Việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) phát triển hiệu quả, thực hiện tốt vai trò là công cụ chính sách của NHNN về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, giữ vững ổn định hệ thống tài chính và nâng cao lòng tin của công chúng vào hệ thống tài chính quốc gia.
Trong lĩnh vực BHTG, việc chủ động ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa mô hình quản lý, các quy trình nghiệp vụ để trở thành tổ chức BHTG hiệu quả theo chuẩn quốc tế, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Với việc hoàn thành và đưa vào triển khai Dự án Hệ thống Thông tin Quản lý và Hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS), BHTGVN đã xây dựng được nền tảng đồng bộ về CNTT (cho cả hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý), từ đó, bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Hiện đại hóa theo tiêu chuẩn quốc tế
Với hệ thống CNTT và truyền thông tiên tiến, hiện đại, BHTGVN sẽ tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của tổ chức theo đúng quy định pháp luật và tiếp cận với các thông lệ tiên tiến trên thế giới. Thông qua đó, tăng cường lợi ích đối với các tổ chức tham gia BHTG và đối với người gửi tiền.
Hệ thống mới được xây dựng đã tin học hóa toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN; giúp tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những rủi ro hay vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng.
Cụ thể, đối với hoạt động giám sát từ xa, việc triển khai hiệu quả nghiệp vụ này sẽ là cơ sở quan trọng để tham chiếu cho các hoạt động khác của BHTGVN như kiểm tra tại chỗ và chi trả, thanh lý…
Thành công của Dự án Hiện đại hóa hệ thống CNTT cũng góp phần hỗ trợ việc triển khai hệ thống báo cáo nội bộ và quản lý tài liệu với quy mô phù hợp nhu cầu. Cơ chế quản lý thông tin giúp gánh nặng báo cáo được giảm bớt do thông tin được dễ dàng tra cứu, các nguồn lực được tối ưu hóa và việc ra quyết định của các cấp lãnh đạo cũng được thực hiện nhanh chóng.
Bên cạnh đó, hoạt động quản trị nội bộ của BHTGVN như: kế toán, ngân sách, nguồn nhân lực, quản lý tài liệu và kiểm toán nội bộ cũng sẽ được hỗ trợ với hệ thống ERP (Quản lý nguồn lực nội bộ) được tích hợp, vận hành trên nền tảng công nghệ mới. Hệ thống Quản lý báo cáo và tài liệu (DCM) được đưa vào sử dụng đã hỗ trợ xử lý điện tử các quy trình công văn đi/đến; số hóa và lưu trữ tập trung tài liệu và báo cáo; hỗ trợ chia sẻ thông tin giữa các phòng, ban, chi nhánh nhanh chóng, thuận tiện và chính xác; đồng thời giảm thiểu giấy tờ và hoạt động thủ công trong xử lý công việc.
Vận hành hệ thống quy trình nghiệp vụ mới, BHTGVN có thể tính và thu phí BHTG chính xác hơn, đồng thời, chủ động theo dõi, đôn đốc tình hình nộp phí của các tổ chức tham gia BHTG, giảm thiểu thời gian và nguồn lực phục vụ hoạt động kiểm tra tại chỗ.
Đến nay, BHTGVN đã hoàn thành việc cài đặt, lắp đặt hệ thống máy chủ tại Trung tâm dữ liệu và Trung tâm dự phòng. Các ứng dụng phần mềm đã được cài đặt trên hệ thống máy chủ, máy trạm và vận hành chính thức. Hệ thống Video Coference đưa vào vận hành giúp thu hẹp khoảng cách địa lý trong các buổi họp, hội thảo và đào tạo, tiết kiệm chi phí và thời gian cho BHTGVN.
Việc kết nối dữ liệu từ NHNN về BHTGVN cũng đã thông suốt, phục vụ tích cực cho các hoạt động nghiệp vụ.
Góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng
Ứng dụng, hiện đại hóa hệ thống CNTT khi được triển khai rộng rãi sẽ giúp nâng cao hiệu quả chia sẻ, sử dụng thông tin với báo cáo kịp thời, tin cậy. Cụ thể, các tổ chức tham gia BHTG có thể giảm gánh nặng báo cáo thông qua cơ chế chia sẻ thông tin minh bạch, bảo mật, thống nhất giữa NHNN và BHTGVN, giữa tổ chức tham gia BHTG và BHTGVN. Đây cũng là nền tảng đảm bảo việc chi trả chính xác, kịp thời cho người gửi tiền; qua đó, góp phần nâng cao lòng tin của công chúng vào chính sách BHTG và hệ thống tài chính - ngân hàng.
Đối với BHTGVN, việc được khai thác trực tiếp kho dữ liệu của NHNN trên hệ thống mới sẽ giúp BHTGVN phân tích, đánh giá tình hình tài chính, mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG. Đặc biệt, thông qua việc thay đổi từ giám sát tuân thủ sang giám sát tuân thủ kết hợp giám sát trên cơ sở rủi ro sẽ giúp BHTGVN phát hiện từ xa những sai phạm của các tổ chức, từ đó, đưa ra cảnh báo sớm đối với các tổ chức đó, góp phần ngăn chặn sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng.
Triển khai hệ thống CNTT hiện đại cũng góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và duy trì bền vững hệ thống tài chính. Với việc được tiếp cận đầy đủ thông tin về hoạt động của các TCTD từ NHNN, BHTGVN có thể hỗ trợ tích cực NHNN khi xảy ra tình huống chi trả, đảm bảo việc chi trả chính xác, kịp thời cho người gửi tiền, nâng cao lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính quốc gia.
Có thể nói, triển khai thành công Dự án mang lại lợi ích không chỉ cho BHTGVN mà cả tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền. Việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ giúp BHTGVN phát triển hiệu quả, thực hiện tốt vai trò là công cụ chính sách của NHNN về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, giữ vững ổn định hệ thống tài chính và nâng cao lòng tin của công chúng vào hệ thống tài chính quốc gia.
FSMIMS là dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ nhằm hỗ trợ ba tổ chức: NHNN Việt Nam, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) và BHTGVN nâng cao chất lượng nghiệp vụ để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế thông qua xây dựng một hệ thống tập trung, tích hợp các quy trình trên cơ sở kiến trúc CNTT hiện đại, qua đó, góp phần tăng cường năng lực thể chế để thực hiện tốt các nghiệp vụ có liên quan.
Lấy phát triển hạ tầng CNTT làm nền tảng, dự án được phát triển trên cơ sở hiểu rõ nhu cầu người sử dụng kết hợp với các quy trình nghiệp vụ và công cụ mới phù hợp với mục tiêu phát triển chung của Ngành.
Với việc tăng cường tiếp cận của cán bộ với hệ thống thông tin/báo cáo được số hóa, dự án sẽ từng bước đưa BHTGVN hướng tới một mô hình tổ chức BHTG hiệu quả theo thông lệ quốc tế.
CTV
Nguồn: TCNH số 14/2019