Bài viết đề cập đến cơ sở lý luận của việc cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng cho cơ quan thuế, xem xét lại giới hạn của nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng, phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ này, đưa ra một vài khuyến nghị nhằm bảo đảm quyền được bảo mật thông tin khách hàng, quyền của người nộp thuế trong sự hài hòa với nghĩa vụ cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng cho cơ quan thuế.
Từ khóa: Bảo mật, ngân hàng, cung cấp thông tin, khách hàng, cơ quan thuế.
Nhiều chủ tài khoản còn băn khoăn về quy định ngân hàng chuyển thông tin khách hàng cho cơ quan thuế
1. Cơ sở lý luận của việc cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng cho cơ quan thuế
Theo Báo cáo Cải thiện tiếp cận thông tin cho mục đích thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2020, việc không đủ khả năng tiếp cận thông tin ngân hàng là một trở ngại đối với việc quản lý thuế và thực thi pháp luật1. Theo công bố của tổ chức Mạng lưới pháp lý thuế quan (TJN) ngày 20/11/2020, mỗi năm, các quốc gia đang mất tổng cộng hơn 427 tỷ USD tiền thuế do tình trạng lạm dụng thuế doanh nghiệp quốc tế và trốn thuế tư nhân2.
Thật vậy, trong hoạt động ngân hàng, song hành cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ là sự gia tăng các giao dịch quốc tế, điều này gây ra nhiều lo ngại trong việc quản lý thuế. Việc từ chối cơ quan thuế truy cập thông tin ngân hàng có thể phát sinh những hậu quả bất lợi trong nước và quốc tế. Trong nước, điều này có thể cản trở khả năng của cơ quan thuế trong việc xác định và thu đúng số tiền thuế. Đồng thời, việc này cũng có thể thúc đẩy sự bất bình đẳng về thuế giữa những người nộp thuế bởi một số người nộp thuế sẽ sử dụng nguồn lực về công nghệ và tài chính để trốn thuế thông qua các giao dịch với các tổ chức tài chính ở những quốc gia có quy định về bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng đối với cơ quan thuế. Rõ ràng là, sự gia tăng các giao dịch tài chính của khách hàng với các tổ chức tài chính của nhiều nước trên thế giới do những tiến bộ của công nghệ gây ra nhiều lo ngại trong việc quản lý thuế. Điều này cũng làm sai lệch việc phân bổ gánh nặng thuế và có thể dẫn đến “sự thất vọng” về tính công bằng của hệ thống thuế.
Việc thiếu khả năng tiếp cận thông tin ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch rửa tiền đạt được những thành công thông qua việc xử lý số tiền thu được từ tội phạm ngụy tạo nguồn gốc bất hợp pháp qua hệ thống ngân hàng. Thông qua hệ thống ngân hàng, các kỹ thuật rửa tiền cũng được sử dụng để che giấu thu nhập chịu thuế bất hợp pháp và hợp pháp từ cơ quan thuế. Điều này cũng thúc đẩy sự bất bình đẳng về thuế giữa những người nộp thuế tuân thủ luật thuế và những người tìm cách tránh thuế, trốn thuế. Tương tự, sự bình đẳng giữa những người nộp thuế bị bóp méo bởi những người nộp thuế tuân thủ sẽ có thu nhập sau thuế thấp hơn những người có thể che giấu thu nhập của mình thông qua các việc lợi dụng sự bảo mật thông tin khách hàng.
Hơn nữa, nếu cơ quan thuế không có quyền yêu cầu cung cấp thông tin ngân hàng sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu từ thuế, các chính phủ sẽ phải cân nhắc để quyết định xem liệu có nên giảm các dịch vụ mà họ cung cấp hay phải thu phí tăng lên do vay vốn để tài trợ cho việc cung cấp các dịch vụ đó. Thiếu tiếp cận thông tin ngân hàng có thể làm tăng chi phí quản lý thuế và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế. Trên bình diện quốc tế, thiếu khả năng tiếp cận thông tin ngân hàng đầy đủ cho mục đích thuế có thể cản trở hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến thuế, từ đó có thể dẫn đến hành động đơn phương của quốc gia tìm kiếm thông tin ngân hàng, gây thiệt hại cho khách hàng và nền tài chính quốc gia.
Việc từ chối cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế cũng có thể dẫn đến việc không tuân thủ thuế tự nguyện nhất là khi ngày càng có nhiều cá nhân nhận thu nhập từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google, Yahoo, Youtube hoặc kinh doanh thương mại điện tử qua các sàn thương mại điện tử như: Amazon, Lazada, Tiki, Shopee,… Doanh thu của các dịch vụ quảng cáo trực tuyến, bán hàng trực tuyến có thể sẽ không được khai báo hoặc khai báo không đúng với thực tế, các dữ liệu giao dịch có thể bị sửa đổi hoặc xóa bỏ sau khi thực hiện. Trốn thuế đang diễn ra phổ biến trên tất cả các lĩnh vực, gây thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.
Với những tác động như vậy, nhiều nước đã quy định việc cải thiện tiếp cận thông tin khách hàng cho mục đích thuế. Ngày càng nhiều nước công nhận rằng, việc cho phép thuế hay các cơ quan chức năng truy cập thông tin ngân hàng cho các mục đích thuế có khả năng tăng cường việc thực thi pháp luật có liên quan. Việc truy cập vào hồ sơ ngân hàng tạo điều kiện cho các cuộc điều tra của Chính phủ là cần thiết để ngăn chặn các tội phạm tài chính như gian lận, trốn thuế, rửa tiền.
2. Cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng cho cơ quan thuế liệu có vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng
Ngân hàng có nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng của mình, không được để cho thông tin về cuộc sống riêng tư cá nhân, tài chính của khách hàng bị chủ thể khác tự do tiếp cận, khai thác nếu những thông tin mà ngân hàng có được do khách hàng cung cấp hoặc thông tin phát sinh trong quá trình giao dịch, cung ứng các nghiệp vụ ngân hàng, sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở hợp đồng giữa khách hàng với các ngân hàng. Nghĩa vụ này được hình thành dựa trên sự tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân, nghĩa vụ liên quan đến hoạt động chuyên môn nghề nghiệp và nguyên tắc thiện chí, trung thực trong luật về hợp đồng, pháp luật về đại lý. Đây là nghĩa vụ mà các ngân hàng phải triệt để tuân thủ. Bảo mật thông tin khách hàng góp phần khuyến khích mọi người gửi tiền vào các ngân hàng. Ngân hàng khi thực hiện tốt nghĩa vụ này sẽ tạo lập được niềm tin của khách hàng, từ đó giúp ngân hàng có thể tránh được các rủi ro pháp lý, hoạt động kinh doanh ngân hàng sẽ đạt được hiệu quả, kích thích sự phát triển của ngành dịch vụ tài chính, sự phát triển của nền kinh tế.
Sự phát triển của khoa học công nghệ thời gian qua đã tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng và hoạt động kinh doanh ngân hàng nhưng bên cạnh sự thuận lợi đó là những rủi ro và cơ hội gian lận phát sinh. Chẳng hạn, việc khách hàng lợi dụng các quy định bảo mật để thực hiện việc che giấu tội phạm và hành vi sai trái như thực hiện các giao dịch liên quan đến tài trợ khủng bố, mua bán ma túy, rửa tiền, trốn thuế… điều này gây nhiều bất lợi cho xã hội. Bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng đặt trước nhiều thách thức, câu hỏi đặt ra là có nên mở rộng khả năng tiếp cận thông tin khách hàng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không?
Nhà nước với tư cách là người đảm nhận chức năng bảo đảm tính có tổ chức của xã hội, có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thực hiện quyền được bảo mật thông tin của công dân trong khuôn khổ trật tự xã hội. Tuy nhiên, khi cần thiết để bảo vệ an ninh công cộng, an toàn và phúc lợi chung, thì Nhà nước quyết định cần hạn chế đối với những gì mà mình bảo vệ và đương nhiên cần có sự cân bằng giữa lợi ích công cộng và quyền tư nhân, quyền dân sự. Điều này đã được khẳng định tại Điều 8 Công ước về bảo vệ Nhân quyền và những quyền tự do cơ bản năm 1950: “Mọi người đều có quyền được tôn trọng đời sống riêng tư và gia đình, nơi cư trú và thư từ” và “cơ quan công quyền có thể có sự can thiệp tới việc thực hiện quyền này chỉ khi sự can thiệp này được luật dự liệu và là một biện pháp trong một xã hội dân chủ và cần thiết cho an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc vì sự thịnh vượng của đất nước với mục đích ngăn ngừa sự hỗn loạn hoặc tội phạm, bảo vệ sức khỏe hoặc các giá trị đạo đức hoặc bảo vệ quyền và sự tự do của các chủ thể khác”.
Ngày nay, hầu hết các nước đều thống nhất rằng, nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng không phải là tuyệt đối. Chẳng hạn, theo pháp luật Thụy Sĩ, thông tin của khách hàng có thể được tiết lộ trong các trường hợp sau: (i) theo yêu cầu của pháp luật (khi các điều khoản theo luật định yêu cầu công bố); (ii) khi có lợi ích quan trọng hơn (có thể là lợi ích riêng tư hay lợi ích công cộng); (iii) khi có sự đồng ý của khách hàng3.
Tại Anh, nghĩa vụ bảo mật thông tin của khách hàng được đề cập trong án lệ Tournier. Theo đó, đây là nghĩa vụ được xác định mặc nhiên giữa ngân hàng với khách hàng, song, không phải là tuyệt đối. Án lệ Tournier đã xác định bốn điều kiện đi kèm nghĩa vụ này, đó là: (i) việc công bố thông tin theo yêu cầu của pháp luật; (ii) nhiệm vụ phải công bố công khai; (iii) các lợi ích của ngân hàng yêu cầu công bố thông tin; (iv) việc công bố được thực hiện bởi sự đồng ý rõ ràng hay ngụ ý của khách hàng4.
Tại Singapore, nghĩa vụ bảo mật thông tin của khách hàng được quy định tại Điều 47 Luật Ngân hàng Singapore năm 1970, sửa đổi, bổ sung năm 2018 như sau: “Thông tin khách hàng của ngân hàng sẽ không bị tiết lộ bởi ngân hàng hoặc bất kỳ nhân viên nào của ngân hàng tại Singapore, ngoại trừ được quy định rõ ràng trong Đạo luật này”. Phụ lục thứ ba của Đạo luật này quy định các trường hợp cung cấp thông tin khách hàng, chẳng hạn nếu không có sự đồng ý của khách hàng, các ngân hàng được thành lập tại Singapore hoặc các ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Singapore không được tiết lộ thông tin của khách hàng với bên thứ ba trừ khi có lệnh của tòa án hoặc bảo vệ lợi ích của ngân hàng5.
Có thể thấy, hầu như các nước đều có quy định về giới hạn của nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng trong các trường hợp: (i) nếu khách hàng đồng ý; (ii) theo yêu cầu của pháp luật;(iii) vì lợi ích công cộng hay lợi ích chung; (iv) vì lợi ích chính đáng của ngân hàng.
Với những tác động bất lợi của việc hạn chế khả năng tiếp cận thông tin khách hàng của ngân hàng cho cơ quan thuế đối với nền kinh tế quốc gia cũng như thế giới, nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận việc cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng cho cơ quan thuế là một trong các giới hạn của nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng.
3. Quy định của pháp luật về cung cấp thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng cho cơ quan thuế tại Việt Nam và một số khuyến nghị
Ở Việt Nam, theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNNg) phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại TCTD, CNNHNNg. TCTD, CNNHNNg không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại TCTD, CNNHNNg cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”.
Nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Các TCTD về nghĩa vụ bảo mật và cung cấp thông tin khách hàng, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD, CNNHNNg (Nghị định số 117/2018/NĐ-CP) cũng đã quy định: “Thông tin khách hàng của TCTD, CNNHNNg phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật Các TCTD năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan”. Cũng theo điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP “TCTD, CNNHNNg chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức khác, cá nhân thuộc trường hợp có quy định cụ thể tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội”.
Cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan quản lý thuế đã được quy định tại Điều 9 Luật Quản lý thuế năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012. Hiện nay, nội dung này được quy định tại Điều 19 Luật Quản lý thuế năm 2019, cụ thể: Cơ quan quản lý thuế6 có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế; kiểm tra thuế, thanh tra thuế theo quy định của pháp luật; ấn định thuế; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng quy định rõ nghĩa vụ của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản7; cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý thuế8; khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam; trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế9.
Nội dung này đã được quy định cụ thể hóa tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Cụ thể: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn NHTM, TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế;…”10. Bên cạnh đó, Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể hơn trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản của khách hàng mở tại các ngân hàng cho cơ quan thuế, theo đó: (i) Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, NHTM cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản. Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo điểm a khoản này được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử. (ii) NHTM cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế11.
Có thể thấy, các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế đã xác định rõ chủ thể có nghĩa vụ phối hợp và chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan quản lý thuế theo luật định.
Việc cung cấp thông tin khách hàng của các NHTM cho cơ quan quản lý thuế thuộc các giới hạn luật định của nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng. Việc cung cấp thông tin trong trường hợp này là nhằm thực thi hoạt động quản lý nhà nước, do đó, các ngân hàng phải có nghĩa vụ tuân thủ. Tuy nhiên, việc xác định người đại diện có thẩm quyền của cơ quan thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp thông tin của khách hàng, các trường hợp cơ quan này được tiếp cận thông tin khách hàng, phạm vi, mục đích sử dụng thông tin khách hàng… cần phải được quy định một cách chặt chẽ.
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP hướng dẫn về việc cung cấp thông tin khách hàng của các TCTD thì chủ thể được quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng đã mở rộng ra tối đa. Liên quan đến việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, có các chức danh sau: Tổng Cục trưởng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế; Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế; Cục Trưởng, Phó Cục trưởng Cục Thuế; Chi Cục trưởng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế có quyền ký văn bản yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản và các giao dịch khác của khách hàng, nhưng không hướng dẫn cụ thể về phạm vi, thẩm quyền theo phân cấp khi yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng của họ. Điều này có thể sẽ tạo ra một sự “bất an” cho khách hàng. Do vậy, để đảm bảo hài hòa quyền được bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng, quyền của người nộp thuế và nghĩa vụ của ngân hàng trong việc cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế nhằm thực thi quy định pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến việc thu thuế thì:
Thứ nhất, pháp luật phải quy định rõ ràng đối tượng, tiêu chí khách hàng mà ngân hàng phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, từ đó xác định rõ phương thức cung cấp, quy trình phê duyệt của cơ quan thuế khi yêu cầu NHTM cung cấp thông tin khách hàng. Đây là nội dung quan trọng bởi nếu pháp luật chỉ ghi nhận NHTM có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế có thể dẫn đến “lạm quyền” và “gây ra những lo lắng từ phía khách hàng”, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Thứ hai, cần quy định rõ cơ chế giải quyết khi có mâu thuẫn trong việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng. Trường hợp giữa TCTD và cơ quan quản lý thuế có bất đồng về việc cung cấp thông tin khách hàng thì sẽ được giải quyết theo cơ chế pháp lý nào? Ví dụ, thời hạn cung cấp thông tin, phạm vi thông tin khách hàng của các NHTM cần phải cung cấp cho cơ quan quản lý thuế theo quy định nội bộ của ngân hàng hay theo quyết định của cơ quan thuế.
Thứ ba, quy định rõ cơ chế giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại phát sinh trong trường hợp làm lộ thông tin khách hàng, bởi việc khách hàng đi tìm các chứng cứ liên quan đến chủ thể làm lộ thông tin khách hàng được cung cấp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhau là điều không dễ dàng.
Thứ tư, cần quy định chế tài cụ thể nhằm xử lý các hành vi cung cấp thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng không đúng thẩm quyền, hoặc làm lộ các thông tin của khách hàng trong quá trình thực hiện các quy định về cung cấp thông tin khách hàng cho các cơ quan thực thi pháp luật về thuế.
1 OECD (2000), Improving Access to Bank Information for Improving Access to Bank Information for Tax Purposes Tax Purposes, https://www.oecd.org/ctp/exchange-of-tax-information/2497487.pdf
2 TTXVN, Nạn trốn thuế khiến thế giới thiệt hại khoảng 427 tỷ USD/năm, https://vtv.vn/kinh-te/nan-tron-thue-khien-the-gioi-thiet-hai-khoang-427-ty-usd-nam-2020112011424309.htm
3 Sandra Booysen, Dora Neo (2017), “Can Banks Still Keep a Secret? Bank secrecy in Financial Centres around the World”, Cambridge University Press, tr.317.
4 Sandra Booysen, Dora Neo (2017), Tlđd, tr.342.
5 Yun Hui Tan, Banking secrecy in Singapore, DENTONS RODYK (Sept. 2014), <http://dentons.rodyk.com/en/insights/alerts/2014/september/1/banking-secrecy-in-singapore>
6 Cơ quan quản lý thuế gồm: Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực; Cơ quan Hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan. (Khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý thuế năm 2019).
7 Điều 27 Luật Quản lý thuế năm 2019.
8 Điểm a khoản 2 Điều 98 Luật Quản lý thuế năm 2019.
9 Điều 27 Luật Quản lý thuế năm 2019.
10 Điểm a5, khoản 2 Điều 26 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý thuế.
11 Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý thuế.