗ Linh, Cho vay tiêu dùng kích cầu nội địa, Báo Sài Gòn giải phóng ngày 18/3/2019, tại https://saigondautu.com.vn/tai-chinh/cho-vay-tieu-dung-kich-cau-noi-dia-66567.html, truy cập 15/12/2020.
47 Nguyễn Thị Mùi, Minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng, Báo Nhân dân điện tử ngày 16/12/2019, tại http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42596802-minh-bach-hoa-hoat-dong-cho-vay-tieu-dung.html, truy cập 19/12/2020.
48 Đình Hải, Đẩy tín dụng tiêu dùng để “triệt” tín dụng đen, Website Ngân hàng Nhà nước, 10/12/2019, tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/apph/tbnh/tbnh_chitiet?
leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV403061&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop=4368444639225539#%40%3F_afrLoop%3D4368444639225539%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV403061%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dots869phm_414, truy cập 28/4/2020.
49 Nguyễn Thị Phương Thảo, Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam: Thị trường tiềm năng và đầy cạnh tranh, Tạp chí Công thương, 12 July 2020, tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cho-vay-tieu-dung-tai-viet-nam-thi-truong-tiem-nang-va-day-canh-tranh-73262.htm, truy cập 12/12/2020.
50 Đình Hải, “Lằn ranh đỏ” của công ty tài chính, Website Ngân hàng Nhà nước, tại,https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/apph/tbnh/tbnh_chitiet?
leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV339976&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop=4768167181903852#%40%3F_afrLoop%3D4768167181903852%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV339976%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D19ao4zjbh9_318, truy cập 6/12/2020.
51 Đình Hải, tài liệu đã dẫn.
52 Đỗ Linh, tài liệu đã dẫn.
(Thông tin về pháp luật, bao gồm cả các trích dẫn liên quan trong bài viết này thuộc về kết quả nghiên cứu của TS. Vivien Chen, Đại học Monash (Úc), công bố trên Tạp chí Luật Đại học New South Wales, nhan đề: Online Payday Lenders: Trusted Friends or Debt Traps?, University of New South Wales Law Journal, 43 (2), từ tr. 674, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Nghiên cứu về các sản phẩm tài chính có tác động tiêu cực, được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu của Úc, mã số LP160100082).

TS. Trần Thị Quang Hồng
Trưởng ban Nghiên cứu pháp luật dân sự - kinh tế Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Hà Nội 

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
16/04/2024 911 lượt xem
Chính sách tín dụng nông thôn (tín dụng nông thôn) ở Brazil là các chương trình cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, năng suất và đầu tư; nâng cao thu nhập của các trang trại và doanh nghiệp; nâng cao mức sống của người dân nông thôn.
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
04/04/2024 2.253 lượt xem
Bài viết phân tích, đánh giá một số kinh nghiệm quốc tế về cơ cấu thu NSNN bền vững thông qua bốn loại thuế, gồm: Thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện cơ cấu thu NSNN bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
21/03/2024 4.215 lượt xem
Hệ thống hưu trí là một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội với hai hệ thống hưu trí bắt buộc và hệ thống hưu trí tự nguyện. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp ở các nước trên thế giới rất quan trọng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
19/03/2024 8.905 lượt xem
Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, từ sản lượng công nghiệp đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế đều giảm.
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
07/03/2024 5.798 lượt xem
Những thay đổi về nhân khẩu học toàn cầu, đặc biệt là xu hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức và rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
03/03/2024 7.915 lượt xem
Sau gần hai năm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và đưa lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ về gần lạm phát mục tiêu là 2%, trong năm 2024, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những thay đổi lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
15/02/2024 6.500 lượt xem
Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức thông qua chức năng cung cấp sự đảm bảo, tư vấn khách quan, chuyên sâu và theo định hướng rủi ro.
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
13/02/2024 6.459 lượt xem
Nhìn lại năm 2023, trên khắp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/2023, Mizuho đã hỗ trợ Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - Việt Nam tại Tokyo cùng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và các định chế tài chính khác.
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
26/01/2024 7.727 lượt xem
Sau những cú sốc mạnh trong năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định vào đầu năm 2023.
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
15/01/2024 8.163 lượt xem
Chuyển đổi số và sự bùng nổ công nghệ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của khách hàng và hoạt động kinh doanh. Xu hướng thay đổi này dẫn đến quá trình số hóa trong các lĩnh vực như sản xuất, chuỗi cung ứng, tài chính và các dịch vụ phụ trợ khác.
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
05/01/2024 8.941 lượt xem
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ sụp đổ của những ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng, điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính chất dễ đổ vỡ của ngân hàng. Việc một ngân hàng đổ vỡ thể hiện kỉ luật thị trường đối với những ngân hàng có hoạt động kinh doanh thiếu an toàn, lành mạnh nhưng lại tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng và người gửi tiền.
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
21/12/2023 10.377 lượt xem
Sự chuyển dịch nhanh chóng của hệ thống tiền tệ số toàn cầu đã khiến chính phủ các nước có phần lúng túng trong việc thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi chi tiêu và đầu tư của người dân.
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
20/12/2023 9.594 lượt xem
Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất của châu Phi trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bài viết này tóm lược sự phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nước châu Phi trong thời gian hơn một thập kỉ vừa qua và việc Trung Quốc sử dụng lĩnh vực ngân hàng hỗ trợ cho sự phát triển đó.
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
16/11/2023 10.723 lượt xem
Bài viết khái quát quá trình triển khai huy động dòng vốn toàn cầu thông qua tiền mã hóa của Chính phủ Ukraine và Liên bang Nga; từ đó, đánh giá hiệu quả thực tiễn của việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán xuyên biên giới, nguy cơ sử dụng tiền mã hóa trong các hoạt động rửa tiền, khủng bố và đưa ra hàm ý cho Việt Nam.
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
06/11/2023 10.559 lượt xem
Hoạt động huy động vốn cộng đồng đã trở nên phổ biến sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phương thức này đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, hoạt động huy động vốn theo hình thức cổ phần (Equity - based Crowdfunding - ECF) là hình thức gọi vốn được các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất ưa chuộng. Với ECF, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ cộng đồng thông qua một nền tảng trên Internet.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?