Tóm tắt: Bài viết tập trung khái quát về thực trạng biến đổi khí hậu ở nước ta hiện nay, làm rõ vai trò của ngân hàng trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra một số kiến nghị tiếp tục hoàn thiện về mặt chính sách, pháp luật để góp phần phát huy hơn nữa vai trò của ngân hàng trong việc tham gia vào hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động tín dụng.
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, ứng phó biến đổi khí hậu, ngân hàng, khía cạnh pháp lý.
THE ROLE OF CENTRAL BANK IN RESPONSE TO CLIMATE CHANGE IN TERMS OF LEGAL ASPECTS
Abstract: The article focuses on the current situation of climate change in our country, assessing the role of the bank in the response to climate change, thereby offering recommendations to continue to improve in terms of policies and laws to contribute to further promoting the role of the bank in participating in the response activities to climate change through credit activities.
Keywords: Climate change, climate change response, banking, legal aspects.
Đặt vấn đề
Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành một trong những vấn đề gây thách thức lớn đến sự tồn tại của con người. Vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải được đặt ra trong bối cảnh gia tăng các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến các vấn đề chung của đời sống kinh tế, xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như: Cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc; ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; đồng thời đã xây dựng Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Để thực hiện và đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu thì một trong những yêu cầu đặt ra là đòi hỏi cần phải có sự tham gia kịp thời, tích cực của hệ thống ngân hàng. Với việc cung cấp kịp thời các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ các dự án đầu tư phục vụ cho việc ứng phó biến đổi khí hậu sẽ góp phần tạo động lực để các chủ thể còn lại có thể thực hiện tốt các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu.
1. Thực trạng biến đổi khí hậu tại Việt Nam hiện nay
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định được tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm1. Theo đó, biến đổi khí hậu đã và đang làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người, đến nền kinh tế từng quốc gia2.
Các NHTM rất tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi liên quan đến các khoản vay phục vụ mục đích bảo vệ môi trường, ứng phó biển đổi khí hậu. (Nguồn: internet)
Ở Việt Nam, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng trở nên thất thường và khó kiểm soát hơn. Thực tế trong những năm trở lại đây, tình hình thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường, bão lũ, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng kết hợp với triều cường xảy ra thường xuyên, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng về tần suất và thường khó dự đoán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, đe dọa đến sức khỏe con người. Theo dự báo đến năm 2030, biến đổi khí hậu gây tổn thất khoảng 0,4% GDP, thiệt hại của ngành thủy sản có thể lên đến gần 1,6% GDP; một kịch bản xấu có thể xảy ra là đến năm 2050 nước biển dâng cho toàn dải ven biển Việt Nam từ 21cm đến 25cm và đến năm 2100 từ 44cm đến 73cm3. Nếu mực nước biển dâng lên 1m có thể làm cho khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, trên 2,5 diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập4. Gần 35% dân số thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp5.
Trong năm 2022, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam là rất lớn, cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai, trong đó, điển hình có 1.057 trận thiên tai. Mưa lớn kéo dài ở miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp. Tại khu vực miền Trung, liên tiếp 03 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh cấp 14 - 15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông. Mưa lớn sau bão số 5 đã gây lũ, ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Tính đến cuối tháng 12/2022, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 19.453 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với cùng kỳ năm 20216.
Từ các số liệu nêu trên phần nào cho thấy tình hình biến đổi khí hậu tại Việt Nam đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, thường xuyên và khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống, y tế, sức khỏe cộng đồng và tính mạng của người dân.
2. Vai trò của ngân hàng trong ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Nhận thức biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu cũng như thấy được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong phát triển bền vững, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng việc tham gia ký kết, thực hiện nghiêm túc các điều ước và thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu. Điển hình, Việt Nam đã ký Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC hoặc FCCC) vào ngày 11/6/1992, phê chuẩn ngày 16/11/1994; ký Nghị định thư Kyoto ngày 03/12/1998, phê chuẩn ngày 25/9/2002; ký Thỏa thuận Paris về khí hậu tháng 04/2016;… Bên cạnh đó, việc tham gia vào một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đòi hỏi Việt Nam không chỉ dừng lại ở vấn đề hợp tác trong thương mại - đầu tư mà còn phải đảm bảo các cam kết trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mới đây nhất là tại Hội nghị COP26 diễn ra từ 31/10/2021 đến 12/11/2021 tại thành phố Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trách nhiệm của Việt Nam trong việc ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu. Trên cơ sở từ những cam kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu làm tiền đề cho việc thực hiện các cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris. Những cam kết này bao gồm mục tiêu cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2020 - 2030 hoặc 25% trong điều kiện có hỗ trợ quốc tế và các mục tiêu về thích ứng với biến đổi khí hậu trong đó yêu cầu lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào 90% kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn. Đặc biệt, ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”. Quyết định này đặt ra mục tiêu chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững nhằm hướng đến mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu. Từ năm 2015, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản định hướng hoạt động ngân hàng vào lĩnh vực xanh, hạn chế dòng vốn vào những dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường. Cụ thể, ngày 24/3/2015, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Trong đó, nêu ra mục tiêu: “Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành Ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững”. Tiếp đến, ngày 06/8/2015, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Hơn nữa, để đẩy mạnh chính sách tín dụng xanh, ngày 24/4/2017, Thống đốc NHNN ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN về Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã ban hành Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với 15 ngành kinh tế làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các tổ chức tín dụng phục vụ công tác thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng đối với khách hàng; tham gia mạng lưới ngân hàng bền vững để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về các chính sách phát triển bền vững trong hoạt động ngân hàng trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài ra, NHNN đã ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đặc biệt, ngày 23/12/2022, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/6/2023. Theo đó, tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về cấp tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án đầu tư để xác định rủi ro tín dụng, xác định điều kiện cấp tín dụng của khoản cấp tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng đối với khoản cấp tín dụng của khách hàng. Bên cạnh đó, Thông tư số 17/2022/TT-NHNN cũng nêu rõ quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, tích cực trao đổi, làm việc với các định chế, tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Nhóm công tác Ngân hàng, các Ngân hàng nước ngoài,… nhằm đánh giá, xem xét khả năng huy động nguồn lực của các tổ chức này cho phát triển xanh, phát triển bền vững cũng như nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế phối hợp, triển khai phù hợp với tình hình, xu hướng mới.
Đối với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã rất tích cực trong việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi liên quan đến các khoản vay phục vụ cho mục đích bảo vệ môi trường, ứng phó biển đổi khí hậu. Tiêu biểu như NHTM cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký hợp đồng bảo lãnh Quỹ khí hậu Xanh (GCF) bảo lãnh tín dụng cho đầu tư hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam. SHB tham gia dự án với vai trò là ngân hàng phát hành bảo lãnh cho các ngân hàng tham gia cấp tín dụng cho các dự án vốn vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng tiếp cận Quỹ Chia sẻ rủi ro có trị giá 75 triệu USD do GCF và WB tài trợ; NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) và Quỹ Đầu tư Quốc tế Affinity ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ và huy động vốn cho HDBank dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trị giá 300 triệu USD, nhằm tài trợ cho các chương trình đáp ứng tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social, and Governance - ESG), phát triển bền vững; NHTM cổ phần Phương Đông (OCB) đã triển khai cấp tín dụng xanh từ năm 2015, ưu tiên cho các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và các dự án sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường và xã hội…
Qua tổng kết, đa số các tổ chức tín dụng đã nhận thức được nguy cơ rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động ngân hàng. Nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có IFC để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng, ban hành các chính sách về cấp tín dụng xanh của tổ chức tín dụng. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đã chiếm hơn 17% trên tổng dư nợ của nền kinh tế. Theo số liệu của NHNN, đến ngày 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,08% so với năm 20217.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ các khoản vay ưu đãi để phục vụ cho việc ứng phó biển đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Ngày 05/6/2020, WB đã phê duyệt khoản vay Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) với tổng mức cam kết 84,4 triệu USD hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện cải cách chính sách đa ngành nhằm tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển giao thông và năng lượng xanh. Đây là khoản vay tập trung vào những lĩnh vực có khả năng tạo ra những thay đổi có tính đột phá để giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu. Khoản vay này sẽ hỗ trợ các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu của Chính phủ thông qua nâng cao công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý hiệu quả đầu tư công cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nội dung hỗ trợ bao gồm các chính sách giúp tăng cường công tác quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (đặc biệt trong quy hoạch rừng và quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long), xây dựng ngân sách cho ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước... Thông qua khoản vay trên đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của WB trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tiếp tục những thành công của Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời là cầu nối để chuyển sang giai đoạn mới với các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu sau năm 2020.
Từ các chính sách và chương trình hỗ trợ tín dụng nêu trên đã cho thấy, NHNN nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung đã và đang nỗ lực rất lớn trong việc triển khai xây dựng và áp dụng nhiều chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ nhằm ứng phó với các tác động tiêu cực ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Điều này đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu trong nước trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của ngành Ngân hàng trong việc góp phần ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả, đòi hỏi NHNN và các tổ chức tín dụng cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các vấn đề về chính sách, pháp luật, đặc biệt là các chính sách tín dụng xanh trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã chính thức có hiệu lực với nhiều yêu cầu được đặt ra để góp phần ứng phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở những chính sách đã có, để góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của ngành Ngân hàng trong việc ứng phó biến đổi khí hậu trước yêu cầu thực tiễn hiện nay thì đòi hỏi cần phải tiếp tục xem xét, nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, NHNN cần tiếp tục xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể về hoạt động cấp tín dụng để phục vụ cho việc ứng phó biến đổi khí hậu trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được thông qua. Đặc biệt là các chính sách về tín dụng xanh được cấp cho các dự án đầu tư sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tạo ra lợi ích khác về môi trường. Bên cạnh việc Thống đốc NHNN ban hành hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, NHNN cần phải tiếp tục xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án đầu tư phục vụ công tác ứng phó biến đổi khí hậu trên cơ sở phù hợp với quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay. Tuy nhiên, đây là một là lĩnh vực mới, liên quan nhiều đến các yếu tố kỹ thuật về môi trường và có tác động lớn đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, do đó, cần phải tham khảo cập nhật kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và triển khai chính sách tín dụng hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Hai là, NHNN phải xây dựng được các tiêu chuẩn về hoạt động trong việc thực hiện các khoản tín dụng xanh để quản lý bền vững về môi trường và xã hội, phục vụ mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu. Những tiêu chuẩn này sẽ là khuôn khổ quản lý rủi ro mạnh mẽ và được áp dụng rộng rãi để thay đổi cách thức nhìn nhận của ngành Ngân hàng đối với rủi ro phi tài chính và phân bổ tài chính trong hoạt động cung cấp tín dụng phục vụ công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, để có thể thiết lập được hệ thống quản lý môi trường và xã hội, các tổ chức tín dụng phải thực hiện các thủ tục cam kết quản lý, phân định vai trò, trách nhiệm cũng như các yêu cầu mà các tổ chức tín dụng cần tuân thủ để rà soát và quản lý các vấn đề về môi trường - xã hội cũng như các rủi ro liên quan đến các khoản tín dụng ưu đãi trong hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.
Ba là, tiếp tục rà soát khuôn khổ pháp lý hiện hành trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng Việt Nam liên quan đến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; tiếp tục học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng các quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, quy trình thực hiện, cách giám sát tình hình thực hiện của hệ thống ngân hàng về kiểm soát các khoản tín dụng hỗ trợ biến đổi khí hậu. Triển khai phân loại danh mục các dự án, phương án kinh doanh có nguy cơ tác động đến môi trường để từ đó có cơ sở thực hiện các chính sách tín dụng phù hợp nhằm hỗ trợ cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả. Theo cách này, các ngân hàng có thể tập trung đầu tư ở những công ty và dự án có hiệu quả cao về mặt môi trường - xã hội cũng như tài chính. Điều này sẽ giúp các ngân hàng bảo vệ được danh mục tài sản của mình bằng cách giảm các khoản cho vay kém hiệu quả hoặc nợ xấu, từ đó giúp tăng cường sự ổn định về tài chính.
Bốn là, cần phải xây dựng được khung chính sách nhằm cải thiện công tác quản lý rủi ro môi trường, xã hội, xây dựng và áp dụng các mô hình, phương pháp đo lường rủi ro và kiểm tra sức chịu đựng (stress testing) liên quan đến biến đổi khí hậu trong việc hoạch định chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp với các thách thức mới trên cơ sở chú trọng các yếu tố bền vững trong các quyết định đầu tư. Đặc biệt, cần chú ý xem xét, đánh giá tác động đối với ổn định tài chính từ ba khía cạnh rủi ro chính gồm rủi ro vật chất (thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng, đất đai…), rủi ro chuyển đổi (thiệt hại có thể do những thay đổi trong chính sách khí hậu, công nghệ, tâm lý thị trường và người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm phát thải khí nhà kính) và rủi ro trách nhiệm (thiệt hại tài chính từ những đòi hỏi bồi thường của các tổ chức/doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các rủi ro vật chất và rủi ro chuyển đổi nêu trên) để từ đó giúp hạn chế được những rủi ro và phát huy được tính hiệu quả của chính sách tín dụng về ứng phó biến đổi khí hậu.
Kết luận
Ứng phó biến đổi khí hậu là một vấn đề không đơn giản, để hoạt động này đạt được tính hiệu quả thì đòi hỏi có sự chung tay góp sức của nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có ngành Ngân hàng. Chính sách tín dụng xanh và bền vững của hệ thống ngân hàng sẽ là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để có thể đạt được mục tiêu về ứng phó biến đổi khí hậu cũng như các mục tiêu về phát triển bền vững. Trong đó, hệ thống ngân hàng sẽ là trọng tâm của quá trình phát triển bền vững và các hành động về biến đổi khí hậu. Vì vậy, có thể thấy rằng, ngân hàng là một chủ thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu về ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
1 Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (2017), Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Nxb Thanh Niên, trang 6.
2 Đỗ Thành (2012), Những tác động tới sức khỏe của biến đổi khí hậu, Cục Quản lý môi trường Y tế, truy cập ngày 08/01/2022, <https://vihema.gov.vn/nhung-tac-dong-toi-suc-khoe-cua-bien-doi-khi-hau.html>.
3 Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Kịch bản biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cho Việt Nam, Nxb. Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội.
4 Hữu Nguyên (2012), 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh sẽ bị ngập nếu nước biển dâng một mét, VnExpress, truy cập ngày 08/01/2022, <https://vnexpress.net/20-dien-tich-tp-hcm-se-ngap-neu-nuoc-bien-dang-mot-met-2401582.html>.
5 Tổng cục Khí tượng thủy văn (2021), Đẩy mạnh ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Khí tượng thủy văn Việt Nam, truy cập ngày 08/01/2022, <http://vmha.gov.vn/tin-tuc-bdkh-112/day-manh-ung-pho-bien-doi-khi-hau-nuoc-bien-dang-10645.html>.
6 Linh Thùy (2022), 175 người chết và mất tích do thiên tai trong năm 2022, Sức khỏe và Cộng đồng, truy cập ngày 10/01/2022, <https://suckhoedoisong.vn/175-nguoi-chet-va-mat-tich-do-thien-tai-trong-nam-2022-169221230190143398.htm>.
7 Chí Tín, “Tín dụng xanh đạt tốc độ tăng trưởng 25%/năm”, Thời báo Tài chính, truy cập ngày 08/01/2023, < https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-dung-xanh-dat-toc-do-tang-truong-25nam-114196.html>
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 của Thống đốc NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
2. Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Thống đốc NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 NQ/CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Kịch bản biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cho Việt Nam, Nxb. Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội.
4. Hữu Nguyên (2012), 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh sẽ bị ngập nếu nước biển dâng một mét, VNExpress, truy cập ngày 08/01/2022, <https://vnexpress.net/20-dien-tich-tp-hcm-se-ngap-neu-nuoc-bien-dang-mot-met-2401582.html>.
5. Chí Tín, “Tín dụng xanh đạt tốc độ tăng trưởng 25%/năm”, Thời báo Tài chính, truy cập ngày 08/01/2023, < https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-dung-xanh-dat-toc-do-tang-truong-25nam-114196.html>
6. Đỗ Thành (2012), Những tác động tới sức khỏe của biến đổi khí hậu, Cục quản lý môi trường Y tế, truy cập ngày 08/01/2022, <https://vihema.gov.vn/nhung-tac-dong-toi-suc-khoe-cua-bien-doi-khi-hau.html>.
7. Linh Thùy (2022), 175 người chết và mất tích do thiên tai trong năm 2022, Sức khỏe và Cộng đồng, truy cập ngày 10/01/2022, <https://suckhoedoisong.vn/175-nguoi-chet-va-mat-tich-do-thien-tai-trong-nam-2022-169221230190143398.htm>.
8. Tổng cục Khí tượng thủy văn (2021), Đẩy mạnh ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Khí tượng thủy văn Việt Nam, truy cập ngày 08/01/2022, <http://vmha.gov.vn/tin-tuc-bdkh-112/day-manh-ung-pho-bien-doi-khi-hau-nuoc-bien-dang-10645.html>.
9. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (2017), Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, NXB Thanh Niên.
10. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (2020), Báo cáo về công tác khắc phục hậu quả bão, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung.
ThS. Trần Linh Huân
Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh