1. Một số vấn đề chung
1.1. Khái niệm mạng xã hội và các hình thức mạng xã hội
Tại Việt Nam, tính đến đầu năm 2024, dân số đạt gần 100 triệu người nhưng có tới 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số. Các ứng dụng điển hình như Facebook có tới khoảng 72,7 triệu người dùng, YouTube có khoảng 63 triệu người dùng, Instagram có 10,9 triệu người dùng, TikTok có khoảng 67,72 triệu người dùng. Dữ liệu này cho thấy Việt Nam có tổng số người dùng Internet và mạng xã hội đáng kể, con số này tăng liên tục qua các năm1. Theo quy định của pháp luật, tại Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã đưa ra khái niệm mạng xã hội: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”. Như vậy, khái niệm mạng xã hội theo quy định trên đã liệt kê các hình thức dịch vụ sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, việc xác định để được coi là mạng xã hội phải có đầy đủ các thành tố trên hay không còn phụ thuộc vào việc tạo lập và sử dụng trên thực tế. Ngoài ra, với quy định bao quát “các hình thức dịch vụ tương tự khác” cho thấy nhà làm luật đã lường trước rằng ngoại diên khái niệm mạng xã hội còn được hiểu rất rộng, thực tế còn có thể xuất hiện các trường hợp khác tương tự như mạng xã hội.
Nhắc đến mạng xã hội, chúng ta thường hiểu là các dịch vụ trực tuyến tương tác xã hội như Facebook, Zalo, Lotus, Twitter... Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng “mạng xã hội bao gồm tất cả các trang thông tin điện tử được xây dựng theo hình thức một website và phát hành dựa trên nền tảng Internet, có nghĩa chúng cũng là các yếu tố cấu thành nên một chỉnh thể xã hội trên mạng”2... Quan điểm trên hiểu mạng xã hội theo nghĩa rộng, có thể coi đây là hình thức dịch vụ tương tự khác như đã phân tích ở trên, trong đó bao gồm cả các trang báo điện tử, tạp chí điện tử hay các trang thông tin điện tử khác do có đặc điểm chung là xây dựng theo hình thức website và phát hành dựa trên nền tảng Internet, được liên kết với nhau. Dưới góc độ quy định pháp luật và quan điểm nghiên cứu về mạng xã hội đã đưa ra, nhóm tác giả nhận thấy phạm trù mạng xã hội cần được hiểu theo nghĩa rộng mới thực sự đầy đủ và toàn diện.
1.2. Về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và thực trạng thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội
Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản quy định: “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Theo Từ điển Tiếng Việt, “thủ đoạn là cách làm khôn khéo, thường là xảo trá, chỉ cốt sao cho đạt được mục đích của riêng mình”3. Từ đó có thể hiểu, thủ đoạn phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội là hành vi, cách làm khôn khéo, xảo trá, gian dối của người thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhằm đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản một cách bất hợp pháp từ chủ thể khác của các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản được thực hiện trên nền tảng không gian mạng.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, để phòng ngừa, xử lý nghiêm loại tội phạm này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nói chung. Thực tiễn thống kê trong năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện “gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến; tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong đó, có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính và 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội... liên tục nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo”4. Tình hình tội phạm trên không gian mạng ngày càng diễn ra rất phức tạp, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng của các cơ quan nhà nước trong thời gian qua gặp không ít những khó khăn, vướng mắc bởi thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, hiện đại.
2. Các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội hiện nay
Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, qua việc tổng hợp, nghiên cứu các hình thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thực hiện tinh vi trên nền tảng không gian mạng xã hội với giá trị tài sản bị chiếm đoạt ngày càng lớn trong giai đoạn hiện nay, có thể nhận thấy các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sử dụng một số thủ đoạn phổ biến:
Thứ nhất, lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Thủ đoạn này được các đối tượng sử dụng thông dụng nhất trong giai đoạn hiện nay, với những biểu hiện như sau: (1) Sau khi tìm hiểu thông tin của người bị hại, đối tượng lập tài khoản Zalo, Facebook, Instagram... để tên và hình ảnh đại diện của người bị hại và sử dụng một tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc vay tiền, nạp thẻ điện thoại... từ bạn bè, người thân của người bị hại. Do tin tưởng vào thông tin, hình ảnh cá nhân, tài khoản trùng khớp với người bị hại nên bạn bè, người thân của người bị hại đã nhanh chóng chuyển tiền cho kẻ mạo danh mà không một chút do dự. Khi bị phát hiện, đối tượng ngay lập tức chặn, xóa hoặc đổi tên tài khoản; (2) Các đối tượng lập tài khoản mạng xã hội để giới thiệu mình là thương nhân, quân nhân, kỹ sư... có quốc tịch nước ngoài như Mỹ, Đức, Anh... đến và làm việc tại Việt Nam, để tạo lòng tin, các đối tượng để ảnh đại diện, ảnh nền, đăng ảnh và chia sẻ một số bài viết, video liên quan đến công việc, đời sống trước đó tại nước mà các đối tượng đã giới thiệu mang quốc tịch hoặc đã sinh sống, làm việc nhằm làm quen, kết bạn và nói chuyện cùng các người dùng ở Việt Nam. Bị hại của thủ đoạn này thường là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trung niên. Qua một thời gian, các đối tượng ngỏ ý tặng quà có giá trị cao hay gửi tiền với số lượng lớn để cảm ơn bị hại, hứa hẹn kết hôn, bảo lãnh nhập quốc tịch, đi nước ngoài... Để nhận được quà hay tiền, các đối tượng giới thiệu trang website để bị hại điền thông tin, số tài khoản, sau đó gửi hình ảnh biên lai, giấy báo chuyển đồ, tiền đến bị hại nhằm củng cố lòng tin... Sau một thời gian, dựa trên những thông tin đã khai thác từ bị hại, các đối tượng lợi dụng lòng tin, giả danh cán bộ hải quan, thuế vụ, an ninh... gọi điện thông báo tiền, hàng bị tạm giữ do số lượng ngoại tệ lớn yêu cầu bị hại đóng phí để nhận hàng hoặc nộp phạt, nộp tiền xác thực để nhận về số tiền trên. Do lo sợ nên bị hại chuyển số tiền lớn mà không biết mình đã bị lừa đảo.
Thứ hai, các đối tượng giả danh cán bộ cơ quan tư pháp
Lợi dụng tâm lý chung trong nhân dân lo sợ khi làm việc với cơ quan tư pháp, các đối tượng giả danh cán bộ cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân... gọi điện thoại di động, gửi mail hoặc thông qua gọi thoại mạng VoIP (Voice over Internet Protocol, tức là truyền giọng nói từ điện thoại thông qua kết nối Internet để thực hiện các cuộc gọi5), “dẫn dắt” nguyên nhân, quá trình giải quyết vụ việc nạn nhân đang bị điều tra do có liên quan đến đường dây rửa tiền, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thực hiện hành vi phạm tội khác... rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để bảo đảm điều tra hoặc nhằm phong tỏa để xác minh nguồn tiền trong tài khoản ngân hàng, thậm chí yêu cầu nạn nhân cung cấp user và password của Internet Banking để đăng nhập và chuyển tiền sang tài khoản khác nhằm chiếm đoạt.
Thứ ba, các đối tượng giả mạo là nhân viên ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Đối tượng sẽ trao đổi, mời người bị hại cung cấp thông tin cá nhân như sổ hộ khẩu, căn cước công dân... để hỗ trợ vay vốn, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi ưu đãi. Để tạo niềm tin với người bị hại, đối tượng giả mạo văn bản xác nhận có chữ ký lãnh đạo ngân hàng gửi cho người bị hại để chứng minh bị hại đã được giải ngân khoản vay, đủ điều kiện để nhận ưu đãi từ ngân hàng và yêu cầu bị hại nộp trước một khoản tiền để làm thủ tục, hứa sẽ được hoàn lại cùng với số tiền được giải ngân. Sau khi nhận được tiền, đối tượng cắt đứt mọi thông tin liên lạc với người bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng gọi điện xác nhận thông tin từ bị hại để hỗ trợ vay với lãi suất thấp. Sau khi đầy đủ thông tin, đối tượng thông báo người bị hại không đủ điều kiện vay vốn do có nợ xấu. Để được vay tiền, các đối tượng yêu cầu bị hại đóng trước một khoản tiền để xóa nợ xấu. Sau khi nhận được tiền, đối tượng sẽ cắt đứt toàn bộ liên lạc với người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng hỗ trợ bị hại rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin thẻ, đồng thời thông báo người bị hại sẽ nhận được một dãy mã số gửi đến số điện thoại (bản chất đây là mã OTP của giao dịch từ thẻ tín dụng). Nếu người bị hại cung cấp mã số này, đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử hoặc trực tiếp từ Internet Banking.
Gửi tin nhắn thương hiệu (SMS Brand name) của ngân hàng mà người dùng sử dụng nhằm thông báo chế độ, chính sách mới của ngân hàng để người dùng tự click vào tìm hiểu hoặc liên lạc lại sau đó các đối tượng “dẫn dắt” bằng các thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tài sản.
Thứ tư, đối tượng lợi dụng các trang mua sắm trực tuyến hoặc quảng cáo trên mạng xã hội (Telegram, Facebook, Zalo, Twitter, Instagram)... để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Thông qua những kênh này, đối tượng bán các mặt hàng thông dụng, hoặc mặt hàng thiết yếu với số lượng lớn, giá rẻ hơn giá thị trường... yêu cầu bị hại nhanh chóng đặt hàng và chuyển tiền đặt cọc trước để xác nhận mua hàng và/hoặc thanh toán theo hình thức Ship Cod6 (Cash On Delivery). Sau một thời gian, người bán lấy lý do không còn hàng, hàng bị chặn ở biên giới... số tiền đặt cọc đã dùng để đặt hàng nên không còn tiền hoàn trả, khi nào có sẽ hoàn trả; hoặc giao hàng không đúng mẫu mã, chủng loại, chất lượng, trốn tránh người mua bằng cách khóa sim, chặn điện thoại, khóa mạng xã hội...; hoặc giới thiệu việc làm trên các trang thương mại điện tử (Shopee, Lazada...) để hưởng phần trăm hoa hồng, đối tượng sẽ chia công việc thành các “gói nhiệm vụ” có giá trị từ thấp đến cao, bị hại bắt đầu từ nhiệm vụ thấp sau khi hoàn thành “nhiệm vụ” sẽ được các đối tượng chuyển trả ngay cả tiền gốc và tiền hoa hồng để tạo lòng tin, tiếp đó khi thực hiện nhiệm vụ cao hơn, bị hại được yêu cầu chuyển một khoản tiền lớn, sau khi nhận được tiền các đối tượng lấy lý do thao tác chưa chính xác nên phải chuyển tiếp để nhận lại tiền, cần phải chuyển tiền để thực hiện nhiệm vụ tiếp mới nhận lại được tiền...
Thứ năm, kết hợp tinh vi nhiều thủ đoạn phạm tội khác nhau
Các đối tượng đóng giả nhân viên công ty giao nhận hàng (shipper) hoặc nhân viên ngân hàng gọi điện đến bị hại thông báo có món đồ từ một công ty hoặc ngân hàng gửi do trúng thưởng (bên cạnh việc gọi điện thông báo, các đối tượng kết hợp nhắn tin, gửi hình ảnh để tạo lòng tin) và yêu cầu bị hại chuyển tiền để nhận hàng; hoặc đóng giả shipper thông báo đến bị hại có món đồ đang được vận chuyển đến nhưng bị công an tạm giữ để điều tra sau đó các đối tượng sẽ kết nối với một đối tượng khác giả danh cán bộ công an để trao đổi, đe dọa và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản mà đối tượng cung cấp để xác minh.
Thứ sáu, lập/tạo website giả mạo website ngân hàng ngày càng tinh vi
Lợi dụng kiến thức về công nghệ thông tin, thành tựu khoa học, công nghệ, các đối tượng có thể dễ dàng tạo một website, xây dựng nền tảng giống như website chính thức của ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thông qua các hình thức khác nhau, đối tượng sẽ gửi đường dẫn (link) giả mạo với nội dung thông báo nâng cấp hệ thống, tài khoản tạm ngừng dịch vụ... và yêu cầu bị hại truy cập vào các website bằng đường link giả (thường được giới thiệu là link dự phòng của ngân hàng) và làm theo các yêu cầu của đối tượng. Khi bị hại truy cập vào link, cung cấp thông tin thì đối tượng có thể dễ dàng chiếm đoạt tiền từ tài khoản thực của bị hại.
Nhìn chung, các đối tượng thực hiện lừa đảo một cách tinh vi, với phương thức hiện đại, phân công phân nhiệm rõ ràng giữa từng thành viên; đặc điểm chung của các thủ đoạn thực hiện hành vi trên nền tảng số, không gian mạng, thông qua hình thức chủ yếu là liên kết tài khoản ngân hàng hoặc các app, ví điện tử của chủ thể với một phương tiện khác, có xu hướng tác động vào tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt thông qua việc chuyển tiền qua tài khoản, việc thực hiện hành vi phạm tội và xóa dấu vết được thực hiện nhanh chóng. Khi thực hiện xong các hành vi phạm tội, các đối tượng có thể nhanh chóng đánh sập website, xóa vĩnh viễn tài khoản giả mạo... gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình giải quyết vụ việc.
3. Một số giải pháp phòng, chống và khuyến nghị
3.1. Một số giải pháp phòng, chống
Thứ nhất, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao kiến thức về giao dịch, chuyển khoản ngân hàng qua máy tính, điện thoại thông minh. Trước khi giao dịch cần tìm hiểu kỹ thông tin dịch vụ, các quy định về lãi suất, phí... trước khi quyết định vay tiền, chuyển tiền; đồng thời lựa chọn các tổ chức tín dụng, ngân hàng uy tín để tránh “mắc bẫy” từ tín dụng đen sử dụng công nghệ cho vay trực tuyến lãi suất cao; luôn cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email, yêu cầu truy cập đường link lạ, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân; cần tìm hiểu kĩ lưỡng, chính xác danh sách chính thống của các website và fanpage của ngân hàng mà cá nhân đang sử dụng dịch vụ để tránh truy cập vào các website giả mạo. Trước khi thực hiện mỗi giao dịch, cần xác thực người định thực hiện giao dịch khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền...
Thứ hai, các cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan tư pháp, đặc biệt là Viện Kiểm sát nhân dân cần kịp thời tổng kết, ban hành kiến nghị phòng ngừa đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền như các tổ chức tín dụng, ngân hàng, chủ quản mạng xã hội của nước ngoài tại Việt Nam... để kịp thời có biện pháp phòng ngừa tội phạm phù hợp.
Thứ ba, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan báo chí, truyền thông trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhấn mạnh vào thủ đoạn thực hiện hành vi hiện nay; các quy định pháp luật về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Luật An ninh mạng; phương thức sử dụng mạng xã hội, kinh nghiệm mua bán trực tuyến... Công an xã và chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền với phương thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà, nói từng người”, vận động quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, tự phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản, nhanh chóng tố giác tội phạm khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hợp tác tích cực với cơ quan tư pháp để giải quyết vụ án, vụ việc hiệu quả.
Thứ tư, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nói riêng. Trước mắt, cần nghiên cứu giao cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành hữu quan (Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...) xây dựng văn bản liên ngành tư pháp dưới luật về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, văn bản hướng dẫn có nội dung phân biệt và xử lý giữa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với nhóm tội phạm lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông trong Bộ luật Hình sự. Đồng thời, cần tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao về công nghệ thông tin; tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng trong tình hình mới.
3.2. Một số khuyến nghị
Một là, mỗi người cần tự bảo quản và không tự ý cung cấp thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu, thông tin bảo mật sử dụng ngân hàng trên app điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP, số thẻ); thông tin xác thực giao dịch; thông tin về tài khoản ví điện tử liên kết qua các đường truyền chưa được xác thực cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật, cán bộ ngân hàng... để tránh bị kẻ gian lấy cắp và sử dụng thông tin trái phép; đồng thời, không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội, đặc biệt là những trang giao dịch mua bán trực tuyến hay lưu ở những nơi mọi người có thể dễ dàng đọc được.
Hai là, không được truy cập và thực hiện giao dịch trên các website lạ nhận được qua tin nhắn, email hay mạng xã hội, không truy cập vào các website giả danh ngân hàng. Khi nhận được tin nhắn, cần kiểm tra thông tin, cẩn trọng khi truy cập vào link chứa trong tin nhắn.
Ba là, không lưu tự động thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử trên bất cứ thiết bị điện tử và trình duyệt website nào; thường xuyên thay đổi mật khẩu Internet Banking, Smart Banking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.
Bốn là, sử dụng đa dạng các phương thức xác thực giao dịch; cài đặt bảo mật từ 2 lớp trở lên trên app ngân hàng để tăng cường bảo mật; chủ động xác minh trực tiếp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trước khi thực hiện các dịch vụ ưu đãi được giới thiệu.
Năm là, không dùng lại sim điện thoại khi chưa chuyển thông tin. Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các thuê bao di động cần phải cung cấp các thông tin cá nhân chính xác (họ và tên, căn cước công dân, ngày cấp và nơi cấp...) với các nhà mạng. Quy định nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ, đồng thời tăng cường quản lý giải quyết triệt để tình trạng sim “rác”, tình trạng giả mạo giấy tờ trong việc kết nối đồng bộ thông tin thuê bao di động với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư7. Vì vậy, mỗi người cần đăng ký sim “chính chủ” ngay từ khi mua mới, mua lại sim, không tùy tiện cho mượn và sử dụng các thiết bị cá nhân vào mục đích không rõ ràng.
1 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Những con số về Digital tại Việt Nam 2024 mà bạn phải biết, https://vecom.vn/nhung-con-so-ve-digital-tai-viet-nam-2024-ma-ban-phai-biet
2 Nguyễn Hoàng Thanh và Trần Thị Hoa (2018), Thông tin trên mạng và hệ thống hóa các loại hình thông tin trên mạng, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207293
3 Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, 2019, trang 1214.
4 Phạm Vinh (2024), Người dân bị lừa đảo khoảng 10.000 tỷ đồng trên không gian mạng, https://vneconomy.vn/nguoi-dan-bi-lua-dao-khoang-10-000-ty-dong-tren-khong-gian-mang.htm
5 VoIP sử dụng các gói dữ liệu IP (trên mạng LAN, WAN, Internet) và yêu cầu kết nối băng thông tốc độ cao hoặc cáp với thông tin được truyền tải là mã hóa của âm thanh. “Nguyên tắc hoạt động của VoIP bao gồm việc số hóa tín hiệu tiếng nói, thực hiện việc nén tín hiệu số, chia nhỏ các gói nếu cần và truyền gói tin này qua mạng, tới nơi nhận các gói tin này được ráp lại theo đúng thứ tự của bản tin, giải mã tín hiệu tương tự phục hồi lại tiếng nói ban đầu”, https://viblo.asia/p/gioi-thieu-tong-quan-ve-voip-oOVlYBW458W
6 Đây là hình thức thanh toán khi nhận hàng, nói đơn giản Ship Cod là hình thức giao hàng thu tiền hay giao hàng thu hộ tiền.
7 Thông báo số 174/TB-VPCP ngày 15/6/2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Cuộc họp về Kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng sim rác.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Những con số về Digital tại Việt Nam 2024 mà bạn phải biết, https://vecom.vn/nhung-con-so-ve-digital-tai-viet-nam-2024-ma-ban-phai-biet
2. Nguyễn Hoàng Thanh và Trần Thị Hoa (2018), Thông tin trên mạng và hệ thống hóa các loại hình thông tin trên mạng, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207293
3. Phạm Vinh (2024), Người dân bị lừa đảo khoảng 10.000 tỷ đồng trên không gian mạng, https://vneconomy.vn/nguoi-dan-bi-lua-dao-khoang-10-000-ty-dong-tren-khong-gian-mang.htm
4. Quang Hòa, Giới thiệu tổng quan về VoIP, https://viblo.asia/p/gioi-thieu-tong-quan-ve-voip-oOVlYBW458W
5. Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, 2019.
ThS. Trần Trọng Hoàn, Ngô Anh Hoàng