Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn coi nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên và đã có nhiều chính sách, giải pháp khuyến khích đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn về vốn vay. Thời gian tới, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm.
Nhiều chính sách hỗ trợ về vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn
NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, sau đó được thay thế bởi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP). Trong đó, quy định chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị nông sản như: Quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh, doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được vay không có tài sản bảo đảm từ 70% đến 80% giá trị dự án, phương án; quy định về cơ chế xử lý nợ đặc thù (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ) khi xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng…
Đặc biệt, thực hiện chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 02/2017 ngày 07/3/2017 của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, NHNN đã chỉ đạo các TCTD dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5% - 1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đẩy mạnh triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để hộ dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, NHNN cũng cho phép các TCTD được cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các khách hàng thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu trong việc lựa chọn nguồn vốn vay với chi phí phù hợp…
Mới đây, NHNN cũng phối hợp các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Nghị định số 31) và kịp thời ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn triển khai Nghị định số 31, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có người nông dân tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, qua đó phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn chính thức cho người dân khu vực nông thôn
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế “tín dụng đen (tại Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019) và chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng cung ứng vốn của các TCTD, cũng như khả năng tiếp cận tín dụng chính thức để phục vụ các nhu cầu vay vốn tiêu dùng hợp pháp của người dân, nhất là đối tượng người nghèo, người lao động thu nhập thấp. Cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến.
Từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp như: Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hướng mở rộng mục đích vay vốn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng, tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ. Năm 2020, Thống đốc NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng thời, Thống đốc NHNN đã hai lần sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và hỗ trợ hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo dòng vốn không bị đứt đoạn, doanh nghiệp không giải thể. Đến thời điểm hiện nay, hơn 2 triệu tỷ đồng đã được hưởng từ chính sách này, gần 700.000 tỷ đồng đã được thực hiện cơ cấu, hoãn, giãn những khoản nợ đến thời hạn phải trả, hơn 40.000 tỷ đồng bằng nguồn lực của ngân hàng thương mại (NHTM) đã hỗ trợ, giảm, giãn, hoãn các khoản lãi cho doanh nghiệp nói chung trong đó có rất nhiều doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng ban hành Thông tư số 10/2021/TT-NHNN ngày 21/7/2021 quy định về việc tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động.
NHNN cũng hoàn thiện cơ chế hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận vốn, gia hạn chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo; nâng mức cho vay; giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030 và xây dựng Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, nhằm phát huy vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc huy động tối đa các nguồn lực nhà nước và tư nhân, đảm bảo trong tương lai, mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam đều sẽ được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý.
Nhằm gia tăng tiện ích, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng khi tiếp cận dịch vụ tài chính, NHNN cũng đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách quan trọng tạo điều kiện cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thúc đẩy áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng (eKYC, Mobile-Money, Fintech, thanh toán không dùng tiền mặt).
Thứ hai, NHNN điều hành chính sách tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Cụ thể, chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản;...
Theo NHNN, đến ngày 27/5/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,75% so với cuối năm 2021. Trong đó, đến cuối tháng 4/2022, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 6,7% so với cuối năm 2021. Các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 8,93% so với cuối năm 2021. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn.
Thứ ba, tạo điều kiện phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 TCTD và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân; 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc; 04 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch thuộc 24 tỉnh, thành phố.
Thứ tư, đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp: NHCSXH đang triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng với lãi suất ưu đãi (chỉ từ 3,3% - 6,6%, thấp hơn so với lãi suất cho vay của các NHTM, công ty tài chính và không cần tài sản bảo đảm). Theo số liệu của NHCSXH, đến cuối tháng 4/2022, dư nợ đạt 262.917 tỷ đồng, tăng 6,03% so với ngày 31/12/2021, với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Bên cạnh đó, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động thu nhập thấp, không thể chứng minh được tài sản bảo đảm còn có thể tiếp cận các khoản vay của công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân. Công ty tài chính cho vay đối với khách hàng chưa hoặc khó tiếp cận được dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản bảo đảm có nhu cầu vay món nhỏ, thời gian ngắn, mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Tính đến ngày 31/3/2022, các tổ chức tài chính vi mô cho vay khách hàng tài chính vi mô chiếm 94,5% tổng dư nợ, các khoản cho vay này đều không yêu cầu tài sản bảo đảm, các thủ tục, chính sách cho vay của tổ chức tài chính vi mô đã được thiết kế phù hợp với đặc thù của nhóm đối tượng này.
Thứ năm, tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen”; xây dựng các chương trình truyền hình về giáo dục tài chính giúp người dân có đầy đủ kiến thức cần thiết, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức.
Tăng cường khả năng cung ứng vốn, đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn “tín dụng đen” tại nông thôn
Trong thời gian tới, NHNN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành nghiêm túc, quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Chính phủ và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung:
(i) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
(ii) Khuyến khích các TCTD phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng cường khả năng cung ứng tín dụng, dịch vụ ngân hàng chính thức.
(iii) Chỉ đạo TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
(iv) Triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
(v) Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện, chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng an toàn, hiệu quả.
(vi) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng tập trung chấn chỉnh lại hoạt động cho vay, có chính sách lãi suất phù hợp, thu nợ bảo đảm minh bạch, đúng quy định pháp luật.
(vii) Tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, để hạn chế “tín dụng đen”, bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng còn cần có sự phối hợp triển khai giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hậu quả của các hình thức “tín dụng đen” để người dân hiểu, cảnh giác và không tham gia, đặc biệt là người dân ở nông thôn, đồng bào vùng sâu, vùng xa có ít thông tin, hiểu biết về “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp; các hộ nông dân cũng phải có dự án, rõ ràng, khả thi, hiệu quả thì việc thẩm định và hỗ trợ vốn cũng nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Việc đẩy lùi “tín dụng đen” phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Bộ Công an cần phối hợp với NHNN nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Cổng thông tin điện tử Chính phủ: chinhphu.vn
2. Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
3. Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
4. Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
5. Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
6. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
7. Nghị quyết số 30/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 02/2017 ngày 07/3/2017 của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao.
Phan Minh Hà (NHNN)