TS.Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam
Năm nay là năm kỷ niệm 25 năm quan hệ hợp tác giữa WB và Việt Nam. Ông có thể tóm lược kết quả của quan hệ hợp tác 25 năm qua?
Kể từ năm 1993 đến nay, quan hệ đối tác giữa WB và Việt Nam đã đem lại những kết quả đáng chú ý. Tính đến 25/3/2019, WB đã cung cấp nguồn tài chính cho Việt Nam trị giá 24 tỷ USD bao gồm viện trợ không hoàn lại, vốn tín dụng, và vốn vay ưu đãi thông qua 165 hoạt động/dự án. Hiện có gần 50 dự án đang triển khai, với tổng mức cam kết ròng lên đến khoảng 9 tỷ USD.
Việt Nam còn được hưởng lợi qua một danh mục lớn và đa dạng các hoạt động hỗ trợ phân tích và tư vấn (ASA), với 61 nghiên cứu đang được triển khai. Nhiều chương trình ASA đã huy động thêm được sự hỗ trợ từ các đối tác cấp quốc gia và các quỹ tín thác của các đối tác phát triển chủ chốt. Mức cam kết hỗ trợ cho Việt Nam ngày càng tăng.
Trên cương vị Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, ông có cảm nhận gì về Việt Nam?
Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng quốc gia thu nhập thấp và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, đã đạt được mục tiêu của đổi mới một cách rất thành công. Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện nền tảng tích cực, có triển vọng trung hạn thuận lợi, và đang ở vị thế vững vàng để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do.
Nhưng vẫn còn những rủi ro liên quan đến sức cầu bên ngoài giảm, biến động tài chính toàn cầu. Trong nước tốc độ tăng trưởng đang chững lại, tiến độ cải cách vẫn chậm, mô hình phát triển đã đến giới hạn của nó còn thế giới đang thay đổi rất nhanh. Việt Nam đang ở ngã ba đường, không thể lùi lại nhưng cũng khó tiến lên, vì vẫn còn những khối đá chặn đường đi lên phía trước, các bạn phải thừa nhận thực tế này.
Tuy nhiên các bạn không thể cứ đứng mãi ở ngã 3 đường và nói “Tôi không thụt lùi” nhưng cũng chẳng tiến lên trong khi luôn có người khác đang muốn vượt qua. Vậy Việt Nam phải tiến lên với tốc độ tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn và phải thúc đẩy cải cách và một cuộc đổi mới 4.0, với những đổi mới sáng tạo về kinh tế, về xã hội, về giáo dục, về môi trường…
Cả thế giới đang thay đổi rất nhanh, trong đó người thành công không thể là người bảo thủ mà là những người tiếp thu đổi mới sáng tạo.
Ông có thể chia sẻ những ý tưởng mang tính chiến lược để Việt Nam đột phá tiến lên phía trước?
Như tôi đã nói Việt Nam phải tiến lên với cuộc đổi mới 4.0 và thúc đẩy cải cách mạnh mẽ với tư duy chiến lược, đổi mới và sáng tạo. Đổi mới sáng tạo cần phải được lồng ghép vào hướng phát triển của Việt Nam.
Làm thế nào để Việt Nam có thể đặt mình lên bệ phóng và tạo ra của cải ngoài thu hút vốn FDI, ngoài huy động tài nguyên? Làm thế nào để DN Việt Nam bắt đầu chiếm lĩnh thị trường?
Nếu muốn trở thành một nước thu nhập trung bình thành công thì Việt Nam không thể không đầu tư vào cơ sở hạ tầng, không thể không đầu tư vào nguồn vốn con người, không thể không đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ, và không thể không đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Như tôi đã nói, giữa ngã 3 đường, lời khuyên của tôi là chọn hướng có hạ tầng chất lượng cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển chất lượng cao và nhiều thứ khác nữa để từ đó chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu.
Phải tìm cách đổi mới, phải xem xét hệ thống hoạt động thế nào, làm thế nào để tạo động lực đúng đắn, làm thế nào để huy động được năng lực tiềm tàng, và luôn luôn quan tâm đến khối DN tư nhân vai trò của khối này. Các DN tư nhân có thể làm được rất nhiều điều. Nếu bạn lôi kéo các DN tư nhân cùng thực hiện chương trình nghị sự thì bạn sẽ phân bổ nguồn lực trong nước rất hiệu quả, sẽ có thêm nhiều nguồn lực để đầu tư …
Như ông đã nói vẫn còn những hòn đá cản đường, đổi mới rất khó khăn, khả năng chúng tôi làm được đến đâu?
Tôi nghĩ là nền kinh tế Việt Nam đã chín muồi để cải cách nhanh hơn với những cải cách quan trọng hơn. Đó không hẳn là điều dễ làm, nhưng ta biết rằng đó là con đường dẫn đến thành công và theo tôi thấy người Việt Nam và lãnh đạo Việt Nam không sống chung với cụm từ “không thể” hay “không làm được”. Tôi tin Việt Nam có thể làm được và phải làm được.
Chúng ta có một trái tim, một tấm lòng với tấm lòng, điều đó giúp cho Việt Nam phát triển.
Vâng, vậy làm thế nào để DN Việt Nam bắt đầu chiếm lĩnh thị trường?
Hiện nay, chỉ có rất ít DN Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài, chẳng hạn Viettel. Viettel đang có mặt ở Miến Điện, ở Mozambique và nhiều nơi khác. Nếu những DN như Viettel thành công được, họ sẽ đem lại nhiều cơ hội và họ sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho nhiều DN Việt Nam khác.
Chắc chắn thiếu những DN như vậy, Việt Nam không thể định vị quốc gia là một mô hình phát triển thành công. Vấn đề là làm sao để tạo ra năng lực cạnh tranh cho các DN của Việt Nam? Đó là câu hỏi lớn đòi hỏi phải có các DN chủ chốt, tìm ra hướng đi và tạo ra mô hình phát triển mới trong thời gian tới. Tôi cho rằng, các DN của Việt Nam cần được hỗ trợ, mà điều này rất quan trọng, một số quốc gia đã thực hiện được thành công.
Cảm ơn ông về cuộc đối thoại này!
Linh Đan thực hiện
Nguồn: thoibaonganhang.vn