Tóm tắt: Điện toán đám mây đang trở thành yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, mang lại nhiều lợi ích vượt trội về hiệu suất, bảo mật và đặc biệt là tăng lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong ngành Ngân hàng không phải là điều dễ dàng và hiện nay đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục để có thể tận dụng tối đa tiềm năng. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung phân tích, đánh giá làm rõ những lợi ích của việc ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng, chỉ ra những khó khăn, thách thức có thể gặp phải trong việc ứng dụng và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả.
Từ khóa: Ứng dụng, điện toán đám mây, ngành Ngân hàng, thách thức, giải pháp.
APPLICATION OF CLOUD COMPUTING IN BANKING ACTIVITIES - CHALLENGES
AND SOME SOLUTIONS TO IMPROVE EFFICIENCY
Abstract: Cloud computing is becoming a key factor in the digital transformation of the banking industry, bringing many outstanding benefits in terms of performance, security, especially increasing competitive advantages in the industry. However, the application of cloud computing technology in the banking industry is not easy and faces many difficulties and challenges that need to be overcome to be able to take full advantage of the potential of this application. Starting from there, the article focuses on analyzing and evaluating to clarify the benefits of cloud computing application in banking activities, pointing out the difficulties and challenges that may be encountered in the application and thereby, providing some solutions to improve efficiency.
Keywords: Applications, cloud computing, banking industry, challenges, solutions.
1. Đặt vấn đề
Hòa vào xu hướng tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Chuyển đổi số là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy nhanh chóng quá trình phát triển này. Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong hầu hết mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Một trong những công nghệ tiên phong trong quá trình này là điện toán đám mây với khả năng mang lại nhiều lợi ích về hiệu suất, bảo mật. Điện toán đám mây trở thành xu hướng tất yếu, tạo ra một cuộc cách mạng thay đổi toàn diện trong nhiều lĩnh vực kinh tế, bao gồm cả hệ thống ngân hàng Việt Nam, không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn hỗ trợ ngân hàng trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính linh hoạt và sáng tạo.
Ứng dụng điện toán đám mây là yếu tố chiến lược giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí và cải thiện trải nghiệm khách hàng. (Nguồn ảnh: Internet)
2. Lợi ích của việc ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng
Điện toán đám mây là một loại mô hình điện toán máy chủ ảo, sử dụng công nghệ máy tính và phát triển dựa trên mạng Internet. Theo định nghĩa của Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE): “Điện toán đám mây là hình mẫu, trong đó thông tin được lưu trữ thường trực tại các máy chủ trên Internet và chỉ được lưu trữ tạm thời ở các máy khách, bao gồm máy tính cá nhân, trung tâm giải trí, máy tính trong ngân hàng, các phương tiện máy tính cầm tay…”1. Theo định nghĩa của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia tại Mỹ thì điện toán đám mây là mô hình dịch vụ cho phép người truy cập tài nguyên điện toán dùng chung (mạng, sever, lưu trữ, ứng dụng, dịch vụ) thông qua kết nối mạng một cách dễ dàng, mọi lúc mọi nơi, theo yêu cầu. Điện toán đám mây có thể được thiết lập hoặc hủy bỏ nhanh chóng bởi người dùng mà không cần sự can thiệp của nhà cung cấp dịch vụ2.
Điện toán đám mây có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động ngân hàng hiện nay. Trong hoạt động ngân hàng việc ứng dụng điện toán đám mây mang lại những lợi ích sau:
Một là, giúp tăng hiệu suất làm việc, gia tăng sự linh hoạt trong hoạt động tín dụng. Đối với các đám mây, hiệu suất là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc sử các dịch vụ điện toán đám mây vì nó tác động trực tiếp đến trải nghiệm người dùng, kết quả kinh doanh, lợi thế cạnh tranh. Theo LogicMonitor, 73% chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng hiệu suất là mối quan tâm hàng đầu khi nói đến việc áp dụng đám mây3. Nhờ khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây giúp ngân hàng dễ dàng truy cập, quản lý và phân tích thông tin khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, từ đó nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Nền tảng điện toán đám mây hoạt động trực tuyến giúp cho việc hỗ trợ tìm kiếm và sử dụng các dữ liệu nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng. Hệ thống cũng có thể cài đặt để tự phân bổ các tài nguyên sử dụng một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu truy cập vào từng thời điểm cụ thể, giúp hệ thống luôn ổn định thời gian, tốc độ, đạt hiệu suất tối ưu. Thêm vào đó, điện toán đám mây cài đặt nhanh chóng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chỉ trong vài giờ, bảo đảm duy trì liên tục hoạt động của ngân hàng4. Ngoài ra, việc ứng dụng điện toán đám mây cho phép ngân hàng dễ dàng mở rộng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động theo nhu cầu, giúp gia tăng sự linh hoạt trong việc quản lý tín dụng. Các ngân hàng có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn lực công nghệ mà không cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, đồng thời có thể cập nhật và triển khai các dịch vụ mới một cách nhanh chóng. Việc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây là một trong những phương thức giúp các tổ chức tài chính và ngân hàng nâng cấp, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời tăng cường khả năng đổi mới nhờ vào tốc độ và hiệu quả. Điện toán đám mây còn hỗ trợ các tổ chức này tối ưu hóa nguồn lực, chuyển từ việc quản lý hạ tầng công nghệ thông tin sang tập trung vào việc cải tiến dịch vụ và nhanh chóng phục vụ khách hàng tiềm năng5. Một nghiên cứu của McKinsey cho thấy rằng, các ngân hàng sử dụng dịch vụ đám mây có thể mở rộng quy mô hoạt động nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu tín dụng trong các mùa cao điểm mà không cần đầu tư lớn vào hạ tầng vật lý, điều này giúp giảm thiểu chi phí và tăng tính linh hoạt trong việc cung cấp tín dụng6, từ đó, các ngân hàng phản ứng kịp thời với các biến động thị trường và nhu cầu của khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Hai là, giúp giảm chi phí cho cơ sở hạ tầng hướng đến công nghệ “xanh” . Theo khảo sát của Công ty Cổ phần Tập đoàn IDC, một tổ chức dịch chuyển hệ thống lên nền tảng điện toán đám mây của Amazon Web Services (AWS) sẽ tiết kiệm được trung bình 31% chi phí hạ tầng công nghệ thông tin. Hơn nữa, với mô hình thanh toán Pay-as-you-go (dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu) sẽ giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng giảm thiểu rủi ro và chi phí thử nghiệm với sản phẩm, dịch vụ mới7. Ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong việc giảm chi phí liên quan đến cơ sở hạ tầng và hướng đến công nghệ “xanh”. Thay vì đầu tư lớn vào hạ tầng công nghệ thông tin vật lý như máy chủ và trung tâm dữ liệu, ngân hàng có thể sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây để lưu trữ và xử lý dữ liệu, giúp giảm thiểu chi phí bảo trì, nâng cấp và vận hành. Một khoản chi phí mà điện toán đám mây mang lại có thể cắt giảm là chi phí điện năng. Tại Mỹ, khi Cơ quan Tổng cục Quản lý dịch vụ Hoa Kỳ (GSA - General Service Administration) chuyển 17.000 người dùng của họ từ máy chủ vật lý sang hệ thống sử dụng điện toán đám mây, họ đã cắt giảm được 91% mức sử dụng điện năng (chưa kể giảm lượng khí thải carbon), động thái này đã làm giảm hóa đơn tiền điện hằng năm khoảng 285.000 USD8. Ứng dụng điện toán đám mây trong ngành Ngân hàng cũng giúp giảm thải carbon trong quá trình xây dựng hạ tầng cơ sở vật lý thông thường, đây chính là bước chuyển đổi quan trọng giúp ngân hàng bắt kịp xu hướng công nghệ xanh trên toàn cầu9. Thay vì cần đến các trung tâm dữ liệu lớn và tốn nhiều năng lượng, điện toán đám mây cho phép ngân hàng sử dụng tài nguyên ảo hóa một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu tiêu thụ điện năng và tài nguyên. Đây là một bước chuyển đổi quan trọng, giúp các ngân hàng không chỉ cắt giảm chi phí mà còn góp phần vào xu hướng công nghệ xanh toàn cầu, hướng đến phát triển bền vững và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Ba là, đáp ứng được tiêu chí phát triển bền vững và minh bạch thông tin trong các hoạt động ngân hàng. Khả năng tự động điều chỉnh tài nguyên theo nhu cầu thực tế giúp các ngân hàng giảm thiểu chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Trong nội bộ ngân hàng, điện toán đám mây giúp các bộ phận kinh doanh gắn kết chặt chẽ với nhau hơn thông qua việc chia sẻ dữ liệu, sử dụng phân tích dữ liệu để giải quyết nhanh các vấn đề của khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng... Sự sáng tạo và gắn kết này giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng giữ được những nhân sự chất lượng cao, tăng khả năng nhất quán trong tổ chức, tạo ra môi trường làm việc minh bạch và sáng tạo hơn10. Bên cạnh đó, điện toán đám mây còn cung cấp môi trường lưu trữ và xử lý dữ liệu an toàn, dễ dàng kiểm soát và giám sát, từ đó tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động giao dịch và quản lý dữ liệu. Khả năng bảo mật và tuân thủ quy định chặt chẽ của các hệ thống đám mây giúp các ngân hàng đáp ứng được các yêu cầu về bảo mật thông tin và quyền riêng tư của khách hàng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các báo cáo tài chính một cách minh bạch và chính xác.
Bốn là, tốc độ phát triển của các sản phẩm, dịch vụ mới của ngành Ngân hàng tăng cao khi ứng dụng điện toán đám mây. Nếu sử dụng hệ thống công nghệ truyền thống, ngân hàng sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, để ra mắt một sản phẩm mới. Tuy nhiên, khi áp dụng điện toán đám mây vào quy trình vận hành, sản phẩm có thể được đưa ra thị trường nhanh chóng hơn, chỉ trong vài tuần hoặc một vài tháng. Ngoài ra, công nghệ của các nhà cung cấp đám mây luôn được cập nhật liên tục để đáp ứng nhu cầu công việc11 nhờ khả năng tự động hóa và linh hoạt của nền tảng đám mây, ngân hàng có thể nhanh chóng thiết lập và triển khai các sản phẩm mới mà không cần trải qua quy trình phức tạp như khi sử dụng hạ tầng công nghệ truyền thống. Thời gian phát triển và ra mắt sản phẩm được rút ngắn đáng kể, điều này không chỉ giúp ngân hàng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, việc thử nghiệm và cải tiến sản phẩm cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, giúp ngân hàng duy trì sự đổi mới liên tục và phù hợp với xu hướng thị trường.
3. Thách thức trong ứng dụng điện toán đám mây vào hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
Điện toán đám mây đang tạo ra những thay đổi toàn diện trong hoạt động ngân hàng, được xem là một trong những xu hướng chính trong hệ thống ngân hàng hiện đại, là một trong những mũi nhọn công nghệ giúp nâng cao chất lượng vận hành trong các hoạt động ngân hàng. Nhưng để triển khai có hiệu quả điện toán đám mây áp dụng trong ngành Ngân hàng Việt Nam, còn phải đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể như sau:
Một là, thách thức về bảo mật an ninh dữ liệu. Ngoài những thuận lợi mà điện toán đám mây mang lại thì những thách thức về an ninh dữ liệu cũng là vấn đề cần được quan tâm. Khi sử dụng điện toán đám mây, dữ liệu được lưu trữ trên không gian của nhà cung cấp dịch vụ, điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp thông tin nếu hệ thống bảo mật của nhà cung cấp không đủ mạnh. Theo báo cáo tình hình nguy cơ mất an toàn thông tin tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, hệ thống Viettel Threat Intelligence của Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) đã ghi nhận nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin mới xuất hiện có ảnh hưởng tới các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, giáo dục và tài chính - ngân hàng tại Việt Nam, trong đó nổi bật là lộ lọt, rò rỉ dữ liệu, thông tin cá nhân bị đánh cắp tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023; lừa đảo gian lận tài chính tăng và xu hướng tấn công mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc với số lượng dữ liệu bị mã hóa lớn12. Trong số các mối đe dọa an toàn đám mây thì phổ biến nhất là vi phạm dữ liệu. Nguyên nhân chính là do thiết lập các thao tác hành vi hoặc đến từ những nỗ lực “bẻ khóa”. Các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại và mã độc tống tiền là mối đe dọa nghiêm trọng vì chúng có thể lây nhiễm trên các máy chủ đám mây, gây thiệt hại lớn cho ngân hàng. Ngoài ra, các mối đe dọa khác bao gồm các cuộc tấn công nội bộ, khi nhân viên hoặc quản trị viên công nghệ thông tin trong hệ thống mạng nội bộ vô tình hoặc cố ý tiết lộ thông tin, dữ liệu bí mật và các cuộc tấn công từ chối dịch vụ có thể làm gián đoạn các dịch vụ đám mây cho người dùng.
Hai là, độ tin cậy vào năng lực số của khách hàng khi ứng dụng điện toán đám mây vào các hoạt động ngân hàng chưa đồng đều. Khi ứng dụng điện toán đám mây vào ngành Ngân hàng thì một bộ phận khách hàng vẫn còn hoài nghi về phương thức này, niềm tin của khách hàng đối với việc sử dụng công nghệ này vẫn là một thách thức lớn. Đối với dịch vụ ngân hàng, yếu tố bảo mật và bảo vệ dữ liệu cá nhân luôn là ưu tiên hàng đầu. Khách hàng thường lo ngại về rủi ro mất mát dữ liệu, vi phạm quyền riêng tư và các mối đe dọa an ninh mạng khi ngân hàng chuyển từ hệ thống máy chủ truyền thống sang điện toán đám mây.
Ba là, thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ và nghiệp vụ công nghệ cao. Do yêu cầu chuyển đổi số, các ngân hàng Việt Nam đang chịu nhiều áp lực trong việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là các vị trí phát triển công nghệ, ứng dụng; quản trị và phân tích dữ liệu; marketing và kinh doanh trên nền tảng số. Trong bối cảnh ngành Ngân hàng ngày càng phụ thuộc vào công nghệ để nâng cao hiệu suất và cạnh tranh, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ và nghiệp vụ công nghệ cao đã trở thành một điểm hạn chế. Ngân hàng hiện đại không chỉ cần những nhân viên am hiểu về nghiệp vụ tài chính mà còn đòi hỏi khả năng sử dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, Blockchain và phân tích dữ liệu lớn. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và giữ chân những chuyên gia có kỹ năng này còn khó khăn do nhu cầu cao từ các ngành khác như công nghệ thông tin, viễn thông và thương mại điện tử. Những cán bộ ngân hàng có bằng cấp và năng lực khoa học - công nghệ vẫn còn chiếm tỉ trọng nhỏ và chủ yếu làm việc tại hội sở chính trong một số mảng nghiệp vụ nhất định nên nhóm nhân sự này tại các ngân hàng hiện nay đang thiếu khá nhiều. Hơn nữa, các ngân hàng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty Fintech, những đơn vị có khả năng thu hút nhân tài nhờ môi trường làm việc sáng tạo và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Ngoài ra, xu hướng công nghệ số đang tạo ra những thay đổi quan trọng đối với bộ kỹ năng nền tảng trong ngành Ngân hàng. Cùng với việc giảm nhu cầu đối với các công việc thủ công bị thay thế bởi ứng dụng số hóa, chuyển đổi số cũng đặt ra yêu cầu cao về nhân lực có khả năng thích ứng với các vị trí công việc mới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của ngân hàng vẫn phụ thuộc nhiều vào các chuyên gia và tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế.
Bốn là, hành lang pháp lý điều chỉnh về vấn đề áp dụng điện toán đám mây chưa đầy đủ, rõ ràng. Hiện tại, hành lang pháp lý cho việc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đã được thiết lập, với quy định chung do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, cụ thể là Công văn số 145/BTTTT-CATTT ngày 03/4/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử; Tài liệu hướng dẫn số 783/THH-HTDLS ngày 16/6/2020 của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây và thuê dịch vụ điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước… Tuy nhiên, do tính cấp bách của việc áp dụng công nghệ điện toán đám mây trong nhiều lĩnh vực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nhanh chóng lồng ghép các quy định về dịch vụ điện toán đám mây vào Thông tư số 09/2020/TT-NHNN ngày 21/10/2020 của Thống đốc NNNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng. Từ Điều 33 đến Điều 36 của Thông tư này đưa ra những quy định mấu chốt về việc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của bên thứ ba bao gồm: Phân loại hoạt động, nghiệp vụ dự kiến sử dụng điện toán đám mây; các cấu phần hệ thống thông tin từ cấp độ ba trở lên phải có phương án dự phòng và phương án này phải được kiểm thử; tiêu chí lựa chọn bên thứ ba cung cấp dịch vụ điện toán đám mây; việc bảo đảm an toàn hệ thống thông tin khi thuê bên thứ ba cung cấp dịch vụ điện toán đám mây; các nội dung phải có trong hợp đồng thuê dịch vụ điện toán đám mây của bên thứ ba. Tuy nhiên, để có được các quy định riêng biệt và chi tiết hơn về việc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây từ bên thứ ba, còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Một trong những thách thức lớn là sự hiện diện của các bên thứ ba, đặc biệt là các đối tác nước ngoài, khiến cho việc tuân thủ quy định về lưu trữ thông tin và dữ liệu trở nên phức tạp hơn. Điều này cho thấy cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để tạo ra một khung pháp lý đồng bộ và hiệu quả cho việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, nhằm tối ưu hóa lợi ích mà công nghệ này mang lại trong lĩnh lực ngân hàng và tài chính.
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Để khắc phục những vấn đề thách thức đang tồn tại và góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng điện toán đám mây vào hoạt động ngân hàng, đòi hỏi cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng chiến lược bảo mật dữ liệu đám mây nhằm tăng cường khả năng bảo mật dữ liệu của ngân hàng. Để bảo đảm an toàn, an ninh đám mây, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần phải triển khai một số chiến lược bảo mật cụ thể. Chiến lược này không chỉ giúp tăng cường khả năng bảo mật thông tin mà còn bảo đảm tuân thủ các quy định pháp lý, giảm thiểu nguy cơ bị tấn công mạng và rò rỉ dữ liệu. Bằng cách áp dụng các biện pháp như mã hóa dữ liệu, quản lý quyền truy cập chặt chẽ và liên tục giám sát các hoạt động trên đám mây, ngân hàng có thể bảo vệ dữ liệu của mình một cách hiệu quả, đồng thời nâng cao khả năng ứng phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng phức tạp. Một ví dụ điển hình như Mỹ là một trong những quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng điện toán đám mây trong ngành Ngân hàng. Các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Bank of America và Citigroup đã triển khai các giải pháp đám mây để cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng cường bảo mật dữ liệu và cung cấp các dịch vụ tài chính nhanh chóng, tiện lợi hơn cho khách hàng13. Một trong những biện pháp có thể tăng cường tính bảo mật của dữ liệu đám mây mà Việt Nam có thể tham khảo là mã hóa dữ liệu. Hiện nay, mật mã là công cụ chính được sử dụng để nâng cao tính bảo mật cho điện toán đám mây. Đây là một loại thuật toán giúp bảo vệ dữ liệu bằng cách mã hóa thông tin được lưu trữ và truyền tải, bảo đảm chỉ người nhận được phép mới có thể giải mã và hiểu được nội dung của dữ liệu. Ngoài việc mã hóa dữ liệu hai lớp, để tăng cường tính bảo mật dữ liệu cần triển khai việc quản lý danh tính và quyền truy cập (IAM - Identity and Access Management) trong bảo mật đám mây, đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong bảo mật đám mây, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều tổ chức chuyển đổi sang mô hình điện toán đám mây. IAM giúp kiểm soát quyền truy cập vào tài nguyên đám mây một cách hiệu quả, cho phép các tổ chức và doanh nghiệp quản lý danh tính người dùng, cũng như quyền hạn của họ trong việc truy cập dữ liệu và ứng dụng. Cụ thể, IAM không chỉ giúp xác định ai là người sử dụng, mà còn quy định rõ ràng quyền truy cập của từng người dùng đối với các tài nguyên cụ thể. Điều này bảo đảm rằng chỉ những người dùng được ủy quyền mới có khả năng truy cập vào thông tin nhạy cảm, giảm thiểu rủi ro về xâm nhập trái phép. Hệ thống này hoạt động thông qua việc cấp phát, thu hồi và điều chỉnh quyền truy cập theo nhu cầu thực tế, giúp tổ chức duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với dữ liệu của mình.
Bên cạnh đó, IAM còn góp phần quan trọng trong việc tăng cường bảo mật tổng thể cho hệ thống. Các biện pháp như xác thực đa yếu tố và chính sách phân quyền mạnh mẽ không chỉ bảo vệ tài nguyên mà còn giúp tổ chức phát hiện và ứng phó nhanh chóng với các mối đe dọa tiềm tàng. Việc ghi chép và theo dõi hoạt động của người dùng cũng giúp tổ chức dễ dàng xác định các hành vi bất thường, từ đó có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Hơn nữa, nhiều tổ chức hiện nay phải đối mặt với các yêu cầu tuân thủ quy định pháp lý nghiêm ngặt liên quan đến bảo mật dữ liệu, IAM cũng đáp ứng được các yêu cầu này, giúp tổ chức tuân thủ đúng thông qua việc quản lý chặt chẽ quyền truy cập và cung cấp báo cáo đầy đủ về hoạt động của người dùng.
Việc triển khai hiệu quả IAM không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên đám mây mà còn xây dựng lòng tin của người dùng vào khả năng bảo mật của tổ chức. IAM không chỉ là một công cụ công nghệ mà còn là một phần không thể thiếu trong chiến lược bảo mật tổng thể của bất kỳ tổ chức nào hoạt động trong môi trường đám mây, bảo đảm rằng dữ liệu luôn được bảo vệ và quản lý một cách an toàn và hiệu quả.
Hai là, xây dựng niềm tin khách hàng trong việc ứng dụng điện toán đám mây vào hoạt động ngân hàng. Việc xây dựng niềm tin của khách hàng đối với ứng dụng điện toán đám mây trong ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh công nghệ số hiện nay. Để hoạt động chuyển đổi số đạt hiệu quả, điều quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ do ngân hàng triển khai trên các kênh số phải thu hút được sự tương tác tích cực từ khách hàng. Tuy nhiên, khi các giao dịch tài chính - ngân hàng được thực hiện trên các kênh số, sự phức tạp của chúng sẽ tăng lên. Do đó, khách hàng rất cần sự hỗ trợ từ ngân hàng thông qua việc cung cấp lời khuyên, tư vấn và lập kế hoạch phù hợp. Hầu hết, các ngân hàng đạt được những thành công trong hoạt động chuyển đổi số ở các nước Mỹ, Australia, Singapore và Trung Quốc đều đặc biệt quan tâm đến hành vi và nhu cầu của khách hàng, nhằm bảo vệ lợi ích cho khách hàng, đem đến những trải nghiệm hiện đại khi sử dụng dịch vụ tài chính, đồng thời gia tăng lòng tin của khách hàng khi thực hiện các giao dịch tài chính số với ngân hàng14. Ngoài ra, một trong những giải pháp để nâng cao lòng tin của khách hàng là nâng cao nhận thức của họ. Ngân hàng cần minh bạch và giải thích rõ ràng về lợi ích cũng như các biện pháp bảo mật khi sử dụng điện toán đám mây, điều này bao gồm việc bảo vệ dữ liệu khách hàng, bảo đảm tính an toàn và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Ngân hàng thông qua các buổi hội thảo, chương trình đào tạo trực tuyến để giải thích cho khách hàng về cách thức hoạt động của điện toán đám mây, cũng như những lợi ích và biện pháp bảo mật liên quan. Từ đó đưa khách hàng đến những trải nghiệm thực tế, khuyến khích khách hàng trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng đám mây thông qua các chương trình dùng thử hoặc cung cấp các trường hợp thành công từ các khách hàng đã sử dụng dịch vụ, điều này giúp họ thấy được sự tiện lợi và hiệu quả thực tế.
Ba là, đẩy mạnh, duy trì và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng vận hành ứng dụng công nghệ điện toán đám mây. Phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ là yếu tố then chốt để đáp ứng yêu cầu mới của ngành Ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Để đạt được điều này, các ngân hàng cần đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên, đặc biệt là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng và Blockchain. Đồng thời, việc thu hút nhân tài có nền tảng vững chắc về công nghệ và tài chính cũng cần được chú trọng, thông qua các chương trình hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ. Ngoài ra, ngân hàng cần tạo môi trường làm việc sáng tạo, linh hoạt và khuyến khích việc áp dụng các công nghệ mới vào quy trình vận hành. Ngành Ngân hàng cần phối kết hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu xây dựng các cơ chế đãi ngộ nhằm thu hút và giữ chân các nhân tài. Nhân sự chính là nền tảng để xây dựng và gia tăng sức mạnh nội bộ, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nếu không có các chính sách thu hút nhân tài, doanh nghiệp sẽ trở nên yếu thế với các đối thủ cùng ngành sở hữu nhân sự giỏi. Vì vậy, cần phải đưa ra cơ hội việc làm và các chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhằm thu hút ứng viên. Hơn nữa, các trường đại học trong quá trình đào tạo sinh viên theo học ngành tài chính - ngân hàng cần có chương trình đào tạo phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số, chương trình đào tạo cần phải cập nhật và điều chỉnh chương trình giảng dạy cho phù hợp. Đồng thời các trường đại học cũng cần tăng cường liên kết với các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho sinh viên thường xuyên thực tập và trải nghiệm trong môi trường làm việc thực tế, giúp sinh viên giảm bớt sự bỡ ngỡ và nhanh chóng thích nghi với công việc khi ra trường.
Bốn là, hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh vấn đề ứng dụng điện toán đám mây của ngành Ngân hàng. Trước những thách thức mà điện toán đám mây mang lại, cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng, ban hành, hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh về vấn đề ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật riêng về sử dụng dịch vụ điện toán đám mây để bảo đảm các quy định này phù hợp với bối cảnh công nghệ số hiện đại và tuân thủ yêu cầu của Luật An ninh mạng. Đồng thời, cũng cần có quy định rõ ràng về quản lý dữ liệu, bảo mật thông tin và trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là các đối tác nước ngoài cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Khung hành lang pháp lý khi xây dựng phải bảo đảm cho cả một hệ sinh thái bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, khách hàng và bên thứ ba có liên quan. Trong đó, bên thứ ba có liên quan, đặc biệt là các công ty Fintech, Chính phủ Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ Chính phủ Mỹ, Singapore và Trung Quốc trong việc hợp tác và xây dựng môi trường hoạt động vừa an toàn, vừa hiệu quả cho các công ty Fintech, đồng thời tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa Fintech với các ngân hàng thương mại Việt Nam15. Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý quốc gia và tổ chức tài chính để giải quyết kịp thời các xung đột pháp lý phát sinh trong quá trình ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng.
5. Kết luận
Ứng dụng điện toán đám mây vào hoạt động ngân hàng mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, giúp tăng hiệu suất làm việc, gia tăng sự linh hoạt trong hoạt động tín dụng, giảm chi phí cho cơ sở hạ tầng hướng đến công nghệ “xanh” và phát triển bền vững, đáp ứng được tiêu chí phát triển bền vững và minh bạch thông tin trong các hoạt động ngân hàng. Ứng dụng điện toán đám mây trong ngành Ngân hàng không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yếu tố chiến lược giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ này, ngân hàng cần chú trọng xây dựng khung pháp lý vững chắc, bảo đảm an ninh thông tin và tuân thủ các quy định pháp luật. Đồng thời, việc đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hỗ trợ khách hàng và xây dựng niềm tin là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự chuyển đổi số thành công. Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, điện toán đám mây sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai của ngành Ngân hàng.
1 Lê Thị Anh Quyên (2022), Ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng, https://tapchitaichinh.vn/ung-dung-dien-toan-dam-may-trong-hoat-dong-ngan-hang.html
2 Nguyễn Thị Thu Trang (2022), Nền tảng công nghệ điện toán đám mây trong công cuộc chuyển đổi số của ngân hàng Việt Nam, https://thitruongtaichinhtiente.vn/nen-tang-cong-nghe-dien-toan-dam-may-trong-cong-cuoc-chuyen-doi-so-cua-ngan-hang-viet-nam-43648.html
3 VNETWORK (2023), Tại sao lại ưu tiên hiệu suất khi dùng điện toán đám mây?, https://www.vnetwork.vn/news/ap-dung-cong-nghe-dien-toan-dam-may-doanh-nghiep-co-nen-quan-tam-hieu-suat/
4 Lanit (2024), Ứng dụng điện toán đám mây trong ngành ngân hàng, https://lanit.com.vn/ung-dung-dien-toan-dam-may-trong-nganh-ngan-hang.html
5 Nguyễn Quang Hưng (2021), Tăng cường số hóa ngành tài chính, ngân hàng với điện toán đám mây lai, https://tapchinganhang.gov.vn/tang-cuong-so-hoa-nganh-tai-chinh-ngan-hang-voi-dien-toan-dam-may-lai.htm
6 McKinsey Digital (2022), New research reveals where value in the cloud lies and details scenarios that highlight that cloud adoption alone isn’t enough, https://www.mckinsey.com/capabilities/mckinsey-digital/our-insights/projecting-the-global-value-of-cloud-3-trillion-is-up-for-grabs-for-companies-that-go-beyond-adoption
7 Nguyễn Quang Hưng (2021), Tăng cường số hóa ngành tài chính, ngân hàng với điện toán đám mây lai, https://tapchinganhang.gov.vn/tang-cuong-so-hoa-nganh-tai-chinh-ngan-hang-voi-dien-toan-dam-may-lai.htm
8 Viettel IDC (2019), Điện toán đám mây giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí như thế nào?, https://www.viettelidc.com.vn/tin-tuc/dien-toan-dam-may-giup-doanh-nghiep-tiet-kiem-chi-phi-nhu-the-nao
9 Lanit (2024), Ứng dụng điện toán đám mây trong ngành ngân hàng, https://lanit.com.vn/ung-dung-dien-toan-dam-may-trong-nganh-ngan-hang.html
10 Nguyễn Thị Thu Trang (2022), Nền tảng công nghệ điện toán đám mây trong công cuộc chuyển đổi số của ngân hàng Việt Nam, https://thitruongtaichinhtiente.vn/nen-tang-cong-nghe-dien-toan-dam-may-trong-cong-cuoc-chuyen-doi-so-cua-ngan-hang-viet-nam-43648.html
11 Lanit (2024), Ứng dụng điện toán đám mây trong ngành ngân hàng, https://lanit.com.vn/ung-dung-dien-toan-dam-may-trong-nganh-ngan-hang.html
12 Phan Anh (2024), Hơn 61 triệu tài khoản, bản ghi thông tin cá nhân bị lộ lọt trong nửa đầu năm 2024, https://vneconomy.vn/hon-61-trieu-tai-khoan-ban-ghi-thong-tin-ca-nhan-bi-lo-lot-trong-nua-dau-nam-2024.htm
13 Bạch Dương (2024), Ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính, https://nhandan.vn/ung-dung-ai-trong-linh-vuc-tai-chinh-post807129.html
14 CBA-Consumer Bankers Association (2022), The Great Digital Transformation: America’s leading Banks investing in technology to better serve customers, Digital innovation & Mobile Banking, https://www.consumerbankers.com/cba-media-center/view/great-digitaltransformation-america%E2%80%99s-leading-banks-investing-technology
15 Đoàn Thị Cẩm Thư (2022), Chuyển đổi số ngành Ngân hàng - Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam, https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-doi-voi-viet-nam.htm
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
2. Thông tư số 09/2020/TT-NHNN ngày 21/10/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.
3. Phan Anh (2024), Hơn 61 triệu tài khoản, bản ghi thông tin cá nhân bị lộ lọt trong nửa đầu năm 2024, https://vneconomy.vn/hon-61-trieu-tai-khoan-ban-ghi-thong-tin-ca-nhan-bi-lo-lot-trong-nua-dau-nam-2024.htm
4. CBA-Consumer Bankers Association (2022), The Great Digital Transformation: America’s leading Banks investing in technology to better serve customers, Digital innovation & Mobile Banking, https://www.consumerbankers.com/cba-media-center/view/great-digitaltransformation-america%E2%80%99s-leading-banks-investing-technology
5. Bạch Dương (2024), Ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính, https://nhandan.vn/ung-dung-ai-trong-linh-vuc-tai-chinh-post807129.html
6. Nguyễn Đăng (2023), Hơn 30.000 tài khoản ngân hàng bị xâm nhập, đánh cắp dữ liệu tại Việt Nam, https://laodong.vn/cong-nghe/hon-30000-tai-khoan-ngan-hang-bi-xam-nhap-danh-cap-du-lieu-tai-viet-nam-1267605.ldo
7. McKinsey Digital (2022), New research reveals where value in the cloud lies and details scenarios that highlight that cloud adoption alone isn’t enough, https://www.mckinsey.com/capabilities/mckinsey-digital/our-insights/projecting-the-global-value-of-cloud-3-trillion-is-up-for-grabs-for-companies-that-go-beyond-adoption
8. Nguyễn Quang Hưng (2021), Tăng cường số hóa ngành tài chính, ngân hàng với điện toán đám mây lai, https://tapchinganhang.gov.vn/tang-cuong-so-hoa-nganh-tai-chinh-ngan-hang-voi-dien-toan-dam-may-lai.htm
9. Lanit (2024), Ứng dụng điện toán đám mây trong ngành ngân hàng, https://lanit.com.vn/ung-dung-dien-toan-dam-may-trong-nganh-ngan-hang.html
10. Lê Thị Anh Quyên (2022), Ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng, https://tapchitaichinh.vn/ung-dung-dien-toan-dam-may-trong-hoat-dong-ngan-hang.html
11. Nguyễn Thị Thu Trang (2022), Nền tảng công nghệ điện toán đám mây trong công cuộc chuyển đổi số của ngân hàng Việt Nam, https://thitruongtaichinhtiente.vn/nen-tang-cong-nghe-dien-toan-dam-may-trong-cong-cuoc-chuyen-doi-so-cua-ngan-hang-viet-nam-43648.html
12. Đoàn Thị Cẩm Thư (2022), Chuyển đổi số ngành Ngân hàng - Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam, https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-doi-voi-viet-nam.htm
13. Viettel IDC (2019), Điện toán đám mây giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí như thế nào?, https://www.viettelidc.com.vn/tin-tuc/dien-toan-dam-may-giup-doanh-nghiep-tiet-kiem-chi-phi-nhu-the-nao
14. VNETWORK (2023), Tại sao lại ưu tiên hiệu suất khi dùng điện toán đám mây?, https://www.vnetwork.vn/news/ap-dung-cong-nghe-dien-toan-dam-may-doanh-nghiep-co-nen-quan-tam-hieu-suat/
ThS. Trần Linh Huân, Nguyễn Thị Thảo My, Trần Đại Nghĩa
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh